Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 25/3/2017

  • |
T5g.org.vn - Khai trương hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng; Thịt nghi bẩn từ 21 nhà máy Brazil: Chưa vào Việt Nam; 53 người cùng xã bị chó dại cắn, bé 4 tuổi tử vong; Cứu sống sản phụ mang thai ngoài tử cung nhờ báo động đỏ nội viện; Còn 30% bệnh nhân lao trong cộng đồng chưa được phát hiện; Xử phạt hành chính 22 cơ sở y tế có yếu tố nước ngoài; …

 

Khai trương hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng

Chiều 24-3, tại Hà Nội, Bộ Y tế đã khai trương hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia. Tới dự có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu.

Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá, việc khai trương hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia mang ý nghĩa lịch sử, không chỉ dành cho tiêm chủng mở rộng mà còn phục vụ việc theo dõi sức khỏe từ tuyến y tế cơ sở. Mong muốn của Nhà nước là tất cả trẻ em Việt Nam đều được chăm sóc toàn diện và tiêm chủng là một trong những chính sách để hướng tới mục tiêu này.

Được biết, hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia đang được triển khai tại 5 tỉnh, thành phố và chính thức được áp dụng trên toàn quốc từ ngày 1-6-2017. Đến ngày 1-6-2018, hơn 17 nghìn điểm tiêm chủng trên toàn quốc sẽ không sử dụng giấy. Khi một em bé chào đời sẽ được cấp mã ID riêng về tiêm chủng. Với mã ID này, bố mẹ của trẻ, cán bộ y tế có thể dễ dàng quản lý, theo dõi các mũi tiêm từ máy tính, điện thoại di động. Việc nhắc tiêm cũng sẽ được nhắn tin đến điện thoại riêng đã được đăng ký. (Hà Nội mới, trang 2)

Cùng chủ đề Báo Nông thôn Ngày nay trang 3: “Từ 1.6, trẻ đi tiêm chủng không cần giấy tờ”; Báo Nhân dân trang 8: “Khai trương hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia”; Tiền phong trang 10: “Khai trương hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia”; Báo An ninh Thủ đô trang 8: “1-6, trẻ đi tiêm chủng sẽ không cần sổ”

 

Còn 30% bệnh nhân lao trong cộng đồng chưa được phát hiện

Ngày 24-3, tại Bệnh viện Phổi Hà Nội đã diễn ra lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống lao (24-3) với chủ đề “Đoàn kết toàn dân chiến thắng bệnh lao”.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, Việt Nam hiện đứng thứ 14/30 nước có bệnh nhân lao và đứng thứ 11/30 nước có gánh nặng bệnh nhân lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới. Mỗi năm, cả nước có khoảng 130.000 người mắc lao mới, trong đó có 7.000 người mắc lao đồng nhiễm HIV, hơn 5.000 bệnh nhân lao kháng đa thuốc, gần 6% bệnh nhân lao siêu kháng thuốc.

Mặc dù đã nỗ lực không ngừng nhưng còn tới 30% bệnh nhân chưa được phát hiện bệnh. Đây là điều đáng lo ngại, bởi sẽ trở thành nguồn lây lan bệnh ra cộng đồng. (Hà Nội mới, trang 1)

 

Ba người ngộ độc nấm

Ngày 24-3, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, vừa tiếp nhận điều trị cho ba người trong một gia đình bị ngộ độc nấm. Ba người bệnh là Hà Thị C. (52 tuổi), Chu Văn M. (58 tuổi) và Chu Văn V. (30 tuổi) ở xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng, Lạng Sơn. Kết quả xét nghiệm cho thấy người bệnh bị tổn thương gan nặng và suy gan, suy thận cấp; đã được chỉ định lọc máu để hấp phụ và giải trừ chất độc; điều trị suy thận. Bên cạnh đó, Trung tâm Chống độc phối hợp Khoa Thăm dò chức năng làm thủ thuật “Dẫn lưu mật mũi” (một thủ thuật mới) để thải trừ trực tiếp chất độc từ gan qua ống mật chủ ra ngoài.

Sau một ngày điều trị tích cực và lọc máu, giải độc, tình trạng các bệnh nhân mới chỉ có đôi chút tiến triển, hai người bệnh vẫn đang trong tình trạng rất nặng, nguy cơ đe dọa tính mạng. Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc cho biết: loại nấm mà ba người bệnh này ăn phải là loại nấm gây ngộ độc chậm. Đây là loại nấm rất nguy hiểm, có thể gây tình trạng viêm gan, nhiễm độc, phá hủy tế bào gan, dẫn đến hôn mê gan. (Nhân dân, trang 5)

Cùng chủ đề Báo Hà Nội mới trang 7: “2/3 bệnh nhân ngộ độc nấm đang nguy kịch”;Báo An ninh Thủ đô trang 8: “Cả nhà nguy kịch vì ăn nhầm nấm gây ngộ độc chậm ”; Báo Thanh niên trang 5: “3 người trong gia đình nhập viện do ngộ độc nấm”

 

Xử phạt hành chính 22 cơ sở y tế có yếu tố nước ngoài

Ngày 24-3, Thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, từ đầu năm 2016 đến hết quý I-2017, đã ban hành 22 quyết định xử phạt các cơ sở y tế có yếu tố nước ngoài với tổng số tiền 1,48 tỷ đồng. Các hành vi bị xử phạt chủ yếu là: bán thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ; kinh doanh thuốc không còn nguyên vẹn bao bì; sử dụng người hành nghề không có chứng chỉ hành nghề; không niêm yết giá dịch vụ; hành nghề vượt quá phạm vi chuyên môn được phép. Một số cơ sở bị phạt ở mức cao là: Công ty TNHH Phòng khám đa khoa 575 (bị phạt 308 triệu đồng); Công ty TNHH MTV Y học cổ truyền Tâm Đức (bị phạt 185 triệu đồng); Công ty TNHH MTV Dịch vụ Y tế Thái Bình Dương (bị phạt 145 triệu đồng)...

Trên địa bàn TP Hồ Chí Minh hiện có 16 phòng khám có yếu tố nước ngoài. Phần lớn phản ánh mà người bệnh đưa ra đối với các phòng khám này là: Vẽ bệnh để thu tiền, không minh bạch với người bệnh, hù dọa để người bệnh phải theo khám nhiều lần; các phòng khám thường quảng cáo hấp dẫn, nhất là các bệnh nam khoa, phụ khoa, da liễu cho nên người bệnh rất ngại tố cáo nếu bị lừa… (Nhân dân, trang 5)

 

Thịt nghi bẩn từ 21 nhà máy Brazil: Chưa vào Việt Nam

Gần 3.000 tấn thịt từ Brazil đã nhập vào Việt Nam từ đầu năm đến nay. Một số nhà máy sản xuất thịt của Brazil bị nghi ngờ sử dụng chất có nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm và đang bị điều tra.

Siêu thị  “thề” không nhập thịt từ Brazil

Khảo sát của PV Tiền Phong tại siêu thị BigC Thăng Long (Hà Nội) ngày 24/3, không có thịt xuất xứ từ Brazil. Đại diện siêu thị Big C cho biết, từ trước đến nay, siêu thị không nhập bất kỳ loại thịt nào có xuất xứ từ Brazil. Siêu thị chủ yếu bán thịt nhập từ Mỹ, Úc.

Tại siêu thị Co.opmart (Hà Đông, Hà Nội), hàng bày bán chủ yếu được chăn nuôi và giết mổ trong nước, một số ít nhập khẩu từ Mỹ và Úc.  Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc phụ trách Co.op mart Hà Đông cho biết các siêu thị thuộc hệ thống Co.opmart từ trước đến nay không bán thịt nhập khẩu từ Brazil, sản lượng tiêu thụ chủ yếu là mặt hàng chăn nuôi trong nước. Theo bà Dung, hệ thống chỉ bán những mặt hàng nhập khẩu nào truy rõ được nguồn gốc.

“Khi nhập khẩu mặt hàng nào chúng tôi phải sang tận nước đó xem quy trình sản xuất, giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn mới nhập về bán tại hệ thống. Ngoài ra, để đảm bảo nguồn cung từ một mối và thuận tiện trong việc kiểm soát chất lượng, toàn bộ thịt của siêu thị, bao gồm thịt nhập khẩu là của nhà cung cấp Công ty CP Việt Nam Kỹ Nghệ Súc Sản  (Vissan). Tại hệ thống siêu thị của co.opmart, khách hàng có thể dùng điện thoại truy xuất ngay nguồn gốc thịt bày bán”, bà Dung nói.

Tại siêu thị Lotte Đống Đa (Hà Nội), gần cuối giờ chiều, lượng người đổ vào siêu thị ngày một đông. Trong giỏ hàng của nhiều khách hàng, mặt hàng thịt tươi sống chiếm đa số. Chị Bích Quyên (Nguyễn Lương Bằng, Đống Đa, Hà Nội) cho hay: “Mấy hôm nay nghe báo đài nói thịt bẩn từ Brazil nên tôi chủ yếu vào siêu thị mua thịt gà VietGap, thịt lợn của CP và thịt bò nhập khẩu từ Úc cho an toàn chứ không dám ra chợ mua”.

Ông Bùi Mạnh Hải, Giám đốc siêu thị Lotte Đống Đa khẳng định, siêu thị chưa bao giờ bán thịt nhập khẩu từ Brazil mà chủ yếu thịt nhập từ Úc, Mỹ. Mọi đơn vị phân phối đưa hàng vào siêu thị đều phải đầy đủ giấy tờ.

Không có lô thịt nào nhập từ 21 nhà máy bị điều tra

Ngày 24/3, Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết, đến nay, không có bất kỳ lô hàng thịt nào có nguồn gốc từ 21 nhà máy của Brazil đang bị điều tra được nhập khẩu vào Việt Nam.

Ngoài ra, Đại sứ quán Brazil tại Hà Nội khẳng định với Cục Thú y, phía Brazil đã lập tức cấm 21 nhà máy sản xuất thịt đang bị điều tra lưu hành sản phẩm thịt ra thị trường trong và ngoài nước. Cục Thú y cho biết, qua rà soát, cục chưa phát hiện lô hàng nào nhập khẩu vào nước ta có nguồn gốc từ 21 nhà máy bị điều tra.

Theo lãnh đạo Cục Thú y, sau khi có thông tin về một số nhà máy sản xuất thịt của Brazil bị nghi ngờ sử dụng chất có nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm và đang bị điều tra, Cục đã họp khẩn cấp với các cơ quan thú y cửa khẩu. Cục này yêu cầu các trạm kiểm dịch động vật cửa khẩu kiểm soát chặt, rà soát các lô hàng thịt từ Brazil nhập vào Việt Nam xem có nguồn gốc từ các nhà máy bị điều tra hay không.

Trước đó, trước thông tin nguy cơ thịt “bẩn” tuồn vào Việt Nam, Bộ NN&PTNT đã quyết định tạm ngừng nhập khẩu thịt và sản phẩm thịt gia súc, gia cầm của 21 nhà máy giết mổ, chế biến thịt của Brazil đang bị điều tra vì nghi ngờ sản xuất thịt “bẩn”, có hiệu lực ngày 23/3/2017. Bộ này cũng yêu cầu cơ quan thú y, kiểm soát chặt các lô hàng thịt được chuyển lên tàu, máy bay để vận chuyển từ Brazil về Việt Nam trước ngày 23/3.

Cục Thú y khuyến cáo người tiêu dùng, nếu có nhu cầu sử dụng thịt nhập khẩu, nên đến các siêu thị, cửa hàng…có uy tín để mua thịt. Đồng thời, người tiêu dùng cũng cần xem xét kỹ nguồn gốc thịt (thùng, kiện thịt nhập khẩu đều có nhãn mác ghi rõ ràng nguồn gốc xuất xứ thịt), tránh bị các tổ chức, cá nhân gian lận trong buôn bán.

Thịt nhập khẩu chủ yếu về  từ Mỹ, Ấn Độ,  Úc

Liên quan đến việc Bộ NN&PTNT tạm dừng nhập khẩu (NK) thịt gia súc, gia cầm từ Brazil do nguy cơ mất an toàn thực phẩm, đại diện Cục Giám sát quản lý về hải quan (thuộc Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính), cho biết đến nay đơn vị vẫn chưa nhận được văn bản cụ thể nào của Bộ NN&PTNT về việc phối hợp kiểm tra, giám sát.

“Hoạt động nhập khẩu thịt gia súc, gia cầm vẫn được thực hiện theo đúng quy định pháp luật. Riêng mặt hàng thịt gia súc, gia cầm luôn phải tăng cường kiểm dịch, kiểm soát chặt chẽ vấn đề an toàn thực phẩm. Đây là mặt hàng phải bảo quản tốt, nếu không có căn cứ và văn bản chính thức của các bộ ngành thì hoạt động xuất nhập khẩu thực hiện bình thường. Nếu tạm dừng thông quan hàng hóa không có căn cứ sẽ gây hư hỏng, thiệt hại lớn cho doanh nghiệp” – vị đại diện này nói. Được biết, thịt gia súc và gia cầm của Brazil chủ yếu nhập khẩu ở khu vực cảng biển Hải Phòng và TPHCM.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, từ đầu năm đến hết ngày 15/3, cả nước nhập khẩu 2.780 tấn thịt và phụ phẩm dạng thịt ăn được có xuất xứ từ Brazil, trị giá hơn 4 triệu USD. Trong đó, thịt và phụ phẩm khác của gà thuộc loài Gallus domesticus với tổng trọng lượng 1.540 tấn, trị giá hơn 1,5 triệu USD; tiếp theo là cánh gà thuộc loài Gallus domesticus với 770 tấn, trị giá hơn 1,4 triệu USD; các loại thịt và phụ phẩm dạng thịt khác là 470 tấn, trị giá hơn 1 triệu USD.

Cũng theo Tổng cục Hải quan tính từ đầu năm đến ngày 15/3, cả nước nhập khẩu thịt và phụ phẩm dạng thịt sau giết mổ trị giá 65 triệu USD. Hoa Kỳ là thị trường cung cấp thịt và phụ phẩm dạng thịt sau giết mổ lớn nhất cho Việt Nam với tổng giá trị nhập khẩu hơn 20 triệu USD, chiếm tỷ trọng 31,7% trị giá kim ngạch; đứng thứ hai là thị trường Ấn Độ với 15 triệu USD; chiếm tỷ trọng 23,4%; thị trường Australia đứng thứ ba với hơn 8 triệu USD, chiếm tỷ trọng 13,4%, thị trường Brazil đứng thứ tư với tỷ trọng 6,2%...

Năm 2016 cả nước nhập khẩu một lượng lớn thịt và phụ phẩm dạng thịt xuất xứ từ Brazil với 21 nghìn tấn, trị giá gần 25 triệu USD, giảm 0,1% về lượng, nhưng tăng 4,7% về trị giá so với năm 2015. (Tiền phong, trang 1)

 

Hơn 50 người bị chó cắn, Nghệ An tiêm phòng bắt buộc toàn dân

Chiều ngày 24/3, xác nhận với Tiền Phong, ông Trịnh Văn Nhã, PCT UBND huyện Thanh Chương (Nghệ An) cho biết, đã xuất hiện một ổ dịch dại tại xóm Nam Sơn, xã Thanh Mai với hàng chục người bị chó dại cắn, 1 người tử vong.

Thống kê tại xã Thanh Mai, toàn xã này hiện có tới 53 người bị chó dại cắn, tuy nhiên mới chỉ có 17 người được tiêm phòng kịp thời; số còn lại vẫn đang sử dụng thuốc Nam hoặc lơ là với dịch dại.

Theo ông Nhã, ngày 22/3 UBND huyện mới nhận được thông tin về một trường hợp tử vong do chó dại cắn là cháu Lê Việt Hoàng, 4 tuổi trú tại xóm Nam Sơn (Thanh Mai – Thanh Chương). Cháu Hoàng bị chó dại cắn cách đó gần 2 tháng (17/1) sau đó gia đình đã dùng thuốc Nam chữa trị cho đến khi bị phát dại và tử vong vào ngày 22/3.

Anh Lê Văn Dương (bố cháu Hoàng) cho biết: “Con chó cắn con tôi rồi sau đó cắn thêm một số người trong xóm, sau đó bị dân làng vây bắt, đập chết ăn thịt. Vì tin lời thầy nói, nếu tiêm phòng dịch dại sau này cháu sẽ bị giảm thông minh nên gia đình đã tìm thầy lang thuốc nam để chữa trị. Tuy nhiên, đến ngày 19/3 cháu bị lên cơn dại mới đưa xuống Bệnh viện Sản – Nhi Nghệ An cấp cứu nhưng không kịp”.

Theo tìm hiểu, dịch dại đã bùng phát tại địa phương này thời gian khá dài nhưng chính quyền cấp trên không hay biết vì người dân ngại tiêm phòng dại, tự tìm thầy lang chữa trị bằng đường thuốc Nam. “Sau khi nghe thông tin từ một vị lãnh đạo xã khác báo lên tôi trực tiếp cử anh em chuyên môn xuống kiểm tra mới đúng là ổ dịch đã nhân rộng. Ngay lập tức UBND huyện đã huy động lực lượng y tế dự phòng huyện và các xã lân cận về tiêm phòng dịch cho dân. Đến nay cơ bản ổ dịch đã được khống chế, ai bị cho dại cắn, tiếp xúc với người bị bệnh dại đều phải tiêm phòng hết, nếu không tiêm sẽ bị cưỡng chế bắt buộc”, ông Nhã cho hay.

Sở dĩ phải dùng tới biện pháp cưỡng chế tiêm phòng dịch dại với người dân là vì vùng này cơ bản thuộc miền núi, trình độ dân trí chưa hoàn toàn nhận thức đúng bản chất nguy hiểm của bệnh dại, ông Nhã cho hay.

Sáng nay, 24/3, sau khi có thông tin có nạn nhân chết bị bệnh dại, Sở y tế Nghệ An đã cử một đoàn công tác lên tại xã Nam Sơn xem xét tình hình, phối hợp với địa phương để khống chế, tuyên truyền dập tắt  ổ dịch dại. (Tiền phong, trang 15)

 

Cảnh báo tình trạng ngộ độc rượu ngâm củ ấu tàu

Khoa Hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Kạn vừa tiếp nhận 3 trường hợp bị ngộ độc do uống rượu ngâm với củ ấu tàu.

Khi chuyển đến bệnh viện, cả 3 bệnh nhân đều trong tình trạng mạch nhanh, huyết áp tụt, da tái nhợt, tê lưỡi, nôn, hoa mắt chóng mặt, đồng tử giãn... do bị ngộ độc rượu ở dạng nguy hiểm.

Qua thăm khám ban đầu, các bác sĩ xác định, 3 trường hợp trên bị ngộ độc do uống rượu ngâm củ ấu tàu. Ngay sau đó, các bệnh nhân được truyền dịch, thở oxy, dùng thuốc và tiến hành rửa dạ dày. Hiện sức khỏe các bệnh nhân đã dần hồi phục tốt. Sau khi điều trị tích cực 3-5 ngày nữa các bệnh nhân có thể ra viện.

Các bác sĩ cho biết, điều đáng nói là từ đầu năm 2017 đến nay, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Kạn đã tiếp nhận và điều trị hàng chục ca ngộ độc rượu ngâm củ ấu tàu. Theo các bác sĩ, củ ấu tàu (tiếng Tày là ấu tẩu) là rễ củ của cây ô đầu Việt Nam, tên khoa học là Aconitum fortunei. Cây thường mọc hoang ở vùng núi. Theo y học dân tộc, củ ấu tàu có vị cay tê, tính rất nóng, được dùng để chữa các chứng phong tê, chân tay nhức mỏi, tê bại, bán thân bất toại. Vì thế chỉ dùng xoa bóp dưới dạng rượu thuốc (rễ củ thái mỏng, ngâm rượu).

Tuy nhiên, trong thành phần của ấu tàu có chứa aconitin là một chất rất độc. Ngộ độc củ ấu tàu hay gặp trong trường hợp bệnh nhân tự tiện dùng thuốc mà không theo chỉ định của thầy thuốc có kinh nghiệm, một số tình huống hay gặp trên thực tế là: uống nhầm rượu xoa bóp có ngâm ấu tàu, chế biến món ăn (cháo ấu tàu, thịt hầm ấu tàu) không đúng cách… (An ninh Thủ đô, trang 8)

 

Cứu sống sản phụ mang thai ngoài tử cung nhờ báo động đỏ nội viện

Ngày 23-3, Bệnh viện (BV) An Bình vừa cấp cứu thành công một bệnh nhân mang thai ngoài tử cung, huyết áp bằng 0 nhờ quy trình báo động đỏ nội viện.

Bệnh nhân tên P.T.C.H., 28 tuổi, ở TP HCM, nhập viện chiều ngày 18-3 trong tình trạng đau bụng dữ dội, chóng mặt, mạch, huyết áp đo được bằng 0 , da xanh, niêm mạc nhạt nhợt. Sau khi thăm khám, các BS chẩn đoán bệnh nhân bị vỡ thai ngoài tử cung, choáng nặng, bị vỡ một mạch máu ở vòi trứng, ước tính lượng máu người bệnh bị mất trên 2 lít… cần phải tiến hành mổ khẩn.

Theo Bác sĩ CKII Trần Hoài Sơn, Trưởng khoa Sản BV An Bình, tình trạng bệnh nhân nguy kịch nếu thực hiện tất cả các xét nghiệm nhiều nguy cơ bệnh nhân tử vong tại chỗ. Do đó, các bác sĩ đã quyết định bật báo động đỏ nội viện, bỏ qua những động tác thường quy và tiến hành mổ khẩn cấp. Cùng với đó, thực hiện song song vừa mổ vừa xét nghiệm. Ca phẫu thuật được hoàn thành trong vòng 20 phút có sự kết hợp phương pháp gây mê hồi sức nhằm cầm máu cho bệnh nhân. Ekip phẫu thuật đã cắt vòi trứng nhưng vẫn bảo tồn buồng trứng và đảm bảo vẫn giữ được chức năng sinh sản. Hiện tại, bệnh nhân đã tỉnh táo, sinh hoạt bình thường, bụng mềm, vết mổ khô.

Các bác sĩ khuyến cáo, phụ nữ trẻ trong tuổi sinh đẻ dễ bị thai ngoài tử cung, trong đó nguyên nhân nhiều nhất là viêm nhiễm đường sinh dục. Dấu hiệu nhận biết thai ngoài tử cung gồm trễ kinh, ra huyết âm đạo bất thường và đau bụng. Người bệnh sau khi có dấu hiệu trên cần đến bệnh viện có chuyên khoa sản để thăm khám kịp thời, nếu đến trễ bệnh nhân có nguy cơ tử vong. (Sài Gòn giải phóng, trang 3)

 

53 người cũng xã bị chó dại cắn, bé 4 tuổi tử vong

Ngày 24-3, đoàn công tác của Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Nghệ An đã về xã Thanh Mai, huyện Thanh Chương kiểm tra tình hình và chỉ đạo công tác phòng chống bệnh dại sau khi nhận thông tin có 53 người trong xã này nghi bị chó dại cắn, trong đó có một bé trai 4 tuổi đã tử vong.

Trước đó, ngày 17-1, bé L.V.H. (4 tuổi, ngụ xóm Nam Sơn, xã Thanh Mai, huyện Thanh Chương) bị chó nhà cắn. Sau đó gia đình đưa bé H. đến một thầy lang ở TX Cửa Lò để chữa bệnh. Tuy nhiên đến ngày 19-3, H. lên cơn dại có các biểu hiện sốt, ăn ít, sợ nước, sợ gió… được đưa đi bệnh viện cứu chữa nhưng không qua khỏi và tử vong ngày 23-3.

Theo thống kê của Trạm y tế xã Thanh Mai, tính đến ngày 22-3 toàn xã có 53 người bị chó cắn, riêng ở xóm Nam Sơn là 40 người. Trong đó số người đã tiêm phòng là 17 người, số người chưa tiêm phòng là 36 người.

Đáng chú ý, trong số 36 người chưa tiêm có 22 người đang sử dụng thuốc Nam để chữa bệnh và cả 22 người này đều ở xóm Nam Sơn. (Tuổi trẻ, trang 3)

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang