Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 22/7/2021

  • |
T5g.org.vn - Thường trực Ban Bí thư yêu cầu tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác trong phòng chống dịch COVID-19; Thành lập khu cách ly tập trung F0 tại quận, huyện

 

Thường trực Ban Bí thư yêu cầu tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác trong phòng chống dịch COVID-19

Ngày 21/7, Thường trực Ban Bí thư đã có Điện gửi Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, các tỉnh uỷ, thành uỷ, các ban Đảng, Ban cán sự Đảng, Đảng đoàn, Đảng uỷ trực thuộc Trung ương, các Đảng uỷ đơn vị sự nghiệp Trung ương về tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Công điện nêu rõ, thời gian qua, các cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân đã nỗ lực, cố gắng khắc phục khó khăn, chủ động triển khai kịp thời nhiều chủ trương, biện pháp nhằm thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Tuy nhiên, đợt bùng phát dịch lần thứ tư có quy mô lớn, mức độ lây lan nhanh nhất từ trước đến nay với diễn biến rất phức tạp, khó lường ở khá nhiều địa phương, gây nhiều khó khăn cho công tác phòng, chống dịch, đời sống, sức khoẻ của nhân dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Để đạt hiệu quả cao hơn nữa trong công tác phòng, chống dịch bệnh trong tình hình cấp bách hiện nay, Thường trực Ban Bí thư yêu cầu:

Toàn hệ thống chính trị tiếp tục tập trung cao nhất cho công tác phòng, chống dịch. Các cấp uỷ, tổ chức đảng tiếp tục quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, có hiệu quả chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và hướng dẫn của Bộ Y tế về công tác phòng, chống dịch trong tình hình mới, đặc biệt là Kết luận số 07-KL/TW, ngày 11/6/2021 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 và phát triển kinh tế - xã hội; tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác. Động viên, biểu dương, khen thưởng kịp thời các địa phương, tổ chức, cá nhân làm tốt; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định, chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch.

Bí thư các tỉnh uỷ, thành uỷ, người đứng đầu cấp uỷ tập trung chỉ đạo sát sao, phát huy vai trò của các cấp uỷ, chính quyền, huy động cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch theo phương châm bốn tại chỗ với tinh thần chủ động, quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo; thực hiện nghiêm các giải pháp giãn cách, cách ly, khoanh vùng, truy vết, xét nghiệm, điều trị, tiêm vắc-xin, đặc biệt là tại các địa phương đang thực hiện Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ và các vùng, địa phương có nguy cơ cao, nhằm kiểm soát kịp thời và khống chế hiệu quả, không để dịch lan rộng; triển khai nhanh các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp; cung ứng hàng hoá thiết yếu phục vụ cuộc sống của người dân; mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống dịch; chịu trách nhiệm trước Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.

Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và ngành Y tế cần tiếp tục chỉ đạo kịp thời các địa phương xây dựng kịch bản, giải pháp cụ thể phòng, chống dịch như: Phòng ngừa, xét nghiệm, điều trị... phù hợp với diễn biến mới của dịch bệnh; tập trung đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất, mua và tiêm vắc-xin. Các cấp, các ngành chủ động phối hợp, đề xuất các chính sách để hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về huy động, sử dụng nguồn lực; bảo đảm đầy đủ hàng hoá thiết yếu; chủ động nguồn lực để mua sắm trang, thiết bị, vật tư y tế; các giải pháp, phương án hỗ trợ, chi viện hiệu quả cho các địa phương gặp khó khăn, địa bàn trọng điểm, các đô thị lớn, khu vực đông dân cư.

Ban Dân vận Trung ương, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội các cấp làm nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, trách nhiệm và kỹ năng phòng, chống dịch cho đoàn viên, hội viên và nhân dân; khơi dậy tinh thần tương thân, tương ái, hỗ trợ, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn; có giải pháp thiết thực chăm lo, hỗ trợ cho người dân, nhất là những đối tượng khó khăn, yếu thế.

Lực lượng vũ trang ngoài việc tham gia phòng, chống dịch hiệu quả, chủ động phối hợp với các cơ quan, địa phương có các giải pháp bảo đảm an ninh trật tự, không để bị động, bất ngờ, kiên quyết xử lý các đối tượng lợi dụng tình hình dịch bệnh xuyên tạc, kích động, chống phá làm ảnh hưởng tới an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, cản trở công tác phòng, chống dịch.

Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông tập trung chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền định hướng dư luận xã hội, góp phần củng cố niềm tin, xây dựng quyết tâm, tạo sự thống nhất cao trong công tác phòng, chống dịch; tránh tâm lý chủ quan khi đã áp dụng các giải pháp phòng, chống dịch, nhất là sau khi tiêm vắc-xin; tránh khai thác đưa tin một chiều, thiếu kiểm chứng gây tâm lý hoang mang trong nhân dân. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2; Thanh niên, trang 3; Tiền phong, trang 2; Hà Nội mới, trang 1)

 

Thành lập khu cách ly tập trung F0 tại quận, huyện

Các BV điều trị COVID-19 phải sàng lọc những trường hợp F0 không có triệu chứng mỗi ngày, nếu bệnh ổn định chuyển về các bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 để đảm bảo sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân có triệu chứng khi cần.

Theo đó, trong tình hình dịch bệnh hiện nay, để kịp thời điều trị cho những bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng, Sở Y tế yêu cầu các BV điều trị COVID-19 phải sàng lọc những trường hợp F0 không có triệu chứng, nếu bệnh ổn định cần chuyển về các bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 đảm bảo sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân có triệu chứng khi cần.

Đối với BV dã chiến thu dung và điều trị bệnh nhân COVID-19 phải chủ động rà soát các trường hợp F0 không triệu chứng, thực hiện xét nghiệm RT-PCR vào ngày thứ 8. Nếu kết quả xét nghiệm âm tính hoặc dương tính với giá trị nhỏ hơn hoặc bằng 30, thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên vào ngày thứ 10, cho phép người bệnh xuất viện và cách ly theo dõi tại nhà theo hướng dẫn của Sở Y tế nếu kết quả test nhanh ngày 10 âm tính. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2)

 

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam kiểm tra công tác phòng chống dịch tại các tỉnh ĐBSCL

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cùng đoàn công tác đã có buổi làm việc với tỉnh Bến Tre về phòng, chống dịch Covid-19. 

Báo cáo với đoàn công tác, bà Nguyễn Thị Bé Mười, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết: Ngày 4-7, Bến Tre ghi nhận ca mắc Covid-19 đầu tiên trong cộng đồng có liên quan ổ dịch tại cảng cá Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang, có F0 liên quan chợ Bình Điền TPHCM). Đến sáng 21-7, Bến Tre ghi nhận tổng 290 trường hợp mắc mới, hiện đang điều trị, đồng thời quản lý 1.835 trường hợp F1 và 9.895 trường hợp F2.

Bến Tre đã thành lập 4 bệnh viện dã chiến với khoảng 1.500 giường bệnh; thành lập 4 chốt kiểm soát phòng, chống dịch tại các cửa ngõ ra vào nội tỉnh. Qua đó phát hiện những trường hợp dương tính, kịp thời cách ly điều trị.

Song song đó, thành lập 6.807 tổ phòng, chống Covid-19 cộng đồng, có nhiệm vụ theo dõi, quản lý người cách ly y tế tại nhà. Nếu phát hiện người từ vùng dịch trở về, đơn vị này báo cáo cho ban chỉ đạo xã để xử lý kịp thời.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ, tỉnh quán triệt phương châm chăm lo cho sức khỏe cho người dân, đồng thời đã và đang ưu tiên các giải pháp phòng, chống dịch; đảm bảo thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg. Từ khi dịch bùng phát, tỉnh rất quyết liệt và kịp thời lập chốt kiểm soát dịch, đồng thời cho test nhanh toàn bộ bà con ngoài tỉnh về, kịp thời khoanh vùng, cách ly các trường hợp F0.

Sau khi nghe ý kiến của địa phương, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng: Nhiệm vụ trước mắt là phải “Đồng Khởi” toàn lực, làm sao để tỉnh trở thành vùng an toàn nhanh nhất có thể. Trong đó cần xác định rõ vai trò, trách nhiệm của chính quyền, các ngành, các cấp.

Theo Phó Thủ tướng, một số ca F0 vẫn lẫn khuất trong cộng đồng, chính vì vậy phải “đi từng ngõ, gõ từng nhà và rà từng đối tượng”, thực hiện nghiêm các quy định trong thực hiện giãn cách xã hội.

Mục tiêu nơi nào là “vùng xanh” phải đảm bảo xanh thật chắc và quay lại sản xuất trong điều kiện bình thường mới, kiểm soát dịch bệnh không cho tái phát trở lại, song song đó tổ chức xây dựng lực lượng xét nghiệm đáp ứng đủ nhu cầu khi có dịch xảy ra.

Tùy tình hình thực tiễn, địa phương linh động các phương án chống dịch để mang lại hiệu quả tốt nhất, dập dịch thật sớm, trở thành “vùng xanh” thật sớm, tạo căn cứ địa tại khu vực. Trong công tác phòng, chống dịch phải lấy hiệu quả làm trên hết, không để tăng số ca F0. Vì vậy, tất cả các khâu phải làm mạnh hơn, sớm hơn và quyết liệt hơn.

Trước đó, sáng cùng ngày đoàn công tác đã đến kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến số 1 và điểm cách ly tập trung tại Trường Chính trị Bến Tre. (Sài Gòn giải phóng, trang 1)

 

Sẽ ứng phó mức cao hơn Chỉ thị 16?

Ngày 20.7, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 78 yêu cầu các tỉnh, thành đang thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng có thể giãn cách ở mức cao hơn đối với địa bàn có diễn biến dịch tễ phức tạp...

Vậy áp dụng mức cao hơn Chỉ thị 16 là như thế nào?

TP.HCM: chuẩn bị các biện pháp áp dụng Chỉ thị 16 tăng cường

Tối 21.7, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM tổ chức họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn và giải đáp nhiều vấn đề mà người dân, doanh nghiệp quan tâm. Ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM, cho biết trong 24 giờ qua (từ 6 giờ ngày 20.7 - 6 giờ ngày 21.7), TP ghi nhận 5.840 ca dương tính trên địa bàn; trong đó gần 90% ca bệnh trong khu phong tỏa, cách ly. Hiện TP.HCM đang điều trị cho 33.838 bệnh nhân (BN) Covid-19; có 587 BN xuất viện ngày 21.7.

Trao đổi với báo chí, Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi thông tin số ca dương tính hằng ngày vẫn tăng cao nên ngành y tế đánh giá đỉnh dịch có thể chưa đạt và diễn biến phức tạp trong những ngày tới. Trong 3 tình huống mà TP.HCM đề ra vào tuần trước, đối chiếu với thời điểm hiện tại thì phù hợp với tình huống 2, đó là dịch bệnh chưa được kiểm soát nên phải tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 và tăng cường một số biện pháp. Hiện Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM đang chuẩn bị các biện pháp áp dụng Chỉ thị 16 tăng cường.

Cụ thể, công tác tuyên truyền, vận động, giám sát người dân và tổ chức thực hiện giãn cách xã hội triệt để hơn sẽ được đặt lên hàng đầu với mục tiêu đảm bảo giãn cách triệt để giữa nhà với nhà, người với người trong gia đình nhằm hạn chế việc tiếp xúc và lây lan mầm bệnh. Bởi theo đánh giá của ngành y tế, hiện mầm bệnh còn rất nhiều trong cộng đồng. Về giải pháp cụ thể, ông Mãi cho biết đối với một số khu vực nguy cơ cao, đông dân cư như nhà trọ công nhân, người lao động chưa đảm bảo yêu cầu giãn cách thì TP.HCM sẽ áp dụng biện pháp giãn dân phù hợp để giảm mật độ, hạn chế tiếp xúc. “Cần thực hiện thật sự triệt để trong 7 - 10 ngày tới để ngăn chặn mầm bệnh lây lan, có thể đạt đỉnh trong thời gian này để sau đó triển khai các biện pháp kiểm soát”, ông Mãi nói.

Sau 13 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng với nhiều nỗ lực nhưng chưa thể kiểm soát dịch bệnh, ông Mãi cho biết TP.HCM phải tiếp tục nỗ lực để đạt mục tiêu kiểm soát dịch bệnh giống như 18 tỉnh thành ở khu vực phía nam.

Lãnh đạo TP.HCM cũng cho hay, trong thời gian tới sẽ tập trung vào phân tầng, quản lý, chăm sóc điều trị F0 theo mô hình 4 tầng; đảm bảo hàng hóa, lương thực, thực phẩm, nhất là khu phong tỏa, gia đình khó khăn cần tăng cường hơn. Cùng với đó, TP tập trung bảo vệ và mở rộng vùng xanh (vùng an toàn dịch bệnh) bên cạnh thu hẹp vùng đỏ (khu vực nguy cơ rất cao) trên bản đồ Covid-19.

Về phương án sản xuất an toàn, ông Phan Văn Mãi nói thời gian qua TP.HCM đưa 2 phương án sản xuất an toàn, nhưng quá trình chuẩn bị còn gấp nên cả 2 phương án khi triển khai xuống các doanh nghiệp có những điểm không an toàn. TP.HCM đã làm việc với các hiệp hội doanh nghiệp và thống nhất trong thời điểm này thì an toàn là trước hết; đồng thời sẽ có những điều chỉnh trong thời gian tới nhằm tìm biện pháp an toàn nhất để sản xuất, trong đó tính đến phương án sản xuất an toàn trong thời gian dài, có thể phải đến hết năm 2021.

 Một số tỉnh có thể áp dụng mức cao hơn

Đồng Tháp được xem là một trong những tỉnh có tình hình dịch Covid-19 phức tạp nhất ĐBSCL. Tính đến 17 giờ ngày 21.7, toàn tỉnh có 1.580 ca mắc, 35 ca tử vong. Việc thực hiện Chỉ thị 16 tại đây được siết chặt. Theo đó, từng xã, huyện đều thành lập các chốt kiểm dịch tại địa bàn giáp ranh, khi đi qua phải có giấy xét nghiệm Covid-19 âm tính hoặc phải có giấy giới thiệu của cơ quan, đơn vị.

Tại buổi họp giao ban phòng, chống dịch bệnh chiều 21.7, ông Lê Quốc Phong, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, nhấn mạnh tỉnh tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, nhưng yêu cầu tinh thần thực hiện cao hơn. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của tỉnh tiến hành kiểm tra, nếu thực hiện không nghiêm thì phê bình, xử lý.

Tại Vĩnh Long, tính đến sáng 21.7, toàn tỉnh ghi nhận 458 ca nhiễm Covid-19, nhiều nhất là H.Long Hồ (155 ca). Tỉnh đã kích hoạt thêm 2 bệnh viện dã chiến (BVDC) ở H.Mang Thít và H.Tam Bình quy mô 500 giường. Đến nay tỉnh kích hoạt 3 BVDC, có thể điều trị cùng lúc 1.000 ca Covid-19.

Chiều qua, trao đổi về việc áp dụng Nghị quyết 78 của Chính phủ, ông Lữ Quang Ngời, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh Vĩnh Long, cho biết hiện tỉnh đang chờ hướng dẫn theo từng tiêu chí, sau đó mới có thể xem xét áp dụng.

Về vấn đề này, ông Văn Công Minh, Giám đốc Sở Y tế Vĩnh Long, cho rằng: “Hiện tỉnh đã thực hiện phong tỏa khu vực hẹp ở những nơi có liên quan ca bệnh, đảm bảo “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Thời gian tới, nếu trường hợp xã, phường nào có nguy cơ lớn thì sẽ đề xuất phong tỏa rộng hơn”.

Trong khi đó, ngày 21.7, trả lời PV Thanh Niên, bác sĩ Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai, Phó ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Đồng Nai, cho biết hiện tình hình của địa phương chưa cần áp dụng giãn cách xã hội cao hơn Chỉ thị 16.

Trước đó, ngày 20.7, UBND tỉnh Đồng Nai đã ra quyết định tăng thời gian giãn cách theo Chỉ thị 16 đến hết ngày 1.8 (Đồng Nai đã áp dụng Chỉ thị 16 từ ngày 9.7, thời hạn 15 ngày) nhằm áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả, tiến tới khống chế, giảm thiểu các nguồn lây nguy hiểm trong cộng đồng.

Bác sĩ Bạch Thái Bình, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Đồng Nai, phân tích hiện toàn tỉnh đã áp dụng Chỉ thị 16. Tuy nhiên người dân chưa thực hiện nghiêm, vẫn có tình trạng đi ra ngoài khiến giãn cách có thể không đạt hiệu quả cao như mong muốn. “Bây giờ chỉ cần nâng lên mức cao hơn tức là phong tỏa, theo tôi nếu áp dụng thì nên tiến hành ở 4 địa phương đang có dịch diễn biến phức tạp, nguy cơ lan rộng trong cộng đồng là TP.Biên Hòa, các huyện Vĩnh Cửu, Trảng Bom và Nhơn Trạch”, ông Bình nói. (Thanh niên, trang 2+3)

 

Khi nào tài xế xe chở hàng cần trình giấy xét nghiệm COVID-19?

Các chốt kiểm soát dịch ở cửa ngõ TP.HCM và một số tỉnh vẫn kiểm tra giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 của tài xế trong quá trình lưu thông.

Trong cuộc họp với Bộ GTVT chiều tối 19-7, các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đắk Nông, Bình Thuận, Lâm Đồng, TP.HCM... đều thống nhất không kiểm tra giấy xét nghiệm đối với tài xế vận chuyển hàng hóa trong nội vùng đang thực hiện Chỉ thị 16.

Ngay sau khi thông báo được đưa ra, nhiều tài xế đã rất vui mừng. Tuy nhiên, trên thực tế khi di chuyển qua các tỉnh, thành trong khu vực này ngày 20-7, các tài xế vẫn bị yêu cầu xuất trình giấy xét nghiệm SARS-CoV-2.

Vẫn kiểm tra giấy xét nghiệm

Ghi nhận của PV, sáng 20-7, tại chốt kiểm soát dịch tại chân cầu Đồng Nai, lực lượng chức năng vẫn tiến hành kiểm tra giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 của tài xế khi lưu thông vào TP.HCM. Theo lực lượng chức năng, đơn vị vẫn kiểm tra theo hướng dẫn của Bộ Y tế và hiện nay chưa có chỉ đạo mới liên quan đến việc ngưng kiểm tra giấy xét nghiệm này.

Tương tự, tại chốt kiểm soát dịch quốc lộ 13 (cầu Vĩnh Bình, phường Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức), các xe qua đây cũng được yêu cầu xuất trình giấy xét nghiệm âm tính, giấy phép lái xe. Riêng xe có giấy nhận diện phương tiện được lưu thông qua luồng xanh di chuyển nhanh chóng.

Tại chốt kiểm soát dịch cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, khi được yêu cầu trình giấy xét nghiệm, nhiều tài xế đã thắc mắc nhưng lực lượng chức năng tại đây vẫn tiến hành kiểm tra.

Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc HTX Nông nghiệp thương mại - dịch vụ Phú Lộc (huyện Củ Chi, TP.HCM), hôm nay tài xế báo về cho biết các chốt kiểm soát vẫn yêu cầu giấy xét nghiệm âm tính với COVID-19. Ông Toản cho rằng tài xế vận chuyển hàng hóa thiết yếu là nhóm có nguy cơ nhiễm COVID-19 rất thấp vì khi di chuyển tài xế không xuống xe, không tiếp xúc với ai. Họ chỉ gặp các lực lượng kiểm soát dịch khi xuất trình giấy xét nghiệm. Ngoài ra, khi đi về các địa phương chở hàng thiết yếu, tài xế cũng ở trên xe, không phải bốc dỡ hàng và khi giao hàng cho các siêu thị, tài xế cũng chỉ chở về các kho, không tiếp xúc với nhóm bán lẻ.

“HTX Phú Lộc tuân thủ theo hướng dẫn của Bộ Y tế, tạo điều kiện cho tài xế đi xét nghiệm COVID-19. Chúng tôi mong Nhà nước tạo điều kiện cho doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa thiết yếu, nếu tài xế liên tục phải đi xét nghiệm COVID-19 thì nguy cơ lây nhiễm bất cứ lúc nào, thậm chí thành nhóm nguy cơ cao” - ông Toản nói.

Bỏ quy định kiểm tra nội tỉnh

Một cán bộ ở chốt kiểm soát dịch tại TP.HCM cho biết trong ngày có nhiều tài xế hỏi về việc không cần trình giấy xét nghiệm như thông tin mà Bộ GTVT đăng tải. Ngay sau đó, lực lượng đã giải thích và thông tin cho tài xế theo đúng văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế.

Theo vị này, hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế nêu không kiểm tra giấy chứng nhận xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa (tài xế, người phục vụ trên xe, nhân viên bốc, xếp dỡ hàng hóa đi theo xe) chỉ lưu thông trong phạm vi nội bộ tỉnh, TP đang thực hiện Chỉ thị số 16 hoặc bổ sung biện pháp ở mức cao hơn so với Chỉ thị 16. Như vậy, nhóm trên chỉ được lưu thông nội bộ tỉnh, thành, trường hợp đi khỏi địa phương thì cần có giấy xét nghiệm.

Liên quan đến việc này, trao đổi với PV, đại diện Sở GTVT tỉnh Tây Ninh, Long An, Tiền Giang cho biết tại các chốt kiểm soát dịch của tỉnh vẫn kiểm tra giấy xét nghiệm của tài xế.

Ông Nguyễn Tấn Tài, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Tây Ninh, cho biết hiện nay tỉnh Tây Ninh đang thực hiện kiểm tra giấy xét nghiệm đối với tài xế từ các tỉnh, thành khác tới. Ông Tài cũng lý giải cách hiểu hướng dẫn của Bộ Y tế như cán bộ ở chốt kiểm soát dịch ở TP.HCM.

Theo ông Tài, các địa phương cần kiểm soát, ngăn chặn dịch, vừa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, đảm bảo hàng hóa lưu thông thông suốt. Thời gian qua, các đơn vị vận tải đã thực hiện rất tốt các hướng dẫn, quy định của Bộ Y tế về vấn đề xét nghiệm và tạo điều kiện cho người dân vận chuyển hàng hóa. Bên cạnh đó, tỉnh Tây Ninh cũng quản lý các chốt trên bằng công nghệ thông tin, thực hiện khai báo y tế điện tử, tạo mã code để quét… nên các phương tiện đi qua chốt rất nhanh. Trung bình, mỗi xe kiểm tra không quá 2 phút.

Tương tự, Sở GTVT tỉnh Long An cũng thông báo đối với phương tiện được phép hoạt động vận tải của các địa phương khác, khi vào địa phận tỉnh Long An phải đảm bảo các giấy tờ là giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (RT-PCR hoặc test nhanh) được thực hiện trong vòng 72 giờ (kể từ khi lấy mẫu) đối với tài xế và người đi cùng. Giấy vận tải (giấy vận chuyển) cần có các nội dung địa chỉ đi, địa chỉ đến; hành trình vận chuyển, địa chỉ dừng nghỉ dọc đường (nếu có) hoặc thẻ nhận diện phương tiện dán trên kính chắn gió phía trước.• (Pháp luật TP.HCM, trang 9)

 

Toàn hệ thống chính trị tập trung cao nhất cho công tác phòng, chống dịch

Ngày 21-7-2021, Thường trực Ban Bí thư đã có điện về tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Điện được gửi cho Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19; các tỉnh ủy, thành ủy; các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc trung ương; các đảng ủy đơn vị sự nghiệp trung ương. Tuổi Trẻ Online xin giới thiệu nội dung này. 

Thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân đã nỗ lực, cố gắng khắc phục khó khăn, chủ động triển khai kịp thời nhiều chủ trương, biện pháp nhằm thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19. 

Tuy nhiên, đợt bùng phát dịch lần thứ tư có quy mô lớn, mức độ lây lan nhanh nhất từ trước đến nay với diễn biến rất phức tạp, khó lường ở khá nhiều địa phương, gây nhiều khó khăn cho công tác phòng, chống dịch, đời sống, sức khỏe của nhân dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Để đạt hiệu quả cao hơn nữa trong công tác phòng, chống dịch bệnh trong tình hình cấp bách hiện nay, Thường trực Ban Bí thư yêu cầu:

1. Toàn hệ thống chính trị tiếp tục tập trung cao nhất cho công tác phòng, chống dịch. Các cấp ủy, tổ chức đảng tiếp tục quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, có hiệu quả chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và hướng dẫn của Bộ Y tế về công tác phòng, chống dịch trong tình hình mới, đặc biệt là kết luận số 07-KL/TW, ngày 11-6-2021 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 và phát triển kinh tế - xã hội; tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác. Động viên, biểu dương, khen thưởng kịp thời các địa phương, tổ chức, cá nhân làm tốt; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định, chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch.

2. Bí thư các tỉnh ủy, thành ủy, người đứng đầu cấp ủy tập trung chỉ đạo sát sao, phát huy vai trò của các cấp ủy, chính quyền, huy động cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch theo phương châm bốn tại chỗ với tinh thần chủ động, quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo; thực hiện nghiêm các giải pháp giãn cách, cách ly, khoanh vùng, truy vết, xét nghiệm, điều trị, tiêm vắc xin, đặc biệt là tại các địa phương đang thực hiện chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ và các vùng, địa phương có nguy cơ cao, nhằm kiểm soát kịp thời và khống chế hiệu quả, không để dịch lan rộng; triển khai nhanh các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp; cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ cuộc sống của người dân; mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống dịch; chịu trách nhiệm trước Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.

3. Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và ngành y tế cần tiếp tục chỉ đạo kịp thời các địa phương xây dựng kịch bản, giải pháp cụ thể phòng, chống dịch như: Phòng ngừa, xét nghiệm, điều trị... phù hợp với diễn biến mới của dịch bệnh; tập trung đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất, mua và tiêm vắc xin.

Các cấp, các ngành chủ động phối hợp, đề xuất các chính sách để hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về huy động, sử dụng nguồn lực; bảo đảm đầy đủ hàng hóa thiết yếu; chủ động nguồn lực để mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế; các giải pháp, phương án hỗ trợ, chi viện hiệu quả cho các địa phương gặp khó khăn, địa bàn trọng điểm, các đô thị lớn, khu vực đông dân cư.

4. Ban Dân vận Trung ương, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội các cấp làm nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, trách nhiệm và kỹ năng phòng, chống dịch cho đoàn viên, hội viên và nhân dân; khơi dậy tinh thần tương thân, tương ái, hỗ trợ, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn; có giải pháp thiết thực chăm lo, hỗ trợ cho người dân, nhất là những đối tượng khó khăn, yếu thế.

5. Lực lượng vũ trang ngoài việc tham gia phòng, chống dịch hiệu quả, chủ động phối hợp với các cơ quan, địa phương có các giải pháp bảo đảm an ninh trật tự, không để bị động, bất ngờ, kiên quyết xử lý các đối tượng lợi dụng tình hình dịch bệnh xuyên tạc, kích động, chống phá làm ảnh hưởng tới an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, cản trở công tác phòng, chống dịch.

6. Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và truyền thông tập trung chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền định hướng dư luận xã hội, góp phần củng cố niềm tin, xây dựng quyết tâm, tạo sự thống nhất cao trong công tác phòng, chống dịch; tránh tâm lý chủ quan khi đã áp dụng các giải pháp phòng, chống dịch, nhất là sau khi tiêm vắc xin; tránh khai thác đưa tin một chiều, thiếu kiểm chứng gây tâm lý hoang mang trong nhân dân. (Tuổi trẻ, trang 3)

 

Tiêm vaccine Covid-19 góp phần ngăn chặn các chủng virus tiếp tục đột biến và lây lan

Biến thể Delta của SARS-CoV-2 - virus gây ra đại dịch Covid-19 hiện đang gây hỗn loạn cho nhiều quốc gia trên thế giới vì sự nguy hiểm và tốc độ lây lan nhanh chóng. Nhưng các biến thể khác của virus SARS-CoV-2 vẫn chưa biến mất và sẽ hình thành trong khi virus tiếp tục lây lan.

Tại sao virus đột biến?

Giáo sư Y khoa David Wohl chuyên về các bệnh truyền nhiễm tại trường Đại học Y North Carolina (Mỹ) cho biết, virus đột biến và hình thành các biến thể mới “để cố gắng sống sót tốt hơn”. Giáo sư David Wohl giải thích rằng, hệ thống miễn dịch của con người tạo ra rất nhiều rào cản để virus có thể vượt qua khi chúng xâm nhập vào cơ thể chúng ta. Đột biến là một vấn đề sống còn đối với virus để virus có thể vượt qua các cuộc tấn công miễn dịch, thoát ra ngoài không khí, xâm nhập vào cơ thể người khác và tiếp tục lây lan. Quá trình đó khiến virus sống sót.

“Virus tồn tại ở trong những cơ thể người khỏe mạnh nhất và điều đó có nghĩa là virus “dễ bắt dính” hơn. Có thể virus tồn tại lâu hơn trong mũi và cổ họng và có thể lây lan sang nhiều người” - Giáo sư David Wohl cho biết - “Virus không đột biến để trốn tránh thuốc và vaccine mà là trốn tránh hệ thống miễn dịch của con người. Không có gì ngạc nhiên trong một năm rưỡi qua, khi chúng ta về cơ bản không làm gì để cố gắng chống lại virus ngoại trừ việc tiêm phòng. Khi thế giới còn lâu mới được tiêm phòng hết, virus vẫn đang hoạt động và có thể càn quét hệ miễn dịch của con người nhiều hơn nữa”.

4 biến thể chính của virus SARS-CoV-2

Những thay đổi chính trong các biến thể virus SARS-CoV-2 là sự khác biệt trong các protein đột biến, phần có gai ở bên ngoài của virus gắn vào các thụ thể trên tế bào con người. Các protein đột biến có thể thay đổi theo những cách khiêm tốn, nhưng theo những cách giúp tránh khỏi hệ thống miễn dịch có thể có các kháng thể chống lại protein đột biến. Các biến thể có thể giống nhưu “tắc kè hoa”. Với các protein tăng đột biến khác nhau, các kháng thể từ vaccine hoặc do cơ thể tạo ra chống lại phiên bản trước của SARS-CoV-2 sẽ không nhận ra virus và bỏ qua chúng. Hiện tại, 4 biến thể chính của virus SARS-CoV-2 là Alpha, Beta, Gamma và Delta, nhưng các biến thể khác vẫn tồn tại. Theo Giáo sư David Wohl, các biến thể không nhất thiết đến từ những nơi mà chúng được xác định lần đầu tiên.

Tiếp tục theo dõi sự tiến hóa của các biến thể

Đã có nhiều biến thể khác nhau của virus SARS-CoV-2 kể từ khi bắt đầu đại dịch Covid-19. Nếu virus tiếp tục lây lan, các biến thể sẽ tiếp tục xuất hiện. “Chừng nào mọi người còn lây nhiễm virus và tái tạo nó, điều đó sẽ tiếp tục xảy ra. Còn khi nào cơ thể bạn ngừng phát tán virus, các biến thể sẽ ngừng xuất hiện” - Giáo sư David Wohl khẳng định. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đã lên tiếng cảnh báo khi virus tiếp tục lây lan, các biến thể mới có thể xuất hiện trong tương lai, thậm chí còn khó kiểm soát hơn.

Các chuyên gia y tế khẳng định, tiêm chủng và các biện pháp hạn chế nhằm giảm sự lây lan của dịch bệnh là rất quan trọng trong việc ngăn chặn sự xuất hiện của các biến thể mới. “Điều quan trọng là phải tiếp tục theo dõi sự tiến hóa của các biến thể, đặc biệt là trong giai đoạn toàn cầu đang triển khai chiến dịch tiêm chủng, để xem liệu quá trình tiến hóa của virus có chậm lại hay không và những đặc điểm mới nào mà virus có thể phát triển để né tránh hệ miễn dịch” - Bác sĩ Piccoli, tác giả của bài báo viết về biến thể Covid-19 đăng trên Tạp chí Science đầu tháng 7 vừa qua cho biết. (An ninh thủ đô, trang 16)

 

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh: Xây dựng kịch bản tiêm vắc xin theo đúng quy trình an toàn của Bộ Y tế

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thường trực Thành ủy, trực tiếp là đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng, hiện nay, các đơn vị chức năng đang tập trung xây dựng phương án, kịch bản tổ chức tiêm vắc xin phòng Covid-19 với phương châm đặt an toàn của người dân lên trên hết. Đồng chí khẳng định, Hà Nội đủ năng lực để tiếp nhận, bảo quản và thực hiện chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn ngay khi được Bộ Y tế phân bổ vắc xin.

Hà Nội đủ năng lực triển khai chiến dịch tiêm vắc xin quy mô lớn

Ngày 21-7, trao đổi với báo chí, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh cho biết, để sẵn sàng tiếp nhận vắc xin từ Bộ Y tế và triển khai tiêm chủng cho nhân dân Thủ đô trong năm 2021, thành phố đã chủ động xây dựng phương án, kịch bản nhằm triển khai sớm nhất, nhanh nhất và an toàn nhất ngay khi được phân bổ. Hà Nội có đủ năng lực thực hiện chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn trong thời gian ngắn và sẽ đẩy mạnh công tác chuẩn bị để sớm nâng cao hơn nữa trong những ngày tới.

Trước mắt, mục tiêu của thành phố phải xây dựng phương án sẵn sàng triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 bảo đảm năng lực tiêm 200.000 mũi tiêm/ngày. Theo quy định của Bộ Y tế tại Thông tư số 34/2018/TT-BYT ngày 12-11-2018, để tiêm được 200.000 mũi tiêm/ngày, thành phố cần ít nhất 1.000 dây chuyền tiêm. Để dự phòng trong trường hợp có dây chuyền tiêm chủng không hoạt động được vì các lý do khác nhau, Hà Nội cần chuẩn bị 1.200 dây chuyền tiêm. Hiện tại, thành phố sẵn có và bố trí thêm trước mắt được 704 dây chuyền tiêm; nên cần bổ sung 496 dây chuyền tiêm mới.

Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu ngành Y tế Hà Nội khẩn trương chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất, vật tư y tế, con người để thiết lập đủ số dây chuyền tiêm còn lại. 1.200 dây chuyền phải thật đồng bộ, đạt các tiêu chuẩn, tiêu chí theo hướng dẫn của Bộ Y tế; xây dựng kịch bản tổ chức tiêm một cách chi tiết, khoa học, bài bản gắn với cơ chế vận hành đồng bộ, thống nhất, thông suốt; triển khai tập huấn, huấn luyện và diễn tập các phương án tiêm chủng. Phương án chuẩn bị của thành phố tối đa là 200.000 mũi tiêm/ngày, quá trình thực hiện ngành Y tế phải phấn đấu đạt mức cao về số lượng, nhưng không chạy theo số lượng mà phải tuyệt đối tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu chất lượng và quy trình do Bộ Y tế hướng dẫn.

Bên cạnh đó, Sở Y tế Hà Nội có nhiệm vụ chủ trì phối hợp rà soát ngay điều kiện tiếp nhận, bảo quản vắc xin phòng Covid-19 với số lượng lớn (từ 1 triệu liều trở lên). Hiện tại, khả năng tiếp nhận tối đa của thành phố trong cùng một thời điểm khoảng 1,3 triệu liều vắc xin theo quy cách đóng gói của vắc xin Astra Zeneca. Do đó Sở phải tính toán năng lực tiếp nhận tương ứng với các chủng loại vắc xin khác nhau; bao gồm cả những vắc xin đòi hỏi điều kiện bảo quản phức tạp như Pfizer (bảo quản nhiệt độ -74oC); lên phương án vận chuyển, phân phối vắc xin cho các điểm tiêm bảo đảm an toàn, chất lượng, kịp thời.

Chủ tịch UBND thành phố cũng cho biết, thành phố sẽ huy động 100 tổ cấp cứu cơ động để thực hiện nhiệm vụ tiêm vắc xin phòng Covid-19. Sở Y tế cần có kịch bản điều phối bảo đảm sự cơ động, phù hợp với các điểm tiêm chủng theo từng khu vực sẵn sàng đáp ứng trong bất kỳ tình huống sự cố tiêm chủng nào.

Thực hiện nghiêm công tác phòng dịch trong quá trình tiêm vắc xin

Để thực hiện thắng lợi chiến dịch tiêm chủng vắc xin, Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh đề nghị hệ thống chính trị từ thành phố xuống cơ sở vào cuộc đồng bộ, phối hợp chặt chẽ cùng ngành Y tế triển khai kế hoạch đề ra. Cấp uỷ Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức đoàn thể các cấp thành phố tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, công khai minh bạch mọi thông tin về chiến dịch tiêm vắc xin cho người dân; nêu rõ quan điểm mọi người dân đều bình đẳng về quyền lợi tiêm vắc xin; thông tin cụ thể các tác dụng phụ của vắc xin và phản ứng không mong muốn; vận động mọi người dân đủ điều kiện về sức khoẻ và độ tuổi đi tiêm vắc xin khi thành phố được phân bổ đủ lượng vắc xin. Trong trường hợp lượng vắc xin phân phối có hạn, thành phố sẽ tiến hành tiêm chủng theo thứ tự ưu tiên đã được Trung ương hướng dẫn.

Nhấn mạnh yêu cầu tuyệt đối không để xảy ra tình trạng mất trật tự, không bảo đảm an toàn phòng dịch tại các điểm tiêm chủng, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu UBND các cấp phải phối hợp với lực lượng y tế xây dựng kế hoạch, kịch bản để phân bổ lượng người đến tiêm vắc xin theo khung giờ, theo ngày một cách phù hợp; đồng thời, duy trì trật tự, an ninh trong quá trình tổ chức tiêm phòng ở từng điểm tiêm và trên toàn thành phố. Công an thành phố phối hợp chặt chẽ với UBND các cấp thực hiện nhiệm vụ này.

Người dân khi đi tiêm phòng cần tuân thủ nghiêm các quy định phòng, chống dịch, tự giác thực hiện thông điệp “5K”; thực hiện văn hóa xếp hàng, thể hiện nét đẹp văn hóa người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Cán bộ y tế khi thực hiện nhiệm vụ tiêm chủng phải thực hiện nghiêm các nguyên tắc an toàn phòng dịch, quy tắc chuyên môn nghiệp vụ; thực hiện nghiêm công tác khám sàng lọc, hướng dẫn người dân khai báo y tế, khai báo đúng tình trạng sức khoẻ, bệnh lý để bảo đảm an toàn khi tiêm vắc xin. Cán bộ y tế phải nắm chắc cách xử lý tình huống; ứng phó nhanh và chính xác khi xảy ra sự cố tiêm chủng. Mọi quy trình tiêm chủng phải đặt sức khoẻ, an toàn tính mạng của người dân lên trên hết.

Liên quan đến các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, đồng chí Chu Ngọc Anh cho biết, những ngày gần đây, trong khi hầu hết người dân trên địa bàn thực hiện nghiêm, vẫn còn một số trường hợp người dân chủ quan, lơ là, đi ra ngoài khi không thật sự cần thiết; vẫn có hiện tượng hàng, quán dịch vụ không thiết yếu thực hiện không nghiêm yêu cầu dừng hoạt động. Chủ tịch UBND thành phố đề nghị người dân nêu cao trách nhiệm vì cộng đồng, tiếp tục phối hợp, hợp tác với chính quyền thành phố quyết tâm đẩy lùi dịch Covid-19. Đồng chí yêu cầu Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn lập tức tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện Công điện 15 và các quy định của thành phố, kết hợp hiệu quả giữa tuyên truyền với kỷ luật nghiêm minh để duy trì hiệu quả mọi mặt công tác phòng, chống dịch ở mỗi đơn vị, địa phương và trên toàn Hà Nội.

Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh cũng đề nghị người dân từ các vùng có dịch về thành phố, các phương tiện vận tải từ các tỉnh, thành khác đến Hà Nội cần chủ động khai báo y tế trước để tránh ùn tắc giao thông; thực hiện nghiêm việc xuất trình giấy xét nghiệm theo yêu cầu; tránh có tư tưởng “lách luật” để phải mất công quay về. Thành phố chỉ đạo các lực lượng chức năng siết chặt kiểm soát toàn bộ các chốt kiểm dịch, không để lọt người về từ tỉnh, thành phố khác mà không thực hiện đúng, đủ các yêu cầu phòng, chống dịch. (Hà Nội mới, trang 1).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang