Công bố hết dịch do virut Zika ở Khánh Hòa
Chiều 22-4, UBND tỉnh Khánh Hòa có quyết định về việc công bố hết dịch do virut Zika gây ra trên địa bàn P.Phước Hòa (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa). UBND tỉnh Khánh Hòa giao Sở Y tế tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến tình hình cụ thể để kịp thời báo cáo, đề xuất thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh do virut Zika trên địa bàn tỉnh, hạn chế thấp nhất việc lan rộng ra cộng đồng.
Theo ông Lâm Quang Chứng - phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa - bệnh nhân C.T.L. (64 tuổi, ở P.Phước Hòa) khởi phát bệnh được xác định là do virut Zika gây ra vào ngày 26-3, đến nay các xét nghiệm đối với người thân bà L. cũng như cộng đồng xung quanh và một số nơi khác ở Khánh Hòa không phát hiện thêm trường hợp nào dương tính với virut Zika.
Theo quy định, sau 24 ngày kể từ ngày phát hiện bệnh nhân khởi phát bệnh do virut Zika mà không có người mắc mới thì chính quyền địa phương công bố hết dịch.
Như Tuổi Trẻ đã thông tin, sáng 5-4, Bộ Y tế thông báo chính thức tại VN có hai người mắc virut Zika đầu tiên, gồm một phụ nữ ở TP.HCM và bà L. tại Khánh Hòa. Chiều 5-4, UBND tỉnh Khánh Hòa đã công bố dịch do virut Zika xảy ra tại P.Phước Hòa. (Pháp luật và đời sống (trang 2).
Nghi vấn một phó giám đốc bệnh viện khai man tiến sĩ
Ngày 22-4, một nguồn tin cho biết các cơ quan chức năng Bình Định đang làm rõ thông tin tố cáo ông Vũ Tuấn Anh, Phó Giám đốc phụ trách BV Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa tại TP Quy Nhơn, Bình Định, khai man bằng tiến sĩ. Đơn tố cáo cho rằng ông Anh chưa được cấp bằng tiến sĩ chuyên ngành về da liễu tại Nhật Bản nhưng ông vẫn khai để đủ tiêu chuẩn bổ nhiệm làm lãnh đạo BV.
Theo hồ sơ, ông Anh theo học khóa đào tạo dài hạn sau đại học chuyên ngành da liễu tại ĐH Juntendo (Nhật Bản) từ tháng 2-2008 đến tháng 3-2010. Trước khi làm quy trình đề nghị bổ nhiệm ông Anh, năm 2013, BV Quy Hòa đề nghị Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) xác nhận văn bằng trên. Cục này trả lời trong hệ thống giáo dục của Nhật Bản, chương trình đào tạo tiến sĩ kéo dài 3-5 năm. Ông Anh theo học chương trình đào tạo tiến sĩ trong hai năm nên hiện chưa có đủ cơ sở công nhận văn bằng này.
Tuy vậy, ông Anh vẫn khai trong hồ sơ cán bộ có học vị là tiến sĩ. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, BS Nguyễn Thanh Tân, nguyên Giám đốc BV Quy Hòa (nghỉ hưu từ ngày 1-4), xác nhận và nói thêm: “Bằng đào tạo ở nước ngoài rất phức tạp. Chúng tôi lại xa quá nên không có điều kiện kiểm tra”.
Trong khi đó, ông Anh cung cấp một bản phôtô một tờ giấy khổ A3, có ghi 10 dòng tiếng Nhật, ba dòng tiếng Anh kèm tên họ Anh Tuan Vu. Tất cả đều viết tay. Bên dưới văn bản này có dấu triện hình vuông đóng ở hàng chữ cuối phía bên phải, không có chữ ký, cũng không có dấu quốc huy. Ông Anh khẳng định nó là bằng tiến sĩ. “Tôi đã nhận được bằng bên Nhật cấp, có giấy chứng nhận, hồ sơ các thứ” - ông Anh giải thích. (Pháp luật và đời sống (trang 2).
1.000 bác sĩ về cơ sở, gỡ quá tải tuyến trên
Phát triển hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu là một trong các giải pháp để giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên. “Ngay bây giờ, có bệnh thì chạy ra trạm y tế phường gần đó, gặp tai nạn nghiêm trọng phải sơ cứu cầm máu ban đầu mà mất mấy chục phút đi đường, vượt xa lộ lên bệnh viện (BV) lớn thì có khi mạng sống không giữ được” - vợ anh Phạm Hữu Duy (KCN Bình Chiểu, Thủ Đức, TP.HCM) kể lại sau khi đưa chồng đến Trạm y tế phường Bình Chiểu tái khám.
Khi bác sĩ về phường
Sáng 15-4, anh Duy chạy xe từ nhà trọ đến KCN Bình Chiểu làm việc nhưng không may lên cơn đau tim, choáng váng ngã ra đường, bị xe máy phía sau chèn qua người. Lúc tỉnh dậy anh được cho biết mình bị ngã xe máy gãy tay. “Từ trước đến nay, mỗi lần khám tim định kỳ tôi đều lên BV quận và Viện Tim khám. Lúc bị tai nạn tỉnh dậy tôi chỉ nghĩ mình đang nằm ở trên quận, hỏi ra mới biết bác sĩ phường Bình Chiểu hôm đó ở trên quận xuống, thăm khám đã kịp thời cứu mình. Bây giờ, có bệnh thì tôi ra trạm y tế phường gần nhà. Nhớ lại hôm đó nếu phải đi cả chục cây số lên BV quận Thủ Đức thì có lẽ hôm nay tôi đã có chuyện không hay rồi” - anh Duy nói.
Trong cái nắng gay gắt của Sài Gòn, bà cụ Phùng Thị Thế (62 tuổi), phường Thảo Điền cùng con gái là chị Lê Chi Bích (34 tuổi) đến trạm y tế phường Thảo Điền khám bệnh. “Mẹ tôi đến kiểm tra huyết áp, rồi xem răng có vấn đề gì không mà mấy bữa nay đau rất khó nhai. ở trạm y tế có luôn phòng khám nha khoa khá tiện. Kiểm tra tổng hợp sức khỏe xong khám răng luôn đỡ phải đi đâu xa” - chị Bích cho hay khi trước mỗi tháng định kỳ đều đưa mẹ vào BV Thống Nhất phải mất một buổi may ra mới xong, vừa mệt vừa mất thời gian. Khám ở trạm phường có bác sĩ trên quận xuống, không khí thoáng mát dễ chịu, lại gần nhà.
BV quận Thủ Đức là một trong các bệnh viện đầu tiên ở TP.HCM thực hiện chia sẻ nguồn lực bác sĩ BV quận xuống trạm y tế phường, xã và bước đầu có hiệu quả. Sau BV quận Thủ Đức là BV quận 2. Việc tăng cường nhân lực y tế cho trạm y tế không chỉ giải quyết được những ca cấp cứu mà hình ảnh bác sĩ trạm đang ngày càng chiếm được lòng tin từ người dân.
Nâng chất để người dân tìm đến
Theo BS Phan Thành Phước, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng quận 2, tuy đã đầu tư nhiều máy móc hiện đại cho các trạm y tế nhưng điều quan trọng nhất vẫn là nhân lực. Ban đầu chưa thu hút nhiều người bệnh nhưng gần đây, khi người dân nắm được quy định về thông tuyến khám BHYT thì khi khám ở BV quận, huyện hay ở trạm cũng được hưởng quyền lợi như nhau, cộng thêm uy tín các bác sĩ được chia sẻ từ BV quận xuống nên nhiều người dân sẽ có cái nhìn khác hơn với trạm y tế phường.
Là nơi đi đầu và qua ba năm thực hiện mô hình này, BS Nguyễn Minh Quân, Giám đốc BV quận Thủ Đức, chia sẻ xuất phát từ thực tế là trước đây ở các trạm y tế, bác sĩ chỉ lo công tác phòng, chống dịch mà thiếu bác sĩ khám chữa bệnh cho dân, cộng thêm đặc thù quận là nơi có khá nhiều công nhân, sinh viên tạm trú làm việc học tập, nếu chỉ đau bụng, buồn nôn mà phải mất thời gian đi đến BV lớn chờ đợi, lấy số thì rất thiệt. “Bởi vậy, việc cải thiện chất lượng trạm y tế, đẩy mạnh nhân lực y bác sĩ về tuyến dưới để tạo niềm tin cho người dân cũng là giúp giảm tải tuyến trên một cách hiệu quả” - BS Quân nhấn mạnh.
Cuối năm 2015, BV quận 2 đã cử 10 bác sĩ thuộc các chuyên khoa bác sĩ gia đình, nội tổng hợp, nội tim mạch, mắt, chấn thương chỉnh hình, răng hàm mặt... về công tác tại ba trạm y tế phường Thảo Điền, Bình Khánh và Thạnh Mỹ Lợi. Theo BS Trần Văn Khanh, Giám đốc BV quận 2, các bác sĩ nhận nhiệm vụ về các trạm y tế vẫn sẽ được hưởng chế độ theo quy định của Nhà nước như tại BV. Mỗi bác sĩ thực hiện một nhiệm vụ tại trạm y tế phường trong một năm, sau đó sẽ được tiến hành luân phiên.
“Trong quá trình thực hiện, các bác sĩ sẽ tìm hiểu, nếu bà con cần thêm nhu cầu ở chuyên khoa nào chúng tôi sẽ tăng cường thêm nhân lực chuyên khoa đó về cho người dân” - BS Khanh nói.
Theo ghi nhận của phóng viên, tuy mới triển khai đưa bác sĩ tuyến quận về trạm y tế chưa đầy một năm, BV quận 2 đã nhanh chóng trang bị máy móc hiện đại phục vụ khám bệnh như máy siêu âm, đo điện tim… Vì vậy, công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân tại các trạm khá thuận lợi.
Đưa 1.000 bác sĩ về y tế phường, xã vào năm 2018
PGS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết theo kế hoạch của TP, từ nay đến năm 2018 sẽ phấn đấu đưa khoảng 1.000 bác sĩ quận, huyện về trạm y tế phường, xã khám chữa bệnh. Đến năm 2020, con số trên sẽ tăng lên 2.000 người. Ban đầu, tuyến trạm sẽ thực hiện khám chữa bệnh loại nhẹ, thông thường nhưng sau đó từng bước tiến tới bệnh lý chuyên khoa. Sau BV quận 2 và Thủ Đức, các BV quận Tân Phú, Tân Bình khi năng lực tốt rồi cũng sẽ hướng tới hỗ trợ cho các trạm y tế, dần dần tiến đến việc hỗ trợ nhân lực cho trạm y tế 24 quận, huyện trên địa bàn TP.HCM.
Bệnh nhân được cấp phát thuốc ngay sau khi khám bệnh và tất nhiên quyền lợi không khác gì so với khi đi khám tại BV, kể cả khám bằng BHYT. Nhờ đó, ngoài số lượng bệnh nhân đến khám ở trạm đông hơn, uy tín được nâng cao lại có thể giúp giảm chi phí khám, chữa bệnh cho người dân, giảm tải phần nào cho các BV tuyến trên. (Pháp luật và đời sống (trang 13):
* Pháp luật và đời sống (trang 13): Một nửa số người ung thư gan hết khả năng điều trị
Thông tin trên do BS Nguyễn Đình Song Huy, Trưởng khoa U gan BV Chợ Rẫy, cho biết như trên tại Hội nghị khoa học thường niên BV Chợ Rẫy năm 2016 diễn ra vào ngày 22-4.
Theo BS Huy, ung thư gan năm 2012 đứng thứ hai trong các loại ung thư, sau ung thư phổi. Tuy nhiên, hiện nay ung thư gan đã tăng gần bằng ung thư phổi.
Tại khoa U gan BV Chợ Rẫy từ năm 2010 đến 2015 tiếp nhận hơn 15.300 bệnh nhân ung thư gan mới, trong đó có trên 80% bệnh nhân có nhiễm siêu vi B, C. Điều đáng lưu ý trong đó có hơn 6.600 bệnh nhân ung thư gan mới phát hiện (chiếm gần 44%) vừa phát hiện đã quá khả năng điều trị.
Theo BS Huy, ở Việt Nam, tiêu chuẩn để phát hiện bệnh nhân ung thư gan bằng các chẩn đoán phối hợp bằng chẩn đoán hình ảnh với các dấu ấn sinh học mới (AFP - L3, PIVKA II) và nhiễm viêm gan B, C. Khi nào bệnh nhân không đủ các tiêu chuẩn này thì sẽ tiến hành sinh thiết. Còn trên thế giới người ta hạn chế sử dụng AFP-3 và sinh thiết vì càng ngày các phương tiện chẩn đoán hình ảnh của họ càng hiện đại, tinh tế và họ có thể phát hiện khối u bất kỳ kích thước nào, dù nhỏ.
BS Huy cũng cho biết thêm, điều trị ung thư gan có sự khác biệt so với các loại ung thư khác, đó là điều trị tổn thương có rồi và giải quyết yếu tố nguy cơ (các loại ung thư khác chỉ điều trị tổn thương có rồi). Đối với ung thư gan, bên cạnh phẫu thuật cắt, ghép gan, hóa trị, xạ trị thì còn điều trị phá hủy khối u tại chỗ, tắt tĩnh mạch cửa, điều trị đích.
“Việc điều trị kháng virus viêm gan đóng vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa tái phát. Chương trình tầm soát quốc gia phát hiện sớm khối u, điều trị hiệu quả và ít xâm lấn, kế hoạch theo dõi cẩn thận là những yếu tố cần thiết để cải thiện tiên lượng của bệnh nhân ung thư” - BS Huy khuyến cáo.
Tự làm thuốc chữa bệnh, bán hàng nghìn hộp
Hôm qua (22-4), TAND TP Hà Nội đã đưa Nguyễn Anh Văn (SN 1982, trú ở xã Hạ Long, huyện Vân Đồn, Quảng Ninh) - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và đầu tư LV France ra xét xử về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh”.
Hàng nghìn hộp thuốc giả trót lọt
Đồng phạm của Văn còn có Bùi Văn Hiệp (SN 1985), trú ở xã Trực Mỹ, Trực Ninh, Nam Định và Nguyễn Thị Phương Thanh (SN 1991), ở thị trấn Sao Vàng, Thọ Xuân, Thanh Hóa. Tuy nhiên, do bị cáo Thanh đang mang thai nên có đơn xin được xét xử vắng mặt.
Ổ nhóm sản xuất thuốc chữa bệnh giả này bị phát giác vào cuối năm 2014, khi Bùi Văn Hiệp đang chuẩn bị giao bán 150 hộp thuốc Lumbrotine và 80 hộp thuốc Zine-Kid cho một khách hàng, tại khu vực cổng trường Đại học Thủy lợi, Hà Nội. Bị đưa về cơ quan công an, Hiệp khai toàn bộ số thuốc đó là hàng giả được đối tượng mua ở “lò” của Nguyễn Anh Văn. Mở rộng vụ án, CQĐT làm rõ Văn và Hiệp vốn quen biết nhau từ trước.
Do biết rõ thuốc điều trị và dự phòng tai biến mạch máu não nhãn hiệu Lumbrotine và thuốc bổ sung kẽm cho trẻ em nhãn hiệu Zine-Kid do Công ty Dược phẩm Trung ương 3 sản xuất đang bán chạy và khan hiếm hàng trên thị trường nên giữa năm 2014, Văn bàn với Hiệp cùng nhau tự sản xuất thuốc giả đem bán.
Nguyễn Anh Văn đã thuê Nguyễn Thị Phương Thanh cùng một nam thanh niên hàng ngày đến phòng trọ của đối tượng ở phường Văn Quán, quận Hà Đông để sản xuất thuốc giả. Sau ít ngày hoạt động tại đây, tháng 7-2014, Văn chuyển toàn bộ máy móc, thiết bị sang địa điểm mới là một phòng trọ ở làng Yên Xá, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì. Để tránh sự chú ý của cơ quan chức năng, đầu tháng 11-2014, Văn một lần nữa đưa nguyên, vật liệu cùng máy móc tới địa điểm mới, thuộc phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm.
Nhưng chỉ sau 2 ngày chuyển tới địa điểm thứ ba, hành vi của ổ nhóm sản xuất thuốc chữa bệnh giả này đã bị cơ quan công an phát giác. Quá trình điều tra cho thấy, chỉ trong một thời gian ngắn, Văn cùng đồng bọn đã sản xuất được 5.000 hộp thuốc Zine-Kid và 700 lọ thuốc Lumbrotine. Trong số này, Văn đã tiêu thụ hàng nghìn hộp thuốc giả vào thị trường và thu lời bất chính 44 triệu đồng. Trưa 8-11-2014, nhận được thông tin Hiệp vừa bị tạm giữ cùng lô hàng thuốc giả, Văn đã lệnh cho đồng bọn đổ nguyên liệu vào bồn cầu, hủy hết tem nhãn, bao bì và mang máy đến cất giấu ở nhà chị gái.
Chế thuốc trị bệnhnhư chơi đồ hàng
Trong quá trình xét xử, Nguyễn Anh Văn khai nhận để cho ra đời 2 loại sản phẩm thuốc chữa bệnh giả này, đối tượng đã đến một công ty chuyên về thực phẩm chức năng tại quận Đống Đa mua hơn 150kg hạt cốm kẽm với giá 100.000 đồng/kg và 21.600 viên nang (dạng con nhộng) đựng trong hàng trăm hộp nhựa trơn với giá 17.400 đồng/hộp. Sau đó Văn đến hàng loạt cơ sở bao bì, in ấn đặt mua vỏ hộp giấy, tờ hướng dẫn sử dụng thuốc, túi nilon nhỏ đựng hạt cốm kẽm và tem dán có hàng chữ “Công ty cổ phần Dược phẩm Trung ương 3” để dán lên bao bì.
Hàng ngày, Văn thuê Thanh cùng một nam thanh niên dùng thìa cà phê xúc từng thìa hạt cốm kẽm vào các túi nilon nhỏ (loại 3 gram), rồi dùng máy ép nhiệt hàn miệng túi. Sau đó, cứ 25 túi nilon nhỏ chứa hạt cốm kẽm lại được đóng thành một hộp giấy, kèm tờ hướng dẫn sử dụng bên trong giống như sản phẩm thật.
Tương tự, đối với loại thuốc điều trị và dự phòng tai biến mạch máu não nhãn hiệu Lumbrotine, do các viên nang mua về vốn là thực phẩm chức năng nên Văn cùng đồng bọn chỉ việc nhét tờ hướng dẫn sử dụng vào từng hộp thuốc, rồi dán tem mang nhãn hiệu của Công ty Dược phẩm Trung ương 3 bên ngoài… Toàn bộ số thuốc giả này, Văn đều nhanh chóng đưa vào các cửa hàng tân dược ở nhiều địa bàn khác nhau, thông qua Hiệp.
Tại phiên tòa, HĐXX làm rõ những ngày mới tham gia sản xuất thuốc chữa bệnh giả, Thanh không biết hành vi phạm pháp của Văn. Thế nhưng trước ngày vụ án bị phát hiện, nữ bị cáo này đã biết rõ Văn sản xuất thuốc chữa bệnh giả nhưng vẫn giúp sức tích cực. Đối với bị cáo Hiệp, trong quá trình xét xử Hiệp chỉ thừa nhận hành vi mua thuốc giả của Văn đem bán kiếm lời.
Tuy nhiên, kết quả điều tra đã chứng minh, Hiệp đã bàn bạc sản xuất thuốc giả với Văn ngay từ đầu. Hiệp còn là người trực tiếp đứng ra thuê các địa điểm để Văn tổ chức làm giả thuốc. Trên cơ sở này, HĐXX sơ thẩm khẳng định có đủ cơ sở xác định bị cáo Văn và Hiệp phạm vào tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh”, còn bị cáo Thanh phạm vào tội “Sản xuất hàng giả là thuốc chữa bệnh”, đúng như nội dung cáo trạng truy tố.
Sau 1 ngày xét xử, TAND TP Hà Nội lần lượt tuyên phạt Nguyễn Anh Văn 36 tháng tù và Bùi Văn Hiệp 30 tháng tù giam. Riêng Nguyễn Thị Phương Thanh do mức độ phạm tội hạn chế và đang trong thời kỳ thai sản nên chỉ bị áp dụng 18 tháng tù, cho hưởng án treo. (An ninh Thủ đô (trang 9).
Tận tâm với người bệnh |
20 năm tận tâm với nghề, được bạn bè, đồng nghiệp tin yêu, đảng viên, bác sĩ Nguyễn Phương Nam, Trưởng khoa Chấn thương - Chỉnh hình Bệnh viện Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu luôn tâm niệm, đối với bệnh nhân phải như “ từ mẫu”. |
Đến Khoa Chấn thương - Chỉnh hình Bệnh viện Bà Rịa lúc nào cũng gặp không khí làm việc khẩn trương của các y, bác sĩ nơi đây. Dù cơ sở mới, khang trang, rộng rãi hơn nhưng hầu hết các giường bệnh đều đã kín bệnh nhân. Trải qua ca mổ thay khớp thành công, bệnh nhân Nguyễn Văn Quý, ngụ xã Đá Bạc, huyện Châu Đức bày tỏ sự cảm ơn tới ê-kíp do bác sĩ Phương Nam trực tiếp thực hiện. Từ hoại tử khớp, bây giờ anh đã có thể tập đi và tin tưởng bệnh sẽ dần hồi phục. Bác sĩ Nam chia sẻ về nghề: “Ngày còn bé, tôi thường hay theo mẹ vào bệnh viện trực. Nhìn những người bệnh nghèo, đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần, tôi đã có ý muốn sẽ làm điều gì để vơi đi nỗi đau của họ. Đến hôm nay, sau nhiều năm gắn bó với nghề, tôi vẫn tâm niệm làm người thầy thuốc mà không biết yêu thương người bệnh thì không thể trở thành một người thầy thuốc giỏi”. Tốt nghiệp Trường đại học Y khoa Huế, để trau dồi thêm kiến thức và kinh nghiệm, bác sĩ Phương Nam xin làm tình nguyện viên tại Khoa Chấn thương Bệnh viện Nhi đồng 1, rồi tiếp đó là Bệnh viện Chấn thương - Chỉnh hình (TP Hồ Chí Minh). Theo bác sĩ Nam, được công tác tại những bệnh viện lớn, làm việc cùng những bác sĩ giỏi sẽ giúp bản thân nâng cao kiến thức chuyên môn, rèn thêm y đức người thầy thuốc. Vốn hiểu và đồng cảm với những bệnh nhân nghèo, nên không chỉ làm tốt công tác chuyên môn tại bệnh viện, bác sĩ Nam đã cùng các y, bác sĩ nơi đây đến nhiều miền quê, khám, cấp thuốc miễn phí. Cơ duyên gắn với mảnh đất Bà Rịa - Vũng Tàu cũng bắt nguồn từ những chuyến đi tình nguyện ấy. Trong những câu chuyện về nghề với tình cảm ấm áp, hồn hậu của một người thầy thuốc nặng lòng với người bệnh, bác sĩ Nam tâm sự, nghề nào cũng vậy, đều đòi hỏi kiến thức chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp. Nhưng riêng với nghề y, những phẩm chất ấy càng phải được tôi luyện hằng ngày vì liên quan trực tiếp đến sinh mạng con người. Mọi sai lầm đều không thể làm lại. Nhớ lại thời gian đầu khi mới về công tác tại đây, với bộn bề khó khăn, dụng cụ mổ, phương tiện gây mê, hồi sức đều không đáp ứng được yêu cầu. Riêng trong lĩnh vực chấn thương - chỉnh hình, cả bệnh viện chỉ có một bác sĩ và một kỹ thuật viên nhưng mỗi năm phải phẫu thuật gần 400 ca bệnh. Hầu hết người bệnh đều là những trường hợp bị tai nạn nguy hiểm và phức tạp. Bởi vậy, tận dụng khoảng thời gian eo hẹp sau mỗi ca mổ hay những ngày nghỉ trực, bác sĩ Nam tập trung nghiên cứu, trau dồi kiến thức. Những sáng kiến của bác sĩ trong lĩnh vực chuyên môn đã đóng góp đáng kể vào việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh của bệnh viện. Có thể kể đến sáng kiến "Khâu nối gân bằng kỹ thuật nút khóa", được áp dụng tại Bệnh viện Bà Rịa từ năm 2012, giúp người bệnh sớm vận động trở lại, hạn chế sự cố dính gân. Sáng kiến đã đoạt giải nhì hội thi sáng tạo khoa học của ngành y tế. Hay như giải pháp garrote hơi tự chế, được áp dụng từ năm 2013 mang lại hiệu quả thiết thực cho người bệnh. Trong mổ chấn thương chỉnh hình, việc garrote là rất cần thiết. Garrote hơi tự chế hoạt động dựa trên nguyên tắc, bơm hơi căng vào túi cao-su đặt trong giá garrote quấn quanh gốc chi tạo áp lực ép vào mạch máu vừa đủ để làm ngưng sự lưu thông máu trong lòng mạch từ cơ thể đến ngón chi. Giải pháp này đáp ứng các tiêu chí giá thành thấp vừa kiểm soát được áp lực, dễ sử dụng. Sáng kiến này đã đoạt giải nhất trong hội thi sáng tạo toàn quốc năm 2012-2013. Bác sĩ Thái Đàm Quân là đồng nghiệp của bác sĩ Nam cho biết: “Bác sĩ Nam là người của công việc, luôn cầu thị để có chất lượng khám, chữa bệnh tốt hơn. Sự nỗ lực và quyết tâm tự nghiên cứu của bác sĩ Nam là tấm gương cho các y, bác sĩ trong bệnh viện”. Cùng các đồng nghiệp không quản khó khăn, Khoa Chấn thương - Chỉnh hình Bệnh viện Bà Rịa đã làm chủ nhiều kỹ thuật khó, đòi hỏi chuyên môn rất cao, như phẫu thuật xương, khung chậu, các kỹ thuật vi phẫu như nối gân, nối mạch máu… Và họ hạnh phúc vì được ghi nhận trong tình cảm chân thành của rất nhiều bệnh nhân. (Nhân dân (trang 3). |
Adrenalin - “vũ khí” chống sốc phản vệ
Chỉ vì 1 hạt lạc, 1 con nhộng, 1 cọng dọc mùng… mà một người đang khoẻ mạnh bỗng dưng ngứa ngáy, ngạt thở và tử vong nhanh chóng. Vì không có phương tiện cấp cứu, nhiều người phải đau lòng nhìn người thân hấp hối.
Ca cấp cứu “trên trời”
GS-TS Nguyễn Gia Bình – Trưởng khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) chia sẻ câu chuyện một nhóm bác sĩ vừa thực hiện thành công ca cấp cứu “trên trời” nhờ phác đồ chống sốc mới mà ông và đồng nghiệp vừa hoàn thiện. Các bác sĩ kể lại, trên chuyến bay VN 416 của Vietnam Airlines đi từ Hà Nội tới Seoul (Hàn Quốc), sau bữa ăn nhẹ trên độ cao 10.000m, hành khách Nguyễn Văn Tr (54 tuổi) mẩn ngứa toàn thân, sau đó buồn nôn, khó thở, thở rít và nhanh chóng tím tái.
Trên máy bay có 1 nhóm bác sĩ Việt Nam, mọi người nhanh chóng xác định bệnh nhân bị sốc phản vệ do dị ứng thức ăn. Tuy nhiên, không ai có thuốc sốc phản vệ để cấp cứu cho bệnh nhân. Máy bay dù có hạ cánh khẩn cấp cũng mất 45 – 60 phút, trong khi tính mạng của bệnh nhân chỉ tính bằng giây. May mắn, tiếp viên đã tìm được một va li chứa đồ cấp cứu có 2 ống Adrenalin – “vũ khí” chống sốc phản vệ hiệu quả nhất theo phác đồ chống sốc mới mà các bác sĩ Việt Nam mới được chia sẻ. Chỉ sau vài phút được tiêm thuốc, bệnh nhân đã thở trở lại, môi và các chi hồng hào.
Bác sĩ Phạm Văn Học - Chủ tịch HĐQT Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) cùng tham gia ca cấp cứu trên trời cũng cảm thấy khó tin khi giúp bệnh nhân vượt qua cái chết trong gang tấc. Theo bác sĩ Học, dù có đủ các bác sĩ, nhưng nếu không nhờ phác đồ mới, trong đó chủ lực là thuốc Adrenalin thì các bác sĩ cũng bó tay.
Theo GS Bình, sốc phản vệ muôn hình, muôn vẻ, khi cơ thể có những “yếu tố lạ” xâm nhập thường xảy ra phản ứng để chống lại. Tuy nhiên, đối với một số người, phản ứng này lại có tác dụng ngược, khiến bệnh nhân bị sốc. Các phản ứng sốc có thể là mẩn ngứa, phù miệng, lưỡi, họng hoặc co thắt phế quản, gây ngạt thở; giãn mạch khiến mạch máu không tuần hoàn, không thể cung cấp oxy cho các cơ quan, cũng không thải được độc tố ra ngoài; chậm hơn khiến cho mạch máu thoát dịch (nước trong mạch máu ngấm ra ngoài) gây phù ảnh hưởng đến hệ tuần hoàn… Nguyên nhân sốc phản vệ cũng rất nhiều như côn trùng đốt, dị ứng thức ăn, sốc do các chế phẩm máu, thuốc, hoá mỹ phẩm…
Mới đây, Bệnh viện Bạch Mai cũng đã cấp cứu một trường hợp bệnh nhân nữ hơn 20 tuổi dị ứng với bún dọc mùng. Chỉ ăn vài miếng bún có dọc mùng, bệnh nhân đã bị khó thở. Người bán hàng vội nhờ xe ôm đưa bệnh nhân vào viện nhưng do ngạt thở lâu, bệnh nhân đã thiếu oxy não, tim ngừng đập, khi được cấp cứu, tim đập trở lại nhưng não đã hỏng, sống thực vật.
Giải pháp cấp cứu mang tên Adrenalin
GS Bình chia sẻ, phác đồ cấp cứu sốc phản vệ mà Bộ Y tế ban hành từ năm 1999 chỉ có bác sĩ mới có thể xử lý, quy định chẩn đoán sốc phản vệ cũng rất chậm trễ (khi đã tụt huyết áp) hoặc phải xét nghiệm tìm nguyên nhân dị ứng, sốc. Đợi đến lúc như vậy thì việc cấp cứu trở nên quá muộn.
Do đó, khoa Hồi sức tích cực đã đưa ra phác đồ cấp cứu sốc phản vệ mới. Đánh giá trên 161 ca sốc phản vệ tại Bệnh viện Bạch Mai và một số cơ sở y tế khác do khoa Hồi sức tích cực thực hiện từ tháng 6.2014 đến tháng 6.2015 cho thấy, 154 bệnh nhân điều trị phản vệ theo phác đồ mới cấp cứu phản vệ có dùng Adrenalin không có ca tử vong nào. So với 7 bệnh nhân không theo phác đồ thì 2 trường hợp phản vệ nhẹ còn sống, 5 trường hợp nặng đều tử vong. “Phác đồ này hướng dẫn cán bộ y tế, kể cả bác sĩ, điều dưỡng, y tá có thể nhận biết được các dấu hiệu sốc phản vệ từ sớm để kịp thời cấp cứu. Đồng thời tiêm Adrenalin tức khắc với liều nhỏ để chặn các cơn khó thở, huyết áp hạ, sau đó mới xử lý các biện pháp cấp cứu khác. Sự nhanh chóng, chính xác này giúp bệnh nhân thoát được lưỡi hái tử thần” – GS Bình cho biết. Hiện phác đồ cấp cứu sốc phản vệ bằng Adrenalin đã được trình Bộ Y tế để được phê duyệt và đưa vào sử dụng rộng rãi.
Cũng theo GS Bình, Adrenalin là thuốc khá độc, có tác dụng phụ nên các bác sĩ thường e ngại sử dụng. Tuy nhiên, đối với các bệnh nhân sốc phản vệ, chỉ cần tiêm từ từ để “giảm sốc” sẽ không có nguy hiểm mà còn cứu mạng cho họ. Những bệnh nhân nặng có thể phải sử dụng rất nhiều Adrenalin mới sống sót. “Kỷ lục” dùng Adrenalin thuộc về một bé gái 14 tuổi (Gia Lâm, Hà Nội) bị dị ứng khi ăn nhộng. Cô bé nhanh chóng bị mẩn ngứa, huyết áp tăng vọt, khi đến viện đã hôn mê. Các bác sĩ tiêm Adrenalin nhưng bệnh nhân sau đó vẫn bị sốc. Cuối cùng, sau 7 ngày điều trị, cô bé đã dùng tới 450 ống Adrenalin mới thoát khỏi nguy kịch, trong khi bệnh nhân bị sốc nhẹ chỉ cần ½ -1 ống.
Theo GS Bình, hiện nay ở nhiều nước đã trang bị các “bút tiêm” có chứa Adrenalin để người dân có thể xử lý các ca sốc phản vệ ngoài đời. Với “bút tiêm” và một vài hướng dẫn đơn giản, bất cứ người dân nào cũng có thể sử dụng tiêm thẳng vào bắp đùi khi bệnh nhân bị sốc phản vệ. Nhưng giá thành “bút tiêm” khá cao, từ 80-120 USD. Vì thế, GS Bình đề xuất nên trang bị thuốc cấp cứu sốc phản vệ hàng đầu là Adrenalin có thể trang bị ngay trên máy bay, cứu hoả, cấp cứu 115… hoặc người làm việc độc lập như cán bộ kiểm lâm, bộ đội biên phòng, hải quân… (Nông thôn ngày nay (trang 5):
‘Từ mai con có ngón tay rồi...!’
Bé Minh Anh bị dị tật bẩm sinh dính cả các ngón tay và chân, hầu như không có ngón. Sáng 21-4, BV Sài Gòn ITO đã tiến hành phẫu thuật tách dính các ngón tay cho bệnh nhi Bùi Hà Minh Anh (bảy tuổi, Bình Thuận).
Dù đã có nhiều kinh nghiệm trong vi phẫu nhưng BS Nguyễn Xuân Anh, Trưởng Đơn vị phẫu thuật tạo hình và phẫu thuật bàn tay, BV Sài Gòn ITO - phẫu thuật viên chính của ca mổ, vẫn có cảm giác lo lắng. Theo BS Anh, mặc dù hình ảnh X-quang rất rõ nhưng khi mổ, nếu cảm thấy có đụng chạm ảnh hưởng đến mạch máu nuôi thì ca mổ sẽ dừng ngay tức khắc vì có thể sẽ gây hoại tử và hư bàn tay của bé.
Mẹ lấy búa đập tay con ra đi!
Gọi là bàn tay, bàn chân nhưng từ khi sinh ra, các chi của bé túm rụm không có ngón và chẳng ra hình thù gì. Ngoài ra, bé còn bị dị tật hở hàm ếch, lệch đầu và mắt lồi bất thường.
Chị Phạm Thị Loan, mẹ bé Minh Anh, có mặt cùng con trong phòng tiền phẫu. Đứng sau lưng các bác sĩ, người mẹ hình dáng nhỏ thó khép nép, lắm lúc người run lên vì vui sướng xen lẫn lo lắng.
Chị bảo bé là con thứ ba, hai người anh của bé đứa 12 và 14 tuổi. Vui mừng vì nhà có đứa con gái nhưng niềm vui chợt tắt trong sợ hãi vì con gái có hình hài bất thường. Gia đình gần như suy sụp. Suốt bảy năm qua, chị không ngớt lo lắng. Lo cho con hòa nhập cộng đồng, lo con tự ti mặc cảm… Nỗi lo ngày càng tăng lên khi bé đến tuổi đi học mà gia cảnh nghèo khó không đủ khả năng đưa con đi khám, làm phẫu thuật. Mấy năm trước, một tổ chức ở Bình Thuận có hứa sẽ đưa bé đi khám và mổ do một tổ chức nước ngoài tài trợ. Nhưng chờ hoài không thấy họ liên lạc lại.
“Khi bé đi học mẫu giáo, các cô thấy quá xót xa. Cô giáo chụp ảnh gửi các tổ chức xã hội mong có ai đó giúp đỡ. Rồi cũng có nơi giúp dẫn bé đi khám xem có mổ được không. Thứ Tư tuần rồi đi khám về, người ta bảo làm giấy tờ hộ cận nghèo... để nộp làm thủ tục. Rồi bỗng dưng có người từ TP.HCM gọi vào mổ chứ không cần tiền bạc gì hết” - chị Loan vui mừng nói.
Nhớ lại lúc sinh con, chị Loan bảo bé mềm nhũn, thân người với đầu dính nhau mà chẳng thấy cổ. Ngày nào cũng nắn bóp. Tám tháng bé ngóc đầu được và lật, sau đó là ngồi, lết. Điều kỳ diệu là sau 18 tháng bé đứng dậy và tự đi luôn dù bàn chân không lành lặn.
Bị hở hàm ếch, bé mặc cảm với bạn bè ở mẫu giáo vì đọc không thể tròn chữ. Lúc vào lớp 1, cô giáo bảo cho nằm ngoài danh sách. Nhưng khi học bé đọc được chữ cái, làm toán được nên cô cho vào danh sách chính thức. Ban đầu đi học bị bạn bè chọc nhìn giống ma nhưng dần dà các bạn cũng quen và chơi với bé. Lúc bé lơ là không chịu viết bài do tập viết quá khó, mẹ bảo: “Nếu không học mai mốt làm gì?”, bé trả lời: “Mẹ sinh con ra như vậy làm sao con biết, mẹ lấy búa đập tay con ra, lấy dao xẻ tay con ra đi!”. Những lúc thế này chị chỉ biết ôm con, nước mắt lưng tròng.
Thêm một câu chuyện cổ tích
Chị Loan cho biết sau vài lần đi khám trước đây bé bỗng sợ bác sĩ. Nhưng từ ngày gặp BS Xuân Anh về bé thay đổi khác biệt, vui vẻ và tự tin hơn. Sáng hôm qua, mạnh thường quân vào đóng tiền cho bé mổ, bé ôm lấy mẹ kêu lên: “Đã quá, từ mai con có ngón tay rồi!”. “Gia đình bây giờ rất mừng, hạnh phúc. Chỉ biết nói lời cảm ơn các bác sĩ và mạnh thường quân” - chị Loan chia sẻ.
Trước đó, thấy bệnh nhân nghèo khám không hẹn ngày trở lại, BS Nguyễn Xuân Anh đoán chắc gia đình nghèo không có tiền. Ông bèn thông qua Facebook, nhắn tin tìm người mẹ và mời chị đưa con đến BV Sài Gòn ITO để khám, điều trị miễn phí. (Trị giá ca mổ lần đầu tiên này là 40 triệu đồng, do một mạnh thường quân giấu tên tài trợ - PV). “Để phẫu thuật hoàn chỉnh, bé phải trải qua hơn 20 ca mổ, trong đó có mở hộp sọ rộng ra thêm, chỉnh hình hàm mặt...” - BS Xuân Anh nói. Còn với bệnh nhi Minh Anh, ông sẽ làm hết trong khả năng có thể.
Trong cuộc mổ lần này, bác sĩ sẽ tách dính ngón cái và ngón út, tạo hình hai ngón này và ghép da. Ưu tiên tách ngón út và ngón cái vì các ngón kia dính chùm, nếu tách ra cũng không có chức năng. Cái khó nhất lúc phẫu thuật là bảo vệ các mạch máu nuôi dưỡng ngón, tránh nguy cơ hoại tử về sau. Hơn nữa, do gia đình để quá lâu không điều trị nên xương và khớp đã cứng, nếu làm 1-2 năm đầu đời của bé khi xương cơ còn mềm, sụn tăng trưởng còn tốt thì sẽ thuận lợi hơn.
Theo BS Xuân Anh, bàn tay trái (tay thuận của bé) mổ thành công có thể làm cho cuộc sống của bé tốt hơn, sinh hoạt thuận lợi. Sáu tháng sau sẽ làm tiếp bàn tay phải. Riêng về chân, bé vẫn chạy nhảy được bình thường nên bác sĩ để vậy, chưa cần thiết phải mổ. Vì mổ nếu xảy ra tai biến, biến chứng sẽ rất nguy hiểm.
Bàn tay ba ngón đẹp xinh
Sau hơn bốn giờ đồng hồ tỉ mỉ tách dính ngón tay cái với ngón trỏ, tách ngón út với ngón áp út, BS Xuân Anh và đồng nghiệp đã xẻ và tái tạo bàn tay vô hình thù thành ba ngón đẹp xinh. Những ngón giữa do mất chức năng nên các bác sĩ để dính nguyên. Sau đó các bác sĩ tiến hành lấy da từ bụng bệnh nhi để ghép vào phần bàn tay tách ra bị thiếu da, chờ hồi phục. Bên cạnh đó, kíp mổ dùng một cây đinh cố định để bàn tay bé xòe ra chứ không cho khép kín lại như cũ. Khi bàn tay, các ngón tay hoạt động tốt thì sẽ rút đinh ra. “Ca phẫu thuật đã thành công như ý” - BS Xuân Anh cho biết.
Bệnh nhi Bùi Hà Minh Anh mắc bệnh đột biến gen, làm cho xương đóng sớm như xương hộp sọ, dị dạng hàm mặt, hở hàm ếch, dính chặt xương đầu ngón tay và chân. Bệnh nhân dính các ngón tay, chân lần này là trường hợp thứ ba gặp ở Việt Nam. Tỉ lệ mắc là 1/85.000 ca. (Đời sống xã hội (trang 13).
Nối thành công 2 bàn tay đứt lìa cho 1 công nhân
Ca phẫu thuật liên tục kéo dài 9 tiếng đồng hồ của hai kíp phẫu thuật song song của Khoa Phẫu thuật hàm mặt- tạo hình, Bệnh viện Việt Đức đã làm sống lại đôi bàn tay của bệnh nhân Ng.M.Th. (19 tuổi, là công nhân của một xưởng gỗ ở Lý Nhân- Hà Nam). Cho đến ngày 21/4, đôi bàn tay này đã có những cử động đầu tiên.
Theo người nhà bệnh nhân, Th. là công nhân của một xưởng gỗ. Ngày 16/4, trong khi đang cầm miếng gỗ cho vào máy cắt gỗ, Th. bị máy cắt rơi tự do cắt gần đứt 2 cánh tay.
Các công nhân trong xưởng gỗ vội vàng đưa Th. cùng hai cẳng tay vào bệnh viện địa phương, sau đó chuyển đến bệnh viện Việt Đức trong tình trạng 2 cẳng tay đã bị đứt rời 1/3 tính từ dưới lên.
Ths, BS Bùi Mai Anh - phụ trách kíp phẫu thuật trực tiếp cho bệnh nhân cho biết: Rất may cho Th., phần đứt rời đã được BV tuyến dưới bảo quản khá tốt theo đúng quy cách và vẫn ở trong khung giờ “vàng” (trong khoảng 6h đồng hồ kể từ khi xảy ra chấn thương) để có thể phẫu thuật, ghép nốitrở lại với hai cánh tay. Bệnh nhân trong tình trạng sốc tâm lý, bác sĩ hỏi gì cũng gần như không nói được.
Đúng 21h30 phút ngày 16/4, hai kíp phẫu thuật bước vào phòng mổ và làm việc không ngừng nghỉ liên tục trong suốt 9h đồng hồ liền.
Ths Bùi Mai Anh cho biết, ê kíp phẫu thuật đã cùng nhau cố gắng hết khả năng có thể để giữ được tối đa phần xương chi của bệnh nhân. Và, bệnh nhân Th. đã được nối lại hai tay mà may mắn không phải ghép mạch.
5h30 sáng ngày chủ nhật ngày 17/4, bệnh nhân Th. đã tỉnh. Tuy nhiên, phải 3 ngày sau mổ, Th. mới ổn định tâm lý. Sáng ngày 21/4, tức 5 ngày sau mổ, các ngón tay của hai bàn tay của Th đã tự cử động nhẹ nhàng, riêng bàn tay phải đã sờ có cảm giác.
Tuy nhiên, theo các bác sĩ vẫn, vẫn phải tiếp tục phải theo dõi 2 cẳng tay của bệnh nhân có “sống” được thực sự hay không. Trong những ngày tới, bênh nhân sẽ phải trải qua quá trình luyện tập phục hồi chức năng cho hai bàn tay theo các bước mà bác sĩ chuyên khoa đưa ra, để tay không bị dính gân hoạt động kém hoặc khó thực hiện được những động tác tinh tế. (Nông thôn ngày nay (trang 5), Đại Đoàn kết).