Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 24/11/2015

  • |
T5g.org.vn - Lùi thời gian điều chỉnh giá dịch vụ y tế; El Nino kéo dài tăng nguy cơ lây lan dịch sốt xuất huyết; Cháy Bệnh viện Lão Khoa, bác sĩ cõng bệnh nhân sơ tán...

Lùi thời gian điều chỉnh giá dịch vụ y tế

Chiều 22-11, tại chương trình đối thoại trực tiếp với chủ đề “Điều chỉnh giá dịch vụ y tế: hướng tới quyền lợi của người bệnh” do Truyền hình Quốc hội tổ chức, Vụ trưởng Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế) Nguyễn Nam Liên cho biết, việc điều chỉnh giá hơn 1.800 dịch vụ y tế sẽ được lùi sang năm 2016, thay vì cuối tháng 11 này như kế hoạch ban đầu.

Việc lùi thời điểm điều chỉnh giá dịch vụ y tế là để Bộ Y tế có thời gian tập huấn cho các bệnh viện về chính sách viện phí mới; cách tổ chức thực hiện; giúp các bệnh viện có thời gian tiếp tục tăng cường các biện pháp nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh… Đồng thời, tuyên truyền cho người dân tích cực tham gia bảo hiểm y tế (BHYT).

Thống kê cho thấy, hiện vẫn còn khoảng 10 tỉnh, thành phố có tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt dưới mức 60%. Nếu người dân không có thẻ BHYT sẽ bị tác động rất lớn khi chính sách viện phí sẽ điều chỉnh trong thời gian tới đây. (Nhân dân trang 5)

El Nino kéo dài tăng nguy cơ lây lan dịch sốt xuất huyết

Theo Trung tâm dự báo khí hậu Hoa Kỳ (NOAA), năm 2015 có thể là năm El Nino mạnh nhất và gây ra sức tàn phá lớn nhất lịch sử từ trước tới nay.

Hiện tượng El Nino xảy ra trong khoảng từ 2-7 năm một lần với những cường độ khác nhau và khiến cho bầu khí quyển nóng lên, từ đó ảnh hưởng không nhỏ đến cơ cấu dịch bệnh ở các quốc gia bị ảnh hưởng.

Tiêu biểu như, dịch sốt rét và sốt xuất huyết có thể tăng cao tại các quốc gia nóng lên do ảnh hưởng của El Nino. Nguyên nhân là do sự phát triển của Anopheles minimus và Anopheles dirus (vật chủ chính truyền bệnh sốt rét) và muỗi Aedes Aegypti (trung gian truyền bệnh sốt Dengue và sốt xuất huyết-DHF) sẽ có môi trường phát triển lý tưởng ở nhiệt độ 25-32 độ C.

Năm nay, theo báo cáo của NOAA, Việt Nam, Lào, Campuchia, Philippines, Malaysia,... sẽ kéo dài khí hậu nóng ấm đến cuối năm do nằm trong vùng chịu tác động bởi El Nino. Do đó, sẽ kéo theo nguy cơ bùng phát và kéo dài dịch bệnh sốt xuất huyết so với các năm trước tại các quốc gia trên.

Tại Việt Nam, cao điểm của dịch sốt xuất huyết là vào mùa mưa, bởi đây là thời điểm độ ẩm tăng cao, và dịch cũng liên quan từng thời điểm và từng miền, thông thường có 2 đỉnh đáng lưu ý là tháng 4-5 và tháng 9-10 trong năm ở 3 mỗi miền Bắc, Trung Nam.

Hiện tượng El Nino là điều kiện cho muỗi gây bệnh phát triển mạnh, đời sống và tuổi thọ của muỗi có xu hướng kéo dài hơn, nghĩa là có điều kiện hoàn thành chu kỳ để gây bệnh của chúng hơn, bởi lẽ côn trùng gây bệnh thường là các vector biến thái, dễ bị thay đổi bởi các yếu tố môi trường và tự nhiên.

Ngoài ra, El Nino còn có thể dẫn đến gia tăng đáng kể các dịch bệnh khác đối với trẻ nhỏ, gồm: sốt rét, sốt xuất huyết, tiêu chảy, dịch tả - những căn bệnh dễ gây tử vong cao nếu không lưu ý đề phòng và khám chữa kịp thời. (Tuổi trẻ, Nhân dân trang 5)

Cháy Bệnh viện Lão Khoa, bác sĩ cõng bệnh nhân sơ tán

Các cán bộ chiến sĩ phòng cháy chữa cháy đã phải đập cửa kính, phun nước dập lửa, tiếp cận hiện trường vụ cháy để đưa nhiều bệnh nhân thoát ra an toàn, trong vụ hỏa hoạn tại Bệnh viện Lão khoa T.Ư.

Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu hộ cứu nạn thành phố Hà Nội cho biết đang tích cực phối hợp cùng các đơn vị nghiệp vụ của Công an thành phố Hà Nội điều tra làm rõ nguyên nhân vụ hỏa hoạn vừa xảy ra tại Bệnh viện Lão khoa T.Ư (số 1A phố Phương Mai, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội).

Theo lãnh đạo Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu hộ cứu nạn thành phố Hà Nội, lúc 11 giờ 15 phút trưa nay 23.11, hỏa hoạn bất ngờ xảy ra tại một căn phòng trên tầng 2 thuộc Khu Khám bệnh của Bệnh viện Lão khoa T.Ư.

Ngay khi phát hiện có lửa kèm khói đen bốc ra, người dân cũng như cán bộ, y, bác sĩ của bệnh viện đã gọi điện cho lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp, đồng thời di chuyển bệnh nhân xuống khu vực sân tầng một của bệnh viện. Do tính chất đặc thù của Bệnh viện Lão khoa T.Ư, bệnh nhân lui tới điều trị chủ yếu là người già, nên đội ngũ y, bác sĩ phải cõng, bế nhiều bệnh nhân xuống.

Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu hộ cứu nạn thành phố Hà Nội đã điều động 3 xe chữa cháy cùng hàng chục cán bộ, chiến sĩ tới hiện trường tham gia dập lửa, cứu hộ, giải cứu các bệnh nhân bị mắc kẹt.

Theo lãnh đạo Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy số 2 (Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu hộ cứu nạn thành phố Hà Nội), đơn vị trực tiếp tham gia chữa cháy, khi tiếp cận đám cháy, các cán bộ chiến sĩ phải đập vỡ nhiều ô cửa kính nơi tầng 2, sau đó mới dùng vòi rồng phun nước dập lửa, đồng thời cắt cử lực lượng đưa các bệnh nhân còn mắc kẹt bên trong tòa nhà thoát ra ngoài an toàn.

Tới 11 giờ 45 phút cùng ngày, vụ hỏa hoạn đã được dập tắt hoàn toàn, rất may không có ai bị thương. Vụ hỏa hoạn gây thiệt hại một số máy móc, trang thiết bị y tế.

Thông tin ban đầu, nguyên nhân vụ hỏa hoạn được xác định là do chập điện. (Thanh niên trang 2)

Cùng chủ đề - Báo Công an Nhân dân trang 2: “Giải cứu bệnh nhân khỏi vụ cháy Bệnh viên Lão khoa Trung ương”; An ninh Thủ đô trang 2: “Hỏa hoạn tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương”

Lùi thời hạn tăng viện phí sang 2016

Theo dự kiến, bắt đầu từ ngày 15-11, việc điều chỉnh tăng giá 1.800 dịch vụ y tế sẽ được áp dụng trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, Bộ Y tế vừa chính thức công bố lùi thời hạn tăng viện phí sang đầu năm 2016 để công tác chuẩn bị được tốt hơn.

Trao đổi với báo chí về vấn đề này, ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính - Bộ Y tế cho biết, thời gian  qua, Bộ đã có cuộc làm việc với các bệnh viện và nhận thấy khó khăn khi thực hiện điều chỉnh giá viện phí là sẽ áp dụng cho người có thể bảo hiểm y tế (BHYT) trước và người không có thẻ BHYT sau. Như vậy, các bệnh viện cùng một lúc phải thực hiện cùng một dịch vụ nhưng có 2 mức giá, cho nên phải có phần mềm thật chính xác để tránh xảy ra nhầm lẫn. Do vậy, Bộ Y tế đã xin chủ trương quyết định tạm lùi thời gian điều chỉnh giá dịch vụ y tế đợt này nhằm giúp bộ và các cơ quan liên quan có thêm thời gian chỉnh sửa phần mềm thu viện phí áp dụng tại các bệnh viện.

Ngoài ra, một nguyên nhân nữa là do hiện nay nhiều người dân vẫn chưa tham gia BHYT nên  điều chỉnh  viện phí sẽ tác động tới đối tượng này rất lớn. Bằng việc lùi thời hạn tăng viện phí, Bộ Y tế sẽ có thời gian tập huấn cho các cơ sở y tế về chính sách viện phí mới đồng thời tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân hiểu được chính sách BHYT và có thời gian để tham gia BHYT.

Theo đó, bắt đầu từ năm 2016 mới thực hiện việc tăng giá viện phí. Về lộ trình vẫn theo dự kiến là thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ y tế với những đối tượng khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT trước, đối tượng không có thẻ BHYT áp dụng sau. Về mức tăng theo lộ trình, trước mắt trong năm 2016 viện phí sẽ tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp của cán bộ y tế. (Công an Nhân dân, An ninh Thủ đô trang 6)

Mô hình bệnh viện điện tử: Chi phí thấp, hiệu quả cao

Chỉ mất khoảng 10 triệu đồng/tháng là có thể áp dụng mô hình bệnh viện điện tử trong khám chữa bệnh. Mô hình này cho phép liên thông được với toàn bộ các bệnh viện tuyến xã, huyện, tỉnh bằng hồ sơ bệnh án điện tử…

Liên thông xã, huyện, tỉnh

Chị Nguyễn Thu Lan, thị trấn Cái Bè, huyện Cái Bè (Tiền Giang) mắc cùng lúc bệnh dạ dày, thấp khớp nên thường xuyên đến Bệnh viện Đa khoa Cái Bè khám. Trước kia, khi mọi công đoạn khám chữa bệnh đều thủ công, chị thường phải chờ lâu hơn, chăm chú theo dõi đến lượt bác sỹ gọi. “Nhiều lúc muốn đi tiểu mà không dám đi, sợ bác sỹ gọi mà mình hổng có mặt”, chị Lan kể.

Từ ngày áp dụng mô hình bệnh viện điện tử này, chị Lan chỉ cần lấy số thứ tự khám bệnh chờ đến lượt qua thông báo trên bảng điện tử trước phòng khám. Có máy tính in ra nên nội dung chẩn đoán bệnh, hóa đơn thuốc, viện phí cũng rõ ràng, minh bạch.  Điều thuận lợi nhất, theo chị Lan là khi đi khám ở tuyến tỉnh, bác sỹ chỉ cần tra tên là ra toàn bộ thông tin về quá trình điều trị bệnh của chị ở tuyến huyện.

Hệ thống bệnh viện điện tử được bốn kỹ sư của Trung tâm Công nghệ Thông tin của VNPT tại Tiền Giang sáng tạo từ năm 2012, áp dụng tại toàn bộ hệ thống trạm y tế xã, bệnh viện đa khoa cấp huyện, các bệnh viện cấp tỉnh của Tiền Giang. Sản phẩm cũng vừa được trao giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2015. Theo bác sỹ Bùi Văn Nghiêu, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Cái Bè (tỉnh Tiền Giang), mỗi ngày bệnh viện đón khoảng 600-800 lượt bệnh nhân đến khám. Trước đây, hầu hết các khâu trong quá trình khám chữa bệnh của bệnh viện diễn ra thủ công nên dễ dẫn đến sai sót. “Làm bằng tay sai tới sai lui, người này có thể đổ thừa cho người khác”, BS Nghiêu nói.

Hiện nay, hầu hết các công đoạn trong quá trình khám chữa bệnh như đăng ký khám, chẩn đoán, kê đơn thuốc, thanh toán bảo hiểm y tế đều qua hệ thống phần mềm. Nhờ đó làm giảm thời gian chờ đợi và tăng tính chính xác trong quá trình khám chữa bệnh. Đặc biệt, hệ thống bệnh viện từ trạm y tế xã, bệnh viện đa khoa huyện đến các bệnh viện tỉnh đều được liên thông với nhau qua hệ thống phần mềm này.

“Nếu bệnh nhân trước đó đã khám ở trạm y tế xã, mình chỉ cần truy cập vào hồ sơ bệnh nhân là ra toàn bộ thông tin như bệnh nhân từng khám ở đâu, chẩn đoán ra sao, đã làm những chiếu chụp, xét nghiệm nào, được chỉ định dùng thuốc gì. Nếu bệnh viện chuyển bệnh nhân lên tuyến tỉnh thì bệnh viện tỉnh cũng biết được toàn bộ thông tin, quá trình khám chữa bệnh của bệnh nhân ở tuyến huyện”, BS Nghiêu cho biết.

Theo ông Trần Thanh Thảo, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Tiền Giang, việc ứng dụng CNTT trong khám chữa bệnh không phải là việc mới nhưng mang tính đơn lẻ, viện nào biết viện ấy, không có sự liên thông giữa tuyến trên, tuyến dưới, bệnh viện các cấp. “Ưu điểm của hệ thống này là có sự liên thông giữa tuyến xã, huyện, tỉnh, tiện lợi cho cả bác sỹ lẫn bệnh nhân”, ông Thảo nói.

Có thể áp dụng toàn quốc

Việc triển khai ứng dụng CNTT trong khám chữa bệnh hiện áp dụng chủ yếu ở bệnh viện tuyến trung ương và tuyến tỉnh do chi phí cao. Ước tính, để có được một hệ thống bệnh viện điện tử bao gồm cả phần cứng và phần mềm phải có chi phí hơn một tỷ đồng. Theo bác sỹ Bùi Văn Nghiêu, nhiều nơi cũng chào hàng phần mềm bệnh viện điện tử mà giá hơn một tỷ đồng, còn dùng hệ thống này chỉ mất 8,3 triệu đồng một tháng.

TS Lê Hồng Hà, Phó Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam cho hay, hệ thống này có  chi phí thấp nhờ sử dụng nền tảng điện toán đám mây. Nhờ vậy cơ hội cho các bệnh viện cấp huyện, cơ sở y tế cấp xã - những nơi mà kinh phí hạn hẹp cũng có thể triển khai được. Hiện có 166 trạm y tế cấp xã triển khai hệ thống này.

Anh Nguyễn Minh Luân, trưởng nhóm nghiên cứu phần mềm này cho hay, hệ thống phần mềm này có thêm tính năng như đăng ký khám bệnh từ xa. Bệnh nhân gọi điện đến tổng đài đăng ký khám bệnh. Thông tin sẽ được truyền đến phần mềm của bệnh viện để sắp xếp lịch. Nhờ vậy tiết kiệm được thời gian khám. Tuy nhiên, hình thức mới được các bệnh nhân đăng ký tại các phòng khám tư nhân sử dụng nhiều.

Năm đối tượng được hưởng hiệu quả từ công nghệ này, gồm: Bệnh nhân tiết kiệm được thời gian chờ đợi, minh bạch đơn thuốc và chi phí, bác sỹ sẽ tiết kiệm  thời gian khám bệnh, bệnh viện sẽ quản lý được tổng thể đồng thời liên thông được với các cơ sở y tế khác. Bộ Y tế có thể quản lý tổng thể toàn bộ hệ thống các cơ sở y tế trong toàn quốc và Bảo hiểm Xã hội VN có thể thẩm định, quản lý hồ sơ thanh quyết toán nhanh chóng nhờ các tiện ích khác của phần mềm.

Anh Nguyễn Minh Luân cho biết, nhóm đang tiếp tục hoàn thiện sản phẩm, tích hợp nhiều tính năng khác như hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh, hệ thống quản lý kết quả xét nghiệm, hệ thống các tiện tích hỗ trợ công tác quản lý y tế dự phòng, tiến tới hình thành Mạng y tế Việt Nam phục vụ công tác khám, chữa bệnh toàn quốc. (Tiền phong trang 6)    

Việt Nam đang vào giai đoạn 'già hóa dân số'

Việt Nam đang ở giai đoạn “già hóa dân số” khi số người dưới 14 tuổi và nhóm “dân số vàng” 15-64 tuổi đang giảm dần trong lúc số dân trên 65 tuổi tiếp tục tăng.

Tại hội thảo hưởng ứng tháng hành động Quốc gia về dân số và Ngày Dân số Việt Nam 26/12 với chủ đề “Cộng đồng chung tay chăm sóc người cao tuổi” diễn ra hôm qua 23/11, bác sĩ Mai Xuân Phương, Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông - Giáo dục, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, cho biết Việt Nam đang ở giai đoạn “già hóa dân số” khi số người dưới 14 tuổi và nhóm “dân số vàng” 15-64 tuổi đang giảm dần trong lúc số dân trên 65 tuổi tiếp tục tăng.

Tuy nhiên, theo Tổng cục Dân số- Kế hoạch hóa gia đình, hiện chỉ có hơn 25,5% người cao tuổi sống bằng lương hưu hay trợ cấp xã hội; khoảng 95% người cao tuổi có bệnh, chủ yếu là bệnh mãn tính không lây truyền trong khi hệ thống chăm sóc sức khỏe chưa đáp ứng những nhu cầu ngày càng tăng của họ. Hiện có 30% người cao tuổi không có bất cứ loại bảo hiểm y tế nào và 54,6% cần được điều trị y tế nhưng 50% người cao tuổi không đủ tiền chi trả dẫn đến không điều trị. (Tiền phong trang 3)

Sốt xuất huyết có thể bùng phát do El nino kéo dài

Dự báo 2015 có thể là năm hiện tượng El Nino mạnh nhất trong lịch sử, dẫn đến nguy cơ kéo dài dịch bệnh sốt xuất huyết.

Hiện tượng El Nino xảy ra 2-7 năm một lần với cường độ khác nhau khiến cho bầu khí quyển nóng lên, ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình dịch bệnh ở các quốc gia. Theo Trung tâm dự báo khí hậu Mỹ, 2015 có thể là năm El Nino mạnh nhất và sức tàn phá lớn nhất từ trước tới nay. Cùng với một số nước khác trong khu vực, Việt Nam có khí hậu nóng ấm đến cuối năm do nằm trong vùng chịu tác động bởi El Nino nên nguy cơ bùng phát và kéo dài dịch bệnh sốt xuất huyết so với các năm trước.

Tại nước ta, Cục Y tế Dự phòng thuộc Bộ Y tế cũng đánh giá cao điểm của dịch sốt xuất huyết là vào mùa mưa, thời điểm độ ẩm tăng cao, dịch liên quan từng thời điểm và từng miền. Thông thường có 2 đỉnh đáng lưu ý là tháng 4-5 và tháng 9-10 trong năm ở 3 miền Bắc, Trung, Nam. Hiện tượng El Nino mạnh nhất trong lịch sử vào lúc này là điều kiện cho muỗi gây bệnh phát triển mạnh, đời sống và tuổi thọ của muỗi có xu hướng kéo dài hơn, nghĩa là có điều kiện hoàn thành chu kỳ để gây bệnh của chúng hơn.

Hiện nay tình hình sốt xuất huyết tại Việt Nam diễn biến phức tạp, bệnh nhân gia tăng ở hầu hết các tỉnh thành. Các tuần gần đây số ca bệnh mới chững lại nhưng chưa có dấu hiệu giảm rõ rệt. Từ đầu năm đến nay, nước ta đã ghi nhận hơn 54.000 ca mắc sốt xuất huyết, ít nhất 34 người tử vong. (Hà Nội mới, Nông thôn Ngày nay trang 2)

Cứu sống người mắc bệnh hiếm trên thế giới

Chiều 23/11, BS Mạch Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực và chống độc của Bệnh viện Đa khoa Sóc Trăng, cho biết vừa cứu sống người thứ 3 mắc loại bệnh hiếm gặp trên thế giới.

Hai người kia, một ở Mỹ mắc bệnh năm 2010 và một ở Ấn Độ năm 2014 chỉ bị bệnh giảm tiểu cầu, còn bệnh nhân Trần Tuấn Quốc thêm bệnh rối loạn đông máu và có tình trạng thoát huyết tương nặng. Bệnh nhân Trần Tuấn Quốc (23 tuổi, ở phường 4, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng) vào viện ngày 14/11, chẩn đoán sốt xuất huyết Dergue và ba ngày sau, huyết áp tụt, tràn dịch ngoài tim, rối loạn đông máu nghiêm trọng, tiểu cầu giảm rất thấp. Gần một ngày cấp cứu đặc biệt, hút 1,2 lít dịch chèn quanh tim, cung cấp tiểu cầu…, anh Quốc qua cơn nguy kịch. Hai ngày sau ngừng máy thở và nay sức khỏe ổn định, trò chuyện được. (Công an Nhân dân, Tuổi trẻ trang 2)

Trẻ sơ sinh 5 ngày tuổi mắc bệnh được cứu sống

Mới đây, Bệnh viện Nhi đồng 1 vừa cứu sống thành công một bệnh nhi bị sốc sốt xuất huyết khi mới được 5 ngày tuổi.

Theo đó, khoa Hồi sức bệnh viện Nhi Đồng 1 mới tiếp nhận một bệnh nhi 5 ngày tuổi, trú tại quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh, được chuyển từ một bệnh viện trong thành phố với chẩn đoán sốc sốt xuất huyết ở trẻ sơ sinh.

BS. Nguyễn Minh Tiến – TK Hồi sức tích cực & Chống độc cho biết, cháu bé là con thứ 3, sinh mổ, nằm với mẹ, có biểu hiện sốt 2 ngày, ngày 3 bé lừ đừ, tay chân lạnh, tím, được chẩn đoán theo dõi sốc sốt xuất huyết ngày 3, được truyền dịch chống sốc ban đầu, sau đó chuyển đến bệnh viện Nhi Đồng 1.

Tại đây ghi nhận bé lừ đừ, mạch nhanh nhẹ, xét nghiệm chẩn đoán nhanh sốt xuất huyết dương tính. Bé được điều trị truyền dịch chống sốc và được theo dõi tích cực.

Diễn tiến điều trị cho bé khá thuận lợi, bé đáp ứng với truyền dịch, tình trạng rối loạn đông máu rối loạn nhẹ, chỉ có tiểu cầu của bé giảm dần từ 109.000/mm3 xuống thấp nhất 11.000/mm3.

Sau đó tiểu cầu của bé trở về bình thường ở ngày thứ 8 của bệnh (bình thường số lượng tiểu cầu trẻ sơ sinh 150.000 – 400.000/mm3). Kết quả qua gần 1 tuần điều trị, đến nay sức khỏe của bé đã cải thiện dần tỉnh táo, bú khá. Đây là một trường hợp đặc biệt sốt xuất huyết xảy ra ở trẻ sơ sinh 5 ngày tuổi.

Cũng liên quan đến bệnh sốt xuất huyết, theo thống kê của Bộ Y tế, đến nay cả nước ghi nhận 51.858 trường hợp mắc tại 54 tỉnh, thành phố, 32 trường hợp tử vong. Trong đó, bệnh nhân tập trung chủ yếu tại khu vực miền Nam (36.521 trường hợp mắc chiếm 70,4%, 29 trường hợp tử vong chiếm 90,6%); 78,9% là trẻ dưới 15 tuổi, 83,3% là nữ.

Được biết, dịch SXH không chỉ là vấn đề của riêng Việt Nam mà dịch bệnh này đang hoành hành trên toàn cầu. Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO), mỗi năm thế giới có khoảng 390 triệu người mắc, phần lớn là trẻ em dưới 15 tuổi. SXH chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Từ đầu năm đến nay, SXH vẫn diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng tại một số quốc gia và trong khu vực. (Tiền phong trang 2)

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang