Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 24/9/2021

  • |
T5g.org.vn - Chính phủ đồng ý mua 20 triệu liều vaccine phòng COVID-19 Vero Cell; Bệnh nhân nặng, tử vong ở TPHCM giảm từng ngày; Sớm có hướng dẫn thích ứng an toàn với dịch Covid-19; Lúng túng với F0…

 

Chính phủ đồng ý mua 20 triệu liều vaccine phòng COVID-19 Vero Cell

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 110/NQ-CP về mua vaccine phòng COVID-19 Vero Cell của Tập đoàn Sinopharm, Trung Quốc.

Tại Nghị quyết, Chính phủ đồng ý việc Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu đối với việc mua 20 triệu liều vaccine phòng COVID-19 Vero Cell của Tập đoàn Sinopharm, Trung Quốc.

Bộ Y tế chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện việc mua vaccine phòng COVID-19 Vero Cell của Tập đoàn Sinopharm, Trung Quốc, đảm bảo chất lượng vaccine, hiệu quả, tiến độ trong phòng, chống dịch CVID-19.

Liên quan đến công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, đến hết ngày 22/9, cả nước đã tiêm được 35,6 triệu liều vaccine, trong đó 28,7 triệu người tiêm mũi một; 6,9 triệu người tiêm đủ hai liều. (An ninh Thủ đô, trang 2).

 

Bệnh nhân nặng, tử vong ở TPHCM giảm từng ngày

Chiều 23/9, tại buổi họp báo về tình hình COVID-19, ông Phạm Đức Hải - Phó Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống COVID-19 TPHCM cho biết, số ca tử vong và bệnh nhân phải thở máy tại thành phố đang giảm từng ngày. Đây là một tín hiệu rất lạc quan đối với TPHCM.

Theo ông Hải, những ngày gần đây, số bệnh nhân nặng, phải thở máy có xu hướng giảm.

Cụ thể, ngày 18/9, bệnh nhân nặng đang thở máy là 2.350 thì ngày 19/9 giảm còn 2.342; ngày 20/9 còn 2.234; ngày 21/9 giảm còn 2.174 và ngày 22/9 giảm xuống 2.056.

Trong vòng 24 giờ qua, số ca COVID-19 tử vong trên địa bàn thành phố là 175 trường hợp, giảm đáng kể so với nhiều ngày liền kề trước đó.

Bên cạnh đó, thành phố có 3.258 bệnh nhân COVID-19 được điều trị khỏi, xuất viện trong ngày qua. Số bệnh nhân xuất viện trên địa bàn cũng tăng cao so với những ngày trước. (Tiền phong, trang 3).

Sớm có hướng dẫn thích ứng an toàn với dịch Covid-19

Hôm qua (23.9), Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã họp dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính với nội dung chính là bàn về việc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19.

Yêu cầu Bộ Công an xử lý nghiêm vi phạm tụ tập đông người nơi công cộng

Tại cuộc họp, Bộ Y tế cho biết tình hình dịch vẫn đang được kiểm soát và có nhiều chuyển biến tích cực. Riêng An Giang và Kiên Giang vẫn tiếp tục ghi nhận các ổ dịch mới và một số tỉnh nới lỏng giãn cách có hiện tượng tập trung đông người gia tăng, do đó nguy cơ dịch có thể bùng phát trong những ngày tới.

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại những bài học kinh nghiệm việc không thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch trong kỳ nghỉ lễ 30.4 và 1.5 đã tạo ra đợt dịch lần thứ 4. Do đó, khi độ bao phủ vắc xin chưa nhiều, phải kêu gọi nhân dân vào cuộc, chấp hành nghiêm các quy định phòng chống dịch, tăng cường sự giám sát. “Chúng ta đã có những bài học xương máu. Vừa qua, ở một số địa phương, đêm trung thu, người dân đổ ra đường quá đông, nguy cơ lây nhiễm cao. Thực hiện Chỉ thị 15 như thế là không đúng, cần rút kinh nghiệm. Chúng ta phải luôn nhắc nhở vì vẫn còn tình trạng chủ quan khi chưa có dịch bùng phát”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng cho rằng đạt được “zero Covid” sẽ rất khó, những nước phát triển tiêm vắc xin 90% dân số vẫn không thể. Vì vậy, chúng ta đang xây dựng hướng dẫn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh Covid-19. Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tham gia ý kiến; Bộ Y tế tiếp thu, khẩn trương hoàn thiện hướng dẫn này trên cơ sở quán triệt 6 nguyên tắc: Y tế là trụ cột, là trung tâm. Kinh tế là cơ sở, là nền tảng. Dữ liệu khoa học, công nghệ là then chốt. Ổn định chính trị xã hội là trọng yếu và thường xuyên. Vắc xin, thuốc chữa bệnh và ý thức người dân là điều kiện tiên quyết. An toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn.

Thủ tướng cũng cho rằng, trong điều kiện khó khăn, phải tập trung có trọng tâm, trọng điểm và phải huy động các nguồn lực để xét nghiệm thần tốc tại Hà Nội; dồn lực kiểm soát dịch tại TP.HCM và các tỉnh xung quanh bởi “hai trung tâm lớn được kiểm soát tốt thì dịch tại các địa phương khác cũng sẽ nhanh được kiểm soát”.

Trong ngày 23.9, Văn phòng Chính phủ đã phát đi công điện truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính đối với một số bộ trưởng, lãnh đạo địa phương về công tác phòng chống dịch Covid-19. Công điện nêu rõ, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Công an Tô Lâm, Trưởng tiểu ban An ninh trật tự xã hội thuộc Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, chỉ đạo các địa phương kịp thời chấn chỉnh, không để tụ tập đông người nơi công cộng, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm cộng đồng. (Thanh niên, trang 4; Tuổi trẻ, trang 3; Công an nhân dân, trang 1; Sài Gòn giải phóng, trang 1; Sức khỏe & Đời sống, trang 1).

Lúng túng với F0

Nhiều người tại TP.HCM phát hiện nhiễm Covid-19 phản ánh thắc mắc đến Báo Thanh Niên về trường hợp nào cách ly tại nhà, cách ly tập trung và được phát gói thuốc an sinh điều trị Covid-19.

Chỉ cách ly tập trung F0 có bệnh nền, không đủ điều kiện cách ly tại nhà

Ngày 19.9, chị T.H (P.11, Q.Tân Bình) phản ánh với PV Thanh Niên, gia đình chị có 4 người nhiễm Covid-19 (F0). Trong đó có một trẻ em 14 tuổi có kết quả xét nghiệm chỉ số CT (tải lượng vi rút) là 16. Tuy đủ điều kiện cách ly tại nhà nhưng chị được địa phương khuyên đi cách ly tập trung để theo dõi đứa con trai 14 tuổi vì CT 16 là khá cao. Vì lo lắng nên chị cách ly tại bệnh viện (BV). Ngày 20.9, xe BV đến đón gia đình chị đi cách ly. Đến chiều chị xin xuất viện và cam kết cách ly tại nhà vì qua kiểm tra, bác sĩ cho biết sức khỏe cả nhà chị ổn định. Hiện con trai và chồng chị đã âm tính. Trước đó cũng có nhiều F0 phản ánh họ đang cách ly tại nhà thì được đưa đi cách ly tập trung.

Điều trị bệnh nhân ung thư mắc Covid-19 thế nào ?

Một vấn đề khác cũng được người dân quan tâm là điều trị cho BN ung thư nhiễm Covid-19 thế nào. Theo bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ, Trưởng khoa ung bướu, BV TP.Thủ Đức, kiêm Trưởng khoa điều trị ung bướu, BV dã chiến điều trị Covid-19 TP.Thủ Đức số 1, nơi chuyên tiếp nhận điều trị BN ung thư nhiễm Covid-19, trong thời gian mắc Covid-19, BN ung thư sẽ tạm hoãn các điều trị khác như hóa trị, phẫu thuật... và sẽ tiếp tục sau khi hồi phục bệnh Covid-19 hoàn toàn. Về điều trị Covid-19 cho BN ung thư, cơ bản theo phác đồ của Bộ Y tế gồm: hỗ trợ hô hấp, kháng viêm, kháng đông. Song song đó là điều trị các triệu chứng do bệnh ung thư gây ra, đặc biệt là chống đau do ung thư khi di căn qua xương, não, gan...

“Điều trị giảm đau cho BN ung thư nhiễm Covid-19 cũng phải khéo léo do phần lớn dựa trên morphine, do đó không chú ý có thể gây suy hô hấp nặng hơn. BN ung thư nhiễm Covid-19 có thể có các biến chứng do bệnh như tràn dịch trong bụng, phổi, tim... kèm theo, nên phải phát hiện và rút dịch giải áp, nếu không BN cũng dễ mệt và suy hô hấp”, bác sĩ Vũ cho biết thêm.

Tương tự, ngày 22.9, anh T.B sống ở một chung cư thuộc Q.12 phản ánh đến thành viên Tổ tư vấn phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM rằng gia đình anh có 3 người bị F0 đã 4 ngày. Gia đình tự ra Trạm y tế P.Tân Thới Nhất, Q.12 xét nghiệm nhanh dương tính. Anh được bảo về nhà nhưng không được phát túi thuốc an sinh. Anh T.B đề nghị thành viên Tổ tư vấn phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM báo cáo với lãnh đạo TP quan tâm đến vấn đề này.

Về phản ánh có hiện tượng đưa tất cả F0 vào khu cách ly tại một số địa phương, TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP, cho biết lãnh đạo Sở đã nắm được tình hình trên là do hiểu nhầm. Sở đã có công văn chấn chỉnh, nhắc nhở các quận, huyện.

Lý giải thêm về tình trạng này, ông Châu cho biết một số nơi hiểu rằng để tách F0 ra khỏi cộng đồng thì phải đưa vào khu cách ly. Nhưng TP đã hướng dẫn chỉ áp dụng cách ly tập trung đối với các F0 có bệnh nền, không thể theo dõi sát và nơi ở không đáp ứng điều kiện điều trị tại nhà.

Đẩy mạnh chăm sóc f0 tại nhà, cộng đồng

Cũng theo TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, chủ trương hiện nay của TP là F0 đủ điều kiện theo dõi, chăm sóc có thể cách ly tại nhà. Trong chiến lược điều trị bệnh nhân (BN) nhiễm Covid-19 sắp tới, TP.HCM đẩy mạnh việc chăm sóc F0 tại nhà, cộng đồng, củng cố hệ thống điều trị để không xảy ra tình trạng bệnh nặng, tử vong. Thời gian tới, kế hoạch của TP.HCM là giảm dần các khu cách ly tập trung theo lộ trình.

Trong hướng dẫn mới nhất của Sở Y tế TP.HCM, người mắc Covid-19 là người có kết quả xét nghiệm RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh dương tính, được phát hiện tại cộng đồng đủ điều kiện cách ly tại nhà theo quy định.

Về điều kiện cách ly tại nhà, F0 hội đủ 2 điều kiện: không triệu chứng hoặc triệu chứng mức độ nhẹ (không có suy hô hấp: SpO2 (ô xy máu) trên 96% khi thở khí trời, nhịp thở dưới 20 lần/phút). Độ tuổi từ 1 - 50, không có bệnh nền, không đang mang thai, không béo phì. Nếu không thỏa điều kiện này thì phải đảm bảo đã tiêm đủ 2 mũi hoặc sau 14 ngày kể từ ngày tiêm mũi vắc xin phòng Covid-19 đầu tiên.

Ngoài ra, F0 có khả năng tự chăm sóc bản thân; có khả năng liên lạc với nhân viên y tế để được theo dõi, giám sát và khi có tình trạng cấp cứu. Trường hợp F0 là trẻ em hoặc người không tự chăm sóc cá nhân được thì cần phải có người hỗ trợ chăm sóc.

Về điều kiện cơ sở vật chất, phải có phòng riêng dành cho F0, có số điện thoại riêng, có sẵn số điện thoại của cơ sở y tế, số điện thoại của Tổ phản ứng nhanh quận, huyện để liên hệ khi cần thiết... (Thanh niên, trang 5).

 

Hà Nội sẽ bao phủ vaccine mũi 2 trong tháng 11

Phát biểu tại ngày làm việc thứ 2, HĐND TP Hà Nội khóa XVI, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, dự kiến đến tháng 11, TP sẽ tiêm bao phủ mũi vaccine thứ 2 trên cơ sở vaccine được phân bổ và xúc tiến tìm nguồn vaccine cho trẻ em.

Điểm lại kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh 8 tháng đầu năm, Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh, mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh COVID-19 diễn biến rất phức tạp, nhưng kinh tế - xã hội của TP vẫn đạt được kết quả tích cực, một số mục tiêu, chỉ tiêu dự kiến đạt và vượt kế hoạch đề ra. Theo Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh, quyết định áp dụng giãn cách xã hội trên toàn địa bàn từ ngày 24/7 là một quyết định rất khó khăn, do vậy, vừa triển khai, vừa đánh giá, liên tục điều chỉnh từ thực tế để xây dựng và triển khai một cách chủ động, sáng tạo, linh hoạt các phương án, kịch bản với cấp độ cao hơn để sẵn sàng ứng phó trong mọi tình huống, ưu tiên cao nhất cho việc đảm bảo sức khỏe và đời sống của nhân dân. Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, qua 4 đợt giãn cách xã hội, TP đã cơ bản kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh. Số ca F0 trung bình trong ngày đã giảm dần qua các đợt giãn cách. Trong đó, số ca F0 trong cộng đồng đã giảm và từng bước được kiểm soát; số điểm phong tỏa giảm mạnh, số "vùng đỏ" giảm, "vùng xanh" tăng…

Đặc biệt, đến cuối tháng 8, Hà Nội mới tiêm được cho hơn 1.973.000 người, đạt tỷ lệ 23,8% dân số. Được sự quan tâm của Trung ương, Thủ tướng Chính phủ, TP đã triển khai thần tốc xét nghiệm diện rộng và tổ chức tiêm chủng cho người dân từ 18 tuổi trở lên một cách an toàn, hiệu quả. Tính đến ngày 20/9, toàn TP đã tiêm được hơn 6,3 triệu mũi cho người dân trên 18 tuổi. Trong đó, tiêm hơn 5,6 triệu mũi 1 (đạt 94,5% dân số trên 18 tuổi, chiếm 68,6% tổng dân số TP) và tiêm hơn 690 nghìn mũi 2 (đạt 11,2% dân số trên 18 tuổi, chiếm 8,4% tổng dân số). Số lượng còn lại chủ yếu là đối tượng không được chỉ định tiêm sau khi khám sàng lọc.

Cũng theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh, những thành công bước đầu trong việc kiểm soát dịch bệnh COVID-19 là tiền đề để TP triển khai các quyết sách nhằm phục hồi kinh tế, quyết tâm hoàn thành những mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra cho cả năm 2021, góp phần tạo nên những kết quả tích cực về kinh tế - xã hội Thủ đô 8 tháng đầu năm. Cụ thể, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý II tăng 6,61%, cao hơn quý  I (tăng 5,17%), cao hơn mức trung bình của cả nước (5,64%). Một số chỉ tiêu 8 tháng đầu năm tăng khá, như thu ngân sách đạt 164.483 tỷ đồng, bằng 69,8 % dự toán Trung ương giao, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước; sản xuất công nghiệp tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước; chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 tăng 0,77% so với tháng 7...

Đặc biệt, với tinh thần "không để ai bị bỏ lại phía sau" và phương châm "bảo đảm an sinh xã hội là trọng yếu", Hà Nội đã quan tâm hỗ trợ cho đối tượng gặp khó khăn trong đại dịch COVID-19. Cụ thể, Hà Nội đã quyết định hỗ trợ gần 1.144 tỷ đồng, trong đó, nguồn từ ngân sách Nhà nước hỗ trợ các đối tượng quy định tại Nghị quyết 68 của Chính phủ và Nghị quyết 15 của Thường trực HĐND TP là hơn 866 tỷ đồng; nguồn vận động xã hội hóa là hơn 277,7 tỷ đồng đã hỗ trợ cho khoảng 1,918 triệu lao động, người sử dụng lao động, hộ kinh doanh.

Phát biểu tại kỳ họp, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, để phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu tăng trưởng năm 2021, cùng với việc tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh, Hà Nội đã và đang triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế. Đồng thời đề nghị các cấp, các ngành tập trung thực hiện 8 nhóm nhiệm vụ trọng tâm trong những tháng cuối năm 2021. Trước hết, cần xây dựng các kịch bản cụ thể trên cơ sở rà soát khả năng, nguồn lực phát triển từng lĩnh vực; phấn đấu thực hiện thành công "mục tiêu kép", vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội.

“Hà Nội đặt mục tiêu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết; quyết tâm bảo vệ an toàn cho Thủ đô, bảo đảm ngăn chặn, đẩy lùi, không để dịch bệnh diễn biến phức tạp…”, Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định.

Dành 650.000 tỷ đồng cho đầu tư công

Cũng trong sáng 23/9, các đại biểu HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 của TP. Theo đó, giai đoạn 2021-2025, TP dự kiến sẽ dành 650.000 tỷ đồng cho đầu tư công. Trên cơ sở tính toán, cân đối ngân sách TP, dự kiến tổng mức vốn trung hạn khoảng 304.779,7 tỷ đồng, trong đó kế hoạch đầu tư công trung hạn cấp TP là 218.962,7 tỷ đồng và cấp huyện là 85.837 tỷ đồng.

Đáng chú ý, Hà Nội thực hiện mục tiêu phát triển hạ tầng kỹ thuật giao thông; đầu tư, nâng tỷ lệ quỹ đất cho giao thông đô thị khoảng 12-15% diện tích đất đô thị. Cân đối bố trí vốn 5 năm cho lĩnh vực giao thông gồm 83.337 tỷ đồng để thực hiện 255 dự án. TP dành một khoản kinh phí cho 14 dự án lớn đang đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư và bố trí vốn hằng năm theo tiến độ thực tế dự án.

Phương án phân bổ ưu tiên đầu tư theo đúng định hướng đầu tư ngành giao thông và mục tiêu phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội như các đường Vành đai 2,5, Vành đai 3, Vành đai 3,5, Vành đai 4…; các cầu lớn qua sông (Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, cầu Thượng Cát); các trục hướng tâm, liên kết vùng (quốc lộ 6, nâng cấp quốc lộ 32, quốc lộ 1A cũ, quốc lộ 21B, đường nối từ cao tốc Láng - Hòa Lạc với đường cao tốc Hà Nội - Hòa Bình); các trục chính đô thị thuộc kết cấu hạ tầng khung và các đường tỉnh lộ, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch… (Công an nhân dân, trang 1).

 

Đồng bào Tây Nguyên phấn khởi được tiêm vaccine phòng COVID-19

Thực hiện chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, thời gian qua, tỉnh Đắk Lắk đã đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng cho nhiều đối tượng. Trước bối cảnh dịch COVID-19 đang có những diễn biến phức tạp, việc được tiêm vaccine với họ là niềm vui lớn, giúp họ an tâm hơn trong cuộc sống hằng ngày và nỗ lực vượt qua thời gian khó khăn đại dịch. Từ sáng sớm, điểm tiêm chủng tại Trạm Y tế xã Cư Êbur, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đã có rất đông người dân đến chờ để được tiêm vaccine phòng COVID-19. Người dân đến đây đều có một chút lo lắng ban đầu nhưng ai cũng vui khi được Nhà nước quan tâm, chăm lo bảo vệ trước dịch bệnh COVID-19.

Cầm tờ giấy chứng nhận đã tiêm vaccine phòng COVID-19 trên tay, già A Mí Phương (65 tuổi, trú tại buôn Đung, xã Cư Êbur, là thành viên trong tổ phòng, chống COVID cộng đồng) chia sẻ, trước khi tiêm, già vừa vui, lại vừa xen lẫn một chút lo lắng, hồi hộp. Nhưng khi đến lượt tiêm, được các y, bác sỹ sàng lọc rất kỹ các yếu tố nguy cơ nên phần nào ổn định được tinh thần.

“Đến khi tiêm xong và được khám sức khỏe sau tiêm, mình thấy hoàn toàn khỏe mạnh và rất vui mừng. Là đối tượng được ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19, thấy mình rất may mắn. Mong cho mọi người dân đều được tiêm vaccine sớm để dịch COVID-19 nhanh chóng được đẩy lùi, mọi người trở về cuộc sống bình thường”, già A Mí Phương vui mừng nói.

Còn chị HTrinh Niê (30 tuổi, trú tại buôn Jung, xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin, cán bộ y tế của xã) cho biết, bản thân chị do đặc thù công việc, nhất là những ngày tham gia ở tuyến đầu chống dịch nên phải tiếp cận rất nhiều đối tượng. Do đó, chị đã được ưu tiên tiêm 2 mũi vaccine phòng COVID-19. “Là người tham gia ở tuyến đầu chống dịch, được tiêm vaccine mình cảm thấy đỡ lo đi phần nào. Ngoài những đối tượng đã được tiêm theo diện ưu tiên, mình mong muốn, Nhà nước sẽ quan tâm, hỗ trợ hơn nữa để tất cả bà con trên địa bàn đều được tiêm đại trà để nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh”, chị HTrinh Niê nói.

Bác sỹ Trần Thuận, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Krông Búk cho biết, ngoài các lực lượng ưu tiên theo Nghị quyết 21 của Chính phủ, đợt tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 vừa qua, huyện Krông Búk có rất đông người dân là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn được hỗ trợ tiêm vaccine.

Ông Y Krú Ayun, Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban công tác Mặt trận buôn Đrao, xã Cư Né chia sẻ, ông và một số người dân trong buôn thuộc thành viên tổ phòng, chống dịch của buôn nên thường xuyên phải tiếp xúc với nhiều người, khi được tiêm vaccine cảm thấy rất yên tâm: “Sau khi được tiêm phòng vaccine, mình thấy yên tâm hơn. Tôi vẫn tuân thủ đeo khẩu trang khi tiếp xúc với mọi người. Tôi mong muốn là Nhà nước sẽ sớm hỗ trợ tiêm mũi thứ hai và sớm tiêm đại trà cho bà con”, ông Y Krú Ayun nói.

Còn tại buôn Kwăng A, xã Cư Bao, thị xã Buôn Hồ những ngày này, khi nhiều người dân trong buôn đang đi điều trị bệnh COVID-19 và thực hiện cách ly tập trung, thì công việc “vác tù hàng tổng” của ông Y Khuê Ayun (Trưởng buôn) cùng tổ COVID cộng đồng càng thêm bận bịu. Hằng ngày, khoác lên mình bộ đồ bảo hộ phòng dịch, ông Y Khuê Ayun cùng mọi người lại tất bật với núi công việc như phát gạo, nhu yếu phẩm từ bên ngoài gửi vào hỗ trợ bà con; trông coi nhà cửa, vật nuôi của những hộ F0, F1 đang đi điều trị, cách ly tập trung vắng nhà… Nhờ vậy, bà con đã bớt đi phần nào lo lắng, yên tâm thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

Là đối tượng được ưu tiên tiêm vaccine trong đợt vừa qua, ông Y Khuê Ayun chia sẻ, khi biết được thông tin tiêm vaccine, ông vừa vui mừng xen lẫn lo lắng. Vui vì mình được tiêm sớm (do nguồn vaccine còn hạn chế), lo lắng vì sợ sau tiêm có thể xảy ra phản ứng phụ. “Tuy nhiên, sau khi được các bác sỹ tư vấn cụ thể, mình và những thành viên khác đã yên tâm hơn. Mình cảm ơn sự quan tâm của Nhà nước vì đã tạo điều kiện giúp các đối tượng như mình được tiêm vaccine phòng COVID-19, giúp chúng tôi an tâm với công việc cùng chung tay chống dịch”, ông Y Khuê Ayun nói.

Theo bác sỹ Trịnh Quang Trí, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đắk Lắk cho biết, đến nay tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức được 7 đợt tiêm vaccine phòng COVID-19 với hơn 166.000 liều đã tiêm. “Với kế hoạch hơn 2,3 triệu liều vaccine được Bộ Y tế phân bổ cho địa phương thì đến nay, tỉnh chỉ mới nhận được hơn 207.000 liều (chiếm 8,24%), với nguồn vaccine còn có hạn, ngành Y tế vẫn đang tiếp tục triển khai tiêm vaccine cho nhóm đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 21 của Chính phủ.

Trong quá trình triển khai tiêm vaccine, ngành Y tế phối hợp với các đơn vị, địa phương căn cứ số lượng vaccine phòng COVID-19 mà Bộ Y tế phân bổ cho địa phương để chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức tiếp nhận và triển khai tiêm chủng nhằm đảm bảo kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng ưu tiên; không để xảy ra lãng phí vaccine đảm bảo tỷ lệ bao phủ tiêm chủng”, bác sỹ Trí nói. (Công an nhân dân, trang 4).

 

TP Hồ Chí Minh đề xuất 3 cơ chế thu phí cho bệnh viện tư nhân điều trị COVID-19

Sở Y tế TP Hồ Chí Minh vừa có văn bản trình UBND Thành phố xem xét cơ chế tài chính đối với các cơ sở y tế tư nhân tham gia điều trị COVID-19.

Theo đó, trong khi chờ hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền, Sở Y tế kiến nghị UBND TP Hồ Chí Minh xem xét cho các bệnh viện tư nhân trên địa bàn tham gia phòng, chống dịch được hưởng một số cơ chế thu phí trong điều trị COVID-19. Cụ thể, về chi phí điều trị COVID-19 bao gồm tiền khám bệnh, tiền giường, dịch vụ kỹ thuật…, ngân sách nhà nước thanh toán theo mức giá dịch vụ khám chữa bệnh được Bộ Y tế quy định tại Thông tư số 14/2019/TT-BYT, bệnh viện không được thu thêm tiền của người bệnh. 

Về chi phí vật tư tiêu hao chưa được kết cấu vào giá dịch vụ kỹ thuật và thuốc điều trị COVID-19 (trừ thuốc Remdesivir 100mg, Molnupiravir 400mg đã được Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cấp), ngân sách nhà nước thanh toán theo số lượng thực tế sử dụng với giá thanh toán theo kết quả đấu thầu nhưng không cao hơn mức mà cơ quan Bảo hiểm xã hội hiện đang thanh toán cho đơn vị.

Chi phí phục vụ khác theo yêu cầu ngoài phạm vi chi trả của ngân sách nhà nước (tiền phòng, tiền ăn theo yêu cầu, các dịch vụ tiện ích tăng thêm khác theo yêu cầu của người bệnh,...), bệnh viện được thu tiền người bệnh theo mức giá thỏa thuận giữa bệnh viện và người bệnh nhưng không được vượt quá mức giá mà bệnh viện đã kê khai với Sở Y tế TP Hồ Chí Minh (nếu có).

Hiện, thành phố đã huy động các bác sĩ, điều dưỡng của 52 bệnh viện tư nhân, 200 phòng khám tham gia các hoạt động phòng, chống dịch. Trong đó, 11 bệnh viện tư nhân đã chuyển đối một phần công năng để điều trị COVID-19. Việc huy động các bệnh viện tư nhân tham gia điều trị COVID-19 giúp bổ sung nhân viên y tế, cơ sở vật chất, góp phần giảm tải cho các bệnh viện công lập.

Trước đó, UBND TP Hồ Chí Minh đã có nhiều văn bản kiến nghị Bộ Tài chính, Bộ Y tế và Chính phủ hướng dẫn việc chi trả chi phí cho các bệnh viện tư nhân tham gia điều trị bệnh nhân COVID-19.

Mới đây, ngày 9/9, Bộ Y tế có tờ trình về một số cơ chế, chính sách trong phòng, chống dịch COVID-19, trong đó có đề xuất cơ chế tài chính đối với các cơ sở khám, chữa bệnh ngoài công lập được huy động tham gia điều trị COVID-19. Cụ thể, việc thanh toán chi phí khám, chữa bệnh cho các F0 do ngân sách nhà nước bảo đảm theo từng người với mức thanh toán do Hội đồng nhân dân tỉnh nơi cơ sở đặt trụ sở quyết định, theo nguyên tắc không cao quá mức giá cao nhất của bệnh viện đa khoa tỉnh hoặc mức giá cao nhất của bệnh viện Trung ương trên địa bàn. (Công an nhân dân, trang 4).

Tags:

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang