Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 23/5/2017

  • |
T5g.org.vn - Sốt xuất huyết, một nữ sinh ở Hà Nội tử vong; Phát hiện hai type vi rút gây bệnh sốt xuất huyết; Thay khớp háng thành công cho cụ ông 101 tuổi; Trạm y tế đạt chuẩn, người dân hưởng lợi

Sốt xuất huyết, một nữ sinh ở Hà Nội tử vong

Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, đã ghi nhận trường hợp tử vong đầu tiên do sốt xuất huyết (SXH) là một nữ sinh viên 19 tuổi của Học viện Ngân hàng (thuê trọ tại phường Trung Liệt, quận Đống Đa). Được biết, nữ sinh viên này được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư. Kết quả mẫu bệnh phẩm xác định, bệnh nhân dương tính với virus SXH Dengue typ 1. Ngay khi có ca bệnh này, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố, Trung tâm Y tế quận Đống Đa cùng với phường Trung Liệt đã tiến hành điều tra côn trùng, vệ sinh môi trường diệt bọ gậy; phun hóa chất; truyền thông bằng loa truyền thanh di động tại khu vực bệnh nhân thuê trọ. Mặt khác, giám sát chặt chẽ tại khu vực ổ dịch để phát hiện sớm các trường hợp mắc mới, tư vấn chăm sóc và điều trị, tránh xảy ra tử vong tại cộng đồng.

Thống kê cho thấy, từ đầu năm đến nay, tại nhiều quận/huyện trên địa bàn Hà Nội có số mắc SXH cao hơn cùng kỳ 2016 như: Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Thanh Trì, Hà Đông… Riêng quận Đống Đa là nơi ghi nhận số ca mắc SXH cao nhất. Từ đầu năm đến nay, tại đây ghi nhận 165 trường hợp mắc ở 18 phường và xác định được 37 ổ dịch tại 13 phường. Số mắc tăng gấp 3 lần, số ổ dịch tăng 1,85 lần so với cùng kỳ năm 2016. Mới đây, trên địa bàn quận Đống Đa cũng ghi nhận ổ dịch SXH tại ký túc xá Trường Đại học Luật Hà Nội với 11 ca mắc. Ngoài ra, tại phường Khương Thượng cũng ghi nhận ổ dịch SXH tại ngõ 95 Chùa Bộc và ngõ 354 Trường Chinh với tổng số bệnh nhân là 10 người.

Trước diễn biến khó lường của dịch bệnh và đã có bệnh nhân tử vong, Sở Y tế Hà Nội đã có văn bản khẩn chỉ đạo các đơn vị y tế trong và ngoài công lập tăng cường triển khai các giải pháp phòng chống SXH. Trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến công tác tuyên truyền, nhất là tổ chức họp dân để thông tin về tình hình dịch bệnh và hướng dẫn người dân cách phòng chống. 

Tăng cường giám sát phát hiện các ca bệnh SXH tại các cơ sở khám chữa bệnh, tại cộng đồng; điều tra, xử lý dịch sốt xuất huyết theo quy định. Tổ chức các chiến dịch tổng vệ sinh môi trường diệt bọ gậy để huy động cộng đồng tham gia phòng chống dịch. Tập trung mọi nguồn lực từ con người, thuốc, hóa chất, máy móc, trang thiết bị y tế cho công tác phòng chống dịch cũng như cấp cứu, điều trị cho người bệnh để hạn chế dịch bệnh bùng phát và lan rộng, giảm tử vong do dịch bệnh sốt SXH.

Chưa có vắc-xin phòng bệnh

Bệnh sốt xuất huyết do virus Dengue gây ra với 4 típ gây bệnh được ký hiệu là D1, D2, D3, D4. Cả 4 típ gây bệnh này đều gặp ở Việt Nam và luân phiên gây dịch. Do miễn dịch được tạo thành sau khi mắc bệnh chỉ có tính đặc hiệu đối với từng típ cho nên người ta có thể mắc bệnh SXH lần thứ 2 hoặc thứ 3 bởi những típ khác nhau.

Người mắc bệnh SXH thường có biểu hiện sốt cao đột ngột 39 - 40 độ C, kéo dài 2 - 7 ngày, khó hạ sốt. Đau đầu dữ dội ở vùng trán, sau nhãn cầu. Có thể có nổi mẩn, phát ban. Do đó, khi nghi ngờ bị sốt xuất huyết cần đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời (Tiền phong, trang 6; An ninh Thủ đô, trang 6; Sài Gòn giải phóng, trang 3).

 

Phát hiện hai type vi rút gây bệnh sốt xuất huyết

Như Báo Hànộimới đã đưa tin, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn TP Hà Nội đã ghi nhận hơn 700 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng 2,1 lần so với cùng kỳ năm 2016), trong đó có một trường hợp tử vong. Chiều 22-5, trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, nguyên nhân gia tăng tỷ lệ mắc sốt xuất huyết là tình hình thời tiết diễn biến thất thường khiến muỗi gây bệnh phát triển. Mặt khác, tỷ lệ hộ gia đình tham gia vệ sinh môi trường và phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành còn thấp. Cũng theo ông Hoàng Đức Hạnh, sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm do vi rút Dengue (D) gây nên. Có 4 type vi rút gây bệnh (gồm D1, D2, D3, D4). Một người mắc bệnh do một type nào đó thì miễn nhiễm suốt đời với type này, nhưng với ba type còn lại thì không. Vì vậy, trong đời, một người có thể bị mắc bệnh sốt xuất huyết tới 4 lần. Điều đáng chú ý là nếu như năm 2016, việc giám sát cho thấy các bệnh nhân mắc sốt xuất huyết trên địa bàn Hà Nội là do vi rút type D1 thì sang năm nay, đã phát hiện thêm vi rút type D2 (Hà Nội mới, trang 1).

 

Thay khớp háng thành công cho cụ ông 101 tuổi

Đến chiều 22-5, sau gần 12 ngày điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Gia Đình, cụ ông Nguyễn Văn Thịnh (101 tuổi) đã được xuất viện với sức khỏe tốt và di chuyển bình thường. Trước đó, khoảng 3 giờ sáng ngày 10-5, cụ Thịnh bị đau nhiều tại khớp háng, không di chuyển được do bị vấp ngã. Gia đình đã đưa cụ đến Bệnh viện Đa khoa Gia Đình để khám và được bác sĩ chẩn đoán bị gãy cổ xương đùi trái với biến chứng mất cơ năng chân trái, cần phải phẫu thuật thay khớp háng trái bán phần.

Do cụ đã lớn tuổi và có bệnh lý về viêm phế quản mãn, viêm phổi, tiểu đường tuýp II… khó có thể chịu đựng được ca phẫu thuật này, nhưng được sự đồng ý của gia đình, các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật thay khớp háng vào chiều 11-5 bằng kỹ thuật mổ ít xâm lấn, không cắt cơ. Sau mổ, kết hợp điều trị Đông y bằng các bài tập vận động đã giúp cụ Thịnh nhanh chóng bình phục (Sài Gòn giải phóng, trang 7).

 

Trạm y tế đạt chuẩn, người dân hưởng lợi

Mới đây, trạm y tế (TYT) kết hợp phòng khám xã hội hóa đầu tiên trên cả nước đã chính thức đi vào hoạt động tại phường 11 quận 3 TPHCM. Đây là mô hình được triển khai dựa theo chủ trương của Bộ Y tế và UBND TPHCM về việc kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực y tế nhằm phát triển hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng, người dân được thụ hưởng các dịch vụ y tế tốt nhất từ tuyến cơ sở.  

Khám bệnh ở trạm y tế “xịn”

Với tổng kinh phí hơn 20 tỷ đồng được Công ty cổ phần Y tế Việt Anh đầu tư xây dựng, TYT phường 11 quận 3 đã thay đổi hoàn toàn. Trạm trang bị bảng điện tử thông tin số thứ tự tiếp nhận để thuận tiện cho bệnh nhân đến khám. Với 6 phòng chuyên môn (khoa Nội, khoa Sản, khoa Y học cổ truyền, khoa Xét nghiệm, Siêu âm và X-quang) được trang bị các thiết bị tiên tiến: máy sinh hóa, huyết học, miễn dịch, vi sinh, sinh học phân tử; các thiết bị xét nghiệm phát hiện các tác nhân virus, vi khuẩn gây bệnh như lao, sốt xuất huyết Dengue, virus gây bệnh tay chân miệng, viêm gan B, viêm gan C; xét nghiệm phát hiện nguy cơ gây ung thư cổ tử cung (HPV) bằng kỹ thuật real-time PCR kết hợp lai phân tử RDB; xét nghiệm tầm soát hầu hết các ung thư, bệnh di truyền, chẩn đoán trước, sau sinh bằng kỹ thuật Microarray…
Bên cạnh đó, trạm còn được bổ sung đội ngũ y bác sĩ có kinh nghiệm, được tư vấn hỗ trợ về mặt chuyên môn từ những bệnh viện (BV) lớn cấp trung ương cũng như cấp TP nhằm đảm bảo chăm sóc sức khỏe toàn diện cho người dân ngay từ khâu phòng ngừa, tầm soát bệnh cho đến khám, điều trị phục hồi chức năng, góp phần giảm thiểu tình trạng quá tải hiện nay tại các BV tuyến trên tại địa bàn TP. Đến khám bệnh từ khá sớm, ông Trần Văn Trường (ngụ phường 11, quận 3) cho biết, trước đây hàng ngày đi qua đây không dám bước vào vì hạ tầng xuống cấp, một cơ sở khám chữa bệnh mà không khác gì nhà kho. Đến nay đã đẹp đẽ và khang trang hơn rất nhiều. “Tôi mua thẻ bảo hiểm y tế ở BV Quận 3, mỗi lần đi khám bệnh phải đi khá xa, chờ đợi lâu nay có TYT gần nhà mà lại đầy đủ dịch vụ, giá cũng đồng đều nên tôi rất vui”, ông Trường chia sẻ.

Sớm nhân rộng mô hình

Thông thường, hoạt động của các TYT hiện nay phần lớn tập trung chính là phòng chống dịch bệnh, quản lý và giám sát các chương trình sức khỏe. Chỉ có một số TYT mới có đủ nhân lực thực hiện khám chữa bệnh toàn thời gian và chỉ trong phạm vi nội khoa. Theo ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, hoạt động xã hội hóa đã triển khai tại các BV TP và quận, huyện từ nhiều năm nay với nhiều hình thức khác nhau. Nhưng việc triển khai xã hội hóa tại TYT thì phường 11 quận 3 là nơi đầu tiên thực hiện. Đây cũng là chủ trương chung của TP, để từng bước góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho các cơ sở y tế tuyến đầu như đề án của Bộ Y tế. 

Cũng theo ông Bỉnh, việc triển khai TYT xã hội hóa tại phường 11 quận 3 là mô hình thí điểm để chuẩn bị cho đề án xã hội hóa các TYT trên địa bàn quận 3 nói riêng và toàn TP nói chung. Hai bên sẽ phối hợp thật tốt trong việc tổ chức đầy đủ các hoạt động theo chức năng của một TYT vừa phòng bệnh vừa khám chữa bệnh theo nguyên lý y học gia đình, vừa thực hiện chức năng phòng chống và kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn phường.

Là đơn vị mạnh dạn thí điểm mô hình này, ông Phan Quốc Việt, Giám đốc Công ty cổ phần Y tế Việt Anh cho rằng, TYT xã hội hóa sẽ là dấu ấn trong nỗ lực cải thiện điều kiện chăm sóc y tế cho người dân TPHCM ở cấp cơ sở. Song song với mục tiêu nâng cấp hệ thống TYT phường xã, nhà đầu tư sẽ góp phần hiện đại hóa cơ sở hạ tầng TP, cùng chung tay với TP thực hiện an sinh xã hội, đảm bảo chăm sóc sức khỏe toàn diện cho người dân. Ông Việt cho biết, sắp tới công ty sẽ tiếp tục ra mắt chuỗi TYT xã hội hóa tại các phường lân cận trên địa bàn quận 3 và lần lượt là các quận 2, quận 11, quận Phú Nhuận, huyện Nhà Bè (Sài Gòn giải phóng, trang 3).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang