Vụ án Công ty Việt Á: Giám đốc CDC Bắc Giang nhận 2 sổ tiết kiệm 5 tỷ đồng
Quá trình điều tra hành vi của Phan Quốc Việt (Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Việt Á) chi tiền cho lãnh đạo một số địa phương để được cung ứng kit test Covid-19 và các sinh phẩm khác. Qua đó, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã vạch trần hành vi phạm tội của lãnh đạo một số đơn vị tại tỉnh Bắc Giang.
Mua bán lòng vòng, nâng giá kit test
Theo các văn bản và quyết định của UBND tỉnh Bắc Giang, thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Bắc Giang là một trong các đơn vị chịu trách nhiệm mua sắm vật tư, trang thiết bị, hóa chất xét nghiệm. Sau khi được hỗ trợ 200 kit test Covid-19, ông Đặng Thanh Minh (lúc đó là Giám đốc CDC Bắc Giang) đã chỉ đạo cấp dưới liên hệ với Công ty Việt Á xin hỗ trợ thêm, nhưng Phan Quốc Việt từ chối và đề nghị phải ký hợp đồng mua kit test. Sau khi ký hợp đồng vay 300 kit test, ông Minh tiếp tục có tờ trình kèm hồ sơ để xin cấp kinh phí mua bổ sung nhiều loại vật tư, trong đó có 2.000 kit test.
Trên cơ sở các quyết định giao dự toán kinh phí, ông Minh tiếp tục ký tờ trình đề nghị các cấp phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu gói thầu “mua sắm vật tư, hóa chất, sinh phẩm y tế” của CDC Bắc Giang, trong đó gồm 2.000 kit test do Việt Á sản xuất, với đơn giá hơn 509.000 đồng/kit, tổng trị giá hơn 1 tỷ đồng qua hình thức chỉ định thầu.
Trong quá trình thực hiện, ông Minh chỉ đạo cấp dưới thông qua công ty thẩm định giá ban hành chứng thư thẩm định theo giá Việt Á đưa ra để sử dụng hợp thức hồ sơ trình UBND tỉnh Bắc Giang phê duyệt cấp kinh phí và đấu thầu. Sau khi CDC Bắc Giang ký hợp đồng với Việt Á, Phan Huy Văn (Giám đốc Công ty Phan Anh - đơn vị đã cung cấp các sản phẩm y tế cho CDC Bắc Giang trước đó) gặp ông Minh đặt vấn đề xin cung cấp kit test do Việt Á sản xuất. Ông Minh đồng ý nhưng yêu cầu phải có giấy ủy quyền của Việt Á mới đáp ứng hồ sơ thầu. Để đáp ứng được điều kiện trên, ông Văn đã liên hệ, trao đổi và được Việt Á đồng ý, ký văn bản ủy quyền cho doanh nghiệp của Văn cung cấp kit test trên địa bàn Bắc Giang.
Từ đây, CDC Bắc Giang không mua trực tiếp kit test từ Việt Á mà ứng kit test của Việt Á thông qua Công ty Phan Anh. Về việc này, C03 làm rõ, từ tháng 4-2020 đến 11-2020, ông Minh đã chỉ đạo ứng trước sản phẩm của Công ty Phan Anh, sau đó thông qua các công ty thẩm định giá phát hành chứng thư thẩm định giá bằng đơn giá kit test do Công ty Phan Anh yêu cầu để hợp thức hồ sơ thầu và thanh toán 2 hợp đồng trị giá 6,1 tỷ đồng. Cuối năm 2020, ông Lâm Văn Tuấn được bổ nhiệm làm Giám đốc CDC Bắc Giang thay ông Đặng Thanh Minh. Quá trình này, C03 làm rõ, ông Tuấn tiếp tục thống nhất với ông Văn về việc ứng trước kit test và hợp thức thủ tục thanh toán, hợp thức hồ sơ đấu thầu như giai đoạn của ông Đặng Thanh Minh đối với 8 gói thầu, tổng trị giá hơn 142 tỷ đồng. Trong quá trình thực hiện các gói thầu, CDC Bắc Giang đã tự thông đồng, hợp thức hồ sơ với Việt Á, Công ty Phan Anh, các công ty thẩm định giá. Trong quá trình này, UBND tỉnh Bắc Giang, các sở ngành không can thiệp, không tác động, không biết CDC Bắc Giang chỉ định, ký hợp đồng, hợp thức hồ sơ đấu thầu.
C03 xác định, từ tháng 7-2020 đến 12-2021, Công ty Phan Anh đã mua 2 loại kit test của Việt Á (đơn giá gần 315.000 đồng/kit và loại hơn 274.000 đồng/kit), tổng trị giá hơn 194 tỷ đồng. Công ty Phan Anh đã thanh toán cho Việt Á hơn 174 tỷ đồng. Sau đó, Công ty Phan Anh bán lại kit test cho CDC Bắc Giang qua 10 gói thầu với giá 2 loại lần lượt là hơn 326.000 đồng và 274.000 đồng, thu về hơn 22,7 tỷ đồng.
Nhận 2 sổ tiết kiệm 5 tỷ đồng
Theo tài liệu từ C03, khoảng tháng 5-2021, dịch Covid-19 bùng phát trở lại ở Bắc Giang. Do thời điểm này trên thị trường có nhiều đơn vị cung cấp kit test có giá thấp hơn giá của Việt Á, để tránh việc cạnh tranh như đã xảy ra tại tỉnh Hải Dương, ngày 13-5-2021, Phan Quốc Việt cùng Vũ Đình Hiệp (Phó Tổng Giám đốc Việt Á) đến Công ty Phan Anh, gặp và trao đổi với Phan Huy Văn về chính sách bán hàng của Việt Á. Phan Quốc Việt nói với Văn, mặc dù CDC Bắc Giang có nhờ Việt Á hỗ trợ chống dịch nhưng việc bán hàng sẽ chỉ bán cho CDC Bắc Giang thông qua Công ty Phan Anh, chứ không bán trực tiếp cho CDC Bắc Giang.
Việt và Văn thống nhất, Việt Á sẽ chi tiền phần trăm ngoài hợp đồng cho Công ty Phan Anh theo tỷ lệ 40% trị giá hợp đồng nếu Công ty Phan Anh nhận hàng hóa là kit test; chi tỷ lệ 30% nếu Công ty Phan Anh nhận bằng tiền. Sau đó, Văn đưa Việt và Hiệp đến CDC Bắc Giang để gặp ông Lâm Văn Tuấn. Tại đây, Việt chỉ trao đổi với Tuấn, Công ty Việt Á sẽ thực hiện vai trò kỹ thuật của Công ty Phan Anh, còn việc bán hàng do Công ty Phan Anh thực hiện. Việt Á sẽ hỗ trợ CDC Bắc Giang trong việc cử nhân viên kỹ thuật và máy xét nghiệm để nâng công suất xét nghiệm.
Theo tài liệu điều tra, quá trình Việt Á chi tiền phần trăm ngoài hợp đồng cho Công ty Phan Anh, Việt làm việc và cho Phan Thị Khánh Vân (chị ruột Phan Huy Văn) số điện thoại của Phan Tôn Noel Thảo (Kế toán trưởng Công ty Việt Á) để đối chiếu số lượng đơn hàng, chốt số tiền phần trăm chiết khấu thực tế. Theo yêu cầu của Vân, Hồ Thị Thanh Thảo (Thủ quỹ Công ty Việt Á) đã sử dụng tài khoản cá nhân để 7 lần chuyển gần 50 tỷ đồng tiền phần trăm ngoài hợp đồng giữa Công ty Phan Anh và Việt Á cho Vân.
C03 làm rõ, sau khi nhận tiền, Phan Thị Khánh Vân đã nhờ người thân đứng tên để gửi tiết kiệm hơn 25 tỷ đồng. Vân đã đưa cho Lâm Văn Tuấn 2 sổ tiết kiệm tổng trị giá 5 tỷ đồng. Sau khi biết C03 khởi tố vụ án, Lâm Văn Tuấn đã trả lại Vân 2 sổ tiết kiệm trên (Sài Gòn giải phóng, trang 7).
Hà Nội ưu tiên hoàn thành 4 bệnh viện đa khoa lớn tại các cửa ngõ vào năm 2025
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn mới ký ban hành Kế hoạch số 216/KH-UBND về việc thực hiện Chương trình hành động số 25 của Thành ủy Hà Nội thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Theo kế hoạch, Hà Nội phấn đấu tỷ lệ đô thị hóa dự kiến đến năm 2025 đạt khoảng 60-62%, đến năm 2030 đạt khoảng 65-75%. Đến năm 2025 hoàn thành 100% các quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch phân khu vệ tinh, quy hoạch phân khu xây dựng các khu chức năng, quy hoạch chi tiết các khu vực cải tạo, tái thiết các khu chung cư cũ, chương trình cải tạo, chỉnh trang, tái thiết và phát triển đô thị trên địa bàn.
Phấn đấu tỷ lệ đất giao thông đô thị trên đất xây dựng đô thị đến năm 2025 đạt từ 12-15%, đến năm 2030 đạt tỷ lệ 15-20%. Tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đạt khoảng 30-35% đến năm 2025, đến năm 2030 đạt khoảng 45-50%.
Tỷ lệ đất giao thông đô thị (bao gồm giao thông tĩnh) trên đất xây dựng đô thị đến năm 2025 đạt từ 12%-15%, đến năm 2030 đạt tỷ lệ 15%-20%; vận tải hành khách công cộng đạt khoảng 30-35% đến năm 2025, đến năm 2030 đạt khoảng 45-50%; Diện tích cây xanh bình quân trên mỗi người dân đô thị đến năm 2025 đạt khoảng 7,8-8,1 m2/người, đến năm 2030 đạt khoảng 12-14m2/người;
Diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người tại khu vực đô thị đạt 31 m2/người vào năm 2025, đến năm 2030 đạt 33m2/người..
Đáng chú ý, Hà Nội cũng sẽ cải tạo, nâng cấp và đầu tư xây dựng mới các bệnh viện, trong đó ưu tiên hoàn thành sớm 4 bệnh viện đa khoa lớn tại các cửa ngõ Thủ đô, hoàn thành chỉ tiêu 30- 35 giường bệnh/vạn dân vào năm 2025.
Tăng tổng số lượng giường bệnh của các cơ sở y tế (tại các trung tâm y tế chuyên sâu, bệnh viện đa khoa các cấp) đến năm 2025 dự kiến đạt khoảng 21.880 giường bệnh, đến năm 2030 khoảng 24.380 giường bệnh. Phấn đấu tỷ lệ số giường bệnh của các cơ sở y tế cấp đô thị trên 1000 dân đến năm 2025 là 2,8 đến năm 2030 là 3,2 và tối thiểu 15 bác sĩ/10.000 dân; đồng thời gắn với việc phát triển nguồn nhân lực đảm bảo việc vận hành khi hoàn thành đầu tư.
Tăng số lượng các trường trung học công lập và công lập tự chủ đến năm 2025 khoảng 135- 140 trường, đến năm 2030 khoảng 150 trường; Tăng số lượng các trường Tư thục đến năm 2025 khoảng 112- 116 trường, đến năm 2030 khoảng 125-130 trường...
Phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2025 cao hơn mức tăng bình quân chung của cả nước; GRDP giai đoạn 2026 - 2030 tăng 8,0 - 8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt 12.000 - 13.000 USD; tỷ trọng ngành công nghiệp văn hóa trong GRDP đến năm 2025 là 5%, đến năm 2030 là 8%; tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025 là 70%, đến năm 2030 là 80%.
Đến năm 2050, hoàn thành đầu tư xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội theo Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045 và tầm nhìn đến năm 2065; hệ thống đô thị - nông thôn được liên kết theo mạng lưới hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thông minh và đảm bảo bền vững; hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ được xác định tại Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị (An ninh thủ đô, trang 3).
Số ca mắc uốn ván ở Hà Nội tăng gấp 3, đã có 2 người tử vong
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, trong tuần vừa qua (từ 11 đến 18-8), trên địa bàn thành phố vừa ghi nhận thêm 3 bệnh nhân mắc uốn ván chỉ vì chủ quan với những vết xước nhỏ.
Trường hợp thứ nhất là nam bệnh nhân 65 tuổi, ở huyện Ba Vì, Hà Nội. Bệnh nhân va phải cạnh bê tông cứng dưới ruộng bùn và bị thương ở gan bàn chân phải, sưng nề, tự rửa vết thương và uống kháng sinh nhưng không tiêm phòng uốn ván.
Sau vài ngày, ông này thấy đau nhức nhiều tại vết thương, cứng nhẹ cơ hàm, nói khó, ăn uống kém, đi khám tại Bệnh viện Quân y 105 và được chẩn đoán uốn ván. Bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương điều trị.
Ca thứ hai là nam bệnh nhân 50 tuổi, cũng ở huyện Ba Vì. Bệnh nhân va vào đinh sắt ở chuồng thỏ và bị xước da, chảy máu vùng mu bàn tay phải nhưng không tiêm phòng uốn ván. Sau khi xuất hiện cứng hàm, mỏi miệng, nuốt sặc, bệnh nhân được người nhà đưa vào Bệnh viện Bạch Mai và được chẩn đoán mắc uốn ván.
Ca thứ ba là nữ bệnh nhân 77 tuổi, ở huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Trước khi vào viện 7 ngày, trong khi di chuyển trên mặt đường, bệnh nhân bị vấp và một ngón chân quệt xuống mặt đường. Vết thương ở ngón chân sưng lên nhưng bệnh nhân không tiêm phòng uốn ván.
Sau đó, bệnh nhân xuất hiện tình trạng cứng hàm, khó há miệng, ăn uống rơi vãi..., được người nhà đưa vào Bệnh viện Bạch Mai và được chẩn đoán mắc uốn ván.
Tính từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 18 trường hợp mắc uốn ván, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ 2022, trong đó có 2 ca tử vong.
Theo các bác sĩ, uốn ván là bệnh nguy hiểm. Người dân có thể mắc bệnh chỉ qua một vết xước hay vết thương nhỏ trên da trong quá trình sinh hoạt, lao động. Giải pháp hữu hiệu nhất để phòng uốn ván là tiêm vaccine uốn ván (An ninh thủ đô, trang 3).
Vụ xe cứu thương thu giá cao: Công ty chưa thực hiện kê khai giá thu theo quy định
Lãnh đạo Sở Y tế TPHCM cho biết đã yêu cầu các phòng chức năng có liên quan rà soát quy trình thẩm định cấp phép, danh mục kỹ thuật và kê khai giá của Công ty TNHH Vận chuyển 115 Xuyên Việt và xử lý đúng theo quy định nếu công ty có sai phạm.
Liên quan đến vệt thông tin Báo SGGP (đăng từ ngày 15 đến ngày 19-8) phản ánh tình trạng cơ sở vận chuyển cấp cứu 115 thu giá vận chuyển quá cao, gây khó khăn cho người dân, đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn, ngày 21-8, lãnh đạo Sở Y tế TPHCM cho biết đã yêu cầu các phòng chức năng có liên quan rà soát quy trình thẩm định cấp phép, danh mục kỹ thuật và kê khai giá của Công ty TNHH Vận chuyển 115 Xuyên Việt (Cơ sở vận chuyển 115 Xuyên Việt) và xử lý đúng theo quy định nếu công ty có sai phạm.
Qua rà soát, Phòng Quản lý dịch vụ y tế - Sở Y tế cho biết cơ sở vận chuyển 115 Xuyên Việt được Sở Y tế thẩm định đủ điều kiện và cấp phép cung ứng dịch vụ cấp cứu, hỗ trợ vận chuyển người bệnh theo Nghị định 155/2018/NĐ-CP lần đầu tại địa chỉ 37H/4B Phú Thọ, phường 1, quận 11 vào năm 2016.
Sau đó, cơ sở xin chuyển sang địa chỉ 219/6 Âu Dương Lân Lân phường 3, quận 8 và được cấp phép lại lần thứ hai vào tháng 2-2023.
Cơ sở vận chuyển 115 Xuyên Việt được Sở Y tế cho phép thực hiện 49 kỹ thuật liên quan đến sơ, cấp cứu người bệnh.
Theo quy định, cơ sở tư nhân được quyền quyết định giá thu đối với dịch vụ kỹ thuật được cấp phép nhưng phải thực hiện kê khai giá thu theo quy định với Sở Y tế, phải công khai và niêm yết giá thu dịch vụ cho người dân, người bệnh được biết để thỏa thuận, lựa chọn dịch vụ cũng như góp ý về giá khi sử dụng dịch vụ.
Qua rà soát, Phòng Kế hoạch tài chính - Sở Y tế cho biết Công ty TNHH Vận chuyển 115 Xuyên Việt chưa thực hiện kê khai giá thu theo quy định với Sở Y tế. Lãnh đạo Sở Y tế đã yêu cầu Thanh tra Sở kiểm tra hoạt động và giá thu của Công ty TNHH Vận chuyển 115 Xuyên Việt và xử lý đúng theo quy định nếu công ty có sai phạm.
Theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục tăng cường các giải pháp quản lý nhà nước về hoạt động vận chuyển người bệnh cấp cứu trên địa bàn, phối hợp các cơ quan chức năng tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát việc cấp phép hành nghề, hậu kiểm và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm hành chính đối với các cơ sở dịch vụ cấp cứu, hỗ trợ vận chuyển người bệnh trên địa bàn thành phố; hướng dẫn các cơ sở tư nhân đã được cấp phép hoạt động về việc kê khai giá dịch vụ cấp cứu, hỗ trợ vận chuyển người bệnh theo đúng quy định của Luật Giá.
Hiện, Sở Y tế đang xây dựng phần mềm quản lý việc kê khai giá các dịch vụ khám chữa bệnh, thời gian tới các cơ sở sẽ tự kê khai giá qua phần mềm, qua đó sẽ giúp cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát giá một cách hiệu quả hơn, phát hiện được các trường hợp kê khai giá cao bất thường.
“Sở Y tế sẽ kiến nghị thành lập Hội đồng thẩm định các trường hợp kê khai giá cao bất thường, Hội đồng thẩm định sẽ có trách nhiệm xem xét, đề xuất và báo cáo UBND TPHCM đối với các trường hợp này; đồng thời đề xuất UBND TPHCM đưa nội dung kiểm tra yếu tố hình thành giá đối với giá thu dịch vụ kỹ thuật khám chữa bệnh (bao gồm giá thu vận chuyển cấp cứu) để phục vụ công tác quản lý, điều hành giá của thành phố”, PGS-TS Tăng Chí Thượng thông tin và khuyến cáo, người dân cần nâng cao nhận thức về quyền lợi của mình khi sử dụng dịch vụ vận chuyển cấp cứu và phản ánh kịp thời các trường hợp đơn vị vận chuyển cấp cứu thu giá quá cao đến Thanh tra Sở Y tế qua số đường dây 098.940.1155 (Sài Gòn giải phóng, trang 7).
Việt Nam cử đại diện ứng cử vị trí giám đốc khu vực của WHO
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom vừa thông báo danh sách 5 ứng cử viên cho vị trí Giám đốc Văn phòng khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO nhiệm kỳ 2024 - 2029, trong đó có PGS.TS. BS Trần Thị Giáng Hương.
Trước đó, Chính phủ Việt Nam quyết định đề cử PGS.TS.BS Trần Thị Giáng Hương vào vị trí trên và Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã chính thức gửi thư đề cử tới Tổng Giám đốc WHO. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có ứng cử viên vào vị trí quan trọng này của WHO.
PGS.TS.BS Trần Thị Giáng Hương là chuyên gia về y tế công cộng và sức khỏe toàn cầu với bề dày hơn 32 năm công tác, đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng trong ngành y tế, như: Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Y tế; Trưởng SOM ASEAN về Phát triển y tế (SOMHD); Trưởng nhóm Công tác về Y tế của diễn đàn APEC; Thành viên dự khuyết của Hội đồng Chấp hành WHO, nhiệm kỳ 2016 - 2019. Từ tháng 7/2019 đến nay, PGS.TS.BS Trần Thị Giáng Hương là Giám đốc các chương trình kiểm soát bệnh tật của Văn phòng khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO. Theo quy định của WHO, các ứng cử viên sẽ trải qua cuộc tham vấn với những quốc gia thành viên và sau đó là cuộc bỏ phiếu kín trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 74 của Ủy ban khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO, diễn ra từ 16 - 20/10 tới tại Manila, Philippines (Tiền phong, trang 2).
Đà Nẵng: Bệnh nhân phải chờ đợi dài ngày để chụp CT
Tại Đà Nẵng, các bệnh nhân có nhu cầu chụp CT đang phải chờ đợi dài ngày, thậm chí có thời điểm phải đợi 4 tuần vì thiếu thiết bị. “Tôi từ Quảng Ngãi một mình lặn lội ra đây, tưởng làm trong một ngày là xong, cùng lắm thì qua ngày mai nhưng nhận phiếu hẹn 10 ngày sau ra lại mới được chụp CT. Một lần đi một lần vất vả, tốn kém”, ông N.V. (65 tuổi, quê Quảng Ngãi) bệnh nhân Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng chia sẻ.
Không chỉ ông V. mà rất nhiều trường hợp khác phải dài cổ chờ cả chục ngày trời mới được chụp CT tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng. Những người bệnh ở tận Kon Tum, Đắk Lắk, Gia Lai… kêu trời khi nhận giấy hẹn.
Tại khu vực chụp X-quang, chưa hết buổi sáng, nhiều bệnh nhân đã bốc số thứ tự hơn 200, phải đợi đến chiều mới được chụp. Khu nội soi người đứng kẻ ngồi vạ vật, một số thất thểu ra về vì không được thực hiện trong ngày.
Bác sĩ Trần Tứ Quý, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng cho hay sau dịch, nhu cầu thăm khám của người dân rất cao. Bệnh viện vừa thiếu máy móc, trang thiết bị, vừa thiếu nhân lực nên người bệnh phải chờ đợi rất lâu. “Từ sau dịch COVID-19 đến nay hệ thống y tế tư nhân phát triển và thu hút nhân lực rất mạnh, chế độ đãi ngộ tốt nên nhiều bác sĩ chuyển ra ngoài làm. Thành thử bây giờ hầu như khoa nào cũng thiếu nhân lực, trong khi khối lượng công việc lại quá lớn”, bác sĩ Quý nói và cho biết thêm, bệnh viện đang có kế hoạch tuyển thêm 10 bác sĩ để bổ sung vào nguồn nhân lực thiếu hụt.
Theo bác sĩ Quý, bệnh nhân phải chờ 10 ngày để chụp CT, MRI là đã… giảm bớt thời gian so với cách đây mấy tháng. Từ cuối năm 2022, ba máy chủ lực gồm 2 máy CT và 1 máy MRI hư hỏng cùng lúc nên bệnh nhân phải đợi đến 4 tuần hoặc chuyển sang các bệnh viện khác chụp. Đến tháng 6 năm nay các máy móc này đã sửa xong, tuy nhiên bệnh nhân cũng phải đợi 10 ngày do số lượng quá nhiều. Theo quy định của Bộ Y tế, mỗi ngày máy chụp CT chụp khoảng hơn 40 ca, song bệnh viện đã chụp gấp đôi vẫn không thể phục vụ hết bệnh nhân. “Bệnh viện đang xin thành phố mua thêm 1 máy chụp CT, 1 máy MRI, 1 máy chụp phim vú để sớm giải quyết tình trạng quá tải, bệnh nhân phải chờ đợi dài ngày”, bác sĩ Quý thông tin.
Chuyển nhiều ca mổ vì thiếu vật tư
Trong khi đó, tại Bệnh viện Đà Nẵng, rất nhiều ca bị gãy tay, chân phải chuyển sang bệnh viện khác do thiếu thiết bị, vật tư y tế. Bác sĩ Lê Đức Nhân, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng chia sẻ, từ đầu năm tới nay bệnh viện đã phải chuyển nhiều ca mổ sang bệnh viện khác do thiếu trang thiết bị, vật tư y tế. Trường hợp bệnh nhân không phải mổ cấp cứu, thì căn cứ vào tình trạng sức khỏe có thể chờ đợi đến khi có vật tư để bệnh viện sắp xếp lịch mổ.
Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng cho biết thêm, hiện các gói thầu mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế đang được triển khai. Trong khoảng vài tuần nữa sẽ có vật tư, sinh phẩm, trang thiết bị…để xử lý các ca bệnh, phục vụ bệnh nhân (Tiền phong, trang 15).
Hồ sơ ít biết về nhóm Bông Hồng Đen trong vụ lấy máu học sinh để xét nghiệm
Ngày 22/8, Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế thông tin chi tiết về vụ Bông Hồng Đen – Cầu Vồng Đen triển khai xét nghiệm HIV cho học sinh tại quận Đồ Sơn, Hải Phòng. Vậy Bông Hồng Đen là tổ chức nào?
Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS, đây là một nhóm tự lực thường được gọi là tổ chức dựa vào cộng đồng, được hình thành trên cơ sở tự nguyện của các thành viên và tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS từ tháng 8/2011.
Nhóm Bông Hồng Đen - Cầu Vồng Đen hiện đang triển khai hoạt động của dự án “Bảo vệ tương lai - Tăng cường các can thiệp mới dựa vào cộng đồng nhằm kiểm soát lây nhiễm HIV trong nhóm thanh niên sử dụng ma túy tại Việt Nam” tại phường Hải Sơn, quận Đồ Sơn, Hải Phòng.
Ngoài ra, nhóm Bông Hồng Đen – Cầu Vồng Đen còn triển khai một số hoạt động phòng, chống HIV/AIDS thuộc Dự án phòng, chống HIV/AIDS của VUSTA do Quỹ toàn cầu phòng, chống AIDS, Lao và Sốt rét tài trợ giai đoạn 2021-2023.
Các hoạt động của nhóm Bông Hồng Đen - Cầu Vồng Đen liên quan đến dự án “Bảo vệ tương lai - Tăng cường các can thiệp mới dựa vào cộng đồng nhằm kiểm soát lây nhiễm HIV trong nhóm thanh niên sử dụng ma túy tại Việt Nam” bao gồm: Tiếp cận và can thiệp khách hàng là người sử dụng ma túy trong độ tuổi từ 16-24 tham gia nghiên cứu, với các hoạt động: Sàng lọc hành vi các khách hàng đăng ký tham gia nghiên cứu; tư vấn và xét nghiệm HIV cho khách hàng...
Các hoạt động của nhóm Bông Hồng Đen - Cầu Vồng Đen liên quan đến Dự án phòng, chống HIV/AIDS của VUSTA do Quỹ toàn cầu tài trợ giai đoạn 2021-2023 bao gồm: Tiếp cận khách hàng nhóm có hành vi nguy cơ cao như người quan hệ tình dục đồng giới (MSM), người bán dâm, người tiêm chích ma túy để truyền thông về kiến thức và dịch vụ HIV/AIDS, xét nghiệm HIV tại cộng đồng hoặc cung cấp sinh phẩm tự xét nghiệm, giới thiệu khách hàng xét nghiệm HIV âm tính đến các dịch vụ dự phòng như điều trị dự phòng trước phơi nhiễm bằng thuốc kháng HIV (PrEP), hỗ trợ người xét nghiệm sàng lọc HIV có phản ứng đi làm xét nghiệm khẳng định HIV dương tính tại cơ sở y tế, chuyển gửi người nhiễm HIV đến cơ sở điều trị ARV, hỗ trợ khách hàng tuân thủ điều trị ARV và PrEP...
Nhóm Bông Hồng Đen - Cầu Vồng Đen có 5 thành viên, trong đó có một thành viên đã tham gia lớp tập huấn về tư vấn xét nghiệm HIV tại cộng đồng.
Cục Phòng, chống HIV/AIDS thông tin, theo báo cáo ban đầu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hải Phòng và Tổ chức SCDI, nhóm Bông Hồng Đen đã sử dụng sinh phẩm xét nghiệm nhanh lấy máu đầu ngón tay để làm xét nghiệm tương tự như xét nghiệm theo dõi đường huyết. Bên cạnh đó, nhóm còn sử dụng sinh phẩm tự nghiệm bằng dịch miệng. Đây là kỹ thuật sử dụng dịch miệng để làm xét nghiệm sàng lọc HIV.
Hai kỹ thuật xét nghiệm trên đã được Tổ chức Y tế thế giới khuyến nghị làm xét nghiệm tại cộng đồng bao gồm xét nghiệm không chuyên và tự xét nghiệm.
Ngoài ra, trong kế hoạch hoạt động được nhà tài trợ đồng ý có hỗ trợ chi trả cho người tham gia nhận dịch vụ tư vấn xét nghiệm là 100.000 đồng. Do đó, việc nhóm chi trả cho người tham gia xét nghiệm đúng với đề cương của dự án được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
"Việc nhóm Bông Hồng Đen triển khai cung cấp một số dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng là phù hợp với chủ trương đã nêu tại Chiến lược quốc gia về chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Việc xét nghiệm HIV tại cộng đồng không có nguy cơ làm lây nhiễm HIV từ người xét nghiệm HIV sang người được xét nghiệm HIV", Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết.
Tuy nhiên, đơn vị này kiến nghị tạm dừng hoạt động của nhóm Bông Hồng Đen để thu thập thông tin xác minh sự việc xảy ra vừa qua.
Đồng thời, đề nghị Sở Y tế và CDC Hải Phòng quán triệt các tổ chức cộng đồng tham gia phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, quy trình chuyên môn, xét nghiệm đúng đối tượng có hành vi nguy cơ trên nguyên tắc tự nguyện.
Bên cạnh đó, CDC Hải Phòng tư vấn cho các gia đình, phụ huynh và các cháu đã được xét nghiệm tại nhóm Bông Hồng Đen để cung cấp thêm các thông tin HIV và các vấn đề gia đình đang quan tâm, lo lắng...
Trước đó, ngày 18/8, một số phụ huynh phản ánh, tại căn nhà số 44 đường Nguyễn Hữu Cầu, phường Hải Sơn, TP Hải Phòng, có một nhóm phụ nữ lấy máu hàng loạt học sinh không rõ mục đích. Mỗi cháu đến lấy máu xét nghiệm được bồi dưỡng 100.000 đồng, đã gây hoang mang cho nhiều phụ huynh, học sinh (Công an nhân dân, trang 8).
TP.HCM lên kế hoạch chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người dân
Sở Y tế TP.HCM đã trình UBND TP.HCM về việc phê duyệt kế hoạch định hướng về chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người dân TP.HCM giai đoạn từ nay đến năm 2025 và những năm tiếp theo.
Theo tờ trình, đến năm 2025 có 90% người dân TP.HCM nhận biết và dự phòng, phát hiện sớm, can thiệp sớm các vấn đề rối loạn tâm thần và phục hồi sức khoẻ tâm thần. Đến năm 2030, 100% bệnh viện (BV) đa khoa và trung tâm y tế quận, huyện, TP.Thủ Đức hoàn thiện, đáp ứng năng lực cung cấp dịch vụ chăm sóc và hỗ trợ các vấn đề khẩn cấp về sức khoẻ tâm thần cho người dân…
Những con số đáng lưu tâm
Tại VN, theo số liệu công bố của Bộ Y tế, tỷ lệ mắc 10 rối loạn tâm thần thường gặp là 14,9% dân số, nghĩa là có gần 15 triệu người bị ảnh hưởng. Tỷ lệ tâm thần phân liệt chiếm 0,47% dân số; trong khi trầm cảm, lo âu chiếm tỷ lệ cao hơn rất nhiều, từ 5 - 6% dân số. Số còn lại là các rối loạn tâm thần khác như rối loạn lưỡng cực, rối loạn tâm thần liên quan sử dụng rượu bia, ma túy và các chất gây nghiện khác.
Số liệu của năm 2019 cho thấy trẻ vị thành niên có vấn đề sức khỏe tâm thần chiếm 8 - 9%. Điều này cho thấy rối loạn tâm thần là một gánh nặng đáng kể ở trẻ vị thành niên VN. Cùng với đó, một khảo sát về dịch tễ học ở 10 tỉnh, TP cho thấy tỷ lệ có vấn đề tâm thần ở trẻ em khoảng 12%, nghĩa là hơn 3 triệu trẻ em cần được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần.
Những vấn đề tâm thần thường gặp nhất tại VN là rối loạn lo âu, trầm cảm, tăng động và giảm tập trung. Năm 2020, Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) đã thực hiện khảo sát với 402 học sinh từ 11 - 17 tuổi và cho tỷ lệ vấn đề sức khỏe tâm thần ở trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên tại VN là 8 - 29%.
Theo Sở Y tế, năm 2022, BV Tâm thần TP.HCM tiếp nhận tổng cộng 170.000 lượt khám, trung bình 800 - 1.000 lượt khám/ngày. Trong đó, các rối loạn lo âu và rối loạn khí sắc chiếm tỷ lệ cao nhất, tương đương 35,67% và 24,95%.
Hình thành mạng lưới chăm sóc, quản lý người bệnh
Theo đánh giá của Sở Y tế TP.HCM, đến nay mạng lưới khám chữa bệnh ngoại trú về tâm thần đã triển khai tại tất cả 22 quận, huyện và TP.Thủ Đức, đến 310 trạm y tế phường, xã. Hiện các cơ sở này đang chăm sóc và quản lý khoảng 11.000 bệnh nhân tâm thần phân liệt và 8.000 bệnh nhân động kinh, cùng các loại rối loạn khác cũng được chăm sóc và quản lý. Ngành y tế TP.HCM hình thành mạng lưới chăm sóc, quản lý người bệnh tâm thần từ BV chuyên khoa đầu ngành đến trạm y tế phường, xã.
BV Tâm thần TP.HCM đã triển khai tập huấn cho cán bộ phụ trách sức khỏe trường học nói chung về cách nhận biết những dấu hiệu liên quan đến tăng động giảm chú ý, rối loạn phổ tự kỷ, rối loạn hành vi cư xử, chậm phát triển tâm thần - vận động, rối loạn lo âu, trầm cảm... ở trẻ em. TP.HCM còn có hệ thống các trường, trung tâm công lập và tư nhân chuyên biệt dành cho các trẻ rối loạn phát triển, khuyết tật tâm thần.
Đặc biệt, hậu Covid-19, từ tháng 8.2022, TP.HCM triển khai loại hình dịch vụ "cấp cứu trầm cảm". Cụ thể, khi phát hiện một người có các biểu hiện và dấu hiệu của rối loạn trầm cảm nặng, có ý định tự sát thì gọi ngay đến số 115 (số trực cấp cứu của Trung tâm cấp cứu 115) hoặc số 19001267 (số điện thoại chăm sóc khách hàng của BV Tâm thần TP.HCM). Đến nay đã có 180 cuộc gọi nhờ "cấp cứu trầm cảm" và đã có 40 người được đưa đến BV Tâm thần điều trị (Thanh niên, trang 15).