Cơm công nhân quá kém: Cần những bếp ăn hiện đại
Từ đầu năm đến nay cả nước xảy ra 33 vụ ngộ độc ở bếp ăn tập thể, với 2.302 người mắc. So với cùng kỳ năm ngoái, số người bị ngộ độc tập thể trong khu công nghiệp tăng đến 697 người. Đáng chú ý, gần 50% các vụ ngộ độc bếp ăn tập thể là do vi sinh (thực phẩm nhiễm vi khuẩn).
Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), cho biết: “Theo giám sát của chúng tôi, có đến 70% các vụ ngộ độc tập thể tại khu công nghiệp (KCN) là do suất ăn được cung cấp từ các cơ sở bên ngoài KCN ký hợp đồng cung cấp với chủ lao động. Thời gian chế biến, bảo quản vận chuyển dài, vệ sinh kém rất thuận lợi cho vi sinh nhân lên, sinh độc tố gây ngộ độc”.
Ông Phong cho rằng khi phê duyệt quy hoạch KCN nên dành đất cho bếp ăn tập thể để cung cấp cho công nhân (CN), tránh việc vận chuyển thức ăn từ xa đến làm tăng ô nhiễm, khó kiểm soát chất lượng.
Nguyên liệu rẻ tiền rất dễ nhiễm độc tố
Đáng chú ý, người đứng đầu Cục An toàn thực phẩm (ATTP) cũng nhìn nhận cần nâng cao trách nhiệm của các cơ quan giám sát quản lý an toàn thực phẩm tại địa phương, đặc biệt ở cấp quận, huyện.
“Thực tế, có công ty quy mô 18 bếp ăn, mỗi ngày cung cấp hàng ngàn suất ăn cho KCN nhưng 10/18 bếp ăn của họ suốt thời gian dài không hề có chứng nhận đủ điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) mà cơ quan quản lý tại địa phương vẫn để tồn tại, đến khi xảy ra ngộ độc mới bị xử lý”, ông Phong cho biết.
Theo ông, các đợt kiểm tra vừa qua đã phát hiện vi phạm phổ biến tại các bếp ăn như: không đảm bảo vệ sinh cơ sở, vệ sinh dụng cụ - là những nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm.
“Đặc biệt, các suất ăn cho CN có chi phí rất thấp, phần lớn chỉ khoảng 10.000 - 12.000 đồng/suất, đã bao gồm cả lợi nhuận của nhà cung cấp. Như vậy chi phí thực chỉ khoảng 9.000 - 10.000 đồng/suất ăn, quá thấp như vậy khó có thể đảm bảo về chất lượng của nguyên liệu. Nguyên liệu ôi, cũ, rẻ tiền rất dễ nhiễm vi sinh, độc tố”, ông Phong nhấn mạnh.
PGS-TS Lê Bạch Mai, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, cũng cho rằng chi phí bữa ăn cho CN thường chưa đủ để có khẩu phần ăn đủ về số lượng và cân đối về chất lượng, không đủ để CN tái tạo sức lao động. Cơ quan chức năng cần ban hành quy định về giá trị dinh dưỡng, mức giá đối với suất ăn phù hợp các mức lao động của CN.
Đáng báo động là một nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng quốc gia đã cho thấy chất lượng bữa ăn mới đáp ứng khoảng 80 - 85% nhu cầu năng lượng của CN. Phần lớn CN nữ ở lứa tuổi sinh đẻ 18 - 25, tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng, đói vi chất ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản.
Sớm có quy định về bữa ăn công nhân
Ông Mai Đức Chính, Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ VN, nhìn nhận để xảy ra những vụ ngộ độc tập thể, ngoài trách nhiệm của y tế địa phương còn có trách nhiệm của chủ sử dụng lao động và Công đoàn cơ sở. Công đoàn chưa làm tròn trách nhiệm chăm lo cho người lao động, không kiểm soát chất lượng thực phẩm, không biết thực phẩm được mua, được nấu như thế nào... cũng không hay.
Theo ông Chính, trước đây Tổng LĐLĐ VN đã kiến nghị với Thủ tướng trong luật Lao động cần quy định rõ bữa ăn cho CN nhưng phía Bộ LĐ-TB-XH không đồng tình vì cho rằng đây là thỏa thuận thương lượng tập thể giữa người lao động và chủ doanh nghiệp. Tổng LĐLĐ VN đã đề nghị Bộ Y tế tăng cường kiểm tra bữa ăn CN, buộc các cơ sở cung cấp suất ăn phải tuân thủ các quy định về ATVSTP.
Về giải pháp tăng cường kiểm soát chất lượng bữa ăn, đại diện Tổng LĐLĐ cho rằng các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về ATVSTP, phải có chế tài xử phạt nghiêm và kiên quyết đối với những vi phạm.
“Cách tính suất ăn như hiện nay của doanh nghiệp chỉ cảm tính, chưa có định lượng. Tổng LĐLĐ đã giao cho Viện Khoa học và Lao động nghiên cứu đề tài khoa học cấp nhà nước về suất ăn cho CN, trong đó tính toán định lượng calorie, dinh dưỡng... Đây là cơ sở để chúng tôi kiến nghị với Chính phủ để bắt buộc doanh nghiệp phải tính đúng, tính đủ bữa ăn cho CN”, ông Chính chia sẻ thêm.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Phạm Minh Huân cũng cho rằng, để bữa ăn cho CN tốt, rất cần vai trò của Công đoàn trong doanh nghiệp. Chất lượng bữa ăn như thế nào tùy thuộc vào từng đơn vị và tùy thuộc vào thỏa thuận hai bên (Công đoàn và chủ sử dụng lao động). Vì vậy, Công đoàn phải tích cực đấu tranh vì người lao động, thương lượng với chủ sử dụng để có bữa ăn chất lượng cho CN.( Thanh niên trang 8)
* Cùng chủ đề bài viết có các tin, bài sau:
Lao động (trang 8) 24/10: Lâm Đồng: 28 người nhập viện sau khi ăn bánh mì
Tiền phong (trang 10) 24/10: Đình chỉ công ty cung cấp suất ăn làm 400 công nhân ngộ độc
45 năm thành lập Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu
Ngày 23-10, Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai) tổ chức kỷ niệm 45 năm thành lập (1970 - 2015).
Từ tổ nghiên cứu chuyên đề phóng xạ y học đã phát triển thành một trung tâm hoàn chỉnh, hiện đại, đồng bộ với đội ngũ thầy thuốc có đủ khả năng đảm nhiệm các nhiệm vụ của một trung tân y tế chuyên sâu về y học hạt nhân và ung bướu ngang tầm các nước trong khu vực. Đến nay, ngoài các kỹ thuật chẩn đoán và điều trị trong lĩnh vực ung bướu thường quy, trung tâm đã triển khai được nhiều kỹ thuật ngang tầm các nước trong khu vực và thế giới.
Tiêu biểu như PET/CT, một trong những kỹ thuật chụp hình chẩn đoán hiện đại nhất hiện nay. PET/CT là công cụ quan trọng giúp người thầy thuốc chẩn đoán sớm và chính xác ung thư; đánh giá đáp ứng điều trị; phát hiện ung thư tái phát, di căn sau điều trị…
Ứng dụng PET/CT mô phỏng lập kế hoạch xạ trị ung thư hiện là một trong những kỹ thuật hiện đại nhất hiện nay. Áp dụng kỹ thuật SPECT để xạ hình, cắt lớp các cơ quan và quét toàn thân để chẩn đoán, phát hiện sớm di căn, phát hiện tái phát sau điều trị và một số bệnh lý khác như thận tiết niệu, tiêu hóa, nội tiết, tim mạch, xương khớp…( Nhân dân trang 8)
Đại học Y Hà Nội: Mở ra triển vọng hợp tác với Pháp đào tạo phẫu thuật thẩm mỹ
Trong 2 ngày 23 và 24-10, tại trường Đại học Y Hà Nội đã diễn ra Hội nghị Pháp - Việt lần thứ nhất về phẫu thuật thẩm mỹ với sự tham gia của hơn 100 đại biểu là các thầy thuốc chuyên ngành phẫu thuật tạo hình - phẫu thuật thẩm mỹ của các cơ sở y tế trong cả nước và nhiều Giáo sư, Tiến sĩ của các bệnh viện thuộc Pháp.
Qua 2 ngày diễn ra hội nghị, chuyên gia hai nước đã trình bày 25 báo cáo chuyên về phẫu thuật thẩm mỹ ngực, mí mắt, căng da mặt và cấy ghép mỡ tạo hình đầu mũi; một số biến chứng thường gặp khi phẫu thuật thẩm mỹ…
Theo PGS.TS Trần Thiết Sơn - Chủ nhiệm bộ môn Phẫu thuật tạo hình trường Đại học Y Hà Nội, hội nghị nhằm mục đích trao đổi kỹ thuật mới đang được áp dụng thành công tại một số cơ sở thuộc Pháp và Việt Nam. Đây cũng là một trong những hoạt động chuyên môn của bộ môn Phẫu thuật tạo hình Đại học Y Hà Nội và mở ra triển vọng hợp tác đào tạo trong lĩnh vực phẫu thuật thẩm mỹ giữa Đại học Y Hà Nội với các trường của Pháp.( An ninh thủ đô trang 2)
Bệnh viện ngoài công lập cũng sẽ được chuyển giao kỹ thuật
Bộ Y tế vừa đặt mục tiêu đến hết năm 2016, tất cả các bệnh viện tuyến tỉnh sẽ phải tham gia mạng lưới bệnh viện vệ tinh để được chuyển giao kỹ thuật cao, giảm tối đa tình trạng vượt tuyến.
Theo thống kê trong 2 năm qua, cả nước đã thành lập, phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh với 14 bệnh viện hạt nhân và 46 bệnh viện vệ tinh ở 38 tỉnh, thành phố thuộc 5 chuyên khoa tim mạch, chấn thương chỉnh hình, sản, nhi, ung bướu. Để đạt được mục tiêu đề ra, Bộ Y tế yêu cầu lãnh đạo Sở Y tế các địa phương phải đề xuất bệnh viện vệ tinh trên địa bàn, bảo đảm nhân lực để tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật. Đặc biệt, đợt này không chỉ chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện công lập mà còn chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện ngoài công lập. ( An ninh thủ đô trang 4)
Bệnh viện công lập đầu tiên được cổ phần hóa: Người bệnh được hưởng lợi gì?
Ngày 21-10 vừa qua, lần đầu tiên tại Việt Nam, một bệnh viện công là Bệnh viện Giao thông vận tải (GTVT) Trung ương đã cổ phần hóa, chuyển từ mô hình được nhà nước bao cấp sang loại hình hoạt động dịch vụ. Sự kiện này được kỳ vọng sẽ là tạo ra bước thay đổi đột phá mới của ngành y, song theo đại diện Bộ Y tế, hiện Bộ chưa có chủ trương, khuyến khích mở rộng.
Tín hiệu đáng mừng
Theo công bố của Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội về kết quả đấu giá cổ phần của Bệnh viện GTVT Trung ương (thuộc Bộ GTVT), toàn bộ hơn 4,95 triệu cổ phần của bệnh viện đã được đấu giá thành công với mức giá trung bình 23.597 đồng, thu về hơn 116,8 tỷ đồng. Sự kiện Bệnh viện GTVT Trung ương chào bán cổ phần và có đến gần 30% vốn cổ phần của toàn bệnh viện được đặt mua ngay trong lần giao bán đầu tiên vào ngày 21-10 vừa qua được coi là khá bất ngờ, từ số nhà đầu tư tham dự đấu giá đông cho đến giá trị cổ phần được chào bán khi có nhà đầu tư trả giá cao gấp 2,6 lần so với giá khởi điểm.
Đến thời điểm này, Bệnh viện GTVT Trung ương là đơn vị y tế công lập đầu tiên trong cả nước tiến hành thí điểm cổ phần hóa. Hiện tại bệnh viện này có khoảng 450 cán bộ y tế nhưng công suất giường bệnh chỉ đạt khoảng 60%, cho thấy hoạt động của bệnh viện thời gian qua không thực sự hiệu quả và vì thế, chiến lược cổ phần hóa được Bộ GTVT đưa ra có thể coi là giải pháp cần phải triển khai để thu hút nhà đầu tư chiến lược có kinh nghiệm quản lý, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao... tạo điều kiện đổi mới hệ thống chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Theo ông Lê Tuyên Hồng Dương, Phó Giám đốc Bệnh viện GTVT Trung ương, việc bệnh viện thực hiện cổ phần hóa là bước đi đúng đắn theo chủ trương của Chính phủ về cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước. Sau cổ phần hóa, quyền lợi của bệnh nhân không những vẫn được giữ nguyên mà còn được hưởng những dịch vụ với chất lượng tốt hơn trước. Về phía Bộ Y tế, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế cũng cho rằng, việc Bệnh viện GTVT được bán đấu giá trên cơ sở cổ phần hóa và được cổ đông quan tâm là tín hiệu đáng mừng, cho thấy giá trị thương hiệu của các bệnh viện công lập hiện vẫn lớn, đồng thời sẽ giúp bệnh viện nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân.
Chưa khuyến khích cổ phần hóa
Tại một hội thảo mới đây của ngành y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng cho biết không khuyến khích cổ phần hóa bệnh viện công mà chỉ khuyến khích đầu tư bệnh viện tư nhân, không để “công-tư” lẫn lộn trong mô hình bệnh viện. Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh đến việc cần bổ sung giải pháp về nâng cao chất lượng khám chữa bệnh như khuyến khích phát triển mạng lưới bác sĩ gia đình, củng cố y tế cơ sở, phát triển nguồn nhân lực quản lý bệnh viện, hoàn thành đúng lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân. Đồng thời nên tạo cơ chế tự chủ để tăng nguồn thu cho các đơn vị sự nghiệp, trong đó y tế công lập giữ vai trò chủ đạo, đảm bảo các nhiệm vụ, các lĩnh vực mà tư nhân không hoặc ít có điều kiện tham gia, còn y tế ngoài công lập đóng vai trò bổ sung, phục vụ các đối tượng có khả năng chi trả, tham gia các hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu.
Trao đổi với báo chí ngày 23-10, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, hiện tại Bộ Y tế chưa có chủ trương cổ phần hoá bệnh viện công. Nguyên nhân vì tư nhân hóa bệnh viện dù một phần thì bệnh viện sẽ hoạt động như một doanh nghiệp, khi đó lợi nhuận sẽ là mục tiêu của bệnh viện, đồng nghĩa với việc người nghèo sẽ càng khó tiếp cận dịch vụ y tế. Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến phân tích, nguyên nhân khiến Bộ chưa bàn đến việc cổ phần hoá bệnh viện công là do trong nhiều năm qua Nhà nước vẫn luôn đảm bảo tài chính cho các bệnh viện để khám chữa bệnh phục vụ cho dân, vì đây là công tác an sinh xã hội. Hơn nữa, trong thời gian tới, giá dịch vụ y tế sẽ tăng, sẽ góp phần cải thiện cơ sở vật chất, thái độ phục vụ của nhân viên y tế ở bệnh viện công với bệnh nhân thì không nhất thiết phải cổ phần hoá để phát triển bệnh viện.
Cũng liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, ông ủng hộ chủ trương cổ phần hóa bệnh viện công để nâng cao chất lượng điều trị và chăm sóc bệnh nhân. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Tiên lưu ý, để đạt được mục tiêu hướng tới người bệnh như vậy thì sau khi cổ phần hóa, Bộ GTVT phải có chủ trương khuyến khích những người mua điều hành theo hình thức phi lợi nhuận, dành phần nhiều lợi nhuận vào việc đầu tư để phát triển bệnh viện.( An ninh thủ đô trang 4)
Bệnh viện CATP Hà Nội: Nâng cao việc sử dụng thuốc an toàn và hợp lý
Chiều qua 23-10, Cục Y tế, Bộ Công an đã tổ chức lớp tập huấn hoạt động thông tin thuốc cho các y bác sỹ của Bệnh viện CATP Hà Nội.
Thiếu tướng, Tiến sỹ Nguyễn Tiến Dẫn - Cục trưởng Cục Y tế, Bộ Công an cho biết, trong điều kiện hiện nay, nguồn cung ứng thuốc phong phú, tình trạng kháng thuốc cũng gia tăng, vì thế rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa dược sỹ và bác sỹ. Các dược sỹ sẽ là những cố vấn đắc lực cho các bác sỹ trong công tác chữa bệnh. Với sự hỗ trợ từ các dược sỹ, các bác sỹ sẽ xây dựng được các quy định về quản lý và sử dụng thuốc trong bệnh viện, các tiêu chí lựa chọn thuốc để xây dựng danh mục thuốc bệnh viện; lựa chọn các phác đồ điều trị…
Đại tá Trần Công Tuấn - Giám đốc Bệnh viện CATP Hà Nội nhấn mạnh, thông qua buổi tập huấn, các y bác sỹ của bệnh viện nắm chắc những thông tin hữu ích về các hoạt động thông tin thuốc, đặc biệt là công tác hướng dẫn và giám sát việc sử dụng thuốc trong bệnh viện để đáp ứng nhu cầu công việc. Trong thời gian tới, những y bác sỹ được tham gia khóa tập huấn sẽ ứng dụng hiệu quả các hoạt động thông tin thuốc để tư vấn người bệnh sử dụng thuốc đạt hiệu quả tốt nhất nhằm đảm bảo an toàn tính ạng, sức khỏe, phục vụ tốt nhiệm vụ chiến đấu của lực lượng Công an Thủ đô.( An ninh thủ đô trang 4)
Đồng Nai đã có 6 ca tử vong do sốt xuất huyết
Theo Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Đồng Nai, tại địa bàn xã Tam Phước (thành phố Biên Hòa) vừa có thêm 2 ca tử vong do sốt xuất huyết, nâng số ca tử vong do sốt xuất huyết từ đầu năm 2015 đến nay trong toàn tỉnh Đồng Nai lên 6 ca.
Hiện tỉnh Đồng Nai có trên 6,4 ngàn ca mắc sốt xuất huyết (tăng 200% so với cùng kỳ năm 2014), trong đó thành phố Biên Hòa là địa phương có số ca mắc cao nhất, chiếm khoảng 40% số ca mắc toàn tỉnh với 3 ca tử vong.
Trung bình mỗi tuần có thêm trên 200 ca mới. Theo ngành y tế thì những khu vực có đông công nhân cư trú là nơi phát sinh nhiều ổ dịch sốt xuất huyết.( Tiền phong trang 2)
Lấy ngón chân thay ngón tay cho bệnh nhân
Cách đây 6 năm, khi còn là công nhân đứng máy, anh K sơ ý bị máy cuốn dập nát ngón trỏ tay trái, phải cắt cụt. Nay trở thành doanh nhân, anh K muốn tái tạo ngón tay để thuận tiện và tự tin hơn khi giao tế, làm ăn.
Ngày 23/10, bác sĩ Vũ Minh Đức - khoa chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Nhân dân 115 TPHCM - cho biết, bệnh viện vừa phẫu thuật thành công cho một nam bệnh nhân 39 tuổi.
Theo bác sĩ Đức, phương án được đưa ra đó là cắt 1 ngón chân để đưa lên thay thế ngón tay trỏ bị mất. Trước khi tiến hành, ê kíp phẫu thuật đã xác định ca mổ sẽ phải kéo dài và khó khăn.
“Việc lấy ngón chân cần phải được đo đạc kỹ lưỡng để khi ghép vào hai bàn tay sẽ tương thích về kích thước 2 ngón trỏ”, bác sĩ Đức nói.
Ngoài ra, việc xử lý trên tĩnh mạch mong manh kèm theo xương, gân, mạch máu, thần kinh nên các bác sĩ mất khá nhiều thời gian để bóc tách hoàn toàn ngón chân.( Tiền phong trang 10)
Tăng chi phí điều trị 2,8 lần vì nhiễm khuẩn bệnh viện
Ngày 23/10, tại hội thảo “Cập nhật công nghệ mới: Giải pháp phòng mổ hiện đại, trung tâm tiệt trùng - nhu cầu các bệnh viện tại Việt Nam”, GS.TS. Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, nhiễm khuẩn bệnh viện là một nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn của bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và nhân viên y tế.
Hiện nhiễm khuẩn bệnh viện cũng làm tăng 2,5 lần thời gian nằm viện của bệnh nhân, tăng chi phí điều trị 2,8 lần.
Tại châu Âu, số liệu thống kê cho thấy nhiễm khuẩn bệnh viện làm tăng thêm 16 triệu ngày nằm viện và làm thất thoát khoảng 10 tỷ USD.
Việc ngăn ngừa nhiễm khuẩn bệnh viện được thực hiện trước tiên nhờ việc thực hiện nghiêm ngặt các quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn, xây dựng mô hình tiệt trùng trung tâm.
Tại Hội thảo, Bộ Y tế cũng giới thiệu Phòng mổ đa năng (Hybrid ORs) - một xu thế mới trên thế giới.
GS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết đây là sự kết hợp giữa môi trường phẫu thuật vô trùng với hệ thống chẩn đoán hình ảnh mạnh mẽ như với: máy chụp mạch, máy chụp cắt lớp hay máy cộng hưởng từ.
Việc kết hợp thiết bị chẩn đoán trong môi trường phòng mổ giúp tránh được việc phải vận chuyển bệnh nhân đến khu chẩn đoán hình ảnh, bệnh nhân được chẩn đoán và phẫu thuật trong ngay trong phòng mổ và ngay trong khi mổ.
Điều này giúp tiết kiệm các thời gian quý giá cứu chữa, tăng cường sự an toàn cho bệnh nhân, giúp người bệnh phục hồi nhanh hơn.
Trong phòng mổ Hybrid, sử dụng X-quang dẫn đường và lập bản đồ thời gian thực mang đến các kĩ thuật mới, thân thiện với bệnh nhân trong điều trị tim và mạch, như các thủ thuật: thay thế van tim can thiệp tối thiểu hay phẫu thuật tim phẫu thuật không sử dụng tuần hoàn ngoài cơ thể.
Tuy nhiên, ứng dụng trong phòng mổ Hybrid không chỉ bó hẹp trong lĩnh vực đó, nó còn mang đến các cơ hội mới trong phẫu thuật thần kinh, chấn thương và chỉnh hình... và cũng có thể sử dụng như phòng mổ và can thiệp truyền thống, mang đến hiệu quả và công năng cao.( Tiền phong trang 10, Công an nhân dân trang 2)
Bộ Y tế không mặn mà với CPH bệnh viện công
100% cổ phần chào bán trong phiên đấu giá cổ phần Bệnh viện Giao thông Vận tải được nhà đầu tư mua với giá cao, tuy nhiên đại diện Bộ Y tế lại tỏ ra không mặn mà với chủ trương cổ phần hóa (CPH) bệnh viện công…
Ngày 23/10, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, Bộ chưa có chủ trương CPH bệnh viện công. Theo Thứ trưởng Tiến, tư nhân hóa bệnh viện dù một phần thì bệnh viện sẽ hoạt động như một doanh nghiệp, khi đó lợi nhuận sẽ là mục tiêu của bệnh viện, lúc đó người nghèo sẽ càng khó tiếp cận dịch vụ y tế.
Phân tích nguyên nhân khiến Bộ chưa bàn đến việc CPH bệnh viện công, lãnh đạo Bộ Y tế cho hay, trong nhiều năm qua Nhà nước vẫn luôn đảm bảo tài chính cho các bệnh viện để khám chữa bệnh phục vụ cho dân, vì đây là công tác an sinh xã hội.
Thêm nữa, thời gian tới giá dịch vụ y tế sẽ tăng, góp phần cải thiện cơ sở vật chất, thái độ phục vụ của nhân viên y tế đối với bệnh nhân thì không nhất thiết phải CPH để có tiền phát triển bệnh viện.
Tại một hội thảo mới đây của ngành y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng nhấn mạnh quan điểm tôn trọng quyền được chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân là nhiệm vụ hàng đầu, cần bổ sung giải pháp về nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh như khuyến khích phát triển mạng lưới Bác sĩ gia đình; củng cố y tế cơ sở theo Chỉ thị số 06; phát triển nguồn nhân lực quản lý bệnh viện; xây dựng theo đúng lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân. Bộ trưởng nhấn mạnh, không khuyến khích CPH bệnh viện công mà chỉ khuyến khích đầu tư bệnh viện tư nhân, không để “công”, “tư” lẫn lộn trong mô hình bệnh viện.
Trước đó, ngày 21/7, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã phê duyệt phương án thí điểm CPH Bệnh viện GTVT Trung ương có trụ sở tại ngõ 84 phố Chùa Láng, Hà Nội.
Hình thức CPH là vừa bán bớt một phần vốn nhà nước hiện có tại doanh nghiệp vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ. Vốn điều lệ phát hành lần đầu là 168 tỷ đồng, trong đó nhà nước nắm giữ 30%; bán ưu đãi cho người lao động trong bệnh viện là 10,52%; bán cho nhà đầu tư chiến lược 30%.
Ngoài ra, bán đấu giá công khai 29,48% vốn điều lệ. Đến thời điểm này, sau khi mua thêm 21% vốn điều lệ, cộng với 30% cổ phần chiến lược, Tập đoàn T&T đã nắm quyền chi phối Bệnh viện GTVT Trung ương với số vốn trên 50%.( Tiền phong trang 10)
Uống tiết nưa, 12 người nhập viện
Sau hơn 2 tháng kế từ ngày uống tiết và ăn nội tạng nưa (loài bò sát giống trăn), nhiều người vẫn đang phải nằm điều trị tại bệnh viện với tình trạng sức khỏe rất kém.
Sáng 23.10, sau khi vừa từ Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.Hồ Chí Minh) trở về, anh Trần Văn Vinh (Thôn 3 xã Ea H’Mlay, huyện M’Đrăk, Đăk Lăk), cho biết: Anh được chẩn đoán là “Dị ứng chưa xác định – viêm cơ khớp – tăng men gan sau ngộ độ uống tiết trăn”. Sau gần 2 tháng điều trị, tình hình sức khỏe của anh dù đã ổn định nhưng cơ thể gần như kiệt sức, tay chân vận động kém, mệt mỏi, chán ăn.
Theo anh Vinh, trước đây hơn 2 tháng, anh Trần Bá Dân (cư trú tại Thôn 3, xã Ea H’Mlay) cùng một số người nữa đã mua một con trăn (thực chất là con nưa, một loại bò sát giống như trăn, phân bố nhiều ở các tỉnh Tây Nguyên) nặng khoảng 12kg về để làm thịt và mời bạn bè (có cả anh Vinh) đến nhậu. Do con nưa quá lớn, nên mọi người chỉ lấy nội tạng nưa để ăn và lấy huyết nưa pha rượu để uống. Phần thịt nưa được đem nấu cao chia cho một số người mang về nhà. Đến khoảng hơn 10 ngày sau, toàn bộ những người trong bữa nhậu (12 người) đều có dấu hiệu nóng, sốt cao khó hạ, nôn ói, đau mỏi người, nhức xương, liệt tay chân, đau tức vùng ngực, tim đập nhanh,… được người nhà đưa đi khám và điều trị tại các BV Đa khoa Huyện M’Drăk, BV Pasteur Nha Trang, BV Thiện Hạnh (TP.Buôn Ma Thuột), BV Nhiệt đới, BV Chợ Rẫy (TP.HCM).( Nông thôn ngày nay trang 2)
Éo le bệnh hiếm gặp
Sinh con khỏe mạnh nhưng được vài ngày tuổi trẻ bất ngờ tử vong hoặc phải “gắn chặt” với máy móc trong bệnh viện. Đó là nỗi đau của nhiều bậc cha mẹ có con mắc bệnh hiếm gặp…( Nông thôn ngày nay trang 5)
Ứng dụng kỹ thuật mới điều trị bệnh tim
Khoa Tim mạch (Bệnh viện Quân y 103) vừa triển khai thành công kỹ thuật thăm dò điện sinh lý tim và điều trị rối loạn nhịp tim bằng năng lượng sóng có tần số radio…( Nông thôn ngày nay trang 5)
Hà Tĩnh: Trừ lương 4 y – bác sĩ vì thiếu chuẩn mực y đức với bệnh nhân
Ngày 23-10, ông Phan Thanh Minh – Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Cẩm Xuyên – cho biết, lãnh đạo bệnh viện vừa phê bình và trừ lương đối với 4 y – bác sĩ khoa Nội Đông y của Bệnh viện. Theo ông Minh cả 4 cán bộ nói trên đều thiếu chuẩn mực y đức. Bệnh viện đã yêu cầu 4 y – bác sĩ có thái độ không đúng mực này đến nhà bệnh nhân tố cáo để xin lỗi họ.( Lao động trang 8)
Bệnh viện đầu tiên của Hà Nội thực hiện ghép thận: Phía sau những ca mổ
Dù là cơ sở non trẻ trong ghép thận, tôi thật bất ngờ khi biết, Bệnh viện (BV) Đa khoa Xanh Pôn lại sớm được sự tín nhiệm như vậy. Một Việt kiều ở Đức với tiến triển bệnh phức tạp, tuổi đã cao lại quyết định quay về nước và tín nhiệm chọn bệnh viện này để ghép thận. 9 bệnh nhân đã được ghép thận ở đây với nhiều bệnh cảnh khác nhau đều cho kết quả tốt. Và càng nghe, tôi càng thấy ngỡ ngàng, ngay từ khâu vô khuẩn…
Từ nội khoa cho đến…
Là người ngoại đạo, tôi cứ nghĩ rằng, ghép thận chỉ là ngoại khoa (mổ xẻ) là chính. Nhưng sau khi trò chuyện với các bác sĩ, tôi nhận thấy, để thành công cho một ca ghép thận thì mới biết, rất nhiều công đoạn với rất nhiều kíp để hoàn thành một ca ghép.
Là Trưởng ban thư ký của Đề án ghép thận, BS-ThS Nguyễn Hiền Vân (Trưởng khoa Nội 1) cho chúng tôi biết một cách tổng quát nhất các khâu của ghép thận. Nữ BS Vân cho biết, 9 bệnh nhân đã mổ là 9 cảnh bệnh, về mức độ bệnh, tiến triển bệnh, ghép cùng huyết thống, khác huyết thống…, nhưng kết quả đều tốt. Không một ai bị biến chứng vì ghép thận, kết quả thật mỹ mãn.
BS-ThS Ngô Thị Thanh Hải – Trưởng khoa Nội 2 - cho biết, với ca ghép thận, trước khi được hội chẩn chuyên môn, phải qua Hội đồng hội chẩn pháp lý, ngoài các bác sĩ còn có các chuyên gia về tâm thần, luật sư. Một trong những nhiệm vụ của hội đồng này là xem việc cho, nhận thận này có đủ yếu tố pháp lý hay chưa. Bởi việc cho thận hiện nay vẫn được coi là khâu rất nhạy cảm.
Chỉ riêng khâu tưởng là đơn giản nhất, công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, tôi nghe mà không khỏi bất ngờ. Bởi lẽ, không chỉ trong phòng mổ, khi mà bệnh nhân đã mổ xong phải mặc 3 lớp quần áo, các thang máy dự kiến di chuyển bệnh nhân phải được vô khuẩn trước đó 3 tiếng và niêm phong lại. Phòng hậu phẫu để tiếp đón bệnh nhân cũng vậy, đều được vô khuẩn và niêm phong vài ngày trước đó. Cáng di chuyển bệnh nhân về đến phòng hậu phẫu được phun dung dịch sát trùng đặc biệt trước khi vào phòng cùng bệnh nhân. Ngay cả đến khi cởi áo bệnh nhân cũng có cung bậc riêng…
… ngoại khoa
Là bác sĩ ngoại khoa ở khoa Tiết niệu (khoa trực tiếp thực hiện ghép thận), ThS Phan Tùng Lĩnh kể với chúng tôi khá kỹ từ việc lấy thận của người cho, rửa thận đến ghép thận.
Nghe BS Lĩnh, mới biết hóa ra việc lấy thận cũng cực kỳ phức tạp. Điều tối thiểu nhất là không để quả thận bị tổn thương. Cấu tạo mỗi quả thận của mỗi người cũng khác nhau, chẳng hạn có người có 1, người có 2 động mạch; người có động mạch dài, người lại ngắn… Để dễ dàng cho khâu ghép, thì kíp BS lấy thận phải lấy được cuống động mạch càng dài càng tốt. Đến khâu rửa thận, kíp này phải dùng một hóa chất đặc biệt để phun vào mạch máu của quả thận để rửa sạch hết máu cũ. Điều này cực kỳ quan trọng, vì nếu còn máu dễ gây thải loại hoặc làm tắc mạch máu sau này.
Đến công đoạn ghép thận, nghe là… choáng. Trước hết là phải “tạo ổ” cho quả thận này ở hố chậu (trái hoặc phải), chứ không phải đặt vào vị trí quả thận hỏng (vì cả hai quả thận cũ vẫn được để nguyên đó). Riêng khâu, nối các động mạch của thận ghép với động mạch ở hố chậu, nghe là thấy… vã mồ hôi, khỏi cần nói, vì nói cũng không hết được. Do bệnh tình, bàng quang của các bệnh nhân này đều bị nhỏ, do đó việc cắm niệu quản của thận vào bàng quang cũng rất khó khăn.
Theo BS Lĩnh, kết quả ghép thận thì sơ bộ có thể đánh giá ngay lúc bắt đầu nối các mạch máu, cắm niệu quản. Khi các kẹp mạch máu bỏ ra, quả thận đang từ trắng bệch dần chuyển sang màu hồng, không có vùng nào bị xám thì kết quả là khả quan. Sờ vào quả thận, thấy không mềm, không cứng là tốt. Nếu thận cứng, chứng tỏ máu chưa thông, có vào mà không có ra. Hoặc nếu thận mềm, điều đó máu vào thận chưa tốt… Liền ngay sau đó là có nước tiểu vào bàng quang – tùy lượng nhiều ít mà BS có thể đánh giá mức độ thành công. BS Lĩnh cũng nói tương đối kỹ các trường hợp đột xuất xảy ra khi đang mổ và cách xử lý nó như sự co thắt đột ngột của động mạch chẳng hạn. Nhưng…
Tiếng điện thoại lại reo lên gọi hội chẩn và tôi không thể lấy hơn nữa thời gian của BS. Đấy cũng là điểm chung nhất khi tôi gặp các BS ở đây. Họ quá bận, dù có BS vừa thức đêm qua để mổ.
- Ghép thận của Bệnh viện (BV) Đa khoa Xanh Pôn được BV 103 thuộc Học viện Quân y là nơi chuyển giao công nghệ. Đồng thời cũng nhận được sự hỗ trợ của một số bệnh viện tuyến Trung ương. - BV Đa khoa Xanh Pôn là BV đầu tiên của Hà Nội và là BV thứ 13 của Việt Nam ghép thận. - Bệnh nhân Phạm Lê Hoan (60 tuổi, bệnh nhân thứ 10) đang nghe BS Hải tư vấn - nói với tôi lý do chọn BV Xanh Pôn: Ở đây có cơ sở kỹ thuật hiện đại nhất Đông Nam Á, được BS tư vấn rất tận tình và được BV 103 chuyển giao công nghệ (BV đầu tiên ở Việt Nam ghép thận) nên rất yên tâm. |
( Lao động trang 8)