Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 22/2/2017

  • |
T5g.org.vn - Toàn dân sẽ được lập hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân; Về vụ 2 nạn nhân tử vong sau gây mê tại Bệnh viện Trí Đức: Tất cả đều đúng quy trình?; Văn phòng đáp ứng khẩn cấp phòng chống dịch bệnh (EOC) họp khẩn: Dịch cúm A(H7N9) có tỉ lệ tử vong 40% “áp sát” biên giới...

 

Toàn dân sẽ được lập hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân

Hôm qua (21.2), Bộ Y tế đã chính thức công bố “Báo cáo tiến độ lập hồ sơ sức khỏe cá nhân gắn với Bảo hiểm y tế toàn dân và chăm sóc sức khỏe toàn dân”. Đây là bước tiến quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng lưới y tế cấp xã, phường. Và quan trọng với việc có hồ sơ quản lý sức khỏe, mỗi người dân sẽ được chăm sóc sức khỏe ngay từ ban đầu chứ không còn phải đợi tới khi có bệnh mới đi làm (Lao động, trang 2; Nhân dân, trang 3, Sức khỏe & đời sống, trang 2; Tuổi trẻ, trang 2) 

 

Về vụ 2 nạn nhân tử vong sau gây mê tại Bệnh viện Trí Đức: Tất cả đều đúng quy trình?

Sau gần 2 tháng xảy ra 2 ca tử vong sau tiêm thuốc gây mê tại Bệnh viện Trí Đức, sáng nay, 21-2, Hội đồng chuyên môn Sở Y tế Hà Nội đã họp và chính thức công bố nguyên nhân tử vong của 2 nạn nhân này.

Thành phần Hội đồng chuyên môn đánh giá nguyên nhân tử vong của 2 người bệnh tử vong sau tiêm thuốc gây mê tại bệnh viện Trí Đức ngày 25-12-2016 vừa qua (ông Hoàng Văn Trấn - SN 1982 và bà Quách Thị Mai Phương - SN 1979) gồm 10 người, do bà Trần Thị Nhị Hà – Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội làm Chủ tịch Hội đồng. Buổi họp còn có sự tham gia của Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trí Đức và 2 bác sĩ, 2 kỹ thuật viên trong 2 kíp thực hiện kỹ thuật gây ra 2 ca tử vong kể trên.

Tại buổi họp, sau khi nghiên cứu hồ sơ và các ý kiến thảo luận của các thành viên, Hội đồng chuyên môn có ý kiến như sau:

Thứ nhất, quy trình gây mê và sử dụng thuốc gây mê trong 2 ca bệnh kể trên tại Bệnh viện Trí Đức phù hợp với quy định của Bộ Y tế. Cụ thể, các bệnh nhân có được khám trước gây mê, lâm sàng và cận lâm sàng. Monitoring phù hợp trong phòng mổ, các thuốc dùng đủ, đúng liều theo trình tự.

Thứ hai, Bệnh viện Trí Đức có phương tiện máy móc theo dõi bệnh nhân. Các thuốc sử dụng hợp lý, đúng liều. Bệnh nhân được bóp bóng khi khởi mê và cấp cứu. Thuốc gây mê đúng liều lượng, đúng loại, đúng trình tự cho cả 2 trường hợp bệnh nhân.

Thứ ba, về quy trình cấp cứu khi các bệnh nhân có diễn biến xấu, Hội đồng chuyên môn kết luận: Các bệnh nhân đã được phát hiện sớm diễn biến nặng và xử trí cấp cứu kịp thời, xử trí ngay bằng các biện pháp cấp cứu như thuốc, đặt ống nội khí quản, cho thở oxy, sử dụng tiêm và truyền adrenalin đúng theo hướng dẫn cấp cứu sốc phản vệ.

Tuy nhiên, Hội đồng cho rằng bệnh viện cần có máy chống rung tim trong phòng phẫu thuật. Nếu theo dõi được EtCO2 và FiO2 thì chẩn đoán và hồi sức sẽ thuận lợi hơn. Việc Bệnh viện Trí Đức quyết định chuyển 2 bệnh nhân lên tuyến trên là hợp lý nhưng cần đáp ứng tiêu chuẩn vận chuyển an toàn người bệnh cấp cứu.

Đặc biệt, Hội đồng chuyên môn nhấn mạnh, các thuốc được sử dụng cho cả 2 người bệnh (ghi trong hồ sơ bệnh án của 2 người bệnh) là đúng loại, đúng liều, có trong danh mục thuốc của Bộ Y tế, được Việt Nam và trên thế giới sử dụng rộng rãi trong gây mê. Dù vậy, bất cứ loại thuốc nào cũng đều có tác dụng không mong muốn và nguy cơ gây sốc phản vệ.

Trên cơ sở đó, Hội đồng chuyên môn của Sở Y tế Hà Nội chẩn đoán nguyên nhân tử vong của 2 bệnh nhân ở Bệnh viện Trí Đức là: “Suy tuần hoàn, suy hô hấp cấp trong quá trình khởi mê, nghĩ nhiều đến sốc phản vệ mức độ nặng (phù hợp kết quả giải phẫu bệnh). Tuy nhiên chưa đủ thông tin lý giải tình trạng suy hô hấp cấp nổi trội hơn suy tuần hoàn ở cả 2 trường hợp trên.

Về quy trình mua bán thuốc, cấp phát thuốc, bảo quản thuốc của Bệnh viện Trí Đức do chưa có đủ thông tin nên Hội đồng chuyên môn chưa có đủ cơ sở để kết luận.

Kết luận của Hội đồng chuyên môn không nhắc gì tới trách nhiệm của Bệnh viện Trí Đức cũng như các thành viên của  2 kíp mổ. (An ninh thủ đô, trang 7; Tiền phong, trang 2; Sức khỏe & đời sống, trang 2) Lao động, trang 2; Sài Gòn giải phóng, trang 7; Nông thôn ngày nay, trang 2; Tuổi trẻ, trang 3)

 

Văn phòng đáp ứng khẩn cấp phòng chống dịch bệnh (EOC) họp khẩn: Dịch cúm A(H7N9) có tỉ lệ tử vong 40% “áp sát” biên giới

Tại cuộc họp khẩn cấp, Văn phòng đáp ứng khẩn cấp phòng, chống dịch bệnh (EOC) đã phát đi thông điệp lo ngại về việc dịch cúm gia cầm, đặc biệt là dịch cúm A/H7N9 có nguy cơ bùng phát ở Việt Nam. Ngay trong sáng 20.2, cơ quan chức năng đã phát hiện một ổ dịch H5N1 tại xã Trực Thuận, Trực Ninh, Nam Định, 2 ổ dịch H5N1 tại huyện Phú Đông, tỉnh Bạc Liêu và 1 ổ tại Diễn Châu, Nghệ An. Trong lúc đó, dịch H7N9 đang bùng phát ở Trung Quốc cũng có thể “nhập cảnh” vào VN bất cứ lúc nào (Lao động, trang 1)

 

Xử lý nghiêm các trường hợp lạm dụng kê đơn

Liên quan đến thông tin phản ánh của một số cơ quan truyền thông về một bác sĩ của BV quận 5 kê đơn thực phẩm chức năng để được hưởng lợi nhuận. Sở Y tế TP.HCM đã chỉ đạo Ban Giám đốc BV quận 5 khẩn trương kiểm tra, xử lý vụ việc, qua đó đã xác minh BS. Âu Gia Thịnh – Phó trưởng khoa liên chuyên khoa, BV quận 5 đã vi phạm quy định về kê đơn thuốc cho bệnh nhân và có biểu hiện lạm dụng  nghề nghiệp để thu lợi trong quá trình khám, chữa bệnh (Sức khỏe & đời sống, trang 2)

 

Xin sữa mẹ nuôi con, các bà mẹ nên cân nhắc

Chiều 20-2, một số bác sĩ chuyên về dinh dưỡng của Bệnh viện Nhi đồng 1 đã có cuộc trao đổi với giới truyền thông TP HCM, xung quanh việc gần đây trên địa bàn thành phố xuất hiện một tủ sữa mẹ miễn phí dành cho em bé chẳng may bị thiếu sữa. Loại sữa này được gom từ các mẹ có sữa nhưng con dùng không hết, được vắt ra, trữ đông. Theo phân tích của các bác sĩ, người dân không nên tự ý gom sữa không có nguồn gốc, và các mẹ nuôi con cũng không nên tự ý cho con sử dụng vì có nhiều nguy cơ lây nhiễm bệnh (Công an nhân dân, trang 4)

 

Đẩy mạnh tự chủ, giảm quá tải tại các cơ sở y tế

Chiều 21-2, đồng chí Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM đã làm việc với Sở Y tế TPHCM về tình hình thực hiện tự chủ và công tác xã hội hóa trong lĩnh vực y tế, định hướng phát triển ngành y tế đến năm 2020 (Sài Gòn giải phóng, trang 1; Tuổi trẻ, trang 3; Thanh niên, trang 3)

 

Các bệnh viện lập đội phản ứng nhanh về đột quỵ

Bộ Y tế đã ban hành thông tư quy định việc tổ chức khám bệnh, chữa bệnh đột quỵ trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Về lộ trình thực hiện, Thông tư nêu rõ: Đối với các bệnh viện đa khoa hạng đặc biệt, phấn đấu đến năm 2020 thành lập khoa đột quỵ, đến năm 2025 thành lập trung tâm đột quỵ. Các bệnh viện đa khoa hạng 1 phấn đấu đến năm 2020 tối thiểu thành lập đơn vị đột quỵ, đến năm 2025 thành lập khoa đột quỵ. Các bệnh viện đa khoa còn lại phấn đấu đến năm 2020 tối thiểu thành lập đội đột quỵ, đến năm 2025 thành lập đơn vị đột quỵ (Nông thôn ngày nay, trang 4)

 

Hàng loạt học sinh trong một xã bị viêm cầu thận, 2 em tử vong

Ngày 21.2, Sở Y tế Nghệ An báo cáo về hiện tượng bất thường tại xã Hạnh Dịch (H.Quế Phong) khi hàng loạt học sinh (HS) bị chứng viêm cầu thận cấp.

Theo báo cáo, từ tháng 11.2016 đến nay đã ghi nhận 20 HS bị bệnh này (17 học sinh THCS và 3 HS tiểu học), trong đó có 2 HS đã tử vong do suy thận nặng. Các em nhập viện đều có các triệu chứng phù, tiểu ít, nước tiểu sẫm màu. Trong số 20 HS mắc bệnh, có 11 em được chuyển đến điều trị tại Bệnh viện H.Quế Phong; đến ngày 21.2, có 8 em ra viện, 3 em chuyển lên tuyến trên thì có 2 em đã tử vong.

Ngày 20.2, Sở Y tế Nghệ An thành lập đoàn công tác gồm các bác sĩ của Trung tâm y tế dự phòng tỉnh, Bệnh viện Sản nhi Nghệ An, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Trung tâm y tế và Bệnh viện đa khoa H.Quế Phong về xã Hạnh Dịch để lấy mẫu xét nghiệm. Nguyên nhân gây bệnh nghi do liên cầu khuẩn beta tan huyết nhóm A.

Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết vi khuẩn này là một trong những tác nhân gây viêm họng ở trẻ nhỏ (5 - 15 tuổi), thường gây ổ viêm nhiễm ở họng, gây tổn thương tim, khớp, gây viêm thận cấp (do cơ chế miễn dịch) khi kháng thể của cơ thể sinh ra chống lại kháng nguyên của vi khuẩn tạo thành “hợp chất” lắng đọng trong thận.

Tuy nhiên, theo ông Phu, liên cầu khuẩn beta tan huyết nhóm A thường không bùng phát thành dịch như vi rút, do đó việc cùng lúc có nhiều trẻ mắc bệnh do vi khuẩn này khá bất thường, cần được xét nghiệm chẩn đoán chính xác tác nhân gây bệnh; xem xét các yếu tố liên quan đến điều kiện vệ sinh phòng bệnh: môi trường sống, chế độ dinh dưỡng. Ngoài ra, các bác sĩ cũng lưu ý, vi khuẩn này có thể điều trị bằng kháng sinh, do đó cần phát hiện, điều trị kịp thời, bệnh nhân cần được sử dụng kháng sinh đúng và đủ liều (Thanh niên, trang 5) 

 

Đặt máy tạo nhịp tim cứu bé vừa sinh trên bàn mổ

Ngày 21.2, bác sĩ (BS) Bùi Văn Hoàng, Phó trưởng phòng Kế hoạch - tổng hợp Bệnh viện (BV) Từ Dũ (TP.HCM) cho biết, BV vừa phối hợp với BV Nhi đồng 2 mổ bắt con và đặt máy tạo nhịp tim nhân tạo cứu sống một trẻ sơ sinh trong tình trạng bệnh tim nặng từ trong bụng mẹ. Đây là trường hợp đặt máy tạo nhịp tim nhân tạo thứ 2 dưới sự phối hợp của 2 BV sản - nhi này.

Sản phụ S. (28 tuổi, quê Lâm Đồng) mang thai tuần thứ 27 thì được phát hiện thai nhi mắc bệnh tim bẩm sinh phức tạp: tắc nghẽn dẫn truyền nhĩ thất độ 3, tim to, hở van 3 lá; thai nhỏ. BV Từ Dũ hội chẩn với BS tim mạch BV Nhi đồng 2 và xác định thai nhi có nguy cơ mất trong bụng mẹ hoặc khi vừa sinh ra. Các BS quyết định theo dõi thai phụ và dự kiến sẽ mổ bắt con vào lúc thai 36 tuần tuổi.

Ngày 20.2, thai nhi có nguy cơ đe dọa tính mạng nên ê kíp BS sản của BV Từ Dũ đã thực hiện mổ bắt con, bé trai cân nặng 2,3 kg cho sản phụ. Tuy nhiên, lúc này nhịp tim của bé chỉ có 52 lần/phút (bình thường phải từ 110 - 160 lần/phút). Ngay tức thời, ê kíp can thiệp tim mạch của BV Nhi đồng 2 đã mở ngực bệnh nhi và đặt máy tạo nhịp tim nhân tạo để cứu sống bé và chuyển bé về BV Nhi đồng 2 theo dõi. BS Phạm Ngọc Thạch, Phó giám đốc BV Nhi đồng 2, cho biết thêm, sau một ngày chuyển viện đến thì sức khỏe bệnh nhi tạm ổn định, nhịp tim bình thường và sẽ được tiếp tục theo dõi.

Theo BS Hoàng, với bệnh lý này, nếu trẻ chuyển viện mà không được đặt máy tạo nhịp tim thì nguy cơ tử vong cao trên đường chuyển viện. Hoặc nếu sinh thường cũng sẽ có nhiều nguy cơ tử vong (Thanh niên, trang 5) 

Tags:

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang