Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 23/6/2017

  • |
T5g.org.vn - Khởi tố, bắt 3 bị can liên quan vụ tai biến chạy thận ở Hòa Bình; Việt Nam lần đầu tiên ghép phổi cho người lớn; Thắp lửa cho bệnh nhân nhiễm “H”; Đưa bác sĩ trẻ về huyện nghèo: Người dân được chăm sóc sức khỏe tốt hơn; ...

 

Khởi tố, bắt 3 bị can liên quan vụ tai biến chạy thận ở Hòa Bình

Ngày 22-6, Công an tỉnh Hòa Bình đã ra quyết định khởi tố và bắt tạm giam 3 bị can liên quan vụ tai biến y khoa khiến 18 bệnh nhân chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình bị sốc phản vệ, trong đó có 8 người tử vong. Theo đó, khởi tố và bắt tạm giam: Bùi Mạnh Quốc (31 tuổi, quê Bắc Ninh, Giám đốc Công ty TNHH Xử lý nước Trâm Anh) về hành vi “Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp”; Trần Văn Sơn (27 tuổi, ở TP Hòa Bình, cán bộ Phòng Vật tư, trang thiết bị y tế Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình) về hành vi “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”; Hoàng Công Lương (31 tuổi, trú TP Hòa Bình, bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực, Đơn nguyên Thận nhân tạo, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình) về hành vi “Vi phạm quy định về chữa bệnh”.

Trước đó, liên quan tới kết luận cuộc họp của Hội đồng chuyên môn đối với vụ tai biến chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, ông Trần Quang Khánh, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hòa Bình cho biết, Công ty cổ phần Dược phẩm Thiên Sơn (ở phường Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) là đơn vị cung ứng thiết bị vật tư và bảo hành thiết bị y tế, trong đó có các thiết bị lọc máu chạy thận của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình. Ngày 28-5 (một ngày trước khi xảy ra vụ tai biến), Công ty cổ phần Dược phẩm Thiên Sơn đã thuê một công ty khác để tiến hành thực việc bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO tại Đơn nguyên Thận nhân tạo của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình. Tuy nhiên, sau khi được bảo trì bảo dưỡng, hệ thống lọc nước chưa test nước đầu ra, chưa đưa nguồn nước đi kiểm định đã sử dụng cho bệnh nhân. Trong khi theo quy trình của Bộ Y tế phải kiểm tra máy chạy thận, thông số nước, theo dõi giám sát hiện tượng xảy ra bất thường sau khi bảo trì. Cùng với đó, hệ thống lọc nước phải được kiểm nghiệm đầu ra trước khi bàn giao cho cán bộ y tế để đưa vào vận hành (Sài Gòn giải phóng, trang 1; Tiền phong, trang 11; An ninh Thủ đô, trang 2; Lao động, trang 3; Hà Nội mới, trang 7; Nhân dân, trang 8).


Việt Nam lần đầu tiên ghép phổi cho người lớn

Dự kiến, tháng 9 tới, Bệnh viện Việt Đức sẽ thực hiện ca ghép phổi cho người lớn đầu tiên từ người cho chết não, cũng là ca ghép phổi cho người lớn đầu tiên tại Việt Nam.

Ngày 21-2-2017, Bệnh viện Trung ương Quân đội 103 đã thực hiện thành công ca ghép phổi đầu tiên của Việt Nam (phối hợp với Học viện Quân y và các chuyên gia Nhật Bản) nhưng bệnh nhân được ghép là một cháu bé 6 tuổi và nguồn phổi ghép lấy từ người sống (bố và bác ruột hiến). Trao đổi với báo chí, GS.TS Trịnh Hồng Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, Giám đốc Trung tâm điều phối hiến ghép tạng quốc gia cho biết, khó khăn lớn đầu tiên trong ghép phổi là khâu vận động người hiến phổi và người cần ghép phổi. Mặt khác, phổi là bộ phận ghép tạng dễ gặp nhiễm trùng nhất, hồi sức sau ghép cũng vô cùng thách thức. Thực tế trên thế giới từng có trung tâm ghép tạng phải trải qua 18 ca ghép phổi thất bại sau đó mới thành công. Thế nhưng tại Việt Nam, ngay từ ca ghép phổi đầu tiên cho bệnh nhi 6 tuổi ở Bệnh viện Trung ương Quân đội 103 tháng 2 vừa qua đã thành công, khẳng định khả năng thành công rất lớn của chuyên ngành ghép tạng nước ta.

Với Bệnh viện Việt Đức, hiện các khâu đoạn chuẩn bị cho ca ghép phổi đầu tiên đã được lên kế hoạch kỹ càng, công tác chăm sóc sau ghép cũng đã sẵn sàng.

Theo GS.TS Trịnh Hồng Sơn, ca ghép phổi cho người lớn đầu tiên từ người cho chết não dự kiến sẽ thực hiện vào tháng 9 tới. Người trong danh sách ghép phổi là một bệnh nhân nam bị bệnh lý về phổi, đang phải sử dụng máy thở để duy trì sự sống.

Do đây là ca phẫu thuật ghép phổi trên người lớn từ người cho chết não đầu tiên nên các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức đã tính đến 3 phương án thực hiện. Một là mời chuyên gia nước ngoài tham gia kíp mổ, tuy nhiên ca ghép chủ yếu vẫn do các bác sĩ Việt Nam đảm trách. Phương án hai là có thể không mời chuyên gia nước ngoài, các bác sĩ Việt Nam tự tiến hành ca mổ. Phương án ba là bệnh viện mời một ê kíp chuyên gia nước ngoài đến hỗ trợ ca mổ ghép.

Thêm nhiều kỹ thuật ghép tạng mới

Ngoài ca ghép phổi kể trên, Bệnh viện Việt Đức cũng đã sẵn sàng cho những kỹ thuật ghép mới như ghép chi, ghép mặt, ghép ruột, ghép tử cung… GS.TS Trịnh Hồng Sơn cho biết, việc ghép chi tự thân cho những người không may bị đứt lìa cánh tay, chân hay ngón tay, ngón chân đã được thực hiện rất nhiều. Tuy nhiên, khó khăn nhất là nguồn hiến bởi vận động hiến chi rất khó khăn.

“Rất khó vận động bởi người dân nước ta vẫn quan niệm chết phải toàn thây. Còn với hiến tim, phổi, thận, giác mạc… thì có thể mổ ra lấy tạng rồi khâu vào nên dẫu sao vẫn dễ vận động hơn”, GS.TS Trịnh Hồng Sơn phân tích. Riêng với ghép tử cung phức tạp hơn. Theo GS.TS Trịnh Hồng Sơn, hiện nay trên thế giới, một số nước đã tiến hành ca ghép tử cung, có ca thành công song cũng có những ca thất bại. “Những phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ vì lý do nào đó phải cắt bỏ tử cung có thể sinh nở sau khi được ghép tử cung. Đây là một mục tiêu rất nhân văn”, GS.TS Trịnh Hồng Sơn chia sẻ. GS.TS Trịnh Hồng Sơn cho biết thêm, riêng tại Bệnh viện Việt Đức ngày nào cũng có 1 - 5 ca chết não vì tai nạn. Nếu chỉ 1/4 trong số những người chết não trên cả nước đồng ý hiến tạng, sẽ có hàng nghìn người đang cần ghép tạng được cứu sống (An ninh Thủ đô, trang 4).


Thắp lửa cho bệnh nhân nhiễm “H”

 “Ai cũng có quyền được hưởng hạnh phúc và người nhiễm “H” (HIV/AIDS) cũng vậy. Có người do lầm lỗi, nhưng có người vô tình nhiễm bệnh, họ cũng như những người bình thường, khát khao được trở thành những ông bố, bà mẹ”, đó là tâm sự của chị Nguyễn Thu Hiền, điều dưỡng ở Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, Hà Nội). Hơn 20 năm gắn bó với công việc chăm sóc những bệnh nhân HIV, ngoài nhiệm vụ chuyên môn, chị Hiền cùng những y bác sĩ nơi đây đã giúp cho nhiều cặp vợ chồng nhiễm HIV sinh ra những đứa con khỏe mạnh.

Từ những quyết định mạo hiểm...

Giữa cái nắng oi ả của những ngày hè tháng 6, tại Phòng khám ngoại khoa (Bệnh viện Đa khoa Đống Đa), bệnh nhân nhiễm HIV đến điều trị khá đông. Bác sĩ Phạm Bá Hiền, Phó Giám đốc Bệnh viện cho biết, tại viện đang quản lý hơn 1.000 người nhiễm HIV, trong đó 80% bệnh nhân trên địa bàn Hà Nội và 20% ở các tỉnh, thành phố lân cận.

Đồng hành với người bệnh, chia sẻ nỗi đau, giúp họ sống khỏe hơn mỗi ngày, nhiều thầy thuốc ở đây còn rất “mát tay” trong việc giúp người nhiễm “H” sinh những đứa con khỏe mạnh, bình thường. Trong đội ngũ các y bác sĩ ấy, khi nhắc đến điều dưỡng Nguyễn Thu Hiền, mọi người bệnh đều dành cho chị những tình cảm biết ơn chân thành.

Có tận mắt chứng kiến cách chị Thu Hiền trò chuyện với từng bệnh nhân, quan tâm tới họ, mới thấy không phải ngẫu nhiên người bệnh lại yêu quý chị đến vậy. Lật tập hồ sơ bệnh án, trong đó nhiều quyển đã cũ, sờn gáy, chị Hiền kể cho chúng tôi nghe về từng mảnh đời, từng số phận bệnh nhân, ở đây có thể là người nghiện hút, gái mại dâm nhưng cũng có nhiều trường hợp vô tình mắc bệnh. Họ vẫn sống khỏe mạnh như nhiều người khác khi được điều trị, nhưng đa phần họ bị xã hội, thậm chí chính gia đình mình bỏ rơi. Và trong sâu thẳm họ luôn khát khao có được mái ấm gia đình, mong muốn trở thành cha, thành mẹ nhưng “căn bệnh thế kỷ” chính là rào cản lớn nhất đối với họ. Chị Hiền nhớ lại, cách đây không lâu, một cô gái rất trẻ có tên L.A. (sinh năm 1997) mới kết hôn thì phát hiện mình bị nhiễm HIV từ người chồng. L.A. đau khổ, tuyệt vọng và chỉ nghĩ đến cái chết. Trong giờ phút tuyệt vọng, L.A. vẫn tha thiết muốn giữ lại thai nhi và cầu xin sự giúp đỡ của các y bác sĩ để đứa bé sinh ra thoát khỏi “căn bệnh thế kỷ”.

“Với những ca bệnh như L.A., nhiệm vụ của y bác sĩ thực sự nặng nề, nhưng chúng tôi vẫn quyết định “mạo hiểm” cùng bệnh nhân. Ngoài việc giúp người mẹ giải tỏa gánh nặng tâm lý tuyệt vọng, đau khổ, tư vấn họ dự phòng lây truyền từ mẹ sang con, còn phải hướng họ đến một chế độ chăm sóc, theo dõi đặc biệt và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ…”, điều dưỡng Thu Hiền nói.

Điều đáng mừng đối với các y bác sĩ nơi đây, đó là đa phần thai phụ nhiễm HIV tìm đến bệnh viện đều hợp tác với bác sĩ để cứu con mình. Đồng cảm, thấu hiểu với nỗi tuyệt vọng của những cặp vợ chồng có “H”, các “bà đỡ” bất đắc dĩ càng nỗ lực giúp họ thỏa ước mơ được làm cha mẹ. Cho chúng tôi xem đoạn tin nhắn từ một nữ bệnh nhân tên N.M. hỏi bác sĩ về tình hình sức khỏe con mình, chị Hiền cho biết: N.M. phát hiện nhiễm “H” khi có thai đã gần 3 tháng. Trong suốt quá trình cô ấy mang thai, tôi luôn ở bên. Cứ mỗi lần thấy cơ thể khác lạ hay kết quả xét nghiệm, thăm khám ra sao... cô ấy đều nhắn tin với tôi. Và may mắn đã mỉm cười khi người phụ nữ này vượt cạn thành công. Kết quả âm tính của đứa bé đến với vợ chồng họ lần lượt qua những mốc thời gian vừa sinh, sau sinh 4 tuần và 18 tháng khiến chúng tôi cũng vỡ òa trong niềm vui sướng.

Và những cái kết có hậu

Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới, nếu không được can thiệp thì cứ 100 trẻ sinh ra từ các bà mẹ nhiễm HIV có tới 30 - 40 bé sẽ nhiễm vi rút chết người này. Nhưng nếu được phát hiện sớm, chăm sóc và điều trị kịp thời thì trong số trẻ ấy chỉ còn khoảng 1 - 5 bé nhiễm HIV. Tại Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, từ khi tiếp nhận điều trị cho bệnh nhân có “H”, đến nay chưa ghi nhận trường hợp trẻ sinh ra bị lây nhiễm HIV từ bố hoặc mẹ. Trung bình, mỗi năm có khoảng 3 - 4 trẻ chào đời từ những cặp vợ chồng điều trị HIV tại đây. Với trường hợp người nhiễm HIV chủ động có thai, họ sẽ được các bác sĩ tư vấn, điều trị, sau đó chuyển sang Bệnh viện Phụ sản Hà Nội để được theo dõi thai kỳ và dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Bác sĩ Nguyễn Thái Minh, Trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa Đống Đa) khẳng định, nhiễm HIV không phải là dấu chấm hết. Trên thực tế, nhiều người còn hiểu mơ hồ về căn bệnh này. Thậm chí, không ít người nghĩ rằng, khi mẹ nhiễm HIV thì đứa con trong bụng cũng chung số phận. Đây là một nhận thức sai. Bác sĩ Nguyễn Thái Minh chia sẻ với chúng tôi niềm vui của một câu chuyện kết thúc có hậu đã đến với cặp vợ chồng nhiễm “H”. Đó là khi người vợ tìm đến bác sĩ với nguyện vọng muốn có con nhưng chồng nhất định không đồng ý. Bởi lẽ, anh đã có hai con riêng với người vợ đầu. Thế nhưng, người vợ thứ vẫn khao khát được làm mẹ. Lúc đầu, bác sĩ Minh khuyên họ cân nhắc việc có con. Thế nhưng, sự quyết tâm của người vợ khiến các y bác sĩ đều mủi lòng. Trước và trong khi mang thai, chị được các bác sĩ theo dõi chặt chẽ tình trạng sức khỏe. Để giảm nguy cơ lây nhiễm trong quá trình người mẹ chuyển dạ, các bác sĩ đã quyết định chỉ định sinh mổ và đứa trẻ ngay sau sinh được uống xirô kháng vi rút. Đến nay, con trai họ được gần 6 tuổi và phát triển khỏe mạnh.

Phát hiện bị nhiễm HIV từ năm 2004, anh V. (sinh năm 1977 ở Hà Nội) luôn sống trong mặc cảm và không nghĩ đến chuyện yêu và kết hôn. Thế nhưng, cách đây bốn năm, V. đã gặp và yêu một cô gái quê ngoan hiền. Thẳng thắn chia sẻ về bệnh tình và được người yêu chấp nhận, hai người đã đi đến hôn nhân. Khao khát được nghe tiếng bi bô của con trẻ, hai vợ chồng đã quyết định đến gặp bác sĩ. Dù không nhiễm HIV, nhưng vợ anh V. vẫn được chỉ định dùng thuốc kháng vi rút một thời gian trước khi mang thai. Thế rồi, “mầm sống” đã hiện diện. Năm 2014, vợ chồng anh đón một bé trai kháu khỉnh nặng hơn 3kg. May mắn là các kết quả xét nghiệm sau đó đều cho thấy, đứa bé hoàn toàn bình thường, không nhiễm HIV. Theo anh V., nhờ các nhân viên y tế “tiếp sức” nên anh mới có thể vượt qua cú sốc và cùng vợ “mạo hiểm” sinh con…

Với những người nhiễm HIV, những đứa con chào đời khỏe mạnh là động lực, tiếp thêm nghị lực, giúp họ chiến thắng số phận, bệnh tật, sống có ý nghĩa hơn. Và không ai khác, chính những người thầy thuốc đã lặng lẽ thắp lên ngọn lửa khao khát sống ở những con người mang trong mình “căn bệnh thế kỷ” (Hà Nội mới, trang 8).


Đưa bác sĩ trẻ về huyện nghèo: Người dân được chăm sóc sức khỏe tốt hơn

Thực tế trên là kết quả của dự án thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại 62 huyện nghèo (gọi tắt là Dự án 585) do Bộ Y tế triển khai từ 2014, đến cuối tháng 6-2017, mới có “lứa” đầu tiên: 7 bác sĩ trẻ vừa hoàn thành quá trình đào tạo sẽ được đưa về huyện Bắc Hà vào ngày 28-6. Điều này được ông Phạm Văn Tác –Vụ trưởng Vụ Tổ chức –Cán bộ (Bộ Y tế) cho biết tại cuộc họp chiều 22-6. Việc đưa các bác sĩ trẻ về vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hải đảo là một chủ trương rất nhân văn. Bởi người dân ở đây đang chịu nhiều thiệt thòi, khi mức thụ hưởng các dịch vụ y mức thấp hơn mức trung bình của cả nước rất nhiều, do hệ thống y tế công lập thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhất là cán bộ y tế. Do giao thông đi lại khó khăn nên khi bị bệnh, nhiều người không kịp đến cơ sở y tế đã bị tử vong. Dự án 585 là việc làm thiết thực để giảm bớt khoảng cách thụ hưởng dịch vụ y tế giữa các huyện nghèo với thành thị. Hiện các vùng nghèo đang “khát” bác sĩ, như huyện Simacai (Lào Cai) chỉ có 5-6 bác sĩ. 62 huyện nghèo trong cả nước cần khoảng 600 bác sĩ thuộc 15 chuyên khoa, trong đó 7 chuyên khoa có nhu cầu nhiều nhất là Nội 53, Ngoại 49, Sản 55, Nhi 44, Hồi sức cấp cứu 47, Truyền nhiễm 35, Chẩn đoán hình ảnh 33 vv…
Nhưng để đào tạo được một bác sĩ về với huyện nghèo là một việc đòi hỏi thời gian và tâm sức. Các bác sĩ trẻ phải tốt nghiệp loại khá giỏi và tình nguyện về vùng nghèo công tác; phải được một đơn vị y tế tuyển dụng để đào tạo bài bản với tiêu chí khi xong khóa đào tạo phải độc lập xử trí các tình huống y khoa tại BV huyện. Vì thế, 4 năm qua, Bộ Y tế đã phối hợp với trường Đại học Y Hà Nội xây dựng chương trình 10 chuyên ngành mà các huyện nghèo đang có nhu cầu, trong đó, chú trọng năng lực thực hành, chỉ tiêu tay nghề, đảm bảo các bác sĩ trẻ tình nguyện có thể làm việc độc lập tại các huyện nghèo.
GS. Phạm Minh Thông-Phó Giám đốc BV Bạch Mai cho biết, các bác sĩ trẻ được BV lựa chọn về được đào tạo trong 2 năm với chương trình đào tạo bác sĩ nội trú. Họ được dự các cuộc giao ban hàng ngày, trình bày lâm sàng bằng tiếng Anh, tự xử trí nhiều tình huống dưới sự giám sát của các chuyên gia. Hoàn thành quá trình đào tạo, mới được cử đi vùng cao, vùng xa. Sau 3 năm hoàn thành nhiệm vụ ở huyện nghèo, các bác sĩ sẽ trở về công tác tại BV Bạch Mai, hoặc có thể ở lại Bắc Hà nếu muốn.
5 bác sĩ do BV Nhi Trung ương tiếp nhận cũng được bố trí học theo chương trình của bác sĩ nội trú. Theo ông Trịnh Ngọc Hải - Phó Giám đốc BV Nhi Trung ương, số bác sĩ này được tuyển dụng vào biên chế và được hưởng mọi quyền lợi như các bác sĩ khác. BV sẽ có quyết định đưa 5 bác sĩ này về các huyện nghèo ở Sơn La, Lào Cai, Bắc Kạn vv… công tác 3 năm, sau đó lại nhận về. Với dự án này, sẽ có 78 bác sỹ được các đơn vị y tế tuyển dụng tình nguyện công tác tại 37 huyện nghèo thuộc 13 tỉnh, trong đó 25 bác sỹ  tuyển dụng vào 12 BV tuyến Trung ương để tình nguyện công tác tại 19 huyện thuộc 10 tỉnh và 53 bác sỹ được tuyển dụng tại 30 huyện nghèo của 12 tỉnh được tiếp nhận và đào tạo chuyên khoa theo hướng “cầm tay chỉ việc”, được ưu tiên cấp chứng chỉ hành nghề sau đó sẽ công tác lâu dài tại các huyện nghèo - nơi tuyển dụng và cử đi đào tạo.

Ông Phạm Văn Tác cho biết, việc đào tạo và đưa bác sĩ trẻ về các vùng nghèo, vùng khó khăn sẽ giúp Bộ Y tế không chỉ làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân huyện nghèo, mà còn sử dụng được số sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học y khoa phải làm việc trái nghề hoặc chưa tìm được việc làm, để họ được hoạt động đúng chuyên môn lại có hiệu quả. Cùng với đội ngũ bác sĩ trẻ, ngành y tế cũng tập trung đầu tư trang thiết bị y tế ở các huyện nghèo, để người dân được hưởng các dịch vụ kỹ thuật cao ngay tại địa bàn với chi phí thấp. BV Bạch Mai đã ủng hộ BV huyện Bắc Hà một máy thở, một bộ dụng cụ đại phẫu, giúp đồng bộ trang thiết bị và năng lực cán bộ y tế. Bên cạnh đó, Bộ Y tế chỉ đưa bác sĩ về với địa bàn nào đáp ứng yêu cầu tối thiểu để các thầy thuốc phát huy được năng lực.

Các huyện nghèo đều hào hứng với việc đưa bác sĩ về địa phương vì sẽ giảm được tỉ lệ bệnh tật, tử vong, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tuy nhiên, chủ trương này vẫn gặp nhiều khó khăn. Theo ông Phạm Văn Tác, số lượng bác sĩ đăng ký nhiều nhưng nhiều người không đáp ứng tiêu chuẩn như bằng tốt nghiệp không đạt khá giỏi; nhiều bác sĩ tốt nghiệp các chuyên ngành không thuộc 10 chuyên ngành dự án hiện tại đang đào tạo, quá tuổi; đa số tốt nghiệp bác sĩ ngành y học dự phòng.  Bên cạnh đó, số lượng bác sĩ được tuyển dụng và cử đi đào tạo ít, nhưng lại nhiều chuyên khoa khác nhau khiến việc tổ chức lớp để đào tạo gặp khó khăn. Khả năng tiếp nhận và tuyển dụng của các BV tuyến Trung ương hạn chế, khiến cho việc triển khai kế hoạch nhiều khó khăn (Công an nhân dân, trang 7).


Liên thông xét nghiệm giúp tiết kiệm hàng trăm tỉ đồng mỗi năm

Từ 1.7.2017, sẽ áp dụng liên thông xét nghiệm nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, kiểm soát lạm dụng xét nghiệm, giảm chi phí và phiền hà cho bệnh nhân khi khám chữa bệnh. Liên quan đến vấn đề này, PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho hay liên thông xét nghiệm thực chất là việc cơ sở khám chữa bệnh này công nhận và có thể sử dụng kết quả xét nghiệm của cơ sở khám chữa bệnh khác trong một số trường hợp xét nghiệm đó có giá trị sử dụng trong một thời gian và trên cơ sở tình trạng người bệnh. Thực hiện được điều này có nghĩa là một số xét nghiệm sau khi đã có kết quả có thể được cơ sở khám chữa bệnh khác sử dụng để chẩn đoán, điều trị, theo dõi bệnh, giúp tiết kiệm chi phí thực hiện xét nghiệm trong một số trường hợp.

Xin ông cho biết lộ trình thực hiện liên thông xét nghiệm?

Lộ trình liên thông kết quả xét nghiệm đã được xác định trong Quyết định số 316/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án tăng cường chất lượng xét nghiệm y học giai đoạn 2016 - 2025. Theo đó, trước 1.1.2018 sẽ liên thông kết quả xét nghiệm giữa các bệnh viện (BV) hạng đặc biệt và hạng 1, đến năm 2020 thực hiện liên thông xét nghiệm đối với các BV trong cùng tỉnh, thành và đến năm 2025 sẽ liên thông xét nghiệm ở tất cả các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc.

Trên thực tế có chuyện chất lượng xét nghiệm giữa các cơ sở điều trị và giữa các tuyến điều trị cũng có chênh lệch. Liên thông xét nghiệm này có thực hiện ở các BV tư không, thưa ông?

Chất lượng xét nghiệm giữa các cơ sở điều trị và giữa các tuyến điều trị hiện nay nhìn chung chưa đồng đều. Chất lượng xét nghiệm thường tốt hơn ở các BV tuyến T.Ư, tuyến tỉnh và còn hạn chế ở các BV tuyến dưới. Các BV tư nhân cũng phải tham gia liên thông và cũng được đánh giá chất lượng để thực hiện liên thông.

Hằng năm, chỉ tính riêng số lượt xét nghiệm của các BV đã có khoảng 250 triệu lượt xét nghiệm hóa sinh, hơn 200 triệu lượt xét nghiệm huyết học và khoảng 25 triệu lượt xét nghiệm vi sinh. Tỷ lệ tăng trưởng trong khối xét nghiệm trung bình khoảng 10% mỗi năm.

Theo đánh giá của chúng tôi, liên thông xét nghiệm mang lại nhiều lợi ích về chất lượng, tài chính cũng như giảm chờ đợi phiền hà. Khi xét nghiệm có độ tin cậy cao hơn, cơ sở khám chữa bệnh này có thể sử dụng kết quả xét nghiệm của cơ sở khám chữa bệnh khác, một số xét nghiệm không phải làm lại sẽ tránh được lãng phí. Chỉ cần giảm được 1% số xét nghiệm thì mỗi năm chỉ tính riêng số xét nghiệm không phải thực hiện tại các BV đã là khoảng 4,75 triệu lượt. Nếu tính trung bình mỗi xét nghiệm có giá 50.000 đồng thì chúng ta đã tiết kiệm được khoảng 237,5 tỉ đồng.

Hiện nay, máy móc xét nghiệm, hóa chất xét nghiệm của các BV được đầu tư khác nhau, nhân lực làm xét nghiệm trình độ khác nhau nên kết quả khó đồng đều. Với bệnh nhân nặng, bệnh khó, bác sĩ chỉ căn cứ vào kết quả xét nghiệm của BV bạn để chỉ định điều trị, nếu không may có rủi ro, biến cố thì sẽ quy trách nhiệm như thế nào?

Theo nguyên tắc, việc liên thông kết quả xét nghiệm chỉ áp dụng cho một số xét nghiệm có thể liên thông được, khi kết quả xét nghiệm đó có giá trị trong một thời gian nhất định. BV đó chỉ sử dụng và công nhận kết quả xét nghiệm của BV khác mà phòng xét nghiệm của BV khác đó có mức chất lượng tương đương hoặc cao hơn, BV xét nghiệm cho người bệnh là nơi chịu trách nhiệm về dịch vụ xét nghiệm do mình thực hiện. Như vậy, độ chính xác và độ tin cậy cũng sẽ tương đương hoặc cao hơn. Đặc biệt quan trọng là trong quá trình thực hiện, quyền chỉ định xét nghiệm vẫn do bác sĩ. Việc chỉ định xét nghiệm phải dựa trên tình trạng cụ thể của người bệnh chứ không liên thông một cách cứng nhắc. Do đó, tôi khẳng định, liên thông để tốt hơn cho chất lượng điều trị, kiểm soát lạm dụng chứ không phải nhằm mục đích cắt giảm xét nghiệm, ảnh hưởng đến người bệnh.

Cục có yêu cầu các BV phải ngoại kiểm (kiểm chuẩn xét nghiệm) đảm bảo chính xác cho xét nghiệm chẩn đoán, nhưng lâu nay hầu như chỉ siết BV công lập, các đơn vị tư nhân có thực hiện kiểm chuẩn không, thưa ông?

Kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm bao gồm nội kiểm và ngoại kiểm. Nội kiểm là do chính phòng xét nghiệm đó thực hiện theo từng thiết bị xét nghiệm. Ngoại kiểm là kiểm soát chất lượng, đối chiếu và so sánh kết quả xét nghiệm với kết quả của phòng xét nghiệm khác trên cùng một mẫu, so sánh với kết quả xét nghiệm của phòng xét nghiệm tham chiếu trong nước hoặc quốc tế. Việc thực hiện nội kiểm và ngoại kiểm là rất cần thiết để bảo đảm độ chính xác và tin cậy của xét nghiệm. Các phòng xét nghiệm thuộc cơ sở khám chữa bệnh công lập hay tư nhân đều phải thực hiện nội kiểm và tham gia các chương trình ngoại kiểm. Hiện nay, trong nước đã thành lập 3 trung tâm kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm để giúp các phòng xét nghiệm thực hiện việc này, mỗi năm thực hiện gần 4.000 lượt chương trình ngoại kiểm cho các phòng xét nghiệm. Số các BV công và BV tư tham gia tăng đều qua các năm. Thông qua báo cáo của các trung tâm kiểm chuẩn, Bộ Y tế sẽ biết được việc tuân thủ của các BV, từ đó tiếp tục có chỉ đạo thực hiện kiểm chuẩn xét nghiệm nghiêm túc hơn (Thanh niên, trang 14).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang