Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 22/3/2017

  • |
T5g.org.vn - Bệnh đái tháo đường là thách thức lớn trong chăm sóc sức khỏe; Thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân: Mục tiêu nhiều thách thức; Tổng kết công tác thanh tra y tế năm 2016, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2017: lĩnh vực an toàn thực phẩm đã xử phạt hơn 7 tỷ đồng

 

Bệnh đái tháo đường là thách thức lớn trong chăm sóc sức khỏe

Ngày 21-3, tại hội thảo cập nhật chẩn đoán, điều trị đái tháo đường (ĐTĐ) và các biến chứng do Bệnh viện Bạch Mai tổ chức, PGS.TS Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Bệnh viện cho biết, hiện bệnh ĐTĐ là một trong những thách thức lớn trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.

Mỗi năm, trên thế giới có khoảng 4,6 triệu ca tử vong do ĐTĐ và 2/3 trong số này phải cắt cụt chi với chi phí điều trị rất lớn.

Tại Việt Nam, ĐTĐ cũng là nguyên nhân hàng đầu gây đột quỵ, suy thận mạn hay cắt cụt chi không do chấn thương... và làm tăng tỷ lệ tử vong gấp 2-4 lần so với người không mắc bệnh.

Việc điều trị bệnh ĐTĐ ở Việt Nam hiện nay gặp nhiều khó khăn do đội ngũ thầy thuốc chuyên khoa còn thiếu, người bệnh thường được phát hiện muộn, khi đã có nhiều biến chứng. (Hà Nội mới. trang 1).

 

Thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân: Mục tiêu nhiều thách thức

Tỷ lệ người dân có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) từ 68,8% (cuối năm 2013) đã tăng lên 82% trong tổng dân số tính đến hết tháng 2-2017, vượt chỉ tiêu 80% Quốc hội đề ra vào năm 2020. Song thực tế cho thấy, để duy trì tính bền vững, hướng đến mục tiêu BHYT toàn dân như Luật BHYT đề ra là một thách thức lớn, cần sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và chính người dân.

Vượt tuyến quá mức

Thời gian qua, thực hiện quy định về thông tuyến trong khám chữa bệnh, tỷ lệ dân số tham gia BHYT gia tăng nhanh chóng. Việc thông tuyến không chỉ tạo điều kiện cho bệnh nhân tiếp cận và có cơ hội lựa chọn gói dịch vụ tốt, mà còn tạo thuận lợi cho các trường hợp người lao động khi phải di chuyển công việc từ nơi này sang nơi khác hoặc người về hưu thay đổi nơi cư trú. Với quy định này, người dân sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; ở xã đảo, huyện đảo được khám chữa bệnh nội trú tại bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến trung ương không cần giấy chuyển viện. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, các quy định của Luật BHYT thực sự đã đi vào cuộc sống, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân.

Tuy nhiên, quá trình triển khai thông tuyến bên cạnh ưu điểm còn bộc lộ những hạn chế, trong đó có tình trạng vượt tuyến quá mức. Ông Uông Đình Uyên, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thường Tín cho biết: “Trong khi mỗi đơn thuốc của tuyến dưới chỉ được phép chi 100.000 - 200.000 đồng thì bệnh viện tuyến trên mạnh tay chi gấp 10 lần. Đương nhiên, bệnh nhân thích lên tuyến trên. Hệ quả là chi phí thanh toán đa tuyến tăng cao. Bệnh viện tuyến dưới đã nghèo, lại phải chi tiền BHYT cho tuyến trên”. Đại diện lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn và Thạch Thất cùng chung nỗi niềm cho biết, năm 2016, hai bệnh viện này đều chi vượt trần, vượt quỹ BHYT. Còn tại TP Hồ Chí Minh, Hưng Yên và nhiều địa phương khác đều có hiện tượng đau đầu, hắt hơi, sổ mũi cũng lên bệnh viện tuyến trung ương.

Gánh nặng nêu trên khiến quỹ BHYT có nguy cơ mất cân đối. Vì vậy, đẩy nhanh BHYT toàn dân là một chính sách có ý nghĩa an sinh quan trọng, nhằm đạt được sự sẻ chia giữa người mạnh khỏe với người hay ốm đau, người giàu với người nghèo, người trong độ tuổi lao động với trẻ em và người cao tuổi.

Trách nhiệm của cả hệ thống chính trị

Ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội cho rằng, tỷ lệ người dân tham gia BHYT sẽ cao hơn nếu cả hệ thống chính trị vào cuộc. Ông Hòa dẫn chứng tại Hà Nội, dù 3 huyện cạnh nhau là Mỹ Đức, Thanh Oai và Ứng Hòa, nhưng tỷ lệ tham gia BHYT khác nhau. Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương, huyện Ứng Hòa có trên 90% người dân tham gia BHYT. Hai huyện còn lại đạt tỷ lệ rất thấp, cho thấy sự thiếu quan tâm, chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền các cấp.

Ông Nguyễn Đức Hòa cũng nêu thêm thực tế nhiều đại lý bán BHYT chưa mặn mà với công tác tuyên truyền. Muốn nhiều người mua BHYT phải đến từng nhà, nhưng hiện các đoàn thể ở địa phương có tư tưởng thụ động “chờ dân đến”, ai cần thì mua. “Thậm chí có phường ở quận Hoàng Mai, khi người dân đến mua BHYT còn bắt công chứng cả sổ hộ khẩu. Như thế là làm khó người dân” - ông Hòa nhấn mạnh.

Ở chiều ngược lại, nhiều người dân mua BHYT chưa bao giờ đi khám bệnh nếu chưa bị bệnh nên không thấy tác dụng thiết thực của BHYT trong quản lý, theo dõi sức khỏe. Đáng quan tâm hơn, một bộ phận người dân, nhất là ở khu vực nông thôn, lao động làm nghề tự do, buôn bán nhỏ ở các tỉnh phía Bắc, miền Trung, chỉ đến khi có bệnh, vào viện mới “chạy” mua để được thanh toán BHYT. Trong khi đây là đối tượng chiếm số đông ở cộng đồng và cần được vận động tham gia.

TS Nguyễn Văn Tiên, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, thực hiện BHYT toàn dân là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. Để đạt mục tiêu bền vững, phải huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Các cơ quan liên quan cần đẩy mạnh tuyên truyền, trước hết là vận động cán bộ công chức, viên chức gương mẫu tham gia BHYT cho thành viên còn lại trong gia đình. Trách nhiệm của nhà trường, chính quyền địa phương… cần được thể hiện rõ hơn. Bộ Y tế, các tỉnh, thành phố cần phối hợp nghiên cứu cơ chế quản lý, đầu tư vực dậy các trạm y tế xã, coi y tế xã là nơi kiểm soát bệnh đầu tiên. Từ kết quả chăm sóc sức khỏe ban đầu, cán bộ y tế xã có thể đề nghị chuyển bệnh nhân lên tuyến trên. Đây là tiền đề để kiểm soát được lịch sử khám chữa bệnh của người bệnh, phát hiện được các trường hợp bất hợp lý, phát triển y tế xã và việc thông tuyến đạt hiệu quả như mong muốn. (Hà Nội mới, trang 6).

 

Tổng kết công tác thanh tra y tế năm 2016, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2017: lĩnh vực an toàn thực phẩm đã xử phạt hơn 7 tỷ đồng 

Sáng ngày 20-3, tại TPHCM, PGS-TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế Bộ Y tế đã họp chủ trì Hội nghị tổng kết công tác Thanh tra Y tế năm 2016 và triển khai nhiệm vụ Thanh tra Y tế năm 2017.

Đến dự còn có ông Nguyễn Minh Mẫn, Quyền vụ trưởng Vụ III, Thanh tra Chính phủ, Chánh Thanh tra Bộ Y tế Đặng Văn Chính… cùng các lãnh đạo Bộ Y tế, đại diện Thanh tra Sở Y tế các tỉnh, thành.

Theo Chánh Thanh tra Bộ Y tế Đặng Văn Chính báo cáo tại hội nghị: Năm 2016, ngành Thanh tra Y tế tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án nâng cao năng lực Thanh tra Y tế đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đồng thời hoàn thành 100% kế hoạch thanh tra theo kế hoạch đã được Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt. Bộ Y tế, đã xây dựng 6 quy trình thanh tra y tế và các quy trình Iso để thực hiện trong lĩnh vực thanh tra y tế; đã ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương triển khai thực hiện tốt các công tác thanh tra y tế có trọng tâm, trọng điểm.

Năm 2016, toàn ngành Thanh tra Y tế đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, đặc biệt là trong lĩnh vực nước giải khát và các công tác về an toàn thực phẩm, cũng như tất cả các lĩnh vực thuộc thẩm quyền như khám chữa bệnh, bảo hiểm y tế, dược, mỹ phẩm, thiết bị y tế, an toàn thực phẩm… Công tác thanh tra đã phát hiện nhiều sai phạm và đã kịp thời xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, tạo sự chuyển biến và góp phần thay đổi nhận thức, ý thức trong cộng đồng cũng như đối với cán bộ của ngành Y tế.

Theo Bác sĩ Vũ Sỹ Vân, Phó Chánh Thanh tra Bộ Y tế, trong năm 2016, Bộ Y tế đã triển khai 14 đoàn kiểm tra, thanh tra (3 đoàn kiểm tra, 11 đoàn thanh tra) trong lĩnh vực an toàn thực phẩm (ATTP), xử phạt hơn 7 tỷ đồng, thu hồi và tiêu hủy trên 10 tấn thực phẩm chức năng, hàng hóa không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng, trị giá hàng trăm triệu đồng. Cục ATTP cũng đã tổ chức thành lập 19 đoàn kiểm tra liên ngành trong dịp Tết Nguyên đán Bính Thân, lễ hội mùa Xuân, tháng hành động vì chất lượng vệ sinh ATTP, Tết Trung thu 2016 tại 39 tỉnh, thành phố đã phát hiện 89 cơ sở vi phạm với 106 hành vi vi phạm ATTP. Tổng số tiền xử phạt lên đến gần 6 tỷ đồng, thu hồi 25 giấy xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP.

Tại các tỉnh, thành phố, công tác thanh tra cũng được siết chặt. Trong năm 2016, thanh kiểm tra 461.218 cơ sở với tổng mức tiền phạt gần 32 tỷ đồng. Hầu hết các cuộc thanh tra được triển khai kịp thời trong việc phát hiện và xử lý những trường hợp vi phạm trong lĩnh vực y tế. Công chức làm công tác thanh tra nắm vững các quy định của pháp luật về thanh tra, phối hợp chặt chẽ với các phòng ban trong công tác thanh tra, đảm bảo công tác thanh tra tuân theo pháp luật, chính xác, khách quan, trung thực, công khai, dân chủ và kịp thời.

Về phương hướng, nhiệm vụ công tác trong năm 2017, Chánh Thanh tra Đặng Văn Chính cho biết, Thanh tra ngành Y tế sẽ tiếp tục thực hiện hoàn thành tốt kế hoạch thanh tra đã được Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt, cũng như kế hoạch thanh tra đã được Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố phê duyệt. Tiếp tục thực hiện tốt công tác tiếp dân, nâng cao trách nhiệm trong công tác tiếp dân, tăng cường đối thoại để giải quyết dứt điểm ngay từ đầu các vụ việc; nâng cao chất lượng các cuộc thanh tra, kết luận thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo phải đúng, phải trúng, kịp thời theo quy định của pháp luật. Công tác đôn đốc xử lý sau thanh tra sẽ được tăng cường kiểm tra để thực hiện nghiêm các kết luận thanh tra, nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, trong năm 2016, ngành Thanh tra Y tế đã có nhiều hoạt động, các hoạt động khá đồng bộ. Đặc biệt, Thanh tra Y tế đã làm tốt công tác triển khai các đoàn thanh tra, công tác thanh tra chuyên ngành, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, trong đó 100% đơn thư tố cáo thuộc thẩm quyền được giải quyết.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, định hướng trong năm 2017 Thanh tra Bộ cần phải tham mưu xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về công tác thanh tra và phòng chống tham nhũng. Tiếp tục triển khai đề án nâng cao năng lực thanh tra y tế nhằm củng cố nâng cao chất lượng công tác hệ thống Thanh tra, tổ chức các lớp đào tạo, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật và tập huấn nghiệp vụ thanh tra về các lĩnh vực khám chữa bệnh, dược, trang thiết bị y tế, y tế dự phòng, bảo hiểm y tế,…. Bên cạnh việc thanh tra theo chuyên đề, chuyên ngành cần tăng cường thanh tra đột xuất  trong lĩnh vực dược và ATTP. Bên cạnh đó, Thanh tra y tế cần có sự phối hợp chặt chẽ với các ban ngành… địa phương trong việc xử lý sai phạm… (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

 

Tử vong vì nhiễm liên cầu khuẩn sau khi ăn tiết canh dê

Ngày 21.3, Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các trạm y tế xã trên địa bàn H.Nga Sơn kiểm soát chặt chẽ những người đã ăn tiết canh dê có nguy cơ lây nhiễm liên cầu khuẩn, đồng thời khuyến cáo người dân không nên ăn tiết canh các loại.

Chỉ đạo này được ban hành sau khi 2 người bị nhiễm liên cầu khuẩn vì ăn tiết canh dê. Trước đó, ngày 5.3, một nhóm bạn 36 người (đều là quân nhân ở H.Nga Sơn) tổ chức liên hoan.

Trong bữa liên hoan có 26 người ăn món tiết canh được chế biến từ máu dê, trong đó có ông Nguyễn Đình Nhàn (ngụ xã Ba Đình) và ông Trần Văn Phi (cùng 50 tuổi, ngụ xã Nga An). Đến ngày 6.3, cả ông Phi và ông Nhàn bắt đầu có biểu hiện sốt cao, đau đầu, buồn nôn.

Các triệu chứng này kéo dài nên ngày 14.3, cả 2 người được đưa vào Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa điều trị. Các bác sĩ xác định 2 bệnh nhân bị nhiễm liên cầu khuẩn do ăn tiết canh dê.

Do bệnh nặng, bệnh nhân Phi đã tử vong. Hiện bệnh nhân Nhàn đã tỉnh táo, sức khỏe có tiến triển nhưng thính lực giảm. (Thanh niên, trang 2).

 

Bí thư Đà Nẵng kiểm tra công trình Trung tâm tim mạch

Sáng 21-3, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh đến kiểm tra công trình Trung tâm tim mạch. Tiếp đó, ông Xuân Anh đến kiểm tra tình trạng quá tải tại khoa nội hô hấp miễn dịch (Bệnh viện Đà Nẵng) sau khi nhận phản ảnh của người dân trên facebook.

Công trình chậm vì… bom mìn

Tại công trình Trung tâm tim mạch (Bệnh viện Đà Nẵng), đại diện chủ đầu tư là ông Nguyễn Tuấn Sơn - giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng và phát triển đô thị Đà Nẵng - cho biết công trình có giá trị đầu tư hơn 236 tỉ đồng với quy mô 9 tầng. Đến nay thực hiện được khoảng 65%, dự kiến cuối tháng 10-2017 sẽ hoàn thành.

Lý giải nguyên nhân chậm tiến độ, ông Sơn cho rằng do công trình thi công trên mặt bằng chật hẹp, nằm trong khu dân cư đông đúc nên việc tập kết vật liệu chỉ thực hiện được vào ban đêm.

Đặc biệt, khi thi công phần móng thì gặp phải bom mìn nên phải dừng lại để lực lượng quân sự xử lý mất 2 tuần rà phá.

Vì những khó khăn này nên đáng lý công trình được bàn giao vào cuối tháng 2 đầu tháng 3-2017 nhưng nay xin được điều chỉnh tiến độ thi công hoàn thành công trình vào 30-10.

Ngoài ra, chủ đầu tư cũng đề nghị sớm thu hồi bàn giao khu đất 138 Hải Phòng để bàn giao mặt bằng phục vụ việc thi công.

Sau khi nghe ý kiến của chủ đầu tư, ông Nguyễn Xuân Anh chỉ đạo các sở, ngành phải bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư.

“Chủ đầu tư hết sức lưu ý việc thi công phải đảm bảo chất lượng, thiết kế. Đặc biệt là đối với ngành y tế, tránh như ở khoa hồi sức cấp cứu mới bàn giao đã hư hỏng.

Hay như Bệnh viện Phụ sản - nhi xuống cấp nghiêm trọng quá. Hội đồng nhân dân cũng giám sát chặt chẽ công trình” - ông Xuân Anh yêu cầu.

Ông Xuân Anh cũng đề nghị thi công sớm hoàn thành để giảm tải các khoa, phòng cho Bệnh viện Đà Nẵng.

Không thể bình chân như vại

 Đến thị sát tại khoa nội hô hấp miễn dịch, ông Xuân Anh cho biết: “Trên Facebook người dân viết gửi cho tôi rằng bệnh hô hấp, lây nhiễm mà 2 người nằm 1 giường thì chỉ có chết”.

Bác sĩ Trần Ngọc Thạnh - giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng - cho biết hiện hầu hết các khoa phòng đều quá tải, có khoa phải dành nửa sảnh cho khu điều trị, còn khoa nội hô hấp dành nguyên một sảnh nhưng vẫn quá tải.

Bệnh viện có chỉ tiêu 1.250 giường nhưng thực kê đến 2.320 giường, cao điểm đến 2.456 bệnh nhân/ngày. Còn khu vực ngoại trú mỗi ngày có 1.800-2.000 bệnh nhân. Có ngày cao điểm tiếp nhận cả nội, ngoại trú đến gần 5.000 người.

Riêng với khoa nội hô hấp có 100 giường nhưng bệnh nhân có lúc ở mức 190 nên quá tải trầm trọng, không còn chỗ kê thêm. Tất cả các phòng thiết bị, y tá, điều dưỡng hiện cũng đang phải dồn dành cho người bệnh.

Về giải pháp, bác sĩ Thạnh cho biết một trong những biện pháp bệnh viện đang áp dụng là giảm thời gian điều trị cho người bệnh, trước đây 9 ngày nay còn 7,5 ngày. Cùng với đó là đầu tư cơ sở hạ tầng và giảm tuyến dưới.

Theo bác sĩ Ngô Thị Kim Yến - giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng, tình trạng quá tải không chỉ diễn ra tại Bệnh viện Đà Nẵng mà các bệnh viện quận, huyện cũng gặp phải tình trạng này. 

“Chúng ta đi không thế này cũng ngộp thở, nóng nực huống gì người bệnh. Bệnh viện Đà Nẵng phải ưu tiên cho khoa này, tránh để bệnh nặng lây qua bệnh nhẹ” - ông Xuân Anh chỉ đạo.

Ông Xuân Anh đề nghị ngành y tế nên thành lập các bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Đà Nẵng tại các quận, huyện, kêu gọi tư nhân tham gia đầu tư, nâng cấp. Vừa giảm tải, tránh kẹt xe ở khu vực trung tâm.

“Tư nhân làm tốt để họ làm. Như sân bay Đà Nẵng tư nhân làm có mười mấy tháng, vốn mấy ngàn tỉ. Vì thế, ngành y tế cứ đề xuất xã hội hóa. Bệnh viện quá tải mà cứ bình chân như vại sao được” - ông Xuân Anh lưu ý.

Với lĩnh vực y tế là phải làm nhanh, vì thủ tục rất lâu, từ khi có chủ trương đến khi khởi công có khi cả năm trời, nếu kéo dài thì lại quá tải nhanh. Về lâu dài phải tính toán lại Bệnh viện Đà Nẵng, vì không có cảnh quan, khuôn viên.

Bệnh viện đâu chỉ chữa bệnh tật mà còn cả tinh thần, tâm lý người bệnh sao cho thoải mái. Cũng theo ông Xuân Anh: “Vào tháng 6 tới đây, vấn đề này phải đưa vào nghị quyết Hội đồng nhân dân để thông qua về mặt chủ trương thực hiện”. (Tuổi trẻ, trang 8).

 

Vụ 2 nữ bệnh nhân tử vong ở Quảng Trị: Cần làm rõ nguyên nhân

Chỉ cách nhau 4 ngày nhưng đã xảy ra 2 ca tử vong tại bệnh viện và phòng khám tư ở tỉnh Quảng Trị. Nguyên do dẫn đến hai cái chết đau đớn này đang được cơ quan chức năng làm rõ.

Sản phụ tử vong sau một đêm sinh mổ

Ngày 21/3, Giám đốc Sở Y tế Quảng Trị Trần Văn Thành cho biết, đã có báo cáo tóm tắt (số 239) vụ việc sản phụ tử vong sau một đêm sinh mổ tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Quảng Trị lên Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em theo yêu cầu của Bộ Y tế (Công văn 1307 ngày 20/3/2017) và UBND tỉnh Quảng Trị. “Sở Y tế sẽ thành lập Hội đồng chuyên môn để tiến hành nghiên cứu, xem xét đánh giá quá trình bệnh nhân Tám điều trị tại BVĐK tỉnh và phối hợp với cơ quan điều tra để xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật”, ông Thành nói.

Theo báo cáo của Sở Y tế Quảng Trị, 8h 28 sáng 16/3, sản phụ Nguyễn Thị Tám (SN 1983, ở khóm An Hà, thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hoá, Quảng Trị) được người nhà đưa đến nhập viện chờ sinh lần 2 tại BVĐK tỉnh Quảng Trị. Tại đây, các bác sĩ (BS) thăm khám cho thấy thai nhi 39 tuần tuổi. Đến cuối giờ chiều ngày 16/3, sản phụ Tám được chỉ định mổ lấy thai cấp cứu. Trong và sau mổ, sản phụ được theo dõi tại khoa Phẫu thuật gây mê hồi sức, đến 22h30 thì bệnh nhân ổn định. Sau đó sản phụ được chuyển về khoa Phụ sản theo dõi trong tình trạng bệnh diễn biến tốt, ổn định. Nhưng đến 6h 50 sáng 17/3, tình trạng bệnh nhân diễn biến đột ngột, sản phụ đau ngực, khó thở, sùi bọt mép rồi ngừng tim, ngừng thở. Bệnh viện đã tiến hành cấp cứu nhưng sản phụ Tám đã tử vong sau đó gần một giờ.

Văn bản của Sở Y tế Quảng Trị cho thấy: Chẩn đoán tử vong tại hồ sơ bệnh án là ngừng tuần hoàn, hô hấp không hồi phục khả năng do thuyên tắc mạch phổi sau mổ lấy thai giờ thứ 12. Lãnh đạo BVĐK tỉnh Quảng Trị sau đó đã thông báo và giải thích cho người nhà bệnh nhân, phối hợp với cơ quan điều tra khám nghiệm tử thi, phục vụ điều tra theo luật định. Kíp trực gồm BS Trưởng khoa Phụ sản Lê Hoài Nhân và BS Điều trị Trần Trung Hoành cùng 4 nữ hộ sinh  Hồ Thị Hiền, Nguyễn Thị Kim Anh, Nguyễn Thị Phương Yến, Nguyễn Thị Tuyết Như tạm thời bị đình chỉ công việc do để xảy ra vụ việc.

Bệnh nhân tử vong trong phòng khám tư

Ngày 21/3, Phó Giám đốc Sở Y tế Quảng Trị Trần Quốc Dính thông tin, vẫn đang đợi báo cáo của BVĐK huyện Vĩnh Linh và BS Trần Cảnh Toàn-Trưởng khoa Ngoại của bệnh viện này liên quan đến cái chết của bệnh nhân Nguyễn Thị Thu Hà (SN 1985, ở thôn Thủy Trung, xã Vĩnh Trung, huyện Vĩnh Linh), rồi sau đó Sở mới thành lập hội đồng chuyên môn đánh giá lại sự việc để có cơ sở xử lý, giải quyết.

Theo BS Toàn, sáng 13/3, bệnh nhân Hà đến phòng khám của ông ở đường Hùng Vương (khóm 7, thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh) trong tình trạng sốt, đau cổ, không ăn uống được. Ông đã thăm khám, siêu âm thấy chị Hà có hạch ở cổ, suy nhược cơ thể nên truyền dịch Lactate Rigner là dịch truyền có tác dụng điều chỉnh sự mất cân bằng về nước và chất điện giải. Truyền được khoảng 20 phút thì bệnh nhân có dấu hiệu dị ứng thuốc, sốc... nên ông xử lý sốc thuốc. Khoảng 15 phút sau, bệnh nhân tỉnh song chưa ổn định nên được chuyển vào BVĐK huyện Vĩnh Linh, sau đó tiếp tục chuyển lên BVĐK Quảng Trị và tử vong.

Giám đốc BVĐK huyện Vĩnh Linh Lê Mạnh Hùng cho hay: “BS Toàn báo cáo sau khi truyền dịch Lactate Rigner cho bệnh nhân thì xảy ra sốc phản vệ nên tiến hành cấp cứu. Khi chuyển chị Hà vào viện, chúng tôi đã tập trung đội ngũ để cứu chữa, sau đó chuyển lên BVĐK tỉnh, nhưng rất đáng tiếc bệnh nhân đã không qua khỏi. Đây là sự cố rất đáng tiếc. Chúng tôi đã họp cơ quan và đang hoàn thành báo cáo để gửi Sở Y tế. Bệnh viện chỉ quản lý BS Toàn trong khi làm việc tại cơ quan còn việc ngoài phòng khám, ngoài giờ hành chính thì bệnh viện không thể can thiệp”.

Liên quan đến cái chết của bệnh nhân Nguyễn Thị Thu Hà, Trung tá Nguyễn Minh Hải - Đội trưởng Đội điều tra tổng hợp (Cơ quan CSĐT Công an huyện Vĩnh Linh), cho biết: “Khi chị Hà tử vong, gia đình không báo tin cho cơ quan Công an mà chúng tôi nhận được nguồn tin từ quần chúng nhân dân. Khi chúng tôi về chỗ ở chị Hà thì nạn nhân đã được khâm liệm và gia đình không cho khám nghiệm. Hiện vụ việc đang được điều tra làm rõ”.

Còn BS Lê Văn Lâm - Trưởng Khoa cấp cứu hồi sức tích cực - chống độc (BVĐK tỉnh Quảng Trị) cho biết: “Lúc chuyển bệnh nhân Hà từ Vĩnh Linh vào đây trong tình trạng đã ngừng hô hấp và ngừng tuần hoàn. Sau đó chúng tôi cấp cứu tích cực thì có lại. Nhưng tiếp tục sau đấy, tim vẫn còn hoạt động nhưng phục hồi tuần hoàn không có hiệu quả nên bệnh nhân đã tử vong”. (Tiền phong, trang 6).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang