Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 22/10/2020

  • |
T5g.org.vn - Thủ tướng bổ nhiệm Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long kiêm nhiệm Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia; Bà Rịa - Vũng Tàu: Thu hồi hơn 3,4 tỷ đồng chi sai bảo hiểm y tế…

 

Báo động gia tăng ca mắc tay chân miệng và sốt xuất huyết

Chiều 21-10, bác sĩ Lê Hồng Nga, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM, cho biết, số ca mắc tay chân miệng (TCM) trên địa bàn thành phố đã có dấu hiệu tăng sau nhiều ngày chững lại.

Trong tuần qua, tại TPHCM ghi nhận 886 ca tay chân miệng, trong đó các quận: 5, Bình Thạnh, Gò Vấp và huyện Cần Giờ, ghi nhận số ca bệnh trong tuần tăng trên mức độ cảnh báo.

Tại Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1 TPHCM, từ đầu tháng 10 đến nay, số trẻ TCM điều trị tại BV bắt đầu tăng. Bác sĩ Dư Tuấn Quy, Phó trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh, BV Nhi đồng 1 cho biết, trung bình mỗi ngày khoa tiếp nhận nội trú mới khoảng 20 trẻ. Tổng số bệnh nhi nằm viện dao động 40-50 trẻ, trong đó luôn có 3-4 bé bị nặng, phải hồi sức tích cực. Riêng phòng khám ngoại trú tiếp nhận 200 trẻ bị TCM mỗi ngày.

Theo thống kê của BV Nhi đồng 1, từ giữa tháng 10 đến nay, mỗi ngày BV tiếp nhận hơn 8.000 lượt khám chữa bệnh, gần bằng ngày cao điểm tháng 9-2019 (hơn 8.400 ca).

Trong khi đó, tại BV Nhi đồng 2, số lượt khám chữa bệnh cũng tăng mạnh từ 8.075 đến 8.237 ca/ngày, gần bằng ngày cao điểm nhất của tháng 9-2019 (hơn 8.300 ca). Các bệnh khiến trẻ đi khám nhiều nhất là: viêm mũi họng, viêm phế quản cấp, viêm tiểu phế quản, viêm họng, rối loạn tiêu hóa, viêm phổi...

Cùng ngày, Bộ Y tế cho biết, tính đến giữa tháng 10, cả nước đã ghi nhận trên 71.000 người mắc sốt xuất huyết (SXH). Mặc dù so với cùng kỳ năm ngoái, số ca mắc SXH giảm khá nhiều nhưng trong vài tuần gần đây số người mắc SXH đang có chiều hướng gia tăng.  Qua giám sát của Cục Y tế dự phòng cho thấy, 57% ca mắc SXH ghi nhận tại miền Nam, 33% tại miền Trung, Tây Nguyên chiếm 6% và miền Bắc là 4%. Đến nay, dịch SHX không có nhiều diễn biến bất thường so với các năm trước. Tuy nhiên, giai đoạn từ tháng 10 và 11 là mùa cao điểm của dịch SXH khi thời tiết vào mùa mưa, khí hậu rất thuận lợi cho muỗi vằn truyền bệnh sinh sôi, phát triển.  (Sài Gòn giải phóng, trang 1).

 

Bà Rịa - Vũng Tàu: Thu hồi hơn 3,4 tỷ đồng chi sai bảo hiểm y tế

UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa có văn bản yêu cầu thu hồi số tiền hơn 3,4 tỷ đồng do sai phạm trong quá trình khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế tại 11 cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn.

Theo đó, qua công tác thanh tra về việc quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm y tế từ năm 2014 đến tháng 9-2019, cơ quan chức năng phát hiện nhiều chi phí thực hiện không đúng quy trình khám chữa bệnh BHYT như: chi phí điện châm, chi phí dịch vụ hồng ngoại, chi phí điều trị tủy răng và nhiều chi phí khác nên đã yêu cầu thu hồi số tiền sai phạm.

Ngoài ra, cơ quan chức năng phát hiện 118 y bác sĩ chưa có chứng chỉ hành nghề, chưa được phê duyệt hành nghề nhưng đã thực hiện việc khám chữa bệnh. Theo báo cáo của BHXH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trong giai đoạn nêu trên, ngành BHXH đã từ chối thanh toán số tiền hơn 57,7 tỷ đồng do nhiều sai phạm từ các cơ sở khám chữa bệnh và người bệnh.

Ngoài số tiền phải thu hồi, tỉnh cũng yêu cầu kiểm điểm lãnh đạo phụ trách và các phòng chuyên môn để xảy ra sai phạm; đồng thời báo cáo kết quả thực hiện để báo cáo Thanh tra Chính phủ. (Sài Gòn giải phóng, trang 10).

 

Cứu bé 2 tuổi bị chó Alaska cắn rách khí quản

Ngày 21.10, Bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM, cho biết vừa kích hoạt quy trình "báo động đỏ" để cứu bệnh nhi bị rách khí quản do chó Alaska cắn nguy kịch.

Trước đó, bé trai 2 tuổi (ngụ Bình Phước) đang chơi với chị gái (5 tuổi) cùng 2 chú chó Alaska trước nhà. Trong lúc đùa giỡn, bất ngờ 1 chú chó Alaska cắn trúng phần cổ của bé trai.

Nghe tiếng bé khóc thét, bố mẹ ra cứu đưa bé đi cấp cứu tại bệnh viện địa phương với vết thương vùng khí quản dài khoảng 0,2 cm, bé thở phì phò qua vết thương. Sau khi rửa sạch vết thương, băng ép, bé được chuyển tới Bệnh viện Nhi đồng 2.

Trong vòng 5 phút từ lúc nhập viện, bệnh nhi bị chó Alaska cắn được chuyển đến phòng mổ, toàn bộ tua trực được huy động ngay lập tức để sẵn sàng cho mọi tình huống xảy ra.

Dưới sự hỗ trợ của ê kíp gây mê, các bác sĩ tai mũi họng nhanh chóng đánh giá vết thương hở vùng cổ, nội soi khí quản và phát hiện đường thở bị rách, không khí thay vì đi vào phổi thì bị xì qua vị trí rách làm bệnh nhi thở yếu và thiếu ô xy. Theo bác sĩ, rất may là các mạch máu lớn không bị tổn thương.

Sau khi đánh giá và kiểm soát tình hình, các bác sĩ tiến hành đặt nội khí quản qua vị trí rách, chuyển bệnh nhi về khoa hồi sức và tiến hành chụp cắt lớp vùng cổ để đánh giá các tổn thương nằm sâu có thể bị bỏ sót.

Bệnh viện Nhi đồng 2 đã hội chẩn toàn viện để lên phương án điều trị tối ưu nhất cho bệnh nhi bị chó Alaska cắn.

Ngay trong ngày hôm sau, bệnh nhi được mổ khâu lại khí quản và chỉnh hình các thương tổn đi kèm. Ca mổ diễn ra thuận lợi và bệnh nhi đang hồi phục tốt sau mổ, xuất viện.

Bác sĩ CK.2 Nguyễn Tường Thy (Khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Nhi đồng 2) cho biết trường hợp bị chó Alaska cắn này đặc biệt nguy hiểm vì thương tổn nằm ở khí quản. Bệnh nhi có thể bị chết não nếu đường thở bị tắc nghẽn và không thể cung cấp ô xy cho não sau vài phút. May mắn cho bệnh nhi khi thương tổn chỉ rách 1 phần khí quản, không tổn thương mạch máu lớn và được xử trí rất nhanh, hiệu quả ngay từ đầu.

Để hạn chế những tai nạn thương tâm tương tự như bệnh nhi bị chó Alaska cắn, bác sĩ khuyến cáo các bậc phụ huynh nên hạn chế nuôi chó khi có con nhỏ trong nhà, nếu có thì tuyệt đối không để bé chơi một mình với chó mà không có ai quan sát. Khi nuôi chó cần chích ngừa đầy đủ, đeo rọ mõm khi ra ngoài đường, xích chó khi không có người trông giữ. (Thanh niên, trang 7).

 

TP.HCM tăng cường điều trị ngoại trú bệnh tay chân miệng

Theo thông tin từ một số bệnh viện (BV) tại TP.HCM, ngoài các bệnh liên quan đến hô hấp, đường tiêu hóa... gia tăng, thì bệnh tay chân miệng (TCM) đang tăng so với các tuần trước, cần cảnh báo vì bệnh dễ lây lan trong trường học, đặc biệt là ở lớp nhà trẻ, mẫu giáo, nhóm trẻ gia đình…

Tại BV Nhi đồng 1, theo bác sĩ (BS) Dư Tuấn Quy, Phó trưởng khoa Nhiễm - thần kinh BV này, số ca TCM điều trị nội trú là 70 ca, tăng 50% so với tuần trước, trong đó có 40 ca bệnh nặng. BV tăng cường điều trị ngoại trú và hiện có khoảng 200 ca điều trị ngoại trú tái khám mỗi ngày hoặc cách 2 ngày. Còn BV Nhi đồng 2 tiếp nhận 20 - 25 ca TCM nội trú/ngày, có ngày hơn 30 ca. BV này cũng tăng cường điều trị ngoại trú 150 ca/ngày, có ngày 214 ca. BS Nguyễn Thanh Trường, Phó giám đốc BV Bệnh nhiệt đới, cho biết hiện BV đang điều trị 17 ca TCM, tăng nhẹ so với các tuần trước.

Theo BS Dư Tuấn Quy, biểu hiện ban đầu của bệnh TCM ở trẻ em đa số là nổi ban ở tay, chân, gối, mông, hoặc loét miệng. Một số trẻ sốt không đáp ứng hạ sốt, ngủ giật mình chới với… là dấu hiệu nặng của TCM cần phải đi BV ngay. Các biến chứng thần kinh não do TCM cần lưu ý vì rất dễ nhầm lẫn với các bệnh khác, đó là biểu hiện run, đi không vững; hoặc thở hơi bất thường (dễ nhầm viêm hô hấp).

Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), bệnh TCM (kể cả sốt xuất huyết) bắt đầu tăng từ tháng 7, và tăng mạnh hơn trong tháng 8, 9... Năm 2020, do đại dịch Covid-19, các biện pháp phòng bệnh được đẩy mạnh, thông điệp rửa tay cùng các biện pháp dự phòng không dùng thuốc đối với nhóm bệnh lây truyền trực tiếp như Covid-19, TCM, sởi, cúm... đã góp phần làm giảm bệnh TCM trong 3 tháng đầu năm nay. Khi bước sang trạng thái bình thường mới, các trường học cùng nhiều hoạt động vui chơi mở cửa lại, nguy cơ gia tăng bệnh TCM là điều được dự báo. Nhận thấy nguy cơ từ các dịch bệnh, nguy cơ xuất hiện bệnh bạch hầu từ nơi khác mới đến TP, nguy cơ xâm nhập Covid-19, HCDC đã xây dựng nhiều giải pháp phòng chống phù hợp. (Thanh niên, trang 16).

 

Đề xuất “phạt nguội” người không đeo khẩu trang

Chiều 21/10, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý chủ trì họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19.

 Báo cáo tại cuộc họp, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, hiện nay dịch bệnh tại nước ta đã được kiểm soát, trong thời gian vừa qua chỉ ghi nhận các trường hợp mắc từ nước ngoài nhập cảnh và đã được cách ly tập trung ngay khi vào Việt Nam.

 Tại Hà Nội từ 17/8 đến nay không ghi nhận ca mắc mới COVID-19 ngoài cộng đồng. Tuy nhiên theo nhận định của các chuyên gia dịch bệnh hoàn toàn có thể quay trở lại và bùng phát với các lý do như mầm bệnh có thể còn tồn tại trong cộng đồng; nguy cơ dịch xâm nhập khi mở lại các đường bay thương mại và từ những người nhập cảnh trái phép vì trên thế giới dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp.

 Cùng với đó, tâm lý chủ quan của một số bộ phận người dân, cơ quan, đơn vị và thời tiết mùa Đông sắp tới sẽ là điều kiện thuận lợi cho virus phát triển. Chính vì vậy các đơn vị cần phải tập trung thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch, không được có tâm lý chủ quan, lơ là khi cảm thấy dịch bệnh đã được kiểm soát.

 “Ưu tiên hàng đầu hiện nay là phải đeo khẩu trang. Hiện nay,số người đeo khẩu trang rất ít. Để làm tốt việc này tôi đề xuất cán bộ phải gương mẫu thực hiện đeo khẩu trang; tăng cường kiểm tra các phường xã nhất là khi Nghị định số 117/2020 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế đã có hiệu lực. Trong đó có nội dung sẽ xử phạt nếu không thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch trong đó có đeo khẩu trang”, ông Hạnh nói.

 Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho rằng, từ lãnh đạo thành phố đến mỗi cán bộ phải gương mẫu, chủ động đeo khẩu trang. Các cuộc họp phải chủ động bố trí khoảng cách đảm bảo, tăng cường giao ban trực tuyến. Các quận huyện ngoài việc kiểm tra các cơ sở kinh doanh cần siết chặt việc đeo khẩu trang ở khu chung cư. Các cơ quan báo chí tăng cường phản ánh các vi phạm, phạt “nguội” để răn đe.

 Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý nêu rõ, người dân và các tổ chức, doanh nghiệp đã chủ quan trong việc phòng chống dịch. Vừa qua Thủ tướng có nhắc nhở Hà Nội không được chủ quan, yêu cầu rõ phải thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang. Ông Quý yêu cầu, tất cả mọi người phải đeo khẩu trang ở nơi công cộng, phương tiện công cộng, các sự kiện đông người, các sự kiện thể thao…

 “Như ở sân vận động Hàng Đẫy, 3.000 người vào xem đá bóng dù ngồi cách nhau 2 mét vẫn phải đeo khẩu trang. Nếu không thực hiện dứt khoát không cho tổ chức các sự kiện đông người”, ông Quý nói.

 Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, với các sự kiện đông người trên địa bàn,trung tâm thương mại, siêu thị… đều có lực lượng chức năng ứng trực, cần kiểm soát tốt ngay từ đầu vào.

“Như ở phố đi bộ, ai không đeo khẩu trang nhất định không cho vào. Ngay cả Trưởng Ban Chỉ đạo phòng dịch thành phố mà không đeo khẩu trang cũng mời ra ngoài”, ông Quý nói.

Ông Quý cũng yêu cầu các đơn vị tiếp tục tập trung tuyên truyền khuyến cáo “5K” của Bộ Y tế; xử lý nghiêm các trường hợp không đeo khẩu trang; sẵn sàng các phương án xử lý khi có ca nghi ngờ; chuẩn bị sẵn sàng vật tư phòng dịch; quản lý chặt chẽ các khu cách ly tập trung…

 “Nếu không kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm thì hiệu quả sẽ không cao. Phải có chuyển biến tích cực ngay trong tuần sau”, ông Quý nói, đồng thời yêu cầu các quận huyện kiểm tra toàn diện công tác phòng dịch trên địa bàn; các sở ngành kiểm tra nghiêm túc các lĩnh vực mình quản lý… (Tiền phong, trang 15).

Cùng chủ đề Báo Hà Nội mới, trang 1: “Quyết tâm tạo chuyển biến tích cực về việc đeo khẩu trang phòng dịch Covid-19”.

 

Công tác chăm sóc y tế ngày càng được tăng cường, chất lượng khám chữa bệnh nâng cao

Đó là nội dung tại Dự thảo báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016 – 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025 trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng để lấy ý kiến nhân dân.

Theo báo cáo, công tác y tế và chăm sóc sức khoẻ nhân dân ngày càng được tăng cường, chất lượng dân số từng bước được cải thiện, chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh được nâng cao và từng bước giải quyết tình trạng quá tải bệnh viện tuyến trên.

Chất lượng dân số từng bước được cải thiện, tuổi thọ trung bình đến năm 2020 ước đạt khoảng 73,7 tuổi, tăng so với năm 2015 (73,3 tuổi).

Các giải pháp duy trì mức sinh thấp hợp lý tiếp tục được thực hiện, kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; đã triển khai các giải pháp nhằm hạn chế tai biến sản khoa, giảm tử vong bà mẹ và trẻ em. Duy trì tổng tỉ suất sinh ở mức thay thế, ước năm 2020 là 2,09 con/phụ nữ, giảm so với mức 2,1 con/phụ nữ năm 2015.

Hệ thống y tế dự phòng từ Trung ương đến địa phương và mạng lưới y tế cơ sở được tiếp tục củng cố và phát triển; đã từng bước kiểm soát được dịch bệnh COVID-19, không để lây lan trên diện rộng, được ghi nhận, đánh giá cao. Tỉ lệ bác sĩ trên 1 vạn dân tăng từ 8,2 bác sĩ năm 2016 lên 9 bác sĩ năm 2020, đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Công tác dự phòng, phát hiện sớm, quản lý các bệnh không lây nhiễm được chú trọng; triển khai đồng bộ hệ thống quản lý tiêm chủng tới tất cả các điểm cho người dân; tăng cường quản lý môi trường y tế, vệ sinh môi trường; tích cực phòng, chống bệnh nghề nghiệp, tai nạn thương tích, y tế học đường; năng lực giám sát, dự báo, phát hiện và khống chế dịch bệnh được nâng lên. Tình hình ngộ độc thực phẩm đã có xu hướng giảm.

Đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ và từng bước giải quyết tình trạng quá tải bệnh viện tuyến trên và tăng cường thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; phát triển và nhân rộng mô hình bác sĩ gia đình.

Ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ nhân dân, đặc biệt là triển khai nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh trực tuyến, từ xa. Nhiều dịch vụ y tế kỹ thuật cao, tiên tiến được áp dụng. Đã hình thành 3 trung tâm y tế chuyên sâu và đang thực hiện đầu tư xây dựng mới 5 bệnh viện tuyến Trung ương và tuyến cuối tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Số giường bệnh trên 1 vạn dân ước đạt 28 giường vào năm 2020, vượt mục tiêu đề ra (26,5). Đã xây dựng Chương trình phát triển y dược cổ truyền, kết hợp y dược cổ truyền với y học hiện đại.

Công nghiệp dược phát triển khá. Đã cung ứng được thuốc đủ về số lượng, kiểm soát về chất lượng và giá cả hợp lý cho khám, chữa bệnh và phòng, chống dịch bệnh, thiên tai. Thuốc sản xuất trong nước chiếm 74% mặt hàng, đáp ứng được trên 50% về lượng và 40% về giá trị; đã sản xuất được 11/12 loại vaccine sử dụng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, đã sản xuất được nhiều loại thuốc đòi hỏi công nghệ cao. Triển khai thí điểm quản lý bán thuốc theo đơn, quản lý các nhà thuốc bằng công nghệ thông tin. Đã hoàn thành việc xây dựng gói dịch vụ y tế cơ bản, đổi mới mạnh mẽ cơ chế tài chính y tế. Nhiều giải pháp để hạn chế tình trạng lạm dụng Quỹ bảo hiểm y tế đã được thực hiện. Tỉ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế dự báo đến năm 2020 đạt khoảng 90,7%, tăng mạnh so với năm 2015 (76,5%), vượt mục tiêu đề ra (80%). (Gia đình & Xã hội, trang 6).

 

Trẻ bị bệnh hô hấp tăng kỷ lục

Số trẻ em mắc bệnh hô hấp nhập viện điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) đã tăng cao nhất trong năm và gấp 3 lần so với khoảng thời gian trước đó. Các bác sĩ cho biết bão cũng làm số trẻ mắc bệnh hen suyễn nhập viện gia tăng.

Sáng 19-10, ngoài hành lang của khoa hô hấp Bệnh viện Nhi đồng 1 có rất nhiều bà mẹ ẵm con đợi đến lượt bác sĩ khám. Trong các phòng bệnh của khoa có rất đông bệnh nhi nằm điều trị.

4 trẻ chung 1 giường bệnh

Trong phòng 201, chị H.T.N. (31 tuổi, ở Long An) đang đứng bên giường bệnh để chăm cho hai con gái sinh đôi của chị mới được 3 tháng tuổi. Chị N. kể hơn 30 tuần chị sinh hai bé ở Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM, sau đó chị đưa hai con về nhà.

Khi hai con chị 1 tháng tuổi, một bé bị viêm phổi chị phải đưa đến khoa hô hấp Bệnh viện Nhi đồng 1 điều trị khoảng 1 tháng. Chị vừa đưa bé này về thì bé kia lại có triệu chứng ho, sốt. Sau đó, cả hai bé cùng có triệu chứng bệnh nên chị đưa cả hai bé lên khoa hô hấp điều trị.

Chồng chị đi làm ở quê, một mình chị ở bệnh viện chăm hai bé. Những ngày này khoa hô hấp thật đông bệnh nhi nên chị chăm con rất vất vả. Giường bệnh của con chị có 4 trẻ nằm điều trị. Ban ngày các bé nằm đủ trên giường nhưng đến đêm thì một bà mẹ có con lớn hơn đưa bé ra ngoài hành lang ngủ để nhường giường lại cho những bé khác.

Một bà mẹ khác gần bên, ngụ ở Vũng Tàu, cũng đang chăm con trai 3 tuổi mắc bệnh viêm phổi. Khi được hỏi: "Tại sao chị không đưa con đến bệnh viện gần nhà điều trị cho rộng rãi?" thì chị này trả lời luôn: "Không phải riêng bé này, bé lớn bị bệnh hô hấp tôi cũng đưa lên đây điều trị cho chắc".

Dù khoa hô hấp Bệnh viện Nhi đồng 1 hiện đã được chuyển sang khu nhà mới khang trang, sạch sẽ hơn nhưng do số bệnh nhi nhập viện quá đông nên trong phòng bệnh luôn có tiếng khóc của các bé, tiếng thăm hỏi của người lớn, rất khó có được những phút giây yên tĩnh cho các bé nằm điều trị nghỉ ngơi.

Do số bệnh nhi nhập viện đông, gần gấp 3 số giường hiện có nên đến tối nhiều bà mẹ phải đi tìm những góc hành lang cho con mình ngủ.

Bão làm trẻ dễ lên cơn hen

TS Trần Anh Tuấn, trưởng khoa hô hấp Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, cho biết số trẻ mắc bệnh hô hấp (viêm tiểu phế quản, viêm phổi, suyễn) nhập viện điều trị tăng cao nhất từ đầu năm đến nay. Hiện nay khoa hô hấp Bệnh viện Nhi đồng 1 có hơn 400 trẻ nằm điều trị, trong khi số giường bệnh trong khoa chỉ có 140 giường, do vậy nhiều bệnh nhi phải nằm ghép trên cùng một giường bệnh.

ThS Huỳnh Minh Thu, trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Nhi đồng 2, cũng cho biết số trẻ đến khám và điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2 tăng cao trong những ngày gần đây.

Theo bác sĩ Thu, so với mọi năm thì thời gian này chưa phải là đỉnh của bệnh hô hấp nhưng có thể do thời tiết những ngày qua thay đổi, mưa liên tục nên đã làm số trẻ mắc bệnh hô hấp đến khám, nhập viện tăng cao. Tại Bệnh viện Nhi đồng 2 số trẻ mắc bệnh hô hấp nhập viện điều trị tăng hơn gấp đôi so với đợt sau mùa dịch COVID-19.

Theo TS Anh Tuấn, bệnh mùa hô hấp thường bắt đầu từ tháng 8-11. Khoảng 3-4 tuần nay bệnh hô hấp tăng, nhập viện khoa hô hấp tăng nhanh và đến ngày 19-10 đã đạt tới số kỷ lục của năm với hơn 400 trẻ mắc bệnh hô hấp nằm điều trị tại khoa.

Trong mùa COVID-19, bệnh nhi điều trị tại khắp các bệnh viện trong cả nước đều vắng; sau mùa dịch COVID, ngày đông nhất khoa cũng chỉ có 140 trẻ nằm điều trị. Ở dưới phòng khám, 70% số trẻ đến khám hô hấp là người dân TP.HCM, còn trong khoa thì có đến 60-70% bệnh nhân ở tỉnh nhập viện điều trị. 70% số trẻ đang nằm điều trị tại khoa hô hấp đều dưới 12 tháng tuổi.

Ở phòng khám gặp nhiều trường hợp nhiễm trùng hô hấp như viêm mũi, viêm mũi họng, viêm tai giữa... Còn trên khoa, các trường hợp nhập viện là do mắc bệnh viêm tiểu phế quản, viêm phổi...

Cả tuần qua TP.HCM mưa suốt, thời tiết thay đổi như vậy đã tạo điều kiện cho các mầm bệnh, virus, vi khuẩn phát triển. Trẻ không thích nghi kịp thời với sự thay đổi của thời tiết sẽ rất dễ bị nhiễm bệnh.

Theo BS Anh Tuấn, trẻ mắc bệnh hen suyễn tăng trong thời gian này. Trẻ có cơ địa bị hen chỉ cần bị cảm sẽ dễ bị lên cơn hen. Đối với trẻ em, yếu tố khởi phát cơn hen hàng đầu chính là nhiễm trùng hô hấp.

Vài năm nay, ở Úc còn có thuật ngữ "hen liên quan tới bão". Những năm bị bão ở Úc, số lượng bệnh nhân bị hen phải đi cấp cứu tăng rất cao. Người ta thấy bệnh hen dễ bị lên cơn khi thời tiết thay đổi mà khi có bão về sẽ thay đổi áp suất khí quyển, thay đổi nồng độ các chất ở trong không khí, những điều này cũng làm cho bệnh nhân hen suyễn dễ bị lên cơn hen suyễn hơn.

Lưu ý các triệu chứng đặc biệt

Theo TS Trần Anh Tuấn, khi trẻ có những dấu hiệu nguy hiểm sau đây cần đưa đi cấp cứu ngay: trẻ ngủ li bì, khó đánh thức, trẻ nhỏ dưới 2 tháng tuổi bỏ bú, bú kém bú ít hơn 1/2 lượng sữa bình thường, trẻ từ 2 tháng tuổi trở lên không uống được, nôn tất cả mọi thứ, co giật. Một số triệu chứng như tím tái cần phải đưa đi cấp cứu ngay.

Ngoài ra khi trẻ khó thở (thở co lõm lồng ngực), đây là dấu hiệu của viêm phổi nặng phải đưa trẻ đi khám ngay. Hoặc là trẻ thở nhanh, báo hiệu có khả năng bị viêm phổi nên cần đưa trẻ đi khám để điều trị kịp thời.

Có một số triệu chứng đặc biệt cần để ý chẳng hạn như trẻ sốt cao trên 39 độ C liên tục trong 2-3 ngày trở lên, phải thu xếp đưa trẻ đi khám vì mùa này không chỉ mắc bệnh hô hấp mà có cả những bệnh như sốt xuất huyết, sốt siêu vi... Nếu trẻ ho trên 7 ngày không thuyên giảm, ho kèm với những triệu chứng khác như ho có đàm giống như mủ, ho ra máu... cũng cần đưa trẻ đi khám sớm. (Tuổi trẻ, trang 14).

 

Thủ tướng bổ nhiệm Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long kiêm nhiệm Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia

Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 1595/QĐ-TTg bổ nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia. Theo đó, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế giữ chức vụ kiêm nhiệm Chủ tịch Hội đồng.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế giữ chức vụ kiêm nhiệm Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia

Giáo sư, Tiến sĩ Lê Quang Cường, Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo sư Nhà nước, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Giảng viên cao cấp Trường Đại học Y Hà Nội giữ chức vụ Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng hoạt động chuyên trách.

Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế giữ chức vụ kiêm nhiệm Phó Chủ tịch Hội đồng.

Tiến sĩ Phạm Văn Tác, Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế giữ chức vụ kiêm nhiệm Phó Chủ tịch Hội đồng.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế giữ chức vụ kiêm nhiệm Phó Chủ tịch Hội đồng.

Theo Quyết định 956/QĐ-TTg, Hội đồng Y khoa Quốc gia (Hội đồng) có chức năng giúp Thủ tướng Chính phủ chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc tổ chức đánh giá năng lực hành nghề khám, chữa bệnh theo Nghị quyết số 20/NQ-CP ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới để đáp ứng yêu cầu phát triển, nâng cao chất lượng nhân lực y tế.

Hội đồng có nhiệm vụ xây dựng chuẩn năng lực nghề nghiệp cho các chức danh hành nghề khám bệnh, chữa bệnh để đơn vị chức năng thuộc Bộ Y tế trình Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành; tham gia giám sát, đánh giá việc tuân thủ chuẩn năng lực nghề nghiệp của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề theo đề nghị của cơ quan quản lý nhà nước về y tế và theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật; xây dựng và thử nghiệm Bộ ngân hàng câu hỏi đánh giá năng lực hành nghề; xây dựng tiêu chuẩn của cơ sở tổ chức đánh giá năng lực hành nghề; xây dựng hệ thống thông tin, dữ liệu quốc gia về đánh giá năng lực hành nghề. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2) .

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang