Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 24/12/2021

  • |
T5g.org.vn - Bảo vệ, phát hiện sớm nhóm đối tượng nguy cơ mắc COVID-19, hạn chế tử vong: Rất cấp thiết; Cấp thẻ BHYT năm 2022 cho người thuộc diện nghèo theo quy định mới; Hà Nội hướng dẫn tiêm vaccine COVID-19 mũi 3; Nhiều thai phụ mắc COVID-19 đang thở máy, chạy ECMO ở Hà Nội; Thủ tướng: 'Giải quyết ngay nguồn ô xy để điều trị Covid-19 tại TP.HCM'


Bảo vệ, phát hiện sớm nhóm đối tượng nguy cơ mắc COVID-19, hạn chế tử vong: Rất cấp thiết

Bộ Y tế nhấn mạnh việc quản lý, bảo vệ và phát hiện sớm người thuộc nhóm nguy cơ mắc COVID-19 để kịp thời theo dõi sức khỏe, điều trị sớm nhằm hạn chế thấp nhất nguy cơ tử vong rất cấp thiết. Nhiều địa phương "đi từng ngõ, gõ từng nhà" rà soát đối tượng có nguy cơ nhằm vận động, tổ chức tiêm vaccine
Gia tăng nguy cơ mắc COVID-19 ở người thuộc nhóm nguy cơ: nhóm người trên 50 tuổi, có bệnh nền, chưa được tiêm vaccine
Trong công văn mới nhất gửi Sở y tế các tỉnh, thành phố; các bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế; bệnh viện trực thuộc trường đại học; y tế bộ, ngành về việc giảm nguy cơ tử vong người bệnh COVID-19 tại các cơ sở khám chữa bệnh, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, hiện nay tình hình dịch COVID-19 vẫn đang có chiều hướng diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới. Thêm vào đó, đã có nhiều nước ghi nhận biến thể Omicron.

Tại Việt Nam chưa ghi nhận biến thể này, tuy nhiên nguy cơ xâm nhập và lây lan vào nước ta rất lớn. Cùng với các biến chủng đang lưu hành sẽ làm gia tăng nguy cơ mắc COVID-19 ở người thuộc nhóm nguy cơ: nhóm người trên 50 tuổi, có bệnh nền, chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chủng đầy đủ.

Vì vậy, Bộ Y tế nhấn mạnh việc quản lý, bảo vệ và phát hiện sớm người thuộc nhóm nguy cơ mắc COVID-19 để kịp thời theo dõi sức khỏe, điều trị sớm nhằm hạn chế thấp nhất nguy cơ tử vong rất cấp thiết.

Đồng thời, Bộ Y tế cũng đề nghị các tỉnh, thành khẩn trương tổng rà soát đối tượng tiêm chủng trên địa bàn, đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng đảm bảo bao phủ đủ mũi cho các đối tượng từ 12 tuổi trở lên; đặc biệt lưu ý các đối tượng thường xuyên di chuyển (18 đến 50 tuổi) và các nhóm đối tượng có nguy cơ. 

Tổ chức tiêm vét tại nhà cho người cao tuổi, người có bệnh nền, người di chuyển khó khăn, hoàn thành trong tháng 12/2021.

Trong các cuộc họp thời gian qua cũng như trong nhiều văn bản chỉ đạo về công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, công khác khám chữa bệnh, phát hiện sớm, điều trị COVID-19, lãnh đạo Bộ Y tế đều đã nhiều lần nhắc việc phải đặc biệt ưu tiên, quan tâm tiêm chủng cho nhóm đối tượng thuộc nhóm nguy cơ như người có bệnh nền, người trên 50 tuổi...

Trong văn bản mới nhất về hướng dẫn tiêm vaccine mũi bổ sung, nhắc lại, Bộ Y tế cũng nêu rõ tiêm liều nhắc lại cho đối tượng là người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản hoặc liều bổ sung, bảo đảm bao phủ cho toàn bộ người có bệnh nền, người cần được chăm sóc dài hạn tại các cơ sở y tế, người từ 50 tuổi trở lên, người trực tiếp xét nghiệm, chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19, nhân viên y tế...

"Đi từng ngõ, gõ từng nhà", vận động tiêm vaccine để bảo vệ đối tượng nguy cơ trước dịch bệnh COVID-19
Theo các chuyên gia, các đối tượng nguy cơ như bệnh nền, người già, hệ miễn dịch suy yếu là đối tượng cần quan tâm đặc biệt để bảo vệ, bởi phần lớn số ca tử vong rơi vào đối tượng này. Với chiến dịch mới, các phường xã cần chủ động rà soát, nắm chắc danh sách tại địa phương mình quản lý.

Sở Y tế TP HCM cho biết, qua phân tích, nhận thấy phần lớn tỷ lệ tử vong rơi vào nhóm nguy cơ (trên 65 tuổi, có bệnh nền). Do đó, ngành y tế hiện đang dồn lực can thiệp bảo vệ người ở nhóm nguy cơ cao, lập danh sách, lấy mẫu xét nghiệm COVID-19, ưu tiên dùng thuốc Molnupiravir và được bác sĩ theo dõi chặt chẽ.

Theo thông tin tại cuộc họp mới đây, TP HCM công bố có khoảng 14.816 người thuộc nhóm nguy cơ (trên 65 tuổi, có bệnh nền) vẫn chưa tiêm vaccine phòng COVID-19. Đây là nhóm có nguy cơ trở nặng và tử vong rất lớn nếu mắc COVID-19.

Trước tình hình trên, yêu cầu nhanh chóng phủ kín vaccine, bảo vệ nhóm nguy cơ trở thành nhiệm vụ quan trọng của ngành y tế và cộng đồng.

UBND TP cũng đã có văn bản về việc bảo vệ đối tượng nguy cơ là một yếu tố trong 6 chiến lược y tế mới tại TP HCM. Ngành y tế TP HCM đã phát động nhiều giải pháp để bảo vệ đối tượng nguy cơ. 

Theo đó, ngành y tế sẽ đi đến tận nhà các gia đình có người lớn tuổi, đối tượng nguy cơ để thăm khám, lập danh sách tiêm vaccine. Chiến lược này đã từng được các địa phương tại TP HCM thực hiện và nay được chú trọng tạo thành chiến dịch để bảo vệ họ trước diễn biến mới của dịch bệnh.

Tại An Giang lãnh đạo Sở Y tế cho biết, khoảng 90% số tử vong do COVID-19 có bệnh nền, trên 86% là người từ 50 tuổi trở lên; 83% số ca tử vong là chưa tiêm vaccine;

Sở Y tế tỉnh Tiền Giang cho biết, trong số các ca tử vong trên địa bàn tỉnh, chủ yếu do bệnh nền như tim mạch, đái tháo đường; khoảng 65% tử vong chưa tiêm vacccine.

Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch TP Đà Nẵng mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Thị Kim Yến yêu cầu các đơn vị, địa phương cần phối hợp chặt chẽ với ngành y tế để quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch nhằm sớm phát hiện, nhanh chóng khoanh vùng để khống chế dịch bệnh.

Phó Chủ tịch UBND thành phố đề nghị các quận, huyện kiểm tra, rà soát tất cả các đối tượng là người cao tuổi, người có bệnh lý nền chưa được tiêm phòng, ngoài lý do chống chỉ định tiêm, để lên kế hoạch tiêm cho người dân. Những trường hợp không thể đi tiêm thì bố trí xe đến tiêm tận nơi và việc tiêm chủng này phải hoàn thành trước ngày 5/1/2022. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

 

Cấp thẻ BHYT năm 2022 cho người thuộc diện nghèo theo quy định mới

BHXH Việt Nam đề nghị các địa phương triển khai việc rà soát, kịp thời lập danh sách cấp thẻ BHYT cho đối tượng thuộc diện chính sách chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều chuyển cho cơ quan BHXH để cấp thẻ BHYT kể từ ngày 01/01/2022 theo quy định.
(BHXH) Việt Nam vừa ban hành Công văn số 4242/ BHXH-TST gửi Ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh, thành phố về việc thực hiện quy định chuẩn nghèo đa chiều theo Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27/01/2021 (Nghị định số 07) của Chính phủ.

Theo Nghị định số 07 quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025: Năm 2021 tiếp tục thực hiện chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ, cụ thể: tiêu chí thu nhập đối với khu vực nông thôn là 700.000 đồng/người/tháng; khu vực thành thị là 900.000 đồng/người/tháng. Giai đoạn 2022-2025, chuẩn nghèo đa chiều thực hiện theo tiêu chí thu nhập là 1.500.000 đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn và 2.000.000 đồng/người/tháng ở khu vực thành thị.

Để người dân được hưởng chính sách BHYT theo Nghị định số 07 kịp thời, đúng quy định, BHXH Việt Nam đề nghị UBND các tỉnh, thành phố, chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp các Sở, ngành có liên quan và UBND huyện triển khai việc rà soát, kịp thời lập danh sách cấp thẻ BHYT cho đối tượng thuộc diện chính sách chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều chuyển cho cơ quan BHXH để cấp thẻ BHYT kể từ ngày 01/01/2022 theo quy định.

Đồng thời, chỉ đạo các Sở, ngành liên quan, cơ quan thông tin đại chúng thông tin tuyên truyền đến người dân trên địa bàn về Nghị định số 07. Đặc biệt là người thuộc hộ gia đình nghèo tiếp cận đa chiều theo quy định tại Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg trước kia được ngân sách nhà nước mua thẻ BHYT, nay không được ngân sách nhà nước mua thẻ BHYT theo quy định tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP để người dân hiểu, chủ động tham gia BHYT theo hộ gia đình.

Các địa phương bố trí ngân sách địa phương, huy động sự hỗ trợ của cộng đồng doanh nghiệp, các nhà hảo tâm hỗ trợ thêm kinh phí mua thẻ BHYT cho người thuộc hộ gia đình cận nghèo, nghèo đa chiều và hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình trên địa bàn.

Theo BHXH Việt Nam, những năm qua, việc tổ chức, thực hiện chính sách BHXH, BHYT đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần ổn định đời sống Nhân dân, thực hiện công bằng xã hội và ổn định chính trị - xã hội. 

Trong đó, sự tăng nhanh về tỷ lệ người tham gia BHXH, BHYT, nhất là BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình đã phần nào khẳng định sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương là yếu tố then chốt, quyết định đến hiệu quả thực hiện mục tiêu bao phủ BHXH, BHYT toàn dân của Đảng, Nhà nước. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

 

Hà Nội hướng dẫn tiêm vaccine COVID-19 mũi 3

Sở Y tế Hà Nội vừa ban hành hướng dẫn về việc tiêm bổ sung và tiêm nhắc lại vaccine phòng COVID-19.
Tại công văn này, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu CDC, Phòng Y tế, Trung tâm Y tế các quận/huyện/thị xã; các cơ sở khám, chữa bệnh trong và ngoài công lập đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm vaccine COVID-19 cho các đối tượng từ 12 tuổi trở lên, ưu tiên tiêm đủ liều cơ bản cho các đối tượng từ 50 tuổi trở lên, người có bệnh nền.

Ngoài ra, các đơn vị trên cần thực hiện rà soát đối tượng tiêm chủng, lập kế hoạch tiêm theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế tại văn bản số 10722/BYT-DP ngày 17/12. Cụ thể: 

Tiêm liều bổ sung vaccine COVID-19 cho người từ 18 tuổi trở lên và đảm bảo bao phủ cho toàn bộ người từ 50 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản (tiêm 1 hoặc 2 hoặc 3 mũi tùy theo loại vaccine) với khoảng cách sau mũi cuối cùng của liều cơ bản từ 28 ngày đến 3 tháng bao gồm: người có tình trạng suy giảm miễn dịch vừa và nặng như người ghép tạng, ung thư, HIV;… người đã tiêm đủ liều cơ bản bằng vaccine của hãng Sinopharm hoặc vaccine Sputnik V.  Loại vaccine tiêm bổ sung cùng loại với liều cơ bản hoặc vaccine mRNA.

Tiêm liều nhắc lại vaccine COVID-19 cho đối tượng người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản hoặc liều bổ sung với khoảng cách sau mũi cuối cùng của liều cơ bản ít nhất 3 tháng.

Sở Y tế cũng yêu cầu đảm bảo bao phủ cho toàn bộ người có bệnh nền, người cần được chăm sóc dài hạn tại các cơ sở y tế, người từ 50 tuổi trở lên, người trực tiếp xét nghiệm, chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19, nhân viên y tế. 

Về loại vaccine: Nếu các mũi tiêm cơ bản hoặc bổ sung cùng loại thì tiêm mũi nhắc lại cùng loại đó hoặc vaccine mRNA (như vaccine Pfizer, Moderna...); nếu trước đó đã tiêm các loại vaccine khác nhau thì tiêm mũi nhắc lại bằng vaccine mRNA. 

Nếu tiêm liều cơ bản hoặc bổ sung là vaccine Sinopharm thì có thể tiêm mũi nhắc lại cùng loại đó hoặc vaccine mRNA hoặc vaccine AstraZeneca (vaccine vector virus).

Đối với những người đã mắc COVID-19 tiêm ngay sau khi hồi phục và hoàn thành cách ly y tế theo đúng quy định.

Trước đó, ngày 17/12, UBND TP Hà Nội ban hành Chỉ thị 25, trong đó chính quyền Hà Nội yêu cầu việc tiêm vaccine phải thực hiện "thần tốc" theo kế hoạch để phấn đấu hoàn thành tiêm mũi 2 cho người từ 18 tuổi trở lên, chậm nhất hoàn thành trước 31/12; hoàn thành tiêm mũi 2 cho người từ 12-17 tuổi trước 31/1/2022; hoàn thành tiêm mũi bổ sung cho người từ 18 tuổi trở lên trước ngày 31/1/2022.

Tới hết ngày 20/12, Hà Nội đã tiêm được hơn 14,1 triệu mũi tiêm vaccine cho người từ 18 tuổi trở lên. Tỷ lệ người từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất 1 liều trên địa bàn thành phố là gần 95%; tỷ lệ người từ 50 tuổi trở lên được tiêm đủ 2 liều là hơn 94%.

Với nhóm dân số từ 12-17 tuổi, từ 23/11 đến nay đã có hơn 816.800 mũi được tiêm, trong đó có gần 660.000 mũi 1 (đạt hơn 97% tổng số trẻ trong lứa tuổi này), hơn 157.000 mũi 2 (đạt hơn 23%), theo Sở Y tế. (Sức khỏe & Đời sống, trang 8).

 

Nhiều thai phụ mắc COVID-19 đang thở máy, chạy ECMO ở Hà Nội

Trong số 35 bệnh nhân đang thở máy, chạy ECMO ở khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, có 10 thai phụ hoặc phụ nữ sau sinh. 100% đều chưa tiêm vaccine COVID-19.
Thông tin với Báo Sức khoẻ & Đời sống sáng 22/12, BSCKII Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương - cho hay hiện cơ sở 2 của viện đang có 460 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, trong đó có 50 ca thở máy, 5 bệnh nhân chạy ECMO (tuần hoàn ngoài cơ thể).

Đáng nói, trong số các ca thở máy, chạy ECMO, có nhiều ca là thai phụ hoặc sản phụ. Tại khoa Hồi sức tích cực - nơi điều trị các bệnh nhân có diễn biến nặng nhất, chỉ trong 1 tuần các bác sĩ đã phải chỉ định chạy ECMO cho 5 bệnh nhân, gồm 4 thai phụ hoặc phụ nữ sau sinh và người phụ nữ 67 tuổi có bệnh lý nền.

"Khoa đang có 30 bệnh nhân thở máy và 5 ca thở máy, đặt ECMO; trong đó có 10 bệnh nhân là thai phụ/phụ nữ sau sinh. Tất cả thai phụ, sản phụ này đều chưa tiêm vaccine COVID-19. Các bệnh nhân này chỉ 1-2 ngày đã diễn biến nặng, tiên lượng tử vong nếu không kịp thời điều trị tích cực" - BS Phạm Văn Phúc, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực cho hay đây là tình trạng rất đáng báo động và đau lòng.

Một trong các bệnh nhân chạy ECMO là sản phụ 27 tuổi chuyển đến từ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Người phụ nữ trẻ có bầu những tháng cuối, mắc COVID-19 và diễn biến tăng nặng rất nhanh. Bệnh nhân từng ngừng tuần hoàn, buộc phải mổ cấp cứu bắt con. Cuối tuần qua, do diễn biến quá nặng, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội liên hệ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương để cử kíp bác sĩ tới đặt ECMO cho sản phụ này và vận chuyển bệnh nhân về cơ sở 2 Đông Anh tiếp tục điều trị.

Những ca còn lại (một số chuyển từ Bệnh viện Phụ sản Trung ương) đều mang thai ở những tháng cuối, mắc một số bệnh lý sản khoa. Do diễn biến nhanh, các thai phụ này bị suy hô hấp, khi các biện pháp hỗ trợ hô hấp bằng thở máy không hiệu quả, bệnh nhân được chỉ định chạy ECMO. "5 bệnh nhân tình trạng đã tạm thời ổn định sau thời gian đặt ECMO" - BS Phúc nói.

Theo các bác sĩ, hiệu quả bảo vệ lớn nhất của vaccine COVID -19 là hạn chế những trường hợp chuyển biến nặng và tử vong. Đối với thai phụ, vaccine còn quan trọng hơn nữa.

Chia sẻ lý do phụ nữ mang thai nên tiêm vaccine COVID-19, PGS.TS Trần Danh Cường - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương - cho hay khi thai nghén, hệ miễn dịch của người mẹ suy giảm, là yếu tố nguy cơ khiến cơ thể khó chống đỡ virus. Lúc mang thai, tử cung to đẩy cơ hoành lên cao khiến dung tích phổi giảm xuống, làm cản trở hô hấp, trong khi nhu cầu oxy của phụ nữ mang bầu lớn hơn bình thường rất nhiều để nuôi em bé. Thai nghén có tình trạng giữ nước trong cơ thể nên có hiện tượng phù, đặc biệt phù niêm mạc đường hô hấp trên, dẫn đến tổn thương đường hô hấp trên.

Những lý do trên khiến phụ nữ mang thai khi mắc COVID-19 rất dễ diễn biến xấu, trở nặng rất cao, chưa kể nếu họ có bệnh nền như lớn tuổi (trên 35 tuổi), béo phì, tăng huyết áp, tiểu đường, bệnh mãn tính ở phổi... Bản thân những bệnh nền này cũng có thể làm thai nghén có biến chứng, chưa kể bị nhiễm SARS-CoV-2.

Khi bệnh chuyển nặng, thai phụ buộc phải nằm ở trung tâm hồi sức, thậm chí phải can thiệp y khoa như thở máy, ECMO, thậm chí nguy cơ tử vong cao cả mẹ và con.

PGS Cường khuyên các thai phụ nên tiêm vaccine COVID-19 để bảo vệ cả mẹ và con.

Theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế ngày 21/12, phụ nữ mang thai từ 13 tuần trở lên thuộc nhóm cần thận trọng khi tiêm chủng vaccine COVID-19; những người này cần được giải thích lợi ích/nguy cơ và ký cam kết nếu đồng ý tiêm, chuyển đến cơ sở y tế có khả năng cấp cứu sản khoa để tiêm và theo dõi. Thai phụ mang thai dưới 13 tuần thuộc nhóm cần trì hoãn tiêm chủng.

Đến nay, trong các loại vaccine COVID-19 được Bộ Y tế phê duyệt, chỉ có vaccine Sputnik V là không được sử dụng cho phụ nữ mang thai và cho con bú. (Sức khỏe & Đời sống, trang 14).


Thủ tướng: 'Giải quyết ngay nguồn ô xy để điều trị Covid-19 tại TP.HCM'

Thủ tướng yêu cầu bảo đảm nguồn ô xy phục vụ công tác điều trị trong các tình huống; trước mắt chỉ đạo giải quyết ngay đối với địa bàn TP.HCM và các tỉnh ĐBSCL.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam hôm nay 23.12, vừa ký công điện của Thủ tướng về việc bảo đảm nguồn cung ô xy cho điều trị người bị nhiễm Covid-19 gửi bộ trưởng các bộ, cơ quan ngang bộ; trưởng ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh, TP trực thuộc T.Ư; chủ tịch UBND tỉnh, TP trực thuộc T.Ư.

Công điện nêu rõ, tình hình dịch COVID- 19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, số ca nhiễm, ca chuyển nặng, ca tử vong vẫn có xu hướng tăng. Đặc biệt, những ngày gần đây, tại TP.HCM và một số địa phương phía nam gặp khó khăn trong đảm bảo ô xy phục vụ công tác điều trị.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế, các bộ, ngành, UBND tỉnh, TP trực thuộc T.Ư tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban bí thư, Chính phủ, Thủ tướng và Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, không để tình trạng quá tải y tế trên diện rộng.

Bộ Công thương phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế và UBND tỉnh, TP trực thuộc T.Ư có giải pháp cụ thể để bảo đảm nguồn ô xy phục vụ công tác điều trị trong các tình huống. Trước mắt, chỉ đạo giải quyết ngay đối với địa bàn TP.HCM và các tỉnh vùng ĐBSCL.

Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, tính đến ngày 22.12, sau 15 ngày “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” ở các quận, huyện và TP.Thủ Đức, TP.HCM ghi nhận 584.403 người thuộc nhóm nguy cơ.

Trong đó, phát hiện 24.420 người chưa tiêm vắc xin Covid-19 (chiếm tỷ lệ 4,2%). Tất cả các trung tâm y tế đang khẩn trương thuyết phục và triển khai tiêm vắc xin Covid-19 ngay cho nhóm người này. Trường hợp người thuộc nhóm nguy cơ gặp khó khăn trong đi lại, Ban chỉ đạo phòng chống dịch quận, huyện sẽ triển khai các đội tiêm tại nhà. (Thanh niên, trang 5, Tuổi trẻ, trang 4).

 

VỤ 'THỔI GIÁ' KIT TEST COVID-19: Bộ Công an triệu tập 11 người Nghệ An, Hà Tĩnh thanh tra diện rộng

Bộ Công an đã triệu tập 11 người ở Nghệ An ra Hà Nội làm rõ những thông tin liên quan vụ án Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á). Trong khi đó, tỉnh Hà Tĩnh thanh tra toàn bộ gói thầu mua kit test COVID-19 của Công ty Việt Á của Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Tĩnh.

Nguồn tin của PV Tiền Phong cho biết, C03 - Bộ Công an đã triệu tập số người Nghệ An nói trên ra Hà Nội để làm rõ những thông tin liên quan Vụ án Công ty Việt Á. “Trong 11 người mà C03 gọi ra phối hợp điều tra thì có 8 người thuộc CDC Nghệ An, gồm giám đốc và 7 thuộc cấp; 3 người ở đơn vị bên ngoài, trong đó một người đại diện Công ty Việt Á tại Nghệ An”, nguồn tin cho hay.

Trước đó, CDC Nghệ An thông tin, đơn vị này đã mua sinh phẩm, vật tư y tế của Công ty Việt Á khoảng 28 tỷ đồng. Ngoài Công ty Việt Á, trên địa bàn Nghệ An còn có 4 công ty cung ứng sản phẩm y tế. Tổng mua sắm của Nghệ An từ đầu mùa dịch đến nay là 60 tỷ đồng (28 tỷ đồng mua sinh phẩm của Việt Á, 32 tỷ đồng mua của các công ty còn lại). Trong 28 tỷ đồng mua sinh phẩm, vật tư y tế của Công ty Việt Á được triển khai ở 4 gói thầu (2 gói chỉ định thầu, 2 gói đấu thầu rộng rãi). Riêng 2 gói chỉ định thầu trị giá 18,5 tỷ đồng.

Ở Nghệ An, có nhiều đơn vị, bệnh viện đã làm hợp đồng mua kit xét nghiệm COVID - 19 của Công ty Việt Á. Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Quang Trung, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Nghệ An, cho biết: “Mặc dù đã ban hành kết quả lựa chọn nhà thầu nhưng cho đến thời điểm này, Bệnh viện Ung bướu Nghệ An vẫn chưa mua kit, sinh phẩm xét nghiệm COVID-19 của Công ty Việt Á”.

Thanh tra diện rộng

Tại Hà Tĩnh, thanh tra tỉnh này lập đoàn thanh tra để kiểm tra toàn bộ gói thầu mua kit xét nghiệm COVID-19, sinh phẩm của Công ty Việt Á từ hai đơn vị là Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh và CDC Hà Tĩnh. Trong đó, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh có tổ chức đấu thầu qua mạng để mua 10.000 kit xét nghiệm và hóa chất sinh phẩm kèm theo. Gói thầu này có trị giá gần 5 tỷ đồng và Công ty Việt Á là đơn vị trúng gói thầu này. Tuy nhiên, giữa đơn vị và Công ty Việt Á chưa ký hợp đồng mua bán. Ông Lê Ngọc Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Tỉnh đang cho thanh tra toàn bộ các gói thầu mua sắm của Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh và CDC Hà Tĩnh”.

Ông Nguyễn Chí Thanh, Giám đốc CDC Hà Tĩnh cho hay, đã nhận thông tin tỉnh lập đoàn thanh tra, kiểm tra lại gói thầu mua kit xét nghiệm của Công ty Việt Á. Tuy nhiên, khi hỏi đến báo cáo cụ thể số gói thầu mà CDC Hà Tĩnh đã hợp đồng với Công ty Việt Á thì ông Thanh trả lời là “chưa có báo cáo cụ thể”.

Trước đó, ngày 22/5/2021, ông Nguyễn Chí Thanh, Giám đốc CDC Hà Tĩnh đã ký quyết định về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu “Mua sắm kit xét nghiệm nhanh, sinh phẩm, vật tư tiêu hao phục vụ xét nghiệm COVID-19 tại CDC Hà Tĩnh”. Tên đơn vị trúng thầu là Liên danh Việt Á - Vật tư y tế Việt Nam - Thiên Phúc với giá trúng thầu là gần 6 tỷ đồng. Thành viên đứng đầu liên danh là Công ty Việt Á; thành viên liên danh gồm: Công ty TNHH thương mại dịch vụ và thiết bị Thiên Phúc, Công ty Cổ phần cung cấp vật tư y tế và thiết bị Việt Nam.

Nhiều thông tin cho rằng, Công ty Việt Á trúng nhiều hơn một gói thầu 6 tỷ đã được xác nhận trước đó, ông Thanh khẳng định đơn vị đang làm báo cáo theo chủ trương của tỉnh Hà Tĩnh. (Tiền phong, trang 4).

 

Bắc Giang từng duyệt mua 20.000 test trị giá hơn 5 tỷ do Việt Á sản xuất tặng Hà Nội

Tỉnh Bắc Giang đang tiến hành rà soát và thanh tra việc mua sắm sản phẩm của hãng Việt Á tại các cơ sở y tế. Theo tìm hiểu của Tiền Phong, tỉnh này từng duyệt mua 20.000 test trị giá hơn 5 tỷ do Việt Á sản xuất tặng Hà Nội.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Lâm Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Giang cho biết, về việc mua sắm sản phẩm của hãng Việt Á, trung tâm này chưa được phát ngôn, phóng viên liên hệ làm việc với Sở Y tế tỉnh Bắc Giang.

Đang rà soát, thanh tra

Sau nhiều lần liên hệ, phóng viên Tiền Phong có lịch làm việc với lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Bắc Giang. Ông Từ Quốc Hiệu, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bắc Giang khẳng định, tỉnh Bắc Giang không mua trực tiếp kit test xét nghiệm COVID – 19 với Cty Việt Á.

Khi phóng viên hỏi về việc các cơ sở y tế của tỉnh Bắc Giang có mua sản phẩm của hãng Việt Á qua một công ty khác không? Ông Hiệu trả lời: “Chúng tôi đang rà soát, kết quả cụ thể sẽ thông báo sau”.

Ông Hiệu cho biết thêm, ở tỉnh Bắc Giang, toàn bộ việc mua sắm là ở các cơ sở y tế quyết định. “Nói thật, tôi chẳng liên quan gì cả”, ông Hiệu nói.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Mai Sơn, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, thông tin cụ thể về việc mua sắm sản phẩm của hãng Việt Á ở các cơ sở y tế, phóng viên làm việc với Sở Y tế.

Ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho hay, tỉnh Bắc Giang không có hợp đồng nào với Cty Việt Á, còn việc mua sản phẩm của hãng Việt Á hay không là quyền của các đơn vị. Thẩm quyền của các đơn vị mua của ai thì mua, không có ai chỉ đạo gì cả. Tỉnh Bắc Giang đang cho thanh tra việc mua bán sản phẩm liên quan đến hãng Việt Á.

Lãnh đạo Công an tỉnh Bắc Giang cho biết thêm, đến thời điểm này, cơ quan công an vẫn chưa làm việc với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Giang và các cơ sở y tế về việc mua sắm sản phẩm của hãng Việt Á.

Duyệt mua 20.000 test trị giá hơn 5 tỷ do Việt Á sản xuất tặng Hà Nội

Theo thông tin Tiền Phong có được, ngày 22/11/2021, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Bắc Giang (CDC Bắc Giang) Lâm Văn Tuấn ký quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu: Mua sinh phẩm, vật tư lấy mẫu, tiêm chủng và xét nghiệm SARS-CoV-2 cho Trung tâm kiểm soát bệnh tật hỗ trợ thành phố Hà Nội năm 2021.

Theo quyết định này, Công ty CP Dược Vật tư Y tế Phan Anh (có địa chỉ tại phường Ngô Quyền, thành phố Bắc Giang) là đơn vị được CDC Bắc Giang lựa chọn cung cấp trọn gói.

Giá trúng thầu là 5,301 tỷ đồng đã bao gồm các loại thuế, phí. Hàng hoá được bàn giao, hướng dẫn sử dụng và nghiệm thu tại CDC Bắc Giang. Thời gian thực hiện gói thầu là 30 ngày.

Đáng chú ý, trong phụ lục chi tiết của hàng hoá kèm theo quyết định trên có 20.000 test do Cty Việt Á sản xuất. Cụ thể, trong 11 mặt hàng của gói thầu mà Công ty CP Dược Vật tư Y tế Phan Anh cung cấp có hai mặt hàng được sản xuất tại Cty Việt Á, có giá là 5,031 tỷ đồng (chiếm 94% giá trị gói thầu).

Có 10.000 test hoá chất tách chiết RNA bằng máy tách chiết tự động (nhóm 5) do Cty Việt Á sản xuất có giá là 1,365 tỷ đồng (tương đương 136.500 đồng/test). Và 10.000 test phát hiện SARS-CoV-2 bằng phương pháp Real-time PCR (nhóm 3) do Cty Việt Á sản xuất có giá là 3,675 tỷ đồng (tương đương 367.500 đồng/test). (Tiền phong, trang 4).

 

Quá tải hệ thống y tế cơ sở ở Hà Nội: Tôi không có thời gian về nhà

“Có hôm tôi về nhà lúc 9 giờ tối. Con tôi bảo: Sao hôm nay mẹ về sớm thế. Bình thường, những lúc dịch căng thẳng, có thời gian về nhà đâu. Con cái cũng không gặp vì ở bên ngoại suốt”, chị Nguyễn Thị Bích Liên (SN 1981), nhân viên Trạm Y tế phường Giáp Bát (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ.

Vừa nhận thêm chục trường hợp nữa…

Chị Nguyễn Thị Bích Liên có nhiều năm làm việc tại Trạm Y tế phường Giáp Bát (quận Hoàng Mai, Hà Nội). Khi chưa có dịch COVID-19, công việc của chị không quá áp lực. Dịch ập đến, hai năm qua, chị liên tục phải đi điều tra, truy vết, rồi lại đến tiêm vắc xin, điều trị, tư vấn cho F0.

“Căng thẳng nhất là dịp phường bùng phát dịch COVID-19 từ các trường hợp lái xe đường dài về từ TP HCM hồi tháng 8 vừa qua. Lúc đó chúng tôi quên ăn, quên ngủ”, chị Liên kể.

Theo chị Liên, thời điểm đó, phường mới bùng phát dịch diện rộng, tâm lý còn nhiều e ngại. Ai cũng căng thẳng. Nhân viên y tế phường phải tập trung hết sức lực để đi truy vết, điều tra các trường hợp liên quan, khoanh vùng hạn chế lây nhiễm. “Có thời điểm nửa đêm rồi vẫn phát loa mời người liên quan ra lấy mẫu xét nghiệm. Người dân nhiều khi có ý kiến, nhưng phòng chống dịch cần kịp thời, triệt để, rồi họ cũng thông cảm”, chị Liên nói. Chồng chị Liên, anh Lê Huy Hùng cũng là nhân viên y tế, thuộc biên chế Trạm Y tế phường Trúc Bạch (quận Ba Đình). Thời điểm dịch bùng phát đầu tiên ở Hà Nội trên địa bàn phường Trúc Bạch (bệnh nhân số 17 - PV), chồng chị Liên làm công tác y tế dự phòng trên địa bàn quận, sau đó luân chuyển về làm tại Trạm Y tế phường. “Thỉnh thoảng hai vợ chồng hỏi kinh nghiệm phòng, chống dịch COVID-19. Anh nhà tôi ở địa bàn đầu tiên xử lý các ca bệnh nên cũng có nhiều điều tư vấn được”, chị Liên nói.

Chị Liên mới được điều động sang làm quản lý khu thu dung, điều trị F0 thể nhẹ trên địa bàn phường Giáp Bát. “Hôm qua vừa nhận thêm hơn chục trường hợp nữa. Họ bị nhẹ, chủ yếu tập thể dục thể thao và điều trị tâm lý thôi”, chị Liên nói, đồng thời cho biết, có những trường hợp vào điều trị mà khóc suốt vì sợ, tôi phải tâm sự, khuyên nhủ, động viên họ yên tâm chữa bệnh, điều này rất quan trọng.

Cũng theo chị Liên, nhân viên y tế mùa dịch rất vất vả, nhiều khi chị em trực đến nửa đêm mới về. Chị Liên có một cháu học lớp 9, một cháu học lớp 4. Cháu nhỏ gửi nhà ngoại, cháu lớn tự lo liệu ở nhà. Mấy tháng nay bữa cơm hầu như không đầy đủ thành viên trong gia đình. Có đợt dịch căng thẳng, chị và các đồng nghiệp ăn ngủ luôn tại Trạm Y tế cả tháng.

Nguy cơ phơi nhiễm cao

Chị Liên, anh Hùng cùng hàng trăm nhân viên y tế tuyến cơ sở ở Hà Nội vẫn đang ngày đêm căng sức phòng, chống dịch COVID-19. Những ngày này chúng tôi liên hệ xin làm việc, nhiều lãnh đạo phường nhắn nhủ phóng viên cần thông cảm, xuống Trạm Y tế nguy hiểm bởi F0 đang nhiều, lại gây mất tập trung công việc cho anh em.

Tại Trạm Y tế phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai), một nhân viên nói với phóng viên: “Bọn chị vất vả quá rồi! Thế thôi, em thích viết thế nào cũng được…”. Trong suốt một ngày xuống Trạm Y tế phường Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa), chúng tôi cũng chỉ được trao đổi với chị Đoàn Thị Thảo - người được cho là ít bận nhất. Dù thế, chị luôn tay luôn chân, hết nghe điện thoại tư vấn, lại chạy đi lo công văn, giấy tờ, làm hồ sơ để theo dõi các trường hợp hết hạn cách ly, điều trị trên địa bàn.

Chị Thảo là nhân viên y tế học đường trên địa bàn phường Phương Liệt, thời gian này được tăng cường qua Trạm Y tế phường Ô Chợ Dừa để chống dịch. Trước đó, chị được tăng cường sang Trạm Y tế phường Phương Liên thời gian 3 tháng. Chị bảo, đi suốt, con cái phải gửi ở nhà ngoại, nhưng chưa thấy có chế độ gì ngoài giấy khen của Phòng GD&ĐT quận. Chồng chị bảo nếu công việc vất vả, áp lực quá thì xin nghỉ. Nhiều lần chị tranh thủ gọi điện thoại cho con gái, câu đầu tiên của con: “Mẹ bỏ rơi con à”. Con học trực tuyến, giáo viên nhắn tin về tình hình học tập, chị còn không kịp nhắn lại.

Chia sẻ về áp lực với nhân viên y tế tuyến cơ sở ở Hà Nội hiện nay, chị Huyền - Trưởng Trạm Y tế phường Giáp Bát (Hoàng Mai) nói, nhân viên y tế quá vất vả, người thì ít mà công việc tăng gấp nhiều lần. Không chỉ bản thân chị, nhiều đồng nghiệp cũng có lúc suy nghĩ, hay là bỏ việc. Nhưng rồi chị Huyền tự nhủ, bao nhiêu năm gắn bó với nghề, giờ đến lúc xã hội cần, nhân dân cần, bỏ sao đành.

Chị Liên cũng nghe chỗ này, chỗ kia, có người này, người kia xin nghỉ việc vì áp lực, lo lắng lây nhiễm, nhưng chị và các đồng nghiệp chưa từng nghĩ đến điều này.

Ông Đặng Khánh Hoà, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân cho hay, trong nhiều cuộc họp, nhân viên y tế vừa phát biểu vừa rưng rưng. Đa phần nhân viên y tế tuyến cơ sở là nữ. Người nào cũng có gia đình, chồng con. Không phải ai cũng dũng cảm, vượt qua được những áp lực, đặc biệt khi đối mặt với dịch bệnh.

Bà Trịnh Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy cho biết, nhân viên y tế trên địa bàn quận nói riêng và thành phố nói chung đang quá tải về công việc. Họ đối mặt với nguy cơ nhiễm COVID-19 quá cao. “Bây giờ phóng viên xuống không gặp được đâu. Nguy cơ dịch cao quá. Anh em vất vả quá rồi, để cho mọi người tập trung làm việc”, bà Dung nói.

Bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho hay, trong 2 năm qua, lực lượng y tế cơ sở là “tuyến đầu của tuyến đầu”, tuy nhiên, việc đầu tư về cơ sở vật chất, nhân lực chưa tương xứng. Thành phố Hà Nội đang có kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất, và trang thiết bị cho tuyến y tế cơ sở với số tiền 2.447 tỷ đồng. (Tiền phong, trang 4).

 

Hai bệnh viện ở TP.HCM mua kit xét nghiệm của Việt Á tổng cộng hơn 32 tỉ đồng

Sở Y tế TP.HCM xác định Bệnh viện TP Thủ Đức và Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch đã mua sinh phẩm, trang thiết bị xét nghiệm COVID-19 của Công ty cổ phần công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á) với tổng số tiền hơn 32 tỉ đồng.
Báo cáo xác định có 2 bệnh viện đã mua sinh phẩm, trang thiết bị xét nghiệm COVID-19 của Công ty Việt Á. Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch mua 1.250 test, tổng số tiền là 636.562.500 đồng, theo hình thức đấu thầu rộng rãi. Bệnh viện TP Thủ Đức mua 65.870 test, tổng giá trị 32.022.967.500 đồng bằng hình thức chỉ định thầu.

Như Tuổi Trẻ Online đã thông tin, ngày 21-12 Sở Y tế TP.HCM đã có văn bản khẩn gửi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (HCDC), các bệnh viện công lập trực thuộc và trung tâm y tế quận, huyện và TP Thủ Đức báo cáo về việc mua sắm sinh phẩm, trang thiết bị xét nghiệm của Công ty Việt Á.

Khảo sát của phóng viên cho thấy có nhiều bệnh viện lớn đóng tại TP.HCM được Công ty Việt Á chào mời mua sinh phẩm xét nghiệm nhưng đều từ chối vì nhiều lý do.

Trước đó, trong cuộc họp báo chiều 20-12, ông Nguyễn Hồng Tâm - phó giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM - cho biết thời gian qua đơn vị không mua và sử dụng sinh phẩm xét nghiệm của Công ty Việt Á do giá quá cao. (Tuổi trẻ, trang 4).

 

Vượt 7.000 bệnh nhân F0 tại nhà, Hà Nội ứng phó thế nào?

Trong số khoảng 200 bệnh nhân mắc COVID-19 đang được điều trị tại một cơ sở y tế ở Hà Nội, có khoảng 50% là bệnh nhân nặng, thở máy. Trong đó, tình trạng bệnh nhân đã tiêm vaccine COVID-19 nhưng vẫn trở nặng chiếm khoảng 30%. 

Khoảng 30% bệnh nhân trở nặng dù đã tiêm 2 mũi vaccine

Theo thống kê của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, đến ngày 22.12, Hà Nội đang điều trị hơn 7.000 bệnh nhân COVID-19 tại nhà, hơn 4.700 bệnh nhân ở bệnh viện; hơn 4.800 bệnh nhân tại khu cách ly.

Trong đó, hơn 3.300 F0 không triệu chứng hoặc nhẹ, bệnh nhân mức độ trung bình là hơn 1.200 người; 220 bệnh nhân nặng; chưa có thống kê cụ thể về trường hợp đã tiêm vaccine trở nặng.

Bác sĩ Nguyễn Văn Thường, Giám đốc BVĐK Đức Giang (Hà Nội) cho biết, BV là nơi được Sở Y tế Hà Nội phân công điều trị F0 nặng.

"Chúng tôi đang điều trị cho khoảng 200 bệnh nhân mắc COVID-19, khoảng 50% trong số đó là bệnh nhân nặng, thở máy. Trong đó, tình trạng bệnh nhân đã tiêm vaccine COVID-19 nhưng vẫn trở nặng chiếm khoảng 30%" - ông nói. 

Theo BS Thường, những người chưa tiêm vaccine ở Hà Nội rất ít, đa số là người cao tuổi và bệnh nền. Những người này cần vận động đi tiêm ngay để giảm nguy cơ tử vong nếu không may mắc bệnh. Người đã tiêm đủ vaccine, khi nhiễm sẽ nhẹ hơn, cơ hội sống cao hơn. Tỉ lệ bệnh nhân đã tiêm vaccine tử vong ở Bệnh viện Đức Giang khoảng 7%.

Tại Bệnh viện Điều trị Người bệnh COVID-19 trực thuộc Đại học Y Hà Nội, một bệnh nhân nữ, 63 tuổi, ở Ba Đình, được chuyển đến ngày 11.12. Bệnh nhân này đã tiêm đủ hai mũi vaccine, đang mắc ung thư phổi, đã xạ trị một năm, nhập viện trong tình trạng suy kiệt, suy hô hấp, viêm phổi mức độ nặng, phải thở oxy mask 10 lít/ phút.

Bác sĩ Nguyễn Minh Nguyên - Bệnh viện Điều trị người bệnh COVID-19 - cho biết trong vài tuần gần đây F0 tăng nhanh, trong đó, đáng chú ý, bệnh nhân trên là một trong số các bệnh nhân đã tiêm đủ hai mũi đang tình trạng nguy kịch phải thở máy, cần hỗ trợ về chức năng sống...

"Bệnh nhân đã ung thư di căn xương, khó thở, đau ngực, ung thư gây tổn thương toàn bộ trường phổi bên phải, xẹp phổi, đông đặc phổi trái, hình ảnh tổn thương phổi lớn, rất nguy kịch", bác sĩ Nguyên cho hay.

F0 ngày càng tăng, nhiều bệnh nhân trở nặng, diễn tiến xấu

Tổng số ca F0 đang điều trị tại Bệnh viện Điều trị Người bệnh COVID-19 trực thuộc Đại học Y Hà Nội là khoảng 120 người (gồm bệnh nhân tầng 2, 3). Riêng đơn nguyên hồi sức ICU do bác sĩ Nguyên phụ trách điều trị khoảng 20 bệnh nhân nặng, trong đó 18 ca đang ở trong tình trạng nguy kịch, phải thở máy xâm nhập.

Kíp huy động lực lượng y tế hồi sức chuyên sâu tiếp ứng, sử dụng thuốc chống đông, kháng virus và theo dõi ICU, hỗ trợ oxy dòng cao đến thở máy không xâm nhập nhưng không đáp ứng. Hơn một tuần trôi qua, bệnh nhân vẫn đang sử dụng thuốc an thần và thở máy xâm lấn, tiến triển chậm.

Một bệnh nhân khác là cụ bà 83 tuổi, không mắc bệnh nền, tiêm đủ mũi vaccine, đang phải thở máy xâm nhập. Bệnh nhân đã điều trị gần một tháng nhưng tình trạng chưa khả quan, vẫn cần thở máy xâm nhập hoàn toàn với nồng độ oxy cao.

PGS.TS Hoàng Bùi Hải (Phó giám đốc Bệnh viện Điều trị Người bệnh COVID-19) cho biết, các y bác sĩ từng tham gia điều trị bệnh nhân những đợt dịch bùng phát lớn tại Đà Nẵng, Bắc Giang, Phú Yên, Bình Dương... và đặc biệt là TPHCM, đều có nhiều kinh nghiệm.

Tuy nhiên, theo BS Hải, áp lực điều trị ở tầng 3 vẫn rất lớn, nhất là khi F0 ngày càng tăng, nhiều bệnh nhân đã tiêm đủ vaccine vẫn trở nặng, diễn tiến xấu và nguy cơ tử vong cao. 

Theo Sở Y tế Hà Nội, trong đợt dịch 4 (từ ngày 29.4) tại Hà Nội, tổng số ca nhiễm thành phố là 32.044, trong đó 11.639 ca cộng đồng, 20.405 ca phát hiện trong khu cách ly. (Lao động, trang 1).

 

Tăng cường công tác tiêm chủng, kiểm soát biến chủng mới Omicron

Văn phòng Chính phủ vừa có Công điện số 9406/CĐ-VPCP ngày 23/12 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc tăng cường công tác tiêm chủng, kiểm soát biến chủng mới Omicron của virus SARS-CoV-2.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu: Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo và tổ chức thần tốc hơn nữa việc tiêm chủng vaccine phòng ngừa Covid-19. Chậm nhất ngày 31/12, phải hoàn thành việc tiêm mũi 2 cho người từ 18 tuổi trở lên (trừ trường hợp chống chỉ định); không để sót các trường hợp thuộc diện phải tiêm, nhất là người có bệnh nền, người trên 50 tuổi; hoàn thành tiêm mũi 2 cho người từ 12-18 tuổi trong tháng 1/2022, mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên trong quý I/2022. Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tiến độ tiêm vaccine tại địa phương khi đã được cung cấp vaccine đầy đủ.

Bộ Y tế: Chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bảo đảm đủ vaccine và phân bổ kịp thời cho các địa phương, hướng dẫn các địa phương tiêm an toàn, khoa học, hợp lý, hiệu quả. Kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, chống mọi biểu hiện tiêu cực.

Các Bộ: Y tế, Giao thông vận tải, Công an, Quốc phòng, Ngoại giao theo chức năng, nhiệm vụ được giao tăng cường kiểm soát người đến và đi qua các nước đã phát hiện ca bệnh nhiễm chủng mới Omicron nhập cảnh vào Việt Nam, kể cả đường hàng không, đường bộ, đường thủy để ngăn chặn nguy cơ xâm nhập và lây lan của biến chủng này vào nước ta; thực hiện test nhanh đối với hành khách trước khi lên và sau khi xuống tàu bay, cách ly ngay đối với các trường hợp nghi nhiễm; giải trình tự gene để phát hiện chủng Omicron và xử lý triệt để.

Bộ Y tế chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiên cứu toàn diện về chủng mới Omicron để kịp thời có các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp. (Nhân dân, trang 5, Hà Nội mới, trang 7).

Tags:

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang