Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 24/6/2017

  • |
T5g.org.vn - 40 bệnh viện đầu tiên thực hiện liên thông xét nghiệm; Bác sĩ tình nguyện về... huyện nghèo cũng khó!; Tiếp tục tạm đình chỉ công tác Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình; Quyền lợi người hưởng BHYT tăng từ 1/7; ...

 

Tiếp tục tạm đình chỉ công tác Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình

Ngày 23-6, Sở Y tế tỉnh Hòa Bình ra quyết định tạm đình chỉ công tác lần thứ hai đối với ông Trương Quý Dương - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình - để tiếp tục phối hợp với cơ quan điều tra làm rõ nguyên nhân dẫn đến vụ tai biến y khoa nghiêm trọng khiến 8 người tử vong trong khi chạy thận.

Trước đó, ngày 8-6, Sở Y tế tỉnh Hòa Bình đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác 15 ngày đối với ông Trương Quý Dương để phục vụ việc kiểm điểm, giải trình và phối hợp với các cơ quan liên quan làm rõ vụ tai biến y khoa nghiêm trọng nêu trên. Tuy nhiên, đến nay, sự việc vẫn chưa có kết luận của cơ quan điều tra. Chính vì vậy, Sở Y tế tỉnh Hòa Bình tiếp tục ra quyết định tạm đình chỉ công tác thêm 15 ngày đối với ông Trương Quý Dương. Ngoài ra, Sở Y tế tỉnh Hòa Bình đã quyết định giao cho ông Quách Thiên Tường, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình tiếp tục phụ trách bệnh viện cho đến khi có thông báo mới.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới vào chiều 23-6, ông Hoàng Đình Khiếu, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình cho biết: Bệnh viện chuẩn bị tiếp nhận thêm 10-15 máy chạy thận. Trong thời gian chuẩn bị lắp đặt thiết bị, bệnh viện sẽ tổ chức phổ biến thêm cho các kỹ sư, kỹ thuật viên về quy trình chạy thận. Đối với các cán bộ, bác sĩ, nhân viên tại Khoa Thận nhân tạo đã được đào tạo, bệnh viện có kế hoạch gửi về Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Thận Hà Nội để đào tạo lại.  (Hà Nội mới, trang 7)

 

Quyền lợi người hưởng BHYT tăng từ 1/7

Từ ngày 1/7 tới đây, lương cơ bản tăng lên 7,4%, mức đóng bảo hiểm y tế (BHYT) theo mức lương cơ bản đồng nghĩa với mức hưởng BHYT trong nhiều trường hợp cũng được điều chỉnh cho phù hợp với quy định mới. Theo quy định tại Nghị định 47/2017/NĐ-CP sẽ có hiệu lực từ 1/7/2017, mức lương cơ sở áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức sẽ tăng từ 1.210.000 lên 1.300.000 đồng (7,4 %).

Mức hưởng BHYT trong nhiều trường hợp cũng được điều chỉnh.  Cụ thể, đối với người có thẻ BHYT đi khám, chữa bệnh đúng quy định, có tổng chi phí một lần khám, chữa bệnh thấp hơn 195.000 đồng không phải thực hiện cùng chi trả (quy định hiện hành là thấp hơn 181.500 đồng).

Đối với các trường hợp người bệnh được cơ sở y tế chỉ định sử dụng dịch vụ kỹ thuật quy định tại Quyết định 36/2005/QĐ-BYT của Bộ Y tế về việc ban hành Danh mục dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn, quỹ BHYT thanh toán trong phạm vi mức hưởng nhưng không vượt quá 52 triệu đồng cho một lần sử dụng dịch vụ kỹ thuật (quy định hiện hành là không vượt quá 48,4 triệu đồng).

Quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí cùng chi trả vượt quá 7,8 triệu đồng đối với người tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên (quy định hiện hành là 7,26 triệu đồng).

Mức thanh toán tổng chi phí vật tư y tế cho một lần sử dụng dịch vụ kỹ thuật không vượt quá 58,5 triệu đồng (quy định hiện hành là 54,45 triệu đồng). (Tiền phong, trang 2)

 

Những tình tiết mới trong vụ 8 bệnh nhân chạy thận tử vong ở Hòa Bình

Như Báo CAND đã đưa tin, liên quan đến vụ án 8 người chết trong quá trình chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hòa Bình đã khởi tố bị can, bắt 3 đối tượng Bùi Mạnh Quốc (31 tuổi, trú tại phường Đại Phúc, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh); Trần Văn Sơn (27 tuổi, ở phường Hữu Nghị, TP Hòa Bình) và Hoàng Công Lương (31 tuổi, ở xã Sủ Ngòi, TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình).

Trước đó, ngày 29-5, có 18 bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình gặp sự cố, sau đó đã có 8 bệnh nhân tử vong, 10 bệnh nhân được chuyển lên tuyến trên.

Ngay sau khi vụ án xảy ra, lãnh đạo Bộ Công an, Tổng cục Cảnh sát đã trực tiếp nghe và chỉ đạo vụ án đặc biệt nghiêm trọng này. Công an tỉnh Hòa Bình chủ trì, phối hợp với các Cục nghiệp vụ gồm Cục Cảnh sát Hình sự, Văn phòng cơ quan CSĐT Bộ Công an, Viện Khoa học Hình sự và các đơn vị chức năng Công an tỉnh Hòa Bình tiến hành điều tra vụ án.

Trong quá trình điều tra, ngày 30-5, lực lượng nghiệp vụ Bộ Công an và Công an tỉnh Hòa Bình đã tiến hành mở niêm phong một số phòng trong Khoa thận nhân tạo, khám nghiệm các máy móc mà bệnh viện đã sử dụng để chạy thận nhân tạo, lọc máu cho các bệnh nhân; đồng thời lấy mẫu dịch để giám định và thu thập thêm các tài liệu liên quan phục vụ công tác điều tra vụ án.

Đại tá Phạm Văn Sử, Phó Giám đốc Công an tỉnh Hòa Bình cho biết, quá trình điều tra, cơ quan điều tra đã tiến hành dựng lại hiện trường, thực nghiệm điều tra, dưới sự chứng kiến của đại diện bệnh viện để xác định làm rõ nguyên nhân vụ án 8 người tử vong trong khi chạy thận nhân tạo. Viện Khoa học Hình sự đã thành lập tổ công tác đặc biệt giám định lại các máy móc dùng để phục vụ bệnh nhân trong quá trình chạy thận nhân tạo tại bệnh viện. 

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hòa Bình đọc lệnh bắt Trần Văn Sơn, (thứ 2 bên trái ảnh).

Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, cuối tháng 4-2017, quá trình làm việc, nhân viên của Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình nhận thấy đến định kỳ bảo dưỡng nâng cấp hệ thống lọc nước RO2 và RO mini để phục vụ tốt cho việc chạy thận nhân tạo, đã đề xuất với Phòng vật tư bảo dưỡng hệ thống lọc nước R02 của Khoa.

Sau khi tiếp nhận thông tin nêu trên, Trần Văn Sơn là cán bộ của Phòng Vật tư thiết bị y tế được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý, sửa chữa, bảo dưỡng đối với máy lọc đã trực tiếp đến phòng xử lý nước để kiểm tra và phát hiện hệ thống lọc nước RO số 2 bị hỏng bộ phận khởi động. Do vậy, Sơn tự đi mua 1 bộ khởi động tương tự về thay thế. Qua kiểm tra, Sơn đã đề xuất thay thế vật tư và được duyệt.

Sau đó, Sơn đã trực tiếp trao đổi với Công ty Cổ phần dược phẩm Thiên Sơn (Công ty Thiên Sơn), có trụ sở ở phường Trung Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) để trao đổi về nhu cầu sửa chữa bảo dưỡng và báo giá sản phẩm. Thống nhất xong, Sơn đã trình hồ sơ đến các phòng chức năng để ký hợp đồng với Công ty Thiên Sơn.

Theo đó, ngày 25-5, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình đã ký với Công ty Thiên Sơn với nội dung cung cấp vật tư sửa chữa hệ thống lọc nước RO số 2 cho đơn vị. Cùng ngày, Công ty Thiên Sơn đã ký hợp đồng với Công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh do Bùi Mạnh Quốc làm Giám đốc với nội dung bán, lắp đặt, thay thế vật liệu lọc RO số 2 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình với các danh mục được Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình ký kết với Công ty Thiên Sơn.

 Theo nội dung hợp đồng, sáng 28-5, trước ngày xảy ra sự cố y khoa nghiêm trọng nêu trên, Bùi Mạnh Quốc đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình để thực hiện hợp đồng. Sau đó, Quốc và Sơn cùng kiểm tra số lượng, chất lượng, mẫu mã vật tư theo hợp đồng đã ký. Tiếp đó, Quốc tiến hành các thao tác thay thế vật liệu lọc, lau chùi 2 màng lọc cũ, thay 2 màng lọc mới, cho vận hành và sửa các cột lọc rồi đi ăn cơm.

Khoảng 14h cùng ngày, Quốc quay lại khóa các van ở đầu cấp vào máy lọc thận và tiệt trùng hệ thống đường ống cấp nước cho máy chạy thận trong vòng 2 tiếng. Tiếp đó, Quốc xả hết nước tồn, dùng bơm để bơm nước RO mới vào rửa đường ống liên tục trong 2 tiếng, xả lại đầu vòi rồi cắm lại dây như ban đầu. Trong quá trình chạy xả, Quốc có dùng đồng hồ đo độ dẫn điện của nước RO dao động từ 8.84-8.87 microcimen (chỉ số an toàn là dưới 15 microcimen).

Khoảng 18h30 cùng ngày, Quốc gọi điện thoại cho Sơn thông báo đã sửa chữa, bảo dưỡng xong. Do Sơn không có mặt tại đó nên đã gọi điện thoại cho chị Đỗ Thị Điệp là điều dưỡng viên của Khoa Hồi sức tích cực và nói là hệ thống nước đã sửa chữa, bảo dưỡng xong đề nghị chị Điệp khóa cửa phòng nước. Để chắc chắn, chị Điệp có hỏi lại Sơn đã xong chưa. Sơn khẳng định các thiết bị đã hoạt động bình thường, mai sẽ ký biên bản bàn giao.

Khoảng 7h ngày 29-5, chị Nguyễn Thị Hậu là điều dưỡng viên của Khoa Hồi sức tích cực, đơn nguyên chạy thận nhân tạo đến khoa và nghe Đỗ Thị Điệp thông báo các thiết bị đã hoạt động bình thường, an toàn. Chị Hậu khởi động hệ thống lọc nước, quan sát thấy đồng hồ báo chỉ số an toàn nên để hệ thống tiếp tục hoạt động. Khoảng 5 phút sau, bác sỹ Hoàng Công Lương là người được giao phụ trách chuyên môn, điều trị cho các bệnh nhân đến điều trị.

Sau khi thăm khám xác định chỉ số sinh tồn của các bệnh nhân đủ điều kiện để chạy thận, đồng thời thấy các điều dưỡng viên hoàn thành các thao tác (chạy thử máy lọc thận, xả hết khí ở trong máy, chuẩn bị dịch, kim truyền thuốc) nên Lương đã ra y lệnh chạy thận cho từng bệnh nhân.

Thực hiện yêu cầu của bác sĩ điều trị, các điều dưỡng viên đã lấy các quả lọc được bảo quản trong tủ lạnh của các bệnh nhân được điều trị để kiểm tra và làm các thủ tục chạy thận cho các bệnh nhân. Đến khoảng 8h15 phút, trong khi 18 bệnh nhân đang điều trị lọc máy thì xảy ra sự cố. Ban đầu 3 trường hợp có biểu hiện nôn, ngứa, buồn đi ngoài và chóng mặt. Tiếp sau đó, các bệnh nhân chạy thận khác cũng đồng loạt có những biện hiện tương tự như vậy.

Ngày 14-6, Viện Khoa học Hình sự đã có kết luận giám định số 2778 kết luận: Mẫu nước thu tại đầu cấp vào máy lọc thận số 10 và số 13 các chỉ tiêu độ PH rất thấp; độ dẫn điện rất cao, hàm lượng Florua cao gấp 245 và 260 lần mức cho phép. Theo tiêu chuẩn AAMI với nước sử dụng cho chạy thận nhân tạo, hàm lượng Florua tối đa cho phép là 0,2mg/l. Ngoài 2 máy lọc thận trên, qua giám định mẫu nước tại các máy chạy thận nhân tạo khác, hàm lượng Florua đều vượt ngưỡng an toàn gấp hàng trăm lần...

Trao đổi với PV Báo CAND, Đại tá Phạm Văn Sử cho biết, căn cứ vào các tài liệu điều tra thu thập được, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hòa Bình đã đủ căn cứ để khởi tố bị can đối với các đối tượng Bùi Mạnh Quốc về tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính theo quy định tại điều 99 Bộ luật Hình sự.

Bùi Mạnh Quốc đã có hành vi vi phạm trong quá trình sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO đã sử dụng hóa chất Axít clohydric (HCL) và Axít Flohydric (HF) để sục rửa. Do cẩu thả nên sau khi sục rửa đã quên xả 2 đầu vào máy làm tồn dư hóa chất trong các đường ống nước dẫn vào máy lọc thận.

Sau khi sửa chữa, khử trùng hệ thống lọc nước RO số 2 chưa kiểm định mẫu nước. Mặc dù chưa biết nước đã đạt tiêu chuẩn hay chưa nhưng đối tượng vẫn bàn giao cho Trần Văn Sơn để đưa vào sử dụng cho các bệnh nhân chạy thận. 

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hòa Bình khởi tố Trần Văn Sơn về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Quá trình được giao nhiệm vụ, Sơn đã không theo dõi, giám sát việc sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO số 2 diễn ra vào ngày 28-5, theo đúng chức trách, nhiệm vụ được giao.

Mặc dù có trình độ chuyên môn, nhận thức được việc phải nghiệm thu an toàn mới được đưa vào sử dụng các thiết bị trên nhưng khi chưa nghiệm thu, chưa bàn giao cụ thể bằng văn bản, kiểm tra thực tế việc bảo dưỡng, sửa chữa đã thông báo cho điều dưỡng của Khoa Hồi sức tích cực chạy thận cho bệnh nhân.

Riêng đối với bác sĩ Hoàng Công Lương đã bị cơ quan CSĐT khởi tố về hành vi vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác. Lương là người trực tiếp ký đề xuất sửa chữa, biết việc sửa chữa, khử trùng hệ thống nước RO.

Tuy nhiên, dù chưa nhận được bàn giao việc sửa chữa bằng văn bản và chưa biết nguồn nước RO số 2 có đạt tiêu chuẩn hay không nhưng vẫn cho chạy thận cho các bệnh nhân. Hành vi của Lương đã thể hiện sự thiếu trách nhiệm, vi phạm nghiêm trọng quy định về khám, chữa bệnh.

Công an tỉnh Hòa Bình cho biết, sẽ tiếp tục điều tra, làm rõ trách nhiệm các cá nhân, tập thể liên quan đến vụ việc để xử lý nghiêm trước pháp luật. (Công an Nhân dân, trang 5)

Cùng chủ đề Báo An ninh Thủ đô trang 1: “Chi tiết các hành vi phạm tội trong vụ 8 bệnh nhân chạy thận tử vong”

 

40 bệnh viện đầu tiên thực hiện liên thông xét nghiệm

Hội thảo triển khai tiêu chí đánh giá chất lượng phòng xét nghiệm y học hướng tới liên thông kết quả xét nghiệm đã được Bộ Y tế tổ chức chiều 23.6, tại Hà Nội.

Theo thông tin tại hội nghị, Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã xây dựng các tiêu chí 3 loại xét nghiệm: hóa sinh, huyết học và vi sinh (mỗi xét nghiệm có 20 - 30 chỉ số) thực hiện liên thông xét nghiệm. Đây là cơ sở để các bệnh viện (BV) công nhận và có thể sử dụng kết quả xét nghiệm của nhau trong các trường hợp xét nghiệm đó có giá trị sử dụng trong một thời gian và trên cơ sở tình trạng người bệnh. Tùy thuộc vào loại xét nghiệm và ca bệnh, bác sĩ điều trị có thể chỉ định xét nghiệm lại trong ngày, trong tuần hoặc 3 - 6 tháng.

TS-BS Trần Vĩnh Hưng, Giám đốc Bệnh viện (BV) Bình Dân (TP.HCM), cho biết BV chấp nhận sử dụng hầu hết kết quả xét nghiệm (máu, nước tiểu), chẩn đoán hình ảnh học (X-quang, CT scanner) mà bệnh nhân làm nơi khác đưa đến, nhưng phải làm ở những nơi có máy móc, quy trình đạt chuẩn.

Hiện đã có 50 phòng xét nghiệm thuộc 30 - 40 BV T.Ư và tuyến tỉnh đạt tiêu chuẩn ISO 15189, đảm bảo đồng đều về năng lực và chất lượng kết quả xét nghiệm chẩn đoán. Do đó, ngay trong tháng 7 tới các BV này sẽ thực hiện liên thông xét nghiệm.

Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, cho biết tháng 7 tới, trong quá trình đánh giá năng lực các phòng xét nghiệm, Bộ Y tế cũng sẽ rà soát lại việc chỉ định xét nghiệm chẩn đoán để xác định tình trạng lạm dụng xét nghiệm, từ đó chấn chỉnh. Việc chỉ định xét nghiệm phải căn cứ trên yêu cầu điều trị với từng ca bệnh, không chấp nhận chỉ định xét nghiệm để đạt định mức khoán số lượng theo thỏa thuận của BV với các đối tác đặt máy xét nghiệm xã hội hóa. (Thanh niên, trang 2)

Cùng chủ đề Báo Nhân dân trang 5: “Chuẩn bị liên thông kết quả xét nghiệm y học”; Báo Tiền phong trang 13: “Liên thông kết quả xét nghiệm giữa các bệnh viện: giảm 5-10% chi phí cho người bệnh”

 

Bác sĩ tình nguyện về... huyện nghèo cũng khó!

Sau 4 năm khởi động dự án, ngày 28.6 tới, Bộ Y tế sẽ làm lễ “bàn giao” 7 bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại các huyện nghèo. Sinh viên ngành y đăng ký tình nguyện không thiếu, nhưng theo Bộ Y tế, tìm đầu ra cho các bác sĩ trẻ tình nguyện mới là điều khó nhất.

Ra trường hai năm đã mổ chính

Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Chiến Quyết vừa thực hiện thành công ca mổ thoát vị bẹn cho 1 bé trai 4 tuổi người Mông tại Bệnh viện (BV) Đa khoa Bắc Hà (Lào Cai) ngày 21.6. Bác sĩ Quyết cho biết, đây là ca mổ đầu tiên mà anh là phẫu thuật viên chính, được thực hiện tại BV huyện mà anh sẽ về công tác 3 năm.

Có nhiều ý kiến cho rằng, việc cử bác sĩ đi tình nguyện trong vòng 2-3 năm là quá ngắn, chưa đủ thời gian nâng cao công tác khám chữa bệnh tại địa phương, chưa tương xứng với chế độ đãi ngộ mà các bác sĩ được hưởng. Do đó, chúng tôi cũng sẽ bàn bạc và cân nhắc xem có nên kéo dài thêm thời gian tình nguyện hay không”.

Quyết chia sẻ, tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội đã được 3 năm. Từ đại học năm cuối (2013), anh đã nghe về dự án đưa bác sĩ tình nguyện về huyện nghèo nên đã tham gia đăng ký. Nhưng sau đó hơn 1 năm, anh mới được tuyển và theo học lớp đào tạo bác sĩ chuyên khoa I (CKI) trong vòng 2 năm, chuyên ngành ngoại sản. Đến giờ, anh tin tưởng mình có thể khám chữa bệnh hiệu quả cho bà con ở Bắc Hà.  Bác sĩ Quyết là 1 trong 7 bác sĩ là “sản phẩm” đầu tiên của dự án “Thí điểm đưa bác sĩ trẻ về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn” được Bộ phê duyệt từ tháng 3.2013. 7 bác sĩ này sẽ được đưa về nhiều huyện nghèo tại Lào Cai, Sơn La, Bắc Kạn, Điện Biên.

Theo dự án, các sinh viên y khoa vừa mới ra trường, đạt bằng khá, giỏi, có nguyện vọng sẽ được lựa chọn. Các sinh viên sẽ được được tuyển dụng về các BV đầu ngành tuyến T.Ư. Sau đó được đào tạo bác sĩ CKI trong 2 năm và được cử về công tác tại các BV huyện vùng sâu, vùng xa 3 năm đối với nam, 2 năm đối với nữ. TS Phạm Văn Tác - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế) chia sẻ, mục tiêu của dự án là tiến tới cung cấp nguồn nhân lực y tế (cụ thể là các bác sĩ) đầy đủ về số lượng, đáp ứng được chất lượng cho các vùng khó khăn nhằm nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ y tế ngay tại cơ sở.

Theo báo cáo của các Sở Y tế có huyện nghèo cho thấy nhu cầu tại 62 huyện nghèo lên tới 600 bác sĩ thuộc 15 chuyên khoa, trong đó thiếu nhiều nhất là chuyên khoa nội với 53 bác sĩ; ngoại 49 bác sĩ; sản 55 bác sĩ; hồi sức cấp cứu 47 bác sĩ; nhi 44 bác sĩ; truyền nhiễm 35 bác sĩ... Một số BV huyện của các tỉnh: Bình Định, Quảng Ngãi, Thanh Hóa, Lai Châu, Sơn La, Cao Bằng, Hà Giang...  chỉ có 4 - 5 bác sĩ, thậm chí có huyện chưa có bác sĩ. Trong khi đó, như tại huyện Hải Hậu của Nam Định có tới 140 bác sĩ.

Theo TS Tác, tính đến nay đã có 78 bác sĩ tình nguyện tham gia dự án (ngoài 7 người sắp được “bàn giao”, còn các bác sĩ khác đang được đào tạo). Trong đó 25 bác sĩ được tuyển dụng vào 12 BV trực thuộc Bộ và 53 bác sĩ được tuyển dụng tại 30 huyện nghèo.

Khó tìm “đầu ra”

PGS-TS Nguyễn Đức Hinh - Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội chia sẻ, theo quy tắc, sinh viên y khoa học 6 năm, ra trường đi làm 2 năm rồi mới được quay lại học bác sĩ CKI. Tuy nhiên, để đáp ứng được yêu cầu phải công tác độc lập, các bác sĩ tình nguyện được đào tạo CKI ngay khi ra trường. Đồng thời được đào tạo như chương trình bác sĩ nội trú, đảm bảo các bác sĩ khi về huyện có thể khám chữa bệnh độc lập theo chuyên ngành mình được đào tạo, thậm chí có thể “tác chiến”, hỗ trợ các chuyên khoa khác khi cần. Các bác sĩ này vừa được đào tạo tại trường, vừa được các GS, TS chuyên khoa đầu ngành ở các BV “cầm tay chỉ việc”.

Vì thế, PGS Hinh tin tưởng sau khi hoàn thành khoá đào tạo CKI, các bác sĩ tình nguyện sẽ đảm đương tốt công tác khám chữa bệnh tại địa phương. Tuy nhiên, điều khó khăn nhất vẫn là tìm “đầu ra” cho các bác sĩ sau 2-3 năm công tác tình nguyện trở về.

Như trường hợp của bác sĩ Quyết, TS Phạm Văn Tác - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế) cho biết, quá trình để tìm kiếm cung - cầu cho bác sĩ Quyết khá mất thời gian. BV Bắc Hà thiếu bác sĩ ngoại sản và “đặt hàng” với Bộ. Bộ lại tìm BV T.Ư có thể tuyển dụng bác sĩ Quyết. Sau một thời gian dài, may mắn BV Bạch Mai đã tiếp nhận tuyển dụng và đào tạo Quyết.

TS Tác nhận định, số lượng sinh viên y khoa xung phong đi tình nguyện không thiếu, tuy nhiên, việc tìm được BV tiếp nhận các sinh viên này không dễ. Bộ cũng chỉ vận động các BV trực thuộc Bộ (tuyến T.Ư) còn các BV  sẽ cân nhắc dựa trên nhu cầu sử dụng của BV, chứ không ép được. Do đó, đến nay mới chỉ có 25 bác sĩ tình nguyện được các BV T.Ư tuyển dụng.  Đó là lý do dự án mở rộng sang cả các đối tượng sinh viên tình nguyện có hộ khẩu tại huyện và tình nguyện công tác lâu dài tại huyện nhà (53 người). “Các BV hầu hết cũng đã đủ cầu nên tìm được chỗ cho các sinh viên này không dễ. Đó là lý do chúng tôi chưa thể mở rộng đào tạo, nhanh chóng đáp ứng nhu cầu của các BV thiếu bác sĩ, cho dù các sinh viên tình nguyện không thiếu” – TS Tác cho biết.

Theo TS Tác, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tuyến cơ sở là mục tiêu quan trọng của ngành y tế trong thời gian tới, trong đó có việc nâng cao số lượng và chất lượng nhân lực y tế. Nhưng hiện dự án mới thí điểm ở cấp Bộ nên “đầu ra” hạn chế. Do đó, thời gian tới, Bộ Y tế đặt mục tiêu nâng tầm dự án, mở rộng tới các tỉnh, để các BV tuyến tỉnh cũng có thể tuyển dụng các bác sĩ tình nguyện. (Nông thông Ngày nay, trang 13)

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang