Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 23/1/2017

  • |
T5g.org.vn - 93% xã, phường, thị trấn của Bình Định đạt chuẩn Bộ Tiêu chí quốc gia y tế; Chủ nhậT Đỏ 2017: Xác lập kỷ lục, gần 32.000 đơn vị máu; Đức: Nghề điều dưỡng không ‘hái ra tiền’...

93% xã, phường, thị trấn của Bình Định đạt chuẩn Bộ Tiêu chí quốc gia y tế

UBND tỉnh Bình Định vừa có quyết định công nhận 147 xã, phường, thị trấn trong tỉnh thực hiện đạt Tiêu chí quốc gia về y tế xã năm 2016, chiếm 93% trạm y tế xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh. Trong đó, 130 trạm y tế xã, phường, thị trấn đã được công nhận thực hiện đạt Tiêu chí quốc gia về y tế xã trong các năm từ 2012 đến 2015, tiếp tục duy trì đạt Tiêu chí quốc gia về y tế xã năm 2016.

Trong năm 2016, toàn tỉnh có thêm 17 xã mới thực hiện đạt Tiêu chí quốc gia về y tế gồm: Cát Sơn, Cát Thắng (huyện Phù Cát); Mỹ Phong, Mỹ Đức, Mỹ Chánh, Mỹ Quang (huyện Phù Mỹ); Tây Bình, Bình Thuận, Bình Tân (huyện Tây Sơn); Ân Hữu, Ân Mỹ, Ân Sơn (huyện Hoài Ân); Canh Hiển, Canh Hiệp (huyện Vân Canh); Vĩnh Hòa, Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh) và xã An Vinh (huyện An Lão). (Nhân dân, trang 5)

 

Chủ nhậT Đỏ 2017: Xác lập kỷ lục, gần 32.000 đơn vị máu

Diễn ra suốt hơn 2 tuần qua với hàng chục điểm hiến máu tại 25 tỉnh, thành trên cả nước, chuỗi ngày hội Chủ nhật Đỏ hiến máu tình nguyện năm 2017 do báo Tiền Phong khởi xướng đã thành công ngoài mong đợi, thu hút hàng vạn trái tim thiện nguyện cùng chung nhịp đập. 31.880 đơn vị máu tại mùa Chủ nhật Đỏ lần thứ IX đã xác lập kỷ lục mới về số máu được hiến trong ngày hội nhân ái này.

Thắp lửa thiện nguyện

Con số trên vượt ngoài sức tưởng tượng của những người tham gia tổ chức Chủ Nhật Đỏ, bởi lẽ, khi chuẩn bị cho mùa hiến máu tình nguyện lần thứ IX, Ban Tổ chức đưa ra chỉ tiêu tiếp nhận 25.000 đơn vị máu. Với số lượng đó, trong những ngày giáp Tết, khi sinh viên và mọi người đang bận thi học kỳ và chuẩn bị nghỉ tết thực sự là không dễ. Nhưng sự lan tỏa yêu thương và sẻ chia của Chủ Nhật Đỏ trong những mùa trước đã tạo nên hiệu ứng tốt đẹp, thu hút sự quan tâm và hưởng ứng của đông đảo sinh viên và người dân cả nước. Chính những trái tim nhân ái đó đã thắp lửa cho Chủ Nhật Đỏ lần này, tạo nên dấu ấn xúc động về một mùa thiện nguyện mà sự đồng cảm, sẻ chia vì đồng bào được khắc ghi rõ nét. Thông điệp “Hiến máu cứu người - Sinh mệnh bạn và tôi” xuyên suốt trong các mùa Chủ Nhật Đỏ, trở thành lời kêu gọi biết sống vì nhau bởi mỗi giọt máu cho đi là một cuộc đời ở lại.

Những ngày cuối năm giá lạnh này, trong phòng bệnh của Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư, Khoa Huyết học và truyền máu (Bệnh viện Nhi T.Ư) cũng như nhiều bệnh viện khác trên cả nước vẫn còn rất nhiều bệnh nhân khắc khoải chờ máu. Nhưng tín hiệu tốt lành từ số lượng máu kỷ lục mà Chủ Nhật Đỏ mang lại sẽ giúp cho khoảng 50.000 bệnh nhân đang chờ máu trên cả nước có cơ hội được sum họp ăn Tết cổ truyền cùng người thân. Biết bao sinh mạng bị bệnh tật hiểm nghèo sẽ được giữ lại với cuộc đời này. Cùng với đó là hàng chục ngàn gia đình thoát khỏi nỗi lo sinh ly tử biệt...

Phát biểu tại lễ khai mạc Chủ Nhật Đỏ, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế nói: “Sinh thời, Bác Hồ từng nói, “Tôi khuyên các bạn chớ nên đặt những chương trình kế hoạch mênh mông, đọc nghe sướng tai nhưng lại không thực hiện được. Việc gì cũng cần phải thiết thực, nói được, làm được. Việc gì cũng phải từ nhỏ dần dần đến to, từ dễ đến khó, từ thấp dần đến cao. Một chương trình nhỏ mà thực hành được hẳn hoi còn hơn là một trăm chương trình to mà không làm được”. Tôi muốn trích dẫn lại lời Bác để khẳng định một cách công tâm là chuỗi ngày “Chủ Nhật Đỏ” rất thiết thực, được thực hiện với quy mô ngày càng tăng đã góp phần quan trọng cổ vũ phong trào hiến máu tình nguyện trên phạm vi cả nước”.

Hiến máu nhân đạo đã và đang trở thành nét văn hóa đầy tính nhân văn của mỗi người dân Việt Nam. Trong lần Chủ Nhật Đỏ này, những nét mới được ghi nhận khi có doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài tham gia hiến máu, từ đồng bào dân tộc cho đến người nông dân đều tình nguyện cho đi những giọt máu của mình vì đồng loại.

Từng nhiều lần tham dự Chủ Nhật Đỏ, Bộ trưởng Bộ Y tế luôn đánh giá cao ý tưởng của báo Tiền Phong và Viện Huyết học – Truyền máu T.Ư đã phối hợp với nhiều đơn vị để tổ chức liên tục trong 9 năm qua, từ một ngày hiến máu tại Hà Nội tiếp nhận chưa được 100 đơn vị năm 2009, đến năm 2017 đã tổ chức được tại 25 tỉnh/thành phố với hơn 40 điểm tiếp nhận máu. Với 9 mùa Chủ Nhật Đỏ, hơn 85.000 đơn vị máu đã được những người tình nguyện hiến tặng, góp phần to lớn vào việc điều trị cho các bệnh nhân cần máu.

GS.TS Nguyễn Anh Trí - Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư chia sẻ: “Dịp Tết Nguyên đán với thời gian nghỉ tương đối dài luôn là dịp mà các cơ sở y tế tập trung cao độ cho việc chuẩn bị lượng máu dự phòng. Trong Tết Đinh Dậu 2017, dự kiến cả nước cần khoảng 125.000 đơn vị máu để phục vụ công tác điều trị cho người bệnh. Chính vì vậy, chuỗi ngày hội hiến máu Chủ Nhật Đỏ thực sự là một trong những sự kiện hiến máu quan trọng, góp phần bổ sung một lượng máu lớn vào kho máu dự trữ. Đây cũng là món quà Tết vô cùng ý nghĩa dành cho người bệnh trong dịp Tết đến xuân về”.

Nhân rộng mô hình Chủ Nhật Đỏ

Ông Lê Xuân Sơn - Tổng biên tập Báo Tiền Phong, Trưởng Ban tổ chức Chủ Nhật Đỏ 2017 cho biết: “Gần 32.000 đơn vị máu – Đó là con số vượt qua cả những dự đoán lạc quan nhất của Ban Tổ chức. Điều này càng có ý nghĩa khi Chủ Nhật Đỏ tổ chức vào thời điểm cận Tết rất không thuận lợi, khi những người quan tâm đang bận rộn, đặc biệt là sinh viên  lực lượng nòng cốt của Chủ Nhật Đỏ đang thi hoặc mới thi xong học kỳ căng thẳng. Đạt được kết quả trên là nhờ sự vào cuộc mạnh mẽ của hệ thống Đoàn, Hội, Ban chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện các tỉnh, thành, sự ủng hộ của nhiều trường đại học, cao đẳng, đặc biệt là các lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước như Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình; Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến…”.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, Chủ Nhật Đỏ 2017 diễn ra trong năm phong trào hiến máu có nhiều sự kiện nổi bật như: Tổng kết 10 năm Lễ hội Xuân hồng, 5 năm chương trình Hành trình Đỏ và đặc biệt sự kiện toàn cầu nhân Ngày Thế giới tôn vinh Người hiến máu 14/6 sẽ được tổ chức tại Việt Nam. Chính vì vậy, nhân sự kiện Chủ Nhật Đỏ, Bộ trưởng Bộ Y tế đã đề nghị các cơ quan, doanh nghiệp, các công ty, tập đoàn kinh tế, cơ quan truyền thông cùng tham khảo, học tập mô hình Chủ Nhật Đỏ - một chương trình thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, xã hội có hiệu quả khi phối hợp với đơn vị chuyên môn là Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư phát động hiến máu. (Tiền phong, trang 1)

 

'Siết' doanh nghiệp nhập khẩu kháng sinh

Việc lạm dụng hóa chất, kháng sinh “vô tội vạ” không chỉ gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng, mà còn nguy cơ mất các thị trường xuất khẩu. Bộ NN&PTNT đang đưa ra nhiều giải pháp để “siết” vấn đề kháng sinh, đặc biệt là từ các công ty nhập khẩu.

Theo Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản-Nafiqad (Bộ NN&PTNT), dư lượng hoá chất, kháng sinh khi tồn lưu trong thủy sản nuôi, gần như không có cách nào để loại bỏ trong quá trình chế biến, bảo quản, sẽ gây hại tức khắc hoặc tích tụ, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Nafiqad cho hay, do nhiễm các loại hoá chất, kháng sinh, hoặc dư lượng vượt ngưỡng, nên nhiều lô hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam bị cơ quan thẩm quyền nước ngoài cảnh báo và bị trả về trong thời gian gần đây. Năm 2016 có tới  40 lô hàng xuất khẩu của doanh nghiệp Việt bị cảnh báo. Dù có chiều hướng giảm so với năm 2015 (70 lô) nhưng tình hình chưa được cải thiện rõ rệt. Năm qua, thị trường cảnh báo nhiều nhất là Nhật Bản (24 lô), EU (11 lô), Úc (3 lô) và Hàn Quốc (2 lô)…

Phó Cục trưởng Thú y (Bộ NN&PTNT), ông Đàm Xuân Thành cho biết, từ năm 2016 đến nay, có 39 doanh nghiệp (DN) tham gia nhập khẩu nguyên liệu kháng sinh làm thuốc thú y. Cục đã cấp giấy phép nhập khẩu 57 loại nguyên liệu kháng sinh, phần lớn nhập từ Trung Quốc. Để tránh lạm dụng kháng sinh trong nuôi trồng thuỷ sản, Cục đã tạm dừng cấp phép nhập khẩu nguyên liệu Enrofloxacin (kháng sinh cấm trên thủy sản) 3 tháng. Cục Thú y cũng tạm dừng cấp phép nhập khẩu từ 3 tháng đến 12 tháng với 6 công ty nhập khẩu bán nguyên liệu kháng sinh không đúng đối tượng, sai mục đích.

Ông Thành cũng cho biết, trước vi phạm của các DN nhập khẩu nguyên liệu kháng sinh thời gian qua, Cục đã “siết” vấn đề này. Theo đó, trong giấy phép nhập khẩu, Cục ghi rõ nguyên liệu kháng sinh nhập khẩu chỉ được dùng cho sản xuất thuốc thú y. Yêu cầu đơn vị đăng ký nhập khẩu phải báo cáo việc sử dụng, kinh doanh, địa chỉ nơi mua nguyên liệu kháng sinh của lô nhập khẩu lần trước, khi nộp hồ sơ đăng ký nhập khẩu nguyên liệu kháng sinh lô hàng tiếp theo thì mới xem xét giải quyết.

Ngoài ra, trong giấy phép nhập khẩu ghi rõ đơn vị nhập chỉ được phép kinh doanh, sử dụng nguyên liệu trên để sản xuất các sản phẩm thuốc thú y đã được cấp giấy chứng nhận lưu hành hoặc có tên trong danh mục thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam.

“Các đơn vị này không được bán nguyên liệu thuốc thú y cho các cơ sở chưa được cấp phép kinh doanh nguyên liệu làm thuốc thú y, đại lý, cửa hàng buôn bán thuốc thú y để bán cho người dân sử dụng trực tiếp phòng, trị bệnh cho gia súc, gia cầm và thủy sản hoặc bán trực tiếp cho các cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản để sử dụng”- ông Thành nói.

Ông Thành kiến nghị, cần tổ chức truy xuất nguồn gốc nguyên nhân gây tồn dư hoá chất, kháng sinh đối với các lô hàng bị các thị trường cảnh báo; cung cấp thông tin chính xác tên, địa chỉ các cơ sở cung cấp, bán kháng sinh nguyên liệu, thuốc thú y ngoài danh mục làm căn cứ kiểm tra và xử lý vi phạm.

Lãnh đạo Cục Thú y cũng đề nghị phía Bộ Y tế có kế hoạch giám sát nguyên liệu kháng sinh nhập khẩu để sản xuất thuốc trị bệnh, nhất là các loại kháng sinh cấm sử dụng trong chăn nuôi thú y, nuôi trồng thủy sản, đảm bảo loại nguyên liệu nhập về được sử dụng đúng mục đích, đối tượng. “Cũng  giám sát việc thực hiện bán thuốc theo kê đơn của bác sĩ, tránh việc người chăn nuôi, nuôi trông thủy sản dễ dàng mua từ hiệu thuốc, rồi dùng để chữa bệnh cho vật nuôi, thủy sản gây mất an toàn thực phẩm”- ông Thành nói. (Tiền phong, trang 4)

 

Tất bật lo tết cho bệnh nhân

Tết Nguyên đán Đinh Dậu đang cận kề, đây cũng là thời điểm các bệnh viện trở nên bận rộn và tất bật. Không chỉ có số bệnh nhân, nhất là các trường hợp tai nạn phải nhập viện tăng cao mà các y, bác sĩ còn phải chuẩn bị mọi phương án để bảo đảm công tác cấp cứu, khám chữa bệnh diễn ra bình thường; đồng thời chăm lo đời sống, tinh thần cho những bệnh nhân phải ăn tết trong bệnh viện.

Đảm bảo chuyên môn, chăm lo đời sống

Là cơ sở ngoại khoa hàng đầu ở miền Bắc, những ngày tết là thời điểm mà các y, bác sĩ của Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) thường đối mặt với tình trạng quá tải bệnh nhân tai nạn giao thông nhập viện cấp cứu, trong đó có không ít ca bệnh nặng nên bệnh viện luôn phải huy động tối đa y, bác sĩ túc trực. Bác sĩ Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, cho biết, vào dịp tết cổ truyền, số lượng bệnh nhân nhập viện cấp cứu tại bệnh viện thường tăng 20%-30% so với ngày thường. Dự báo trong dịp Tết Nguyên đán năm nay có khoảng 500 bệnh nhân ăn tết tại bệnh viện. Để đảm bảo công tác khám, cấp cứu và điều trị trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu, Ban Giám đốc Bệnh viện Việt Đức đã phân công kế hoạch trực cụ thể đến từng khoa, phòng theo 4 cấp, gồm: trực lãnh đạo, xử lý thông tin đường dây nóng; thường trực lâm sàng; thường trực cận lâm sàng và trực hành chính, bảo vệ. Đồng thời, bệnh viện cũng duy trì hoạt động của đội cấp cứu ngoại viện, quán triệt tinh thần trách nhiệm và sẵn sàng lên đường chi viện cho tuyến dưới khi có yêu cầu. Đặc biệt, do đặc thù Bệnh viện Việt Đức luôn phải tiếp nhận các ca bệnh nặng nên hệ thống trực cấp cứu và phòng phẫu thuật luôn được đặt trong tình trạng sẵn sàng phục vụ bất kỳ thời điểm nào. Trong những ngày nghỉ tết sẽ có khoảng 400 cán bộ nhân viên, trong đó có khoảng 30 bác sĩ trực tại bệnh viện và 5 phòng phẫu thuật luôn sẵn sàng. Cùng với chuẩn bị về chuyên môn để bảo đảm công tác cấp cứu, điều trị, bệnh viện cũng dành hàng trăm suất quà và suất ăn miễn phí cho bệnh nhân phải ở lại bệnh viện trong dịp tết. Lãnh đạo bệnh viện cũng đã lên kế hoạch tới chúc tết vào đêm giao thừa để động viên bệnh nhân.

Trong khi đó, tại Bệnh viện Bạch Mai, TS Dương Đức Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp của bệnh viện, cho biết, Tết Đinh Dậu, Ban lãnh đạo bệnh viện sẽ trực tết 100% quân số để động viên cán bộ công nhân viên, kịp thời giải quyết các tình huống phát sinh, đồng thời phân công đội ngũ cán bộ, y bác sĩ đến các khoa chúc tết và mừng tuổi bệnh nhân. Dự kiến sẽ có khoảng 600 bệnh nhân và nhân viên y tế ăn tết tại đây nên Bệnh viện Bạch Mai đã có kế hoạch tổ chức tết chu đáo cho mọi người. Ngoài quà của bệnh viện dành cho các bệnh nhân thì trong 3 ngày tết, bệnh nhân sẽ được tặng các suất ăn miễn phí (25.000 đồng/người). Đặc biệt, tại Trung tâm chống độc vào những ngày nghỉ tết thường có bệnh nhân ngộ độc rượu, ngộ độc thực phẩm tăng rất cao nên bệnh viện đã yêu cầu trung tâm tăng cường đội ngũ y bác sĩ trực chiến liên tục 24/24 giờ để kịp thời cấp cứu, điều trị cho người bệnh.

Với đặc thù là một bệnh viện chuyên khoa, Bệnh viện Phụ sản Trung ương cũng đã lên kế hoạch để bảo đảm công tác chuyên môn, chăm lo đời sống tinh thần tốt nhất cho bệnh nhân trong những ngày nghỉ tết cổ truyền. TS Lê Hoài Chương, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, cho biết, thông thường dịp tết, bệnh viện thường được đón các bé sơ sinh chào đời nên đã phân công lịch trực tết cụ thể của các cán bộ y tế để đảm bảo đáp ứng các tình huống xảy ra trong sản khoa. Trong đó bệnh viện bảo đảm việc trực 4 cấp 24/24 giờ, với một tua trực có khoảng 180 cán bộ y tế và các bộ phận liên quan.

Không được từ chối người bệnh

Theo ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, để bảo đảm công tác cấp cứu, khám chữa bệnh cho bệnh nhân trong dịp tết cổ truyền, Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện trong toàn quốc đều phải trực Tết 24/24 giờ, không được từ chối cấp cứu bệnh nhân hay xử trí chậm trễ trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Cùng với việc trực tết, các cơ sở khám chữa bệnh phải công khai số điện thoại đường dây nóng của bệnh viện và nếu người dân phát hiện cán bộ y tế bỏ trực, hoặc gây phiền hà cho người bệnh, hãy gọi đến đường dây nóng, Bộ Y tế sẽ vào cuộc kịp thời. Cùng với đó, trước và trong dịp tết này, Bộ Y tế sẽ thường xuyên tổ chức kiểm tra đột xuất việc chuẩn bị và thường trực cấp cứu của nhiều bệnh viện để kịp thời động viên cán bộ y tế, bác sĩ, cũng như nhắc nhở, chấn chỉnh những việc còn thiếu sót.

Cùng với đó, Bộ Y tế cũng yêu cầu các cơ sở y tế dự phòng chủ động triển khai đối phó với các dịch bệnh có nguy cơ bùng phát trong dịp đầu năm. PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, vào mùa đông - xuân các dịch bệnh như cúm, sởi, rubella, quai bị, sốt xuất huyết, tay - chân - miệng... thường gia tăng, nhưng đáng lo ngại là các dịch bệnh lây lan qua đường ăn uống, nhất là liên cầu khuẩn, tiêu chảy cấp, cúm và ngộ độc rượu. Do đó, đòi hỏi các cơ sở y tế dự phòng phải triển khai quyết liệt các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, tăng cường các hoạt động giám sát tại khu vực cửa khẩu và cộng đồng. Đồng thời phối hợp với các cơ sở khám chữa bệnh để nắm chắc tình hình bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm nhập viện trong dịp Tết Nguyên đán và trong mùa lễ hội đầu năm để phát hiện sớm và xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh, không để dịch bệnh bùng phát và lan rộng. (Sài Gòn giải phóng, trang 11)

 

Đức: Nghề điều dưỡng không ‘hái ra tiền’

Ngành điều dưỡng tuy đang rất thiếu nhân lực nhưng thu nhập lại thuộc dạng trung bình-thấp và tính chất công việc vô cùng vất vả.

Gần đây, sau bản tin của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) phát sóng về nghề điều dưỡng với mức thu nhập hấp dẫn tại Cộng hòa Liên bang Đức, làn sóng tranh cãi đã diễn ra mạnh mẽ không chỉ trên báo chí mà còn ở các diễn đàn của cộng đồng kiều bào, du học sinh hải ngoại. Để làm rõ thông tin đi làm điều dưỡng viên tại Đức có dư tiền tỉ sau vài năm, cộng tác viên của TP.HCM tại Đức đã tìm hiểu thông tin qua việc lắng nghe chia sẻ từ một số người theo học và làm điều dưỡng tại Đức.

Thuộc nhóm nghề lương thấp

Từng học tập và làm việc nhiều năm trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo ngữ văn Đức ở Đức trước khi về Việt Nam mở Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Tư vấn Đào tạo tiếng Đức DSHi, ông Nguyễn Thành Thịnh chia sẻ: “Điều dưỡng viên là công việc ít được người Đức quan tâm bởi lẽ mức lương thấp so với mặt bằng nghề nghiệp chung tại đây, trong khi việc học và đi làm đều rất vất vả”. Theo ông Thịnh, về mặt đào tạo thì điều dưỡng thuộc nhóm bằng cao đẳng, thực hành (tiếng Đức gọi là Duale Ausbildung) trong đó có 40% lý thuyết và 60% thực hành. Trong thời gian học, học viên được trợ cấp sinh hoạt phí 700-1.000 euro/tháng (khoảng 17-25 triệu đồng). Đối với những bạn đã tốt nghiệp cao đẳng cùng ngành điều dưỡng ở Việt Nam đủ chất lượng thì thời gian học hoàn chỉnh và đồng bộ kiến thức ngắn hơn.

Thu nhập nghề điều dưỡng ở Đức phân chia theo nhiều tiêu chí khác nhau, ví dụ như theo quy định của từng tiểu bang, theo thâm niên hay theo quy mô bệnh viện. Nếu chia thu nhập tương đối theo sáu bậc thì theo ông Thịnh, người học điều dưỡng mới ra trường chỉ ở mức trung bình, thậm chí có khi thiên về nhóm thấp. Dẫn thông tin thu nhập nghề điều dưỡng từ trang gehaltsvergleich.com (tiếng Đức) làm bằng chứng, ông Thịnh chỉ ra điều dưỡng viên chưa có thâm niên chỉ nhận lương khởi điểm khoảng 1.200 (tiểu bang Sachsen) đến 1.923 euro/tháng (tiểu bang Hamburg) chưa tính các khoản chi thuế, bảo hiểm có khi lên tới 30% hay thậm chí 40%.

Với người được đào tạo chính quy tại Đức và làm việc từ ba năm trở lên, mức lương sẽ từ 2.369 euro/tháng (tiểu bang Sachsen) đến 3.181 euro/tháng (ở tiểu bang Baden Württenberg). Sau khi trừ đi các khoản thuế, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm thất nghiệp, tiền hưu trí,... thì người làm việc ở tiểu bang trả lương cao nhất nước Đức cũng sẽ chỉ còn mức lương cầm tay khoảng 1.800 euro (ngoài 40 triệu đồng) với người độc thân; và khoảng 2.000 euro (gần 50 triệu đồng) với người có gia đình. Tất nhiên, với đặc thù làm theo ca thì điều dưỡng viên có thể tăng ca, làm ngoài giờ để có thêm thu nhập.

Hầu như tất cả người Đức đều lắc đầu với nghề điều dưỡng

Chị NHG (28 tuổi), một học viên năm thứ hai ngành điều dưỡng tại TP Ilmenau (bang Thüringen), cho biết thông qua một người họ hàng sống ở Đức, chị biết ngành điều dưỡng đang rất thiếu nguồn lao động nên quyết định rời Việt Nam sang Đức học. Qua sự giúp đỡ của một công ty dạy tiếng Đức, chị G. được giới thiệu vào một viện dưỡng lão làm thực tập viên. Theo chị G., học phí tại TP Ilmenaucho mỗi năm học là 814 euro, được phía viện dưỡng lão chi trả. Ngoài ra, chị G. còn được nhận một khoản tiền hỗ trợ chi phí sinh hoạt, bảo hiểm (không bị trừ thuế) trong thời gian học là 795 euro/tháng (khoảng 19 triệu đồng). Số tiền này thay đổi theo từng năm học (thường tăng 50-100 euro). Ngoài ra cũng tùy vào chính sách của từng bang và từng đơn vị nhận thực tập viên. Theo chị G., ngoài thời gian học khá dày thì chị phải làm việc tại viện dưỡng lão với lịch thường xuyên thay đổi, có khi phải làm việc vào cuối tuần và nghỉ bù sau. Có hôm phải làm việc rất muộn mới về nhà.

Trường hợp của anh THT (23 tuổi), đang theo học điều dưỡng tại Berlin theo chương trình của Trung tâm Lao động ngoài nước - Bộ LĐ-TB&XH, cũng không khác nhiều với chị G. Theo anh T., nói là điều dưỡng viên nhưng cần phải biết bản chất công việc không phải làm trong bệnh viện (như điều dưỡng viên ở Việt Nam). Tất cả người sang Đức theo học điều dưỡng cùng chương trình như anh T. đều làm ở viện dưỡng lão trong và sau thời gian học. Những ai từng học trung cấp điều dưỡng ở Việt Nam sang học tiếp sẽ học hệ ba năm với mức trợ cấp khoảng 950 euro/tháng (gần 23 triệu đồng). Ai đã tốt nghiệp hệ cao đẳng điều dưỡng thì chỉ cần học hai năm với mức trợ cấp hằng tháng 1.072 euro (gần 26 triệu đồng).

Công việc rất vất vả

Một cảm nhận chung của những người theo nghề điều dưỡng tại Đức chính là công việc này rất vất vả. Thời gian làm việc tối thiểu năm ngày/tuần và thường phải làm tối thiểu hai buổi cuối tuần trong một tháng. Đối tượng làm việc của các điều dưỡng viên tại Đức chủ yếu là người già trong các viện dưỡng lão. Thế nên nghề này đòi hỏi người làm phải có đủ sức khỏe, sự kiên nhẫn, cẩn thận, tỉ mỉ và chịu khó. Công việc có thể được gói gọn trong hai nội dung: một là chăm sóc và hai là điều trị (theo chỉ định của bác sĩ) cho người bệnh.

Việc điều trị bao gồm theo dõi bệnh lý, yêu cầu bệnh nhân uống thuốc, theo dõi các chuyển biến sức khỏe và báo lại bác sĩ. Việc điều trị đôi khi được chuyên môn hóa rất sâu. Ví dụ, có điều dưỡng viên chuyên về chăm sóc một loại vết thương cụ thể; có điều dưỡng viên chuyên chăm sóc bệnh nhân phải ăn uống theo chế độ và phương pháp đặc biệt. Sự phối hợp giữa điều dưỡng viên và bác sĩ phải rất nhịp nhàng.

Trong khi đó việc chăm sóc người già không khác gì một “người thân trong gia đình”. Điều dưỡng viên (đôi khi có thêm những nhân viên hỗ trợ) phải lo tất cả khâu sinh hoạt, từ ăn uống, tắm rửa, uống thuốc, ngủ nghỉ, giải trí và thậm chí cả việc đi vệ sinh. Như trường hợp chị G., một điều dưỡng viên và hai nhân viên hỗ trợ chăm sóc cho một nhóm 22 người. “Điều dưỡng viên phải làm việc với người già nói chung: người mắc bệnh mất trí (bệnh lẫn ở người già); người mắc các bệnh thần kinh khác; người bị biến chứng sau tai nạn (bệnh nhân sống thực vật hay nửa thực vật); người có vấn đề về sức khỏe và mất khả năng tự chăm sóc,...” - chị G. cho hay. Chị G. mô tả thêm rất nhiều bệnh nhân khi quên khi nhớ, không ý thức được hành động của bản thân nên chuyện không hợp tác, lớn tiếng, chống đối với điều dưỡng viên là rất bình thường. Thế nên với chị G., chọn nghề này phải thực sự quyết tâm và thực sự can đảm.

Chia sẻ với trường hợp chị G., anh T. nói thêm: “Chăm sóc người già rất khó. Bởi cơ thể của bệnh nhân bị lão hóa nên việc chăm sóc nhọc nhằn. Người Việt mình thì thấp bé, nhẹ cân trong khi người Tây lại rất to lớn. Thường những người già đi lại khó khăn, ngồi xe lăn ít vận động nên vốn đã mập lại càng mập, nhiều trường hợp mắc bệnh béo phì. Thế nên chăm sóc họ cũng phải cần dùng sức, hao tốn năng lượng lắm”. Anh T. thẳng thắn: “Công việc hầu hạ người khác không ai thích cả. Thường những người sang đây như tôi thì là gia đình không có điều kiện. Thế nên gặp chương trình có ưu đãi, có cơ hội ở lại Đức nên phải đánh đổi”. (Pháp luật TP.HCM, trang 5)

 

Gọi 1900.9095, nếu cán bộ y tế bỏ trực ngày Tết

Chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết Đinh Dậu 2017, hầu hết các cơ sở y tế đã lên kế hoạch chuẩn bị cho công tác khám chữa bệnh (KCB) trong dịp này. Tại bệnh viện ngoại khoa lớn nhất cả nước - BV Việt Đức luôn là điểm nóng tiếp nhận các bệnh nhân cấp cứu nặng do tai nạn giao thông, tai nạn lao động… từ khắp nơi chuyển về.

Theo ông Trần Bình Giang, Giám đốc BV Việt Đức, những ngày này cận Tết gần đây, số lượng bệnh nhân nhập viện cấp cứu đã tăng khoảng 20%. Dự kiến, số bệnh nhân sẽ tiếp tục tăng trong những ngày tới. Trong đó, dự báo số bệnh nhân nhập viện cấp cứu ở mức cao nhất thường từ 28 Tết và từ mùng 3 Tết trở ra, vì thời gian này, mọi người tham gia giao thông nhiều hơn.

Lãnh đạo BV này cũng cho biết, do đặc thù BV luônphải tiếp nhận các ca nặng, nên hệ thống trực cấp cứu và phòng phẫu thuật luôn được đặt trong tình trạng sẵn sàng phục vụ bất kỳ lúc nào. Mỗi ngày có khoảng 400 cán bộ nhân viên, trong đó có khoảng 30 bác sỹ trực tại BV và 5 phòng phẫu thuật luôn sẵn sàng. Trong trường hợp số lượng bệnh nhân cần phẫu thuật cùng thời điểm tăng cao thì BV vẫn đảm bảo đáp ứng đủ. Dự kiến, sẽ có khoảng 500 bệnh nhân ăn Tết tại BV.

Tại BV Bạch Mai, ông Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc BV cũng cho biết, trong những ngày nghỉ Tết, BV vẫn tổ chức KCB như ngày thường. 100% lãnh đạo BV sẽ trực Tết để động viên cán bộ công nhân viên cũng như kịp thời giải quyết các tình huống phát sinh. Hệ thống trực thường trú được tăng cường để sẵn sàng hỗ trợ khi cần thiết.

Hiện tại, BV Bạch Mai đã tăng thêm 4 điểm khám, đồng thời dự trù thuốc, vật tư y tế tiêu hao… đảm bảo phục vụ bệnh nhân, không để bệnh nhân phải mua bên ngoài. BV cũng đã lên kế hoạch trong trường hợp phải cấp cứu hàng loạt khi có thảm họa, sẽ có 3 đội lưu động sẵn sàng lên đường.

Ông Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc BV Phụ sản Hà Nội chia sẻ, dự kiến sẽ có hàng trăm người bệnh và nhân viên y tế ăn Tết tại BV nên BV đã có kế hoạch tổ chức cho những người bệnh ăn Tết ngay tại BV như ở gia đình. Những ngày Tết sắp tới, bệnh nhân sẽ được tặng các suất ăn miễn phí như những cán bộ y tế khác. Lãnh đạo BV sẽ đi chúc Tết và tặng quà cho những bệnh nhân đón giao thừa tại BV.

“Vì sản phụ lâm bồn không thể nói trước được giờ, đặc biệt, sản phụ có thể xảy ra tai biến hoặc xảy ra vấn đề gì bất kỳ lúc nào, nên các kíp trực của BV được bố trí như những ngày thường. Công tác cấp cứu, an ninh trật tự BV cũng luôn sẵn sàng”, ông Ánh nói.

Tại BV E cũng đã bố trí 120- 150 cán bộ trực Tết, nhằm đảm bảo công tác cấp cứu, khám, chữa bệnh và an ninh trật tự tại BV. Ông Trần Quốc Khánh, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp cho biết, BV đã chuẩn bị đầy đủ lượng máu, các chế phẩm của máu và các trang thiết bị, phục vụ hậu cần luôn sẵn sàng trong những ngày Tết sắp tới.

Theo ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý KCB (Bộ Y tế), trước và trong dịp Tết này, Bộ Y tế sẽ tổ chức kiểm tra đột xuất việc chuẩn bị thường trực cấp cứu của một số BV. Theo đó, yêu cầu các BV phải chủ động đối phó tình hình dịch bệnh trong dịp Tết, nhất là dịch tiêu chảy cấp, dịch cúm, dịch chân tay miệng, sốt xuất huyết...

Đặc biệt, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, tất cả các đơn vị y tế đều phải trực Tết 24/24 giờ và phải công khai số điện thoại đường dây nóng của BV và của Bộ Y tế. Nếu người dân phát hiện cán bộ y tế bỏ trực, hoặc gây phiền hà cho người bệnh, hãy gọi đến đường dây nóng, Bộ Y tế sẽ vào cuộc kịp thời. (Nông thôn Ngày nay, trang 5)

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang