Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 23/2/2017

  • |
T5g.org.vn - Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: Không tôn trọng bệnh nhân, niềm tin sẽ mất; Bệnh viện Hà Nội "hút khách" nhờ dịch vụ y tế kỹ thuật cao; Thấy gì sau hai ca tử vong tại Bệnh viện Đa khoa Trí Đức?; Bộ Y tế yêu cầu tìm rõ nguyên nhân 20 học sinh bị viêm cầu thận

 

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: Không tôn trọng bệnh nhân, niềm tin sẽ mất

Sáng 22-2, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã tới thăm và thị sát công tác khám chữa bệnh cho nhân dân tại Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Xanh Pôn, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội. Khi đoàn công tác của Bộ trưởng Bộ Y tế có mặt tại Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Xanh Pôn vào hơn 9h sáng, lượng bệnh nhân chờ khám tại đây rất đông. Bộ trưởng Bộ Y tế trực tiếp đến hỏi chuyện 4 bệnh nhân đang ngồi chờ khám, cả 4 bệnh nhân đều “kêu” phải chờ quá lâu nên chưa thể hài lòng. Trong đó, có bệnh nhân tỏ thái độ rất bức xúc.

Bệnh nhân Nguyễn Thị Ngọc, 58 tuổi, ở Đống Đa (Hà Nội) cho biết, sau khi nghỉ hưu 3 năm trước , bà chuyển thẻ BHYT về Bệnh viện Xanh Pôn nhưng đi khám tại đây 1, 2 lần “phát sợ”. Đông bệnh nhân đã đành nhưng việc tổ chức, quy trình khám chữa bệnh của Bệnh viện Xanh Pôn cũng rất phiền phức cho các bệnh nhân.

“Lần trước tôi đến đây khám tiểu đường, đợi mãi mới sếp được sổ lấy số thứ tự, rồi lại đợi mãi mới tới lượt khám. Lúc này mới được chỉ định đi lấy máu, xét nghiệm. Đợi đến trưa mới có kết quả, quay lại phòng bác sĩ khám thì đã đến giờ nghỉ trưa. Thế là chiều phải quay trở lại để được bác sĩ chỉ định thuốc, lấy thuốc. Còn hôm nay, tôi cũng đến viện từ 7h30 sáng mà đến giờ (9h30 sáng) vẫn chưa đến lượt vào khám” – bệnh nhân này phản ánh.

Một bệnh nhân khác đến khám tim mạch cho biết, sáng nay bà đi khám bệnh từ khá sớm, lấy được số thứ tự là 30 nhưng đến giờ (thời điểm trò truyện với Bộ trưởng Bộ Y tế là 9h20) vẫn chưa được gọi vào khám. Càng sốt ruột hơn khi bảng điện tử trước cửa phòng khám tim mạch bị hỏng nên các bệnh nhân không biết là bác sĩ đang khám đến số bao nhiêu.

Lắng nghe ý kiến bệnh nhân, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã kiểm tra thì đúng là bảng điện tử báo số thứ tự khám bệnh tại phòng khám tim mạch đang hỏng. Vào bên trong phòng khám, Bộ trưởng cùng đoàn công tác càng ngạc nhiên hơn khi bệnh viện bố trí 2 bàn khám gồm 1 bàn khám tim mạch, 1 bàn khám nội chung trong cùng 1 phòng. Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh – Bộ Y tế, ông Lương Ngọc Khuê chỉ rõ, cách bố trí và tổ chức phòng khám này của Bệnh viện Xanh Pôn “sai hết quy trình của Bộ Y tế”…

Qua thị sát nhanh tại một số khu vực khác trong bệnh viện, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá, Bệnh viện Xanh Pôn đã có nhiều thay đổi tích cực, cơ sở vật chất khang trang hơn nhiều so với đợt kiểm tra trước đây của Bộ trưởng. Đặc biệt việc trung tâm kỹ thuật cao của Bệnh viện được thành phố hợp tác với nước ngoài đưa kỹ thuật cao vào phục vụ nhân dân là rất đáng khen ngợi.

Tuy vậy, thái độ phục vụ của nhân viên y tế tại bệnh viện và nhất là việc tổ chức khám bệnh khiến bệnh nhân phải chờ đợi lâu thì rõ ràng chưa thể yên tâm.

“Chúng ta đang quyết liệt thực hiện đổi mới toàn diện khám chữa bệnh, tức là phải đổi mới từ thái độ, phong cách phục vụ của nhân viên, cho đến chất lượng khám chữa bệnh và xây dựng bệnh viện xanh sạch đẹp. Vừa qua khi chấm điểm các bệnh viện, về thái độ phục vụ, Bệnh viện Xanh Pôn mới đạt 76 điểm, còn thấp bởi mặt bằng trung là 86 điểm. Nếu chúng ta không tôn trọng bệnh nhân thì bệnh nhân sẽ quay mặt với mình, nguồn thu sẽ không có và quan trọng hơn, niềm tin sẽ mất” – Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói.

Theo Bộ trưởng, quy trình khám chữa bệnh của Bệnh viện Xanh Pôn vẫn chưa khoa học, các bước khám chữa bệnh vẫn còn nhiều, gây mất thời gian và dễ bức xúc cho người bệnh. Vì vậy, bệnh viện phải tiếp tục tập trung vào cải tiến khoa khám bệnh, tiếp tục chấn chỉnh thái độ phục vụ người bệnh của nhân viên. “Tập trung vào dịch vụ kỹ thuật cao là tốt nhưng phục vụ bệnh nhân BHYT, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân vẫn phải quan tâm hàng đầu” – Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh (An ninh thủ đô, trang 3; Hà Nội mới, trang 1; Tiền phong, trang 2; Gia đình & Xã hội, trang 7).

 

Bệnh viện Hà Nội "hút khách" nhờ dịch vụ y tế kỹ thuật cao

Nằm trên địa bàn tập trung nhiều bệnh viện đầu ngành tuyến Trung ương, các bệnh viện của Hà Nội đang dần khẳng định được thương hiệu của mình nhờ biết chọn hướng đi đúng. Bên cạnh Bệnh viện Tim Hà Nội, vài năm gần đây, Bệnh viện Xanh Pôn, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, thậm chí cả một số bệnh viện tuyến huyện của thành phố đang chuyển mình mạnh mẽ trong lĩnh vực phát triển dịch vụ y tế kỹ thuật cao.

Nhiều kỹ thuật đã vượt tầm quốc gia

Cuối tháng 11-2016 vừa qua, tại Bệnh viện Xanh Pôn, Trung tâm Kỹ thuật cao và Tiêu hóa Hà Nội (Trung tâm Kỹ thuật cao) chính thức đi vào hoạt động với nhiều máy móc, thiết bị hiện đại thuộc tốp đầu châu lục, trong đó có máy mổ nội soi chẩn đoán ung thư 4K đầu tiên tại Việt Nam. Giám đốc Bệnh viện Xanh Pôn Nguyễn Đình Hưng cho biết, nhờ hệ thống máy móc của Trung tâm Kỹ thuật cao, bệnh viện đã bắt đầu và sẽ triển khai những kỹ thuật cao mà rất ít, thậm chí chưa có bệnh viện nào thực hiện.

Nhờ có hệ thống máy chụp thế hệ mới mà từ đầu năm đến nay, bệnh viện đã thực hiện được 4 ca lấy huyết khối và tiêu sợi huyết, giúp các bác sĩ cứu sống 2 bệnh nhân đột ngột xuất hiện nói ngọng, liệt nửa người phải, hôn mê do tắc hoàn toàn động mạch não giữa đoạn M1 trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua. 

Trong điều trị các ca nhồi máu cơ tim, hệ thống máy chụp cộng hưởng từ hiện đại giúp các bác sĩ biết được tế bào cơ tim của bệnh nhân còn sống hay không để ra chỉ định đặt stent mạch máu, tránh được tình trạng là ca nhồi máu cơ tim nào cũng chỉ định đặt stent như hiện nay.

Kỹ thuật này rất nhân văn, có lợi cho bệnh nhân nhưng rất ít bệnh viện triển khai bởi thực hiện kỹ thuật này rất mất thời gian và “ít lợi nhuận”… Ngoài ra, từ năm 2017, Trung tâm kỹ thuật cao sẽ thực hiện xét nghiệm sàng lọc ung thư đại trực tràng giúp phát hiện sớm dấu hiệu ung thư, một kỹ thuật ngang tầm quốc tế nhưng với giá rẻ hơn rất nhiều lần so với các nước.

Không chịu “chậm tiến”, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội - một bệnh viện tự chủ kinh tế 100% từ năm 2017 cũng đang dần khẳng định thương hiệu với nhiều kỹ thuật cao được coi là “đặc sản”. Chẳng hạn như kỹ thuật ứng dụng dược chất phóng xạ đánh dấu hạch ác trong ung thư giai đoạn sớm; kỹ thuật nút động mạch gan, chọn lọc trong điều trị ung thư tế bào gan nguyên phát trên hệ thống chụp mạch số hóa xóa nền DSA... 

PGS.TS Trần Đăng Khoa, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Hà Nội cho biết thêm, dự kiến giữa tháng 4 tới, bệnh viện sẽ đưa vào sử dụng máy PET CT để phát hiện sớm ung thư, chiếc máy hiện đại mà hiện cả Hà Nội mới chỉ có 3 bệnh viện trang bị. Bệnh viện cũng đang xây dựng tòa nhà khám chữa bệnh theo yêu cầu chất lượng cao, đây là công trình bệnh viện tự vay vốn ngân hàng để đầu tư và dự kiến sẽ vận hành từ tháng 11-2017. Khi tòa nhà đưa vào vận hành, bệnh nhân sẽ được hội chẩn từ xa với các chuyên gia hàng đầu về ung thư tại nhiều quốc gia trên thế giới...

Phát triển thương hiệu là yếu tố... sống còn

Nói về việc đầu tư phát triển dịch vụ y tế kỹ thuật cao, PGS.TS Trần Đăng Khoa, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Hà Nội cho biết, cùng với việc nâng cao thái độ phục vụ người bệnh thì chất lượng khám chữa bệnh là yếu tố hàng đầu để giữ được bệnh nhân. “Nếu chúng tôi không phục vụ tốt, không có kỹ thuật tốt, không có những “đặc sản” riêng thì không thể kéo được bệnh nhân. Khi đó, bệnh viện sẽ không thể tồn tại ”, ông Trần Đăng Khoa chia sẻ.

“Không chọn phát triển các kỹ thuật cao mà các bệnh viện tuyến Trung ương trên địa bàn đã làm” cũng chính là hướng đi mà Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chỉ đạo với ngành y tế Hà Nội khi yêu cầu rà soát, lập quy hoạch hệ thống y tế Thủ đô.

Nói về vấn đề này, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, hiện các cơ sở khám chữa bệnh tuyến thành phố, với 23 chuyên khoa đầu ngành, đã triển khai được nhiều kỹ thuật cao, chất lượng dịch vụ ngang tầm với các bệnh viện Trung ương cũng như khu vực Đông Nam Á.

Tuy nhiên, sự chuyển biến đó chưa đồng đều. Vì thế, ngoài việc tiếp tục cải cách hoạt động của khoa khám bệnh, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ, ngành y tế Hà Nội cũng đang đẩy mạnh phát triển các kỹ thuật cao để đáp ứng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh của nhân dân, không để người dân phải vượt tuyến hoặc ra nước ngoài điều trị (An ninh thủ đô, trang 3).

 

Thấy gì sau hai ca tử vong tại Bệnh viện Đa khoa Trí Đức?

Ngày 22-2, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê đã có văn bản yêu cầu Sở Y tế Hà Nội báo cáo quá trình tìm nguyên nhân dẫn đến hai ca tử vong tại Bệnh viện (BV) Đa khoa Trí Đức. Trước đó, ngày 21-2, Sở Y tế Hà Nội đã công bố kết luận của Hội đồng chuyên môn, cho thấy quy trình gây mê, cấp cứu, sử dụng thuốc cho hai bệnh nhân trên đều đúng. Bệnh nhân Quách Thị Mai Phương (37 tuổi) và Hoàng Văn Trấn (31 tuổi) tử vong vào ngày 25-12-2016 tại BV Đa khoa Trí Đức là do sốc phản vệ. Như vậy, qua vụ việc hai ca tử vong trên có thể rút ra điều gì?

Trong y khoa, sốc phản vệ là nỗi khiếp sợ không chỉ với bệnh nhân mà còn với các nhân viên y tế bởi nếu không được cấp cứu kịp thời, nguy cơ tử vong là rất cao. Tỷ lệ mắc sốc phản vệ ở Châu Âu là 4-5 trường hợp/10.000 dân; ở Mỹ, gần đây, tỷ lệ này là 58,9 trường hợp/100.000 dân. Tại Việt Nam, tuy chưa có thống kê song sốc phản vệ do thuốc vẫn xảy ra thường xuyên, nhiều trường hợp đã tử vong. Có trường hợp được tiêm thuốc kháng sinh, chỉ 1 - 2 phút sau là tím tái, co thắt khí quản, trụy tim mạch, tụt huyết áp, hôn mê. Tại BV Bạch Mai, mỗi năm, Khoa Hồi sức tích cực tiếp nhận khoảng 50 - 60 trường hợp sốc phản vệ được chuyển đến từ các cơ sở y tế khác. PGS.TS Nguyễn Gia Bình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực (BV Bạch Mai), Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam chia sẻ, số ca sốc phản vệ tăng nhiều so với 5-10 năm trước, điều đáng ngại là không có dấu hiệu báo trước tình trạng bệnh. Các tình huống sốc phản vệ không chỉ xảy ra ở BV, mà ở cả ngoài cộng đồng, do dị ứng thức ăn. Tuy nhiên, nếu y, bác sĩ biết đó là phản vệ, kịp thời cấp cứu thì 80-90% trường hợp có thể được cứu sống. 

PGS.TS Công Quyết Thắng - Chủ tịch Hội Gây mê hồi sức Việt Nam cho biết thêm: Sốc phản vệ trong gây mê có thể xảy ra bất cứ lúc nào, với bất cứ ai. Tai biến có thể xảy ra với tất cả các thủ thuật có thể can thiệp vào người bệnh cũng như tất cả các vật thể lạ đưa vào cơ thể. Đối với các ca phẫu thuật, các bác sĩ thường sử dụng test kiểm tra trước khi sử dụng thuốc cho người bệnh. Dù vậy, việc kiểm tra này không có giá trị phòng ngừa sốc phản vệ vì hiện nay chưa có một chuẩn mực nào về thử test và các test thử thường cho kết quả âm tính hoặc dương tính giả. Hiểu về sốc phản vệ giúp chúng ta duy trì sự cẩn trọng trong ăn uống, sử dụng thuốc, bình tĩnh trước các tình huống liên quan. Với các bác sĩ, việc xử lý tình huống nhanh, tuân thủ hướng dẫn cấp cứu đối với trường hợp sốc phản vệ là rất quan trọng bởi theo các chuyên gia, khi xảy ra sốc phản vệ, khoảng thời gian cần áp dụng giải pháp cần thiết chỉ tính bằng giây (Hà Nội mới, trang 6).

 

Bộ Y tế yêu cầu tìm rõ nguyên nhân 20 học sinh bị viêm cầu thận

Ngày 22-2, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê đã ký văn bản yêu cầu Sở Y tế Nghệ An khẩn trương xác minh thông tin 20 học sinh trong 1 xã miền núi bị viêm cầu thận và tìm rõ nguyên nhân. Bên cạnh đó, Sở Y tế Nghệ An chỉ đạo bệnh viện đang điều trị cho người bệnh tập trung cứu chữa các trường hợp đang nằm điều trị. Trường hợp bệnh vượt quá khả năng của bệnh viện thì đề nghị chuyển tuyến hoặc yêu cầu hỗ trợ của tuyến trên. Trước đó, ngày 21-2, báo chí có bài “20 học sinh trong một xã miền núi bị viêm cầu thận”, phản ánh về việc 17 em học sinh Trường Trung học cơ sở và 3 em học sinh Trường Tiểu học xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An bị viêm cầu thận (Hà Nội mới, trang 6).

 

20 học sinh mắc viêm cầu thận cấp tại Nghệ An: Vào vùng tâm bệnh

Sở Y tế Nghệ An đã tổ chức khám sàng lọc cho 200 em học sinh tại xã Hạnh Dịch (huyện miền núi Quế Phong, Nghệ An), nơi xuất hiện 20 ca bệnh viêm cầu thận cấp khiến 2 bệnh nhân tử vong. Tuy nhiên, nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa được làm rõ.

Vì nghèo, phải rời viện về quê

Ngày 22/1, tại Trường Tiểu học và THCS Hạnh Dịch, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An phối hợp với Trung tâm Y tế Dự phòng, Bệnh viện Đa khoa huyện Quế Phong khám và tư vấn sức khỏe cho các em học sinh. Anh Vi Văn Cường (SN 1976, trú tại bản Na Xai) cho biết: “Con tôi học lớp 7, không có biểu hiện bệnh gì, để cho yên tâm tôi cứ đến đây xem sao. Cán bộ cũng đã tuyên truyền về vệ sinh, xung quanh nhà đã dọn sạch sẽ rồi”. Cùng chung tâm lý với anh Cường, rất nhiều phụ huynh đã nghỉ làm để lên trường xem bác sỹ khám cho con mình. Trên nét mặt của nhiều người hiện rõ lo âu.

Cô Lang Thị Tuyển - Hiệu trưởng trường Tiểu học và THCS Hạnh Dịch cho hay: “Toàn trường có 175 học sinh, 19 cán bộ, giáo viên. Sự việc lần đầu xảy ra tại trường khiến cho phụ huynh, giáo viên đều lo lắng. Để trấn an, trường đã cử giáo viên đến tận nhà người dân tuyên truyền, động viên. Trường cũng đã kiểm tra việc ăn uống đối với học sinh bán trú”. 

Trong 20 học sinh nghi mắc bệnh viêm cầu thận cấp, 2 em đã tử vong, hiện có 2 em đang phải nghỉ học để theo dõi, 16 em khỏi bệnh đã đi học bình thường. Lô Văn Thành (học sinh lớp 9A) chia sẻ: “Nhà cách trường khoảng 12km nên em ở trọ nhà người quen. Ngày 9/1/2017, em được đưa đến bệnh viện khám, lúc đó em thấy khó thở, sưng tấy cả người. Nằm ở bệnh viện 2 tuần thì em về. Giờ em thấy bình thường rồi. Ở nhà em thường uống nước lạnh đầu nguồn”.

Anh Hà Văn Tiến (SN 1973, trú tại bản Mứt) có con là Hà Văn Dậu (học sinh lớp 6A) bị bệnh chưa khỏi. Điều khiển xe máy chở con vượt qua nhiều đèo dốc để ra trường khám bệnh, giữa đường, chiếc xe máy ọp ẹp của anh Tiến bị đứt xích đành vào nhà người dân ven đường gửi tạm. Hai bố con cuốc bộ 5km, cháu Dậu đang còn mệt nên anh Tiến lầm lũi cõng con ra trường. Được biết, vợ chồng anh Tiến có ba người con, Dậu là con út, gia đình thuộc diện hộ nghèo. “Chiều thứ 6 ra trường đón con về thấy nó bình thường nhưng sau đó thấy mặt sưng phù, hai vợ chồng cứ tưởng là con béo lên. Ai ngờ, hôm sau cháu kêu mệt, ngứa, nổi mụn nhọt nên tôi đưa đi khám thì bác sỹ bảo cháu mắc bệnh. Nằm viện điều trị được một tuần thì tôi phải xin phép đưa con trở về nhà tự chăm sóc. Gia đình nghèo quá, ở bệnh viện nữa thì không có tiền”, anh Tiến kể.

Gia đình anh Lô Văn Quê (SN 1975, trú tại bản Chăm Pụt) có hai con tử vong vì nghi mắc bệnh viêm cầu thận cấp. Hôm nay, gia đình anh Quê làm lễ mai táng cho con trai Lô Văn Tuấn. Ngôi nhà sàn tuềnh toàng tang thương hơn bao giờ hết khi hai người con trai tử vong. “Lúc đưa các em đi viện bác sỹ bảo bị bệnh nặng. 

Xuống Vinh chữa rồi ra Hà Nội nhưng gia đình cũng phải đưa em về. Bệnh của em Tuấn có thể cầm cự được nhưng phải chạy thận, khám liên tục. Gia đình biết rõ nhưng không có tiền để cho các em chữa trị, đành đưa về nhà”, Lô Văn Hoài (anh trai của hai học sinh đã tử vong là Lô Văn Tuấn, Lô Văn Hiếu) nói.

Chưa rõ nguyên nhân

Ngày 21/2, đoàn công tác của Sở Y tế Nghệ An gồm Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, BV Sản Nhi đến vùng dịch. Cơ quan chuyên môn lấy 10 mẫu máu của bệnh nhân đang điều trị tại nhà và bệnh nhân đã ổn định, đi học. Qua xét nghiệm, có 5 mẫu dương tính với ASLO (xét nghiệm huyết thanh đo lượng kháng thể kháng liên cầu khuẩn); 4 mẫu nước tại gia đình có 2 bệnh nhân tử vong, tại trường THCS Hạnh Dịch chưa có kết quả xét nghiệm.

“Chẩn đoán ban đầu của cơ quan y tế địa phương là các bệnh nhân nói trên bị viêm cầu thận cấp, nhiều khả năng do liên cầu khuẩn nhưng không loại trừ các nguyên nhân khác từ thức ăn, nước uống, hóa chất”, PGĐ Sở Y tế Nghệ An Nguyễn Xuân Hồng, người được phân công trực tiếp theo dõi, xử lý dịch bệnh tại Hạnh Dịch cho biết.

 Ngày 21/2, Sở Y tế Nghệ An do ông Hoàng Văn Hảo- PGĐ sở chủ trì cuộc họp về vấn đề này. Sở Y tế chỉ đạo khám sàng lọc cho 200 học sinh tiểu học, THCS Hạnh Dịch; triển khai tổng vệ sinh môi trường, báo cáo và đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh để có hướng điều trị thích hợp (Tiền phong,  trang 6).

 

Việt Nam thành công ca ghép phổi đầu tiên ở trẻ em

Ngày 22-2, Học viện Quân Y đã công bố thực hiện thành công ca ghép phổi đầu tiên ở Việt Nam. Thiếu tướng, GS.TS Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân Y cho biết, ca ghép phổi đầu tiên này được các chuyên gia ghép tạng của Bệnh viện Quân Y 103, Học viện Quân y thực hiện với sự hỗ trợ phối hợp của GS Oto Takahiro, Giám đốc Trung tâm ghép tạng Bệnh viện Đại học Okayama, Nhật Bản. Bệnh nhi may mắn được thực hiện ghép phổi là cháu Ly Chương Bình (sinh năm 2010, ở thôn Na Cạn, xã Bát Đại Sơn, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang). Người cho phổi là anh Ly Cù G. (28 tuổi, bố đẻ cháu Ly Chương Bình) và anh Ly Cù T. (20 tuổi, là bác ruột của cháu Bình).

Ca ghép phổi được tiến hành vào sáng 21-2 và sau hơn 10 tiếng đồng cho tới 17 giờ 30 cùng ngày thì hoàn tất với kết quả tốt đẹp. GS Quyết cũng cho biết, một ngày sau ca phẫu thuật, sức khỏe của cháu Bình cùng bố và bác đều ổn định. Tuy nhiên riêng cháu Bình vẫn phải theo dõi tích cực các chỉ số sinh tồn của cơ thể. Trong khi đó, anh T. và G. đều đã được rút ống thở nội khí quản và đưa về phòng chăm sóc hậu phẫu.

Đây là ca ghép phổi từ người cho sống đầu tiên tại Việt Nam, nằm trong khuôn khổ đề tài “Nghiên cứu ghép thuỳ phổi hoặc một phổi từ người cho sống và người chết não” do Học viện Quân Y thực hiện.

Để thực hiện ca ghép phổi đầu tiên này ở Việt Nam, vào tháng 11-2016, Học viện Quân y được Bộ Khoa học và Công nghệ giao nhiệm vụ thực hiện đề tài “Nghiên cứu ghép thùy phổi hoặc một phổi từ người cho sống và người cho chết não” thuộc chương trình Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ tiên tiến phục vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Sau khi nhận nhiệm vụ, Học viện đã tích cực triển khai nghiên cứu, chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật tư, thuốc, hóa chất và cử cán bộ đi học tập kỹ thuật, trao đổi kinh nghiệm ghép phổi trên người bệnh tại Bệnh viện Đại học Okayama. Đồng thời, Học viện cũng phối hợp với các bệnh viện trong nước để chọn bệnh nhân có chỉ định ghép phổi.

Ngày 14-11-2016, Học viện đã cùng với Bệnh viện Nhi Trung ương chọn cháu Ly Chương Bình bị mắc bệnh giãn phế quản bẩm sinh lan tỏa hai phổi. Căn bệnh này khiến bệnh nhi luôn rơi vào tình trạng suy hô hấp trầm trọng, suy dinh dưỡng nặng, có thể tử vong bất cứ lúc nào. Chỉ có ghép phổi mới có cơ hội cứu sống cháu. Tuy nhiên việc tìm được nguồn phổi phù hợp để ghép cho bệnh nhân không nhiều. Do đó, để có nguồn tạng phù hợp ghép cho cháu Bình, Học viện Quân y đã phối hợp với các cơ quan chức năng tại Hà Giang tổ chức tư vấn, tuyên truyền, vận động gia đình bệnh nhân cho phổi thực hiện ca ghép phổi để cứu sống cháu bé. Cuối cùng sau khi thuyết phục, bố và bác cháu Bình đồng ý cho một phần phổi của mình để ghép cho cháu Bình. Rất may mắn khi tất cả chỉ số của cả hai người cho và người nhận đều phù hợp từ 70% đến 80%. GS.TS Quyết cũng cho biết, ghép phổi là một trong những ca ghép tạng rất khó vì đây là cơ quan hô hấp đảm bảo oxy cho cơ thể. Nó đòi hỏi phải lựa chọn đánh giá tình trạng phổi của người cho và cả người nhận. Hơn nữa việc chăm sóc phổi được ghép thành phổi khỏe, đủ chức năng để ghép cũng rất phức tạp vì khi được cắt ra, phổi đã bị tổn thương nên nguy cơ nhiễm trùng cao.

Trong khi đó, GS. Oto Takahiro đánh giá rất cao trình độ ghép tạng của Việt Nam và khẳng định ca ghép phổi thứ 2 tới đây, các bác sĩ Việt Nam sẽ còn thực hiện được thành công hơn nữa. GS Oto Takahiro cũng khẳng định, tỉ lệ sống sót sau 5 năm được ghép tạng tại Việt Nam là 80%, cao hơn nhiều so với tỉ lệ chung của thế giới. Đối với trường hợp của cháu Bình được ghép phổi lần này có thể sống đến 60, 70 thậm chí 80 tuổi. Hơn nữa, sau ghép phổi nếu chăm sóc tốt, cháu Bình sẽ phát triển bình thường (Sài gòn giải phóng, trang 7; Nhân dân, trang 8; An ninh thủ đô, trang 7; Hà Nội mới, trang 5; Thanh niên, trang 4; Tuổi trẻ, trang 14; Công an nhân dân, trang 1; Tiền phong, trang 2).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang