Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 23/11/2016

  • |
T5g.org.vn - Hà Nội: Cần quy hoạch bệnh viện quy mô vừa theo khu dân cư; Bộ trưởng Bộ Y tế làm việc với UBND TP.Hà Nội; Đẩy mạnh hiệu quả mô hình BSGĐ trong chăm sóc sức khỏe người dân; Hơn 200 bệnh nhi mòn mỏi chờ ghép tạng; ...

Hà Nội: Cần quy hoạch bệnh viện quy mô vừa theo khu dân cư

Chiều 22-11, tại buổi làm việc giữa UBND TP Hà Nội với đoàn công tác Bộ Y tế do Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến dẫn đầu, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng, tại Hà Nội, giải pháp quy hoạch các bênh viện quy mô 200-300 giường gắn với khu dân cư sẽ hiệu quả hơn xây các bênh viện lớn ở xa...

Điểm sáng về cơ chế tự chủ

Điểm lại hoạt động trong năm vừa qua, Sở Y tế Hà Nội cho biết, đã chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh với 109 điểm xét nghiệm, chủ động phòng chống Zika, sốt xuất huyết; thành lập 65 đội phòng chống dịch cơ động; công tác tiểm chủng mở rộng triển khai hiệu quả; Công tác khám chữa bệnh được nâng cao, tiếp tục cải cách hành chính, cải tiến quy trình khám chữa bệnh. 

Hà Nội tiếp thục thực hiện đề án ghép thận tại Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn; tất cả các bệnh viện huyện triển khai phẫu thuật nội soi; Tổ chức tiếp nhận và triển khai vận hành 3 xe ô tô chuyên dụng kiểm nghiệm ATTP; Tập trung xây dựng và nâng cấp cơ sở vật chất để thành lập “Trung tâm kỹ thuật cao và tiêu hóa Hà Nội” thuộc Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn với kinh phí đầu tư trên 500 tỷ đồng... Đặc biệt, Hà Nội đã tạo cơ chế tự chủ để một số bệnh viện chủ động phát triển, mang lại những kết quả tịch cực, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

“Khi bệnh viện đã tự chủ, người bệnh chính là khách hàng. Sự hài lòng của bệnh nhân chính là yếu tố sống còn với bệnh viện. Không còn tình trạng nhũng nhiễu, vòi vĩnh...” - Giám đốc Viện tim Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn nói.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá cao cách làm này và nhấn mạnh, cơ chế tự chủ sẽ giúp giảm đầu mối, không làm tăng biên chế cũng như đảm bảo thu nhập cho các y bác sỹ, người lao động... Đề nghị Hà Nội cần đi đầu trong cơ chế tự chủ, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, thành phố cần sớm có đề án, lộ  trình giao cơ chế tự chủ cho các bệnh viện…

Triển khai bác sỹ gia đình ở trạm y tế

Về các kiến nghị của ngành y tế Hà Nội,  Bộ trưởng Bộ Y tế đồng tình và khẳng định sẽ tạo điều kiện tốt nhất để đào tạo bác sỹ chuyên khoa cho thành phố; duy trì chỉ tiêu đào tạo bác sỹ nội trú cho Hà Nội (25 chỉ tiêu/năm)...

Đánh giá Hà Nội có quy hoạch hạ tầng cơ sở y tế tốt, Bộ trưởng đề nghị: “Cái gì đã là thế mạnh của các Bệnh viện Trung ương rồi thì Hà Nội không cần phải đầu tư nữa mà thành phố nên tập trung vào ưu thế của mình để đầu tư cho “ra tấm ra món” - Bộ trưởng Bộ Y tế phân tích.

Đồng tình với ý kiến của Bộ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, từ đầu năm, thành phố đã tạm dừng đề án ghép gan củaBệnh viện Xanh Pôn bởi đây là thế mạnh của các bệnh viện Trung ương. Hà Nội đã chuyển hướng đầu tư trung tâm kỹ thuật cao ở Bệnh viện Xanh Pôn với nhiều kỹ thuật mới đối với ngành y tế Việt Nam như nội soi xâm lấn tối thiểu, tầm soát ung thư đường tiêu hóa...

Về các công trình bệnh viện Trung ương cơ ở 2 đã được Chính phủ phê duyệt đầu tư ở Quốc Oai, Tây Tựu... Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề xuất Bộ Y tế tính toán phân kỳ đầu tư phù hợp; chú trọng khảo sát xu hướng bệnh nhân; tính hợp lý của giao thông... “Xu hướng thế giới hiện nay khi quy hoạch các cơ sở y tế đều đảm bảo người dân từ nhà ra bệnh viện chỉ mất từ 15-20 phút đi bộ. Các chuyên gia Pháp đang khuyến cáo Hà Nội chỉ nên quy hoạch các bênh viện từ 200-300 giường theo khu dân cư. Mô hình này sẽ hiệu quả hơn các bệnh viện lớn”, Chủ tịch UBND TP nêu quan điểm...

Để đảm bảo công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, Chủ tịch UBND TP cho biết, TP đang xây dựng lộ trình quy hoạch lại các điểm bán hoa quả toàn thành phố để trình HĐND TP tại kỳ họp tới cũng như tiếp nhận thêm 2 xe kiểm tra ATTP cơ động (hiện nay đã có 3 xe đi vào hoạt động). Ngoài ra, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc thí điểm mô hình bác sỹ gia đình, Chủ tịch UBND TP cho biết, Hà Nội sẽ triển khai các mô hình này ở các trạm y tế. “Mô hình bác sỹ gia đình triển khai như vậy sẽ rất tiện lợi vì gần khu dân cư”, Chủ tịch UBND TP nói (An ninh thủ đô, trang 4; Hà Nội mới, trang 1).

 

Bộ trưởng Bộ Y tế làm việc với UBND TP.Hà Nội: Đẩy mạnh hiệu quả mô hình BSGĐ trong chăm sóc sức khỏe người dân

Mô hình phòng khám bác sĩ gia đình gắn với chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân ở Hà Nội bước đầu đã phát huy hiệu quả, giúp người dân được chăm sóc sức khỏe ngay tại địa phương ngày càng tốt hơn; cơ sở vật chất hạ tầng và chất lượng khám chữa bệnh của Hà Nội có những thay đổi rõ rệt… Đó là những đánh giá về hoạt động của ngành y tế Hà Nội thời gian được Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đưa ra tại buổi làm làm việc với UBND TP Hà Nội đánh giá kết quả công tác y tế đã triển khai và kế hoạch trọng tâm thời gian tới.

Chủ động chăm sóc sức khỏe người dân đến tận hộ gia đình

Báo cáo của Sở Y tế Hà Nội do TS Nguyễn Khắc Hiền trình bày cho thấy, mặc dù tình hình dịch bệnh trên thế giới diễn biến phức tạp, nhiều dịch bệnh nguy hiểm tái nổi, tuy nhiên tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố vẫn được duy trì ổn định. Hệ thống giám sát dịch bệnh truyền nhiễm được triển khai đồng bộ từ tuyến thành phố đến cơ sở, thành lập 65 đội phòng chống dịch cơ động ở các tuyên được đào tạo chuyên nghiệp với đầy đủ máy móc, trang thiết bị sẵn sàng đáp ứng nhanh chống dịch.

Trước đó, sáng 22/11, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã đến thăm và kiểm tra hoạt động của Trạm Y tế xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn, Hà Nội, nơi đã triển khai mô hình bác sĩ gia đình (BSGĐ) từ 2014. Tại đây đã quản lý hồ sơ sức khỏe theo mô hình BSGĐ cho khoảng 98% người dân, BS Trần Trọng Thắng- Trưởng Trạm y tế xã Mai Đình cho biết, để thực hiện mô hình BSGĐ, có sự hỗ trợ của Trung tâm y tế huyện Sóc Sơn và các BV tuyến trên như: BV Tim Hà Nội, BV Lão khoa T.Ư về khám sàng lọc, phát hiện quản lý 500 hồ sơ của người có bệnh mãn tính (đái tháo đường, tăng huyết áp) để khám, cấp thuốc định kỳ; lập hồ sơ quản ý sức khỏe cho người dân theo mô hình BSGĐ.

Trong quá trình khám, nếu phát hiện những biến chướng vượt tầm chữa trị của trạm, bệnh nhân sẽ được chuyển vượt tuyến lên các bệnh viện chuyên khoa như: Bệnh viện Xanh Pôn, Thanh Nhàn, Mắt Hà Nội.

Về khám chữa bệnh, Trạm y tế xã Mai Đình được trang bị đầy đủ trang thiết bị đảm bảo công tác cấp cứu ban đầu, chăm sóc sức khỏe ban đầu của người dân trên địa bàn. Theo BS Thắng, trung bình mỗi ngày có khoảng 40 bệnh nhân đến khám tại trạm bao gồm cả khám theo diện bảo hiểm y tế và khám dịch vụ. Thậm chí, số bệnh nhân đến với trạm có khi lên đến 100 – 150 bệnh nhân một ngày.

BS Phạm Quang Hải- Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn cho biết, hiện nay cả 26 trạm y tế xã và 4 phòng khám đa khoa của huyện Sóc Sơn đều triển khai phòng khám BSGĐ. Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn đã thành lập tổ y tế chăm sóc người bệnh đến tận hộ gia đình theo nguyên lý chủ động chăm sóc bệnh nhân mắc bệnh nặng, mãn tính, các bệnh tuổi già; cấp cứu các trường hợp bệnh nặng theo yêu cầu…

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu cần sớm hoàn thiện hệ thống tin học hóa bệnh án điện tử trong quản lý bệnh nhân tại đây; tổ chức hệ thống xét nghiệm tập trung trả kết quả qua email để tránh tình trạng lãng phí máy móc và nhân lực tại các trạm; tiếp tục tăng cường truyền thông đến người dân về ý nghĩa của mô hình BSGĐ.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến và đoàn công tác cũng đã đến kiểm tra công tác khám chữa bệnh tại BVĐK Sóc Sơn và tặng quà một số sản phụ vừa sinh con, đang nằm tại Khoa sản của BV. Cũng tại buổi làm việc với BVĐK Sóc Sơn, Viện Chiến lược và Chính sách y tế đã công bố khảo sát độc lập của Viện về mức độ hài lòng của người dân với công tác khám chữa bệnh và tinh thần, thái độ của cán bộ y tế cho thấy, 75% bệnh nhân được khảo sát trực tiếp tỏ ra hài lòng về thời gian chờ khám (trung bình cả nước là 65%), tuy nhiên vẫn còn  ý kiến chưa hài lòng về việc nhân viên y tế sẵng giọng, càu nhàu với bệnh nhân, chưa nhiệt tình khi trực đêm…

Tránh chồng chéo trong quy hoạch BV

Phát biểu tại buổi làm việc với UBND TP Hà Nội, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá cao những kết quả đã đạt được của ngành y tế Hà Nội trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, đặc biệt là trong việc triển khai mô hình phòng khám BSGĐ kết hợp với chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân tại một số quận/huyện.

Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết sẽ giải quyết những kiến nghị của TP Hà Nội như tổ chức thí điểm đào tạo chuyên khoa cấp 1 cho bác sỹ mới tuyển dụng, duy trì việc đào tạo 25 bác sỹ nội trú mỗi năm và đào tạo nguồn nhân lực nhi khoa cho thành phố. Tuy nhiên, với kiến nghị mở mã ngành đào tạo bác sỹ tại Trường ĐH Thủ đô của Sở Y tế Hà Nội, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, vấn đề này cần sự cho phép của Bộ GD&ĐT, nhưng phải đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định để đảm bảo chất lượng đào tạo. Bộ Y tế sẽ xem xét đề xuất của Hà Nội về việc ban hành quy định thu hồi có thời hạn chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động nếu cơ sở y, dược hành nghề vượt quá phạm vi chuyên môn hoặc người phụ trách chuyên môn vắng mặt tại 3 lần kiểm tra liên tiếp...; đồng thời thu hồi vĩnh viễn những giấy tờ vừa nêu khi xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Chính phủ đã nhất trí về việc xây dựng cơ sở 2 của BV Nhi TW, Phụ sản TW tại huyện Quốc Oai và đang chủ trương xây cơ sở 2 của các BV: Mắt TW, Răng hàm mặt TW. Do vậy, Hà Nội cần xem xét lại việc quy hoạch xây dựng các BV Nhi, Phụ sản, Mắt, Răng hàm mặt của thành phố để tránh chồng chéo lãng phí…

Các thành viên Đoàn công tác của Bộ Y tế cũng đề nghị Hà Nội chuẩn bị các điều kiện để nhân rộng việc thành lập lực lượng thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại tất cả các quận, huyện, phường, xã. Ngành y tế Hà Nội cần đẩy mạnh hơn nữa việc đổi mới thái độ phục vụ người bệnh vì kết quả kiểm tra bước đầu cho thấy, các cơ sở y tế của Thủ đô đạt điểm thấp hơn so với TP Hồ Chí Minh. Qua kiểm tra tại BV huyện Sóc Sơn cho thấy, thời gian chờ khám lâu hơn so với nhiều BV tuyến TW.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung  cho hay, ngành y tế Hà Nội trong những năm qua đã có nhiều tiến bộ. Tuy nhiên, Hà Nội không chọn hướng phát triển các kỹ thuật cao mà các BV tuyến TW trên địa bàn đã làm, do đó Hà Nội đã rà soát, lập quy hoạch lại toàn bộ hệ thống y tế Hà Nội. Mong muốn, khi thành phố lập lại sự điều chỉnh quy hoạch này cần sự đóng góp của các BV tuyến T.Ư trên địa bàn để công tác khám chữa bệnh của các BV tuyến TP ở Hà Nội thuận tiện hơn. Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cũng đề xuất Bộ Y tế tạo điều kiện cho Hà Nội nhân rộng mô hình  trạm y tế có cơ chế tự chủ, xây dựng thành phòng khám BSGĐ… để ngày càng phát huy hiệu quả, vai trò của trạm y tế trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

 

Hơn 200 bệnh nhi mòn mỏi chờ ghép tạng

Ghép tạng cho bệnh nhi vẫn đang phải đối mặt với nhiều vấn đề về kỹ thuật và khó khăn về nguồn tạng, kinh phí quá cao.

Nếu không gặp khó về nguồn tạng, về khoảng cách địa lý thì nhiều gia đình vẫn phải cắn răng đưa con về trước chi phí ghép tạng vượt mức kinh tế gia đình cho phép. Kinh phí lại luôn là trở ngại lớn nhất của các gia đình có con cái đang được chỉ định ghép tạng.

Mỏi mòn chờ đợi

Vào khoa Tiêu hóa BV Nhi đồng 2 những ngày giữa tháng 11-2016, cậu bé Phạm Đức Bảo (Di Linh, Lâm Đồng) chưa đầy hai tuổi nhưng nước da vàng tái hẳn đi, ánh mắt mệt mỏi nằm trong lòng mẹ cứ chút chút lại khóc, trở mình liên tục. Bé Bảo bị bệnh lý về gan sau sinh kể từ những ngày đầu tháng 3-2015. Đến nay đã hơn một năm hai vợ chồng chị Lê Thị Hoa liên tục đưa con đi tái khám, lấy thuốc và chờ đợi.

Bé Bảo được chỉ định ghép gan từ rất lâu và đó là biện pháp duy nhất có thể giúp Bảo khỏe mạnh lại như bao đứa trẻ khác. Gia đình đã chuẩn bị kinh phí. Thế nhưng việc tìm nguồn gan tương thích cho bé Bảo là điều quá khó.

“Tôi đã xin nghỉ việc, sẵn sàng mọi thứ nhưng lại không có nguồn gan. Cả nhà được các BS thử mẫu, xét nghiệm toàn bộ nhưng đều không thể. Nay mỗi tháng lại chạy lên BV vài lần tái khám, lần nào BS điện thoại là lại hy vọng. Vậy mà hơn một năm vẫn phải chờ đợi, không biết thằng bé có chờ được đến lúc có người cho gan không” - chị Hoa ngậm ngùi.

Chị Lương Thị Ngọc Thúy (Đầm Dơi, Cà Mau) trăn trở: “Con tôi bị teo đường mật bẩm sinh, đã hơn một năm bám BV. BS cho biết ghép gan là biện pháp duy nhất. Mặc dù chi phí phẫu thuật đã được BHYT hỗ trợ rất nhiều nhưng những khoản còn lại cũng quá lớn đối với gia đình quanh năm bám ruộng vườn như tôi. Sau phẫu thuật còn phải ở phòng đặc biệt, vô trùng suốt thời gian dài, dùng nhà vệ sinh riêng, cách ly với ô nhiễm…, tôi nghe thôi cũng đã thấy đuối. Giờ chỉ biết nhìn con rồi xin lỗi con. Vì ba mẹ đã cố gắng hết sức rồi cũng không thể mang đến cho con cuộc sống được” - chị Thúy tâm sự.

Cố gắng và hy vọng

Hiện tại khu vực phía Nam, chỉ tính riêng hai BV nhi lớn là BV Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 (TP.HCM) đã có tới hơn 200 ca đang mòn mỏi chờ đợi được ghép tạng. Cố gắng lắm từ năm 2005 đến nay, nơi có thể thực hiện ghép gan, thận nhi duy nhất khu vực phía Nam là BV Nhi đồng 2 cũng chỉ mới thực hiện được 10 ca ghép gan, 15 ca ghép thận. Theo đánh giá của các BS, con số này là quá ít so với nhu cầu.

Trao đổi về vấn đề này, ThS-BS Phạm Ngọc Thạch, Phó Giám đốc phụ trách chương trình ghép tạng BV Nhi đồng 2, cho biết BV Nhi đồng 2 hiện tại được xem là trung tâm ghép tạng nhi duy nhất tại miền Nam trong khi nhu cầu rất nhiều về các bệnh lý gan, mật, suy thận mạn… cần ghép tạng rất nhiều. Sở dĩ ghép tạng nhi vẫn đang loay hoay là vì nhiều lý do, trong đó lý do về nguồn tạng, về kinh phí, khoảng cách địa lý...

Trung bình chi phí cho một ca ghép tạng khoảng 500 triệu đồng nhưng chi phí chuẩn bị, sau phẫu thuật và tuân thủ quy định an toàn ghép tạng cho bệnh nhi có thể lên đến 1,5-2 tỉ đồng. Con số này không phải gia đình nào cũng có điều kiện. Mặc dù BHYT hỗ trợ khá nhiều trong phần thuốc ức chế miễn dịch nhưng khó khăn vẫn rất lớn.

Vấn đề thứ hai đang là thách thức chung của ghép tạng cả nước đó chính là nguồn tạng. Theo BS Phạm Ngọc Thạch, hiện tại chưa có một ca ghép gan nào tại BV Nhi đồng 2 được lấy từ người cho chết não, tất cả đều được lấy từ người cho sống và đa phần là từ người trong gia đình. Nguyên nhân là do cách tiếp cận và lấy gan cho trẻ em hoàn toàn khác với người lớn. Để lấy được tạng ghép cho trẻ em đòi hỏi rất nhiều thứ nhưng kỹ thuật này vẫn chưa được hoàn thiện.

Thực tế các ca ghép gan vừa qua đều nhận được sự hỗ trợ từ các giáo sư người nước ngoài. Thời gian tới BV Nhi đồng 2 sẽ có kế hoạch mời các giáo sư nước ngoài về dạy kỹ thuật, cũng như cử BS sang các nước có kỹ thuật cao để học hỏi, hoàn thiện việc lấy tạng, ghép tạng (Pháp luật TP.HCM, trang 13 ngày 22.11).

 

Xử phạt 65 triệu đồng vì quảng cáo thực phẩm Ancan như thần dược

Ngày 22-11, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính 65 triệu đồng đối với Công ty cổ phần Triệu Sơn (địa chỉ: P708, CT6, khu đô thị Yên Hòa, phường Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) vì có các hành vi vi phạm quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Ancan.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết, Công ty cổ phần Triệu Sơn đã quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Ancan mà không được cơ quan có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo; quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Ancan gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh.

Cùng với hình thức phạt tiền, Cục An toàn thực phẩm đã buộc doanh nghiệp này tháo gỡ nội dung quảng cáo vi phạm, cải chính thông tin quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Ancan theo đúng quy định.

Sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Ancan có thành phần chính là Curcumin (500mg) – tinh chất của củ nghệ vàng nhưng đã được doanh nghiệp trên giới thiệu quảng cáo trên trang web có công dụng như là một loại thuốc trị “bách bệnh” từ tăng cường sức đề kháng cơ thể, chống lão hóa cho tới tăng cường chức năng gan, giảm nguy cơ gây ra khối u và ung thư cho tới điều trị tiểu đường (Sài gòn giải phóng, trang 7).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang