GS.TS. Trần Bình Giang trở thành Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt- Đức
Chiều 21-12, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã chính thức trao quyết định bổ nhiệm Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho GS.TS. Trần Bình Giang, Phó Giám đốc phụ trách Bệnh viện. Từ tháng 5-2015, sau khi PGS.TS. Nguyễn Tiến Quyết, nguyên Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức nghỉ theo chế độ, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến phải kiêm nhiệm vị trí Giám đốc Bệnh viện. Ngày 14-8-2016, Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến xin thôi kiêm nhiệm chức vụ Giám đốc Bệnh viện Việt Đức sau khi Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên nghỉ theo chế độ, do phải đảm nhiệm thêm công việc của Thứ trưởng Xuyên. Do đó, Bộ trưởng Bộ Y tế đã có quyết định bổ nhiệm GS.TS. Trần Bình Giang, Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức làm Phó Giám đốc phụ trách Bệnh viện. Sau hơn 4 tháng ở vị trí phụ trách Bệnh viện, từ ngày 21-12-2016, GS.TS. Trần Bình Giang đã chính thức trở thành tân Giám đốc Bệnh viện ngoại khoa hàng đầu của cả nước (Công an nhân dân, trang 3; Tiền phong, trang 6).
Bộ Y tế yêu cầu làm rõ thông tin về khẩu trang y tế không đảm bảo chất lượng
Bộ Y tế vừa có công văn gửi Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh yêu cầu làm rõ nội dung thông tin về sản phẩm khẩu trang y tế với bao bì, nhãn mác của Nhật Bản nhưng sản phẩm khẩu trang bên trong lại được sản xuất tại tỉnh Bắc Ninh, không đảm bảo chất lượng. Theo công văn, Chương trình Chống buôn lậu, hàng giả - bảo vệ người tiêu dùng phát sóng trên VTV1 ngày 19/12/2016 có bài phóng sự phản ánh nội dung khẩu trang y tế với bao bì, nhãn mác của Nhật Bản nhưng sản phẩm khẩu trang bên trong lại được sản xuất tại tỉnh Bắc Ninh, không đảm bảo chất lượng.
Nhằm làm rõ sự việc và kịp thời chấn chỉnh các hành vi vi phạm, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh khẩn trương kiểm tra sự việc theo các nội dung mà phóng sự đã nêu và có báo cáo gửi về Bộ Y tế trước ngày 26/12/2016 để phối hợp các cơ quan chức năng làm rõ, chấn chỉnh trong phạm vi cả nước.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Y tế đã có Công văn số 135/BYT-TB-CT ngày 13/1/2014 và Công văn số 7417/BYT-TB-CT ngày 5/10/2015 gửi Sở Y tế các tinh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác kiểm tra, cấp phép các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trang thiết bị y tế (Tintuc.vn, Lao động, trang 3; Tuổi trẻ, trang 14).
TPHCM: Thêm 1 thai phụ nhiễm Zika
Ngày 21/12, Khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm - Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM cho biết, tính đến 8h cùng ngày, có thêm 4 ca nhiễm Zika mới, nâng số ca được xác định của thành phố lên 145 trường hợp tại 23/24 quận huyện.
Trong số 4 ca nhiễm mới xác định, có 1 thai phụ. Như vậy, có 19 thai phụ đang được theo dõi theo quy định. Đồng thời, trong số 145 trường hợp nhiễm vi rút Zika, có 100 trường hợp đã qua 28 ngày theo dõi. Theo trung tâm, hiện chưa có khuyến cáo hạn chế đi đến những nơi có ca bệnh. Người dân, đặc biệt là thai phụ, cần chủ động phòng tránh muỗi đốt. Mọi người, mọi nhà tự diệt muỗi, diệt lăng quăng để phòng bệnh Sốt xuất huyết và bệnh do vi rút Zika (Tiền phong, trang 6).
Nhiều dịch bệnh gia tăng vào mùa đông
Mùa đông năm nay thời tiết diễn biến phức tạp; nóng, lạnh, hanh khô khác thường, khiến người cao tuổi và trẻ nhỏ có nhiều nguy cơ mắc bệnh. Do vậy, mỗi người dân cần thực hiện nghiêm túc các khuyến cáo, không tự ý điều trị, sử dụng thuốc, đồng thời tăng cường các biện pháp dự phòng bệnh tật.
Cảnh giác với bệnh đột quỵ
Thời tiết thất thường, chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm lớn là “thủ phạm” khiến các bệnh nhân cao huyết áp dễ đột quỵ. Trung bình mỗi ngày, tại Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bạch Mai) tiếp nhận khoảng 30 bệnh nhân vào cấp cứu vì căn bệnh này. Chỉ tính riêng Phòng Cấp cứu 1, số bệnh nhân đột quỵ tăng khoảng 10-15% so với ngày thường. Tương tự, tại Khoa Đột quỵ (Bệnh viện Quân y 103), nếu như trước đây, mỗi ngày khoa tiếp nhận 3-4 bệnh nhân nhập viện, những ngày gần đây, ngày nào cũng tiếp nhận 7-8 bệnh nhân, thậm chí 10 bệnh nhân. Theo thống kê của Trung tâm Tim mạch (Bệnh viện E trung ương), chỉ riêng trong 2 ngày nghỉ cuối tuần qua, các bác sĩ ở đây đã cấp cứu thành công cho 11 bệnh nhân đột quỵ, nhồi máu cơ tim, rối loạn nhịp tim. GS.TS Lê Ngọc Thành, Giám đốc Bệnh viện E đánh giá, trong những ngày qua, thời tiết thay đổi thất thường, những người mắc các bệnh mạn tính như: Tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch… rất dễ trở bệnh nặng. Nếu các bệnh nhân này không được can thiệp sớm, thì nguy cơ biến chứng và tử vong rất cao. Do vậy, khi có các biểu hiện: Đau tức ngực dữ dội, khó thở, vã mồ hôi, đau lan lên vai, cổ, hàm…, hoặc lan dọc theo cánh tay, đặc biệt là tay trái thì cần được đưa đi cấp cứu tại các bệnh viện có chuyên khoa can thiệp tim mạch để được chẩn đoán và điều trị nhanh nhất, hạn chế nguy cơ tử vong.
Qua tìm hiểu được biết, nhiều trường hợp đột quỵ, nhồi máu não liên quan đến sự thay đổi nhiệt độ đột ngột. Đặc biệt, với người lớn tuổi, đêm hôm khi ra khỏi chăn ấm rất dễ bị nhiễm lạnh, huyết áp tăng đột ngột, dễ dẫn đến vỡ mạch máu não, đau thắt ngực. “Biện pháp quan trọng nhất để phòng đột quỵ là phải giữ ấm cơ thể, tắm bằng nước ấm trong những ngày lạnh. Những người bị cao huyết áp, thiếu máu cơ tim, mắc các bệnh hô hấp mạn tính... đã được chẩn đoán thì phải chú ý tuân thủ nguyên tắc dùng thuốc, có chế độ vận động và dinh dưỡng hợp lý theo hướng dẫn của bác sĩ” - bác sĩ Lương Tuấn Khanh, Giám đốc Trung tâm Phục hồi chức năng (Bệnh viện Bạch Mai) khuyến cáo.
Không đặt niềm tin vào “bác sĩ Google”
Đưa ra cảnh báo cho những dịch bệnh thường xảy ra vào mùa đông xuân ở miền Bắc, TS Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) lưu ý, các bệnh đường hô hấp như: Cúm, sởi, rubella, quai bị, tiêu chảy do rotavirus ở trẻ dưới 5 tuổi dễ xảy ra ở thời điểm này. Đặc biệt, ở những nơi tập trung đông trẻ em như: Nhà trẻ, mẫu giáo, trường học… cần đề phòng bệnh tay chân miệng.
PGS.TS Nguyễn Thị Diệu Thúy, Trưởng bộ môn Nhi (Trường Đại học Y Hà Nội) cho biết, nhóm bệnh trẻ em thường hay mắc liên quan đến thời tiết là bệnh lý đường hô hấp. Trong bệnh lý đường hô hấp có nhiều loại, từ bệnh lý đường hô hấp trên đến đường hô hấp dưới. Nếu nhẹ chỉ là cảm cúm, hắt hơi, sổ mũi, viêm mũi họng cấp. Nếu không điều trị kịp thời sẽ chuyển xuống đường hô hấp dưới gây viêm tiểu phế quản, viêm phổi. Nhóm bệnh lý thứ 2 hay gặp là dị ứng, hen phế quản, viêm da cơ địa… “Với viêm da cơ địa, trẻ cần phải được chăm sóc da hằng ngày. Sau khi tắm cần dưỡng da, để da trẻ mềm, đỡ kích thích, ngứa. Xà phòng nên chọn các sản phẩm trung hòa, ít tính axít có nguồn gốc tự nhiên, ít gây kích thích. Khi trẻ bị ngứa nặng, cần đưa trẻ đi khám. Các bậc phụ huynh tránh tự ý bôi thuốc không có hướng dẫn của thầy thuốc” - PGS.TS Nguyễn Thị Diệu Thúy cho biết thêm.
Với kinh nghiệm điều trị cho các bệnh nhi hàng chục năm qua, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) chia sẻ, thay vì tìm đến bác sĩ, không ít bà mẹ khi thấy con có biểu hiện mắc bệnh lại tra cứu các biểu hiện bệnh, biện pháp chữa bệnh trên Google. Có những ông bố, bà mẹ do quá tin vào “bác sĩ google” đã khiến tình trạng bệnh của con nặng thêm, đến khi vào viện đã biến chứng viêm phổi nặng. Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, trẻ nhỏ khi đang bị bệnh, mẹ hãy quan sát nhịp thở con ngày ít nhất 3 lần. Mỗi lần ngực trẻ phình lên được tính là một nhịp. Nếu thấy trẻ thở nhanh hơn bình thường đã có dấu hiệu viêm phổi. Còn nếu đến mức thở rút lõm sâu lồng ngực thì đã viêm phổi nặng. Ngoài ra, cần chăm sóc trẻ cẩn thận để giảm thấp nhất nguy cơ mắc bệnh, bằng cách giữ ấm đúng cách cho trẻ. Khi đi đường cần mặc thêm áo tránh gió (tùy theo nhiệt độ mà mặc nhiều hay ít), đeo khẩu trang. Còn đến lớp, trong nhà, trẻ chỉ cần mặc một áo thu đông mỏng (Hà Nội mới, trang 5).
Người Việt đầu tiên được phong Viện sĩ Viện Hàn lâm y học Pháp
GS-TS Phạm Văn Thức, Nhà giáo nhân dân, Hiệu trưởng trường đại học Y Dược Hải Phòng, đã vinh dự nhận chức danh Viện sĩ Viện Hàn lâm y học quốc gia Pháp tại một buổi lễ diễn ra trọng thể tại trụ sở của Viện Hàn lâm y học quốc gia Pháp ngày 20.12, tại Paris. Trong dịp này, Chủ tịch, Tổng thư ký và các thành viên chủ chốt của Viện Hàn lâm y học quốc gia Pháp đã trao chứng nhận cho 25 thành viên mới vừa chính thức được bầu trong năm 2016 dưới sự chứng kiến của các đại sứ, đại diện đại sứ quán các quốc gia có các nhà khoa học được trao tặng danh hiệu cao quý này. Viện Hàn lâm y học quốc gia Pháp hiện có gần 500 thành viên là các nhà khoa học uy tín hàng đầu quốc tế trong các lĩnh vực khác nhau của y học, trong đó 180 thành viên là người nước ngoài. Cho đến nay, GS-TS Phạm Văn Thức là viện sĩ đầu tiên và duy nhất của VN được phong tặng danh hiệu này tại Viện Hàn lâm y học quốc gia Pháp (Thanh niên, trang 5).