Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long biểu dương đóng góp của các “Chiến sĩ áo trắng” trên mọi miền tổ quốc
Trong thư gửi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động nhân ngành y tế nhân dịp kỷ niệm 66 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Ủy viên TW Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế ghi nhận và biểu dương những công sức, đóng góp của các “Chiến sĩ áo trắng” trên mọi miền tổ quốc, những người tận tâm hết mình, không quản ngày đêm, vất vả, gian nan, hiểm nguy...
Trong thư, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long viết: Tôi thân ái gửi tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành y tế trong cả nước lời chúc sức khoẻ, lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Tôi cũng gửi lời tri ân sâu sắc nhất đến gia đình, người thân của các đồng chí đã luôn đồng hành chia sẻ, là hậu phương vững chắc, là nguồn động viên tinh thần to lớn để mỗi cán bộ y tế luôn vững vàng vượt qua những khó khăn, đối mặt với những thách thức, nguy hiểm, vô hình khó đoán định như dịch bệnh mới nổi, bão lũ, thiên tai…, để hoàn thành tốt sứ mệnh bảo vệ sức khoẻ nhân dân.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, trong bối cảnh hiện nay, khi đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, khó lường, gây hậu quả nghiêm trọng, toàn ngành y tế cùng với cả hệ thống chính trị đang dồn toàn tâm, toàn lực để ngăn chặn, khống chế và đẩy lùi đại dịch này, đưa cuộc sống của người dân trở lại trạng thái bình thường mới.
Cả hệ thống y tế, trong đó mỗi nhân viên y tế chúng ta đều ý thức được đầy đủ tầm quan trọng, tính cấp thiết của công tác phòng, chống dịch COVID-19 nhằm phát huy những kết quả đã đạt được, ra sức phấn đấu, nỗ lực hơn nữa để khống chế đại dịch; càng khó khăn bao nhiêu chúng càng phải quyết tâm hơn để hưởng ứng lời kêu gọi của đồng chí Tổng bí thư, Chủ tịch nước và của Thủ tướng Chính phủ quyết tâm thực hiện thành công mục tiêu kép: “Phòng, chống dịch bệnh và phát triển kinh tế của đất nước”.
Thay mặt Bộ Y tế, trong thư, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long ghi nhận và biểu dương những công sức, đóng góp của các “Chiến sĩ áo trắng” trên mọi miền tổ quốc, những người tận tâm hết mình, không quản ngày đêm, vất vả, gian nan, hiểm nguy; các đồng chí là lực lượng tinh nhuệ trong cuộc chiến chống COVID-19 nói riêng cũng như nhiệm vụ cao cả mà Đảng, Nhà nước và nhân dân tin yêu gửi gắm đó là bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân.
Tư lệnh ngành y tế cũng mong muốn toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động toàn ngành y tế tiếp tục phát huy truyền thống, đúc rút những bài học kinh nghiệm đã đạt được, đoàn kết một lòng, không ngừng rèn luyện, nâng cao trình độ, tu dưỡng y đức để hoàn thành tốt sứ mệnh mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho.
Đồng thời, tư lệnh ngành y cũng bày tỏ tin tưởng với sự quyết tâm, lòng nhiệt huyết, mong muốn được cống hiến, được đóng góp của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động nhân ngành y tế cùng với sự quan tâm, chỉ đạo của cả hệ thống chính trị; sự chung tay, góp sức, đồng lòng của mỗi người dân, của toàn xã hội, các đồng chí luôn giữ vững tinh thần, sẵn sàng “chiến đấu” với dịch bệnh, hoàn thành các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân trao gửi"
Nhân dịp này, một lần nữa qua thư, Bộ trưởng Bộ Y tế gửi lời chúc toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong ngành y tế tiếp tục cố gắng đạt được nhiều thành tựu hơn nữa trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân; đặc biệt là trong cuộc chiến đấu và quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19 đầy cam go và thử thách... (Sức khỏe & Đời sống, trang 2; Gia đình & Xã hội, trang 4).
Thủ tướng: Nhanh chóng tiêm chủng, gỡ ngay ách tắc lưu thông hàng hoá
Thủ tướng nhấn mạnh việc thực hiện chiến lược “vaccine + 5K”, không vì vaccine mà chủ quan; đồng thời, phải có ngay quy chế giữa các bộ để lưu thông hàng hóa bình thường với vùng có dịch.
Chiến lược “vaccine + 5K”
Phát biểu kết luận cuộc họp của Thường trực Chính phủ trực tuyến với các địa phương về phòng chống dịch COVID-19 diễn ra sáng 24.2, Thủ tướng Chính phủ biểu dương Ban Chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế, các địa phương đã tích cực, quyết liệt trong phòng chống dịch, biểu dương các đoàn tiền phương, nhiều cá nhân xuất sắc, lăn lộn trong vùng dịch để chỉ đạo.
Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực của Bộ Y tế thực hiện nghiêm túc yêu cầu của Bộ Chính trị, của Thủ tướng Chính phủ khi gần 117.000 liều vaccine đã về đến Việt Nam để sớm đưa vào tiêm chủng cho người dân vào thời gian tới, vaccine lần lượt về nhiều hơn và sẽ tổ chức tiêm kịp thời cho người dân.
Nhấn mạnh thực hiện mục tiêu kép, Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo quốc gia, các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo một số biện pháp.
Thứ nhất, về vấn đề vaccine, tuy có vaccine về đến sân bay, nhưng tinh thần của ngành y tế phải là thần tốc với những biện pháp mạnh mẽ, kịp thời, quyết liệt hơn để tiêm cho các đối tượng sẽ được quy định rõ hơn tại một nghị quyết của Chính phủ.
Thủ tướng giao VPCP và Bộ Y tế sớm trình dự thảo nghị quyết về vấn đề tiêm vaccine với những đối tượng được ưu tiên.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, chiến lược của chúng ta là “vaccine + 5K”. Không vì vaccine mà chúng ta chủ quan. Không thể ngay một lúc tiêm vaccine được cho tất cả 100 triệu người nên phải có thứ tự ưu tiên.
Thủ tướng cho rằng, ưu tiên cho nhân viên y tế, cơ sở điều trị, xét nghiệm, nhân viên lấy mẫu, thứ 2 là lực lượng biên phòng, công an tại khu cách ly, thứ 3 là lực lượng truy vết, khoanh vùng, dập dịch tại vùng có dịch, lực lượng phòng chống dịch tự nguyện và các đối tượng khác theo nghị quyết của Chính phủ trên nguyên tắc quan trọng là đối tượng có nguy cơ cao thì tiêm trước, nguy cơ thấp thì tiêm sau, vùng có dịch tiêm trước, vùng không có dịch thì tiêm sau.
“Tinh thần là bao phủ vaccine cho người dân Việt Nam nhưng do những điều kiện cụ thể, không thể tiêm ngay được nên có thứ tự ưu tiên như vậy” - Thủ tướng nói.
Phải có ngay quy chế về lưu thông hàng hóa vùng có dịch
Về lưu thông hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm, nhấn mạnh không ngăn sông cấm chợ, Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế ban hành ngay quy trình tiêu thụ nhanh các sản phẩm nông nghiệp trong vùng có dịch, vừa bảo đảm yêu cầu phòng dịch, vừa không để ách tắc.
Theo Thủ tướng, Chủ tịch UBND các tỉnh, nhất là các tỉnh đang có dịch có biện pháp cụ thể để kiểm soát dịch, đồng thời đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế không can thiệp sâu vào những vấn đề cụ thể của địa phương, giao quyền cho địa phương ban hành các biện pháp cụ thể ở địa phương mình như phong tỏa, thực hiện các chỉ thị 15, 16… tùy tình hình địa phương và kịp thời giải tỏa khi tình hình đã ổn định, cụ thể như TPHCM sáng nay được công bố với hàng chục điểm được giải tỏa, không còn phong tỏa.
Thủ tướng nhất trí cho rằng, các địa phương, nhất là khu vực có cảng như Hải Phòng phải bảo đảm lưu thông hàng hóa bình thường, biện pháp thông thoáng, chủ động phòng chống nhưng không ngăn sông cấm chợ và yêu cầu phải có ngay một quy chế giữa 3 bộ để có thể thực hiện chủ trương lưu thông hàng hóa bình thường, nhất là các vùng kinh tế trọng điểm, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh.
Bộ Giáo dục và Đào tạo và các địa phương đẩy mạnh việc học trực tuyến để bảo đảm việc học tập cho học sinh, sinh viên và “hiện nay tôi biết là trên 51 địa phương đã cho học sinh trở lại học tập bình thường”.
Các Bộ Quốc phòng, Công an, Y tế và UBND các địa phương, nhất là Bộ Quốc Phòng chuẩn bị sẵn sàng các khu vực cách ly, bảo đảm yêu cầu phòng chống dịch, thực hiện nghiêm quy định cách ly tập trung và tăng cường giám sát việc thực hiện cách ly y tế, không để xảy ra tình trạng lây nhiễm trong cơ sở y tế tập trung.
Thủ tướng yêu cầu tiếp tục tăng cường chỉ đạo công tác kiểm soát đường biên giới, đường bộ, đường thủy, quản lý chặt chẽ hoạt động xuất nhập cảnh không để xảy ra tình trạng vượt biên trái phép, nguy cơ lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. Bộ Y tế, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Quốc phòng và các địa phương có thể chuẩn bị một số khu vực như Singapore đã làm, đó là các khu vực giao dịch an toàn, không để ách tắc.
"Bảo vệ sức khỏe nhân dân rất quan trọng nhưng không thể vì chống dịch mà chúng ta ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm cho người dân và đây là những điểm mà nếu không giải quyết sớm thì dứt khoát là ảnh hưởng tới tăng trưởng phát triển" - Thủ tướng nêu rõ.
Về vấn đề vaccine, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế làm đầu mối để tiếp nhận các kênh có vaccine quan tâm tới Việt Nam để có khối lượng cần thiết tiêm cho nhân dân. (Lao động, trang 2; Sài Gòn giải phóng, trang 1; Sức khỏe & Đời sống, trang 3; Thanh niên, trang 3; Nhân dân, trang 2; An ninh thủ đô, trang 1; Công an nhân dân, trang 1)
Tiết lộ đầu tiên về chất lượng lô vaccine COVID-19 vừa nhập về Việt Nam
Vaccine COVID-19 của AstraZeneca đã được chứng minh là dung nạp tốt và hiệu quả trong việc ngăn ngừa COVID-19 có biểu hiện triệu chứng. Sau khi tiêm liều đầu tiên, vaccine có hiệu lực bảo vệ 76% trong 90 ngày và hiệu lực bảo vệ không suy giảm đáng kể trong khoảng thời gian này.
Theo thông tin từ Bộ Y tế, sáng nay (24.2) hơn 117.000 liều vaccine COVID-19 của AstraZeneca đã về tới Việt Nam tại sân bay Tân Sơn Nhất, TP. Hồ Chí Minh, mang lại hy vọng mới trong cuộc chiến chống đại dịch của Việt Nam.
Thông tin từ Bộ Y tế cũng cho hay vaccine này đã được chứng minh là dung nạp tốt và hiệu quả trong việc ngăn ngừa COVID-19 có biểu hiện triệu chứng. Sau khi tiêm liều đầu tiên, vaccine có hiệu lực bảo vệ 76% trong 90 ngày và hiệu lực bảo vệ không suy giảm đáng kể trong khoảng thời gian này.
Hiệu lực vaccine sau khi tiêm nhắc liều thứ hai đạt được cao hơn nếu kéo dài khoảng cách so với liều 1, đạt 81% khi khoảng cách giữa hai liều tiêm kéo dài đến 12 tuần trở lên.
Kết quả từ thử nghiệm lâm sàng cho thấy vaccine COVID-19 Vaccine Astrazeneca bảo vệ 100% khỏi nguy cơ bệnh nặng, nhập viện và tử vong do COVID-19 từ thời điểm 22 ngày sau khi tiêm liều đầu tiên.
Các phân tích cũng cho thấy, vaccine có tiềm năng giảm 2/3 nguy cơ lây truyền virus không triệu chứng. Tỷ lệ đáng kể này được xác định dựa trên các mẫu xét nghiệm phết mũi họng thu thập được hàng tuần từ các tình nguyện viên trong thử nghiệm tại Anh.
Vaccine COVID-19 AstraZeneca có thể được lưu trữ, vận chuyển và xử lý ở điều kiện lạnh thông thường (2-8°C) trong ít nhất sáu tháng, cho phép sử dụng dễ dàng trong điều kiện cơ sở y tế hiện có. Lô vaccine này được sản xuất bởi AstraZeneca thông qua chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đại sứ Anh tại Việt Nam Gareth Ward nhận định: “Vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca và Đại học Oxford là một ví dụ điển hình của nền khoa học và sự đổi mới, sáng tạo của Vương quốc Anh. Tôi rất vui vì vaccine này giờ đây đã có mặt tại Việt Nam để triển khai chương trình tiêm chủng trong nước. Khoa học và sự hợp tác sẽ giúp chúng ta đánh bại được đại dịch.”
Để đảm bảo tiếp cận rộng rãi và bình đẳng với vaccine, trong năm 2020, AstraZeneca đã xây dựng hơn mười chuỗi cung ứng tầm khu vực, vận dụng năng lực của chính công ty và phối hợp với hơn 20 đối tác để đẩy mạnh quá trình sản xuất và cung ứng vaccine.
Vaccine COVID-19 của AstraZeneca đã được cấp phép lưu hành có điều kiện hoặc phê duyệt sử dụng khẩn cấp tại hơn 50 quốc gia, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đã cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine này nhằm đẩy nhanh quá trình tiếp cận vaccine cho hơn 145 quốc gia thông qua COVAX Facility, hoạt động thu mua và cung ứng vaccine trong cơ chế "Tiếp cận toàn cầu với vaccine ngừa COVID-19 (COVAX)". (Lao động, trang 2; Thanh niên, trang 2; An ninh thủ đô, trang 3; Hà nội mới, trang 1)
Bộ trưởng Bộ Y tế: Việt Nam sẽ có 90 triệu liều vắc xin COVID-19 trong năm 2021
Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ với Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 diễn ra sáng ngày 24/2, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, trong năm 2021 Bộ Y tế đảm bảo sẽ cung cấp 90 triệu liều vắc xin
Báo cáo tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết đến sáng 24/2 Việt Nam ghi nhận 2.403 bệnh nhân, trong đó 1.760 bệnh nhân đã khỏi bệnh. Trong số các bệnh nhân đang điều trị, hiện có 2 trường hợp bệnh nhân nặng, đặc biệt bệnh nhân cao tuổi (79 tuổi là người nhập cảnh, có nhiều bệnh nền) đang rất nặng, tiên lượng khó qua khỏi. Các chuyên gia của Hội đồng chuyên môn đã nhiều lần hội chẩn quốc gia điều trị cho trường hợp này.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, đến nay 10 địa phương của đợt dịch thứ 3 này đã trải qua nhiều ngày không ghi nhận ca bệnh gồm: Hòa Bình 25 ngày, Điện Biên 20 ngày, Hà Giang 20 ngày, Bình Dương 19 ngày, Hưng Yên 17 ngày, Bắc Giang 15 ngày, Gia Lai 14 ngày, Bắc Ninh 13 ngày, TP Hồ Chí Minh 12 ngày, TP Hà Nội 9 ngày.
“Như vậy, đánh giá chung tình hình dịch trên cả nước có thể thấy rằng về cơ bản chúng ta đã kiểm soát tốt. Các địa phương đều cơ bản đã triển khai các giải pháp phòng chống dịch theo chỉ đạo của Thủ tướng, của Ban Chỉ đạo Quốc gia, của Bộ Y tế” - Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
Đối với chùm ca bệnh tại Hải Phòng, nhận định ban đầu có liên quan đến Hải Dương. Hải Phòng đã lấy gần 3.000 mẫu, trong đó có 358 trường hợp F1 và các trường hợp liên quan. Đến nay tất cả các mẫu xét nghiệm đều âm tính.
Đối với tình hình dịch tại Hải Dương, đến nay tình hình đang được kiểm soát tốt. Tốc độ lấy mẫu xét nghiệm và truy vết của Hải Dương tăng lên rõ rệt. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và Bộ Y tế không có chủ trương cho xét nghiệm tự nguyện, để tránh gây lãng phí và tốn kém. Đề nghị các địa phương thực hiện theo các văn bản chỉ đạo cụ thể vấn đề này.
Liên quan đến vấn đề giải trình tự gene của virus SARS-CoV-2 tìm thấy trong các ca mắc tại Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho hay: kết quả giải trình tự gene của trường hợp bệnh nhân Nhật Bản đã tử vong và chùm ca bệnh tại Hà Nội cho thấy đây là virus SARS-CoV-2 nhóm 20C, chủng này lưu hành chủ yếu tại Hàn Quốc, Sri Lanka, Ấn Độ, Đài Loan... nhưng không có ở Nhật Bản. Tốc độ lây nhiễm không cao, tuy nhiên mức độ tăng nặng chưa rõ ràng.
Đối với chủng lưu hành tại Hải Dương là biến chủng SARS-CoV-2 tại Anh, có một mẫu là chủng lưu hành tại Nam Phi; 8 mẫu lưu hành tại Quảng Ninh cũng là biến chủng của Anh.
“Mầm bệnh có thể vẫn còn tồn tại trong cộng đồng, do vậy cần nâng cao cảnh giác trong phòng chống dịch”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhận định
Bộ Y tế kiến nghị tiếp tục thực hiện các công tác phòng chống dịch theo Chỉ thị 05 của Thủ tướng Chính phủ, đối với TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các địa phương khác, tập trung giám sát các cơ sở y tế, bệnh nhân có biểu hiện sốt ho trong cộng đồng, các chuyên gia nước ngoài và những người nhập cảnh.
Về việc cung ứng vắc xin phòng chống COVID-19, Bộ trưởng Bộ Y tế cho hay, hiện nay vắc xin có các nguồn sau:
Thứ nhất, nguồn của COVAX Facility khoảng 30 triệu liều. Bộ Y tế đang nỗ lực đàm phán để trong năm 2021 có đủ 30 triệu liều này.
Thứ hai, nguồn vắc xin củaAstraZeneca. Ngày hôm qua (23/2) Bộ Y tế đã đàm phán lần cuối cùng với AstraZeneca và Công ty VNVC. Lô 30 triệu liều vắc xin này được Bộ Y tế mua của AstraZeneca thông qua công ty VNVC. Hôm nay và ngày mai, Bộ Y tế sẽ trình Chính phủ thực hiện theo điều 26 của Luật Đấu thầu cho mua vắc xin theo cơ chế đặc biệt để Việt Nam sớm có vắc xin.
Thứ ba, vắc xin của Pfizer. Bộ Y tế đang tiếp tục đàm phán, khả năng trong năm 2012, Pfizer sẽ cung ứng cho Việt Nam khoảng 30 triệu liều. Bộ Y tế xin chủ trương huy động xã hội hóa cho việc tiếp cận nguồn vắc xin này.
Thứ tư, vắc xin Sputnik V của Nga. Bộ Y tế đang tích cực đàm phán. Trong tuần này Bộ Y tế sẽ họp hội đồng cấp phép cho vắc xin của Nga. Nhà sản xuất thông báo có thể cung ứng cho Việt Nam khoảng 60 triệu liều.
Ngoài ra, Bộ Y tế, các tập đoàn, công ty khác không kinh doanh trong lĩnh vực y tế cũng đang thúc đẩy đàm phán với các nhà sản xuất vắc xin khác.
“Như vậy, trong năm 2021 chúng tôi đảm bảo không thiếu vắc xin. Bộ Y tế đang hết sức nỗ lực để triển khai tiêm. Có thể nói rằng, chúng ta triển khai trong đợt này là đợt tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay với trên 100 triệu liều. Bộ Y tế đang chuẩn bị khẩn trương các kịch bản, huy động tất cả đơn vị trong ngành y tế và ngoài ngành tham gia vào quá trình tiêm, để đẩy nhanh tiến độ tiêm, đảm bảo độ bao phủ”- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
Đối với vắc xin trong nước, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long thông tin các công đoạn vẫn đang theo đúng tiến độ. Dự kiến đến năm 2022, chúng ta sẽ sản xuất được vắc xin. Chúng tôi rất kỳ vọng vào việc sản xuất vắc xin của Việt Nam. Vắc xin của Nanogen sẽ thử nghiệm giai đoạn 2 trong tuần này. Vắc xin của IVAC có hiệu quả tốt.
Về đối tượng tiêm, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho hay: các nhóm được ưu tiên tiêm trước bao gồm: nhân viên y tế; nhân viên tham gia phòng chống dịch (ban chỉ đạo các cấp, nhân viên khu cách ly, phóng viên...); nhân viên ngoại giao, hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh; lực lượng quân đội; lực lượng công an; giáo viên; người trên 65 tuổi; nhóm cung cấp dịch vụ thiết yếu trong các lĩnh vực hàng không, vận tải, du lịch, cung cấp dịch vụ điện, nước...; người mắc các bệnh mãn tính; người có nhu cầu đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài; người tại vùng dịch theo chỉ định dịch tễ.
Về lộ trình cung cứng vắc xin: Quý 1, dự kiến có 1,3 triệu liều, trong đó 117.000 liều đã về ngày 24/2, số còn lại về trong tháng 3; Quý 2 dự kiến có 9,5 triệu liều và Quý 3 có 25,9 triệu liều; Quý 4 có 51,1 triệu liều. Như vậy tổng số liều là 90 triệu.
Bộ trưởng cũng thông tin 117.000 liều về đến Việt Nam hôm nay là nguồn của Astra Zeneca. Số lượng vắc xin này sẽ được tiêm cho các đối tượng là nhân viên y tế tại các cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19; tiếp đến là lực lượng biên phòng đang làm nhiệm vụ tại các chốt, lực lượng công an tại các khu vực cách ly phong tỏa, lực lượng lấy mẫu, truy vết, lực lượng phòng chống dịch thuộc các tổ COVID-19 cộng đồng, các phóng viên tác nghiệp tại khu vực có dịch... Đầu tháng 3 sẽ tiến hành tiêm số vaccine này. Cuối tháng 3 có thể thêm 1.2 triệu liều. Ưu tiên đối tượng tiêm là người có nguy cơ, vùng có nguy cơ. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3; Tiền phong, trang 2)
Hải Dương tăng tốc xét nghiệm Covid-19 ở H.Kim Thành
Ông Lưu Văn Bản, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, yêu cầu H.Kim Thành phải tập trung tối đa nhân lực, nguồn lực, cả ngày lẫn đêm đẩy nhanh hơn nữa việc lấy mẫu xét nghiệm Covid-19
Chiều 24.2, ổ dịch ở xã Kim Liên (H.Kim Thành, Hải Dương) đã phát sinh thêm 6 ca nhiễm Covid-19 mới. Không những vậy, xã Ngũ Phúc thuộc H.Kim Thành cũng trở thành điểm nóng mới vì bệnh nhân nhiễm Covid-19 ở H.Thanh Hà đã đến đây bán ổi.
Làm việc với H.Kim Thành về công tác chống dịch, ông Lưu Văn Bản, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, yêu cầu H.Kim Thành phải tập trung tối đa nhân lực, nguồn lực, cả ngày lẫn đêm đẩy nhanh hơn nữa việc lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2. Yêu cầu CDC Hải Dương phải tăng tốc xét nghiệm, trả kết quả những trường hợp ở H.Kim Thành để kịp thời truy vết, khoanh vùng. Ông Bản nhấn mạnh khi có kết quả xét nghiệm, các lực lượng phải kiên quyết đưa F1 đi cách ly tập trung và giãn cách tối đa các F trong các khu cách ly.
Ông Bản cũng phê bình nghiêm khắc Giám đốc Trung tâm y tế H.Kim Thành vì thiếu trách nhiệm trong tham mưu, tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; yêu cầu H.Kim Thành tạm thời giao Phó giám đốc Trung tâm y tế huyện này phụ trách công tác lãnh đạo, chỉ đạo chống dịch. Trước đó, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND H.Kim Thành cũng đã bị Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương phê bình do lãnh đạo, chỉ đạo chưa sâu sát cơ sở, dẫn đến không phát hiện được ca nhiễm, để xã Kim Liên trở thành ổ dịch lớn.
Tại cuộc họp trực tuyến giữa Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 diễn ra sáng 24.2, ông Lương Văn Cầu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, cho biết Hải Dương sẽ tiếp tục mở rộng xét nghiệm nhưng có trọng tâm, trọng điểm. “Việc xét nghiệm nhiều khả năng sẽ phải kéo dài, dự kiến có thể toàn tỉnh phải xét nghiệm từ 500.000 - 600.000 mẫu, kinh phí rất lớn. Nếu dịch còn kéo dài thì rất cần tiếp tục có sự quan tâm của nhà nước”, ông Cầu đề nghị.
Tại Hải Phòng, sau khi có 3 ca nhiễm Covid-19 vào ngày 22.2, Hải Phòng chưa phát sinh ca nhiễm mới. Đến hết ngày 24.2, 451 F1 đã có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính lần 1; 1.782/1.782 mẫu xét nghiệm ở thôn 4 (xã Hoàng Động, H.Thủy Nguyên, TP.Hải Phòng) và 830/830 mẫu xét nghiệm ở lô 112 khu công nhân P.Dư Hàng (Q.Lê Chân, nơi các bệnh nhân sinh sống) cũng có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính lần 1. Cơ quan chức năng TP.Hải Phòng xác định, nguồn lây của chùm ca bệnh Covid-19 vừa phát hiện ở TP.Hải Phòng là từ Hải Dương, quê bệnh nhân N.V.Q.
Nhiều bệnh nhân mắc Covid-19 ở Gia Lai có kết quả âm tính
Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 tỉnh Gia Lai ngày 24.2 cho biết, qua xét nghiệm đã có nhiều bệnh nhân Covid-19 có kết quả âm tính và đang chờ xuất viện.
Theo đó, trong số 22 bệnh nhân Covid-19 đang được cách ly, điều trị tại các cơ sở y tế của tỉnh này, có 2 bệnh nhân âm tính 5 lần; 3 bệnh nhân âm tính 3 lần; 7 bệnh nhân âm tính 2 lần; 4 bệnh nhân âm tính 1 lần. Những bệnh nhân âm tính 5 lần đang được kiểm tra lại và đang chờ xuất viện. Về cơ bản, Gia Lai đã khống chế, khoanh vùng và đã dập được dịch Covid-19 xảy ra trên địa bàn khi 14 ngày qua tỉnh này không ghi nhận thêm ca dương tính mới.
Hiện tại còn 2 khu cách ly phong tỏa gồm, làng Bôn Banh, P.Cheo Reo và tổ dân phố 6, P.Hòa Bình (TX.AYun Pa). Dự kiến ngày 25.2, tỉnh Gia Lai dỡ bỏ giãn cách xã hội cho 4 địa phương gồm: TX.Ayun Pa và các huyện: Ia Pa, Phú Thiện, Krông Pa; rút toàn bộ các lực lượng công tác phòng chống dịch Covid-19 tại 4 nơi này về tỉnh, tổ chức cách ly tập trung theo quy định để đảm bảo về sức khỏe. (Thanh niên, trang 2+3)
Chúc mừng cán bộ y tế nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2)
Nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2), sáng 24-2, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh cùng đoàn cán bộ thành phố đến thăm, chúc mừng cán bộ y tế, gia đình cán bộ y tế tiêu biểu.
Ðến thăm, chúc mừng bác sĩ Ðoàn Thúy Ba, Anh hùng Lao động, nguyên Thứ trưởng Y tế, đồng chí Nguyễn Văn Nên ân cần thăm hỏi, bày tỏ sự trân trọng, cảm ơn về những cống hiến của bác sĩ Ðoàn Thúy Ba đối với ngành y tế cũng như với sự nghiệp cách mạng của Ðảng, đất nước. Nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam, đồng chí chúc bác sĩ Ðoàn Thúy Ba luôn mạnh khỏe, trường thọ và tiếp tục truyền đạt kinh nghiệm cho các thế hệ đi sau.
Trước đó, đồng chí Nguyễn Văn Nên cùng đoàn cán bộ thành phố đến thăm, chúc mừng gia đình Mẹ Việt Nam Anh hùng Bùi Thị Mè, nguyên Thứ trưởng Y tế. Ðồng chí bày tỏ lòng tri ân, tưởng nhớ Mẹ Việt Nam Anh hùng, nguyên Thứ trưởng Y tế Bùi Thị Mè, người tiêu biểu cho thế hệ tham gia kháng chiến và có nhiều đóng góp quan trọng cho ngành y tế và đất nước. Thay mặt đoàn cán bộ thành phố, đồng chí Nguyễn Văn Nên chúc các thành viên trong gia đình nguyên Thứ trưởng Y tế luôn mạnh khỏe, tiếp tục phát huy truyền thống gia đình, kế tục sự nghiệp của Mẹ Việt Nam Anh hùng Bùi Thị Mè và các thế hệ đi trước. (Nhân dân, trang 2).