Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 22/11/2017

  • |
T5g.org.vn - 4 trẻ tử vong ở Bắc Ninh do nhiễm khuẩn bệnh viện; Vụ 4 trẻ tử vong ở Bắc Ninh: 6 trẻ đưa về BV Nhi Trung ương nhiễm khuẩn nặng, phải cách ly; Thông tin mới nhất vụ 4 trẻ tử vong ở Bắc Ninh: "Nếu có dấu hiệu tội phạm, sẽ khởi tố vụ án"; Không chủ quan dù dịch sốt xuất huyết đã được kiểm soát; ...

 

Bộ trưởng Bộ Y tế họp kín với hội đồng chuyên môn vụ 4 trẻ sơ sinh tử vong ở Bắc Ninh: Nguyên nhân liên quan đến nhiễm khuẩn bệnh viện

Liên quan đến vụ việc 4 trẻ sơ sinh liên tiếp tử vong tại Bắc Ninh, chiều 21.11, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã làm việc tại Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh, tham gia cuộc họp của Hội đồng chuyên môn và thăm những trẻ sơ sinh đang điều trị tại bệnh viện.

Bộ trưởng Bộ Y tế: “Nguyên nhân bước đầu nghĩ đến nhiễm khuẩn bệnh viện”

Chiều 21.11, tại buổi làm việc, ông Nguyễn Đức Vinh - Vụ trưởng Vụ Bảo vệ sức khỏe bà mẹ trẻ em - cho biết, mỗi năm VN có 1,5 triệu trẻ em sinh ra, tỉ lệ trẻ sơ sinh tử vong khoảng 12%o. Mạng sống đều là quý giá, phải làm hết nỗ lực, cố gắng để giảm thiểu. “Có thể khẳng định sự việc 4 trẻ tử vong trong nửa ngày tại BV Sản Nhi Bắc Ninh là một sự cố bất thường.

Ngay sau khi có chuyện này xảy ra, Vụ có văn bản chỉ đạo, chúng tôi thấy việc triển khai giải pháp của địa phương từ xử lý chuyên môn, niêm phong thuốc, kiểm tra nước, quy trình nhiễm khuẩn, sàng lọc chuyển bệnh nhân lên tuyến trên”. Đề xuất với đồng chí Phó Chủ tịch tỉnh: Đảm bảo an ninh trật tự cho bệnh nhân, cho cán bộ y tế, phải động viên anh chị em cán bộ, không được vì những sự cố bất thường mà xao nhãng.

Chúng tôi đề nghị, khi có kết luận của Hội đồng chuyên môn, của cơ quan điều tra, phải thông tin trung thực, chính xác đến cơ quan truyền thông. Phải xem xét lại toàn bộ các cháu đang nằm tại đơn vị sơ sinh và cấp cứu, nặng đề nghị chuyển tuyến, Bệnh viện Phụ sản T.Ư, Nhi T.Ư phải tiếp nhận. Rà soát lại toàn bộ quy trình chuyên môn, quy trình phòng chống nhiễm khuẩn ở khu sơ sinh và đơn vị hồi sức tích cực. Phải xem xét, ưu tiên nhân lực cho 2 đơn vị này.

Lãnh đạo Sở Y tế phải chỉ đạo, tăng cường nhân lực ngay lập tức cho đơn vị sơ sinh và cấp cứu. Phải tính đến quá tải của bệnh viện, rõ ràng là chăm sóc từ cộng đồng, từ tuyến dưới rất quan trọng, trong số các huyện của Bắc Ninh, chỉ có một huyện là tương đối tốt, có 1 trung tâm ở Từ Sơn, còn lại hầu hết là hoạt động không hiệu quả. Nhu cầu thực chất là rất cao. Tuyến huyện làm chưa tốt thì rõ ràng là tuyến trên quá tải rồi.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết tình hình hiện nay: “Sự cố không ai mong muốn nhưng là bất bình thường khi có 4 trẻ đẻ non tử vong cùng một ngày, cùng một khoa. Mặc dù mục tiêu giảm trẻ tử vong sơ sinh lớn, nhưng một ngày có hàng trăm trẻ tử vong 1 ngày. Từ lúc thành lập đến nay đã tiếp nhận 1.000 trẻ sơ sinh đẻ non, có 7-8 lạng. Nhưng sự cố xảy ra là bất thường. 4 trẻ sơ sinh tử vong trong tình trạng đẻ non, có 2 mẹ tiền sản giật, phải chỉ định mổ. Có trường hợp con đầu thụ tinh ống nghiệm, mẹ cũng sản giật... nhưng lại chết trong tình trạng nhiễm khuẩn huyết, suy đa phủ tạng, suy hô hấp nhưng thực tế là nặng, nhưng lại là sự cố bất thường”.

Nói về nguyên nhân vụ việc, Bộ trưởng Bộ Y tế nói: “Để khẳng định nguyên nhân chính xác phải chờ Hội đồng chuyên môn, về pháp lý phải chờ cơ quan điều tra. Tuy nhiên, qua báo cáo của Sở Y tế, bước đầu có thể nghĩ đến nhiễm khuẩn bệnh viện.

Giải pháp tức thì, mấy cháu sinh đôi, 1,4kg đang suy hô hấp, cấp cứu, chuyển lên BV Nhi T.Ư và Phụ sản T.Ư để tránh điều xấu xảy ra. Tạm thời cho các cháu lên tuyến trên cho yên tâm. Tiếp theo nữa là kiểm soát quy trình chống nhiễm khuẩn tại Khoa Sơ sinh, Khoa Nội nhi. Rửa tay, xà phòng, lavabo, tập huấn cán bộ, quần áo, mũ mão, găng, phun khử khuẩn, vệ sinh máy móc, các bơm kim tiêm… Biện pháp xa hơn dứt khoát phải sàng lọc bệnh nhân, không để khoa sơ sinh như thế này nữa, gây quá tải không cần thiết, xao nhãng là tử vong. Phải sắp xếp để lọc bệnh. Phải có đề án xây dựng một khoa sơ sinh hoàn chỉnh, cả cơ sở vật chất và trang thiết bị”.

Vẫn còn bệnh nhi đang trong tình trạng nguy hiểm, nhiễm khuẩn máu

Cũng trong ngày 21.11, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương Trần Minh Điển đã cung cấp thông tin cho báo chí về tình trạng 8 bệnh nhi vừa được chuyển từ Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh.

PGS-TS Trần Minh Điển cho biết, 8 bệnh nhi chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương có 6 bệnh nhân sơ sinh và 2 bệnh nhân ngoài tuổi sơ sinh, đều được điều trị tại Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh từ khi sinh ra đến giờ (một bệnh nhi 36 ngày, một bệnh nhi 2 tháng tuổi). Về 2 bệnh nhi ngoài tuổi sơ sinh, tình trạng chung được đánh giá là ổn định, 6 bệnh nhân còn lại đang nằm ở Khoa Sơ sinh được chia thành hai nhóm bệnh nhân. Nhóm đầu tiên gồm 2 bệnh nhân, một đang được chiếu đèn và một thở ôxy. Bệnh nhi chiếu đèn ăn tiêu tốt, tình trạng chủ yếu là chỉ còn vàng da, sau khi sàng lọc nhiễm khuẩn thấy dấu hiệu nhiễm khuẩn trong máu không nhiều. Bé còn lại hai ngày tuổi mắc bệnh down, đang được sàng lọc thêm tim bẩm sinh.

Nhóm 4 bệnh nhi đang điều trị tại Khoa Sơ sinh có 3 cháu được đánh giá tình trạng nặng. PGS-TS Trần Minh Điển cho biết, 6 bệnh nhi nằm tại Khoa Sơ sinh được theo dõi chỉ số sống của các em bé; theo dõi lâm sàng, tiến hành các xét nghiệm, xem xét các chức năng cơ quan cháu bé để phát hiện kịp thời những dấu hiệu nguy cơ cho các bé.

“Các bệnh nhân đều được cho cách ly vì tình trạng nhiễm trùng nặng và không rõ nhiễm khuẩn gì. Bốn cháu nhiễm khuẩn nặng đưa vào cách ly tại Khoa Sơ sinh. Những cháu bé này sẽ được sàng lọc bằng cấy phân trong hậu môn xem có gram âm, sàng lọc vi khuẩn ở nách, da, bẹn xem có tụ cầu hay không. Hai cháu còn lại không trong tình trạng nguy hiểm có thể sớm cho về với mẹ” - ông Trần Minh Điển thông tin.

Về việc Bệnh viện Nhi Trung ương sẽ tham gia vào Hội đồng khoa học để thảo luận và tìm ra nguyên nhân bước đầu của việc 4 cháu bé tử vong tại Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh, BS Điền cho biết, hội đồng sẽ tìm hiểu về mặt chuyên môn xem 4 cháu bé này được chẩn đoán thế nào, mức độ bệnh ra sao, cách chăm sóc và điều trị của nhân viên y tế có đầy đủ hay không (Lao động, trang 1).

 

4 trẻ tử vong ở Bắc Ninh do nhiễm khuẩn bệnh viện

Chiều tối 21-11, sau cuộc họp kéo dài, Hội đồng chuyên môn Sở Y tế Bắc Ninh đã chính thức công bố kết luận ban đầu về nguyên nhân vụ việc 4 trẻ sơ sinh tử vong bất thường sáng 20-11 tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh này.

Trước đó, Hội đồng chuyên môn được thành lập vào chiều cùng ngày, do Giám đốc Sở Y tế Bắc Ninh Tô Thị Mai Hoa làm Chủ tịch, có mời thêm 2 chuyên gia ở bệnh viện tuyến Trung ương làm Phó Chủ tịch Hội đồng là PGS.TS Trần Minh Điển (Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương) và PGS.TS Trần Danh Cường (Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương). Công bố nguyên nhân khiến 4 trẻ tử vong, Chủ tịch Hội đồng chuyên môn - bà Tô Thị Mai Hoa cho biết, 4 trẻ đều sinh non tháng, nhẹ cân so với tuổi thai, trên nền mẹ có tiền sử sản khoa bệnh lý. Các cháu đã được xử lý sản khoa phù hợp. Các trẻ có vấn đề suy hô hấp sau sinh, được xử lý cấp cứu và điều trị tích cực. Đáng chú ý, các trẻ đều có tình trạng nhiễm khuẩn sau điều trị 3-5 ngày, có tình trạng nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn. Trẻ không đáp ứng với các biện pháp điều trị chống sốc tại viện. Nguyên nhân tình trạng nhiễm khuẩn sơ sinh có thể liên quan đến nhiễm khuẩn bệnh viện.

Theo PGS.TS Trần Minh Điển, do cơ địa của những em bé này đều trong tình trạng đẻ non, phải thực hiện nhiều thủ thuật y tế đi kèm (tiêm truyền, thở máy C-PAP…), non yếu về miễn dịch nên nguy cơ nhiễm khuẩn bệnh viện có thể xảy ra.

Chủ tịch Hội đồng chuyên môn - bà Tô Thị Mai Hoa cho biết thêm, trước đó vào chiều 20-11, Công an tỉnh Bắc Ninh đã mời Viện khoa học hình sự (Bộ Công an) vào giám định tử thi các bé để tìm nguyên nhân. Khi có kết luận chính thức từ cơ quan này, ngành Y tế và Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Bắc Ninh sẽ có sự hỗ trợ phù hợp nhất cho các gia đình có bệnh nhi tử vong với tinh thần tương thân tương ái, trách nhiệm…

4 trẻ sơ sinh đã tử vong tại Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh trong cùng 1 buổi sáng ngày 20-11 gồm: Vi Thị P. (Vân Hồ, Sơn La) tử vong lúc 2h; Vũ Hải Đ. (Nam Trực, Nam Định) tử vong lúc 5h55; Vũ Minh C. (Lạc Vệ, Tiên Du) tử vong lúc 8h30 ngày 20-11; Nguyễn Hà V. (Khắc Niệm, thành phố Bắc Ninh), tử vong lúc 9h30.

Được biết, trong số các trẻ tử vong nói trên có trẻ là con của nữ công nhân người ngoại tỉnh nhưng làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn Bắc Ninh.

Theo ông Nguyễn Như Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, hiện tại địa phương này có khoảng 330.000 công nhân đang làm việc ở các khu công nghiệp, 2/3 trong số đó là nữ. Một bộ phận lớn trong số nữ công nhân phải làm việc từ 8-12 tiếng đồng hồ mỗi ngày rất vất vả (An ninh thủ đô, trang 4).

 

Vụ 4 trẻ tử vong ở Bắc Ninh: 6 trẻ đưa về BV Nhi Trung ương nhiễm khuẩn nặng, phải cách ly

Đến trưa nay, 21-11, trong số 8 bệnh nhi nặng được chuyển từ Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Bắc Ninh xuống Bệnh viện Nhi Trung ương điều trị sau khi xảy ra vụ 4 trẻ tử vong, có tới 6 trẻ sơ sinh đang bị sốc nhiễm khuẩn nặng phải cách ly. Trưa nay, cung cấp thông tin tới báo chí về quá trình tiếp nhận điều trị các bệnh nhi từ BV Sản Nhi tỉnh Bắc Ninh, PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc BV Nhi Trung ương cho biết, trong số 8 trẻ chuyển về thì có 2 bệnh nhân mắc hội chứng down, nhiều bệnh nhân trong tình trạng nặng. Về độ tuổi, có 6 cháu trong tuổi sơ sinh, 2 cháu ngoài tuổi này (36 ngày tuổi đến 2 tháng tuổi).

Trước đó các cháu này đều vào viện trong tình trạng đẻ non, phải thở oxy kéo dài, bệnh phổi mãn tính. “Nhóm trẻ này có thể nói đang trong tình trạng nặng. Chiều nay, chúng tôi sẽ có kết quả của làm xét nghiệm” – PGS.TS Trần Minh Điển nói.

Cụ thể, đối với 6 bé đang nằm ở khoa Sơ sinh, chia làm 2 nhóm. Gồm: 2 bệnh nhân (1 cháu đang thở ôxy, 1 cháu phải chiếu đèn). Đây là những bệnh nhân nhỏ tuổi, ăn và tiêu hóa tốt, bệnh lý chủ yếu là vàng da, còn các dấu hiệu nhiễm khuẩn trên các chỉ số trong máu của bệnh nhi không nhiều. Nếu tình trạng bé cải thiện tốt hơn có thể chuyển lên gần với mẹ và cho bú mẹ.

Một bé khác 2 ngày tuổi có nền hội chứng down, cháu bé sau đẻ có thở nhanh, bệnh viện đã hỗ trợ thở oxy. Khi bé nhập viện lên Viện Nhi Trung ương, bé có nhịp thở 68 lần/phút nên BV cho thở oxy, hiện đang sàng lọc thêm tim bẩm sinh trên nền bệnh của bé.

Ba trong 4 bệnh nhân còn lại bệnh nặng, 1 bé 8 ngày tuổi bị down, ở BV Sản Nhi Bắc Ninh đã xét nghiệm thấy bạch cầu cao, tiểu cầu thấp. Hiện BV Nhi Trung ương có sàng lọc thêm vi khuẩn, bệnh lý về máu…

Với 2 bệnh nhi lớn tuổi hơn, có 1 bé vào viện trong tình trạng da tái, xuất huyết dưới da, tiểu cầu dưới 6.000 (trong khi mức bình thường là 100.000), máy cấy báo vi khuẩn gram âm, là dấu hiệu báo nhiễm khuẩn huyết. Bé còn lại chỉ có cân nặng khoảng 1,4 cân, da tái, thở máy, bạch cầu cao, tiểu cầu thấp 6.000, CRP 61.000 (đây là chỉ số nhiễm khuẩn), dịch dạ dày có máu… 

Theo PGS.TS Trần Minh Điển, với 8 bệnh nhân này, bệnh viện đang hỗ trợ tối đa các biện pháp chăm sóc trẻ. Riêng với 6 bệnh nhân đang ở khoa Sơ sinh, Bệnh viện đã theo dõi chức năng sống cho các cháu, các chỉ số lâm sàng, xét nghiệm, các chức năng để đưa ra các dấu hiệu cảnh báo sốc…

Đặc biệt, các bệnh nhân cũng được cách ly vì có tình trạng nhiễm trùng nặng chưa rõ nguyên nhân. Trong đó, 4 bệnh nhân nhiễm khuẩn nặng được đưa vào 1 buồng riêng (An ninh thủ đô, trang 4).

 

Thông tin mới nhất vụ 4 trẻ tử vong ở Bắc Ninh: "Nếu có dấu hiệu tội phạm, sẽ khởi tố vụ án"

Tối qua, 20-11, đoàn công tác của Bộ Y tế do Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê đã trực tiếp về làm việc với UBND tỉnh, Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh và Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Bắc Ninh để làm rõ và chỉ đạo xử lý vụ 4 trẻ sơ sinh tử vong tại bệnh viện này. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, tối qua, 20-11, đoàn công tác của Bộ do PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh đã về làm việc với UBND tỉnh Bắc Ninh, Sở Y tế, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh để nắm bắt tình hình, chỉ đạo các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ tìm nguyên nhân và khắc phục sự cố 4 trẻ sơ sinh tử vong tại bệnh viện này.

Tại buổi làm việc khẩn này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Văn Phong thông tin, sau khi nhận được báo cáo từ Sở Y tế Bắc Ninh, UBND tỉnh đã chỉ đạo Công an tỉnh Bắc Ninh phối hợp triển khai các biện pháp chuyên môn nghiệp vụ, trưng cầu Viện khoa học hình sự Bộ Công an thực hiện giải phẫu tử thi, xác định nguyên nhân tử vong của 4 trẻ.

Sở Y tế Bắc Ninh đã chỉ đạo Bệnh viện Sản Nhi tỉnh phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai thực hiện các biện pháp nhằm ổn định an ninh trật tự trong bệnh viện, động viên cán bộ, y bác sĩ trong bệnh viện không hoang mang, dao động làm ảnh hưởng đến hoạt động chuyên môn, tiếp tục thực hiện công tác khám chữa bệnh cho nhân dân; động viên, chia buồn cùng gia đình các cháu bé tử vong hiện đang ở Bệnh viện.

Sở Y tế Bắc Ninh cũng đã mời PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cùng đoàn chuyên gia 11 người về trực tiếp phối hợp thực hiện công tác chuyên môn. Đoàn đã thực hiện phân loại rà soát 92 trẻ đang điều trị tại đơn nguyên sơ sinh của Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Bắc Ninh, chuyển 12 trẻ sơ sinh có tình trạng nặng ở bệnh viện này lên Bệnh viện Nhi trung ương và Bệnh viện Bạch Mai.

Đặc biệt, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đã giao cho các cơ quan nội chính tập trung điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ việc; chỉ đạo ngành y tế và các cơ quan chức năng thành lập hội đồng chuyên môn, điều tra làm rõ nguyên nhân, nếu có dấu hiệu tội phạm thì khởi tố vụ án theo quy định pháp luật. 

Thay mặt đoàn công tác của Bộ Y tế, PGS.TS. Lương Ngọc Khuê đề nghị Sở Y tế Bắc Ninh chuyển lời thăm hỏi, chia buồn của Bộ trưởng Bộ Y tế tới các gia đình có trẻ tử vong. Mặt khác, yêu cầu Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Bắc Ninh tiếp tục rà soát, phân loại các trường hợp bệnh nhi nặng, tập trung cứu chữa, phân luồng, chuyển tuyến khi cần, giảm thiểu nguy cơ tử vong đối với các trường hợp nặng đang điều trị tại bệnh viện... Trong trường hợp cần hỗ trợ đề nghị báo cáo về Bộ Y tế.

Trước đó, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức cuộc họp báo chớp nhoáng trong vòng... 5 phút để thông tin tới báo chí về vụ việc nghiêm trọng này. Cuộc họp do Phó Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Minh Hiệp chủ trì. Ông Hiệp thông báo, nguyên nhân ban đầu 4 trẻ tử vong là do suy hô hấp.

Hồ sơ bệnh án đang được niêm phong. Viện Khoa học kỹ thuật hình sự - Bộ Công an phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành mổ pháp y thi thể 2 cháu để làm rõ nguyên nhân tử vong (An ninh thủ đô, trang 4).

 

Không chủ quan dù dịch sốt xuất huyết đã được kiểm soát

Đó là thông tin về tình hình dịch bệnh được ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội đưa ra tại buổi họp giao ban báo chí do Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều 21-11. Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 13 đến 19-11), thành phố ghi nhận 448 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó 15/30 quận, huyện có số mắc giảm; 15 quận, huyện còn lại có số mắc tương đương so với tuần trước. Hiện chỉ còn 404 bệnh nhân điều trị tại các bệnh viện và 113 ổ dịch sốt xuất huyết. Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, toàn thành phố ghi nhận 66 ca dương tính với sởi (tăng 64 ca so với năm 2016), trong đó có 1 ca tử vong.

Ông Nguyễn Nhật Cảm cho biết, theo quy luật, đỉnh dịch sốt xuất huyết thường rơi vào tháng 10 và 11. Tuy nhiên, số ca mắc sốt xuất huyết liên tục giảm trong những tuần qua cho thấy, dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn Hà Nội đã được kiểm soát và không xảy ra đỉnh dịch thứ hai trong tháng 11 như cảnh báo. Với số ca mắc mới được ghi nhận vào thời điểm hiện tại, dịch bệnh sốt xuất huyết đã trở về mức như những năm trước đây. Dù vậy, tại các quận, huyện vẫn ghi nhận những ca bệnh rải rác nên chính quyền địa phương và người dân không được chủ quan. Trong tuần này, Sở Y tế Hà Nội sẽ có báo cáo nhằm đánh giá toàn bộ công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố để tiếp tục đưa ra các giải pháp phù hợp cho những năm tiếp theo. 

Đánh giá về nguy cơ bệnh sởi bùng phát, ông Nguyễn Nhật Cảm cho rằng, tốc độ lây lan của sởi nhanh và mạnh hơn so với sốt xuất huyết. Chỉ cần người bệnh ho, hắt hơi là bệnh sẽ phát tán ra xung quanh. Thời tiết mưa lạnh như hiện nay tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh sởi lây lan và bùng phát. Chỉ tiêm chủng đầy đủ mới giải quyết dứt điểm được bệnh sởi, nhưng hiện thành phố còn tới hơn 30 nghìn trẻ chưa được tiêm phòng vắc xin sởi, tiềm ẩn nguy cơ gây dịch (Hà Nội mới, trang 1).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang