Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 25/5/2017

  • |
T5g.org.vn - Yêu cầu rà soát việc đấu thầu mua sắm và sử dụng trang thiết bị y tế; Vụ Giám đốc Bệnh viện bổ nhiệm “thần tốc” con trai làm Phó trưởng khoa: Cần hình sự hóa sai phạm bổ nhiệm người nhà; Liên quan đến việc tiêu hủy gần 20 nghìn viên thuốc đặc trị ung thư: Thủ tục hành chính còn rườm rà; Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2017: Xử phạt nghiêm minh, hiệu quả rõ nét; ...

 

Yêu cầu rà soát việc đấu thầu mua sắm và sử dụng trang thiết bị y tế

Chiều 24-5, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế (Bộ Y tế) Nguyễn Minh Tuấn đã ký văn bản khẩn gửi Sở Y tế các tỉnh/thành phố (gồm có Hải Phòng, Cần Thơ, Bình Dương, An Giang, Kon Tum, Đắk Nông, Gia Lai), yêu cầu làm rõ thông tin về hiệu quả đầu tư trang thiết bị y tế. Theo văn bản nói trên, tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIV, Kiểm toán Nhà nước đã tổng hợp kết quả và báo cáo Quốc hội các nội dung về quyết toán Ngân sách Nhà nước năm 2015 trên nhiều lĩnh vực. Về chuyên đề công tác đầu tư, mua sắm, quản lý và sử dụng trang thiết bị y tế năm 2015, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện nhiều sai phạm. Đáng lưu ý là việc phê duyệt giá kế hoạch giữa các bệnh viện hầu hết là khác nhau đối với một loại vật tư, hóa chất của cùng một nhà cung cấp; có sự chênh lệch rất lớn giữa giá được phê duyệt cao nhất và thấp nhất. Về quản lý, sử dụng trang thiết bị y tế là tài sản cố định, kết quả kiểm toán cho thấy, một số đơn vị sử dụng trang thiết bị y tế kém hiệu quả do xác định nhu cầu mua sắm chưa phù hợp với điều kiện cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực. Ngoài ra, theo Kiểm toán Nhà nước, một số đơn vị có thiết bị chưa hết thời gian tính hao mòn nhưng đã bị hỏng, không sử dụng được. Thậm chí, tại một số tỉnh, thành phố như Hải Phòng, Bình Dương, Đắk Nông, Gia Lai, An Giang, Kon Tum, Cần Thơ, Kiểm toán Nhà nước còn phát hiện nhiều thiết bị y tế được mua về với giá hàng tỷ đồng nhưng phải… cất kho.

Để làm rõ sự việc nêu trên và kịp thời chấn chỉnh công tác quản lý đầu tư mua sắm và tăng cường hiệu quả sử dụng trang thiết bị y tế, Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế đề nghị các Sở Y tế nêu trên kiểm tra, chỉ đạo rà soát, đánh giá thực trạng quản lý, đấu thầu mua sắm và khai thác sử dụng trang thiết bị y tế (gồm thiết bị, hóa chất, vật tư tiêu hao y tế) tại đơn vị mình. Mặt khác, Vụ cần làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tập thể có liên quan, kịp thời chấn chỉnh, xử lý sai phạm (nếu có). Đặc biệt, các đơn vị cần lập bảng tổng hợp các trang thiết bị được nêu trong kết luận của Kiểm toán Nhà nước (bao gồm tên thiết bị, hãng/nước sản xuất, năm sản xuất, năm đưa vào sử dụng, nguồn vốn đầu tư, tình trạng thời điểm kiểm toán, tình trạng hiện tại, đánh giá hiệu quả khai thác). Giám đốc các Sở Y tế khẩn trương chỉ đạo triển khai các nội dung nêu trên và gửi báo cáo về Bộ Y tế trước ngày 31-5 (Hà Nội mới, trang 2; Tiền phong, trang 6; Sài Gòn giải phóng, trang 1; Tuổi trẻ, trang 3).

 

Vụ Giám đốc Bệnh viện bổ nhiệm “thần tốc” con trai làm Phó trưởng khoa: Cần hình sự hóa sai phạm bổ nhiệm người nhà

Thông tin Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Thanh Bình (tỉnh Đồng Tháp) bổ nhiệm con trai giữ chức phó khoa sau chưa đến 6 tháng công tác khiến dư luận đang rất bất bình. Bên lề Quốc hội chiều 24-5, ĐBQH Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội đã trả lời phỏng vấn Báo ANTĐ về vấn đề này. - Thời gian gần đây, liên tiếp những vụ việc liên quan đến bổ nhiệm cán bộ được phanh phui tại nhiều địa phương. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

Việc bổ nhiệm cán bộ thần tốc trái quy định, bổ nhiệm người nhà, hay “cả họ làm quan” là câu chuyện không còn hiếm ở nhiều địa phương. Nếu không có chế tài đủ mạnh thì chắc chắn những vụ như ở Đồng Tháp sẽ còn tiếp tục diễn ra, không bao giờ dừng.

Chúng ta không phủ nhận có chuyện “hổ phụ sinh hổ tử” nhưng nó phải đặt trong một nền chính trị minh bạch, một nền giáo dục trong sáng, ý thức tự tôn pháp luật cao và căn cứ vào phẩm chất của người đó. Còn như ở ta, bổ nhiệm người nhà vừa qua là lạm dụng quy trình, bất chấp quy định để đưa người nhà, người thân vào nhằm trục lợi, đặc biệt là các vị trí quan trọng về kinh tế, ban phát vật chất.

Có một thực tế là ở các vụ bổ nhiệm người nhà, đối tượng có sai phạm vẫn cứ nói là đã làm đúng quy trình. Nhưng cái quan trọng là nhân sự đặt vào trong cái quy trình đó không đạt yêu cầu, không đúng. Chứ như một ông vừa về công tác chưa đến 6 tháng đã bổ nhiệm lên phó khoa tại bệnh viện, rõ ràng có vấn đề.

Theo ông, liệu có cần các biện pháp xử lý mạnh hơn?

Nhìn lại những hành vi vi phạm trong các vụ bổ nhiệm người nhà vừa qua, tôi thấy đều đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Về mặt chủ thể, những người bổ nhiệm người nhà là những người có chức vụ. Về mặt chủ quan, đó là hành vi cố ý vi phạm quy trình công tác cán bộ. Về mặt khách thể, đó là hành vi xâm phạm trật tự quản lý nhà nước, cố ý làm sai khi sử dụng quyền lực của nhân dân, hậu quả gây ra rất lớn, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và Nhà nước. Vì thế, chúng ta không thể giáo dục bằng chính trị tư tưởng được, không thể lấy quy phạm về đạo đức để xử lý, điều chỉnh vi phạm về pháp luật như vậy.

Hôm nay, Quốc hội thảo luận về Bộ luật Hình sự, tôi muốn đặt câu hỏi là tại sao trong bộ luật này hiện vẫn không có quy định nào về việc hình sự hóa những sai phạm trong bổ nhiệm người nhà, bổ nhiệm cán bộ trái quy định. Các hành vi vi phạm về công tác cán bộ thời gian qua diễn ra rất gay gắt, dư luận phẫn nộ. Vì vậy, tôi tha thiết phải đưa hành vi này vào Bộ luật Hình sự, có hình phạt nặng tay (An ninh Thủ đô, trang 3). 

 

Liên quan đến việc tiêu hủy gần 20 nghìn viên thuốc đặc trị ung thư: Thủ tục hành chính còn rườm rà

Liên quan đến việc Thanh tra TP Hồ Chí Minh công bố kết luận kiểm tra tại kho thuốc Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TP Hồ Chí Minh (đến ngày 31-12-2015) còn tồn gần 20 nghìn viên thuốc Tasigna 200mg đã hết hạn sử dụng từ tháng 5-2015, có giá trị gần 14 tỷ đồng buộc phải tiêu hủy, bên hành lang Quốc hội ngày 24-5, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi bày tỏ: Việc phải tiêu hủy gần 20 nghìn viên thuốc đặc trị ung thư có nguyên nhân khách quan và chủ quan. Đầu tiên có 200 người bị ung thư máu điều trị ở bệnh viện, khi làm kế hoạch để xin tài trợ, chỉ có 50 người đăng ký dùng loại thuốc này và khi đưa thuốc về chỉ có 26 người dùng. Như vậy, bệnh viện đã xác định kế hoạch không chuẩn. Thêm nữa, khi thuốc gần hết hạn sử dụng, bệnh viện không báo cáo kịp thời với các cơ quan chức năng, xin chủ trương điều chuyển để sử dụng có hiệu quả. Đến khi có lệnh tiêu hủy, lại do điều kiện khách quan, vẫn giữ thuốc trong kho. Đại biểu Bùi Sỹ Lợi cho rằng thủ tục hành chính tiếp nhận số thuốc này còn kéo dài. Cụ thể, thuốc được sản xuất từ tháng 6-2013, có thời hạn sử dụng trong 23 tháng. Tháng 7-2013, bệnh viện bắt đầu làm thủ tục nhận thuốc. Sau hơn 9 tháng, trải qua nhiều khâu, về đến cảng, thuốc chỉ còn thời hạn sử dụng 10 tháng và về đến kho của bệnh viện còn thời hạn sử dụng 8,5 tháng. 

Đại biểu nhận định, không phải bệnh viện vô cảm mà do thủ tục hành chính quá rườm rà. Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội sẽ có văn bản báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đề nghị Bộ Y tế phải xử lý các bước, bảo đảm các thủ tục hành chính đơn giản, công khai, minh bạch hơn nữa nhằm hạn chế lãng phí (Hà Nội mới, trang 2).

 

Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2017: Xử phạt nghiêm minh, hiệu quả rõ nét

Ngày 24-5, UBND thành phố đã tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2017 (diễn ra từ ngày 15-4 đến 15-5). Tại hội nghị, các ý kiến cho rằng, Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm nay đã mang lại hiệu quả rõ nét, thể hiện vai trò quản lý của cơ quan chức năng, việc thanh, kiểm tra các cơ sở được thực hiện nghiêm túc và xử phạt nghiêm minh, kịp thời đối với hành vi vi phạm. Xử phạt nghiêm minh, kịp thời Theo báo cáo kết quả triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2017, toàn thành phố đã thành lập 657 đoàn thanh, kiểm tra, trong đó thành phố có 13 đoàn; quận, huyện, thị xã 60 đoàn và xã, phường, thị trấn 584 đoàn. Qua kiểm tra hơn 22.300 cơ sở (tăng hơn 450 cơ sở so với năm 2016), có 18.400 cơ sở đạt tiêu chuẩn, chiếm 82,4%. Số cơ sở vi phạm là 3.587, trong đó có 1.236 cơ sở bị xử lý vi phạm hành chính, giảm 97 cơ sở so với cùng kỳ năm 2016, với số tiền phạt hơn 5,3 tỷ đồng. Kết quả xét nghiệm nhanh cho thấy, có 16.743/19.781 mẫu thực phẩm bảo đảm an toàn, chiếm 84,7%. 

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung cho rằng, UBND các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn đã triển khai đầy đủ, đúng với chủ đề “Sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm tươi sống an toàn, kiểm soát rượu, phòng tránh ngộ độc rượu” mà Tháng hành động vì an toàn thực phẩm đề ra. Công tác thanh, kiểm tra cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm được tiến hành đồng loạt, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các đoàn, hạn chế tối đa sự chồng chéo, xử phạt nghiêm minh, kịp thời. Lãnh đạo UBND các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn cũng trực tiếp đi kiểm tra các cơ sở, chỉ đạo xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm. 
“Trước khi diễn ra Tháng hành động vì an toàn thực phẩm, Hà Nội đã xảy ra 29 trường hợp ngộ độc rượu methanol. Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm, trên địa bàn toàn thành phố không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm, không có ca ngộ độc rượu” - ông Trần Văn Chung nhấn mạnh. Tuy nhiên, theo ông Chu Xuân Kiên, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, việc kiểm soát thực phẩm tươi sống, nhất là kinh doanh rượu thủ công, rượu pha chế còn gặp nhiều khó khăn. Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã thu giữ số lượng lớn rượu nấu thủ công không nguồn gốc. Qua kiểm tra còn phát hiện nhiều hộ bán rượu không đăng ký kinh doanh, không có giấy phép sản xuất rượu, men rượu không bảo đảm an toàn, quá trình nấu rượu không tuân thủ đúng quy chuẩn… Đồng quan điểm trên, Thượng tá Phùng Quang Hiển, Phó Trưởng phòng Cảnh sát Môi trường (Công an TP Hà Nội) cho biết, qua điều tra gần 5.000 cơ sở sản xuất rượu, chỉ có 5 cơ sở có giấy phép kinh doanh. Do đó, cơ quan chức năng của thành phố cần tăng cường công tác tuyên truyền, đề cao trách nhiệm của chính quyền địa phương trong đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra các cơ sở sản xuất rượu thủ công, đồng thời phát huy vai trò của quần chúng nhân dân trong việc tố giác cơ sở vi phạm. Ngoài ra, việc thiếu kho bảo quản tang vật vi phạm cũng gây khó cho công tác xử lý vi phạm. Vì vậy, mỗi quận, huyện, thị xã cần bố trí kho bảo quản tang vật thu giữ trong quá trình thanh, kiểm tra an toàn thực phẩm để đáp ứng được yêu cầu. “Bộ luật Hình sự năm 1999, tại Điều 244 quy định, hình phạt thấp nhất là 1 năm tù, cao nhất là 15 năm tù cho tội vi phạm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, tình tiết như thế nào là gây thiệt hại nghiêm trọng, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng chưa được cụ thể hóa. Vì vậy, việc xử lý vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm hiện nay chủ yếu là xử phạt hành chính” - Thượng tá Phùng Quang Hiển cho hay.

PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đánh giá, Hà Nội là một trong những địa phương thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo, kế hoạch của trung ương đề ra trong vấn đề quản lý an toàn thực phẩm. Ông Phong đồng tình với các kiến nghị của Hà Nội về việc cần sớm hoàn thiện, thông qua Bộ luật Hình sự (sửa đổi) để có chế tài đủ răn đe đối với các hành vi vi phạm an toàn thực phẩm. Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Hà Nội, kịp thời tháo gỡ những khó khăn trong quản lý an toàn thực phẩm.

Phát biểu chỉ đạo, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu ghi nhận sự cố gắng của các cấp, các ngành và địa phương trong lĩnh vực quản lý an toàn thực phẩm thời gian qua. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu cho rằng, trước những kết quả đã đạt được các cấp, các ngành không được chủ quan. Dù Tháng hành động vì an toàn thực phẩm đã kết thúc nhưng các sở, ban, ngành, các địa phương cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức và công tác thanh, kiểm tra về an toàn thực phẩm, bởi đây là việc làm lâu dài, bền bỉ, cần sự vào cuộc kiên trì. Ngoài việc khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích tốt trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, tới đây, thành phố sẽ khen thưởng cả những công dân phát hiện, tố giác những cơ sở vi phạm (Hà Nội mới, trang 6).

 

Làm rõ vụ bệnh nhân bị biến chứng sau phẫu thuật nâng ngực

Chiều 24-5, Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có Công văn khẩn số 667/KCB-HN gửi Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, đề nghị khẩn trương làm rõ thông tin báo chí phản ánh về việc bà Ngô Ngọc L. (ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) bị biến chứng sau khi thực hiện phẫu thuật nâng ngực và nâng mũi tại Bệnh viện CK phẫu thuật thẩm mỹ Kim Cương A&B. Cục Quản lý khám chữa bệnh đề nghị Sở Y tế Hà Nội kiểm tra các điều kiện hoạt động của bệnh viện trên, đồng thời yêu cầu bệnh viện quan tâm, hỗ trợ gia đình bà Ngô Ngọc L. trong quá trình chăm sóc, điều trị. Ngoài ra, Sở Y tế Hà Nội cần tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, tuyên truyền về pháp luật và yêu cầu các cơ sở y tế thực hiện nghiêm việc khám, chữa bệnh theo đúng quy định. Sở Y tế báo cáo kết quả xử lý sự việc về Bộ Y tế trước ngày 26-5. Cuối giờ chiều 24-5, trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Nguyễn Việt Cường, Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết, dù không nhận được đơn thư phản ánh của bệnh nhân nhưng đoàn thanh tra Sở Y tế đã làm việc với bệnh viện. Qua kiểm tra cho thấy bệnh viện hoạt động với đầy đủ giấy tờ cần có theo quy định. 

Phía bệnh viện cho biết, để bảo đảm khách quan, nếu bệnh nhân L. có yêu cầu, bệnh viện sẵn sàng mời bác sĩ chuyên khoa độc lập xem xét, đánh giá chính xác tình trạng sức khỏe và chịu các chi phí liên quan tới việc này. Đoàn thanh tra đề nghị bệnh viện tiếp tục theo dõi, chăm sóc và điều trị cho bà L. theo đúng quy chế chuyên môn (Hà Nội mới, trang 7; Sài Gòn giải phóng, trang 11; Gia đình & Xã hội, trang 2).

 

Để thuốc nội không thua trên “sân nhà”!

Sau 4 năm triển khai thực hiện, Đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” giai đoạn 1 (từ năm 2012 đến 2016) đã có tác động tích cực đến tâm lý tiêu dùng của người dân. Tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước tại các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến tỉnh và huyện đã tăng. Tuy nhiên, tại tuyến trung ương, thuốc nội vẫn chưa khẳng định được "chỗ đứng". Vậy phải làm gì để thuốc nội không thua ngay trên sân nhà và người bệnh không quay lưng với thuốc Việt?

“Sính” thuốc ngoại...

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Hànộimới tại một số cửa hàng thuốc bán lẻ, nhà thuốc bệnh viện, phòng khám tư..., thuốc nội dù chất lượng tốt, giá thành hợp lý nhưng vẫn rất chật vật, khó khăn khi cạnh tranh với thuốc ngoại để giành chỗ đứng trên thị trường cũng như trong suy nghĩ người bệnh. Ngay tại một hiệu thuốc trên đường Giải Phóng (đối diện Bệnh viện Bạch Mai), dù được dược sĩ tư vấn một loại thuốc sản xuất trong nước để trị cảm cúm, nhức đầu nhưng người mua vẫn yêu cầu được mua thuốc ngoại với giá cao gấp ba lần. 

Không chỉ người dân, ngay cả "người trong cuộc" là bác sĩ cũng “sính” thuốc ngoại. Cầm sổ khám bệnh của con trai 3 tuổi, chị Nguyễn Thu Thủy (xã Đông Dư, huyện Gia Lâm) cho chúng tôi xem, trong 6 lần khám bệnh có duy nhất một lần bác sĩ kê kháng sinh nội. “Lần nào khám cũng vậy, kể cả phòng khám tư và bệnh viện công, cháu đều phải uống thuốc kháng sinh, thuốc chống viêm do nước ngoài sản xuất. Chỉ lần khám gần đây nhất, bác sĩ kê đơn thuốc kháng sinh nội, với chi phí rẻ bằng 1/3 đơn thuốc ngoại và cũng uống trong 5 ngày, cháu vẫn khỏi bệnh” - chị Thủy chia sẻ.

Tại hội nghị tổng kết giai đoạn 1 và phát triển giai đoạn 2 Đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” vừa được Bộ Y tế tổ chức, TS Trần Viết Tiệp, Giám đốc Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển (Uông Bí, Quảng Ninh) cho rằng, thuốc nội có nhiều loại rất tốt, hiệu quả chữa bệnh cao. Điều quan trọng là giá thành các loại thuốc do doanh nghiệp trong nước sản xuất phù hợp với mức chi trả của người dân, rẻ hơn từ 4 đến 10 lần so với thuốc biệt dược gốc. Thế nhưng các bác sĩ vẫn “băn khoăn” khi kê đơn thuốc nội.

Kết quả triển khai Đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” giai đoạn 1 (từ năm 2012 đến 2016) cũng cho thấy, tỷ lệ thuốc nội được sử dụng tại bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện đã tăng. Song, tỷ lệ thuốc sản xuất trong nước được sử dụng ở bệnh viện tuyến trung ương lại thấp hơn mục tiêu đề ra và có xu hướng giảm. Cụ thể, năm 2013, tỷ lệ này là 11,57%; đến năm 2014 là 11,31% và năm 2015 giảm còn 10,02%. Cá biệt, tỷ lệ sử dụng thuốc nội tại các bệnh viện lớn như Bạch Mai, K, Phụ sản trung ương, Bệnh nhiệt đới trung ương, Viện Lão khoa quốc gia… còn ở mức dưới 5%.

Tạo lòng tin qua chất lượng sản phẩm 

Lý giải vì sao thuốc nội bị “lép vế” trên sân nhà, bà Phạm Thị Việt Nga, Tổng Giám đốc Công ty Dược phẩm Hậu Giang cho rằng, tỷ lệ sử dụng thuốc nội ở bệnh viện tuyến trung ương còn thấp vì nơi đây chủ yếu tiếp nhận bệnh nhân nặng phải dùng thuốc đặc trị. Trong khi đó, thuốc nội chưa có nhiều nhóm thuốc đặc trị, chuyên sâu. Mặc dù vậy, muốn tăng tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước tại các bệnh viện, hoàn toàn có thể làm được. “Với triệu chứng sốt thông thường của người bệnh, bệnh viện chỉ cần sử dụng thuốc hạ sốt trong nước sản xuất là đã hiệu quả. Vấn đề đặt ra là, làm sao để bác sĩ có niềm tin vào chất lượng thuốc nội” - bà Phạm Thị Việt Nga đặt vấn đề.

Theo ông Trần Túc Mã, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Traphaco, không ít sản phẩm thuốc nội của công ty đạt danh hiệu “Ngôi sao thuốc Việt” và được bán khá tốt trên thị trường, nhưng tại các bệnh viện thì còn hạn chế. Nguyên nhân do việc đấu thầu thuốc còn nặng về giá, chưa có phân loại đấu thầu xếp hạng cho những sản phẩm nổi trội trên thị trường về chất lượng, đánh đồng về yếu tố kỹ thuật. Để tạo ra một sản phẩm tốt, doanh nghiệp phải chi phí đầu tư cho dây chuyền sản xuất rất lớn, từ chuẩn hóa nguyên liệu đầu vào, nghiên cứu khoa học đến bảo đảm hệ thống quản lý chất lượng toàn diện, đồng bộ. Đặc biệt, để thuốc nội vào được bệnh viện tuyến cuối, là nơi điều trị bệnh nhân nặng, các doanh nghiệp dược trong nước càng phải hướng đến tiêu chuẩn cao hơn nữa, khiến doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Trong giai đoạn 2, mục tiêu của Đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” đặt ra là: Tỷ lệ sử dụng thuốc nội chiếm 30% tại các bệnh viện tuyến trung ương, 50% ở bệnh viện tuyến tỉnh và 75% ở bệnh viện tuyến huyện vào năm 2020. 

Để đạt mục tiêu này, ông Nguyễn Tất Đạt, Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) khẳng định, thời gian tới, Bộ sẽ chú trọng chỉ đạo các cơ sở y tế nêu cao y đức, thực hiện nghiêm túc các quy định về kê đơn, sử dụng thuốc sản xuất trong nước thông qua ký cam kết. Mặt khác, Bộ cũng yêu cầu các cơ sở y tế ưu tiên thuốc nội trong quá trình đấu thầu, sử dụng, lựa chọn thuốc để điều trị cho bệnh nhân. Ngoài ra, Bộ Y tế sẽ giám sát, hỗ trợ các doanh nghiệp dược trong nước nâng cao chất lượng thuốc nội... Còn nhiệm vụ của các doanh nghiệp dược là phải tạo được lòng tin với người dân qua việc thông tin chính xác về thuốc sản xuất, công khai giá bán, đặc biệt là bằng chứng về hiệu quả điều trị. Đây là cách tốt nhất để kêu gọi người dân sử dụng thuốc nội mỗi khi phải dùng thuốc (Hà Nội mới, trang 1).

 

Bất hợp lý, lãng phí trong đầu tư, mua sắm và sử dụng trang, thiết bị y tế

Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015 chuyên đề công tác đầu tư, mua sắm, quản lý và sử dụng trang, thiết bị y tế (TTBYT) đã phát hiện ra tình trạng lãng phí trong mua sắm trang, thiết bị, vật tư, hóa chất phục vụ công tác khám, chữa bệnh.

Theo đó, về công tác đấu thầu, chưa ban hành các văn bản quy định cụ thể về đấu thầu TTBYT, nhất là công tác xây dựng, phê duyệt kế hoạch đấu thầu mua sắm hóa chất, vật tư tiêu hao còn nhiều bất cập: chưa phân nhóm vật tư, hóa chất theo chủng loại, tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp với loại dịch vụ y tế; chưa xây dựng bộ dữ liệu giá trúng thầu của các mặt hàng hóa chất, vật tư tiêu hao trong cả nước để cung cấp cho các cơ sở y tế căn cứ xây dựng giá kế hoạch. Phê duyệt giá kế hoạch giữa các bệnh viện hầu hết là khác nhau cho một loại vật tư, hóa chất của cùng một nhà cung cấp và có sự chênh lệch rất lớn giữa giá được phê duyệt cao nhất và thấp nhất. Đối với vật tư tiêu hao, có loại gấp 6, 7 lần (một cái kim cánh bướm tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức 1.090 đồng, tại Bệnh viện Chợ Rẫy 7.350 đồng). Đối với hóa chất, có loại gấp 5, 8 lần (một hộp Series Retic Pak reagen kit, 1x380ml+1.900ml tại Viện Huyết học Truyền máu T.Ư 16.718.000 đồng, tại Bệnh viện Thống nhất 2.874.375 đồng); gấp 3,1 lần (một hộp Cleaning Solution (Clean A), 1x500ml tại Bệnh viện Chợ Rẫy 1.597.000 đồng, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức 5.067.000 đồng).

Qua kiểm tra, kết quả kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015 cho thấy, việc xây dựng giá kế hoạch mua sắm căn cứ theo chứng thư thẩm định giá đối với những mặt hàng không cần phải thẩm định giá và không xem xét đến trường hợp một số nhà thầu báo giá thấp hơn giá thẩm định. Cá biệt, qua kiểm toán phát hiện gói thầu gây thiệt hại 10,77 tỷ đồng và Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước.

Về quản lý, sử dụng TTBYT là tài sản cố định, qua kiểm toán tại Bộ Y tế cho thấy một số đơn vị sử dụng TTBYT kém hiệu quả do xác định nhu cầu mua sắm chưa phù hợp với điều kiện cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực. Sự việc này diễn ra tại các bệnh viện như: Lão khoa T.Ư, Răng hàm mặt T.Ư thành phố Hồ Chí Minh, Hữu nghị Việt Đức, Mắt T.Ư, Tai mũi họng T.Ư, Da liễu T.Ư. Một số đơn vị có thiết bị chưa hết thời gian tính hao mòn nhưng đã bị hỏng, không sử dụng được như tại Bệnh viện đa khoa T.Ư tỉnh Thái Nguyên: Máy theo dõi trẻ em S510 Colin, máy đo độ tập trung tuyến giáp, máy X-Quang Tăng sáng Siemens, máy theo dõi nhi khoa; Bệnh viện Răng hàm mặt T.Ư Hà Nội: Nồi hấp tiệt trùng; Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư: Hệ thống tagMan PCR-Roche, hệ thống máy chụp XQ cao tần, hệ thống XQ kỹ thuật số Konica...; Bệnh viện C Đà Nẵng; Bệnh viện Da liễu T.Ư.

Kết quả kiểm toán tại 11 tỉnh, thành phố cho thấy có 1.225 trang, thiết bị hỏng hoặc hiệu quả sử dụng thấp với nguyên giá 371,836 tỷ đồng. Trong đó, số trang, thiết bị hỏng không khắc phục được là 649 (68,554 tỷ đồng); trang, thiết bị hỏng chưa được sửa chữa là 120(151,763 tỷ đồng); trang, thiết bị chưa hoặc ít sử dụng là 456 (151,519 tỷ đồng).

Đáng chú ý, có nhiều thiết bị được đầu tư mới nhưng chậm đưa vào sử dụng hoặc mới đưa vào sử dụng đã hỏng. Như tại thành phố Hải Phòng, Trung tâm y tế dự phòng có hai thiết bị (lò nung, tủ hút an toàn hóa học) được dự án ADB thuộc Cục Y tế Dự phòng cấp năm 2011 đến thời điểm kiểm toán vẫn để trong phòng làm việc và sử dụng làm tủ đựng tài liệu. Tại TP Cần Thơ, Bệnh viện đa khoa quận Thốt Nốt có một máy phân tích huyết học tự động Model MS9-3s (bàn giao tháng 12-2014); Bệnh viện đa khoa Cần Thơ có một máy XQ đo loãng xương (từ nguồn dự án ODA, bàn giao năm 2009) đều đã lỗi, hỏng từ khi đưa vào sử dụng, hiện đang tồn kho. Tại tỉnh Bình Dương có 34 thiết bị của Trung tâm y tế thị xã Bến Cát, thị xã Thuận An được cấp mới từ những năm 2010 nhưng chưa được sử dụng do không phù hợp hoặc không có nhu cầu. Tại tỉnh An Giang có 133 thiết bị của chín trung tâm y tế chưa đưa vào sử dụng từ nguồn đầu tư mua sắm của dự án xây dựng trung tâm y tế huyện và dự án do Bộ Y tế cấp phát. Tại tỉnh Kon Tum, lò đốt rác thải y tế của Bệnh viện đa khoa tỉnh không hoạt động được do công nghệ lò đốt không bảo đảm các điều kiện về môi trường. Tại tỉnh Đác Nông, Sở Y tế có hai kính hiển vi hai mắt hiệu Olympus CX22LED nằm trong bộ dụng cụ, thiết bị phục vụ nuôi cấy, soi và phân lập vi khuẩn, một máy phân tích sinh hóa tự động 35 thông số hiệu Global 240 (giá mua 850 triệu đồng) chưa sử dụng từ khi nhận bàn giao, vẫn đang để trong kho.Tại tỉnh Gia Lai, một số trang, thiết bị được cấp về nhưng thực tế bệnh viện không có nhu cầu sử dụng cho nên phải trả lại Sở Y tế (Bệnh viện Lao và Bệnh phổi).

Kiểm toán Nhà nước cho rằng, Bộ Y tế cũng như hầu hết các địa phương được kiểm toán chưa xây dựng kế hoạch trung hạn và dài hạn về đầu tư mua sắm TTBYT để làm căn cứ xác định nhu cầu mua sắm trang thiết bị hằng năm. Bộ Y tế chưa có hướng dẫn, quy định đối với hoạt động liên doanh, liên kết theo hình thức đặt máy bán hóa chất xét nghiệm chỉ để bán hóa chất cho nên trong công tác quản lý còn nhiều bất cập. Về công tác đấu thầu, chưa ban hành các văn bản quy định cụ thể về đấu thầu trang, thiết bị y tế, nhất là công tác xây dựng, phê duyệt kế hoạch đấu thầu mua sắm hóa chất, vật tư tiêu hao còn nhiều bất cập.

Ngày 24-5, Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế (Bộ Y tế) có công văn yêu cầu 12 viện, bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và sở y tế bảy tỉnh, thành phố báo cáo hoặc yêu cầu các đơn vị trực thuộc báo cáo về hiệu quả đầu tư trang, thiết bị y tế sau khi Kiểm toán Nhà nước có báo cáo chuyên đề công tác đầu tư, mua sắm, quản lý và sử dụng trang, thiết bị y tế năm 2015. Các đơn vị rà soát, kiểm tra, đánh giá thực trạng việc tổ chức quản lý, đấu thầu mua sắm và khai thác sử dụng trang, thiết bị y tế (thiết bị và hóa chất, vật tư tiêu hao y tế); giải trình và làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tập thể có liên quan, kịp thời chấn chỉnh, xử lý sai phạm nếu có; đề xuất giải pháp tăng cường quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả đầu tư, sử dụng trang, thiết bị y tế trong thời gian tới; khẩn trương chấn chỉnh, có phương án khắc phục các nội dung theo kết luận của kiểm toán Nhà nước (Nhân dân, trang 8).

 

Chủ tịch tỉnh Đồng Tháp chỉ đạo làm rõ vụ giám đốc bệnh viện bổ nhiệm con trai "thần tốc"

Sau khi Báo Lao Động phản ánh vụ Giám đốc Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) huyện Thanh Bình, Đồng Tháp ký quyết định bổ nhiệm con trai ruột một cách "thần tốc", sáng nay (24.5), Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương đã có văn bản yêu cầu Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và các đơn vị có liên quan kiểm tra, xác minh làm rõ vụ việc này. Nếu có sai phạm phải kiên quyết xử lý trách nhiệm, báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh trước ngày 10.6 (kèm theo công văn này là những bài viết phản ánh của Lao Động)…

Cũng trong sáng cùng ngày, ông Đào Anh Hải - Chánh Văn phòng, người phát ngôn Sở Y tế Đồng Tháp - đã có buổi làm việc với một số cơ quan báo chí về vụ việc Giám đốc BVĐK huyện Thanh Bình bổ nhiệm "thần tốc" con trai ruột.

Ông Hải cho biết: Hôm qua (23.5), sau khi Báo Lao Động (và một số báo khác) đăng bài phản ánh vụ việc; ngay lập tức, Ban giám đốc Sở đã chỉ đạo thành lập đoàn gồm Thanh tra sở và bộ phận tổ chức cán bộ đến BVĐK Thanh Bình để xác minh, làm rõ vụ việc. “Hiện đoàn thanh tra đang trong quá trình làm việc, khi có kết luận chính thức, chúng tôi sẽ thông tin cụ thể đến báo chí và dư luận”, ông Hải nói (Lao động, trang 2; Thanh niên, trang 4; Tuổi trẻ, trang 3).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang