Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 24/3/2017

  • |
T5g.org.vn - Theo dõi 24 người cùng ăn tiết canh với người bị tử vong; Nhân Ngày Thế giới phòng chống lao 24-3: Gia tăng bệnh lao kháng đa thuốc; Phát triển nguồn nhân lực để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân

 

Theo dõi 24 người cùng ăn tiết canh với người bị tử vong

Có 24 người đang được ngành chức năng theo dõi do cùng ăn tiết canh trong buổi liên hoan với nạn nhân vừa bị tử vong do ăn tiết canh nhiễm liên cầu lợn tại xã Nga An, huyện Nga Sơn (Thanh Hóa).

Ngày 23/3, trao đổi với Tiền Phong, ông Hà Đình Ngư – Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Thanh Hóa cho biết: Liên quan đến vụ việc nạn nhân Trần Văn Phi (SN 1967, xã Nga An) vừa bị tử vong do ăn tiết canh nhiễm liên cầu lợn, ngành chức năng đã tiến hành xác minh sự việc.

Theo đó, nạn nhân Phi được xác định ăn tiết canh trong buổi liên hoan ngày 5/3. Trong buổi liên hoan này có 34 người tham gia, trong đó có 26 người ăn tiết canh.

Số người này hiện đang sinh sống ở nhiều xã khác nhau của huyện Nga Sơn. Khoảng 7 ngày sau khi ăn tiết canh thì 2 trong số 26 người khởi phát bệnh đó là Trần Văn Phi và Nguyễn Đình Nhàn (SN 1967, ở xã Ba Đình). Lần lượt các bệnh nhân được đưa đi điều trị tại Bệnh viện đa khoa huyện Nga Sơn rồi chuyển lên điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa. Tình trạng sức khỏe của bệnh nhân Phi diễn biến nặng nên gia đình xin đưa về nhà và tử vong trong ngày 18/3. Bệnh nhân Nhàn đã ổn định sức khỏe, vẫn tiếp tục được theo dõi.

Theo xác minh của ngành chức năng thì tiết canh mà 26 người ăn là tiết canh dê, nhưng trong bát tiết canh dê có một số thành phần lấy từ lợn như sụn hầu, cuống họng… Đặc biệt có một trường hợp ăn cùng một bát tiết canh mà nạn nhân Phi ăn (Một bát tiết canh chia đôi cho 2 người), nhưng cho đến nay, người này không có biểu hiện phát bệnh.

Lý giải việc cùng ăn tiết canh nhưng có người phát bệnh, có người không, ông Hà Đình Ngư cho biết: Về cơ bản trong nhiều loài động vật đều có thể có vi khuẩn liên cầu lợn. Do vi khuẩn này được xác định có nhiều ở lợn nên gọi là liên cầu lợn. Có nhiều lý do giải thích cho việc nhiều người cùng ăn tiết canh trong bữa liên hoan lại không phát bệnh như: Trong bát tiết có nơi tập trung mật độ vi khuẩn cao, có nơi thấp; có những người vi khuẩn vào cơ thể nhưng không gây bệnh do sức đề kháng tốt; lượng vi khuẩn vào từng người khác nhau…

“Thời gian ủ, phát bệnh đối với người ăn tiết canh nhiễm liên cầu lợn là khoảng từ 2 tiếng đến 13 ngày sau khi ăn. Dù đã qua 13 ngày, nhưng hiện ngành chức năng vẫn theo dõi, thực hiện công việc dự phòng cần thiết để đảm bảo sức khỏe cho người dân”- ông Hà Đình Ngư cho biết thêm. (Tiền phong, trang 2)

 

Nhân Ngày Thế giới phòng chống lao 24-3: Gia tăng bệnh lao kháng đa thuốc

Cũng như các tỉnh, thành phố khác, Hà Nội đang đối mặt với diễn biến phức tạp của bệnh lao, tỷ lệ người bệnh lao/HIV tăng, đặc biệt là lao kháng đa thuốc.

Nhân Ngày Thế giới phòng chống lao 24-3, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Bệnh viện Phổi Hà Nội, Chủ nhiệm Chương trình chống lao thành phố Nguyễn Hữu Thường về vấn đề này.

- Ông có thể phác họa đôi nét về công tác phòng chống lao thời gian qua trên địa bàn Thủ đô?

- Chương trình chống lao trên địa bàn trước đây được giao cho hai đơn vị đầu mối là Bệnh viện (BV) Phổi Hà Nội và Trung tâm Phòng chống lao - Bệnh phổi Hà Đông. Thực hiện Quyết định số 322/QĐ-UBND ngày 16-1-2017 của UBND thành phố về việc tổ chức lại BV Phổi Hà Nội trực thuộc Sở Y tế trên cơ sở sáp nhập hai đơn vị trên, hiện tại, Chương trình chống lao được thống nhất trên toàn thành phố bởi đơn vị chuyên khoa đầu ngành duy nhất là BV Phổi Hà Nội. Chương trình tiếp tục duy trì và hoàn thiện mạng lưới chống lao rộng khắp từ tuyến thành phố đến quận, huyện và xã, phường. Việc kiện toàn mạng lưới sau khi sáp nhập cũng được BV quan tâm, bảo đảm hoạt động phòng, chống bệnh lao tuyến cơ sở, tiến tới đồng nhất về tổ chức nhân lực, kỹ thuật, năng lực chẩn đoán, điều trị của các đơn vị chống lao 30 quận, huyện, thị xã, không để chênh lệch giữa các khu vực như hiện nay.

- Sau khi sáp nhập hai đơn vị, bộ máy hoạt động của BV có thay đổi gì để phù hợp với xu thế mới, hiện đại hóa công tác phát hiện, chẩn đoán bệnh lao, thưa ông?

- Phát huy thế mạnh hai đơn vị sau sáp nhập, BV hình thành bộ máy hoạt động hoàn chỉnh, gọn nhẹ, có năng lực, trình độ cao với 300 cán bộ, quy mô 310 giường bệnh, hiện đại hóa công tác phát hiện chẩn đoán bệnh lao. BV đã đưa vào ứng dụng nhiều kỹ thuật điều trị tiên tiến, hiệu quả cao, rút ngắn thời gian điều trị bệnh lao, lao kháng thuốc, nhất là bảo đảm cho hơn 90% các đối tượng trong diện cần dự phòng bệnh lao (trẻ dưới 5 tuổi tiếp xúc nguồn lây, người nhiễm HIV…) được tiếp cận với dịch vụ dự phòng. Đơn cử, kỹ thuật GeneXpert chẩn đoán lao, lao kháng thuốc hiện đại nhất hiện nay chỉ trong 2 giờ có thể trả lời có vi khuẩn lao hay không, nhiều hay ít và có kháng với thuốc rifampicin hay không với độ đặc hiệu chẩn đoán bệnh hơn 95%. Ngoài ra, còn có kỹ thuật PCR real-time giúp chẩn đoán nhanh, chính xác các ca bệnh lao ngoài phổi; kỹ thuật chụp cắt lớp vi tính, X-quang kỹ thuật số giúp chẩn đoán lao chính xác, rút ngắn thời gian; kỹ thuật xét nghiệm đờm tìm vi khuẩn lao bằng kính hiển vi kỹ thuật số CellScope... BV cũng đã chuyển giao các kỹ thuật hiện đại cho tuyến y tế cơ sở, đồng thời thực hiện việc liên kết xét nghiệm qua mạng internet.

- Ông có thể cho biết về tình hình lao kháng đa thuốc ở Hà Nội và nguyên nhân phát sinh lao kháng đa thuốc?

- Hằng năm, Hà Nội phát hiện, đưa vào quản lý và điều trị dự phòng khoảng 5.000 bệnh nhân lao các thể. Với lao phổi mới (nguồn lây chính của bệnh lao), tỷ lệ điều trị khỏi khoảng hơn 90%. Tuy nhiên, lao kháng đa thuốc đã xuất hiện ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam và trở thành vấn đề sức khỏe cộng đồng. Ở Hà Nội chưa có điều tra dịch tễ về lao kháng thuốc. Tuy nhiên, theo số liệu của Chương trình chống lao quốc gia (trong đó có Hà Nội), tỷ lệ kháng đa thuốc ở nhóm người bệnh lao mới là 2,7%, còn nhóm đã điều trị là 19%. Hà Nội ước tính có khoảng 80-120 người bệnh lao kháng đa thuốc mỗi năm. Nguyên nhân phát sinh lao kháng đa thuốc có rất nhiều, như: Người bệnh lao không tuân thủ y lệnh của thầy thuốc trong quá trình điều trị, việc kê đơn điều trị của thầy thuốc không đúng, chất lượng thuốc không bảo đảm, thực hiện việc giám sát người bệnh chưa tốt, do đột biến gien của vi khuẩn…

Từ năm 2011 đến nay, mỗi năm, BV Phổi Hà Nội thu nhận và quản lý điều trị cho hàng trăm bệnh nhân lao kháng đa thuốc và cho kết quả bước đầu rất tốt. Hà Nội là một trong những đơn vị đầu tiên trong cả nước thực hiện điều trị thuốc mới Bedaquiline cho người bệnh lao kháng thuốc nặng (tiền siêu kháng thuốc, siêu kháng thuốc) và áp dụng phác đồ ngắn hạn (từ 20 tháng điều trị trước đây xuống còn 9 tháng).

- Cần làm gì để loại trừ bệnh lao ra khỏi cộng đồng, thưa ông?

- Để có thể tiến tới thanh toán bệnh lao vào năm 2030 theo mục tiêu cơ bản của Chiến lược quốc gia phòng chống bệnh lao đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 tại Hà Nội, ngoài việc tăng cường tuyên truyền dưới nhiều hình thức, nhằm nâng cao kiến thức phòng bệnh cho mọi người, cần sự chung tay của cả cộng đồng. Cụ thể là tập trung vào các hoạt động phát hiện, phối hợp với các hệ thống y tế công và tư nhân trong công tác phòng chống bệnh lao, áp dụng có hiệu quả các kỹ thuật chẩn đoán mới, chú trọng chất lượng quản lý điều trị, triển khai thực hành xử trí tốt bệnh hô hấp ở tuyến y tế cơ sở… Thành phố cũng sẽ đầu tư trang thiết bị chủ động phát hiện người mắc lao ở người nhiễm HIV, đối tượng ở các trại giam và trung tâm 05-06… Mở rộng quản lý lao kháng đa thuốc, tăng cường công tác sàng lọc lao trẻ, bao gồm cả điều trị bệnh lao và điều trị dự phòng lao; tăng cường triển khai nghiên cứu khoa học, các thử nghiệm thuốc, phác đồ điều trị và các mô hình mới trong công tác phòng chống lao.

- Xin cảm ơn ông!

(Hà Nội mới, trang 5; Lao động, trang 2; Sức khỏe đời sống, trang 12)

 

Phát triển nguồn nhân lực để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, hoạt động của dự án nhằm thực hiện mục tiêu tổng thể của hệ thống y tế theo định hướng công bằng, hiệu quả và phát triển,

Thông tin tại Hội thảo Tổng kết dự án “Chương trình phát triển nguồn nhân lực y tế” giai đoạn 2011-2016 diễn ra ngày 22/3 tại Hà Nội do Bộ Y tế và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) phối hợp tổ chức, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, hoạt động của dự án nhằm thực hiện mục tiêu tổng thể của hệ thống y tế theo định hướng công bằng, hiệu quả và phát triển, giải quyết hiệu quả các vấn đề liên quan đến sự chênh lệch trong tiếp cận và sử dụng dịch vụ có chất lượng trong chăm sóc sức khỏe giữa các khu vực kinh tế - xã hội.

Quản lý đăng ký cấp phép hành nghề khám, chữa bệnh bằng hệ thống trực tuyến

Dự án Chương trình phát triển nguồn nhân lực y tế được thực hiện với sự tài trợ cùng vốn vay của Ngân hàng ADB và DFAT, ước tính khoảng trên 76 triệu USD. Mục tiêu của dự án là hỗ trợ đầu tư nâng cấp các cơ sở đào tạo cán bộ y tế một cách đồng bộ, toàn diện; hỗ trợ hệ thống dự báo, lập kế hoạch và quản lý trong đào tạo; tăng cường công tác quản lý nhân lực và cải tiến cơ chế tài chính, thanh toán các chi phí dịch vụ y tế. Thông tin về hoạt động của dự án, ông Trần Quốc Kham - Giám đốc Dự án cho biết, dự án nhằm hỗ trợ đầu tư, nâng cấp các cơ sở đào tạo nhân lực y tế một cách đồng bộ, toàn diện theo định hướng ưu tiên; hỗ trợ hệ thống dự báo, lập kế hoạch và quản lý trong đào tạo; tăng cường công tác quản lý nhân lực và cải tiến cơ chế tài chính, thanh toán các cơ chế tài chính, thanh toán các chi phí dịch vụ y tế. 34 bệnh viện thuộc tuyến Trung ương, tuyến tỉnh và tuyến huyện; 17 trường đại học, cao đẳng trong cả nước đã tham gia thực hiện dự án.

Bên cạnh đó, hỗ trợ thực hiện Luật Khám bệnh, chữa bệnh có hiệu lực từ tháng 1/2011 và Chiến lược bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Sau 6 năm thực hiện (2011-2016) dự án đã hỗ trợ Bộ Y tế thành lập Ban điều hành Phát triển nguồn nhân lực y tế; hỗ trợ xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Khám bệnh, chữa bệnh; thiết lập đăng ký cấp chứng chỉ hành nghề và giấy phép hoạt động; nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác quản lý chứng chỉ hành nghề và giấy phép hoạt động; cập nhật chương trình giảng dạy một số môn cơ sở và phương pháp giảng dạy tích cực; nâng cấp và trang bị phòng thí nghiệm các môn khoa học cơ bản và cơ sở của 17 trường với 134 lab mới và 209 lab được nâng cấp; nâng cao năng lực giảng viên và cán bộ quản lý.

Ngoài ra, thời gian qua, dự án cũng thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu đào tạo nhân lực y tế của 17 trường tham gia dự án, tạo điều kiện thuận lợi cho việc dự báo, lập kế hoạch, quản lý và nâng cao chất lượng; xây dựng hệ thống E learning; hỗ trợ y tế nông thôn và dân tộc thiểu số; hình thành Ban chỉ đạo về đổi mới phương thức chi trả dịch vụ y tế; xây dựng 26 quy trình chuyên môn, áp dụng thử nghiệm tại 34 bệnh viện.

Thiết lập và củng cố 3 nền móng chính của hệ thống nhân lực y tế

Đánh giá về hiệu quả của dự án, phát biểu tại lễ tổng kết, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, dự án đã triển khai một cách tổng thể và đã đạt được hầu hết các mục tiêu đề ra. Dự án đã hỗ trợ Bộ Y tế thiết lập và củng cố 3 nền móng chính của hệ thống nhân lực y tế. Trong đó kết quả nổi bật là hệ thống quốc gia quản lý đăng ký cấp phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh được thiết lập với hệ thống cơ sở dữ liệu đăng ký trực tuyến quốc gia đảm bảo vận hành trên nền tảng phù hợp cho các hoạt động trong tương lai và phát triển hệ thống...

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng ghi nhận những đóng góp tích cực trong công tác phát triển nguồn nhân lực ngành y thời gian qua, đặc biệt trong cải cách hệ thống giáo dục với các tiêu chí rõ ràng: hệ hàn lâm (tiến sĩ, thạc sĩ...) phục vụ công tác nghiên cứu y học, giảng dạy; hệ điều trị (bác sĩ chuyên khoa I, II, bác sĩ nội trú...) phục vụ công tác điều trị và đào tạo cán bộ về quản lý y tế nhằm chuyên môn hóa nghiệp vụ, sử dụng nhân lực một cách khoa học, hiệu quả là điều mà ngành y tế hướng đến. Bộ trưởng cũng đề nghị, các cơ quan y tế nơi triển khai dự án cần tiếp tục nghiên cứu, tổng hợp những thành công, kinh nghiệm dự án mang lại để tiếp tục làm tốt công tác phát triển nguồn nhân lực y tế trong thời gian tới. (Sức khỏe đời sống, trang 3)

 

Đẩy mạnh công tác truyền thông y tế cơ sở

Từ ngày 21-22/3/ 2017, tại tỉnh Bà Rịa - Vũng tàu, Vụ Truyền thông & Thi đua khen thưởng, Bộ Y tế tổ chức cung cấp thông tin y tế năm 2017 và tổ chức cho phóng viên báo đài khu vực phía Nam đi thực tế tại y tế cơ sở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Tham dự có Lãnh đạo Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng, Cục Y tế Dự phòng, Văn phòng Bộ. Tham dự có đại diện Sở Y tế, Trung tâm Truyên thông - GDSK tinh và 25 nhà báo, đài Trung ương và địa phương tham dự.

Tại buổi họp, Ths Phạm Hùng, Trưởng phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm Cục Y tế Dự phòng - Bộ Y tế đã cung cấp một số thông tin về tình hình dịch bệnh dịch cúm gia cầm và các bệnh dịch khác...

Trong buổi họp, đại diện các nhà báo cũng chia sẻ kinh nghiệm trong việc xử lý cung cấp thông tin y tế và trao đổi về những vấn đề liên quan. Đại biểu tham luận chia sẻ các giải pháp nâng cao chất lượng Phòng chống dịch bệnh tại tuyến cơ sở y tế. Ngày 22/3, các nhà báo làm việc và tìm hiểu thực tế tại Trung tâm y tế 02 chức năng huyện Xuyên Mộc Tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu. Qua báo cáo của lãnh đạo trung tâm Y tế huyện cũng như tìm hiểu thực tế tại các khoa khám và điều trị các nhà báo đánh giá cao công tác nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cũng như đổi mới thái độ phục vụ đối với người bệnh của bệnh viện là rất đáng trân trọng. Các nhà báo cũng đã chia sẽ những khó khăn cùng đơn vị: Nguồn nhân lực quá thiếu chủ yếu bác sỹ, Thu nhập của đội ngũ cán bộ công chức và người lao động còn khiêm tốn nên khó thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, cơ sở vật chất hạ tầng xuống cấp, vẫn còn tình trạng quá tải. Tuy nhiên bệnh nhân vẫn rất hài lòng về thái độ khám chữa bệnh và điều trị của bệnh. (Sức khỏe đời sống, trang 2)

 

Làm rõ thông tin đội giá trang thiết bị y tế ở Gia Lai

Liên quan đến thông tin, Kết quả Kiểm toán nhà nước trong công tác đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế tại tỉnh Gia Lai đã phát hiện có tình trạng đội giá: mua thiết bị y tế 5,6 tỷ đồng kê lên 16,7 tỷ đồng.

Liên quan đến thông tin, Kết quả Kiểm toán nhà nước trong công tác đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế tại tỉnh Gia Lai đã phát hiện có tình trạng đội giá: mua thiết bị y tế 5,6 tỷ đồng kê lên 16,7 tỷ đồng. Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế (Bộ Y tế) vừa có Công văn khẩn số 1338/BYT-TB-CT gửi Sở Y tế tỉnh Gia Lai đề nghị làm rõ thông tin về sự việc trên.

Theo thông tin từ các cơ quan báo chí, Kết quả Kiểm toán Nhà nước trong công tác đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế tại Gia Lai giai đoạn 2013-2015 đã phát hiện có tình trạng đội giá trang thiết bị, từ 5,6 tỷ đồng kê lên 16,7 tỷ đồng. Để làm rõ sự việc nêu trên và kịp thời chấn chỉnh công tác quản lý đầu tư mua sắm và tăng cường hiệu quả đầu tư trang thiết bị y tế, Bộ Y tế (Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế) đề nghị Sở Y tế tỉnh Gia Lai rà soát, kiểm tra, đánh giá thực trạng của việc tổ chức đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế trên địa bàn tỉnh (từ khâu: xây dựng nhu cầu đầu tư, lập kế hoạch, xây dựng cấu hình, tính năng kỹ thuật các trang thiết bị y tế phù hợp với giá dự toán, ý kiến các chuyên gia hội đồng thẩm định và việc đề xuất trình phê duyệt kết quả đấu thầu). Làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tập thể và các bên liên quan tham gia công tác đấu thầu mua sắm, kịp thời chấn chỉnh, xử lý khi phát hiện sai phạm nếu có. Đồng thời báo cáo UBND tỉnh Gia Lai và Bộ Y tế về thực trạng công tác đầu tư mua sắm trang thiết bị y tế trên địa bàn tỉnh, nêu rõ những thuận lợi, khó khăn, đồng thời đề xuất các phương án giải quyết theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước.

Bộ Y tế cũng đề nghị Giám đốc Sở Y tế tỉnh Gia Lai khẩn trương triển khai ngay các nội dung đã nêu ở trên và sớm gửi báo cáo tới lãnh đạo UBND tỉnh và Bộ Y tế để xem xét giải quyết. (Sức khỏe đời sống, trang 3)

 

TP. Hồ Chí Minh: Xây nhà đậu xe thông minh tại 9 bệnh viện

Ngày 23-3, các nhà đầu tư đề xuất Sở Giao thông vận tải TP.HCM về đề án xây dựng nhà đậu xe cao tầng dạng lắp ghép tại 9 bệnh viện. Các nhà đầu tư đề xuất hai mô hình gồm: mô hình xây nhà đậu xe thông minh, chủ xe chỉ cần vào lấy thẻ điện tử, sau đó thiết bị xếp chỗ đậu và mô hình nhà đậu xe bán thông minh, chủ xe lấy thẻ điện tử và khi lên bãi đậu có hệ thống tự động chỉ chỗ trống đậu xe. (Nông thôn ngày nay, trang 2).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang