Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 22/11/2023

  • |
T5g.org.vn - Bộ Y tế đề nghị mức phụ cấp cao nhất với cán bộ y tế cơ sở khi cải cách tiền lương; Vì sao người trẻ đi... chữa lành?: Muôn kiểu làm bất ổn; Vì sao nhiều phụ nữ các tỉnh phía Nam ngại sinh con?

 

Bộ Y tế đề nghị mức phụ cấp cao nhất với cán bộ y tế cơ sở khi cải cách tiền lương

Sáng 20/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6 đợt 2, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5.

Quan tâm hơn nữa về đãi ngộ với cán bộ y tế cơ sở

Tham gia giải trình, làm rõ những ý kiến, kiến nghị cử tri gửi đến và được các ĐBQH thảo luận, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan bày tỏ cảm ơn các ĐBQH cũng như kiến nghị của cử tri cả nước. Bộ trưởng Đào Hồng Lan khẳng định, việc tập trung giải quyết các kiến nghị của cử tri, nhân dân là nhiệm vụ quan trọng của Bộ Y tế.

Liên quan đến kiến nghị của cử tri về chính sách đối với cán bộ dân số, Bộ trưởng Đào Hồng Lan thông tin, việc triển khai thực hiện Kết luận số 25 của Bộ Chính trị, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 05/2023 về việc triển khai thực hiện các chế độ ưu đãi đối với cán bộ làm công tác y tế dự phòng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, cán bộ dân số không nằm trong đối tượng tại Nghị định số 05 này.

"Trong thời gian đó, Bộ Y tế cũng đã nhận được kiến nghị của cử tri về chế độ cán bộ làm công tác dân số. Bộ Y tế đã cử các đoàn công tác tại các địa phương để nắm bắt tình hình. Từ đó, Bộ đã có văn bản 5492 gửi UBND các tỉnh việc rà soát lại chính sách cho cán bộ dân số", Bộ trưởng Đào Hồng Lan thông tin.

Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Y tế cho rằng, trong thời gian qua, việc thực hiện chính sách của địa phương có nhiều nơi bố trí cán bộ dân số làm công tác khác nhưng không được hưởng các chế độ phụ cấp theo quy định. Bộ đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh rà soát lại để đảm bảo đúng vị trí việc làm, đúng chức danh. Trong trường hợp phải làm các nhiệm vụ y tế khác thì phải đảm bảo phụ cấp.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết: "Bộ cũng đã đề nghị, sắp tới khi triển khai cải cách tiền lương, các cơ quan ban ngành cần quan tâm hơn nữa tới chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ y tế cơ sở, trong đó có đội ngũ làm công tác dân số. Làm sao đảm bảo phụ cấp cao nhất theo quy định để đảm bảo đội ngũ y tế có đủ điều kiện làm việc".

Địa phương cần trao quyền cho cơ sở y tế để việc mua sắm được "thông"

Liên quan đến vấn đề thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, có nguyên nhân chủ quan và khách quan. Trước nghị trường Quốc hội, người đứng đầu ngành y tế bày tỏ cảm ơn tới Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành để tháo gỡ về mặt cơ chế, chính sách.

"Có thể nói, ngành y tế là một trong những ngành được ưu tiên nhất liên quan đến cơ chế, chính sách để giải quyết việc đảm bảo thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế", Bộ trưởng khẳng định.

Bộ trưởng Đào Hồng Lan lấy ví dụ: Các đơn vị khác khi mua sắm phải đảm bảo có 3 báo giá, riêng ngành y tế có những quy định tháo gỡ là chỉ cần 1 báo giá; thứ nữa là vấn đề giá thấp nhất thì đã có văn bản tháo gỡ, ngành y tế được mua với giá không phải thấp nhất nếu được Hội đồng khoa học đảm nhận và làm rõ được các nội dung; Luật Đấu thầu cũng đưa được rất nhiều nội dung mua sắm, đấu thầu đặc trưng cho ngành y tế. Bộ trưởng đặt ra vấn đề, với những nghị quyết của Quốc hội tháo gỡ về nguồn cung thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế. Như vậy nguồn cung được "tháo" rồi, cơ chế chính sách được "tháo" rồi. Vậy vì sao chúng ta vẫn còn thiếu?

Bộ trưởng lý giải, hiện nay vấn đề mua thuốc có 3 nơi đảm nhận: Bộ Y tế đấu thầu tập trung cấp quốc gia (chiếm 16-18%); các tỉnh đấu thầu tập trung và các cơ sở y tế trực tiếp chủ động đấu thầu. Bộ trưởng cũng đặt dấu hỏi: "Tại sao cơ chế chính sách đã tháo gỡ rồi, nhưng còn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện".

Về phía Bộ, từ tháng 8 đến tháng 10, Bộ liên tục có những văn bản đề nghị các nơi tổng hợp lại những vấn đề còn vướng mắc để tiếp tục trình các cấp có thẩm quyền tiếp tục tháo gỡ. Bộ trưởng cho biết, có mấy vấn đề đặt ra khiến xảy ra tình trạng ở cơ sở, đó là:

Thứ nhất, do việc triển khai thực tế ở địa rất nhiều đơn vị phương giao cho những đơn vị đấu thầu. Các bác sĩ làm chuyên môn, chưa có chuyên môn sâu về đấu thầu nên trong quá trình làm còn lúng túng.

Thứ hai, việc phân cấp phân quyền: Ví dụ như Bộ đã phân cấp toàn diện cho các cơ sở thuộc Bộ đảm nhiệm việc mua sắm. Tuy nhiên, ở địa phương cũng có nơi các cơ sở y tế cũng chỉ đảm bảo mua dưới 100 triệu đồng, trên 100 triệu đồng phải trình qua Sở Y tế, Sở Tài chính, UBND tỉnh phê duyệt nên việc mua sắm rất lâu. Bộ mong thời gian tới các tỉnh rà soát lại quy định này làm sao đảm bảo được vừa quản lý được và trao quyền cho các đơn vị (Sức khoẻ & Đời sống, trang 2).


Vì sao người trẻ đi... chữa lành?: Muôn kiểu làm bất ổn

Vì nhu cầu muốn chữa lành ngày càng nhiều và không ít người quá lạm dụng cụm từ này khiến các dịch vụ liên quan cũng mọc lên như nấm sau mưa. Từ trên mạng xã hội đến ngoài thực tế, không khó để bắt gặp những hoạt động, chương trình giúp người trẻ chữa lành.

Đến với khóa học chữa lành sẽ được mọi thứ?

"Không biết bên anh, chị có thể chữa lành nỗi buồn cho em được không?", người viết bình luận như thế tại một bài đăng về dịch vụ chữa lành trên Facebook. Ngay lập tức, người viết được chủ của dịch vụ chữa lành này kết nối để trao đổi.

"Em cảm thấy như thế nào?", chị B.M (26 tuổi), người làm dịch vụ chữa lành bằng giọng nói đã gọi cho người viết và hỏi.
Sau khi tôi trả lời: "Em cảm thấy buồn vì sự nghiệp và tình duyên thì gặp trục trặc", bằng chất giọng nhẹ nhàng, tình cảm, chị B.M nói: "Em tìm đến chị đã là hữu duyên rồi. Trước đây chị là một nhân viên văn phòng rồi gặp nhiều biến cố trong cuộc sống, sau đó tham gia các lớp "giọng nói chữa lành" trên mạng và thành công. Có những người cũng vượt qua trầm cảm nhờ tham gia khóa học của chị".

Rồi chị B.M nói tiếp: "Chị thấy em đang bất an, những lúc này phải đến với khóa học chữa lành bằng giọng nói để tinh thần được tích cực, không còn u sầu…".

Khi thấy tôi im lặng, chị B.M nói tiếp: "Chị sẽ gửi một số nội dung trong khóa học để em tham khảo. Nếu hữu duyên chị sẽ là người đồng hành với em trong hành trình này".

Theo như tìm hiểu, khóa học của chị B.M là trực tuyến, kéo dài 28 ngày. Tại đây, có một người giảng dạy, đọc những bài pháp lý hoặc dạng hạt giống tâm hồn. Bên cạnh đó, người học sẽ được đọc và làm những bài tập để thức tỉnh tinh thần. Được chuyển hóa sâu từ bên trong, nhận diện nỗi đau…

"Khóa học này có giá 12 triệu đồng, nhưng chị thấy chúng ta rất hữu duyên. Nếu em đóng trước khóa học diễn ra 2 tuần, chị sẽ giảm còn 6 triệu đồng", chị B.M nói.

Rồi chị B.M tiếp tục mồi chài: "Em như là một bông hoa sen và bị rơi xuống bùn. Đã đến lúc em cần ngoi lên, bung nở. Chị thấy được trong em có một tình thương rất lớn, nguồn khao khát, được sống và phát triển bản thân. Trong em có rất nhiều thứ đẹp đẽ mà người khác không thể khai thác được. Khi đến với khóa học chữa lành bằng giọng nói, em sẽ được mọi thứ".

30 triệu đồng cho 3 ngày học chữa lành

Ở một diễn biến khác, trong vai người đang gặp vấn đề về tâm lý, chúng tôi đã tham gia dịch vụ chữa lành theo phương pháp gõ chuông ở Q.Gò Vấp, TP.HCM.

Vừa bước vào, chúng tôi được chào mời bằng những lời lẽ mật ngọt: "Nghe gõ chuông như là một liệu pháp chữa lành tác động đến thân, trí, nội tâm và từ đó cảm giác như được thư giãn. Điều này còn giúp kích hoạt những năng lượng tích cực, cảm nhận sự bình yên và hạnh phúc".

Ngay sau đó, chúng tôi được một chị chủ tên T.M. giới thiệu về căn phòng để mọi người thực hành chữa lành bằng chuông. Tại đây, rất nhiều chuông có kích thước lớn nhỏ khác nhau. Chúng tôi được ngồi thiền, nghe dạy gõ chuông, học những lý thuyết liên quan về trị liệu tâm lý…

"Ở đây nhiều người đến học lắm. Có những doanh nhân, kinh doanh thành đạt đang gặp vấn đề tâm lý cũng đi học gõ chuông", chị T.M giới thiệu. Tuy nhiên, nhìn xung quanh thì chỉ có một mình người viết là khách.

Chị T.M còn chia sẻ: "Bên chị điều trị tâm lý hoàn toàn không dùng thuốc, em có thể tham khảo khóa học chữa lành bằng tiếng chuông 3 ngày với giá gần 30 triệu đồng. Đến đây, em sẽ không cần nói bất cứ điều gì, những tiếng chuông sẽ tự động len lỏi vào cơ thể, lan tỏa từng tế bào, từ đó cân bằng lại cảm xúc".

"Cơ thể chúng ta đều có khả năng chữa lành, giống như việc đứt tay rồi sẽ phục hồi sau vài ngày. Tuy nhiên, em đang bị công việc, chuyện gia đình, tình cảm lấn át nên quên đi chức năng đó. Tiếng chuông bên chị sẽ giúp khơi thông, kích hoạt sự chữa lành trong cơ thể của em", chị T.M nói.

Sau khi trải nghiệm, người viết nhận thấy dù nghe hàng ngàn tiếng chuông của chị T.M thì những phiền muộn về cuộc sống vẫn còn ở đó và chỉ có bản thân mới là người giải quyết được…

Mua bút chì thanh tẩy, tấm séc nhiệm màu để… chữa lành

Cũng là đi chữa lành, nhưng tình huống của T.Q.T (24 tuổi), cựu sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, rất bi hài. Đang buồn vì thu nhập bị cắt giảm và phải làm nhiều công việc cùng lúc đến quá sức. T. mệt mỏi tìm đến hội nhóm chữa lành - thanh tẩy trên Facebook có hơn 5.000 thành viên với suy nghĩ bản thân sẽ lạc quan hơn trước khó khăn đang đối mặt. Tại đây, chàng trai kết nối với một nhân vật nữ tên M.L, người được giới thiệu là có sứ mệnh lan tỏa ánh sáng tình yêu, trí tuệ tâm thức.

Sau khi tìm hiểu và lắng nghe những vấn đề mà T. đang gặp phải, người này thể hiện sự cảm thông, chia sẻ với thái độ ôn hòa. Sau đó giới thiệu T. tìm hiểu những bộ công cụ thanh tẩy, chữa lành mà chỗ cô cung cấp như: tấm séc nhiệm màu, bút chì, thẻ ATM thanh tẩy tài chính...
"Bút chì này có giá chỉ 18.000 đồng, đã được làm phép thanh tẩy với nước lam thủy và nghe nhạc năng lượng cao, sẽ giúp bạn giải quyết mọi vấn đề bế tắc trong cuộc sống. Còn móc khóa có giá hơn 100.000 đồng giúp bạn kết nối, chữa lành mọi mối quan hệ với tiền và sẽ được hanh thông tài chính, xóa bỏ ký ức tiêu cực, cảm giác thiếu thốn", M.L giới thiệu sản phẩm.

T. kể sau khi nghe M.L chia sẻ, chàng trai nhanh chóng chặn tài khoản người này vì biết mình sắp dính vào một vụ kinh doanh, mua bán chứ không có chữa lành nào ở đây cả.

Khi người viết đặt câu hỏi đang thấy bất ổn, vì sao không tìm đến những chuyên gia hoặc bác sĩ tâm lý để được tư vấn mà lại tìm cách chữa lành trên mạng xã hội? T.Q.T nói rằng chi phí điều trị tâm lý khá cao, dao động từ vài trăm đến cả triệu đồng. Những người trẻ áp lực vì công việc bấp bênh sẽ chịu thêm gánh nặng tài chính, không đủ khả năng tiếp cận.

Bác sĩ Hoàng Thị Huyền, công tác tại Phòng khám Tâm thần, Trung tâm y tế Q.10, TP.HCM, cho hay những dịch vụ chữa lành đang có xu hướng tự phát, ai cũng có thể làm và kinh doanh được dù không có chuyên môn gì về y tế, tâm lý. Các cơ quan chức năng hiện nay chưa có quy định cụ thể cho loại hình chữa trị này.

"Trên thực tế không thể phủ nhận chữa lành có nhiều mặt tốt. Tuy nhiên, nhiều dịch vụ chữa lành đang "biến" mọi thứ trở nên cao siêu với mục đích thu tiền. Không ít bạn trẻ đã "tiền mất tật mang" khi trót tin vào những dịch vụ chữa lành bất ổn", bác sĩ Huyền nói (Thanh niên, trang 10). 

 

Vì sao nhiều phụ nữ các tỉnh phía Nam ngại sinh con?

Hiện nay, tỷ lệ sinh con của chị em phụ nữ tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam ở mức rất thấp và đang trong tình trạng báo động. Năm 2022, tổng tỷ suất sinh của TP Hồ Chí Minh là 1,39 con/phụ nữ, đang ở mức thấp nhất cả nước. Theo ông Mai Trung Sơn, Cục Dân số, số liệu 4 lần tổng điều tra dân số và nhà ở gần nhất cho thấy, mức sinh của hầu hết các vùng kinh tế - xã hội đều giảm, riêng vùng Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long giảm rất sâu. Ông Sơn dẫn chứng: “Hiện mỗi phụ nữ ở Đông Nam bộ chỉ còn 1,56 con thay vì 2,5 con như trước. Còn đồng bằng sông Cửu Long là 1,8 con. Riêng TP Hồ Chí Minh năm 2021 là 1,53 con/phụ nữ, năm 2021 là 1,48 con/phụ nữ và năm 2021 tỷ lệ này giảm xuống còn 1,38 con - ngang với mức sinh của các nước thấp nhất thế giới. Các chuyên gia cho rằng nếu mức sinh về dưới 1,3 con thì hầu như không còn khả năng hồi phục về mức sinh thay thế”. Vì sao chị em ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam lại “ngại sinh”? Theo GS.TS Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và Các vấn đề xã hội, Trường Đại học Kinh tế quốc dân: “Qua điều tra ở các tỉnh phía Nam chúng tôi nhận thấy, thứ nhất, có hơn 91% chị em được điều tra cho biết họ ngại sinh con là chi phí nuôi con lớn và rất lớn. Bên cạnh đó, khoảng 90% cho biết chi phí về kinh tế không đáng ngại về nỗi lo tinh thần, như họ lo con nghiện ma tuý, nghiện cờ bạc, cá độ bóng đá… Thứ hai, do dân nhập cư nhiều đối với các tỉnh Đông Nam Bộ và xuất cư (đồng bằng sông Cửu Long) đều khó khăn về nhà ở, điều kiện nuôi con, như dân nhập cư phải thuê nhà, con đi học trái tuyến chi phí tăng cao... Ở các tỉnh Nam bộ, việc phải có con trai không nặng nề như ở phía Bắc, dẫn đến mức sinh cũng thấp hơn”.

GS Cử lo ngại, với mức sinh thấp đáng báo động như hiện nay ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, dẫn đến nhiều hệ lụy như hội chứng “4-2-1” – tức là 4 ông bà nội ngoại, 2 bố mẹ và 1 người con. Đối với gia đình, nếu sinh một con có nhiều rủi ro, đôi khi rủi ro xảy ra sẽ trở tay không kịp. Trên thế giới đã có những nước đo lường được rủi ro như: Tai nạn, sa vào tệ nạn xã hội… “Đối với hội chứng “4-2-1” khi còn nhỏ, đứa trẻ được 6 người chăm sóc nhưng lớn lên đứa trẻ lại phải gánh vác, chăm sóc lại 6 người. Trong khi đó, khi còn nhỏ, trẻ được chăm sóc, nâng niu, có khi không biết làm gì, bây giờ phải chăm sóc 6 người thì sẽ không sẵn sàng về mặt tâm lý cũng như kỹ năng”, GS Cử phân tích.

Đối với cộng đồng, mức sinh thấp có thể dẫn đến nguy cơ 2 trường học phải nhập lại thành một trường. Đồng thời, vị chuyên gia cũng chỉ ra nếu tình trạng này không được khắc phục thì sẽ dẫn đến già hóa dân số (tỉ lệ người 60 tuổi trở lên rất cao). “Vì vậy, ngay lúc này, cần phải triển khai các giải pháp đồng bộ để giải quyết chênh lệch mức sinh trước khi quá muộn”, ông Mai Trung Sơn lo lắng cho biết.

Theo Cục Dân số, các thập kỷ qua, mức giảm sinh tại Việt Nam diễn ra mạnh mẽ, từ 6,5 con/phụ nữ những năm 1960 xuống còn 2,05 con vào năm 2020. Việt Nam hiện có 21 tỉnh có mức sinh thấp và rất thấp, tập trung ở các tỉnh Đông Nam bộ, đồng bằng sông Cửu Long và duyên hải miền Trung. Xu hướng của các cặp vợ chồng trẻ ở khu vực này ngày càng “lười” có con.

Ông Hà Đình Đức, Chánh Văn phòng (Bộ Y tế) cho biết, mức sinh thấp đang góp phần đẩy nhanh tốc độ già hoá dân số ở nước ta. Bên cạnh đó, Việt Nam phải đối mặt với vấn đề “già trước khi giàu” khiến nước ta chưa kịp chuẩn bị các mạng lưới an sinh xã hội phù hợp để đón một xã hội nhiều người già, dẫn tới hệ lụy về kinh tế xã hội khi dân số già hoá nhanh chóng cũng cao hơn.

Đại diện Cục Dân số cho biết, đang tham mưu xây dựng dự thảo Luật Dân số, trong đó, đề xuất hỗ trợ một lần bằng tiền khi phụ nữ sinh con thứ hai, mục đích là trong quá trình mang thai phụ nữ cần nghỉ làm, bồi dưỡng sức khoẻ. Cùng đó, dự thảo đề xuất miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập trẻ em lứa tuổi mầm non, tiểu học, đặc biệt các khu công nghiệp, khu chế xuất… Theo ông Mai Trung Sơn, nếu không có các biện pháp can thiệp thì tình hình rất quan ngại (Công an nhân dân, trang 7).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang