Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 25/5/2021

  • |
T5g.org.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính: Quyết liệt thực hiện chiến lược vắc xin; Tạm ngưng quảng cáo tour đi Mỹ tiêm vaccine; Bộ trưởng Bộ Y tế: Dịch sẽ diễn biến phức tạp, kéo dài; Công nhân KCN phải khai báo y tế; Giãn cách tại các chợ ở TPHCM để phòng chống dịch COVID-19; Chưa rõ nguồn lây ở 'ổ dịch' tại Times City, tập đoàn T&T

 

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Quyết liệt thực hiện chiến lược vắc xin

Chiều 24/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ với một số bộ, ngành về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong bối cảnh dịch COVID-19 đã lây lan nhanh, nhất là tại một số khu công nghiệp. Báo cáo tình hình dịch bệnh, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, đợt dịch lần thứ 4 có diễn biến phức tạp hơn và khả năng sẽ kéo dài hơn các đợt dịch trước. Mặc dù vậy, ông Long cho biết, đợt dịch thứ 4 này vẫn đang được kiểm soát do hầu hết các trường hợp mắc mới đã xác định được nguồn lây và là các trường hợp đã được cách ly từ trước hoặc được phát hiện trong khu vực phong tỏa. Dịch cơ bản đã được kiểm soát tại hầu hết các địa phương như Yên Bái, Đồng Nai, Quảng Ngãi, Nghệ An, Quảng Ninh, Quảng Nam, Hải Phòng, Quảng Trị, Đắk Lắk, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Ninh Bình, Tuyên Quang, Sơn La...

Tại hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, đang từng bước được kiểm soát. Các trường hợp hầu hết đã được cách ly từ trước hoặc được phát hiện trong khu vực phong tỏa. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng có thể xuất hiện một số ca bệnh trong cộng đồng thời gian tới.

Triệt để tiết kiệm chi tiêu để mua vắc xin

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định, dịch COVID-19 tiếp tục khó lường, khó kiểm soát, nhất là diễn biến dịch tại các khu công nghiệp, nguy cơ ảnh hưởng đến nhiều mặt đời sống xã hội. Do đó, trong thời gian tới các cấp, các ngành, địa phương phải có quyết tâm cao hơn, nỗ lực cao hơn để phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả hơn.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu tiếp tục triển khai mạnh mẽ, quyết liệt, thực hiện bằng được chiến lược vắc xin. Có kế hoạch tiêm vắc xin phù hợp, ưu tiên cho các đối tượng tuyến đầu chống dịch và công nhân các khu công nghiệp.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan liên quan ngay lập tức đề xuất cơ chế đóng góp và sử dụng Quỹ vắc xin bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan, huy động mọi nguồn lực và đóng góp của toàn dân, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan, đơn vị triệt để tiết kiệm chi tiêu thường xuyên để bảo đảm ngân sách tối đa cho việc mua vắc xin, vừa bảo đảm các hoạt động bình thường, vừa phục vụ các nhiệm vụ đặc biệt, đột xuất.

Tại cuộc họp, Thủ tướng yêu cầu tập trung kiểm soát tốt tình hình tại các khu công nghiệp; rà soát các quy trình, quy chế về khai báo, cách ly, tổ chức sản xuất tại các khu công nghiệp. Các bộ, ngành, địa phương rà soát, bổ sung các quy định, hướng dẫn về phòng, chống dịch tại các khu công nghiệp để tháo gỡ khó khăn, phòng chống dịch hiệu quả. Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 có trách nhiệm tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành văn bản quy định về phòng, chống dịch COVID-19, đảm bảo sản xuất không bị đứt gãy trong các khu công nghiệp (Tiền phong, trang 2).

 

Tạm ngưng quảng cáo tour đi Mỹ tiêm vaccine

Chiều 24-5, Sở Du lịch TPHCM đã có buổi làm việc với một số hãng lữ hành trên địa bàn đang chào bán tour đi Mỹ tiêm vaccine Covid-19. Một số doanh nghiệp cho biết chỉ giới thiệu tour để thăm dò thị trường. Doanh nghiệp đồng thuận tạm ngưng quảng cáo các chương trình bán tour đi Mỹ tiêm vaccine đến hết năm 2021 để theo dõi thêm diễn biến dịch bệnh; rà soát đảm bảo các điều khoản trong hợp đồng với khách hàng (thời gian vé máy bay chiều về, bảo hiểm y tế những rủi ro xảy ra khi tiêm vaccine…).

Nếu chính thức triển khai tour, doanh nghiệp phải đảm bảo quyền lợi, lợi ích hợp pháp của khách hàng để tránh phát sinh những tình huống rủi ro.

Như Báo SGGP đã thông tin ngày 24-5, một số công ty du lịch tại TPHCM (Hồng Ngọc Hà, Tugo, Việt Mỹ…) đã chào bán tour đi Mỹ kết hợp tiêm vaccine, với mức giá 44,99 - 250 triệu đồng/người....

Trước những thông tin về tour này, Tổng cục Du lịch đã có khuyến cáo về những rủi ro, cũng như xung đột lợi ích giữa khách hàng và doanh nghiệp có thể gặp phải; đồng thời nhấn mạnh rằng các tour cần khả thi, đảm bảo tính pháp lý, đảm bảo quyền lợi tối đa của du khách (Sài Gòn giải phóng, trang 1). 

 

Bộ trưởng Bộ Y tế: Dịch sẽ diễn biến phức tạp, kéo dài

Ngày 24/5, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: “Virus phổ biến ở Việt Nam là chủng của Ấn Ðộ và Anh. Với chủng Ấn Ðộ, chúng tôi cho rằng tốc độ lây nhanh hơn, mạnh hơn. Trong cùng thời điểm chúng ta phát hiện rất nhiều ổ dịch nên vấn đề lây nhiễm càng phức tạp”. Theo ông, có nhiều hình thái lây nhiễm rất điển hình như lây nhiễm trong khu công nghiệp và ngoài cộng đồng. Ở Bắc Giang chủ yếu lây nhiễm trong khu công nghiệp, gia tăng số mắc rất nhanh trong thời gian ngắn và lây lan ra cộng đồng. Bắc Ninh thì lây nhiễm chủ yếu ở cộng đồng nhưng bắt đầu xâm nhập, lây lan trong khu công nghiệp.

Tư lệnh ngành Y tế nhận định, khu công nghiệp có số công nhân đông, không gian làm việc kín, hẹp, nên tăng khả năng lây nhiễm. Hiện nay quản lý công nhân trong di chuyển, trong nhà trọ… là thách thức với các địa phương này nên Bộ Y tế dự báo đợt dịch này sẽ tiếp tục có diễn biến phức tạp, đặc biệt là ở Bắc Giang, Bắc Ninh và thời gian sẽ kéo dài hơn trước đây. Về vấn đề vắc-xin, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết: “Bộ đã tìm mọi cách để tiếp cận với mọi nguồn vắc-xin trên thế giới. Chúng ta cố gắng từ giờ đến cuối năm mua đủ 150 triệu liều theo quyết định của Bộ Chính trị và nghị quyết của Chính phủ. Bên cạnh đó, hiệu quả của vắc-xin hiện nay mới chỉ 6 tháng đến 1 năm nên không chỉ 2021 mà các năm tiếp theo phải đảm bảo đủ vắc-xin nên chiến lược thứ 2 là tự nghiên cứu, sản xuất, đảm bảo đủ nguồn, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Chúng ta đã có kế hoạch mua bản quyền, tiếp cận chuyển giao vắc-xin, liên danh, liên kết với đối với các đơn vị sản xuất vắc-xin trên thế giới để có vắc-xin sớm nhất. Quyết định của Thủ tướng thành lập quỹ vắc-xin là mở đường cho đảm bảo tài chính cho tiếp cận vắc-xin, đảm bảo công bằng cho mọi người dân trong tiếp cận vắc xin” (Tiền phong, trang 3).

 

Công nhân KCN phải khai báo y tế

Ngày 24/5, tại buổi làm việc với tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh nhằm ra soát và nắm bắt diễn biến dịch, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp xây dựng, ban hành văn bản yêu cầu tất cả người làm việc trong các khu công nghiệp (KCN) tập trung và người làm việc trong các nhà máy phải thực hiện khai báo y tế. Báo cáo tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cho biết, trong những ngày qua, các ca dương tính với SARS-CoV-2 trên địa bàn tỉnh vẫn tiếp tục tăng nhưng hầu hết các ca phát hiện đều là công nhân trong các khu công nghiệp (KCN) và đã được cách ly tập chung.

Dự kiến trong những ngày tới số lượng F0 sẽ còn tiếp tục tăng nhưng đều được kiểm soát. Hiện các khu công nghiệp tại Bắc Giang đã được rà soát phân loại và đóng cửa cách ly. Tuy nhiên vì số lượng công nhân đông, khoảng 6 vạn người, vì vậy đã bắt đầu phát sinh các vấn đề trong đời sống sinh hoạt, ước tính cần 120 tỷ để đảm bảo đời sống ăn ở, sinh hoạt cho toàn bộ số người cách ly này trong 21 ngày. Đây là một trong những khó khăn của địa phương ở thời điểm này. Một trong những vấn đề khó khăn nữa là thu hoạch và tiêu thụ nông sản của địa phương, vì Bắc Giang bắt đầu vào mùa thu hoạch vải, dứa và vụ lúa Xuân Hè. Năm nay nông sản được mùa nên nếu được tiêu thụ tốt dự kiến sẽ thu được khoảng 7.000 tỷ đồng cho mùa vụ năm nay. Về vấn đề xét nghiệm, Bắc Giang đang xét nghiệm trên diện rộng, triển khai xét nghiệm 600.000 mẫu, tuy nhiên năng lực xét nghiệm còn hạn chế nên vẫn còn khoảng 20.000 mẫu chưa thể trả ngay trong ngày.

Bắc Ninh: 499 ca dương tính

Tại Bắc Ninh, Giám đốc Sở Y tế Tô Thị Mai Hoa cho biết tính đến 6h sáng 24/5, Bắc Ninh phát hiện 499 ca dương tính, trong đó, điều trị trên địa bàn tỉnh 480 ca, với 34 bệnh nhân nặng. Tỉnh đã rà soát được gần 37.000 trường hợp F1 và F2. Trong đó, cách ly y tế 31.000 trường hợp. Tổng số mẫu xét nghiệm 338.786 mẫu, trong đó hơn 335.000 mẫu có kết quả. Với Công ty SPICA ELASTIC Việt Nam (KCN Quế Võ 1), ngày 20/5 ghi nhận 1 ca dương tính, có 290 F1 và đến nay ghi nhận thêm 15 ca dương tính. Ứng phó với chùm ca này, Bắc Ninh đã khoanh vùng tại Quế Võ và đơn vị liên quan. Tất cả công nhân nhà máy được coi là F1 và đang được lấy mẫu gộp cùng các thành viên gia đình.

Ổ dịch trong công ty Canon đã kiểm soát được và ngày 24/5 Canon sẽ đưa 200 công nhân đến vệ sinh nhà máy, dự kiến ngày 25/5 trở lại hoạt động.

Cần hướng dẫn mới về cách ly và xét nghiệm

Ông Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) phân tích: Trong một nhà máy khi có ca nhiễm thì toàn bộ công nhân nhà máy đó được coi là F1 và được xét nghiệm PCR theo mẫu đơn, phải cách ly tập trung. Tuy nhiên, thay vì áp dụng máy móc như vậy, chúng ta cần phân loại F1 thành nhóm nguy cơ cao là người làm cùng bộ phận, phân xưởng, những F1 ít nguy cơ hơn để từ đó áp dụng kết hợp xét nghiệm PCR mẫu đơn, xét nghiệm nhanh, xét nghiệm mẫu gộp nhiều mẫu đơn, cũng như có thể thực hiện cách ly tập trung đối với F1 nguy cơ cao; cách ly nghiêm ngặt tại nhà đối với F1 nguy cơ thấp như chúng ta đã cách ly tại nhà đối với F2.

“Bộ Y tế cần có ngay hướng dẫn về vấn đề này, trước mắt có thể áp dụng trong các KCN ở Bắc Giang, Bắc Ninh, kể cả cách ly F1, F2”, ông Trần Đắc Phu kiến nghị. Nhấn mạnh Bắc Ninh, Bắc Giang là hai tỉnh đầu tiên “thực chiến” phòng chống dịch bệnh trong KCN, Phó Thủ tướng đề nghị: Trên tinh thần là “tướng chiến trường”, tất cả các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ Y tế, các bộ, ngành nếu chưa phù hợp trong thực tiễn thì hai tỉnh linh hoạt, sáng tạo, trách nhiệm trong thực hiện, từ đó đúc rút kinh nghiệm cho các KCN khác, cho các tỉnh khác.

Phó Thủ tướng nêu ví dụ: "Quy định chung trước đây là F1 phải cách ly tập trung, xét nghiệm PCR mẫu đơn, bây giờ trong KCN không thể cứng nhắc như vậy. Chúng ta muốn đưa nhà máy, KCN trở lại hoạt động từng phần một thì phải linh hoạt hơn" (Tiền phong, trang 3).

 

Giãn cách tại các chợ ở TPHCM để phòng chống dịch COVID-19

Ngày 24/5, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống COVID-19, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã yêu cầu thực hiện biện pháp giãn cách tại các chợ, trung tâm thương mại, khu chế xuất, công nghiệp…để phòng dịch bệnh lây lan.

Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cho biết có 66,2% trong tổng số hàng nghìn ca mắc COVID-19 trong đợt dịch lần này bị lây nhiễm trực tiếp từ các khu công nghiệp. Do đó, Ban Quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất TPHCM (HEPZA) yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp điều chỉnh giờ làm việc, quy trình sản xuất theo hướng giãn cách vào buổi sáng và tan ca buổi chiều để giảm mật độ công nhân lao động tụ tập.

Tương tự, ông Nguyễn Thành Phong đề nghị các chợ đêm, chợ truyền thống, chợ đầu mối, trung tâm thương mại tổ chức giãn cách mật độ mua sắm theo hướng mua theo từng nhóm, hạn chế tập trung đông người. Các cơ sở y tế; thực hiện giãn cách trong bệnh viện, hạn chế người thăm nuôi và sẵn sàng có phương án bố trí khu cách ly tạm thời và ứng dụng chương trình đăng ký khám chữa bệnh, tư vấn sức khỏe, khám bệnh từ xa. Những người trên 60 tuổi cần hạn chế ra khỏi nhà vì có sức đề kháng yếu...

Từ ngày 25/5, khách đến các cơ quan, công sở liên hệ công tác bắt buộc phải khai báo y tế. Các cán bộ, công chức, viên chức có dấu hiệu ho, sốt, khó thở thì cần ở nhà, không đến cơ quan. Cần thiết thì có thể làm việc tại nhà, qua hình thức trực tuyến. Trước tình hình dịch bệnh hiện nay, các sở ban ngành, quận huyện và TP Thủ Đức cần thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND TPHCM về tạm dừng hoạt động một số loại hình dịch vụ không thiết yếu để phòng chống dịch. TPHCM sẽ nghiên cứu gói hỗ trợ lần 2 cho những người bị ảnh hưởng” - Chủ tịch UBND TPHCM khẳng định.

Theo giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh, trong đợt bùng phát dịch mới nhất, TPHCM xác định có hai chuỗi lây nhiễm với 5 bệnh nhân (BN). Chuỗi lây nhiễm đầu tiên là tại một công ty ở quận 3 liên quan đến 2 BN 4514 (ngụ TP Thủ Đức) và BN 4583 (ngụ quận 7). Chuỗi lây nhiễm thứ hai là tại một quán bánh canh ở quận 3 liên quan đến 3 BN 4780, 4781 và 4782. Ngoài ra, TPHCM vừa phát hiện thêm một ca nghi mắc COVID-19 là bé 18 tháng tuổi, đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố. Bé là F1, cháu ngoại của BN 4780. Cháu và mẹ đến thăm BN 4780 trong 2 ngày 15/5 và 18/5. Kết quả xét nghiệm lần đầu của bé là âm tính nhưng đến lần thứ hai là dương tính với SARS-CoV-2.

“Hiện nay, chúng tôi chưa xác định được nguồn lây của chuỗi lây nhiễm liên quan đến BN 4780, 4781 và 4782. Có khả năng các BN bị lây từ các đoàn khách tới quán ăn bởi quán này từng đón nhiều đoàn khách từ Hà Nội, Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung” - ông Bỉnh cho hay (Tiền phong, trang 2).

 

Chưa rõ nguồn lây ở 'ổ dịch' tại Times City, tập đoàn T&T

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, chùm ca bệnh tại khu đô thị Times City, Tập đoàn T&T có yếu tố dịch tễ phức tạp, nguy cơ lớn do chưa khẳng định chính xác nguồn lây từ đâu.

Chùm ca bệnh phức tạp

Báo cáo tại phiên họp Ban Chỉ đạo phòng chống COVID-19 chiều 24/5, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, trên địa bàn thành phố có 4 chùm ca bệnh mới phát sinh. Đầu tiên là chùm ca bệnh mới chưa rõ nguồn lây tại Tập đoàn T&T và tòa nhà Park 11, khu đô thị Times City.

Theo ông Hạnh, đây là chùm ca bệnh rất phức tạp, có nhiều ca mắc liên quan các địa điểm có nhiều người làm việc, sinh sống. Việc quản lý các chung cư cao tầng, các tổ hợp văn phòng chưa chặt chẽ, chưa kịp thời phát hiện các trường hợp có yếu tố dịch tễ. Ông Hạnh nhận định, thời gian tới có thể sẽ tiếp tục ghi nhận thêm các ca mắc mới ngoài cộng đồng vì thời gian các ca bệnh ở ngoài cộng đồng dài, đã di chuyển đến nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người. Chùm ca bệnh thứ hai là trường hợp hai mẹ con nhập cảnh người Ấn Độ tại tòa nhà Park 9, Times City, quận Hoàng Mai.

Chùm thứ ba là ca bệnh liên quan đến tỉnh Hải Dương. Bệnh nhân làm việc tại Cty TNHH may Tinh Lợi, Hải Dương (đã có ca dương tính), ngày 21/5 bệnh nhân khai báo tại trạm y tế và được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính SARS-CoV-2. Chùm thứ tư là ca bệnh là nhân viên y tế tại Bệnh viện Bắc Thăng Long. Trường hợp này là bác sỹ tham gia điều trị bệnh nhân COVID-19 được xét nghiệm lần 1 âm tính vào ngày 20/5. Ngày 21/5 có rát họng và ho khan, cách ly phòng riêng lấy mẫu xét nghiệm lần 2 dương tính. Xác minh sơ bộ có 7 F1 là nhân viên y tế cùng kíp trực. Bệnh viện đã thực hiện cách ly lấy mẫu xét nghiệm, khử khuẩn toàn bộ khu vực cách ly.

Ngoài ra, theo ông Hạnh, 2 chùm ca bệnh cũ vẫn phát hiện thêm ca mắc mới. Đó là chùm ca bệnh liên quan đến thành phố Đà Nẵng: có 42 F0; 975 F1 (trong đó 36 F1 đã chuyển thành F0), riêng bệnh nhân 3634 (N.V.T-nguyên giám đốc Hacinco) có 22 F0 và 374F1 (trong đó 19 F1 chuyển thành F0). Chùm ca bệnh thứ hai liên quan đến Bệnh viện K cơ sở Tân Triều: tổng số có 96 F0 trong đó phát hiện trong bệnh viện là 86 F0 (21 của Hà Nội, 65 của địa phương khác). Phát hiện ngoài cộng đồng là 10 F0 .

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, hiện nay các khu cách ly tập trung ở Nam Từ Liêm và Thạch Thất có nhiều ca F1 đã chuyển thành F0 liên quan đến chùm ca bệnh tại Đà Nẵng và Bệnh viện K cơ sở Tân Triều. Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị này thực hiện nghiêm các quy định về cách ly, đặc biệt là việc giãn cách phòng lây chéo. Đồng thời đề nghị không tiếp tục đưa, chuyển những người liên quan trong Bệnh viện K (bệnh nhân, người nhà bệnh nhân...) sang các khu vực cách ly khác ngoài bệnh viện.

Kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng yêu cầu các địa phương cần vào cuộc truy vết một cách thần tốc, trách nhiệm, nhanh nhất có thể, không để lọt các trường hợp liên quan, không để mất dấu khi truy vết. Ông Dũng nhận định, chùm ca bệnh tại khu đô thị Times City, Tập đoàn T&T có yếu tố dịch tễ phức tạp, chưa khẳng định chính xác nguồn lây từ đâu. “Chúng tôi vừa làm việc với các chuyên gia, sơ bộ nhận định có nhiều khả năng xuất phát từ chính Tập đoàn T&T. Thời gian, thời điểm lây chưa xác định rõ nên rất nguy hiểm, nguy cơ rất lớn. Việc truy vết cần tập trung rất cao”, ông Dũng nêu. Ông Dũng đề nghị các cơ quan hành chính các cấp, các doanh nghiệp, đơn vị trên địa bàn thành phố cần tổ chức hội họp theo đúng tinh thần Chỉ thị 12, đảm bảo khoảng cách giữa người với người là 2 mét, số vị trí ngồi không quá 50%. Thời điểm này nên hạn chế họp trực tiếp, tăng họp trực tuyến, để phòng thông thoáng; hạn chế điều hoà trung tâm, đặc biệt tại các khu liên cơ... “Quản lý, hạn chế tiếp khách của cá nhân cán bộ, công chức, viên chức trong thời điểm này tại các trụ sở nơi làm việc. Việc đo thân nhiệt, khai báo y tế phải được đảm bảo”, ông Dũng nêu, đồng thời lưu ý việc bố trí người ở các bếp ăn tập thể, hạn chế tối đa tiếp xúc để phòng chống dịch (Tiền phong, trang 4).

 

Hà Nội dừng hoạt động một số cơ sở kinh doanh dịch vụ

Sáng 24-5, Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 họp trực tuyến với lãnh đạo hai tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh về công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn. Lãnh đạo hai tỉnh đã báo cáo các hoạt động ứng phó dịch đang triển khai, nêu những khó khăn, vướng mắc và đề xuất một số vấn đề cụ thể. Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam nhấn mạnh: Bắc Ninh, Bắc Giang là hai tỉnh đầu tiên "thực chiến" phòng, chống dịch bệnh trong KCN, nên đề nghị hai tỉnh đúc rút kinh nghiệm cho công tác phòng, chống dịch cho các KCN khác, các tỉnh khác. Bộ Y tế cần có hướng dẫn, điều chỉnh việc cách ly đối với công nhân khi có ca nhiễm bệnh để Bắc Ninh, Bắc Giang làm mẫu, đúc rút, kết quả tốt thì nhân ra toàn quốc. Phó Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh hơn nữa ứng dụng công nghệ để tính toán, chỉ ra những phân xưởng, nhà máy, bộ phận sản xuất, đối tượng cần được xét nghiệm sàng lọc theo từng ngày, bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm chi phí. Về khó khăn trong thu hoạch nông sản ở vùng có dịch, Phó Thủ tướng đề nghị Bắc Ninh, Bắc Giang cần linh hoạt, không cứng nhắc, bảo đảm phòng, chống được dịch bệnh mà vẫn duy trì được sản xuất, thu hoạch nông sản. Ðêm 24-5, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký ban hành Công điện khẩn số 11/CÐ-UBND yêu cầu các ban, ngành, quận, huyện, thị xã quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn.

Công điện nêu rõ, trước tình hình dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, trên địa bàn thành phố đã xuất hiện chùm ca bệnh mới chưa xác định nguồn lây nhiễm tại các khu vực chung cư tập trung đông dân, trụ sở cơ quan, doanh nghiệp, thành phố yêu cầu từ 12 giờ trưa 25-5, tạm dừng hoạt động một số cơ sở kinh doanh dịch vụ để phòng, chống dịch Covid-19 đến khi có thông báo mới của thành phố. Nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn, uống tại chỗ (chỉ cho phép bán hàng mang về), không tổ chức ăn uống, liên hoan tập trung đông người; đóng cửa các cửa hàng cắt tóc, gội đầu. Dừng hoạt động vui chơi, tập thể dục, tụ tập đông người tại công viên, vườn hoa và các địa điểm công cộng.

Thành phố yêu cầu tất cả người dân từ các tỉnh, thành phố khác trở về Hà Nội từ ngày 10-5 đến ngày 24-5 đều phải khai báo y tế trên website http://tokhaiyte.vn và các ứng dụng NCOVI, Bluezone, hoàn thành chậm nhất trong ngày 25-5. Từ ngày 25-5, thực hiện khai báo y tế trong vòng 24 giờ kể từ thời điểm có mặt tại Hà Nội. Khuyến khích các cơ quan, đơn vị tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, làm việc trực tuyến.

Thành phố đề nghị Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn T&T và các tổ chức, doanh nghiệp chủ động, kịp thời tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người lao động, cư dân trong khu vực trụ sở và các dự án do doanh nghiệp đầu tư, quản lý trên địa bàn thành phố để bảo đảm hiệu quả công tác phòng, chống dịch.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, ngày 24-5, cả nước ghi nhận 187 trường hợp mắc Covid-19 (người bệnh từ 5.218 đến 5.404), trong đó có ba ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh và 184 ca mắc ghi nhận trong nước tại Bắc Giang (105 ca), Hà Nội (21 ca), Bắc Ninh (38 ca), Lạng Sơn (11 ca), Ðiện Biên (hai ca), Hải Dương (năm ca), Ðà Nẵng (một ca), TP Hồ Chí Minh (một ca). Trong ngày, 73 người bệnh mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh; 180 người bệnh mắc Covid-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế cho kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 từ một đến ba lần.

Cùng ngày 24-5, Bộ Y tế ban hành quyết định về việc thành lập Tổ công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Bệnh viện K do PGS,TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý Khám, chữa bệnh, Phó Trưởng Tiểu ban Ðiều trị (Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19) làm Tổ trưởng và 17 thành viên. Tổ công tác có nhiệm vụ tổ chức điều tra các trường hợp bệnh, xử lý ổ dịch; khoanh vùng kiểm soát; phối hợp với y tế các địa phương có phương án quản lý người bệnh từ Bệnh viện K trở về...

Tiểu ban Ðiều trị cho biết: Ngày 23 và 24-5, Việt Nam ghi nhận hai người bệnh tử vong thứ 43 và 44 có liên quan tới Covid-19. Cụ thể: Người bệnh 3.015 (nam, 50 tuổi), có tiền sử xơ gan do uống rượu nhiều năm. Chẩn đoán tử vong: Sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, nhiễm khuẩn huyết, xuất huyết tiêu hóa, nhiễm SARS-CoV-2 trên người bệnh xơ gan cổ trướng. Người bệnh 4.807 (nữ, 38 tuổi), là công nhân khu công nghiệp. Chẩn đoán tử vong: Sốc nhiễm khuẩn trên bệnh nhân viêm phổi do SARS-CoV-2, biến chứng suy hô hấp tiến triển ARDS.

Sáng 24-5, Bệnh viện dã chiến số 1 tỉnh Bắc Ninh đã công bố khỏi bệnh và trao giấy xuất viện cho 12 bệnh nhân mắc Covid-19 được điều trị tại đây. Ðây là những người bệnh đầu tiên được công bố khỏi bệnh và xuất viện từ khi dịch bùng phát tại Bắc Ninh (từ ngày 5-5 đến nay). Sau khi xuất viện, các người bệnh phải tiếp tục tự cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà trong vòng 14 ngày. Trước khi hết thời gian tự cách ly, người bệnh sẽ được xét nghiệm lại.

Ngày 24-5, tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Hồ Chí Minh, UBND thành phố đã trao bằng khen tặng 26 tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác xử lý ổ dịch được phát hiện trong cộng đồng ngày 8-5. Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, hiện đang lưu hành hai biến chủng SARS-CoV-2 có khả năng lây lan nhanh gồm biến chủng Ấn Ðộ và biến chủng Anh. Vì vậy, chính quyền và người dân toàn thành phố tuyệt đối không được chủ quan, lơ là; tiếp tục nâng cao mức cảnh giác với dịch bệnh và nghiêm túc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Ngày 24-5, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Ðà Nẵng và trung tâm y tế các quận đã triển khai lấy mẫu xét nghiệm cho tất cả công nhân, người làm việc tại các KCN. Theo Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các KCN Ðà Nẵng, sẽ có 52.615 người làm việc tại 312 doanh nghiệp được xét nghiệm trong đợt này. Việc lấy mẫu xét nghiệm được triển khai đến ngày 26-5.

Tại cuộc họp Thường trực Tỉnh ủy Hải Dương với lãnh đạo TP Hải Dương ngày 24-5, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng, nhất trí với đề xuất của TP Hải Dương là áp dụng bổ sung một số giải pháp cấp bách cần thiết thực hiện việc dập dịch trên địa bàn đối với 10 phường từ 0 giờ ngày 25-5 cho đến khi có chỉ đạo mới. TP Hải Dương phối hợp với Tổ công tác đặc biệt của tỉnh quyết định các biện pháp cụ thể cho phù hợp với từng phường, từng khu dân cư, từng tổ dân phố, đường phố, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, thương mại.

Sáng 24-5, tại tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang, Bộ Y tế phối hợp UBMTTQ Việt Nam hai tỉnh tổ chức tiếp nhận ủng hộ của Bộ Y tế hỗ trợ tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang phòng, chống dịch Covid-19. Thông qua sự kết nối của Bộ Y tế, nhiều doanh nghiệp, tổ chức đã trao tặng tiền, nhu yếu phẩm hỗ trợ nhân dân và người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh trên địa bàn. Tổng số có 14 đơn vị hỗ trợ các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang.

Ngày 24-5, trong chương trình làm việc tại tỉnh Bắc Giang của Ðoàn công tác Bộ Y tế, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam trao 500 triệu đồng và 500 bộ kit xét nghiệm Covid-19 tặng UBND tỉnh Bắc Giang. Cùng ngày, Hội doanh nhân trẻ Việt Nam trao 500 bộ kit xét nghiệm Covid-19 tặng UBND tỉnh Ðiện Biên, nhằm hỗ trợ công tác phòng, chống dịch, bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Kinh phí hỗ trợ nêu trên được trích từ nguồn quyên góp của các doanh nghiệp hội viên trong chương trình kêu gọi chung tay ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19, do Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam phát động thời gian qua. Sau hơn nửa tháng cho học sinh dừng đến trường, từ ngày 24-5, UBND tỉnh Thái Bình cho phép học sinh lớp 9 và lớp 12 trở lại trường học tập. Theo chủ trương chung của tỉnh, hai khối lớp sẽ học luân phiên một buổi/ngày trực tiếp tại lớp học kết hợp với hình thức học qua in-tơ-nét và trên truyền hình.

Ngày 24-5, Bệnh viện (BV) Truyền máu Huyết học TP Hồ Chí Minh cho biết, dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến phong trào hiến máu tình nguyện, Ngân hàng Máu của BV vẫn bảo đảm cấp phát máu theo nhu cầu của các BV nhưng kho dự trữ đang giảm dần. Trước tình trạng trên, BV kêu gọi người dân có đủ sức khỏe đến hiến máu tại hai điểm hiến máu cố định: BV Truyền máu Huyết học (118, Hồng Bàng, phường 12, quận 5); Trung tâm Hiến máu nhân đạo thành phố (106, Thiên Phước, quận Tân Bình).

Ngày 24-5, tại Trụ sở Bộ Ngoại giao, Ðoàn công tác của Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam trao hơn bốn tỷ đồng hỗ trợ đồng bào Việt Nam đang chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19 ở nước ngoài thông qua Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Nhân dân, trang 8).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang