Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 23 tháng 10 năm 2016

  • |
GIÁ DỊCH VỤ CAO NGẤT NGƯỞNG TRONG BỆNH VIỆN CÔNG; 100% MẪU NƯỚC MẮM KHÔNG CHỨA ASEN VÔ CƠ VƯỢT NGƯỠNG; THAY ĐỔI LỚN KHI ĐƯỢC LÀM BỆNH VIỆN VỆ TINH...

GIÁ DỊCH VỤ CAO NGẤT NGƯỞNG TRONG BỆNH VIỆN CÔNG

Những ngày qua, câu chuyện về phí dịch vụ, giá khám chữa bệnh tự nguyện và phát triển phòng khám theo yêu cầu trong bệnh viện công một lần nữa lại làm nóng dư luận sau khi Bệnh viện Nhi Trung ương bị “tố” thu phí dịch vụ quá cao. Trên thực tế, dịch vụ khám bệnh tự nguyện đang phổ biến ở hầu hết các bệnh viện và mang lại hiệu quả, vấn đề chỉ là khâu quản lý chưa chặt đã làm nảy sinh nhiều biến tướng.

Đắt hơn bệnh viện tư

Theo người nhà bệnh nhân phản ánh, Bệnh viện Nhi Trung ương đang “biến” thành bệnh viện dịch vụ với mức giá khám chuyên khoa cao nhất cả nước, thậm chí đắt hơn cả bệnh viện tư nhân.

Cụ thể, giá một lần khám chuyên khoa không hẹn trước tại Bệnh viện Nhi Trung ương là 680.000 đồng; giá khám cấp cứu, khám đa khoa không hẹn trước, khám chuyên khoa có hẹn trước là 580.000 đồng, tái khám chuyên khoa giá 390.000 đồng… Mặt khác, Bệnh viện Nhi Trung ương đã sử dụng 20-25% tổng số giường bệnh làm giường điều trị dịch vụ cho các bệnh nhân khám chữa bệnh theo yêu cầu, trong khi tình trạng quá tải tại bệnh viện vẫn khá trầm trọng.

Trước phản ánh này, PGS.TS Lê Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương lên tiếng cho rằng, giá dịch vụ theo yêu cầu của bệnh viện đều được báo cáo thu chi với Bộ Y tế, mức giá trên đã tính đủ thu bù chi và có tích lũy để tái đầu tư, hỗ trợ bệnh nhân nghèo. 

Theo khảo sát của chúng tôi, hiện không chỉ Bệnh viện Nhi Trung ương mà hầu hết bệnh viện công trên cả nước đều đã tổ chức dịch vụ khám bệnh theo yêu cầu hoặc phòng điều trị tự nguyện, đáng chú ý là giá khám và điều trị dịch vụ ở mỗi bệnh viện quy định một kiểu. Nếu giá khám của Bệnh viện Nhi Trung ương từ 390.000-680.000 đồng/lượt thì các nơi khác, tuy thấp hơn, cũng dao động từ 200.000-300.000 đồng/lượt.

Chẳng hạn, tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương, phòng dịch vụ loại 2 giường có tivi, máy lạnh giá 1,4 triệu đồng/giường/ngày, đêm; tại Bệnh viện Bạch Mai, giá phòng dịch vụ từ 500.000 - 2 triệu đồng/người/ngày, đêm; Bệnh viện Việt Đức, phòng dịch vụ 2 giường, giá 750.000 đồng/bệnh nhân/ngày, đêm…

Việc các bệnh viện mở khu vực dịch vụ theo chủ trương xã hội hóa y tế, góp phần cải thiện đáng kể nguồn thu của bệnh viện đồng thời làm giảm áp lực ngân sách là đúng. Tuy nhiên, việc thực hiện trong thực tế lại đang tồn tại nhiều điều bất cập, sai phạm. Chẳng hạn, theo quy định của Bộ Y tế, các bệnh viện công chỉ được phép sử dụng tối đa 25% số giường điều trị trong bệnh viện để điều trị dịch vụ và không được để ảnh hưởng tới các bệnh nhân khác, thế nhưng có những nơi  dù bệnh nhân đang phải nằm ghép song bệnh viện vẫn tiếp tục mở thêm phòng điều trị tự nguyện, mà Bệnh viện Nhi Trung ương là một ví dụ.

Ngoài ra, chất lượng các phòng bệnh dịch vụ ở nhiều bệnh viện công cũng không giống nhau, thậm chí có phòng bệnh dịch vụ giá khách sạn “3 sao” mà tường nhà rêu mốc… Hệ quả là người bệnh nghèo phải tiếp tục nằm ghép và người bệnh nằm điều trị theo yêu cầu cũng chưa thể hài lòng.

Cần minh bạch, tránh làm tổn thương người nghèo

Để khắc phục tình trạng trên, Bộ Y tế đang lấy ý kiến về việc siết chặt các điều kiện và mức giá dịch vụ y tế theo yêu cầu, trong đó đưa ra mức giá trần khám dịch vụ tối đa tại bệnh viện công ở Hà Nội và TP.HCM là 200.000 đồng, giá giường dịch vụ tối đa 2,2 triệu đồng.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Việc Bộ Y tế kiểm soát mức giá khám, chữa bệnh dịch vụ tại các bệnh viện công là cần thiết nhưng mức trần không nên quá thấp. Có một thực tế hiện nay là các khoa khám dịch vụ yêu cầu tại các bệnh viện công ở nước ta vẫn hoạt động theo kiểu “nửa chừng”, chất lượng nhiều khi chỉ nhỉnh hơn một chút so với khám Bảo hiểm y tế và mức giá cũng không cao hơn nhiều. Vì thế không chỉ người có thu nhập khá mà thậm chí cả người nghèo cũng có thể cố gắng chi trả được, hệ quả là nhiều khoa khám dịch vụ, yêu cầu của bệnh viện cũng quá tải trầm trọng.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hiền, nhiều người không chấp nhận hình thức khám, chữa bệnh dịch vụ kiểu này nên quyết định ra nước ngoài điều trị. Nhấn mạnh việc đầu tư phòng khám, trang thiết bị trong y tế rất tốn kém, ông Nguyễn Ngọc Hiền phân tích: Muốn thay đổi chất lượng thì phải có chính sách khuyến khích được các bệnh viện đầu tư trang thiết bị hiện đại để giữ chân bệnh nhân. Nếu giữ được bệnh nhân, các bệnh viện mới có điều kiện thúc đẩy chất lượng dịch vụ và từ đó mới có nguồn để đầu tư ngược lại cho người nghèo.

Dù vậy, ông Nguyễn Ngọc Hiền cũng nhấn mạnh, phát triển khám chữa bệnh theo yêu cầu trong bệnh viện công phải đồng thời với những chính sách bảo vệ người bệnh nghèo. “Ngoài việc tổ chức số phòng, giường dịch vụ theo đúng quy định, các bệnh viện công phải cố gắng tổ chức được các khoa khám chữa bệnh dịch vụ, phòng điều trị yêu cầu riêng, tách biệt với khu khám chữa bệnh thông thường để tránh làm tổn thương đến người nghèo. Để phòng dịch vụ, giường dịch vụ nằm lẫn lộn trong cùng một khu, một khoa với người bệnh thông thường, nhìn vào phòng bệnh bên này người bệnh quá khổ, phòng bên điều kiện lại quá tốt thì khó tránh khỏi bức xúc”, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Ngọc Hiền nêu quan điểm. 

Tương tự, theo TS Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng, các cơ sở y tế đang hoạt động theo mô hình công - tư lẫn lộn. Đó là việc các bệnh viện công lợi dụng các đầu tư công như phòng ốc, trang thiết bị y tế để khám dịch vụ, thu lợi cho bệnh viện, trong khi phòng và trang thiết bị do Nhà nước đầu tư để khám bệnh đại trà. Vì thế, nếu không minh bạch dịch vụ trong bệnh viện công thì không những làm mất công bằng trong tiếp cận dịch vụ y tế của người bệnh mà còn dễ làm nảy sinh tiêu cực, bức xúc. (An ninh thủ đô trang 5) 

 

100% MẪU NƯỚC MẮM KHÔNG CHỨA ASEN VÔ CƠ VƯỢT NGƯỠNG

Ngày 22-10, Cục An toàn thực phẩm (ATTP) – Bộ Y tế đã chính thức công bố kết quả thanh tra và kiểm nghiệm nước mắm tại thị trường 5 tỉnh/ thành phố. Theo đó, 100% mẫu nước mắm không phát hiện asen vô cơ vượt ngưỡng.

Theo Cục ATTP, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 8568/VPCP-TTĐT ngày 10-10-2016, ngày 12-10, Bộ Y tế đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành gồm đại diện Bộ: Y tế, Công Thương, NN&PTNT và các cơ quan liên quan tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật về ATTP đối với việc sản xuất, kinh doanh nước mắm tại 5 tỉnh/thành phố: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận.

Đồng thời, đoàn cũng đã lấy 247 mẫu ngẫu nhiên với 210 nhãn hiệu sản phẩm nước mắm khác nhau của 82 cơ sở sản xuất (cả theo phương pháp truyền thống và công nghiệp), trên thị trường và một số siêu thị để kiểm nghiệm.

Kết quả không phát hiện mẫu nước mắm nào chỉ được sản xuất từ nước và hóa chất. Các cơ sở được kiểm tra đều sản xuất nước mắm từ nguyên liệu là cá và muối hoặc nước mắm cốt (được sản xuất từ cá và muối) và phụ gia thực phẩm với các tỷ lệ khác nhau.

Đặc biệt, kiểm nghiệm Asen: 247/247 (100%) các mẫu nước mắm được kiểm nghiệm không phát hiện Asen vô cơ vượt ngưỡng giới hạn tối đa cho phép theo QCVN 8-2:2011/BYT của Bộ Y tế.

Kiểm nghiệm các kim loại nặng khác: Chì, Thủy ngân và Cadimi đều đạt theo QCVN 8-2:2011/BYT của Bộ Y tế. Không có căn cứ để khẳng định một sản phẩm sử dụng nhiều phụ gia thực phẩm sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Theo Cục ATTP, việc sử dụng phụ gia thực phẩm trong sản xuất nước mắm là được phép nếu phụ gia đó nằm trong danh mục cho phép, đúng đối tượng sử dụng, không được vượt ngưỡng theo quy định, đảm bảo độ tinh khiết và không quy định số lượng phụ gia thực phẩm tối đa được phép dùng trong một sản phẩm thực phẩm. Quy định này của Bộ Y tế hoàn toàn phù hợp với quy định của Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (CODEX), các quốc gia khác trên thế giới và trong khu vực ASEAN.

“Như vậy, các thông tin nước mắm là nước pha hóa chất, nước mắm có nhiễm thạch tín (thạch tín chỉ được gọi cho Asen vô cơ) ảnh hưởng đến sức khỏe con người là không chính xác gây tâm lý hoang mang cho người dân và ảnh hưởng đến việc sản xuất, kinh doanh nước mắm kể cả nước mắm sản xuất theo phương pháp truyền thống và công nghiệp” – Cục ATTP cho biết.

Cũng theo Cục ATTP, vì mục tiêu hàng đầu là bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời để đảm bảo quyền lợi kinh doanh hợp pháp của các doanh nghiệp theo quy định của pháp luật, việc cung cấp các thông tin liên quan đến ATTP cần phải đảm bảo khách quan, chính xác, trung thực, đầy đủ và kịp thời. (An ninh thủ đô trang 8)

Cùng chủ đề tin, bài có các tin, bài sau:

Hà Nội mới (trang 1): THỦ TƯỚNG YÊU CẦU CÓ THÔNG TIN CHÍNH THỨC VỀ VỤ “NƯỚC MẮM CHỨA ASEN” TRƯỚC NGÀY 10-11

Thanh niên (trang 2): THỦ TƯỚNG YÊU CẦU CÓ NGAY THÔNG TIN CHÍNH THỨC VỀ CHẤT LƯỢNG NƯỚC MẮM

Sài Gòn giải phóng (trang 1): BỘ Y TẾ CÔNG BỐ KẾT QUẢ KIỂM TRA CHẤT LƯỢNG NƯỚC MẮM, KHÔNG PHÁT HIỆN ASEN VÔ CƠ VƯỢT NGƯỠNG CHO PHÉP

 

THAY ĐỔI LỚN KHI ĐƯỢC LÀM BỆNH VIỆN VỆ TINH

Các bệnh viện tuyến dưới, nhất là ở các tỉnh khó khăn, vùng cao đang có sự thay đổi lớn từ khi trở thành bệnh viện vệ tinh (BVVT) của các bệnh viện hạt nhân tuyến cuối. Các bệnh viện tuyến dưới được bệnh viện hạt nhân hỗ trợ đào tạo (theo hình thức cầm tay chỉ việc), chuyển giao kỹ thuật… nhờ đó, chất lượng khám, chữa bệnh ngày càng được nâng lên, giúp người dân tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cao ngay tại cơ sở.

Cũng như bệnh viện của nhiều tỉnh miền núi phía bắc, Bệnh viện đa khoa tỉnh Lào Cai gặp rất nhiều khó khăn về trang thiết bị, cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ có trình độ để thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe người dân. Nhưng là cơ sở mới được thành lập (tháng 3-2013), bệnh viện được đầu tư cơ ngơi khá khang trang, trang thiết bị tương đối hiện đại, cho nên ngay sau khi tham gia Đề án BVVT với các chuyên ngành tim mạch, ung bướu, ngoại chấn thương của hai bệnh viện hạt nhân: Bạch Mai, Hữu nghị Việt Đức đã giúp Bệnh viện đa khoa Lào Cai có sự thay đổi đáng kể về chất lượng, trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ. Bệnh viện Bạch Mai chuyển giao hàng loạt gói kỹ thuật: cấp cứu tim mạch, siêu âm Doppler tim, mạch, chụp và đọc cộng hưởng từ, giải phẫu bệnh, tế bào học chẩn đoán ung thư, điều trị xạ trị ung thư bằng máy gia tốc, y học hạt nhân chẩn đoán, điều trị ung thư, hóa trị liệu ung thư… Còn Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức chuyển giao các gói kỹ thuật về phẫu thuật tiết niệu, chấn thương chỉnh hình, ổ bụng, thần kinh nội soi can thiệp, gây mê hồi sức, ngoại tổng hợp, ngoại chấn thương…

Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa Lào Cai Hoàng Văn Hiếu cho biết, trước đây, khi chưa phát triển hệ thống BVVT, phần lớn các ca bệnh khó đều phải chuyển lên tuyến trên. Khi đề án BVVT đi vào hoạt động, các bác sĩ được đào tạo, chuyển giao và làm chủ kỹ thuật đã giúp người bệnh, nhất là các ca bệnh nặng được xử lý ngay tuyến dưới, hạn chế thấp nhất khả năng phải chuyển tuyến. Quá trình đào tạo, chuyển giao kỹ thuật giúp nâng cao năng lực khám, chữa bệnh đó đã làm thay đổi bộ mặt bệnh viện đa khoa tỉnh vùng cao này. Thực tế cho thấy, nếu không được đào tạo và chuyển giao kỹ thuật theo Đề án BVVT, thì các bác sĩ ở đây chắc chắn sẽ gặp nhiều lúng túng trong việc xử lý những sự cố tai nạn trên quy mô lớn (như vụ lật xe khách tại Sa Pa tháng 9-2014). Nhờ được đào tạo, các bác sĩ đã xử trí tốt các ca bệnh trong lúc chờ chuyên gia từ bệnh viện tuyến trung ương lên hỗ trợ.

Lào Cai là tỉnh miền núi, phần lớn dân cư là người dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế khó khăn, nếu người bệnh phải chuyển tuyến về Hà Nội sẽ càng vất vả, tốn kém hơn. Do đó, Bệnh viện đa khoa tỉnh Lào Cai là một trong những bệnh viện trọng điểm để các bệnh viện hạt nhân chuyển giao kỹ thuật, nhằm giúp người bệnh được thụ hưởng kỹ thuật cao ngay tại quê hương mình.

Sau hơn ba năm triển khai, có 70 cán bộ của Bệnh viện đa khoa Lào Cai được cử đi đào tạo, tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật, trong đó chuyên ngành ngoại chấn thương có 31 cán bộ, tim mạch 17 cán bộ... Đáng chú ý, sau khi tiếp nhận chuyển giao các kỹ thuật, tỷ lệ chuyển tuyến của người bệnh đã giảm rõ rệt, trong đó nhiều kỹ thuật tỷ lệ chuyển tuyến đã giảm về 0%, như: cầm máu trong xuất huyết dạ dày, mổ máu tụ trong não, tán sỏi niệu quản nội soi ngược dòng… Với kỹ thuật phẫu thuật vết thương mạch máu ngoại vi, trước đây phải chuyển lên tuyến trên, thì nay tỷ lệ chuyển tuyến chỉ còn khoảng 20%; kỹ thuật điều trị bảo tồn chấn thương tạng đặc tỷ lệ chuyển tuyến chỉ còn khoảng 5%... Các gói kỹ thuật của điều dưỡng, kỹ thuật viên như gây mê, chăm sóc người bệnh sau mổ tiêu hóa, tiết niệu, chấn thương sọ não đều được thực hiện tốt. Đáng chú ý, gói kỹ thuật “Phẫu thuật chấn thương, vết thương mạch máu ngoại vi” được các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức chuyển giao là bước khởi đầu để Bệnh viện đa khoa tỉnh Lào Cai triển khai nhiều kỹ thuật chuyên sâu khác như kỹ thuật khâu nối mạch máu và bắc cầu động tĩnh mạch cho người bệnh chạy thận nhân tạo. Bên cạnh đó, thông qua hệ thống công nghệ thông tin, các bác sĩ của Bệnh viện đa khoa tỉnh Lào Cai thường xuyên tham gia các buổi hội thảo trực tuyến, thảo luận các ca bệnh khó với các chuyên gia đầu ngành tại bệnh viện hạt nhân.

Theo đề án BVVT giai đoạn 2016 - 2020, Bệnh viện đa khoa tỉnh Lào Cai tiếp tục là BVVT của các bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bạch Mai để nâng cao hơn nữa trình độ chuyên môn của các chuyên ngành ngoại chấn thương, tim mạch, ung bướu… nhưng với nhiều kỹ thuật cao, chuyên sâu hơn nữa, như phẫu thuật đường mật trong gan, phẫu thuật gan nhỏ (cắt thùy gan điều trị ung thư), phẫu thuật thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng, đặt máy tạo nhịp tim, sốc điện điều trị các rối loạn nhịp tim nhanh, điều trị tiêu sợi huyết, can thiệp mạch, phẫu thuật ung thư vú, ung thư đại trực tràng, ung thư hệ tiết niệu, dạ dày, u não… Đó sẽ là cơ hội để các thầy thuốc ở đây nâng cao trình độ chuyên môn và người dân ngày càng được chăm sóc sức khỏe tốt hơn. (Nhân dân trang 5) 

 

QUỸ BẢO HIỂM Y TẾ VẪN BẢO ĐẢM CHO CÁC ĐỢT TĂNG GIÁ VIỆN PHÍ

Theo Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Phạm Lương Sơn, Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) hiện vẫn bảo đảm cho các đợt tăng giá viện phí tới đây và không có chuyện “vỡ” quỹ như một số thông tin thời gian vừa qua. Ước tính năm 2016, cả nước sẽ bộ chi khoảng 5.000 tỷ đồng. Nguyên nhân chính là do gia tăng cơ học về số người tham gia BHYT; điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo Thông tư 37 của liên Bộ Y tế - Tài chính; thực hiện thông tuyến đối với các bệnh viện tuyến huyện… (Nhân dân trang 5)

 

2 PHÚT CÓ 1 PHỤ NỮ TỬ VONG DO UNG THƯ CỔ TỬ CUNG

Ung thư cổ tử cung là nguyên nhân đứng thứ hai gây tử vong cho phụ nữ trên toàn thế giới, với ước tính cứ 2 phút có một phụ nữ chết vì căn bệnh này.

Ngày 22-10, gần 300 y, bác sĩ trẻ tham dự hội nghị sản - nhi tỉnh Đồng Nai mở rộng năm 2016, với sự góp mặt của những chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực chăm sóc sức khỏe sinh sản nhằm giao lưu, chia sẻ kiến thức, góp phần ngăn ngừa, phòng chống và làm giảm tỉ lệ ung thư cổ tử cung, sinh non và các biến chứng của sinh non.

Hai vấn đề rất nóng mà Tổ chức Y tế thế giới và Bộ Y tế quan tâm hàng đầu là tỉ lệ tử vong ở trẻ sinh non ngày càng tăng và tình trạng ung thư cổ tử cung ở các quốc gia đang phát triển.

Ung thư cổ tử cung là nguyên nhân đứng thứ hai gây tử vong cho phụ nữ trên toàn thế giới, với ước tính cứ 2 phút có một phụ nữ chết vì căn bệnh này. (Tuổi trẻ trang 2)

Tags:

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang