Bỏ hộ khẩu trong tuyển dụng viên chức ngành y tế: Rộng mở tuyển chọn nguồn nhân lực
Bắt đầu từ ngày 1-11-2017, các bệnh viện (BV) công lập trên địa bàn TPHCM có thể tuyển dụng bác sĩ, nhân viên y tế mà không cần có hộ khẩu thường trú tại TPHCM.
Phù hợp với nhu cầu thực tế
Từ lâu, quy định nhân lực y tế phải có hộ khẩu TPHCM mới được tuyển dụng đã gây nhiều khó khăn cho các BV công lập. Quy định này khiến cho những bác sĩ có trình độ tay nghề giỏi và những sinh viên y khoa từ các tỉnh sau khi tốt nghiệp đã chuyển hướng sang làm việc tại các cơ sở y tế tư nhân, khiến các BV công luôn trong tình trạng thiếu nguồn tuyển.
Việc UBND TP quyết định bỏ điều kiện “có hộ khẩu thường trú tại TPHCM” trong tuyển dụng y bác sĩ là điều kiện thuận lợi để các BV công lập tuyển dụng nhân sự có chất lượng, là cơ hội cho các BV thuộc khu vực vùng sâu vùng xa của TP (như Củ Chi, Cần Giờ, Nhà Bè...) tuyển được y bác sĩ có tay nghề cao. Bác sĩ Nguyễn Hữu Thơ, Giám đốc BV huyện Nhà Bè, cho biết huyện Nhà Bè có chỉ tiêu tuyển dụng 10 bác sĩ/năm, nhưng chưa năm nào tuyển đủ, có năm chỉ tuyển được 2, 3 bác sĩ. Tương tự, bác sĩ Huỳnh Văn Luyến, Phó Giám đốc BV huyện Cần Giờ, cho rằng do đặc thù của huyện nằm ở xa trung tâm TP, nên số bác sĩ trẻ chịu về công tác là rất ít. Để có thể đảm bảo đủ đội ngũ phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, BV phải nhờ hỗ trợ nguồn lực từ bên ngoài như: Sở Y tế luân chuyển bác sĩ từ các BV; mời những bác sĩ đã nghỉ hưu và thuê các bác sĩ giỏi cộng tác… “Khi TP nới rộng nguồn tuyển, mà cụ thể là cho tuyển dụng y bác sĩ mà không cần có hộ khẩu, BV huyện Nhà Bè hy vọng có thể lấp đầy được khoảng trống về nhân lực có chất lượng”, bác sĩ Huỳnh Văn Luyến kỳ vọng.
Y tế địa phương lo mất nguồn tuyển
Trước việc TPHCM mở rộng cánh cửa tuyển dụng đối với y bác sĩ, nhiều chuyên gia y tế lo ngại sẽ tạo nên sự cạnh tranh quyết liệt với các tỉnh, thành về lực lượng lao động có trình độ chuyên môn, tay nghề cao trong ngành y; nhất là trong bối cảnh BV phải tự chủ tài chính, lấy người bệnh làm trung tâm cho mọi hoạt động của BV.
Là địa phương luôn trong tình trạng khan hiếm nguồn nhân lực y tế, hàng năm tuyển không đủ chỉ tiêu, ngành y tế tỉnh Tiền Giang đang trong tình trạng thấp thỏm chờ nguồn tuyển. Khi nghe tin TPHCM tuyển dụng cán bộ, viên chức ngành y tế không cần hộ khẩu TP, bên cạnh nỗi lo thiếu nguồn thì giờ lại cộng thêm sự lo ngại về tình trạng chảy máu chất xám trong ngành y. Còn theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hậu Giang, hầu hết sinh viên theo học ngành y ra trường rất ít người trở về quê hương công tác. Phần lớn đã ở lại làm việc tại các TP lớn vì có mức thu nhập hấp dẫn, chế độ đãi ngộ tốt, tiếp cận chuyên môn sâu, nhiều cơ hội thăng tiến và nâng cao trình độ chuyên môn… Những địa phương nghèo vốn đã khó nay càng khó hơn trong việc níu chân được đội ngũ y bác sĩ.
Đây là sự công bằng cho các bác sĩ. Có thể trong giai đoạn đầu, ngành y tế TPHCM sẽ thu hút nguồn lực của địa phương lên công tác, cần phải tuyển chọn và sàng lọc kỹ để tuyển được người tài. Với chính sách mở như thế sẽ lấp đủ khoảng trống về nhân lực y tế. Các tỉnh cũng sẽ được hưởng nguồn nhân lực y tế chất lượng cao qua việc thực hiện chủ trương thành lập các bệnh viện vệ tinh, luân chuyển y bác sĩ có thời hạn, chuyển giao kỹ thuật... (Sài Gòn giải phóng, trang 3)
Làm gì để phát hiện sớm con bị trầm cảm?
Khi con cái có biểu hiện bất thường, buồn chán, mệt mỏi, bi quan vì bị quấy rối, cô lập, áp lực học hành, bị bắt nạt học đường... ai sẽ thấu hiểu, sẻ chia?
Giải thoát bằng hành động tiêu cực
Mới đây, một học sinh đang học tại một trường THCS ở quận trung tâm TPHCM đã nhảy lầu tự tử sau khi nhận điểm 3 kiểm tra miệng môn Tiếng Anh.
Nguyên nhân dẫn đến câu chuyện đau buồn này được dư luận mổ xẻ ở nhiều góc độ, trong đó áp lực học hành, điểm số được xem là yếu tố đầu tiên. Tuy nhiên, dấu hiệu học sinh này bị rối nhiễu tâm trí, mắc bệnh trầm cảm đã xuất hiện từ năm học trước. Trước khi em bị điểm số thấp, gia đình đã đưa em đi gặp chuyên gia tâm lý và đang điều trị bệnh.
Tuy nhiên, câu chuyện buồn này lại báo động một vấn đề xã hội cần quan tâm là hiện có bao nhiêu học sinh đang gặp rắc rối về sức khỏe tâm thần, rối nhiễu tâm trí dẫn đến trầm cảm? Thực tế cho thấy, ở độ tuổi mới lớn hay còn gọi là tuổi teen, học trò phải đối mặt với rất nhiều áp lực ở môi trường học đường lẫn gia đình. Không chỉ lo lắng, căng thẳng về học hành, thi cử, rối trí với các mối quan hệ bạn bè, tình cảm tuổi học trò, nhiều em còn cảm thấy bất an vì bị nạn bắt nạt học đường tấn công thường xuyên.
Thấy con trai học lớp 7 của mình rất sợ đến trường một mình và hay than vãn không thích đi học, đòi chuyển trường khác, người mẹ tìm hiểu thì tá hỏa khi con mình bị bắt nạt suốt một năm học mà cả cha mẹ và nhà trường đều không hề hay biết. Thì ra nhóm nam sinh học lớp 8 của trường chuyên bắt những nam sinh yếu đuối phải cống nạp tiền hoặc làm theo ý của nhóm. Nếu không, những nạn nhân này sẽ bị đánh, bị uy hiếp tinh thần. Sau khi làm rõ sự việc, mẹ của nam sinh này đành xin chuyển trường, quan tâm đến con nhiều hơn để con tìm lại niềm vui đến trường.
Năm ngoái, một câu chuyện khiến dư luận bàng hoàng đau xót là chuyện nam sinh lớp 8 ở Yên Bái treo cổ tự tử sau khi bị đánh và làm nhục trước mặt bạn bè. Nhưng đây chỉ là một trong nhiều trường hợp học sinh, trẻ vị thành niên có hành động dại dột, tiêu cực, giải thoát bản thân khi gặp khó khăn, bế tắc trong cuộc sống. Những cái chết thương tâm, kết cục đau buồn này cảnh báo điều gì?
Cha mẹ cần đồng hành
Mới đây, vào tháng 5-2017, một nữ sinh học lớp 8 tên Rima Kasai ở Nhật Bản đã tự vẫn bằng cách nhảy vào đoàn tàu đang chạy ở thành phố Aomori. Nguyên nhân khiến em phải chọn cái chết là do em bị tra tấn tinh thần và phải sống trong tình trạng khổ tâm kéo dài hơn 1 năm vì bị bạn bè bắt nạt tại trường học. Không chỉ bị bạn bè chửi rủa, gọi là “sâu bọ” khi đi học, về nhà Rima còn nhận thêm những tin nhắn lăng mạ, sỉ vả. Nguyên nhân là do Rima tham gia tích cực các hoạt động phong trào, múa hát giỏi. Theo cha em chia sẻ: “Con bé không có chỗ để trốn”. Mặc dù em đã thông báo với giáo viên nhưng nhà trường chỉ coi đây là trò đùa, không có gì nghiêm trọng. Chỉ đến khi em giã từ cuộc sống với nụ cười hồn nhiên, tươi trẻ đọng trên di ảnh, người lớn mới giật mình thì đã muộn.
Tại Việt Nam, con số trẻ vị thành niên, học sinh, sinh viên tự tử cũng đang gia tăng trong những năm gần đây. Ngoài những trường hợp bộc phát, nhiều em có quá trình dài bị rối nhiễu tâm trí, sức khỏe tâm thần có vấn đề nhưng không được gia đình, nhà trường phát hiện hoặc biết quá muộn. Theo Trung tâm Cung cấp giải pháp hỗ trợ bà mẹ và trẻ em, rất nhiều cái chết trẻ đáng thương và nuối tiếc vì người lớn không can thiệp kịp thời. Ở lứa tuổi nhẹ dạ, bốc đồng, lòng tự trọng cá nhân được đẩy lên cao, cộng thêm phải trải qua cú sốc tâm lý, các em có thể bị trầm cảm, tự ti về bản thân. Điều này dẫn đến suy nghĩ và hành động tiêu cực.
Theo các chuyên gia tâm lý, trước khi làm điều dại dột, học sinh thường có biểu hiện, hành động bất thường như ủ dột, hay than vãn buồn chán, bi quan, thích đóng cửa ở một mình. Cũng có em kêu cứu hoặc nói vu vơ lời tạm biệt, vĩnh biệt mọi người để đi xa… Vì thế, cha mẹ phải là người đầu tiên nhận biết, phát hiện sớm những dấu hiệu lạ, bất thường của con mình để ngăn chặn kịp thời. Không chỉ lắng nghe, cùng con tháo gỡ vướng mắc, giải tỏa cú sốc về tâm lý mà phải giúp các em lấy lại niềm tin, tăng thêm bản lĩnh, kỹ năng cần thiết để đối phó, vượt qua thử thách của cuộc sống thời hiện đại. (Sài Gòn giải phóng, trang 5)
Kháng nghị, đề nghị hủy bản án sơ thẩm vụ án VN Pharma
Ngày 22-9, Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) cấp cao tại TP Hồ Chí Minh có quyết định kháng nghị, đề nghị hủy toàn bộ bản án sơ thẩm vụ án VN Pharma của Tòa án nhân dân (TAND) TP Hồ Chí Minh.
VKSND cấp cao cho rằng, bản án sơ thẩm vụ VN Pharma có dấu hiệu bỏ lọt người, lọt hành vi phạm tội, kết quả giám định của Bộ Y tế có mâu thuẫn, không phù hợp quy định pháp luật và thực tế khách quan của vụ án. Ngoài ra, VKSND cấp cao nhận định, cần làm rõ số tiền 7,5 tỷ đồng chi hoa hồng tại các bệnh viện mà các bị cáo nêu ra trong quá trình điều tra.
Từ đó, VKSND cấp cao nhận định, bản án sơ thẩm của TAND TP Hồ Chí Minh xử phạt bị cáo Nguyễn Minh Hùng (nguyên Chủ tịch HÐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần VN Pharma) và các đồng phạm chưa đầy đủ và toàn diện cho nên đề nghị TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm theo hướng hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại theo quy định.
Trước đó, tại bản án sơ thẩm, TAND TP Hồ Chí Minh tuyên phạt hai bị cáo Nguyễn Minh Hùng và Võ Mạnh Cường (Giám đốc Công ty TNHH thương mại hàng hải quốc tế H&C) cùng mức án 12 năm tù về tội buôn lậu. Án sơ thẩm cũng kiến nghị Bộ Công an, VKSND tối cao điều tra làm rõ trách nhiệm của một số cá nhân liên quan, kiến nghị điều tra làm rõ việc chi hoa hồng cho bác sĩ, làm rõ trách nhiệm của các cán bộ Cục Quản lý dược thuộc Bộ Y tế. (Nhân dân, trang 8)
Cùng chủ đề Báo Thanh niên trang 4: “Viện kiểm sát kháng nghị hủy toàn bộ bản án sơ thẩm vụ VN Pharma”
‘Cò’ khám chữa bệnh lộng hành
Mặc dù Thanh Niên đã nhiều lần phản ánh, nhưng tình trạng “cò” khám, chữa bệnh tại các bệnh viện ở TP.HCM vẫn lộng hành, nhất là ở Trung tâm chẩn đoán y khoa Medic.
Từ 4 giờ sáng, “cò” ở khu vực xung quanh Trung tâm chẩn đoán y khoa Medic (đường Hòa Hảo, Q.10, TP.HCM, người dân hay gọi là Trung tâm chẩn đoán Hòa Hảo - gọi tắt là Trung tâm) đã hoạt động tấp nập, dụ dỗ, lôi kéo người bệnh đưa ra các phòng khám lân cận. Cảnh tượng bát nháo, chụp giựt trong khám chữa bệnh này vẫn tồn tại, trước sự gần như bất lực của cơ quan chức năng.
Trong nhiều ngày ghi nhận, PV Thanh Niên không khỏi ngạc nhiên trước việc quy tụ đông đúc, hoạt động chuyên nghiệp của “cò” ở khu vực này. Từ 4 - 6 giờ sáng hằng ngày là thời điểm họ hoạt động mạnh nhất. Ngay giao lộ Nguyễn Duy Dương, Hòa Hảo, Ngô Gia Tự có một nhóm khoảng 20 - 30 người. Họ chia nhau chặn xe, chặn người bệnh. Hễ thấy xe hơi, xe máy rà rà thả người là nhanh chóng tiếp cận dụ dỗ... đưa đi khám nhanh. “Cò” ở đây dùng chiêu trò “tái khám thì qua kia (Trung tâm - PV), còn khám bệnh mới thì qua đây (Phòng khám P.A) nên bệnh nhân bị “lùa” vào phòng khám (PK) này mà cứ tưởng các PK “cò” đưa tới là của Trung tâm. Cứ như vậy, hàng chục bệnh nhân “dính bẫy”.
Phía trước mặt chính Trung tâm có nhóm thứ 2 kéo bệnh qua nhà thuốc N.H hỏi han, hướng dẫn (nơi trước đây “cò” thường dẫn bệnh qua hiện đã bị rút giấy phép do bán thuốc quá giá), rồi sau đó hoặc đưa bệnh nhân trở lại Trung tâm bảo là đi khám nhanh để nhận tiền, hoặc đưa qua phòng siêu âm, xét nghiệm trong đường dây của “cò” ở đường Hòa Hảo.
Sáng 22.8, chúng tôi túc trực ngay trước cổng Trung tâm, ghi nhận có khoảng 10 người hoạt động “bắt” bệnh nhân đưa ra PK bên ngoài. Mặc dù có 2 người đàn ông mặc trang phục bảo vệ dân phố đứng điều tiết giao thông, giữ an ninh trật tự nhưng “cò” xem như không có ai.
Khoảng 9 giờ cùng ngày, thấy một chiếc ô tô mang biển số Đồng Nai đá xi nhan tấp vào lề, một người liền chạy lại hướng dẫn ô tô đậu vào lề rất chuyên nghiệp, sau đó đập cửa, dụ bệnh nhân: “Giờ vô Trung tâm phải bốc số thứ tự đợi có mà tới chiều. Qua bên PK gần đây cũng là bác sĩ (BS) của Trung tâm khám. Tụi tôi giữ xe cho luôn, nhanh gọn rồi về cho khỏe...”. Còn phía trong Trung tâm, 2 - 3 người dụ người bệnh đi khám nhanh, xem như chốn không người!
Khoảng 10 giờ ngày 12.9, bà Tâm (45 tuổi, quê H.Định Quán, tỉnh Đồng Nai) mặt buồn thiu đi loanh quanh trước PK P.A. Khi chúng tôi hỏi thì bà trả lời: “Trong túi tôi còn có mấy chục ngàn đủ mua cái thẻ cào, nạp vào để gọi nhà xe tới đón” và bà kể, đón xe lên Trung tâm khám bệnh, đến nơi khi trời chưa sáng, buồn ngủ quá nên bà bị người ta dắt vào PK bên ngoài. “Họ kêu đi tái khám thì vào Trung tâm. Còn đi khám mới thì qua PK này, họ dắt vào mà tôi đâu có biết, cũng không để ý cái bảng hiệu! Dành dụm, tích góp khá lâu mới được 4 triệu đồng nhưng vào PK này đã hết sạch, không còn tiền mua thuốc”.
Bệnh nhân khác là người đàn ông tầm 50 tuổi, quê Hậu Giang, kể: “Sáng bị mấy người kia (cò - PV) dẫn vào chứ ai mà biết đây là PK tư bên ngoài, không phải của Trung tâm. Họ khám tổng quát lấy 2,7 triệu đồng, mua thuốc 1,8 triệu đồng. Lần đầu tiên lên Sài Gòn khám bệnh mà bị cảnh này, tôi tiếc tiền quá!”. Chúng tôi hỏi 7 người bệnh khác vào PK P.A và đều nhận được câu trả lời: “Quá mắc tiền”.
“Những người dân áo quần xộc xệch nghèo khổ từ dưới quê lên TP khám bệnh mà bị cảnh này thì tội lắm. Có trường hợp khám xong hết sạch tiền, không còn tiền đi xe về. Tôi biết nhưng đâu dám ngăn cản, đâu dám nói cho người đi khám biết được, tụi “cò” nó đánh chết!”, một người sống gần PK nói.
Ngang nhiên chia “giang sơn” hoạt động
Trao đổi với PV Thanh Niên, BS Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Medic, rất bức xúc, cho biết hằng tháng Trung tâm đều dành một khoản chi phí để hỗ trợ các lực lượng giữ an ninh trật tự, nhưng tình trạng “cò” vẫn lộng hành, bát nháo, ngang nhiên “bắt” bệnh nhân trước Trung tâm!
BS Hải khuyến cáo: “Đã có nhiều người tiền mất tật mang khi bị “cò” đưa ra PK bên ngoài” và cho biết, quanh Trung tâm có 2 nhóm. Một nhóm ở trước Trung tâm, do đối tượng tên C. cầm đầu. Thậm chí có lần C. còn đánh cả nhân viên Trung tâm.
Nhóm này đưa bệnh nhân qua phía nhà thuốc N.H nói trên. Thực chất, C. cũng chỉ là người được thuê, kẻ điều khiển là một người khác. Nhóm khác ở phía đường Nguyễn Duy Dương do một đối tượng cầm đầu đưa bệnh nhân vào PK P.A. Có lần 2 băng nhóm chém nhau trước cửa Trung tâm, sau đó “giang sơn” hoạt động được chia phần như nói trên. Ngoài ra, một số “cò” còn vào tận Trung tâm bắt bệnh dẫn ra ngoài. Cứ một ca bệnh móc ra ngoài thì được 200.000 đồng; còn dẫn đi “nguyên độ từ A - Z (khám, chụp chiếu...) thì 500.000 đồng.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, gần đây, các PK gần Trung tâm còn móc nối với lái xe (xe chuyên đưa các bệnh nhân từ các tỉnh lên TP). Khi xe cho bệnh nhân xuống chỗ nào thì tức khắc có “cò” đến đưa về các PK đã định sẵn. Nhưng có những tài xế không thả bệnh theo yêu cầu của họ thì bị đập cửa kính.
BS Phan Thanh Hải cho rằng các cơ quan chức năng cứ "đá" trách nhiệm qua lại với nhau, nên tình trạng “cò” khám chữa bệnh vẫn ngang nhiên lộng hành! (Thanh niên, trang 1)
Bệnh nhân hôn mê sau gọt 2 hàm sang singapore điều trị
Nguồn tin riêng của phóng viên Thanh Niên cho biết, ngày 22.9, bệnh nhân T.T.Đ (38 tuổi, ngụ Q.Thủ Đức, TP.HCM), người bị biến chứng sau khi đi gọt hàm ở thẩm mỹ viện, đã được chuyển viện sang Singapore điều trị theo yêu cầu của gia đình bệnh nhân.
Lúc chuyển viện bệnh nhân không cần thở máy.
Như Thanh Niên đã đưa tin, sáng 17.9, bệnh nhân Đ. đến Bệnh viện (BV) phẫu thuật thẩm mỹ EMCSA (số 14/27 Hoàng Dư Khương, P.12, Q.10, TP.HCM) mổ chỉnh xương hai hàm hai bên. Ca mổ do bác sĩ T.N.Q.P thực hiện.
Ca mổ kết thúc lúc 12 giờ cùng ngày. Bệnh nhân được rút nội khí quản ngay trong phòng mổ và đưa ra phòng hồi tỉnh. Bệnh nhân lúc này tỉnh táo.
Tuy nhiên, 20 phút sau bệnh nhân Đ. xuất hiện chảy máu rỉ rả trong khoang miệng. Bác sĩ đã tiến hành xử trí cầm máu tại giường. Khoảng 30 phút tiếp theo bệnh nhân đột ngột giảm ô xy máu, suy hô hấp, vùng sàn miệng phù nề. Bệnh nhân Đ. được mở khí quản giúp thở tại giường. Trong quá trình mở khí quản thì bệnh nhân ngưng tim, được xử trí hồi sức có lại mạch, nhịp tim.
Bệnh nhân được chuyển cấp cứu đến BV Nhân dân 115 vào lúc 14 giờ 30 phút cùng ngày. (Thanh niên, trang 4)
Báo động trẻ em kháng thuốc kháng sinh
Ngày 21-9, tại Hội nghị sơ kết giai đoạn 1 thực hiện kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống kháng thuốc.
PGS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc BV Nhi Trung ương, cho hay trung bình mỗi ngày BV Nhi Trung ương khám cho khoảng 3.000-4.000 trẻ đến khám, điều trị nội trú cho 1.700 bệnh nhân. Trong nghiên cứu sàng lọc các bệnh nhân nhập viện tại BV Nhi Trung ương có cấy phân, có đến 30% trẻ em có vi khuẩn kháng thuốc trong phân khi nhập viện.
PGS Điển cũng chỉ rõ tình trạng kháng kháng sinh cao do liên quan đến vấn đề môi trường, đồ ăn có tồn tại dư lượng kháng sinh thì còn có một thực tế là rất nhiều trẻ được các ông bố, bà mẹ tự ra hiệu thuốc mua thuốc điều trị với liều lượng kháng sinh không hợp lý. Đây cũng là nguyên nhân gây tình trạng kháng thuốc cho trẻ.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết để khắc phục tình trạng bán thuốc không theo đơn đang phổ biến hiện nay, Bộ Y tế sẽ thí điểm giám sát bằng hệ thống camera tại nhà thuốc và đưa tiêu chí bán thuốc kháng sinh theo đơn vào tiêu chuẩn nhà thuốc đạt thực hành tốt (GPP). (Pháp luật TPHCM, trang 2)
Những nguy hiểm rình rập khi thai nhi quá nặng
Quan niệm dân gian thường cho rằng, đứa trẻ sinh ra càng to sau này càng khỏe mạnh, dễ nuôi. Chính vì vậy, khi mang thai, các bà bầu luôn cố gắng bồi bổ thật nhiều để con trong bụng đạt cân nặng tốt nhất. Tuy nhiên, theo các bác sĩ sản khoa, đây là một quan niệm không chính xác, ngược lại, đứa trẻ quá to lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho cả mẹ và con.
Không phải con cứ to là tốt
Mang thai lần đầu với tâm lý “mẹ có khỏe thì con mới to”, sau này em bé chào đời bụ bẫm, nặng cân sẽ ít bị ốm vặt đồng thời giúp việc chăm sóc con cũng trở nên nhàn nhã hơn, chị Hồ Thị Thanh (quê Phú Thọ) luôn cố gắng bồi bổ một cách tốt nhất trong suốt quá trình mang thai. Hễ ai mách ăn gì tốt cho thai nhi chị đều tìm mua về ăn cho bằng được. Kết quả, chỉ sau 32 tuần mang thai, cân nặng của chị tăng vọt từ 46kg lên 64kg, xét nghiệm máu cho thấy, chị mắc đái tháo đường thai kỳ. Điều này cũng dẫn đến tình trạng, cân nặng của em bé trong bụng vượt ngưỡng thông thường khá nhiều (siêu âm ước tính bé nặng xấp xỉ 3kg ở tuần 32), tiên lượng bé sinh ra có thể đạt trên 4kg, các bác sĩ đã yêu cầu chị hạn chế lượng đường nạp vào và nên lựa chọn phương pháp sinh mổ để an toàn hơn cho cả mẹ và con.
Thực tế, nhiều bệnh viện trên cả nước đã phải cấp cứu các em bé sơ sinh vì gặp phải các vấn đề do cân nặng quá lớn. Năm 2012, ngay khi chào đời tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội với cân nặng đạt 4,7kg, bé N.B.K (Hà Nội) đã trong tình trạng không thở được, suy hô hấp nặng, người tím tái, phải thở máy tức thì và chuyển sang Bệnh viện Nhi Trung ương để điều trị. Theo lời chị H (mẹ bé K), nguyên nhân khiến bé gặp tình trạng trên lại xuất phát từ chính cân nặng trên mức bình thường của bé - điều mà trước đây chị và gia đình luôn nghĩ con càng to càng… khỏe mạnh. Hệ quả, cháu bé phải nằm điều trị hơn 10 ngày trong bệnh viện với các bệnh lý hạ đường huyết, nhiễm trùng máu và suy hô hấp.
Tương tự, trường hợp bé gái chào đời với cân nặng 6,5kg tại Bệnh viện Đa khoa TP Đà Nẵng vào cuối năm 2005 cũng được các bác sĩ đánh giá có nguy cơ rất cao mắc các bệnh về rối loạn chuyển hóa. Còn tại Bệnh viện Từ Dũ (TPHCM), năm 2012, một bé gái nặng 6kg đã ra đời bằng phương pháp sinh mổ. Tuy nhiên, giống như nhiều trường hợp nặng cân khác, cháu bé cũng phải thở oxy, chiếu đèn vàng da và tiến hành kiểm tra các chức năng tim mạch, tiêu hóa, hô hấp…trong cơ thể.
Đề cập đến những nguyên nhân khiến nhiều thai nhi có cân nặng “vượt chuẩn”, BS sản khoa Lê Thị Kim Dung - Trung tâm Y tế Thái Hà (Hà Nội) cho biết: Cân nặng của một đứa trẻ trong bụng mẹ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, chẳng hạn do di truyền, tức là bố mẹ cao to, khỏe mạnh sẽ dễ sinh ra những đứa trẻ nặng cân hơn bình thường hoặc người mẹ đã sinh nhiều lần, con sau có thể sẽ to hơn con trước. Bên cạnh đó, trong quá trình mang thai, chế độ dinh dưỡng của thai phụ chứa nhiều chất dinh dưỡng, thai nhi hấp thu tốt cũng khiến cân nặng của đứa trẻ phát triển hơn. Tuy nhiên, theo BS Lê Thị Kim Dung, ăn nhiều tinh bột, đường, ngủ nhiều, ít vận động dẫn đến mắc đái tháo đường thai kỳ được xem là nguyên nhân chủ yếu khiến thai nhi phát triển “vượt trội” trong bụng mẹ.
90% trẻ sinh ra nặng hơn 4kg là có vấn đề về sức khỏe
Theo BS Lê Thị Kim Dung, trong quá trình mang thai, nếu thai nhi phát triển quá to sẽ khiến cổ tử cung lớn, gây chèn ép cơ hoành và làm cho người mẹ dễ mệt mỏi, khó thở. Mặt khác, tử cung to cũng chèn ép vào tĩnh mạch vùng chậu, gây phù chân. Bên cạnh đó, ảnh hưởng dễ thấy nhất là khi trẻ càng to thì quá trình chuyển dạ, sinh đẻ bằng con đường tự nhiên càng khó khăn. Nếu thai quá to thì khi sinh bình thường, trẻ chỉ lọt được đầu rồi kẹt ở phần vai, có nhiều trường hợp, bác sĩ phải cắt mở rộng tầng sinh môn để giúp trẻ ra ngoài. Việc kéo dài thời gian sinh và bị chảy máu do tổn thương tầng sinh môn khiến người mẹ dễ có nguy cơ gặp các tai biến sản khoa khi sinh.
Còn đối với thai nhi, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, nhiều năm gần đây, trẻ sinh ra quá to và mắc các bệnh lý phát sinh từ cân nặng “vượt ngưỡng” phải điều trị tại viện ngày càng gia tăng. Điều lo lắng nhất với những ca sơ sinh nặng cân là trẻ dễ bị hạ đường huyết, hạ canxi huyết, kéo theo một loạt biến chứng nguy hiểm như hạ thân nhiệt, suy hô hấp, suy tuần hoàn. Điều này làm trẻ sơ sinh có thể xuất hiện phản ứng chậm chạp, tiếng khóc nhỏ, yếu, trường hợp nặng có thể ngưng thở từng cơn. Vì vậy, các bác sĩ cho rằng, thay vì vui mừng, các bà mẹ nên cẩn thận khi thấy con mình chào đời hoặc tiên lượng ra đời nặng hơn 4kg bởi lẽ có đến 90% trường hợp trẻ lúc sinh ra nặng hơn 4kg là có vấn đề về sức khỏe, mặc dù rất nhiều trường hợp không phát hiện được ngay tức thì.
Các chuyên gia khuyến cáo, để có một thai kỳ khỏe mạnh cho cả mẹ và bé, thai phụ cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý. Không phải cứ mang thai là phải ăn gấp đôi, gấp ba ngày thường, quan trọng là khẩu phần ăn phải cân bằng giữa tinh bột, chất béo, chất đạm và vitamin; hạn chế ăn đường, đồ ngọt và chất béo quá nhiều, nên tập luyện các bài thể dục dành cho bà bầu để nâng cao sức khỏe, kiểm soát cân nặng một cách hợp lý, tốt nhất không nên tăng quá 15kg trong suốt thai kỳ.
Bên cạnh đó, thai phụ nên thường xuyên khám thai định kỳ và làm xét nghiệm xem mình có bị đái tháo đường không. Những trường hợp bị đái tháo đường, cần điều chỉnh chế độ dinh dưỡng theo hướng dẫn của bác sĩ. Nếu được điều trị thích hợp, có thể giảm đến 50% số trẻ sinh ra nặng cân và các biến chứng sơ sinh. Nếu các bác sĩ đã chỉ định là thai to, thai phụ nên chọn phương pháp sinh mổ để hạn chế những tai biến cho cả mẹ và con. Sau khi sinh, với những em bé nặng cân, cha mẹ cần cho bé đi khám sức khỏe thường xuyên để kịp thời xử lý nếu có bất thường gì xảy ra. (Gia đình & Xã hội, trang 6)
Cần thêm thời gian để người bệnh bớt "sợ" khi vào bệnh viện
Mới đây, câu chuyện một bác sĩ ở Bệnh viện Mắt Trung ương ngồi gác chân lên ghế khi đối đáp với người nhà bệnh nhân đã gây xôn xao trong dư luận.
Dù ở góc độ nào đó chúng ta nên chia sẻ hơn với bác sĩ, song nó cũng cho thấy tác phong, thái độ và sự tôn trọng của nhân viên y tế với người bệnh vẫn còn nhiều tồn tại.
Hàng chục nghìn cuộc gọi tới đường dây nóng
Nhắc lại vụ việc vừa tạo “sóng” dư luận kể trên, ông Nguyễn Đình Anh, Vụ trưởng Vụ Truyền thông và thi đua khen thưởng - Bộ Y tế phân tích, khi làm việc trong các bệnh viện đông bệnh nhân, y bác sĩ luôn phải chịu sức ép rất lớn nên dù đã có nhiều thay đổi song đôi khi vẫn xảy ra những vụ việc đáng tiếc.
“Đôi lúc, nhân viên y tế có thể có những cử chỉ, biểu hiện thiếu kiểm soát. Trước sức ép công việc, sự bức xúc của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đòi hỏi các nhân viên y tế cần thấu hiểu và chia sẻ với tâm trạng của người bệnh, đồng thời cố gắng kiểm soát các hành vi và lời nói, tránh gây ra những xung đột không đáng có” - ông Nguyễn Đình Anh nói.
“Thay vì quay clip, chụp ảnh rồi tung lên mạng xã hội, người nhà bệnh nhân và bệnh nhân có thể góp ý với nhân viên y tế hoặc ban lãnh đạo bệnh viện, trực tiếp góp ý hoặc thông qua hòm thư bệnh viện, đường dây nóng” - ông Nguyễn Đình Anh chia sẻ.
Trong thực tế, những năm gần đây, trung bình mỗi năm đường dây nóng ngành y tế tiếp nhận được hàng chục nghìn cuộc gọi phản ánh về các vấn đề liên quan đến cơ sở vật chất của bệnh viện, quy trình chuyên môn, thái độ phục vụ của nhân viên y tế, hay các thắc mắc liên quan đến viện phí, chuyển tuyến điều trị...
Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế Nguyễn Trọng Khoa cho biết, rõ ràng vẫn còn nhiều sự bức xúc, chưa hài lòng của người bệnh. “Các phản ánh này đều được tiếp nhận và xử lý theo các cấp độ. Sau khi xác minh nội dung người dân phản ánh cho thấy có những vấn đề người dân chưa thực sự hiểu và thông cảm với nhân viên y tế. Còn với những nhân viên y tế thực sự có vi phạm đều được xử lý nghiêm” - ông Khoa nhấn mạnh.
Cũng theo ông Nguyễn Trọng Khoa, hiện nay, một số bệnh viện đã nâng vấn đề giao tiếp ứng xử thành mức độ công nghệ trong giao tiếp, đưa người bệnh dần trở thành một “khách hàng” đúng nghĩa. Tuy vậy, sự thay đổi này cần phải có thời gian.
Chấm điểm bệnh viện
Từ thực tiễn làm công tác quản lý bệnh viện và trực tiếp khám chữa bệnh, PGS.TS Đồng Văn Hệ, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức chia sẻ, quá tải bệnh viện là nguyên nhân hàng đầu làm nảy sinh những bức xúc của người bệnh, nhất là ở các bệnh viện tuyến cuối và chuyên khoa.
“Thực tế các bệnh viện tuyến Trung ương những năm gần đây đã đầu tư rất mạnh về cơ sở vật chất, nhân lực nhưng vẫn còn tình trạng dồn ứ, quá tải” - ông Đồng Văn Hệ phân tích. Do đó, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức chia sẻ, ông rất thấu hiểu với những áp lực mà các y bác sĩ phải chịu đựng và mong muốn dư luận có cái nhìn công bằng hơn với nghề y.
Thời gian qua, Bộ Y tế đã triển khai nhiều giải pháp như: đầu tư xây dựng mới, nâng cấp một số bệnh viện; xây dựng chương trình hành động quốc gia về nâng cao chất lượng quản lý khám chữa bệnh; thiết lập hệ thống quản lý chất lượng từ cấp Bộ đến các cơ sở… Đặc biệt, Bộ Y tế đã ban hành tiêu chí, tiêu chuẩn, chỉ số chất lượng làm căn cứ cho việc đo lường về cải tiến chất lượng cũng như đo lường sự hài lòng của người dân về chất lượng phục vụ…
Ông Nguyễn Trọng Khoa nhấn mạnh, Bộ Y tế sẽ “chấm điểm” bệnh viện thông qua những tiêu chí, chỉ số cụ thể kể trên. Bên cạnh đó, người bệnh cũng hoàn toàn có thể tham gia “chấm điểm” bệnh viện bằng nhiều kênh khác nhau như: thông qua hộp thư góp ý của bệnh viện, thông qua đường dây nóng, trả lời bảng khảo sát mức độ hài lòng của người bệnh, góp ý trực tiếp cho bộ phận tiếp nhận ý kiến người dân của bệnh viện… để cùng giám sát và đóng góp nâng cao chất lượng bệnh viện.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đình Anh cũng cho rằng, việc khám chữa bệnh đòi hỏi sự phối hợp, chia sẻ của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. “Thay vì quay clip, chụp ảnh rồi tung lên mạng xã hội, người nhà bệnh nhân và bệnh nhân có thể góp ý với nhân viên y tế hoặc ban lãnh đạo bệnh viện, trực tiếp góp ý hoặc thông qua hòm thư bệnh viện, đường dây nóng” - ông Nguyễn Đình Anh chia sẻ. (An ninh Thủ đô, trang 6)