Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 22/8/2017

  • |
T5g.org.vn - Không được thấy dịch đi ngang mà bình tĩnh, thở phào; Đầu tư cho y tế là chìa khóa cho tăng trưởng kinh tế toàn diện và bền vững; Công tác DS-KHHGĐ ở Đông Hưng, Thái Bình: Thành công nhờ sự nhiệt tình, tâm huyết; ...

 

Không được thấy dịch đi ngang mà bình tĩnh, thở phào

Trước những diễn biến phức tạp của dịch sốt xuất huyết (SXH), khi hiện cả nước đã có hơn 90.000 người mắc, với 24 người tử vong, các bệnh viện (BV) nội thành Hà Nội đều trong tình trạng quá tải bệnh nhân SXH, chiều 21-8, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có buổi kiểm tra đột xuất tình hình ứng phó với dịch tại BV bệnh nhiệt đới Trung ương.

Ông Nguyễn Văn Kính – Giám đốc BV bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, từ đầu năm đến nay, BV đã khám cho khám và điều trị cho 17.120 ca SXH, riêng trong tháng 8-2017 đã có hơn 2.500 bệnh nhân, chủ yếu từ cộng đồng đến thẳng BV chỉ có 7 trường hợp nặng chuyển từ tuyến dưới lên. Hiện 2 cơ sở của BV đang điều trị gần 400 bệnh nhân.

Số bệnh nhân khám và điều trị tại BV chủ yếu ở Hà Nội, chiếm tới 88%. BV đã luôn sàng lọc bệnh nhân để chuyển về tuyến dưới, cho BV Thanh Nhàn và Đống Đa điều trị các bệnh nhân nhẹ hơn. 

Đã có 11 trường hợp bị sốc nặng nhưng đã được cứu sống. 19 trường hợp SXH trên nền bệnh tiểu đường, huyết áp, tim mạch...

Khác với phía nam, số bệnh nhân SXH ở BV chủ yếu từ 15-30 tuổi. Có tới 51% bệnh nhân tái nhiễm. Mỗi ngày có khoảng 50 bệnh nhân nhập viện. Bệnh nhân nhập viện mạnh từ tháng 5-2017 đến nay. 

Để giảm tải, BV đã tăng giờ làm việc đến 19h hàng ngày, hơn 1 tháng nay các nhân viên không nghỉ thứ bảy, chủ nhật; huy động tối đa lực lượng khám, chữa bệnh. BV đã tăng số phòng khám cho bệnh nhân SXH lên 11 phòng, đặc biệt ưu tiên khám cho các trẻ em vì trẻ dễ biến chứng nhanh và nặng. Nội dung cảnh báo dịch SXH được dán khắp các khoa phòng. 

Nhân viên y tế được phát các bình xịt muỗi để giữ gìn môi trường ở gia đình. Đặc biệt, vụ dịch này có nhiều trường hợp biến chứng nặng, nhiều bệnh nhân bị SXH men gan tăng, nhịp tim chậm chỉ còn 42 lần/phút, nhưng tỷ lệ cứu sống cao.

Ông Nguyễn Văn Kính cho biết thêm, BV đã có các phòng nhân diện bệnh nhân theo các mức: xanh –vàng –đỏ. Những bệnh nhân nặng ở báo động đỏ được kiểm tra tình trạng sức khỏe 30 phút/lần. Do số bệnh nhân đông nên khó khăn nhất hiện là thiếu nhân lực, bên cạnh đó là máy lọc máu, truyền dịch cho bệnh nhân.

Ông Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục quản lý KCB cũng báo cáo với Phó Thủ tướng: Bộ Y tế đã tập trung chỉ đạo hệ thống chuyên môn đầu ngành tập trung cho việc KCB cho bệnh nhân SXH. Các ca tử vong đều được hội chẩn rút kinh nghiệm. Các BV điều trị theo phác đồ chuẩn của Bộ Y tế. Bộ trưởng Bộ Y tế đã chỉ đạo tăng cường nhân lực cho BV để ứng phó với dịch. Mặc dù thiếu người nhưng các bác sĩ của các BV đều nỗ lực tối đa để cứu chữa bệnh nhân.

Báo cáo tình hình phòng chống dịch với Phó Thủ tướng, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, cả nước đang ra quân tích cực phòng, chống với SXH. Là điểm nóng về SXH, Hà Nội đang quyết liệt triển khai các biện pháp để ngăn chặn dịch. Dịch hiện tập trung ở các quận nội thành và có xu hướng chuyển ra các quận ngoại thành, dự báo có khả năng tiếp tục gia tăng số mắc.

Bộ Y tế đã họp nhiều lần với UBND TP Hà Nội và chỉ đạo triển khai nhiều biện pháp, như phun hóa chất, tuyên truyền diệt lăng quăng bọ gậy, thành lập các Đội xung kích và có lực lượng giám sát. Bộ Y tế đã huy động tổng lực máy phun cỡ lớn từ 22 tỉnh để hỗ trợ Hà Nội. Bộ Y tế cũng cho phép sử dụng phương pháp phun mù nóng mới ngay trong các hộ dân cư.

“6 ngày qua dịch SXH đang có dấu hiệu chững lại. Bộ Y tế cũng đã nỗ lực hỗ trợ các địa phương, đặc biệt là Hà Nội trong việc bổ sung đội ngũ chuyên gia giám sát. Ngày 22-8, Bộ Y tế sẽ tiếp tục tập huấn cho 80 cán bộ y tế để giám sát, hướng dẫn các địa bàn ứng phó với SXH và bảo đảm tối ưu về thuốc điều trị, không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, kể cả khối tiểu cầu. Bộ Y tế cố gắng kiểm soát dịch bệnh ở mức độ cao nhất. Hiện, các BV đều đang hết sức nỗ lực ứng phó với bệnh SXH” - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết.

Với các đề xuất tăng cường nhân lực và máy móc của BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết sẽ cấp kinh phí sớm nhất để BV tăng thêm trang thiết bị về máy lọc máu, máy truyền dịch để xử trí các ca nặng.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam biểu dương và gửi lời cảm ơn tới đội ngũ cán bộ y tế của BV đã tận tụy và hy sinh thời gian cho gia đình để túc trực tại BV, điều trị tích cực cho các bệnh nhân mắc SXH.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã có nhiều sáng tạo trong việc ứng phó với các đợt dịch bệnh trước đó như dịch SARS, nên cần tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm trong khám và điều trị SXH cho các BV tuyến dưới. Hiện nay, phác đồ điều trị chung theo Bộ Y tế đã có, nhưng từ thực tiễn, BV phải có kinh nghiệm xử lý riêng.

Đánh giá tình hình SXH còn nhiều nguy hiểm, các BV công và tư đều quá tải, chưa có dấu hiệu giảm, trong khi thời tiết còn mưa và nóng nhiều, Phó Thủ tướng lưu ý ngành y tế: Không được thấy dịch đi ngang mà bình tĩnh, thở phào và dừng lại những biện pháp phòng, chống SXH. Người dân đã có ý thức hơn về loại muỗi truyền bệnh và phương pháp phòng, chống bệnh. Dù các BV có đông nhưng khi người dân có triệu chứng mắc SXH vẫn cần đến BV để được bác sĩ hướng dẫn cách điều trị, không nên tự điều trị tại nhà rất nguy hiểm.

Ông Nguyễn Văn Kính khẳng định BV sẽ tiếp tục huy động tối đa nguồn nhân lực, trang thiết bị và kinh nghiệm sẵn có để tiếp tục ngăn chặn dịch SXH, đặc biệt cứu sống các ca mắc SXH biến chứng nặng. (Công an nhân dân, trang 3; Sài Gòn giải phóng, trang 7; Tiền phong, trang 6; An ninh thủ đô, trang 2; Hà Nội mới, trang 1; Lao động, trang 2).

 

Đầu tư cho y tế là chìa khóa cho tăng trưởng kinh tế toàn diện và bền vững

Ngày 21-8, trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ ba các quan chức cao cấp (SOM 3) Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC). Tại TPHCM, các đại biểu APEC đã tham dự cuộc họp Nhóm công tác Y tế (HWG) lần thứ 2

Hội nghị thu hút hơn 200 đại biểu đến từ 20 nền kinh tế APEC, các quan sát viên của WHO tại Việt Nam, Ban Thư ký APEC quốc tế, Hội đồng tư vấn doanh nghiệp APEC (ABAC), đại diện một số tổ chức quốc tế và khu vực liên quan (WB, PAHO, LSIF, EPWG), và đại diện các Vụ, Cục, Viện, Bệnh viện của Bộ Y tế Việt Nam, Sở Y tế TPHCM.

Tại cuộc họp, các thành viên đã cập nhật tiến độ về việc xây dựng các ưu tiên và chỉ số để thực hiện lộ trình hướng tới một Châu Á Thái Bình Dương khỏe mạnh 2020 với các ưu tiên chính như: Bảo hiểm y tế toàn dân (UHC); phòng chống bệnh không lây nhiễm (NCD), sức khoẻ người cao tuổi; sức khoẻ bà mẹ và trẻ em; tình trạng khẩn cấp về y tế trong trường hợp thiên tai và đại dịch; tăng cường phát triển năng lực trong lĩnh vực y tế; phòng chống các bệnh mới nổi.

Nhóm chỉ số cho các ưu tiên để hướng tới mục tiêu một Châu Á Thái Bình Dương khỏe mạnh 2020 được các nền kinh tế đánh giá cao. Đây sẽ là công cụ giúp giảm gánh nặng báo cáo, thể hiện mối liên hệ chặt chẽ giữa các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) và các khung giám sát của WHO. Vì vậy, cuộc họp kêu gọi sự đóng góp tích cực, những cam kết về chiến lược và chính sách từ các nền kinh tế thành viên nhằm xây dựng và hoàn thiện nhóm chỉ số này.

Cuộc họp đã nghe 14 báo cáo đề xuất mới của các nền kinh tế cho năm 2018. Việt Nam đã trình bày 6 đề xuất về hợp tác y tế trong APEC như: hội thảo quốc tế chia sẻ kinh nghiệm thực hành tốt liên quan đến dịch tễ học, lâm sàng, xét nghiệm về Zika, sốt xuất huyết và phát triển Vaccine; hội thảo quốc tế chia sẻ các đáp ứng chính sách nhằm cải thiện tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế sinh sản và tình dục cho các dân tộc dễ bị tổn thương trong các nền kinh tế APEC; hội thảo chăm sóc dinh dưỡng cho người cao tuổi để phòng chống các bệnh không lây nhiễm; hội thảo tăng cường năng lực chăm sóc người cao tuổi trong APEC; nghiên cứu hợp tác về giám sát kháng Colistin trong nhiễm khuẩn đường ruột và hội thảo quốc tế thích ứng với già hóa dân số.

Các đề xuất của Việt Nam đều nhận được sự ủng hộ cao của các nền kinh tế và sự bày tỏ sẵn sàng đồng tài trợ cho các đề xuất của Việt Nam.

Theo GS.TS. Lê Quang Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, Y tế là một cấu phần quan trọng trong phát triển kinh tế và thương mại và hợp tác trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Đầu tư cho y tế là chìa khóa cho tăng trưởng kinh tế toàn diện và bền vững. Sức khoẻ tốt sẽ mang lại sự giàu có và là động lực thiết yếu cho sự phát triển và tăng trưởng kinh tế dài hạn. (Sài Gòn giải phóng, trang 7; Công an nhân dân, trang 2).

 

​Công tác DS-KHHGĐ ở Đông Hưng, Thái Bình: Thành công nhờ sự nhiệt tình, tâm huyết

Với đội ngũ cán bộ dân số nhiệt tình, tâm huyết, không quản ngại khó khăn để làm tốt công tác truyền thông, phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra, năm 2016, huyện Đông Hưng (Thái Bình) được công nhận là đơn vị xuất sắc dẫn đầu toàn tỉnh trong công tác DS-KHHGĐ.

Đa dạng hóa truyền thông, tư vấn

Huyện Đông Hưng có diện tích tự nhiên hơn 190km2, dân số trên 25 vạn người. Trong những năm qua, công tác DS-KHHGĐ luôn được cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở quan tâm, chỉ đạo. Cùng với đó là sự vào cuộc tích cực của các ban ngành, đoàn thể phối hợp với Trung tâm DS-KHHGĐ huyện trong việc tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân bằng nhiều hình thức đa dạng.

Năm 2016, số sinh toàn huyện là 3.323 trẻ, giảm 372 trẻ so với năm 2015, tỷ lệ sinh là 1,25%. Số sinh con thứ 3 trở lên là 412 cháu, tỷ lệ sinh con thứ 3+ là 12,4%, giảm 1,54% so với năm 2015. Tỷ số giới tính khi sinh là 108,3 nam/100 nữ. Tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đạt 92% kế hoạch năm, trong đó, biện pháp tránh thai phi lâm sàng đạt 110,4% kế hoạch năm.

Công tác truyền thông được chú trọng với nhiều hình thức phong phú, linh hoạt. Chuyên mục DS-KHHGĐ trên Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện, Đài Truyền thanh xã được duy trì. Trung tâm DS-KHHGĐ đã tổ chức được 894 hội nghị truyền thông, nói chuyện chuyên đề, tư vấn nhóm, tư vấn tại gia đình cho hơn 27.000 lượt người nghe.

Dàn dựng nhiều các tiết mục văn nghệ, tiểu phẩm, thơ ca… có nội dung lồng ghép các thông điệp về DS-KHHGĐ. Trung tâm DS-KHHGĐ cũng phối hợp với ngành văn hóa kẻ vẽ hơn 1.000 pano, khẩu hiệu, biển tường với nội dung tuyên truyền về chăm sóc SKSS/KHHGĐ, nâng cao chất lượng dân số.

Các mô hình, đề án tại Đông Hưng hiện đang được duy trì tốt tại cơ sở: Tổ chức sinh hoạt 14 câu lạc bộ tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân tại 2 xã Đông Dương và thị trấn Đông Hưng; 2 xã Phong Châu, Mê Linh duy trì mô hình tư vấn và chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng; 44 xã duy trì chương trình sàng lọc trước sinh và sau sinh; tổ chức sinh hoạt các câu lạc bộ phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình thuộc mô hình giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh tại 21 xã.

Để có được những kết quả như trên, đội ngũ cán bộ dân số cơ sở chính là những tuyên truyền viên tích cực nhất. Chị Bùi Thị Mỹ Lộc, cán bộ dân số xã Đông La cho biết: “Cán bộ dân số không chỉ là những người đi tư vấn mà còn là những cây văn nghệ có duyên. Các chị đã hoạt động trong ngành lâu năm nên việc lồng ghép tuyên truyền về dân số trong khi biểu diễn đều rất hay, được người dân hưởng ứng”.

Thành công nhờ những điển hình

Nhờ làm tốt công tác truyền thông nên những năm qua, huyện Đông Hưng luôn là đơn vị có tỷ lệ sinh, tỷ lệ sinh con thứ 3 giảm qua từng năm. Đặc biệt, năm 2016, toàn huyện có 65 thôn, tổ dân phố không có người sinh con thứ 3 trở lên. Trong đó, thôn Roanh Châu (xã Đông Huy) và tổ dân phố số 5 (thị trấn Đông Hưng) đã vinh dự được UBND tỉnh Thái Bình tặng Bằng khen đơn vị 5 năm liền không có người sinh con thứ 3 trở lên.

Chị Nguyễn Thị Tâm (ở tổ 5, thị trấn Đông Hưng) là một trong những điển hình tự hào sinh con một bề là gái. Các con chị đều chăm ngoan, đạt thành tích cao trong học tập.

Chị Tâm cho biết: “Gia đình tôi cũng từng có ý định sinh con thứ 3, hy vọng có con trai để nối dõi tông đường. Biết được ý định đó, các thành viên trong Ban công tác mặt trận, cộng tác viên dân số của tổ đã đến thuyết phục từng thành viên trong gia đình, động viên vợ chồng tôi dừng lại ở 2 con để nuôi dạy cho tốt”.

Các con của chị Tâm nay là niềm tự hào của gia đình cũng như tổ dân phố. Những tấm gương như gia đình chị Tâm đã góp phần vào thành tích trong công tác DS-KHHGĐ của thị trấn cũng như toàn huyện Đông Hưng.

Phát huy những kết quả đã đạt được trong năm 2016, ngay từ đầu năm 2017, Trung tâm DS-KHHGĐ đã tham mưu cho UBND huyện ban hành Công văn số 212/UBND-DS về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác DS-KHHGĐ, Kế hoạch số 09/KH-BCĐCTDS về việc triển khai Đề án xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai và dịch vụ KHHGĐ/SKSS tại khu vực thành thị và nông thôn phát triển giai đoạn 2015-2020 (Đề án 818).

Phối hợp với Trung tâm Y tế huyện tổ chức 6 hội nghị truyền thông về Đề án sàng lọc trước sinh và sơ sinh. Phối hợp với Ban quản lý Đề án 818 tổ chức hội nghị triển khai Đề án và tập huấn kĩ năng truyền thông cho cán bộ dân số và cộng tác viên, tổ chức 6 hội nghị truyền thông cho hơn 700 chị em phụ nữ tại 6 xã. Cấp sổ hộ gia đình A0 cho 100% cộng tác viên dân số, cập nhật kịp thời, chính xác thông tin biến động dân số vào kho dữ liệu điện tử.

Ông Vũ Viết Họa, Phó Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Đông Hưng cho biết: Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục tổ chức triển khai Đề án 818 đến 100% xã; tổ chức truyền thông, tư vấn và cung cấp dịch vụ về chăm sóc SKSS/KHHGĐ, cũng như các đề án: Tư vấn và chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng, Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân, Sàng lọc trước sinh và sơ sinh, Mất cân bằng giới tính khi sinh; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động tại cơ sở. (Gia đình & Xã hội trang 6).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang