Nhiều người nhập viện vì rượu dịp Tết
Ngày 1/2 (tức mồng 5 tết), các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai cho biết, mỗi ngày khoa Cấp cứu tiếp nhận 5-6 bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa, đều có tiền sử nghiện rượu. Thống kê của khoa Cấp cứu cho thấy trong 6 ngày Tết vừa qua (tính từ 30 tết), mỗi ngày khoa tiếp nhận 100 bệnh nhân từ khắp nơi chuyển đến, cao điểm ngày mùng 4 Tết tiếp nhận đến 116 bệnh nhân.
Bác sĩ Nguyễn Đàm Chính, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, mùng 4 Tết, bệnh nhân nam 57 tuổi (ở Mỹ Hào, Hưng Yên) tử vong nghi ngộ độc rượu methanol. Trước đó, ngày mùng 3 Tết, bệnh nhân uống nhiều rượu tại nhà, rơi vào trạng thái hôn mê từ sáng mùng 4 Tết. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hôn mê. Các bác sĩ đã tiến hành lọc máu, dùng thuốc trợ tim nhưng tình trạng bệnh nhân ngày càng xấu đi, huyết áp tụt và gia đình đã xin bệnh nhân về đêm mùng 4. Các bác sĩ dự báo xu hướng gia tăng ngộ độc rượu trong những ngày tân niên, lễ hội sắp tới khi mọi người gặp nhau mừng tân niên, tham dự lễ hội, uống rượu mất kiểm soát hoặc rượu không rõ nguồn gốc, rượu chứa cồn công nghiệp...
16.700 trường hợp nhập viện do tai nạn giao thông
Theo báo cáo nhanh của Bộ Y tế về công tác y tế dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu, tính đến ngày mồng 2 tết (tức 29/1/2017) các bệnh viện đã tiếp nhận 130 trường hợp đến khám, cấp cứu do pháo nổ, ngoài ra còn có 28 trường hợp khác đến bệnh viện khám, cấp cứu do chất nổ khác.
Các cơ sở y tế đã khám, cấp cứu cho hơn 71 nghìn trường hợp, trong đó có hơn 16 nghìn trường hợp phải nhập viện điều trị nội trú, trong đó có 4.858 người bệnh phải chuyển viện. Các bệnh viện thực hiện 6.331 ca phẫu thuật, trong đó 164 trường hợp phẫu thuật chấn thương sọ não (do các nguyên nhân). Trong số hơn 70 nghìn trường hợp khám, cấp cứu có 16.700 trường hợp do tai nạn giao thông. Trong đó có 8.936 trường hợp va chạm nhẹ đến kiểm tra được xử trí và cho về trong ngày, có 5.055 trường hợp phải nhập viện điều trị nội trú, có 1.251 trường hợp chuyển lên tuyến trên điều trị. Tổng số trường hợp tử vong do tai nạn giao thông (bao gồm cả tử vong trước khi đến bệnh viện) là 73 người. Bộ Y tế thống kê, so với năm 2016, số ca tai nạn giao thông thông và tử vong đều giảm.
Bác sĩ Phạm Hải Bằng, Phó trưởng khoa Phẫu thuật Nhiễm khuẩn (Bệnh viện Việt Đức) cho biết, trong 5 ngày Tết bệnh viện tiếp nhận cấp cứu 714 trường hợp. Trong đó tai nạn giao thông là 504 ca (148 ca không đội mũ bảo hiểm), 272 ca chấn thương sọ não do nhiều nguyên nhân khác nhau, 179 tai nạn sinh hoạt. Theo ghi nhận của các bác sĩ, tỷ lệ người đội mũ bảo hiểm giảm thì tỷ lệ bị chấn thương đầu tăng khi số người đội mũ bảo hiểm trong 3 ngày Tết rất thấp. Cụ thể, ngày 30 Tết trong số những ca nhập viện do tai nạn giao thông thì chỉ có 4 người đội mũ bảo hiểm, ngày 1 Tết có 12, ngày mùng 2 là 15 ca. Trong khi đó ở thời điểm trước Tết số người bị tai nạn không đội mũ bảo hiểm rất ít (Tiền phong, trang 6; An ninh thủ đô, trang 8).
Đêm thâu nơi bệnh viện
Tết đến, xuân về khi hầu hết mọi người được vui vầy, đoàn tụ bên gia đình thì có một lực lượng luôn luôn trong trạng thái trực chiến căng thẳng. Đó là những bác sĩ, y tá tại các bệnh viện. Họ gần như phải hy sinh cái tết của chính mình để tận tình, cứu chữa, chăm sóc và tìm lại mùa xuân cho những người bệnh…
Tết lấy bệnh viện là nhà
Tại điểm “nóng” là Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, bác sĩ Nguyễn Văn Minh, phòng Khám cấp cứu của bệnh viện cho biết, theo thống kê của phòng Khám cấp cứu, trong 5 ngày Tết, từ ngày 29 tháng Chạp đến hết ngày mùng 3 tết, đã có 724 lượt bệnh nhân đến thăm khám, cấp cứu. Trong đó, có 423 ca liên quan đến tai nạn giao thông.
Bác sĩ Lê Tư Hoàng, phó Trưởng khoa Điều trị 1C, Chủ tịch Công đoàn Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cũng cho biết, mỗi ngày, lực lượng trực ở toàn bệnh viện lên tới gần 400 người. Lãnh đạo bệnh viện yêu cầu các bác sĩ không trong tua trực không được tắt máy, không được đi xa Hà Nội quá 40-50km để khi xảy ra cấp cứu phải quay về hỗ trợ. Và như vậy, các nhân viên y tế tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức vẫn phải gắng sức giành giật sự sống cho bệnh nhân trong những ngày nghỉ Tết. Ngoài những trường hợp nhập viện do tai nạn giao thông, theo báo cáo nhanh của Bộ Y tế, trong 4 ngày Tết Đinh Dậu, cả nước có hơn 130 trường hợp thương tích do sử dụng trái phép pháo nổ.
Nếu như dịp tết năm 2015, tai nạn do pháo nổ là 49 trường hợp, thì dịp Tết năm 2016 tăng gấp đôi và đến Tết năm nay, tai nạn pháo nổ đã tăng vọt lên 130 trường hợp. Mặc dù không có trường hợp nào thiệt mạng nhưng thương tích, di chứng do tai nạn pháo nổ gây ra hết sức nặng nề. Có 23 trường hợp khám, cấp cứu do chất nổ khác, không có ca tử vong.
Cũng tại báo cáo của Cục Quản lý khám chữa bệnh, tất cả các cơ sở khám chữa bệnh đã tổ chức thường trực 4 cấp đầy đủ, thực hiện khám, cấp cứu cho 71.308 trường hợp, trong đó: có 16.382 trường hợp phải nhập viện điều trị nội trú, 4.858 trường hợp phải chuyển viện. Thực hiện 6.331 ca phẫu thuật, trong đó 164 trường hợp phẫu thuật chấn thương sọ não (do các nguyên nhân). Đỡ đẻ/mổ đẻ thành công đón hơn 2000 cháu bé chào.
Trong khi đó, ở một bệnh viện lớn tại TPHCM, tình hình những ngày tết vừa qua cũng căng thẳng không kém. Đối với các bác sĩ nơi đây, lẽ ra được đoàn tụ, sum họp bên gia đình, thế nhưng, những ngày tết là những ngày vất vả nhất của các bác sĩ trực cấp cứu. Bởi đây cũng là thời điểm lượng bệnh nhân nhập viện tăng cao vì tai nạn giao thông. Theo bác sỹ chuyên khoa II Phạm Trí Dũng, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy tính từ ngày 25.1 (tức 28 tháng Chạp) đến hết ngày 31.1 (tức mùng 4 tết) có 2.081 bệnh nhân nhập viện cấp cứu, trong đó có 530 bệnh nhân cấp cứu vì tai nạn giao thông.
Còn các bác sĩ Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TPHCM cho biết, trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán, trung bình mỗi ngày khoa Cấp cứu của bệnh viện này tiếp nhận khoảng 100 - 150 trường hợp cấp cứu, trong đó gần một nửa số cấp cứu là do tai nạn giao thông. Chấn thương phổ biến do tai nạn giao thông trong những ngày qua gồm gãy cột sống, gãy tay, chân... Để kịp thời cứu chữa bệnh nhân, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình đã phải chủ động bố trí 6 phòng mổ cấp cứu. Chẳng khác ngày thường là mấy, dịp Tết, các bác sĩ phẫu thuật viên vẫn có lịch mổ dày đặc.
Tại Bệnh viện Từ Dũ, các bác sĩ, hộ sinh vẫn tất bật trong những ngày tết. Thời điểm này, mỗi ngày bệnh viện đón khoảng 150 bé chào đời. Đêm giao thừa, khoảng 300 nhân viên y tế của bệnh viện túc trực chăm sóc cho hơn 850 bệnh nhân cùng nhiều ca cấp cứu.
Một nữ hộ sinh trực đêm 30 tết chia sẻ: “Trước rời khỏi nhà, tôi không tránh khỏi chút buồn vì không được đón giao thừa bên gia đình. Tuy nhiên bước vào ca trực với không khí bận rộn, hạnh phúc trong tiếng khóc trẻ thơ chào đời, niềm vui đón giao thừa cùng đồng nghiệp đã lấn át các cảm giác khác và cảm thấy công việc của mình thêm ý nghĩa”.
Là một trong những khoa khá đông bệnh nhân, từ ngày mùng 2 tết, khoa Thận nhân tạo của Bệnh viện quận Thủ Đức (TPHCM) đã tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân quay trở lại chạy thận.
Điều dưỡng trẻ Phạm Thị Giang, khoa Thận nhân tạo của Bệnh viện quận Thủ Đức đã dành trọn những ngày tết để trực tour thay đồng nghiệp: “Nhiều anh chị đồng nghiệp đã có gia đình hoặc phải về quê đã xin đổi trực. Vì thế, tôi trực từ đêm 30 đến hết mùng 2 để san sẻ giúp họ. Thời điểm giao thừa rồi mùng 1 không được ở bên gia đình để chúc tết bố mẹ, ông bà và các cháu cũng chạnh lòng lắm. Nhưng do nhiều tết phải ở lại trực như thế này rồi cũng thành quen. Hơn nữa, Ban giám đốc cũng đến hỏi thăm và chúc tết nhân viên vào lúc giao thừa nên thấy cũng ấm lòng lắm”.
Theo chị Giang, những ngày tết, công việc của các bác sĩ, điều dưỡng vẫn không có gì thay đổi. Mùng 1 tết, các bác sĩ phải tập trung cứu chữa cho một bệnh nhân chuyển từ khoa Cấp cứu lên vì uống quá nhiều thuốc an thần. Mỗi ngày, khoa phải xếp lịch cho hơn 50 bệnh nhân chạy thận. Bà Nguyệt - một bệnh nhân đang chạy thận tại đây cho biết: “Bình thường, một tuần tôi phải chạy thận 3 lần. Nhưng mấy ngày tết, tui về quê sum vầy với con cháu nên không có chạy thận được, suốt ngày phải ăn cơm với nước tương để giữ sức khỏe. Về tới TP là tôi đến Bệnh viện xếp lịch chạy liền. Thấy các bác sĩ, điều dưỡng vẫn tận tình không khác ngày thường nên yên tâm lắm”.
Tết qua, những con số buồn đọng lại
Theo báo cáo của Cục quản lý Khám, chữa bệnh Bộ Y tế, trong 4 ngày tết vừa qua, các cơ sở y tế trên cả nước đã khám, cấp cứu gần 20.000 trường hợp do tai nạn giao thông. Ngay từ những ngày đầu tiên của năm mới, các bệnh viện trên cả nước đã tiếp nhận hơn 1.000 người bị rối loạn tiêu hóa, trong đó có hơn 400 người bị ngộ độc rượu.
Bác sĩ Lê Quang Trí, Khoa cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trong 2 ngày mùng 1 và mùng 2 Tết, khoa đã tiếp nhận 169 người nhập viện cấp cứu, trong đó có 1/4 bệnh nhân cấp cứu do chảy máu đường tiêu hóa do rượu, nhập viện trong tình trạng không tỉnh táo và vẫn còn hơi men. Như vậy, trong những ngày tết vấn đề ngộ độc rượu rất đáng được quan tâm. Ngày mùng 3 tết, Bệnh viện Bạch Mai vẫn tiếp tục tiếp nhận 16 trường hợp bị ngộ độc rượu và nôn ra máu.
Trong những ngày tết vừa qua, tại một số bệnh viện lớn của Hà Nội như Bệnh viện Hữu Nghị Việt - Đức, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Thanh Nhàn… không khó để bắt gặp những hình ảnh đau thương, tang tóc liên quan đến tai nạn giao thông. Và nguyên nhân là do một bộ phận không nhỏ người dân sử dụng rượu bia quá ngưỡng cho phép, điều khiển phương tiện trong tình trạng không thể làm chủ bản thân. Do lái xe máy trong tình trạng say rượu lả lướt, con trai bà Hà Thị H (Hà Nội) đã tự mình đâm vào cột mốc ven đường, hiện đang phải cấp cứu do chấn thương sọ não.
Chờ đợi bên ngoài phòng cấp cứu, bà H vừa khóc vừa chia sẻ: “tôi đã khuyên con không biết bao nhiêu lần rằng đừng có uống rượu nữa, nếu uống rồi thì đi ngủ, đừng có lái xe, thế mà nó không nghe. Giờ ra nông nỗi này, không biết có tỉnh lại được nữa không”.
Năm nào những con số thương vong về tai nạn giao thông, ngộ độc rượu, đánh nhau nhập viện… cũng khiến những y, bác sĩ gần như mất tết. Song chính sự lặng thầm của họ đã mang lại mùa xuân cho rất nhiều người, hơn ai hết những y bác sỹ là những người mong mỏi nhất được “thất nghiệp” khi tết đến, xuân về (Lao động, trang 3).
Tăng quyền lợi bảo hiểm tại y tế cơ sở
Y tế cơ sở là nơi gần dân nhất, bảo đảm chăm sóc sức khỏe cơ bản với chi phí thấp, góp phần giảm tải cho tuyến trên, nhưng thời gian qua, y tế cơ sở chưa được người dân đánh giá cao, người bệnh vẫn vượt tuyến khám, chữa bệnh. Để người dân được cung ứng số lượng, chất lượng dịch vụ tốt hơn tại tuyến y tế cơ sở, Bộ Y tế đang xây dựng, sửa đổi một số quy định liên quan đổi mới hoạt động của trạm y tế xã, phường. |
Kết quả giám sát việc thực hiện Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) của Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đã chỉ ra chênh lệch trong việc tiếp cận dịch vụ y tế tại các tuyến y tế qua tỷ lệ chi từ quỹ BHYT. Tỷ lệ chi cho khám, chữa bệnh BHYT ở tuyến cuối nhiều hơn so với các tuyến chăm sóc sức khỏe ban đầu (tuyến xã, huyện): tuyến tỉnh là 44,9%, tuyến trung ương là 28,3%, tuyến huyện và xã là 26,7%. Chi khám chữa bệnh nội trú chiếm khoảng 60% tổng chi khám chữa bệnh, tuyến cơ sở chiếm 50%. Điều này đi ngược với xu thế của thế giới khi hơn 60% quỹ khám, chữa bệnh được chi cho y tế cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu. Một bất cập khác là, phần lớn những người thu nhập khá mới có điều kiện lên tuyến trên điều trị, do đó, vô hình trung tiền ngân sách Nhà nước hỗ trợ BHYT cho người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số đã “hỗ trợ ngược” cho người có điều kiện. Cùng với nguồn quỹ hạn hẹp, y tế cơ sở, nhất là trạm y tế xã, phường còn nhiều hạn chế về năng lực cán bộ, trang thiết bị, chưa được người dân đánh giá cao. Từ thực tế nêu trên, đổi mới y tế cơ sở được các ngành y tế, xác định là một nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới. Trên cơ sở Quyết định số 2348/QĐ-TTg ngày 5-12-2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới, Bộ Y tế đang sửa đổi nhiều quy định nhằm nâng cao chất lượng y tế cơ sở. Như Dự thảo Thông tư bổ sung danh mục kỹ thuật cho Thông tư số 43/2013/TT-BYT sẽ khắc phục tình trạng một số dịch vụ kỹ thuật được áp dụng tại tuyến xã không được quỹ BHYT thanh toán. Cục trưởng Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê cho biết, dự kiến sẽ không giới hạn việc thực hiện dịch vụ kỹ thuật tại các tuyến, từ y tế cơ sở, tuyến tỉnh đến tuyến trung ương. Thông tư cũng chuẩn hóa cả tên dịch vụ và giá dịch vụ, nhằm giúp các cơ sở khám, chữa bệnh làm thủ tục đề nghị thanh toán chi phí khám, chữa bệnh tại cơ quan bảo hiểm xã hội qua hệ thống giám định điện tử. Bên cạnh đó, sẽ sửa đổi, bổ sung danh mục dịch vụ kỹ thuật, danh mục thuốc BHYT tại cơ sở y tế xã, huyện để tăng khả năng tiếp cận dịch vụ y tế của người có thẻ BHYT ngay tại y tế cơ sở. Theo đó, danh mục thuốc được BHYT chi trả tại tuyến xã tăng lên so với hiện nay, tránh tình trạng người bệnh vượt lên tuyến trên chỉ để khám, chữa những bệnh thông thường, nhận thuốc định kỳ cho các bệnh không lây nhiễm như tiểu đường, huyết áp, tim mạch. Từ danh mục kỹ thuật chung, các cơ sở khám, chữa bệnh đăng ký thực hiện các dịch vụ kỹ thuật theo năng lực, điều kiện của cơ sở mình và cơ quan chức năng sẽ thẩm định về nhân lực, trang thiết bị, cơ sở vật chất để cho phép thực hiện, với yêu cầu bảo đảm an toàn, sức khỏe người bệnh đặt lên hàng đầu. Riêng tại tuyến xã, các danh mục dịch vụ, thuốc sẽ được quy định tại gói dịch vụ y tế cơ bản và bắt buộc các trạm y tế xã, phường phải cung cấp đầy đủ cho người bệnh. Theo ban soạn thảo, quan điểm xây dựng Thông tư Quy định chi tiết về gói dịch vụ y tế cơ bản có sự thay đổi từ xây dựng gói dịch vụ y tế cơ bản chung các tuyến sang chỉ xây dựng gói dịch vụ y tế cơ bản cho trạm y tế xã, phường và bác sĩ gia đình để phù hợp khả năng đáp ứng của y tế cơ sở, khả năng chi trả của quỹ BHYT và giảm tải cho tuyến trên, giảm chi phí khám chữa bệnh cho người dân. Tất cả các trạm y tế xã, phường, phòng khám bác sĩ gia đình bắt buộc phải đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực để bảo đảm cung ứng đầy đủ dịch vụ thiết yếu cho người dân tại gói dịch vụ y tế cơ bản, tránh tình trạng nơi đáp ứng được, nơi không. Qua đó, người dân sẽ được cung ứng, chất lượng dịch vụ tốt hơn tại tuyến xã so với hiện nay. Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đề xuất bỏ quy định giao quỹ cho cơ sở khám, chữa bệnh ban đầu để đổi mới cơ chế tài chính cho hoạt động của y tế cơ sở. Lâu nay, việc giao quỹ cho cơ sở khám, chữa bệnh tính trên số tiền đóng BHYT của người đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu nhằm kiểm soát việc sử dụng dịch vụ của người bệnh. Tuy nhiên, từ 1-1-2016, quy định thông tuyến có hiệu lực, người bệnh có thể tự do khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế tuyến huyện cho nên mục tiêu kiểm soát không thực hiện được. Trong khi các cơ sở khám, chữa bệnh ban đầu được giao quỹ phải cân nhắc các chỉ định cho người bệnh thì các cơ sở không bị ràng buộc giao quỹ ở tuyến trên lại chỉ định rộng rãi các dịch vụ kỹ thuật, gây lãng phí quỹ BHYT. Theo Vụ trưởng vụ BHYT (Bộ Y tế) Lê Văn Khảm, sẽ điều chỉnh Thông tư 41/2014/TTLT-BYT-BTC theo hướng không giao quỹ khám, chữa bệnh cho cơ sở khám, chữa bệnh ban đầu, thay vào đó là cơ chế kiểm soát việc sử dụng dịch vụ y tế bằng cách xác định tổng mức thanh toán cho tổng số các trường hợp đến khám, chữa bệnh trong năm theo từng chuyên khoa, hạng bệnh viện. Định mức sử dụng quỹ BHYT tại trạm y tế xã cũng được xem xét sửa đổi. Với định mức số tiền tối đa sử dụng tại trạm y tế xã là 20% quỹ khám chữa bệnh như hiện nay đã hạn chế hoạt động chuyên môn, quyền lợi người bệnh và không phù hợp xu hướng tăng cường dịch vụ y tế tuyến xã. Một số danh mục dịch vụ kỹ thuật, thuốc đã có trong danh mục được quỹ BHYT chi trả nhưng cơ sở y tế tuyến xã không thể thực hiện được vì không có tiền. Xu hướng sẽ không quy định mức quỹ BHYT được sử dụng tại trạm y tế mà áp dụng cơ chế tính tổng mức thanh toán các trường hợp đến khám, chữa bệnh trong năm như các cơ sở y tế khác để kiểm soát việc sử dụng dịch vụ kỹ thuật của thầy thuốc và người bệnh, phát triển chuyên môn và bảo đảm quyền lợi của người bệnh có thẻ BHYT. Theo các chuyên gia y tế, nếu đầu tư cho tuyến y tế cơ sở thì hiệu quả sẽ gấp mười lần đầu tư cho tuyến trên bởi vì y tế cơ sở là tuyến y tế gần dân nhất, bảo đảm cho người dân được chăm sóc sức khỏe cơ bản với chi phí thấp, đầu tư cho tuyến trên bao nhiêu cũng không giải quyết được tình trạng quá tải. Để y tế phát triển, công tác phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám chữa các bệnh thông thường cần phải chuyển về cho tuyến cơ sở, ở tuyến trên chỉ nên tập trung phát triển kỹ thuật cao và tư duy quản trị bệnh viện (Nhân dân, trang 5). |
Cứu một thanh niên bị dao nhọn đâm xuyên gáy
Bác sĩ Nguyễn Văn Đồng - giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Giang cho hay trong dịp tết vừa qua Bệnh viện đã mổ cấp cứu, cứu một thanh niên bị dao nhọn đâm xuyên gáy. Theo bác sĩ Đồng, bệnh nhân quê ở Lạng Giang, Bắc Giang, được đưa đến bệnh viện hôm 26-1 (29 tết), phần gáy bị dao nhọn đâm xuyên dài khoảng 10 cm và gây mất nhiều máu.
Trước đó, thấy chú và anh có xô xát với nhân viên quán karaoke, nam thanh niên này chạy đến giải cứu và bị đâm. Sau khi bị dao đâm, nạn nhân còn chạy thêm khoảng 100 m rồi gục xuống. Bác sĩ Đồng cho biết rất may mắn dao chỉ xuyên qua phần mềm trên gáy nên sau ca mổ kéo dài 3g đồng hồ, các bác sĩ đã lấy được con dao ra và bệnh nhân hiện đã hồi phục (Tuổi trẻ, trang 5).