Mối lo về an ninh bệnh viện
Sự xuất hiện ngày một nhiều những vụ vi phạm an ninh bệnh viện đang khiến cho các cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) trở nên mất an toàn đối với chính người thầy thuốc cũng như bệnh nhân và người nhà của họ. Đáng tiếc, cho đến nay, những biện pháp thắt chặt an ninh, từ cấp độ của đơn vị y tế cho đến sự vào cuộc từ cả phía Bộ Y tế và Bộ Công an, vẫn chưa đủ sức ngăn chặn triệt để tình trạng vi phạm an ninh bệnh viện. Làm sao để không bất an ở chính nơi cứu người?
Khi an ninh bệnh viện bị xem nhẹ
Chỉ tính riêng từ đầu năm 2015 đến nay, tại các bệnh viện trên cả nước đã xảy ra hàng chục vụ lộn xộn liên quan tới an ninh trong bệnh viện. Liên tiếp trong thời gian qua, những vụ việc như: người nhà bệnh nhân hành hung bác sĩ, côn đồ gây rối trật tự bệnh viện, côn đồ trà trộn giả danh bác sĩ làm “cò mồi”, côn đồ xộc vào bệnh viện thanh toán ân oán với bệnh nhân… khiến cho cả người làm nghề y lẫn bệnh nhân, người nhà cảm thấy bất an.
Điển hình, ngày 11-8, tại cơ sở hai Bệnh viện Đa khoa huyện Tiên Lãng, Hải Phòng, bốn thanh niên xông vào phòng cấp cứu của bệnh viện đâm chết anh Nguyễn Tuấn Định (26 tuổi) trên giường bệnh chỉ với lý do, anh Định trước đó bị cho là nhìn đểu bốn thanh niên này khi đi qua đường. Hay như ngày 7-10, tại Khoa Cấp cứu Bệnh viện Việt - Tiệp, đang nằm trên cáng cứu thương, Đỗ Văn Bình (Hải Phòng) liền vùng dậy “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với bác sĩ chỉ vì bố của Bình bị nhắc nhở khi có hành động xúc phạm bác sĩ trực… Chấn động nữa là vụ việc kẻ lạ mặt lẻn vào bệnh viện đâm dao vào bé trai 11 ngày tuổi ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long...
Điều đáng nói, vì sao an ninh trật tự trong bệnh viện vẫn không được bảo đảm, dù đã có sự hợp tác giữa hai bộ đầu ngành là Y tế và Công an? Được biết, trong báo cáo sơ kết hai năm thực hiện Quy chế số 03/QC-BCA-BYT phối hợp bảo đảm an ninh, trật tự trong lĩnh vực y tế cũng đã chỉ ra những tồn tại như chính Thủ trưởng một số cơ quan, đơn vị chưa thực sự quan tâm đúng mức đến việc triển khai phối hợp, chưa quán triệt công việc này đến cán bộ, bác sĩ tại đơn vị. Việc triển khai giữa lãnh đạo các cơ sở y tế tuyến huyện với công an cùng cấp còn mang tính hình thức, chưa thường xuyên, liên tục và hiệu quả chưa cao.
Theo ông Nguyễn Xuân Trường, Chánh Văn phòng Bộ Y tế cho hay, trong thời gian tới, quy chế phối hợp này sẽ vẫn được tiếp tục duy trì trên toàn quốc. Nhưng, không cần phải khảo sát nhiều cũng có thể nhận thấy, sự có mặt của lực lượng công an không thể xuể nếu so với số đầu bệnh viện trên cả 63 tỉnh, thành phố. Và họ cũng khó lòng phản ứng kịp thời với các tình huống vốn dĩ có thể nảy sinh bất cứ lúc nào trong bối cảnh “ông chẳng bà chuộc” như vậy.
Từ góc độ người trong cuộc, PGS,TS Nguyễn Xuân Hùng, Trưởng khoa Khám bệnh - Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức lý giải thêm, tình trạng bạo lực với cán bộ y tế gia tăng là do hai phía: thầy thuốc và bệnh nhân chưa đáp ứng, thỏa mãn được nhu cầu của nhau nên nảy sinh xung đột cũng là khó tránh khỏi. Hiện nay ngành y tế đang triển khai công tác thay đổi thái độ phục vụ ứng xử để làm hài lòng người bệnh. Song, như vậy có lẽ còn chưa đủ. Bởi công bằng mà nói, phía người thầy thuốc cũng cần được trang bị những kỹ năng giao tiếp, đặc biệt là đối với đối tượng bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, những người đang ở trạng thái sức khỏe và tinh thần không được bình thường do bệnh tật hoặc lo âu.
Việc hoàn thiện hơn nữa kỹ năng xử lý tình huống trong sai sót y khoa của cá nhân mỗi thầy thuốc cũng như của tập thể bệnh viện vẫn còn là khái niệm mới mẻ với đa số các cơ sở y tế. Vậy nên, thật đáng buồn những sự cố y khoa hay y đức của một số nhân viên y tế đáng lẽ có thể được giải quyết thấu tình đạt lý, ổn thỏa hơn là châm ngòi cho các hành vi quá khích từ phía bệnh nhân và người nhà của họ.
Đâu là gốc vấn đề?
Để tìm lời giải cho vấn đề an ninh bệnh viện, chúng tôi đã tìm hiểu từ chính những người đang phải ngày, đêm làm việc trong môi trường đầy sức ép này. Từ thực tế của bệnh viện mình PGS,TS Nguyễn Xuân Hùng đã chỉ ra, muốn làm tốt an ninh bệnh viện, cần phải đầu tư xây dựng thiết kế bệnh viện chuyên nghiệp, an toàn. Bắt đầu từ việc phải thiết kế đường đi riêng dành cho người nhà bệnh nhân và người thầy thuốc. Bởi thực tế nhiều trường hợp, bệnh nhân đưa vào cấp cứu, người nhà cứ thấy áo trắng, cho đó là bác sĩ và phải có trách nhiệm trả lời tất cả các câu hỏi về sức khỏe bệnh nhân. Tuy nhiên, bác sĩ đó đang cấp cứu cho một ca khác nguy kịch hơn nên không thể trả lời những câu hỏi của người nhà. Vậy là vội kết luận, thái độ của bác sĩ không chấp nhận nổi, vậy là xung đột và xông vào hành hung bác sĩ.
Điểm mấu chốt nữa là người thầy thuốc cần nâng cao tính chuyên nghiệp trong giao tiếp, hiểu tâm lý người bệnh, có kỹ năng giải thích cho bệnh nhân thấu đáo, công bằng, dễ hiểu, tránh sự bức xúc, hiểu lầm từ phía người bệnh. PGS Hùng cũng nhấn mạnh, phải làm người bệnh hài lòng và tin tưởng từ khâu đón tiếp khám bệnh, cấp cứu để họ cảm nhận được sự quan tâm, tin cậy. Đặc biệt, làm tốt việc phân loại bệnh nhân theo mức độ nặng, nhẹ ngay ban đầu để y tá, bác sĩ, điều dưỡng có biện pháp ứng cứu nhanh. Cần cho người bệnh thấy, họ luôn được đối xử công bằng, không thiên lệch dù là bất kể người giàu hay người nghèo, có địa vị xã hội hay thường dân.
Còn theo bác sĩ Phan Thảo Nguyên, Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện E T.Ư, cần xây dựng khuôn khổ pháp lý theo hướng siết chặt hơn nữa những quy định đủ sức mạnh bảo vệ người thầy thuốc. Trên thế giới, việc luật hóa hoạt động khám và điều trị bệnh là rất cần thiết. Luật được xây dựng theo hướng quy định rõ trách nhiệm và quyền lợi của người thầy thuốc, những ràng buộc về mặt đạo đức trong khi hành nghề. Ngược lại, luật cũng tạo ra một hành lang pháp lý an toàn nhằm bảo vệ cho người thầy thuốc tránh được những áp lực của xã hội và những hành vi quá khích của bệnh nhân hay thân nhân bệnh nhân.
Ở nước ta tuy cũng đã có Luật Khám chữa bệnh nhưng hiện nay còn quá nhiều lỗ hổng, chưa đủ sức mạnh để bảo vệ người thầy thuốc. Điều 35 đã ghi nhận “Quyền được bảo đảm an toàn khi hành nghề”, cán bộ y tế phải được bảo vệ sức khỏe, tính mạng, danh dự, thân thể... khi KCB. Mặt khác, trong 83 tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện đã có mục đánh giá về an ninh, trật tự và an toàn cháy nổ ở các mức độ khác nhau. Tuy nhiên, Luật mới chỉ nêu lên còn các văn bản hướng dẫn chưa quy định rõ hình thức phải bảo vệ người thầy thuốc như thế nào khi bị đe dọa, hành hung…
Trong khi chờ đợi hoàn thiện khung khổ pháp lý, thì việc bảo đảm an ninh bệnh viện, một chuyên ngành còn mới mẻ trong quản trị vận hành cơ sở KCB ở nước ta rõ ràng cần được giải quyết thấu đáo, không chỉ bằng những con số đầu tư cho cơ sở vật chất, hay hợp đồng bảo vệ. Điều quan trọng không kém chính là đầu tư vào yếu tố con người, cụ thể là kiến tạo kênh giao tiếp thấu cảm giữa đội ngũ y tế và đối tượng KCB của họ.( Nhân dân cuối tuần trang 4)
Đón nhận phần thưởng cao quý
Ngày 24-10, Vụ Tổ chức Cán bộ (Bộ Y tế) tổ chức kỷ niệm 60 năm xây dựng và phát triển (1955- 2015) và đón nhận Huân chương Lao động hạng nhì.
Trong 60 năm qua, các thế hệ cán bộ Vụ Tổ chức Cán bộ đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, như cùng các cơ quan liên quan tham mưu lãnh đạo Bộ Y tế xây dựng mô hình tổ chức bộ máy y tế từ trung ương xuống địa phương, đến nay đã hình thành một hệ thống y tế cơ bản, hoàn chỉnh với đầy đủ các loại hình và các lĩnh vực, tạo điều kiện tốt nhất để người dân tiếp cận dịch vụ y tế. Vụ cũng đã tham mưu xây dựng và ban hành các chính sách nhằm thu hút cán bộ, chế độ luân phiên cán bộ, tăng cường nhân lực cho y tế tuyến dưới, đưa cán bộ y tế về cơ sở, vùng khó khăn để khắc phục tình trạng thiếu nhân lực y tế…( Nhân dân trang 5)
Mù mắt vì tự ý dùng thuốc nhỏ mắt
Câu trả lời của cơ quan y tế về tình trạng số người bị mù mắt cao bất thường ở vựa hành tím Vĩnh Châu (Sóc Trăng) gần đây là lời cảnh báo cho những người có thói quen tự ý mua thuốc điều trị các bệnh về mắt.
Theo đó trong quá trình canh tác, thu hoạch, xử lý hành tím người dân đã bất cẩn dẫn đến các tổn thương giác mạc gây ra do bụi đất, do tay bẩn dụi mắt, do tinh dầu hành tím bốc lên gây kích ứng và bỏng nhẹ giác mạc… dẫn đến viêm loét giác mạc. Tuy nhiên người dân không đến các cơ sở y tế để điều trị kịp thời mà tự ý mua thuốc về điều trị làm bệnh diễn biến nặng, gây sẹo giác mạc và giảm thị lực dẫn đến mù lòa. Theo TS.BS Vũ Tuấn Anh (Trưởng Phòng chỉ đạo tuyến - Bệnh viện Mắt Trung ương) theo khảo sát các hộ dân ở đây, hầu hết những người làm hành khi bóc hành bị tinh dầu hoặc bụi và các vật bắn vào mắt đều dùng tay bẩn để lau chùi mắt gây nhiễm khuẩn. Sau đó những bệnh nhân này lại tự ý dùng thuốc nhỏ mắt chứa chất corticoid mới gây ra hiện tượng viêm loét giác mạc kéo dài.
Thực tế tình trạng này đã được cảnh báo nhiều lần. Tại Bệnh viện Mắt Trung ương đã ghi nhận nhiều trường hợp bệnh nhân vĩnh viễn mất đi ánh sáng vì sự thiếu hiểu biết này. Như trường hợp bà Nguyễn Thị V (Nghĩa Hưng, Nam Định) đến khám tại Bệnh viện Mắt trung ương khi hai mắt đã mờ tịt. Bà V cho biết khoảng hơn 1 năm trước mắt bà thường hay chảy nước mắt, đỏ mắt. Lúc ấy, bà V ra hiệu thuốc được nhân viên bán thuốc bán cho một lọ thuốc, mỗi lần nhỏ thuốc, bà thấy mắt không còn đỏ, ngứa và khó chịu, cảm giác mắt mát hẳn lên. Chính vì thế, bà V coi đây là loại thuốc tốt có thể dùng hàng ngày nên tối nào trước khi đi ngủ bà cũng nhỏ vài giọt vào mắt. Nhưng càng ngày, bà càng cảm thấy mắt càng mờ hơn, nghĩ rằng do tuổi cao nên bà và các con cũng không đi khám. Đến khi gần như chẳng nhìn thấy gì, bà mới đi khám và được bác sĩ cho biết bà bị thủng giác mạc vì tác dụng phụ của thuốc nhỏ mắt.
Tương tự, một trường hợp bệnh nhi 9 tuổi ở Hà Nội khi mắt bị đỏ ngứa được mẹ ra hiệu thuốc mua thuốc về nhỏ. Thấy thuốc hiệu quả, cứ mỗi lần con bị đỏ hay ngứa mắt chị lại mua thuốc này nhỏ cho con, đến khi mắt con mờ đi mà nhỏ thuốc không thấy đỡ chị mới dẫn con đi khám. Tại bệnh viện, bác sĩ đã khám và phát hiện cả hai mắt bé đều bị viêm kết mạc dị ứng, đục thủy tinh thể, trong đó mắt phải đục thủy tinh thể hoàn toàn… Lọ thuốc mà mẹ bé sử dụng cho con chứa thành phần là corticoid và kháng sinh.
Theo các bác sĩ, corticoid thuộc nhóm steroid, là chất kháng viêm rất mạnh, dùng đúng chỉ định sẽ đem lại kết quả rất tốt trong điều trị. Nhưng corticoid cần hạn chế nhỏ mắt trong thời gian dài, nếu phải nhỏ trong một thời gian dài, nhất thiết phải có sự theo dõi của bác sĩ. Sử dụng corticoid không đúng chỉ định sẽ gây biến chứng rất nghiêm trọng. Trường hợp bệnh nhân bị viêm loét giác mạc do nấm hay Herpes, nếu nhỏ corticoid sẽ làm bệnh bùng phát và nặng thêm, gây biến chứng thủng giác mạc. Trong trường hợp sử dụng kéo dài sẽ gây đục thủy tinh thể (cườm khô) và tăng nhãn áp (cườm nước) dẫn đến giảm thị lực, thậm chí mù mắt vĩnh viễn.
Thuốc có chứa corticoid nhỏ vào mắt rất dễ chịu nên bệnh nhân hay lạm dụng. Vì vậy ngay cả khi kê đơn thuốc này, các bác sĩ cũng phải căn dặn rất kỹ và có sự giám sát. Với các bệnh nhân về mắt, khi bị nhiễm trùng, nhiễm nấm nếu chưa điều trị thuốc gì khi đến viện bác sĩ điều trị rất dễ. Còn khi bệnh nhân đã điều trị thuốc thì các bác sĩ có cho thuốc đặc trị cũng rất khó.( An ninh thủ đô trang 8)
Lo ngại muỗi gây bệnh sốt xuất huyết kháng thuốc
Theo ông Viên Quang Mai, Viện trưởng Viện Pasteur, Nha Trang tại nhiều nơi trên địa bàn Khánh Hòa dù được phun hóa chất diệt muỗi nhưng tỷ lệ muỗi chết rất thấp, hiệu quả của thuốc chỉ vài phần trăm.
Trước tình hình này, các chuyên gia ở Viện Pasteur Nha Trang đã họp bàn và quyết định thay thuốc diệt muỗi. Trước đây Nha Trang dùng thuốc Permethrin để diệt muỗi thì nay chuyển sang thuốc Hantox. Viện sẽ tiến hành thí nghiệm phun thuốc vào lồng muỗi ở các tỷ lệ khác nhau, tỷ lệ nào muỗi chết 100% thì khuyến cáo Trung tâm Y tế dự phòng phun theo tỷ lệ đó.
Ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Khánh Hòa cho biết, theo chuẩn của Bộ Y tế, mỗi lít hóa chất được pha với 10 lít nước để phun diệt muỗi. Tuy nhiên do muỗi vằn ở Khánh Hòa đã kháng thuốc nên hiện tại phải áp dụng tỷ lệ mỗi lít hóa chất pha với 5 lít nước, có khu vực mỗi lít pha với 4 lít nước.
Tại Hà Nội, ông Nguyễn Nhật Cảm - Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội nhận định, ý thức phòng chống dịch trong cộng đồng nhìn chung vẫn kém. Thời gian qua, Hà Nội đã triển khai hơn 900 chiến dịch diệt bọ gậy, 89 chiến dịch phun hoá chất diện rộng. Tuy nhiên, tỷ lệ số hộ gia đình được phun mới đạt hơn 64%, trong đó có 18,4% số hộ đi vắng và 17,3% số hộ không đồng ý phun hoá chất.
Trong khi đó dịch vụ phun hóa chất diệt muỗi lại được dịp nở rộ. Người dân tự ý mua thuốc hoặc thuê người về phun trong khi cũng mù mờ về loại thuốc mình phun và tỷ lệ pha thuốc như thế nào. Điều này góp phần gia tăng tình trạng muỗi kháng thuốc. Theo các chuyên gia chính việc sử dụng tràn lan loại hóa chất trong cả nông nghiệp và y tế từ nhiều năm nay đã gây nên hiện tượng muỗi kháng hóa chất, đặc biệt là nhóm hóa chất từ Cúc tổng hợp (loại thuốc diệt muỗi đang được bán phổ biến). Thậm chí, việc phun hóa chất này lại mang tác dụng ngược, không tiêu diệt được muỗi mà còn kích thích muỗi sinh sản và phát triển nhiều hơn.
Do đặc điểm sinh học của loại muỗi dengue gây bệnh sốt xuất huyết là thường bay từ ngoài vào nhà, khi đã ở trong nhà thì thường không ra ngoài và sinh trưởng trong môi trường nước trong. Do vậy, kỹ thuật phun nếu không đạt chuẩn cũng sẽ không đảm bảo diệt được muỗi. Vì vậy người dân cần tìm đến những cơ sở uy tín, có cam kết đảm bảo hiệu quả. Cách tốt nhất là dùng thuốc của các cơ quan y tế cấp, vì đó là những loại thuốc đã qua kiểm định và có hướng dẫn sử dụng, pha chế nồng độ phù hợp, an toàn.( An ninh thủ đô trang 8)