Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 02/3/2017

  • |
T5g.org.vn - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Thông tuyến khám chữa bệnh càng sớm càng tốt; Thành phố Hà Nội triển khai lập hồ sơ quản lý sức khỏe: Giải pháp chăm sóc sức khỏe hiệu quả; Khẩn trương ngăn chặn dịch cúm gia cầm

 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Thông tuyến khám chữa bệnh càng sớm càng tốt

Ngày 1/3, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 5 để nghe Bộ trưởng Bộ Y tế và Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cùng các cơ quan liên quan giải trình về việc thực hiện lộ trình thông tuyến trong khám, chữa bệnh Bảo hiểm y tế (BHYT). 

Tăng số người KCB bằng thẻ BHYT

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, năm 2016, số thu BHYT cho khám chữa bệnh (KCB) ước tính 64.242 tỷ đồng và số chi ước là 69.410 tỷ đồng (ước bội chi là 5.130 tỷ đồng). Nguyên nhân bội chi chủ yếu là do điều chỉnh giá dịch vụ y tế, sự phát triển của khoa học kỹ thuật trong KCB, tăng cường chuyển giao kỹ thuật đối với tuyến dưới, mô hình bệnh tật thay đổi và một phần do thông tuyến. 

Bà Nguyễn Thị Minh, Tổng Giám đốc BHXH Xã hội Việt Nam dẫn số liệu thống kê cho thấy, tần suất KCB/thẻ BHYT tại các cơ sở y tế tuyến huyện năm 2016 đã tăng lên gần 20% so với năm 2015. Số lượt bệnh nhân khám thông tuyến giữa các trạm y tế xã cũng tăng 1,6 triệu lượt so với năm 2015. Người bệnh cũng được hưởng các dịch vụ khám, chữa bệnh tốt hơn nhờ sự cạnh tranh về chất lượng giữa các cơ sở KCB để thu hút người bệnh.

Tại phiên giải trình, hầu hết các đại biểu đồng tình với báo cáo của Bộ Y tế và BHXH Việt Nam về việc thực hiện lộ trình thông tuyến giúp người dân thuận lợi hơn trong việc tiếp cận với các dịch vụ KCB BHYT.

Xử lý những bất cập

Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ ra việc thực hiện quy định thông tuyến đã ảnh hưởng đến công tác khám, chữa bệnh tại các cơ sở KCB tuyến xã, ảnh hưởng đến chính sách của nhà nước là hướng về y tế cơ sở và còn làm gia tăng chi phí KCB do tăng số lượt KCB ở tuyến trên, trong khi chi phí tại tuyến xã không giảm, làm lãng phí về nguồn lực của xã hội. Mặt khác, cũng dẫn đến tăng người đến khám gây tình trạng quá tải tại nhiều cơ sở KCB tuyến huyện. Đại biểu đến từ tỉnh Quảng Ngãi chia sẻ, việc quản lý quỹ khám, chữa bệnh BHYT của các cơ sở KCB có thẻ BHYT đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu gặp khó khăn do không quản lý được số lượng bệnh nhân đi khám bệnh tại cơ sở khác.

Bà Minh cũng đưa ra phân tích hiện tượng đáng suy nghĩ là một số bệnh viện tuyến tỉnh trong năm 2015 nhưng trong năm 2016 đã xin xuống hạng III tuyến huyện để được áp dụng quy định thông tuyến. Theo bà Minh: “Điều này bộc lộ vấn đề không bình thường và rất đáng suy nghĩ”. Ngoài ra, còn tồn tại tình trạng cạnh tranh không lành mạnh của các cơ sở KCB, nhất là các cơ sở tư nhân như khuyến mại, thu hút người bệnh bằng quà tặng, chỉ định nhiều dịch vụ kỹ thuật... tạo nhu cầu khám, chữa bệnh tăng “ảo” làm gia tăng chi phí khám, chữa bệnh BHYT. Tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT gia tăng từ phía cơ sở KCB như tăng chỉ định số lượng xét nghiệm cận lâm sàng, chụp X quang, thuốc,  người bệnh BHYT đi KCB nhiều lần trong ngày, tuần, tháng để “lấy” thuốc.

Trước những bất cập đang tồn tại, đại biểu Quốc hội Đặng Thuần Phong đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế đưa ra những giải pháp khắc phục đặc biệt là việc nhiều tuyến khám cấp xã “ngồi chơi” trong khi tuyến huyện ngày càng quá tải. Với việc bệnh viện tuyến tỉnh xin xuống thành cấp huyện, ông Phong nhìn nhận đây là nghịch lý chưa từng có, nếu không được xử lý thì không biết sẽ gây ra hậu quả gì.

TS Nguyễn Văn Tiên, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội nhìn nhận, việc tăng chi quỹ BHYT vừa qua, tình trạng lạm dụng BHYT chủ yếu là do kết quả áp dụng dịch vụ y tế sau khi đã điều chỉnh, tăng chi do tác động của thông tuyến không phải nguyên nhân chính. Về vấn đề này, GS.TS Nguyễn Anh Trí, đại biểu Quốc hội cho rằng lỗi chính ở quản lý chứ không phải do người mua bảo hiểm. Ông Nguyễn Anh Trí cho hay vừa qua rất nhiều ý kiến cử tri hỏi về BHYT và đề nghị đẩy mạnh thông tuyến nhanh nhất, vì quyền lợi của người dân là được khám ở nơi có dịch vụ tốt nhất.

Thực hiện sớm tốt cho người dân

Ông Tiên đánh giá, thông tuyến là một trong những chính sách được hoan nghênh nhất năm vừa qua và kiến nghị Bộ Y tế cần sớm ban hành các quy định chuyên môn cho y tế xã quản lý điều trị bệnh không lây nhiễm, quy định chuyên môn về việc KCB của người dân mỗi ngày, tuần để hạn chế lạm dụng BHYT; sửa đổi về khoán kinh phí BHYT đối với cơ sở y tế có nhận đăng ký KCB ban đầu; quy định về kiểm soát tình trạng một số cơ sở y tế thực hiện các biện pháp khuyến mại thu hút bệnh nhân đến cơ sở mình. Đặc biệt, cần có giải pháp về kiểm soát chất lượng dịch vụ y tế, hạn chế việc lưu giữ bệnh nhân để điều trị, mặc dù cơ sở không đáp ứng đủ điều kiện nguồn lực và có biện pháp xử lý mạnh đối với cơ sở y tế cố tình lạm dụng quỹ BHYT…

Trả lời câu hỏi của các đại biểu về các giải pháp, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, giải pháp đột phá chính là tăng cường cho y tế cơ sở. Theo bà Tiến trước đây đã đặt ra vấn đề này nhưng vẫn chung chung. Hiện nay Bộ đang quyết tâm đổi mới phương thức hoạt động, cơ chế tài chính, đầu tư cơ sở hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực.

Phát biểu tại phiên họp toàn thể, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: “Thông tuyến là chủ trương đúng đắn vì quyền lợi của người dân. Lần đầu chúng ta thực hiện nên có không ít khó khăn, thậm chí tiêu cực. Nhưng không vì thế mà làm lùi quyết tâm thông tuyến mà cần phải thông tuyến sớm ngày nào tốt hơn ngày đó cho người dân”. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, không vì thông tin có hiện tượng khám vượt tuyến nhiều, bội chi hơn 5.000 tỷ đồng mà đặt ngược lại vấn đề thông tuyến vì các con số đều cho thấy khi thực hiện thông tuyến, người dân được hưởng lợi. Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ quyết tâm đẩy mạnh vấn đề này (Tiền phong, trang 6; Lao động, trang 4; Thanh niên, trang 7; Công an nhân dân, trang 2; Gia đình & Xã hội, trang 2; Sài gòn giải phóng, trang 6).

 

Thành phố Hà Nội triển khai lập hồ sơ quản lý sức khỏe: Giải pháp chăm sóc sức khỏe hiệu quả

Tại buổi triển khai khám sức khỏe (KSK) lần đầu và lập hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân trên địa bàn Hà Nội diễn ra sáng 1-3, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý nhấn mạnh: Việc lập hồ sơ quản lý sức khỏe, tư vấn, khám định kỳ, phát hiện sớm bệnh tật có ý nghĩa quan trọng đối với người dân; đồng thời, phát huy tối đa hiệu quả, nâng cao khả năng phòng, chống bệnh dịch từ tuyến y tế cơ sở. Đây cũng là giải pháp lâu dài nhằm giảm chi phí về y tế cho mỗi người dân và toàn xã hội.

Thuận lợi cho người dân

Ngay từ sáng sớm, gần 300 người dân đã có mặt tại Trạm y tế phường Phúc Đồng (quận Long Biên). Công tác chuẩn bị cho ngày đầu triển khai lập hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân khá chu đáo, kỹ lưỡng, từ trang thiết bị đến nguồn nhân lực. Tại tầng 1 được bố trí bàn tiếp đón và đo chỉ số sinh tồn, khám nội; trên tầng 2 bố trí phòng khám tai - mũi - họng, răng - hàm - mặt, khám mắt, siêu âm xét nghiệm, sản phụ khoa…
Trạm trưởng Trạm y tế phường Phúc Đồng Phan Thị Thu Hà cho biết, với sự hỗ trợ của Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, trạm y tế có nguồn nhân lực “hùng hậu” gồm 24 y, bác sĩ trực tiếp thăm khám và nhập dữ liệu vào hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân. “Trong mẫu phiếu quản lý sức khỏe cá nhân mà cán bộ y tế nhập dữ liệu vào máy tính để kết nối với hệ thống dùng chung, ngoài các thông tin về tình trạng sức khỏe, bệnh thông thường, còn có cả nhóm máu, tên bố mẹ, tên người chăm sóc chính, mã số khám chữa bệnh và số điện thoại di động. Sau khi khám bệnh lần đầu, người dân có thể về ngay, không cần chờ kết quả, bởi kết quả sẽ được thông báo qua tin nhắn điện thoại” - bà Phan Thị Thu Hà cho biết thêm.

Tại Trạm y tế xã Cổ Bi (huyện Gia Lâm), 28 y, bác sĩ từ Bệnh viện Đa khoa và Trung tâm Y tế huyện Gia Lâm được điều động đến để phối hợp, trực tiếp thăm khám bệnh và lập dữ liệu vào hồ sơ cá nhân. Theo bác sĩ Vũ Thị Hoàng Lan, Trạm trưởng Trạm y tế xã Cổ Bi, thông qua hệ thống dữ liệu dân cư, trạm đã tham mưu cho huyện lập danh sách gần 5.300 người dân của xã được KSK trong đợt này. Sau đó, toàn huyện sẽ triển khai khám và lập hồ sơ quản lý sức khỏe cho tất cả người dân còn lại. Đối với những người đã KSK định kỳ trong một năm trở lại đây, nếu còn hồ sơ KSK thì không cần khám lần đầu tại trạm y tế, mà chỉ cần mang hồ sơ đến để cán bộ nhập dữ liệu vào sổ quản lý sức khỏe cá nhân điện tử. 

Lần đầu được lập hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân, bà Hoàng Thị Tý (ở thôn Vàng 4, xã Cổ Bi) vui mừng cho biết, từ nay mỗi khi phải đến bệnh viện, dù bất cứ ở đâu, chỉ cần đọc mã số cá nhân là bệnh viện có đầy đủ thông tin cơ bản ban đầu, rất thuận tiện cho quá trình khám chữa bệnh. 

Cần sự chung tay của toàn xã hội

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho rằng, hồ sơ sức khỏe cá nhân sẽ giúp mỗi người dân được quản lý, theo dõi, tư vấn sức khỏe trọn đời, từ khi lọt lòng mẹ đến lúc trút hơi thở cuối cùng. Trước mắt, việc triển khai tập trung vào các đối tượng: Trẻ dưới 5 tuổi, người già trên 60 tuổi và lao động tự do. Mỗi xã, phường sẽ bố trí một đoàn bác sĩ khám với các chuyên khoa nội ngoại, sản nhi, mắt, răng - hàm - mặt, tai - mũi - họng và xét nghiệm. “Đối tượng quản lý đa dạng, do đó, việc lập hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân sẽ gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi sự chung tay, giúp sức của toàn xã hội...” - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền bày tỏ mong muốn. 

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý nhấn mạnh, việc lập hồ sơ KSK cho người dân không chỉ giúp phát huy tối đa, hiệu quả phòng, chống dịch bệnh từ tuyến y tế cơ sở, mà còn tạo điều kiện cho mọi người thường xuyên được theo dõi tình hình sức khỏe, chủ động bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống. Điều quan trọng, để mỗi người dân có thể tự biết tình trạng sức khỏe của mình thông qua hệ thống quản lý sức khỏe toàn dân, qua mã định danh (ID) và các thông tin bảo mật khác như: Điện thoại, số chứng minh nhân dân.

Đánh giá cao sự vào cuộc tích cực, khẩn trương của Hà Nội, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê khẳng định: Việc lập hồ sơ theo dõi sức khỏe, có đầy đủ các yếu tố liên quan đến sức khỏe và được kết nối tới các đơn vị y tế, giúp giảm phiền hà cho người bệnh và thuận lợi cho y, bác sĩ. Các y, bác sĩ sẽ nắm được thông tin chỉ số sức khỏe cơ bản, tiền sử bệnh tật, từ đó hướng dẫn, tư vấn, đưa ra phác đồ điều trị, chăm sóc sức khỏe tốt hơn, phù hợp nhất đối với từng người dân. Ngoài ra, số liệu thống kê sức khỏe dân cư giúp cho ngành Y tế xây dựng được kế hoạch, định hướng sát thực, từ đó triển khai các hoạt động y tế hiệu quả, phòng chống dịch bệnh, bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân theo từng vùng, khu vực (Hà Nội mới, trang 5; An ninh thủ đô, trang 3; Gia đình & Xã hội, trang 7).

 

Khẩn trương ngăn chặn dịch cúm gia cầm

Theo Cục Thú y, sau một thời gian được khống chế, dịch cúm gia cầm (CGC) đã bùng phát trở lại. Tính đến ngày 26-2, cả nước có 13 ổ dịch CGC ở bảy tỉnh, là mối nguy lây truyền các vi-rút cúm từ gia cầm sang người. Vì vậy, công tác ngăn chặn dịch bệnh, nhất là sự xâm nhiễm qua biên giới với Trung Quốc, nước đang bùng phát dịch là nhiệm vụ cấp thiết...

Vi-rút cúm H7N9 rất dễ xâm nhập qua biên giới

Theo Tổ chức Thú y thế giới (OIE), Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổ chức Nông nghiệp - Lương thực của Liên hợp quốc (FAO): Vi-rút cúm A/H7N9 đã được phát hiện trên gia cầm hay môi trường hoặc người, ở 16 tỉnh, thành phố của Trung Quốc, trong đó có một số tỉnh giáp biên giới phía bắc của Việt Nam. Cùng với đó, các hoạt động buôn bán, vận chuyển bất hợp pháp gia cầm và sản phẩm gia cầm qua biên giới vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt. Vì vậy, nguy cơ vi-rút cúm A/H7N9 và các chủng vi-rút cúm độc lực cao (A/H5N2, A/H5N8) chưa có ở Việt Nam xâm nhập vào nước ta trong thời gian tới là rất cao. Cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Phạm Văn Ðông cho rằng: Ðây là thách thức rất lớn, vì vậy, cần triển khai quyết liệt việc tiêu độc khử trùng tại các vùng biên giới và các chợ xuất hiện gia cầm nhập lậu. Ðặc biệt, các tỉnh biên giới cần kiểm soát, nghiêm cấm việc vận chuyển gia cầm qua biên giới; tổ chức tuyên truyền cho người dân thấy rõ nguy cơ dịch bệnh, mất an toàn thực phẩm của gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép. Lực lượng chức năng tại các địa phương tăng cường hoạt động kiểm soát liên ngành, hỗ trợ ngành thú y trong công tác kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật tại các trạm kiểm dịch đầu mối giao thông; xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch; kiểm tra phát hiện và triệt phá các điểm giết mổ gia cầm trái phép gần khu vực biên giới. Trước nguy cơ vi-rút cúm A/H7N9 xâm nhập và vi-rút cúm A/H5N1, A/H5N6 ở gia cầm lây sang người, Bộ Y tế đã yêu cầu các đơn vị chức năng, nhất là y tế tại các địa phương mở rộng diện giám sát cúm trên người tại cộng đồng, đầu tiên là những người có nguy cơ. Tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh đường hô hấp tại cửa khẩu, các cơ sở y tế và tại cộng đồng. Cùng với đó, sẽ mở rộng đối tượng lấy mẫu, những ca có biểu hiện cúm sẽ đưa vào lấy mẫu giám sát, thay vì như trước chỉ xét nghiệm những trường hợp nặng...

Ngăn chặn dịch bệnh ngay từ cửa ngõ

Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm, các bộ, ngành chức năng và các địa phương đã triển khai ngay biện pháp ứng phó. Ngày 26-2, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN và PTNT) phối hợp UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức hội nghị triển khai các biện pháp ngăn chặn chủng vi-rút cúm A/H7N9 và các chủng vi-rút cúm gia cầm khác xâm nhiễm qua biên giới. Tại hội nghị, các đại biểu nghe các báo cáo tham luận, ý kiến phát biểu của các địa phương, tổ chức quốc tế về công tác phòng, chống, dịch cúm gia cầm hiện nay và bàn các giải pháp để ngăn chặn vi-rút nguy hiểm. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Lý Vinh Quang cho biết, tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo các cơ quan ban, ngành tăng cường tuyên truyền sâu rộng đến người dân, nhất là bà con ở các xã giáp biên, cam kết không tiếp tay vận chuyển gia cầm nhập lậu; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Các lực lượng chức năng kiểm tra đường mòn, lối mở và lập lán chốt để kiểm soát việc buôn lậu gia cầm liên tục 24 giờ. Theo số liệu thống kê của tỉnh, từ năm 2016 đến tháng 2-2017, số gia cầm nhập lậu bị bắt giữ gần 10 nghìn con; hơn 62,4 tấn thịt gia cầm và hơn 212.000 quả trứng. Ðáng chú ý, tại cửa khẩu Chi Ma, từ đầu năm 2017 tới nay đã bắt giữ năm vụ vận chuyển gia cầm trái phép. Còn tại Quảng Ninh, từ ngày 23-2, UBND tỉnh đã thành lập đoàn kiểm tra công tác ngăn chặn vi-rút cúm gia cầm A(H7N9) và các chủng vi-rút cúm khác xâm nhiễm vào địa bàn, gồm các đơn vị: Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, NN và PTNT, Y tế, Công thương, Công an tỉnh, Chi cục Thú y và các địa phương: Móng Cái, Hải Hà, Bình Liêu.

Có mặt tại Cửa khẩu quốc tế Móng Cái những ngày cuối tháng 2, chúng tôi thấy bộ phận theo dõi máy đo thân nhiệt của Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế Quảng Ninh đã tăng cường thêm người và thiết bị, bố trí ở địa điểm thuận lợi cho việc kiểm tra thân nhiệt các du khách và cư dân qua lại. Giám đốc Trung tâm Hoàng Ngọc Lương cho biết: Trung tâm đã bố trí đưa máy đo thân nhiệt lên vị trí hàng đầu nhằm sớm phát hiện và sàng lọc những đối tượng nghi có dấu hiệu mắc bệnh, để tư vấn, cách ly, hạn chế thấp nhất việc lây nhiễm; đồng thời bố trí đủ lực lượng, phương tiện cho công tác giám sát, phòng, chống dịch bệnh. Còn theo Trung tá Lê Văn Tú, Chính trị viên Ðồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Móng Cái, đơn vị đã chỉ đạo tất cả các trạm kiểm soát phối hợp các lực lượng chức năng, tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ người và hàng hóa lưu thông qua cửa khẩu, hành khách nhập cảnh, nhất là những người đi về từ vùng đang có dịch để phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, cách ly và xử lý kịp thời (Nhân dân, trang 8).

 

Lần đầu tiên tại Việt Nam: Dùng robot phẫu thuật khớp gối, thần kinh

Ngày 1-3, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, đã tiến hành phẫu thuật bằng robot cho bệnh nhân thay khớp gối bán phần và bệnh nhân giãn não thất thành công, trở thành đơn vị đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng công nghệ này.

Một trong ba bệnh nhân đầu tiên được phẫu thuật bằng robot thay khớp gối bán phần là bà Lại Thị M. (50 tuổi). Trước khi được phẫu thuật, bệnh nhân M. đã từng thay khớp gối toàn phần cách đây 2 năm, cũng tại Khoa Chấn thương Chỉnh hình của Bệnh viện Bạch Mai nhưng bằng phương pháp cũ. Sau phẫu thuật bệnh nhân vẫn khó chịu khi đi lại. “Giờ được phẫu thuật bằng phương pháp mới, chỉ 2 tiếng sau khi mổ tôi đã có thể tự đi lại được, cân bằng rất nhanh. Trước đây khó chịu 10 phần thì giờ chỉ 2 phần thôi, thật sự rất khác biệt!” – bệnh nhân M. chia sẻ.

TS Đào Xuân Thành, Phó trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, điểm nổi bật nhất của phương pháp phẫu thuật bằng robot là độ chính xác rất cao trong vị trí phẫu thuật, không gây tổn thương phần mềm xung quanh. Với đường mổ nhỏ, không cần đặt dẫn lưu nên bệnh nhân rất ít đau, ít mất máu, quan trọng hơn nữa là khả năng phục hồi nhanh.

“Phẫu thuật bằng robot giúp thay khớp gối đúng vùng tổn thương, những vùng không tổn thương được bảo toàn. Nếu trước đây, khi bệnh nhân “hỏng” một nửa khớp thì phải thay cả toàn bộ khớp, nay thì “hỏng đâu thay đấy”, bệnh nhân lấy lại được sự cân bằng khớp rất nhanh” – TS Thành nói.

Được biết, hệ thống robot phẫu thuật Mako và Rosa được Bệnh viện Bạch Mai ứng dụng để phẫu thuật cho bệnh nhân thay khớp gối bán phần và bệnh nhân giãn não thất chính là hệ thống robot hiện đại nhất hiện nay. Hệ thống này sản xuất tại Mỹ, được Bộ Y tế cấp phép điều trị cho người lớn tại Bệnh viện Bạch Mai, đánh dấu bước phát triển vượt bậc trong việc áp dụng công nghệ cao vào việc điều trị chăm sóc người bệnh của Bệnh viện. TS Đào Xuân Thành cho biết, các đối tượng được chỉ định áp dụng phẫu thuật thay khớp gối bán phần bằng robot gồm: Thoái hoá khớp gối tiên phát, khớp tổn thương phần sụn không thể hồi phuc, tổn thương một phần khớp gối.

Ngoài 3 bệnh nhân đầu tiên được phẫu thuật bằng robot thay khớp gối bán phần kể trên, Bệnh viện Bạch Mai cũng vừa áp dụng phương pháp phẫu thuật thần kinh bằng robot thành công cho 2 bệnh nhân đầu tiên. TS Nguyễn Thế Hào, Trưởng khoa Phẫu thuật thần kinh - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, đối với phương pháp này, các bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật như có tổn thương bệnh lý não thất, đặt điện cực trong não để điều trị các rối loạn thần kinh chức năng (như Parkinson), mắc bệnh lý u nền sọ, can thiệp sinh thiết khối u sâu để chẩn đoán bệnh.

Tuy nhiên, không phải ai cũng áp dụng được phương pháp này mà phải tiến hành sàng lọc bệnh lý. Nếu có chỉ định mổ thì được dùng phương pháp này. Theo TS Hào, với chuyên ngành phẫu thuật thần kinh ở Việt Nam, đây là hệ thống robot đầu tiên được sử dụng. Trong thời gian đầu triển khai, Bệnh viện Bạch Mai miễn phí chi phí phẫu thuật bằng Robot cho các bệnh nhân đầu tiên (An ninh thủ đô, trang 2; Thanh niên, trang 2; Sài gòn giải phóng, trang 6).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang