TPHCM: Số ca mắc sốt xuất huyết, tay chân miệng chưa có dấu hiệu chững lại
Ngày 24-5, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết, hiện số ca mắc bệnh tay chân miệng (TCM), sốt xuất huyết (SXH) vẫn đang có xu hướng gia tăng trong tuần 20 của năm 2022. Trong tuần 20, TP ghi nhận thêm 1 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong do SXH lên 7 trường hợp, tính từ đầu năm đến nay. Cụ thể, trong 4 tháng đầu năm 2022, thành phố ghi nhận 8.481 ca mắc SXH, tăng 28% với cùng kỳ năm 2021 (6.639 ca). Trong tuần 20 (từ ngày 13-5 đến 19-5), thành phố ghi nhận ghi nhận 943 ca bệnh SXH, tăng 156 ca (20%) so với trung bình 4 tuần trước.
Trong đó số ca bệnh tăng chủ yếu là trường hợp nhập viện điều trị nội trú. Cũng trong tuần 20, đã có thêm 1 ca tử vong do SXH tại huyện Củ Chi. Như vậy, số ca tử vong do SXH từ đầu năm đến nay đã là 7 trường hợp.
Một số quận huyện có số ca bệnh trong tuần giảm so với số ca trung bình 4 tuần trước là: quận 1, 3, 4, 5, 8, 10, 11 và Phú Nhuận. Tuy nhiên, vẫn còn những phường, xã có số ca bệnh tăng cao so với trung bình 4 tuần trước là phường Tân Thới Hiệp, Thạnh Xuân (quận 12); phường Phú Thạnh, Sơn Kỳ (Tân Phú); xã Xuân Thới Thượng (Hóc Môn).
Trong 4 tháng đầu năm 2022, thành phố ghi nhận 2.562 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng với 96% các trẻ mắc bệnh ở độ tuổi từ 1-5. Trong tuần 20 (từ ngày 13-5 đến 19-5), thành phố ghi nhận thêm 882 ca bệnh tay chân miệng, tăng gấp 2 lần so với trung bình 4 tuần trước đó.
Trong đó số ca bệnh tăng ở cả các trường hợp nhập viện điều trị nội trú và khám ngoại trú. Số ca bệnh tay chân miệng tiếp tục tăng cao ở hầu hết các quận huyện, TP Thủ Đức. Các quận, huyện có số ca tăng so với trung bình 4 tuần trước là Bình Tân, TP Thủ Đức, Tân Phú, Gò Vấp.
Theo HCDC, thành phố đã triển khai chiến dịch hưởng ứng “Ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết” lần thứ 12 bắt đầu từ ngày 15-5. Chiến dịch nhằm tăng cường sự phối hợp của chính quyền các cấp, các ban, ngành, đoàn thể, huy động sự tham gia của cộng đồng trong phòng chống dịch bệnh SXH.
Các hoạt động được tổ chức ở địa phương nhằm giảm nguồn sinh sản của muỗi, chủ động giảm mật độ muỗi khi mùa mưa đến. Tăng cường truyền thông giúp người dân nhận biết sớm các triệu chứng hoặc những dấu hiệu cảnh báo bệnh để đến cơ sở y tế kịp thời, hạn chế các trường hợp tử vong. Và quan trọng nhất là tạo phong trào sâu rộng đến từng người dân, mỗi gia đình trong việc chủ động tìm và xử lý các vật đọng nước- nơi sinh sản của muỗi vằn. (Sài gòn giải phóng, trang 1; Thanh niên, trang 3; Sức khỏe & Đời sống, trang 3).
Máy chẩn đoán ung thư triệu đô 'trùm mền': Bộ Y tế chậm trễ cấp phép thuốc phóng xạ?
Trong khi thuốc phóng xạ để chụp PET/CT đang thiếu trầm trọng, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) vẫn yêu cầu các bệnh viện lẫn đơn vị sản xuất thuốc bổ sung hồ sơ.
Có doanh nghiệp phải bổ sung đến 10 lần, kéo dài trong suốt 4 năm nhưng vẫn chưa được cấp phép.
Ngày 24-5, nguồn tin của Tuổi Trẻ cho biết lãnh đạo Bộ Y tế đang tổ chức họp bàn nhằm tháo gỡ tình trạng thiếu thuốc phóng xạ chụp PET/CT.
Tại TP.HCM, ngành y tế cũng làm việc với các cơ quan chuyên môn cùng các chuyên gia để tìm giải pháp cung ứng thuốc phóng xạ lâu dài cho các bệnh viện vận hành hệ thống chụp PET/CT phục vụ nhu cầu bức thiết của người bệnh.
Người bệnh đánh mất "thời gian vàng"
Báo cáo từ Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cho rằng từ khi hệ thống chụp PET/CT của bệnh viện được đưa vào hoạt động (tháng 2-2020) đã giúp các bệnh nhân tại TP.HCM và các khu vực lân cận không cần phải ra Hà Nội chụp, từ đó tiết kiệm chi phí điều trị.
Ngoài bệnh nhân tại đơn vị, lúc này Bệnh viện Ung bướu còn "ôm sô" chụp PET/CT cho rất nhiều bệnh nhân đến từ các bệnh viện như Chợ Rẫy, ĐH Y dược, Thống Nhất, Bình Dân, 115, Đa khoa Đồng Nai, Ung bướu Đà Nẵng, Ung bướu Cần Thơ, FV và Vinmec...
Cụ thể, trong năm 2020 bệnh viện chụp cho khoảng 648 bệnh nhân, năm 2021 chụp 850 bệnh nhân. Nhưng từ đó đến nay do không có thuốc phóng xạ nên hệ thống chụp PET/CT "đứng bánh" và một câu hỏi được đặt ra là số bệnh nhân cần chụp sẽ đi đâu về đâu?
Theo tìm hiểu, việc thiếu nguồn cung thuốc phóng xạ F-18FDG phục vụ cho chụp PET/CT tại TP.HCM là câu chuyện kéo dài dai dẳng trong nhiều năm qua. Điều này khiến hàng loạt hệ thống máy chụp PET/CT của Bệnh viện Ung bướu, 175, 115 phải "trùm mền", nhiều người bệnh buộc phải nằm chờ trong vô vọng.
Trước tình hình này, từ cuối tháng 12-2021, Sở Y tế TP.HCM đã có công văn gửi Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) xin hỗ trợ cung ứng thuốc. Dù có một số văn bản chỉ đạo qua lại nhưng vấn đề mấu chốt là nguồn cung thuốc phóng xạ vẫn chưa được giải quyết. "Điều này đang đẩy người bệnh đánh mất thời gian vàng chẩn đoán, điều trị bệnh" - một bác sĩ chuyên về ung thư đánh giá.
Khi lò sản xuất thuốc phóng xạ của Bệnh viện Chợ Rẫy không thể cung ứng đủ nhu cầu khiến việc chụp PET/CT gián đoạn, Sở Y tế TP.HCM từng đề cập tại TP còn có Công ty cổ phần y học Rạng Đông có thể sản xuất cung ứng thuốc phóng xạ F-18FDG. Chi nhánh sản xuất của công ty này đặt tại Trung tâm Nghiên cứu và triển khai công nghệ bức xạ tại TP Thủ Đức.
Nhưng thuốc phóng xạ do công ty này sản xuất tại TP.HCM lại chưa được cấp giấy đăng ký lưu hành, dù có tất cả giấy phép tiến hành công việc bức xạ và các giấy chứng nhận đạt ISO 9001:2015; thực hành tốt sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc; đủ điều kiện kinh doanh dược.
"Đây chính là rào cản khiến việc đấu thầu thuốc theo thông tư 15/2019/TT-BYT ngày 11-7-2019 không thể thực hiện. Trong khi F-18FDG là thuốc phóng xạ, có thời gian bán hủy ngắn chỉ 110 phút, việc mua vận chuyển thuốc từ Hà Nội vào TP.HCM là hoàn toàn không khả thi" - công văn của Sở Y tế TP.HCM nêu.
Đoạn trường 4 năm và 10 lần bổ sung hồ sơ
Để tìm hiểu vấn đề này, phóng viên Tuổi Trẻ đã có mặt tại nhà máy sản xuất thuốc phóng xạ của Công ty cổ phần y học Rạng Đông (chi nhánh TP.HCM). Nhà máy sản xuất chính của công ty này được đặt tại Trung tâm gia tốc Vietsing - Hà Nội đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký lưu hành.
Đại diện công ty khẳng định nhà máy sản xuất này được thiết lập từ năm 2018, đạt tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt (GMP) và đang là hệ thống "hiện đại nhất Đông Nam Á".
Công ty này bắt đầu nộp hồ sơ xin cấp giấy đăng ký lưu hành từ năm 2019 và từ đó đến nay thường xuyên phải có báo cáo giải trình cho Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) 10 lần. "Cứ trung bình 3-6 tháng lại phải nộp hồ sơ bổ sung theo yêu cầu của Cục Quản lý dược, mỗi lần bổ sung một kiểu kéo dài cho đến bây giờ vẫn chưa được cấp phép" - đại diện công ty nói và cho biết lần mới nhất được yêu cầu bổ sung là 29-3-2022.
Vị này nói thêm: "Lần bổ sung này các chuyên gia có ý kiến phải đi thẩm định cơ sở sản xuất thực tế nhưng đến nay việc thẩm định này vẫn chưa được thực hiện. Chúng tôi đã tuân thủ tất cả mọi quy trình nghiêm ngặt và mong muốn lớn nhất hiện nay là sớm được cấp phép để sản xuất, cung ứng thuốc cho các bệnh viện phục vụ người bệnh".
Ngoài ra, việc suốt 4 năm mòn mỏi xin cấp phép với 10 lần bổ sung hồ sơ còn khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi mỗi tháng duy trì tiêu chuẩn GMP (nhiệt độ, độ ẩm, áp suất, độ sạch không khí, kiểm chuẩn định kỳ...) và trả lương cho đội ngũ kỹ sư mất gần 2 tỉ đồng.
"Với công nghệ hiện đại và sản lượng hiện có, một ca sản xuất thuốc phóng xạ của chúng tôi có thể cung ứng cho 10 hệ thống máy chụp PET/CT và đảm bảo nguồn cung ứng thuốc cho toàn TP.HCM" - đại diện công ty này khẳng định.
Phải tăng nguồn cung để tránh lệ thuộc
Trao đổi với Tuổi Trẻ sáng 24-5, một lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cho rằng về lâu dài cần phải nâng số lượng đầu mối cung ứng thuốc phóng xạ lên ít nhất hai đơn vị, thay vì hiện nay chỉ lệ thuộc vào lò sản xuất của Bệnh viện Chợ Rẫy - vốn cũng không còn đáp ứng đủ nhu cầu hiện nay (tuổi thọ 13 năm).
Việc tăng nguồn cung (có thể để tư nhân tham gia) mang đến nhiều lợi ích, qua đó nếu một đơn vị trục trặc sẽ có đơn vị thay thế. Ngoài ra, về giá thành sản phẩm cũng sẽ cạnh tranh, tránh trường hợp độc quyền giá cả.
"Thuốc phóng xạ chụp PET/CT là mặt hàng đặc biệt quan trọng, do đó với một thành phố lớn như TP.HCM cần phải có giải pháp lâu dài, bền vững để việc điều trị bệnh được thông suốt, tránh việc người dân phải chờ đợi hoặc thậm chí ra nước ngoài chụp tốn kém thời gian, tiền bạc" - lãnh đạo này nói.
Cục Quản lý dược từng trả lời bất nhất
Phúc đáp công văn của Sở Y tế TP.HCM, phó cục trưởng Cục Quản lý dược Lê Việt Dũng cho rằng, tại khu vực phía Nam, Bệnh viện Chợ Rẫy là cơ sở có hoạt động pha chế thuốc phóng xạ F-18FDG.
Thời điểm này, căn cứ các quy định hiện hành, Cục Quản lý dược đề nghị Sở Y tế TP hướng dẫn các đơn vị có nhu cầu sử dụng F-18FDG liên hệ với Bệnh viện Chợ Rẫy để lập hồ sơ đề nghị cung cấp thuốc phóng xạ theo quy định.
Nhưng khi việc ký kết hợp đồng mua thuốc phóng xạ chưa được xúc tiến, ngày 30-3-2022 ông Lê Việt Dũng tiếp tục ký công văn nhấn mạnh "chưa chấp thuận cho Bệnh viện Chợ Rẫy được cung cấp thuốc phóng xạ cho Bệnh viện Ung bướu TP.HCM".
Có ba lý do được đưa ra, bao gồm văn bản đề nghị cung cấp thuốc phóng xạ chưa đúng mẫu quy định, cần nêu rõ tổng số lượng cần cung cấp; văn bản đề nghị cung cấp thuốc của Bệnh viện Ung bướu không phải là bản chính và báo cáo sản xuất sử dụng thuốc của Bệnh viện Chợ Rẫy năm 2020 không phải là báo cáo trong năm gần nhất, chưa điền đủ các thông tin ngày, tháng, kỳ báo cáo (!?).(Tuổi trẻ, trang 5).
Trong 24 giờ qua, nước ta không có ca tử vong do nhiễm COVID -19
Theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, trong 24 giờ qua (tính từ 18h ngày 23-5 đến 18h ngày 24-5), trên địa bàn thành phố ghi nhận 321 ca Covid-19, trong đó có 109 ca cộng đồng, 212 ca đã cách ly.
Cụ thể, 321 bệnh nhân phân bố tại 126 xã, phường, thị trấn thuộc 24/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hai Bà Trưng (27), Ba Đình (26), Hoàng Mai (24), Nam Từ Liêm (24), Đông Anh (23).
Như vậy, trong hơn một năm qua, tính từ ngày 29-4-2021 cho đến nay, Hà Nội ghi nhận gần 1,6 triệu ca mắc Covid-19 với 1.336 ca tử vong.
Cũng theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, đến nay, trên địa bàn thành phố còn gần 82.367 ca đang điều trị, theo dõi (giảm hơn 500 ca so với hôm qua), trong đó có 94 ca điều trị tại bệnh viện (giảm 6 ca) và gần 82.300 ca theo dõi tại nhà.
Về tiêm vắc xin phòng Covid-19, tính từ chiều 16-4 đến nay, Hà Nội đã triển khai tiêm mũi 1 cho 170.770 trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. (Hà Nội mới, trang 7).
Thiết bị y tế phòng dịch do CDC Khánh Hòa mua sắm: Công an yêu cầu định giá
Ngày 24/5, nguồn tin riêng của phóng viên Tiền Phong cho biết, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa vừa có công văn gửi Hội đồng định giá tài sản thi hành án trong tố tụng hình sự tỉnh Khánh Hòa yêu cầu định giá các thiết bị y tế mà Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Khánh Hòa đã mua trong phòng chống dịch COVID - 19 từ năm 2020 đến 2021.
Việc yêu cầu định giá của cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hoà dựa trên quá trình xác minh tin báo tội phạm về vụ việc có dấu hiệu tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại CDC Khánh Hòa.
Theo đó, Công an tỉnh Khánh Hoà yêu cầu cơ quan chức năng định giá các bộ hóa chất xét nghiệm IVD (2.000 test/bộ), 1 test của bộ hóa chất xét nghiệm IVD dùng cho tách chiết Acid nucleic...
Trước đó, ngày 25/2, Công an tỉnh Khánh Hòa yêu cầu ngành chức năng ngăn chặn việc sang nhượng, mua bán, cho tặng tài sản của 10 người, trong đó có ông Huỳnh Văn Dõng (SN 1967, Giám đốc CDC Khánh Hòa), vì đơn vị này đang điều tra thông tin liên quan đến vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật tại CDC Khánh Hòa.
Như Tiền Phong đã phản ánh, để phục vụ công tác chống dịch COVID-19 tại tỉnh Khánh Hòa, từ năm 2020 đến 2021, CDC Khánh Hòa đã chi 26 tỷ đồng mua hơn 63.000 kit xét nghiệm do Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á sản xuất thông qua công ty trung gian. Cụ thể, năm 2020, CDC Khánh Hòa mua 4.700 kit xét nghiệm. Năm 2021, CDC Khánh Hòa mua hơn 58.000 kit xét nghiệm. Giá mua các kit xét nghiệm từ 367.500 đến 509.250 đồng/bộ, bằng hình thức đấu thầu qua mạng và chào hàng cạnh tranh.
CDC Khánh Hòa không thực hiện mua sắm trực tiếp từ Công ty Việt Á mà thông qua Công ty TNHH Khoa học Hợp Nhất bằng hình thức đấu thầu qua mạng và chào hàng cạnh tranh. Việc mua sắm này được chia thành nhiều đợt, với nhiều mức giá khác nhau từ 367.500 đến 509.250 đồng/kit. Còn Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa đã trực tiếp mua kit xét nghiệm từ Công ty Việt Á với mức giá lên 525.000 đồng/kit. (Tiền phong, trang 11).
Đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu rà soát, đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên và tiêm mũi 4 cho lực lượng tuyến đầu.
Tại Công văn số 3182/VPCP-KGVX ngày 23/5/2022 nêu rõ: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã có chỉ đạo rất cụ thể về mục tiêu cần đạt được trong việc tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi thứ 3 cho người từ 18 tuổi trở lên, nhưng đến nay tiến độ tiêm còn chậm.
Để bảo đảm đạt được mục tiêu đã đề ra, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế chủ trì, phối hợp Văn phòng Chính phủ rà soát số người từ 18 tuổi trở lên chưa tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi thứ 3, đề xuất giải pháp đẩy nhanh tiến độ tiêm cho những đối tượng này; báo cáo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trước ngày 25/5/2022.
Đồng thời, Bộ Y tế nghiên cứu tiêm vaccine mũi thứ 4 cho các đối tượng tuyến đầu đã suy giảm miễn dịch; có kế hoạch đánh giá miễn dịch cộng đồng để chủ động có giải pháp theo thẩm quyền, trường hợp vượt thẩm quyền, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Theo Bộ Y tế, tính đến hết ngày 21/5, tổng số liều vaccine phòng COVID-19 đã được tiêm là 219.084.118 liều. Trong đó, số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 198.229.463 liều: Mũi 1 là 71.472.206 liều; mũi 2 là 68.705.056 liều; mũi 3 là 1.506.133 liều; mũi bổ sung là 15.163.236 liều; mũi nhắc lại lần 1 là 41.317.426 liều; mũi nhắc lại lần 2 là 65.406 liều.
Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.424.119 liều: Mũi 1 là 8.926.085 liều; mũi 2 là 8.498.034 liều. Số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 3.430.536 liều: Mũi 1 là 3.406.264 liều; mũi 2 là 24.272 liều. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).
Thêm 1 thuốc Molnupiravir điều trị COVID-19 sản xuất trong nước được cấp phép
Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa ký quyết định ban hành danh mục 01 loại thuốc Molnupiravir - điều trị COVID-19 sản xuất trong nước, được cấp giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam.
Theo đó, Cục Quản lý dược cấp phép cho 1 loại thuốc Molnupiravir - điều trị COVID-19 sản xuất trong nước là: Molnupiravir Stella 200 mg; hàm lượng Molnupiravir 200mg, dạng viên nang cứng, tuổi thọ 6 tháng, hộp 4 vỉ x 10 viên. Số đăng ký là SĐK: VD3-174-22 của Công ty TNHH liên doanh Stellapharm - Chi nhánh 1 (Stellapharm J.V. Co., Ltd. - Branch 1) sản xuất và đăng ký.
Việc cấp phép cho loại thuốc này có hiệu lực 3 năm từ ngày ký ban hành Quyết định
Như vậy, đến nay đã có 4 loại thuốc Molnupiravir - điều trị COVID-19 sản xuất trong nước được cấp phép lưu hành.
Cục Quản lý dược yêu cầu cơ sở sản xuất và cơ sở đăng ký thuốc sản xuất theo đúng hồ sơ, tài liệu đăng ký với Bộ Y tế; phối hợp với các cơ sở điều trị thực hiện đúng các quy định hiện hành về thuốc kê đơn, theo dõi an toàn, hiệu quả, tác dụng không mong muốn của thuốc trên người Việt Nam và tổng hợp, báo cáo theo quy định.
Đồng thời, Cục cũng đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố thông báo cho cơ sở khám chữa bệnh, các cán bộ y tế, cơ sở cung ứng thuốc trên địa bàn thông báo cho bệnh nhân về các lợi ích, rủi ro khi sử dụng thuốc, các phương pháp điều trị, các thuốc khác có thể thay thế Molnupiravir trong điều trị COVID-19.
Bên cạnh đó, Cục yêu cầu các đơn vị tăng cường theo dõi, giám sát, phát hiện các trường hợp xảy ra phản ứng có hại của thuốc (nếu có), gửi báo cáo về Trung tâm Quốc gia về thông tin thuốc và theo dõi phản ứng có hại của thuốc (Hà Nội) hoặc Trung tâm khu vực về thông tin thuốc và theo dõi phản ứng có hại của thuốc (TP HCM) theo quy định.
Cục Quản lý Dược yêu cầu Trung tâm Quốc gia về Thông tin thuốc và Theo dõi phản ứng có hại của thuốc - Trường Đại học Dược Hà Nội, Trung tâm khu vực về thông tin thuốc và theo dõi phản ứng có hại của thuốc TP. HCM- Bệnh viện Chợ Rẫy, Trung tâm Dược lý lâm sàng - Trường Đại học Y Hà Nội có trách nhiệm theo dõi, cập nhật và báo cáo về Cục những thông tin sau:
- Thông tin trong tờ hướng dẫn sử dụng của thuốc chứa Molnupiravir được phê duyệt tại các quốc gia tham chiếu trên thế giới để cập nhật tờ hướng dẫn sử dụng chung thống nhất cho các thuốc Molnupiravir.
- Thông tin liên quan an toàn, hiệu quả của thuốc chứa Molnupiravir được đánh giá bởi các cơ quan quản lý dược trên thế giới, Tổ chức Y tế thế giới và thông tin về sử dụng, tình trạng lưu hành thuốc chứa Molnupiravir trên thế giới.
- Thông tin liên quan đến báo cáo ADR thuốc, các thông tin an toàn, hiệu quả thuốc lưu hành tại Việt Nam.
Quyết định của Cục Quản lý Dược cũng nêu rõ trong quá trình lưu hành thuốc, căn cứ vào việc theo dõi, cập nhật thông tin về độ an toàn, hiệu quả của 3 loại thuốc trên, Cục Quản lý dược cho biết có thể quyết định thu hồi giấy đăng ký lưu hành đã cấp này theo quy định của khoản 1, điều 58 Luật Dược. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).
Bộ Y tế hướng dẫn các việc nên làm để tránh tình trạng 'sương mù não' của hậu COVID-19
Bộ Y tế vừa ban hành quyết định Hướng dẫn Phục hồi chức năng và tự chăm sóc các bệnh có liên quan sau mắc COVID-19 (còn gọi là hậu COVID-19).
Theo tài liệu này, trong thời gian phục hồi sau COVID-19, 'cựu F0' có thể gặp một loạt khó khăn liên quan đến khả năng suy nghĩ của mình (được gọi là "nhận thức"). Những khó khăn này có thể bao gồm các vấn đề về trí nhớ, chú ý, xử lý thông tin, lập kế hoạch và tổ chức. Đây còn được gọi là tình trạng 'sương mù não'.
Tình trạng 'sương mù não' thường trở nên tồi tệ hơn do mệt mỏi, nghĩa là người sau mắc COVID-19 càng mệt mỏi thì càng nhận thấy có nhiều khó khăn hơn đối với khả năng suy nghĩ của mình.
Điều quan trọng là người đã mắc COVID-19 và gia đình phải nhận biết được liệu bạn có đang gặp phải những khó khăn này hay không, vì chúng có thể ảnh hưởng đến các mối quan hệ, hoạt động hàng ngày và việc bạn quay trở lại công việc hoặc học tập. Nếu sau mắc COVID-19, 'cựu F0' gặp bất kỳ khó khăn nào trong số này, hướng dẫn của Bộ Y tế đưa ra các việc làm dưới đây có thể hữu ích:
- Giảm thiểu sự xao nhãng: cố gắng làm việc trong môi trường yên tĩnh không có sự phân tâm, có thể sử dụng nút bịt tai nếu cần. Nếu người sau mắc COVID-19 bị phân tâm khi đọc văn bản, hãy đánh dấu các phần của văn bản bằng cách sử dụng giấy hoặc sử dụng ngón tay của bạn làm điểm đánh dấu.
- Hoàn thành các hoạt động khi ít mệt mỏi hơn: Khi người sau mắc COVID-19 làm một việc mà đòi hỏi kỹ năng tư duy, hãy lập kế hoạch cho việc này vào thời điểm bớt mệt mỏi hơn. Ví dụ, nếu càng về chiều càng cảm thấy mệt mỏi thì hãy làm công việc vào buổi sáng.
- Thường xuyên nghỉ giải lao: Nếu vấn đề trở nên tồi tệ hơn do mệt mỏi, hãy làm việc trong thời gian ngắn hơn và nghỉ giải lao.
- Đặt cho mình những mục tiêu và đích đến hợp lý: Có cái gì đó chắc chắn và rõ ràng để hướng tới sẽ giúp bạn duy trì động lực. Hãy đảm bảo đặt ra các mục tiêu thực tế có thể đạt được. Ví dụ: chỉ đọc 05 trang sách mỗi ngày.
- Có thời gian biểu: Người sau khi mắc COVID-19 hãy cố gắng thiết lập lịch trình làm việc hàng ngày và hàng tuần cho mình. Nó có thể hữu ích nếu 'cựu F0' lập kế hoạch các hoạt động trước thời hạn.
- Sử dụng các biện pháp khuyến khích: Khi 'cựu F0' đạt được mục tiêu hoặc mục đích, hãy tự thưởng cho mình - hãy thử làm điều gì đó rất đơn giản, chẳng hạn như uống một tách trà hoặc cà phê, xem tivi hoặc đi dạo.
- Làm một hoạt động một lần: Đừng vội vàng hoặc cố gắng tiếp nhận quá nhiều thông tin cùng một lúc, vì điều này có thể dẫn đến sai lầm trong xử lý thông tin.
- Trợ giúp: Sử dụng danh sách, ghi chú, nhật ký và lịch có thể giúp hỗ trợ trí nhớ và thói quen của bạn.
- Bài tập trí não: Người sau mắc COVID-19 có thể thử những sở thích mới, giải câu đố, trò chơi chữ và số, các bài tập trí nhớ...
Ngoài ra, các biện pháp nâng cao thể trạng, các chiến lược làm giảm căng thẳng có thể cải thiện tình trạng 'sương mù não' như: ngủ đủ giấc và đúng giờ, tập thể dục, thư giãn; suy nghĩ tích cực, chế độ ăn uống hợp lý, tránh các chất tác động tâm thần như rượu, bia, chất kích thích, ...
Gần 9,4 triệu người mắc COVD-19 đã khỏi bệnh
Theo thống kê của Bộ Y tế, ngày 21/5, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 1.457 ca nhiễm mới đều ghi nhận trong nước (giảm 130 ca so với ngày trước đó) tại 43 tỉnh, thành phố (có 1.218 ca trong cộng đồng).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 1.645 ca/ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.706.111 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 104/227quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 108.163 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay): Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 10.698.354 ca. Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.597.114), TP. Hồ Chí Minh (609.131), Nghệ An (483.942), Bắc Giang (387.504), Bình Dương (383.759).
Tổng số người mắc COVID-19 được điều trị khỏi đến nay là: 9.390.032 ca. Hiện có hơn 1,27 triệu người mắc COVID-19 đang giám sát, điều trị. Số bệnh nhân đang thở ô xy là 221 ca, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 182 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 19 ca; Thở máy không xâm lấn: 5 ca; Thở máy xâm lấn: 13 ca; ECMO: 2 ca.
Theo Bộ Y tế, tại nước ta, dịch bệnh vẫn đang được cơ bản kiểm soát trên phạm vi cả nước, mấy ngày gần đây, cả nước ghi nhận trên 1.000 ca trong cộng đồng mỗi ngày và rải rác 1- 2 ca tử vong mỗi ngày (có ngày không ghi nhận ca tử vong nào).
Vaccine vẫn là biện pháp quan trọng trong phòng, chống dịch; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh tiêm chủng, chủ động xây dựng và triển khai các kịch bản, phương án đáp ứng với mọi tình huống dịch bệnh; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.
Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 22/5 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 526.966.451 ca COVID-19, trong đó có 6.299.408 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 584.518 và 667 ca tử vong mới.
Số bệnh nhân bình phục đã đạt 496.757.959 người, 23.909.084 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 38.195 ca nguy kịch.
Trong 24 giờ qua, Australia dẫn đầu thế giới về ca nhiễm mới với 46.628 ca; Nhật Bản đứng thứ hai với 39.001 ca; tiếp theo là Mỹ (29.365 ca). Nga đứng đầu về số ca tử vong mới, với 102 người tử vong trong ngày; tiếp theo là Đức với 76 ca và Australia 49 ca.
Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Tổng số ca nhiễm tại Mỹ đến nay là 84.964.627 người, trong đó có 1.028.780 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ hai thế giới, ghi nhận tổng cộng 43.136.340 ca nhiễm, bao gồm 524.348 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 30.778.607 ca bệnh và 665.595 ca tử vong. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).