Hiểu rõ hơn về tái nhiễm Covid-19
Số ca mắc Covid-19 trong tuần gần đây theo báo cáo của Bộ Y tế có xu hướng giảm, số ca nặng, tử vong cũng theo chiều hướng này. Tuy nhiên, một vấn đề khiến nhiều người lo lắng là tái nhiễm bệnh chỉ sau thời gian ngắn.
Ðến nay, Tổ chức Y tế thế giới vẫn coi Covid-19 trong tình trạng đại dịch và lo ngại vì tiếp tục có các biến chủng không lường trước được của vi-rút SARS-CoV-2.
Ai cũng có thể tái nhiễm Covid-19
Thực tế cho thấy, đặc tính của vi-rút SARS-CoV-2 là liên tục xuất hiện các biến thể, từ đó có thể làm tăng nguy cơ tái nhiễm. Mặc dù chưa có thống kê chính thức về tỷ lệ cũng như số ca tái nhiễm Covid-19 hay tái dương tính, nhưng có không ít người sau một thời gian ngắn khỏi bệnh lại có kết quả dương tính SARS-CoV-2.
Tái nhiễm là trường hợp người bệnh đã khỏi Covid-19 nhưng sau đó nhiễm lại. Theo bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng (Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga, Bộ Quốc phòng), để chắc chắn khẳng định một ca bệnh là trường hợp tái nhiễm cần giải trình tự gen vi-rút. Nếu gen khác nhau, tức có thể có một thay đổi trên bộ gen hoặc là hai biến thể khác nhau, và nuôi cấy thấy vi-rút còn sống thì chắc chắn người này tái nhiễm. Ðiều này nhằm phân biệt với trường hợp tái dương tính - là tình trạng người mắc Covid-19 có thời gian mang vi-rút kéo dài. Thực tế, một số người có thể mang vi-rút kéo dài nhiều tuần. Những trường hợp này dù xét nghiệm dương tính nhưng đa số không còn khả năng gây lây truyền sau hai tuần nhiễm vi-rút.
Lý giải nguyên nhân vì sao một người đã tiêm vắc-xin hoặc đã mắc bệnh rồi vẫn bị mắc lại, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết đó là do mỗi người có khả năng đáp ứng miễn dịch khác nhau. Một số người sau khi nhiễm bệnh hoặc tiêm vắc-xin sẽ có miễn dịch bảo vệ khá lâu, trong khi một số người có thể nồng độ kháng thể bảo vệ sẽ sụt giảm nhanh dẫn đến khả năng tái nhiễm nhanh hơn. Ðặc biệt, trong trường hợp lần nhiễm sau do một biến thể có đặc tính kháng nguyên khác so với chủng trước nên kháng thể bảo vệ của lần nhiễm trước có hiệu quả bảo vệ thấp với chủng nhiễm sau.
TS Phạm Quang Thái, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương chia sẻ: Ðiều lạ ở vi-rút SARS-CoV-2 là khi tấn công vào cơ thể lần đầu tiên thì để lại miễn dịch không cao, đây là cơ sở cho nguy cơ tái nhiễm. SARS-CoV-2 biến đổi không ngừng, càng lây nhiễm nhiều thì tốc độ biến đổi càng nhanh và biến thể mới có thể né tránh được miễn dịch đã có trong cơ thể người bệnh. Do đó, ai cũng có khả năng tái nhiễm Covid-19, thậm chí tái nhiễm nhiều lần nếu không tuân thủ nguyên tắc phòng ngừa bệnh.
Trên thực tế, có những người lần một nhiễm biến thể Delta, lần hai nhiễm biến thể Omicron. Thậm chí có những trường hợp lần trước nhiễm biến thể Omicron BA.1 (phiên bản gốc), sau đó vẫn tái nhiễm Omicron BA.2 (được gọi là Omicron tàng hình). Tuy nhiên, những trường hợp này khá hiếm hơn so với việc nhiễm hai biến chủng khác nhau.
Tại cuộc họp báo chiều 21/3 của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Hồ Chí Minh, Chánh Văn phòng Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết, hầu như không ghi nhận bệnh nhân mắc biến thể Omicron và tái nhiễm biến thể phụ của Omicron trong thời gian ngắn. Những trường hợp tái nhiễm SARS-CoV-2 thời gian gần đây có thể do họ nhiễm biến thể Delta trước đó rồi dương tính trở lại với biến thể mới. Còn theo PGS, TS Ðỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng (Trường đại học Y dược thành phố Hồ Chí minh), những người chưa tiêm vắc-xin có nguy cơ tái nhiễm và di chứng cao hơn rất nhiều so với người đã được tiêm đủ vắc-xin.
Cách ly, điều trị ca bệnh tái nhiễm Covid-19 có khác biệt?
Thông thường, những trường hợp tái nhiễm sẽ có diễn biến lâm sàng nhẹ hơn so với người chưa được tiêm vắc-xin mà nhiễm bệnh lần đầu. Bác sĩ Phạm Thị Lệ Quyên, Trưởng khoa Thăm dò và phục hồi chức năng hô hấp (Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai) dẫn một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí New England Journal of Medicine trên những trường hợp tái nhiễm Covid-19 ở Qatar cho thấy trong số 1.304 trường hợp tái nhiễm, thời gian trung bình từ lần nhiễm bệnh đầu tiên đến khi tái nhiễm là 277 ngày (9 tháng); các trường hợp tái nhiễm giảm 90% nguy cơ phải nhập viện hoặc tử vong so với nhiễm lần đầu.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, vẫn có một tỷ lệ nhất định bệnh nhân tái nhiễm Covid-19 có thể có diễn biến nặng lên. Ðặc biệt, các vấn đề hậu Covid-19 có thể vẫn xuất hiện thêm sau mỗi lần tái nhiễm. Do vậy, việc điều trị sẽ căn cứ vào diễn biến bệnh cụ thể trên mỗi bệnh nhân; những người có diễn biến nhẹ chỉ cần bảo đảm vệ sinh, dinh dưỡng, điều trị các triệu chứng (nếu có). Người bệnh và người nhà cũng cần theo dõi các diễn biến khác để kịp thời liên hệ nhân viên y tế như sốt cao, không đáp ứng thuốc, khó thở, chỉ số SpO2 thấp. Những người có diễn biến nặng sẽ được điều trị theo cơ chế bệnh sinh của mỗi tổn thương và áp dụng các biện pháp hồi sức nếu bệnh nhân có tình trạng nguy kịch.
PGS, TS Ðỗ Văn Dũng cho biết, một lần tái nhiễm là một lần mắc bệnh mới, do đó, việc điều trị hay sử dụng thuốc phải cá thể hóa cho mỗi lần nhiễm, tùy thuộc vào tình trạng diễn biến thực tế của từng ca bệnh. Vậy nên khi bị tái nhiễm, người bệnh không nên sử dụng lại đơn thuốc cũ. Việc tái nhiễm Covid-19 trong thời gian gần (trong vòng 60 ngày) là hiếm và việc sử dụng Molnupiravir trong lần tái nhiễm tiếp theo là hoàn toàn có thể. Dùng thuốc này trong các lần tái nhiễm cách xa nhau không gây ảnh hưởng xấu tới cơ thể, tuy nhiên phải theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế, nhất là quy định không tự ý dùng thuốc kháng vi-rút.
Quy định của Bộ Y tế nêu rõ, Molnupiravir được sử dụng cho bệnh nhân Covid-19 từ 18 tuổi trở lên mức độ nhẹ đến trung bình và có ít nhất một yếu tố nguy cơ làm bệnh tiến triển nặng. Thuốc tuyệt đối không được khuyến cáo sử dụng cho phụ nữ có thai, cho con bú hay trẻ em dưới 18 tuổi. Molnupiravir cũng không được sử dụng quá 5 ngày liên tục kể từ khi khởi phát các triệu chứng hoặc có kết quả xét nghiệm dương tính. Do vậy, các bác sĩ khuyến cáo, sau 5 ngày sử dụng thuốc, kể cả người bệnh vẫn còn dương tính thì vẫn nên dừng dùng thuốc. Lúc này phần lớn vi-rút đã bị tiêu diệt, đồng thời cơ thể đã tạo ra được các kháng thể để tiêu diệt hoàn toàn vi-rút còn lại trong cơ thể. Ngoài ra, người bệnh không nên quá lo lắng hay tìm thêm những loại thuốc kháng vi-rút khác thay thế. Ðã có những nghiên cứu về việc sử dụng Molnupiravir nhưng vẫn dương tính với Covid-19 cho thấy những vi-rút khi được nuôi cấy lại đều không thể sống được, có nghĩa là thuốc đã tiêu diệt và ức chế sự phát triển của vi-rút và thứ còn sót lại đó chỉ là xác của chúng.
Bộ Y tế khuyến cáo, người khỏi bệnh vẫn có khả năng tái nhiễm, do vậy cần tiếp tục hoàn thành tiêm vắc-xin mũi 3; đồng thời triển khai các biện pháp quản lý, bảo vệ nhóm đối tượng nguy cơ cao; tăng cường năng lực cách ly, chăm sóc, điều trị quản lý người mắc Covid-19 tại nhà. Kể cả dù đã tiêm đủ ba mũi vắc-xin, người dân cũng không nên chủ quan, cần tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng lây nhiễm, nhất là đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, hạn chế đưa tay lên mắt, mũi, miệng, ngay cả khi đã khỏi bệnh. Mặt khác, ăn uống, sinh hoạt khoa học, ngủ đủ giấc, uống nhiều nước, thường xuyên tập luyện thể thao, là biện pháp hiệu quả để nâng cao sức đề kháng, phòng tái nhiễm. (Nhân dân, trang 5)
Gia hạn thanh tra mua sắm bộ xét nghiệm, vaccine Covid-19
Tại Công văn số 1782/VPCP-V.I, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã đồng ý với kiến nghị của Thanh tra Chính phủ về việc gia hạn thời gian thanh tra việc mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm, bộ xét nghiệm, vaccine, thuốc phòng, chống dịch Covid-19 tại thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Bộ Y tế.
Phó Thủ tướng yêu cầu Thanh tra Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thanh tra việc mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm, bộ xét nghiệm, vaccine, thuốc phòng, chống dịch Covid-19 trước ngày 15/5/2022.
Trước đó, tại hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ năm 2022 của ngành thanh tra diễn ra ngày 12/1/2022, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã yêu cầu Thanh tra Chính phủ tập trung triển khai thanh tra việc mua sắm trang thiết bị, sinh phẩm, bộ xét nghiệm phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 tại Bộ Y tế, thành phố Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Giữa tháng 1/2022, Thanh tra Chính phủ lần lượt công bố các quyết định thanh tra. Ngày 10/2/2022, tại Văn bản số 888/VPCP-V.I, Phó Thủ tướng chỉ đạo Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra việc mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm, bộ xét nghiệm, vaccine, thuốc phòng, chống dịch Covid-19 tại tại ba đơn vị trên; theo đúng kế hoạch thanh tra năm 2022 đã được phê duyệt... (Nhân dân, trang 5)
Vì sao đường Bệnh viện tỉnh Ðiện Biên đi Tà Lèng xuống cấp?
Tiếp nhận phản ánh về chất lượng đường Bệnh viện tỉnh Ðiện Biên đi ngã tư Tà Lèng (thuộc thành phố Ðiện Biên Phủ) xuống cấp nhanh chóng, chúng tôi vô cùng ngạc nhiên, vì đó là con đường mới được đầu tư, lại nằm ngay trung tâm thành phố.
Vậy nhưng, khi mục sở thị con đường ấy, chúng tôi càng ngạc nhiên hơn, bởi ngoài chất lượng, tiến độ thì cách thức triển khai dự án đầu tư con đường có rất nhiều điều "đặc biệt", khác thường!
Dự án đường ngã ba Bệnh viện tỉnh Ðiện Biên đến ngã tư Tà Lèng được Ủy ban nhân dân tỉnh Ðiện Biên phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định 1347/UBND-TÐC ngày 18/8/2010 từ nguồn vốn tái định cư Thủy điện Sơn La, nhằm hoàn thiện mạng lưới giao thông gắn kết giữa khu tái định cư Noong Bua với các khu vực khác trên địa bàn thành phố Ðiện Biên Phủ; đáp ứng nhu cầu đi lại của các hộ dân tái định cư Thủy điện Sơn La và nhân dân trong khu vực.
Triển khai các bước theo dự án, ngày 13/10/2011, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ðiện Biên Hoàng Văn Nhân ký, ban hành Quyết định số 1034/QÐ-UBND phê duyệt dự án đầu tư xây dựng đường từ ngã ba bệnh viện tỉnh đến ngã tư Tà Lèng, với tổng mức đầu tư dự án là 48,530 tỷ đồng để triển khai 2,406 km đường giao thông đô thị cấp III; thời gian hoàn thành đưa công trình vào sử dụng được ấn định trong giai đoạn 2011-2012; Ủy ban nhân dân thành phố Ðiện Biên Phủ được giao nhiệm vụ chủ đầu tư dự án. Hơn một năm sau, ngày 18/1/2013 vẫn dự án này, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ðiện Biên Hoàng Văn Nhân ký, ban hành Quyết định số 36/QÐ-UBND điều chỉnh, bổ sung dự án đường Bệnh viện tỉnh Ðiện Biên-Tà Lèng, với nội dung cụ thể, gồm: bổ sung 42,645 tỷ đồng để triển khai thêm 536 m đường (từ nút T21 đi trung tâm xã Tà Lèng). Sau điều chỉnh, toàn tuyến đường Bệnh viện tỉnh Ðiện Biên-Tà Lèng có chiều dài 2,942 km và tổng vốn đầu tư trên 91,175 tỷ đồng; thời gian thực hiện được lùi đến năm 2013.
Vậy nhưng gần 2 năm sau ngày ban hành Quyết định số 36, ông Hoàng Văn Nhân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ðiện Biên tiếp tục ký, ban hành Quyết định số 907/QÐ-UBND ngày 25/11/2014 điều chỉnh, bổ sung dự án đường Bệnh viện tỉnh Ðiện Biên-Tà Lèng. Theo Quyết định 907, con đường Bệnh viện tỉnh Ðiện Biên-Tà Lèng được bổ sung thêm đoạn tuyến từ đường Võ Nguyên Giáp đến nút N2 (điểm đầu tiên trong dự án) với chiều dài 1.406,9 m, tiêu chuẩn đường giao thông đô thị (tương đương cấp IV); tổng kinh phí bổ sung cho đoạn tuyến là 50 tỷ đồng.
Sau hai lần được điều chỉnh, bổ sung, đường Bệnh viện tỉnh Ðiện Biên-Tà Lèng có tổng chiều dài 4,348 km và tổng kinh phí đầu tư lên tới 141,175 tỷ đồng; thời hạn hoàn thành được kéo dài đến năm 2015. Ngày cuối cùng của năm 2015, Ủy ban nhân dân tỉnh Ðiện Biên đã ký, ban hành Quyết định số 1579/QÐ-UBND, phê duyệt tổng mức đầu tư đường Bệnh viện tỉnh Ðiện Biên-Tà Lèng, nhưng lần phê duyệt này tổng mức đầu tư hơn 161,9 tỷ đồng chứ không phải 141 tỷ đồng như trước. Tính chi ly, 1 km trong dự án đường Bệnh viện tỉnh Ðiện Biên-Tà Lèng được đầu tư hơn 37 tỷ đồng.
Nhìn vào con số tổng mức đầu tư được phê duyệt, bổ sung thì bất kể người dân nào cũng dễ dàng nhận thấy, dự án đường Bệnh viện tỉnh Ðiện Biên-Tà Lèng nhận được sự quan tâm đặc biệt của chính quyền, nhân dân địa phương với mong muốn dự án sớm hoàn thành phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân khu tái định cư Noong Bua và người dân các khu lân cận. Song tiếc là tại thời điểm này (tháng 3/2022), tức là đã quá hạn hoàn thành 7 năm, con đường ấy vẫn chưa hoàn thành toàn bộ; với những đoạn hoàn thành, đã được chủ đầu tư nghiệm thu đưa vào sử dụng thì xuống cấp trầm trọng; thậm chí đoạn trước Cục Thuế tỉnh qua bản Phiêng Bua còn không có dấu tích con đường mới được đầu tư. Nền đất lồi lõm, ổ voi, ổ gà; không rãnh thoát nước, không vỉa hè và không cả hành lang. Trên đoạn đường ấy, ngày nắng bụi mù; ngày mưa thì nước ngập gần 1m, như lòng... ao!
Trao đổi về quá trình triển khai dự án đường Bệnh viện tỉnh Ðiện Biên-Tà Lèng, ông Nguyễn Viết Sáng, Giám đốc Ban Quản lý Dự án thành phố Ðiện Biên Phủ cho biết: Ðoạn tuyến từ nút N20 đến trung tâm xã Tà Lèng dài 2,942 km được khởi công tháng 1/2012, đã hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng từ tháng 2/2015; Ủy ban nhân dân tỉnh Ðiện Biên mới phê duyệt quyết toán đoạn tuyến này ngày 15/1/2021. Riêng đoạn tuyến từ đường Võ Nguyên Giáp đến nút N2 được khởi công tháng 8/2015, đến nay cơ bản hoàn thành 95%; còn 50 m mặt đường chưa giải phóng được mặt bằng cho nên nhà thầu chưa thể thi công, chủ đầu tư chưa thể hoàn thiện hồ sơ bàn giao đưa vào sử dụng.
Về hiện trạng con đường đoạn trước Cục Thuế tỉnh được ông Sáng giải thích rằng, hoàn toàn do khách quan chứ không phải chất lượng thi công. "Trước đây làm đường mà chưa có quy hoạch đường 60 m, trung tâm hành chính và dự án hạ tầng kỹ thuật khung cho nên cốt đường thấp hơn các khu dân cư. Ngoài nguyên nhân đó còn do xe chở vật liệu, xe thi công các dự án làm con đường nhanh xuống cấp như thế..."-ông Sáng khẳng định!
Hỏi thêm ông Sáng về biện pháp khắc phục thực trạng con đường, chúng tôi mới biết có một dự án mới được Ủy ban nhân dân tỉnh Ðiện Biên phê duyệt với tổng mức đầu tư 25 tỷ đồng mang tên gọi: Dự án cải tạo, nâng cấp đường từ ngã ba Bệnh viện tỉnh đến ngã tư Tà Lèng (đoạn từ nút N20 đến trung tâm xã Tà Lèng). Theo đó, với nguồn kinh phí trên đoạn tuyến từ nút N20 đến trung tâm xã Tà Lèng sẽ được xử lý kết cấu móng, mặt đường, bù vênh; sửa chữa thay thế hệ thống thoát nước, bó vỉa, rãnh đan đã bị hư hỏng…
Với sự ưu tiên đầu tư này, đường Bệnh viện tỉnh Ðiện Biên-Tà Lèng là tuyến đường ngắn nhất, được quan tâm đặc biệt nhất bởi ngay cả khi dự án đường Bệnh viện Ðiện Biên-Tà Lèng chưa hoàn thành, chưa hoàn thành quyết toán tổng thể đã được đầu tư sửa chữa bằng một dự án mới với số vốn đầu tư không hề nhỏ từ nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương do cấp tỉnh quản lý. Ðiều đáng nói, trước khi quyết định phê duyệt dự án cải tạo, nâng cấp đường Bệnh viện tỉnh Ðiện Biên-Tà Lèng, Ủy ban nhân dân tỉnh Ðiện Biên không yêu cầu chủ đầu tư kiểm tra, làm rõ chất lượng đường Bệnh viện tỉnh Ðiện Biên-Tà Lèng để trả lời phản ánh, kiến nghị của nhân dân địa phương.
Ngay cả Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Ðiện Biên-mái nhà chung của cộng đồng doanh nghiệp địa phương, nhiều lần phản ánh trực tiếp, kiến nghị bằng văn bản gửi Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị làm rõ chất lượng đường Bệnh viện tỉnh Ðiện Biên-Tà Lèng suốt mấy năm qua mà... đợi mãi chưa lần nào nhận được hồi đáp...?
Hiện tại, nhân dân địa phương, cộng đồng doanh nghiệp Ðiện Biên vẫn đang đợi câu trả lời thỏa đáng...? (Nhân dân, trang 8)
Vẫn chưa có vắc xin tiêm cho trẻ 5-11 tuổi
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết Bộ Y tế sẽ tính toán lại lượng vắc xin phòng COVID-19 cần mua dùng tiêm cho trẻ 5-11 tuổi nhằm đảm bảo không thừa, không thiếu vắc xin.
Lí giải về nguyên nhân chậm mua vắc xin tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, từ đầu tháng 12 năm ngoái Bộ đã xây dựng kế hoạch và trình Chính phủ ban hành nghị quyết mua vắc xin cho trẻ 5-11 tuổi. Khi đó, theo thống kê của các tỉnh số lượng trẻ 5-11 tuổi ở nước ta là khoảng 11,8 triệu, tương ứng cần khoảng 21,9 triệu liều vắc xin (tính theo tỉ lệ tiêm chủng thông thường đạt 95%, tiêm 2 mũi).
“Thời điểm đó, chúng ta đang trong quá trình đàm phán và vắc xin của Pfizer chưa được cấp phép. Đến nay vắc xin đã được cấp phép, song diễn biến dịch có sự khác biệt, cụ thể số trẻ mắc COVID-19 tăng lên. Bên cạnh đó, có một số tổ chức muốn hỗ trợ vắc xin cho Việt Nam song lại chưa khẳng định về số lượng và thời gian. Gần đây nhất, ngày 18/3, phía Úc cũng muốn hỗ trợ khoảng hơn 9 triệu liều vắc xin cho trẻ, trong đó chủ yếu là Moderna”, Thứ trưởng nói.
Ông cho biết thêm, vắc xin tiêm cho trẻ 5-11 tuổi khác vắc xin tiêm cho đối tượng từ 12 tuổi trở lên, đó là chỉ tiêm được cho trẻ 5-11 tuổi, không tiêm được cho đối tượng khác.
“Đây là điểm khó, nếu tính toán không kĩ thì có thể thừa hoặc thiếu vắc xin. Thủ tướng đã giao cho Bộ Y tế không được để thừa, không được để thiếu, đây là cái khó", Thứ trưởng Tuyên nói. Đồng thời cho biết đó cũng là nguyên nhân khiến thời gian qua có sự chậm trễ trong việc mua vắc xin cho trẻ 5-11 tuổi. “Bộ Y tế cũng đã bị phê bình vì để chậm. Bộ đang yêu cầu các bên liên quan kiểm điểm để xem nguyên nhân chậm do đâu, khách quan hay chủ quan để báo cáo Thủ tướng”, lãnh đạo Bộ Y tế thông tin.
“Nếu được các tổ chức tài trợ, không phải mua nhiều thì chúng ta sẽ tiết kiệm được không biết bao nhiêu triệu đôla. Trong khi đã đặt cọc mua thì không được chuyển nhượng, tặng hay bán. Đấy là điểm khó khăn. Bộ sẽ làm việc với các đơn vị tính toán lại để báo cáo về vấn đề vắc xin cho trẻ 5-11 tuổi, cố gắng cuối tháng này trình Thủ tướng”, Thứ trưởng Tuyên cho biết thêm.
Ông Tuyên cũng nhấn mạnh người dân không nên chủ quan, không vì độ bao phủ vắc xin cao mà không thực hiện các biện pháp phòng chống dịch khác.
Với sự xuất hiện của biến chủng Omicron, có thể xuất hiện biến chủng mới, vì thế đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục nỗ lực lớn hơn trong công tác phòng chống dịch. Việt Nam hiện nằm trong nhóm top 10 thế giới và đứng thứ 6 châu Á về tốc độ bao phủ vắc xin phòng COVID-19. Đến nay, Việt Nam đã tiêm xong mũi 1, 2; mũi 3 đạt 45% ở người từ 18 tuổi trở lên, đồng thời cũng chuẩn bị tiêm vắc xin cho trẻ 5-11 tuổi. (Tiền phong, trang 2)
Dọn ''rác'' Covid-19 trên internet
Thời gian qua, tình trạng thổi phồng tác dụng của các loại thực phẩm chức năng, thuốc, thiết bị hỗ trợ điều trị Covid-19 xuất hiện ngày càng nhiều trên internet, mạng xã hội. Với quyết tâm dọn "rác Covid-19" trên internet, Bộ Công Thương đã yêu cầu các sàn thương mại điện tử, website thương mại điện tử rà soát, gỡ bỏ 13.796 sản phẩm hỗ trợ điều trị Covid-19 có dấu hiệu vi phạm trên 4.216 gian hàng; tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trên không gian mạng...
Giao dịch sôi động
Theo khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới, hiện có rất nhiều cá nhân, đơn vị kinh doanh lén lút hoặc công khai đăng bán sản phẩm là thực phẩm chức năng, kit test Covid-19, thiết bị đo nồng độ ô xy trong máu (SPO2)… trên mạng xã hội và các sàn giao dịch điện tử. Gõ vào Google từ khóa mua kit test Covid-19, ngay lập tức hiện ra hàng loạt sản phẩm được rao bán có xuất xứ Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ… Rất nhiều trong số đó là những sản phẩm chưa được cấp phép lưu hành.
Tại nhóm Facebook “Chợ thuốc Hapulico (530)”, sản phẩm kit test Covid-19 Vũ Hán, Genbody Covid-19 Ag, Biocredit… cũng được rao bán buôn, lẻ...
Chị Trần Trang Nhung (ở phố Kiều Mai, quận Bắc Từ Liêm) cho biết, thông qua nhóm Zalo chị tìm hiểu được biết có nhiều tài khoản đăng rao bán các thực phẩm chức năng bảo vệ sức khỏe như viên uống bổ phổi của Nhật Bản, đông trùng hạ thảo dạng viên và nước. Người bán quảng cáo đó là những sản phẩm hỗ trợ điều trị Covid-19, đặc biệt tốt cho người đã khỏi bệnh.
Tương tự, các loại máy đo SPO2 giá rẻ 30.000-50.000 đồng/máy cũng được bán với số lượng lớn trên mạng xã hội. Cụ thể, tài khoản Facebook tên Hà Thu bán máy đo SPO2 Jumper giá trên 30.000 đồng/máy. Anh Trần Văn Dương (ở phố Đội Cấn, quận Ba Đình) cho biết, do gia đình có người bị mắc Covid-19 nên anh tìm mua máy đo SPO2 trong nhóm Facebook “Mua bán máy đo SPO2” thì có hàng chục loại máy với giá từ 100.000 đồng đến 600.000 đồng/máy được bán rộng rãi mà không rõ chất lượng ra sao.
Theo Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội, lợi dụng tình hình dịch bệnh phức tạp, một số đối tượng đã quảng cáo, rao bán các loại thuốc điều trị Covid-19 và quảng cáo trên các trang thương mại điện tử cũng như các nền tảng tiếp thị online tự động dẫn đến tình trạng không kiểm soát được chất lượng cũng như nguồn gốc hàng hóa. Từ đầu năm 2022 đến ngày 18-3, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra và thu giữ 6.365 hộp thuốc điều trị Covid-19, 118.285 que test nhanh Covid-19, 140 máy đo SPO2 là hàng hóa nhập lậu, không niêm yết giá tại nhà thuốc, vi phạm về nhãn hàng hóa.
Thượng úy Đoàn Ngọc Tú (Đội Cảnh sát kinh tế, Công an quận Hai Bà Trưng) cho biết, đầu tháng 3-2022, Công an quận Hai Bà Trưng đã liên tiếp phát hiện và thu giữ 4 vụ mua bán, vận chuyển kit test nhanh Covid-19 và hàng trăm hộp thuốc Liên Hoa Thanh Ôn (được giới thiệu là thuốc điều trị Covid-19) không có hóa đơn, chứng từ. Các đối tượng chủ yếu gom mua hàng trôi nổi trên internet và rao bán qua các trang Zalo, Facebook.
Kiểm tra, xử lý nghiêm
Trước thực tế này, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên cho biết, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường tập trung kiểm tra, kiểm soát đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc, trang thiết bị y tế, thương mại điện tử, sử dụng ứng dụng công nghệ số để kinh doanh (mạng xã hội Facebook, Zalo), không để các đối tượng xấu lợi dụng dịch bệnh trục lợi. Bên cạnh đó, Cục yêu cầu các đơn vị vận động doanh nghiệp, hộ kinh doanh ký cam kết không buôn bán hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Tại phiên họp thứ chín, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, trong đó có nội dung liên quan đến vấn đề này. Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, thời gian tới, lực lượng quản lý thị trường tổ chức thực hiện trên toàn quốc kế hoạch đấu tranh phòng, chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 2021-2025. Các đơn vị thực hiện chia theo từng nhóm mặt hàng để rà soát đối tượng, phương thức hoạt động, lập phương án kiểm tra, xử lý vi phạm.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho biết, hành vi bán thuốc điều trị Covid-19 không rõ nguồn gốc xuất xứ sẽ bị xử lý theo các quy định tại Điều 17 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26-8-2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Điều 59 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28-9-2020 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế. Trong trường hợp cơ quan chức năng xác minh, thu thập đầy đủ tài liệu, chứng cứ, đối tượng vi phạm có thể bị xử lý hình sự.
Mong rằng các cơ quan chức năng quyết liệt kiểm tra và phối hợp cùng lực lượng công an để xử lý nghiêm hành vi vi phạm nêu trên. (Hà Nội mới, trang 6)
Ngày thứ 12 liên tiếp, Hà Nội có số mắc Covid-19 giảm
Theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, tính từ 18h ngày 22-3 đến 18h ngày 23-3, trên địa bàn thành phố ghi nhận 13.005 ca Covid-19, trong đó có 4.447 ca cộng đồng và 8.558 ca đã cách ly. Đây là ngày thứ 12 liên tiếp, số ca mắc trong ngày ở Hà Nội giảm. So với mốc 32.650 ca thiết lập ngày 8-3, số ca mắc ở Thủ đô đã giảm 19.645 ca.
Cụ thể, 13.005 bệnh nhân phân bố tại 401 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã.
Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày, như: Hà Đông (1.181); Đông Anh (1.036); Long Biên (729); Hoàng Mai (631); Mê Linh (625).
Như vậy, cộng dồn số mắc tại Hà Nội, tính từ ngày 29-4-2021 cho đến nay là 1.218.279 ca.
Cũng theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, tính đến hết ngày 22-3, Hà Nội có 297.023 F0 đang điều trị, theo dõi, giảm 21.820 người so với ngày 21-3.
Trong đó, 249 ca điều trị tại khu cách ly; 2.453 ca đang điều trị tại bệnh viện (chiếm 0,82% tổng số ca đang điều trị, theo dõi); số còn lại 294.321 ca đang điều trị, theo dõi tại nhà (chiếm 99%). Ngoài ra, tổng số lượt bệnh nhân điều trị khỏi là 1.488.985.
Ngày 22-3, Hà Nội ghi nhận 4 ca tử vong. Như vậy, tổng số ca tử vong do Covid-19 (từ ngày 27-4-2021 đến nay) là 1.309 người.
Về công tác tiêm chủng, tính đến hết ngày 22-3, Hà Nội có 82,2% số người từ 18 tuổi trở lên đã được tiêm mũi nhắc lại vắc xin phòng Covid-19. Bên cạnh đó, gần 100% người cần tiêm mũi bổ sung đã được tiêm chủng. (Hà Nội mới, trang 7)
Việt Nam nhận viện trợ thuốc điều trị bệnh máu chậm đông trị giá trên 160 tỷ đồng
Theo thông tin từ Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, năm 2022, Liên đoàn Hemophilia thế giới tiếp tục viện trợ cho Việt Nam 5.670 lọ thuốc Emicizumab để điều trị hemophilia (là một bệnh liên quan đến nhiễm sắc thể, dẫn tới làm máu chậm đông) với tổng giá trị trên 161 tỷ đồng.
Emicizumab là thuốc mới được nghiên cứu thành công và đưa vào sử dụng, có hiệu quả mang tính đột phá, làm thay đổi cơ bản cuộc sống của người bệnh hemophilia. Tuy nhiên, giá thành của Emicizumab rất cao, một người bệnh nặng 50kg cần khoảng 4 tỷ đồng mỗi năm để được sử dụng thuốc.
Theo Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, một người bệnh hemophilia thể nặng trung bình có thể bị chảy máu trên 40 lần/năm. Phần lớn người bệnh hemophilia tại Việt Nam chỉ được điều trị sau khi đã chảy máu phải nhập viện. Điều này khiến người bệnh chịu nhiều đau đớn, nguy cơ biến chứng cao và ảnh hưởng rất lớn tới cuộc sống của cả người bệnh và gia đình. (Sài Gòn giải phóng, trang 1)
Chuyên gia chỉ cách cải thiện các triệu chứng COVID-19 kéo dài
Tình trạng COVID-19 kéo dài có thể gây ra các vấn đề cho người bệnh như trầm cảm và tiểu đường do viêm nhiễm và căng thẳng. Các nhà nghiên cứu đưa ra cách cải thiện các triệu chứng này.
Dựa trên các bằng chứng có sẵn, các nhà nghiên cứu nói rằng tập thể dục có thể giúp cơ thể thúc đẩy tâm trạng, cải thiện độ nhạy insulin và giảm viêm. Thông tin này đã được công bố trên Tạp chí Khoa học Thể dục và Thể thao.
Trong khi nghiên cứu về các triệu chứng COVID-19 kéo dài đang được tiến hành, các bằng chứng hiện tại cho thấy tình trạng viêm do nhiễm trùng có thể gây ra một loạt các tác dụng phụ ở một số người, chẳng hạn như sức khỏe tâm thần tồi tệ hơn và mức insulin bị gián đoạn gây ảnh hưởng đến lượng đường trong máu.
Theo Tiến sĩ Candida Rebello, tác giả chính của nghiên cứu trên và nhà khoa học tại Trung tâm Nghiên cứu Y sinh Pennington (Mỹ), điều này có thể tạo ra một "vòng luẩn quẩn" dẫn đến các vấn đề về rối loạn chức năng tế bào.
Tiến sĩ Rebello và các nhà nghiên cứu khác của Pennington đã xem xét nghiên cứu hiện có và phát hiện ra rằng tập thể dục đã được chứng minh là giúp giảm bớt nguyên nhân gốc rễ của chứng trầm cảm và lo lắng liên quan đến COVID-19, có khả năng làm gián đoạn chu kỳ gây hại.
"Tập thể dục giải quyết được tình trạng căng thẳng, phản ứng miễn dịch, viêm nhiễm và độ nhạy insulin" – tiến sĩ Rebello nói.
Ngay cả những bài tập thể dục với cường độ thấp hơn như đi bộ cũng có thể giúp giảm bớt căng thẳng và phục hồi độ nhạy insulin, đồng thời có thể ngăn ngừa hoặc giảm các biến chứng như trầm cảm và tiểu đường, các nhà nghiên cứu cho hay.
Bất kỳ bài tập nào cũng có thể hữu ích, nhưng hoạt động thể dục nhịp điệu vừa phải có thể là tốt nhất
Theo tiến sĩ Rebello, tập thể dục nhịp điệu hoặc nâng tạ đều có lợi cho sức khỏe và có thể giúp cải thiện các triệu chứng như căng thẳng và viêm nhiễm liên quan đến tình trạng COVID-19 kéo dài.
Tuy nhiên, tập thể dục nhịp điệu có thể cải thiện độ nhạy insulin, vì vậy chạy, đi xe đạp hoặc đi bộ có thể hữu ích hơn để điều trị bệnh tiểu đường.
Thể dục nhịp điệu vừa phải 30 phút mỗi ngày – thông tin này được đưa ra dựa trên các khuyến nghị chung hiện tại và những gì các nghiên cứu đã chỉ ra là có lợi.
"Nếu bạn cảm thấy mệt mỏi, hãy bắt đầu từ từ và tăng dần. Không quan trọng bạn bắt đầu từ đâu, miễn là bạn vận động cơ thể" – tiến sĩ Rebello nói.
Nghiên cứu trước đây cho thấy tình trạng COVID-19 kéo dài có thể gây ra mệt mỏi và suy nhược bằng cách làm hỏng ty lạp thể cung cấp năng lượng cho các tế bào cơ thể, tập thể dục vừa phải có thể giúp tăng cường các ty lạp thể chống lại bệnh tật. (Sức khỏe & Đời sống, trang 1)
Chuyển sang kiểm soát ca nhập viện có nguy cơ cao, rất cao và tử vong do COVID-19
Chuyển từ mục tiêu kiểm soát số ca mắc sang kiểm soát số ca nhập viện có nguy cơ cao, rất cao và tử vong; Định hướng căn cứ tình hình dịch bệnh chuyển biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B...
Đây là 2 trong số 6 điểm mới của Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 được đại diện Bộ Y tế thông tin tại giao ban báo chí.
Theo đó, căn cứ ý kiến chỉ đạo, góp ý, Bộ Y tế đã xây dựng, trình Chính phủ ban hành nghị quyết số 38/BQ-CP ban hành Chương trình phòng chống dịch COVID-19.
Mục tiêu tổng quát của chương trình là đảm bảo kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, kiểm soát tốc độ lây lan trong cộng đồng, bảo vệ tối đa sức khỏe tính mạng của người dân. Hạn chế đến mức thấp nhất các ca bệnh nặng, tử vong do COVID-19 và khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội.
Các mục tiêu cụ thể là:
-Bảo đảm đạt tỷ lệ bao phủ vaccine phòng COVID-19
-Kiểm soát sự lây lan của dịch COVID-19
-Nâng cao năng lực hệ thống y tế, đặc biệt là y tế dự phòng và y tế cơ sở; tăng cường đầu tư trang thiết bị cơ sở y tế, có các chế độ chính sách đãi ngộ phù hợp với những người làm nhiệm vụ y tế dự phòng, y tế cơ sở; tăng cường chất lượng cấp cứu và hồi sức tích cực ở cơ sở khám bệnh, chữa bệnh các tuyến
-Bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương bởi dịch COVID-19
-Bảo đảm thông tin, truyền thông phục vụ công tác phòng, chống dịch
-Bảo đảm vừa phòng, chống dịch vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và ổn định đời sống của nhân dân
-Chương trình được thực hiện trong thời gian 2 năm 2022 - 2023. Trường hợp dịch bệnh kết thúc sớm hơn hoặc kéo dài sang năm 2024, Bộ Y tế báo cáo Chính phủ xem xét việc tiếp tục thực hiện Chương trình này hoặc sửa đổi, bổ sung kịp thời, phù hợp với tình hình dịch bệnh.
Chương trình có 11 điểm mới là:
-Chuyển từ mục tiêu kiểm soát số ca mắc sang kiểm soát số ca nhập viện có nguy cơ cao, rất cao và tử vong; giảm tỷ lệ tử vong do COVID-19/1 triệu dân xuống mức thấp hơn mức trung bình của Châu Á.
-Định hướng căn cứ tình hình dịch bệnh chuyển biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B;
-Xác định tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 là tiêm chủng vaccine toàn dân, miễn phí; giao Bộ Y tế xây dựng cơ chế xã hội hóa thuốc, vaccine trình cấp có thẩm quyền quyết định.
-Đưa ra các định hướng, giải pháp đáp ứng cho mọi tình huống dịch kể cả khi dịch bùng phát mạnh, trên diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống y tế và tình huống có biến chủng mới nguy hiểm hơn.
-Xác định chiến lược giám sát, phát hiện các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch trong từng giai đoạn.
-Xác định các nhiệm vụ, giải pháp toàn diện về phòng, chống dịch bao gồm lãnh đạo, chỉ đạo; y tế; an ninh, trật tự, an toàn xã hội; an sinh xã hội; tài chính, hậu cần; bảo đảm vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội và ổn định đời sống của người dân; vận động và huy động xã hội; truyền thông, công nghệ thông tin; hợp tác quốc tế; nghiên cứu khoa học; triển khai các kịch bản theo tình huống dịch COVID-19.
-Quy định việc ứng dụng cơ sở dữ liệu dân cư vào công tác phòng, chống dịch COVID-19.
-Quy định thành lập Quỹ phòng, chống dịch COVID-19 trên cơ sở Quỹ vắc xin phòng COVID-19.
-Định hướng nâng cao năng lực của y tế dự phòng, y tế cơ sở, trong đó bao gồm việc áp dụng mức phụ cấp 100% đối với cán bộ y tế dự phòng, y tế cơ sở.
-Quy định việc huy động cơ sở y tế ngoài công lập tham gia phòng, chống dịch.
-Quy định rút gọn, đơn giản hóa hồ sơ chứng từ thanh toán; bãi bỏ các rào cản, chồng chéo, vướng mắc, bất cập hiện hành về chính sách thanh toán chi phí y tế cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trong bối cảnh dịch COVID-19. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3)
Nhân ngày thế giới chống bệnh lao (24/3): Đẩy mạnh cuộc chiến chống bệnh lao
Lao vẫn là một trong những căn bệnh truyền nhiễm gây tử vong cao trên thế giới. Mỗi ngày, có hơn 4.100 người tử vong vì bệnh lao và gần 28.000 người mắc. Kể từ năm 2000, với những nỗ lực toàn cầu nhằm chống lại bệnh lao, ước tính khoảng 66 triệu người đã được chữa khỏi.
Theo báo cáo năm 2021 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mặc dù đã đạt được một số thành tựu đáng kể trong công tác chống lao trong thời gian qua, bệnh lao vẫn đang tiếp tục là một trong các vấn đề sức khoẻ cộng đồng chính trên toàn cầu. Đại dịch COVID-19 đã đảo ngược nhiều năm (5-8 năm) tiến bộ trong việc cung cấp các dịch vụ lao thiết yếu và giảm gánh nặng bệnh lao trên toàn cầu. Các mục tiêu phòng, chống lao toàn cầu đến năm 2020 hầu hết đều chưa đạt được, mặc dù cũng có một số quốc gia và khu vực vẫn đạt được những thành công nhất định.
Theo PGS, TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình Chống lao quốc gia, chủ đề của Ngày Thế giới phòng, chống lao năm 2022 trên toàn cầu là "Invest to end TB. Save lives" (Tập trung nguồn lực, chấm dứt bệnh lao, cứu sống triệu người). Chủ đề nhấn mạnh về việc đưa ra nhu cầu cấp thiết hiện nay là cần đầu tư, kêu gọi, tập trung mọi nguồn lực nhằm đẩy mạnh cuộc chiến chống bệnh lao, đạt được các cam kết chấm dứt bệnh lao do các nhà lãnh đạo toàn cầu đưa ra và mục tiêu nhân văn nhất là cứu sống hàng triệu người trên thế giới không đáng phải chết vì bệnh lao. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh đại dịch COVID-19 khiến tiến trình đạt được cam kết trong giai đoạn cuối bị ảnh hưởng.
Chủ đề Ngày Thế giới phòng, chống lao năm 2022 của Việt Nam là "Giảm thiểu tác động của COVID-19 - Tập trung nguồn lực - Tăng cường phát hiện bệnh lao". Trước những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đến tiến trình thanh toán bệnh lao vào năm 2030, chủ đề trên nhấn mạnh năm 2022 sẽ là thời gian giảm thiểu những tác động, thích ứng an toàn với dịch bệnh trong bối cảnh mới, đặc biệt là tập trung, huy động mọi nguồn lực cho công tác phòng, chống lao, trong đó tăng cường, chủ động sàng lọc, phát hiện sớm bệnh lao là một bước đi điển hình, đột phá có ý nghĩa vô cùng thiết thực trong bối cảnh hiện nay.
Kể từ khi được công bố là "đại dịch toàn cầu" bởi WHO vào cuối tháng 1/2020, virus SARS-CoV-2 đã có tác động tiêu cực lớn đến sự phát triển của toàn xã hội, không chỉ Việt Nam mà trên toàn thế giới. Do vừa phải đảm bảo công tác khám bệnh, chữa bệnh thường xuyên, vừa đảm nhiệm công tác phòng, chống dịch COVID-19 (giám sát dịch, hỗ trợ các tuyến, cách ly người nhiễm và nghi nhiễm, điều trị người nhiễm, hỗ trợ các tuyến trong phòng, chống dịch…) nên rất nhiều cơ sở y tế xuất hiện tình trạng quá tải kéo dài. Các cơ sở y tế, các đơn vị chống lao trên toàn quốc đương nhiên không nằm ngoài tác động chung đối với toàn ngành Y tế.
Văn phòng Ủy ban Quốc gia về chấm dứt bệnh lao, Chương trình Chống lao quốc gia đã có công văn yêu cầu các địa phương củng cố hệ thống y tế phòng, chống lao tại tất cả các tuyến (tỉnh, huyện, xã) song song với kế hoạch ứng phó với dịch COVID-19, đặc biệt là tuyệt đối không chuyển đổi công năng điều trị COVID-19 vượt quá 50% số giường điều trị của các bệnh viện chuyên khoa.
Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, là một trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới. Hơn 172.000 người đã mắc bệnh và 10.400 người chết vì bệnh lao (báo cáo của WHO năm 2020). Trong đó, 63% bệnh nhân lao thường, 98% bệnh nhân lao kháng thuốc và gia đình đối mặt với những chi phí thảm họa - nghĩa là chi phí cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh lao vượt quá 20% thu nhập hàng năm của cả hộ gia đình. 70% người mắc lao ở trong độ tuổi lao động. Vì vậy, lao thực sự là một vấn đề ảnh hưởng đến kinh tế từng gia đình nói riêng và đất nước nói chung.
COVID-19 và lao đều là hai căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây lan qua không khí, ảnh hưởng đến sức khỏe con người nhưng bệnh lao vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Bệnh lao là kẻ giết người thầm lặng. Không ai bị mắc lao mà tử vong ngay, bệnh thường kéo dài âm thầm và phát hiện muộn. Từ khi phát bệnh đến khi tử vong thì đã lây sang rất nhiều người khác. Vì vậy, phát hiện sớm, chủ động truy vết không những cứu sống cho người bệnh mà còn giảm nhanh nguồn lây lan cho cộng đồng và giảm nhanh dịch tễ bệnh lao. (Công an Nhân dân, trang 2).