Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 25/8/2022

  • |
T5g.org.vn - TPHCM: Các bệnh viện thiếu hụt điều dưỡng; Thiếu vaccine cho trẻ do tiêm chậm, phải chuyển sang tiêm người lớn; Làm việc đến kiệt sức, còn bị bạo hành; Vụ nhiều sản phụ Bệnh viện Từ Dũ bị lộ thông tin cá nhân sau sinh: Nhân viên vi phạm sẽ cho nghỉ việc; Ám ảnh bệnh nhân tâm thần gây án; Vì sao vỡ mô hình bệnh viện tự chủ?

TPHCM: Các bệnh viện thiếu hụt điều dưỡng

Chiều 24-8, đoàn giám sát của Ủy ban Xã hội của Quốc hội đã có buổi giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách pháp luật về BHXH giai đoạn 2016-2021, chính sách pháp luật về BHYT giai đoạn 2019-2021 và việc thực hiện các biện pháp cấp bách về y tế - xã hội trong phòng chống dịch Covid-19 theo tinh thần của Nghị quyết 30 của Quốc hội tại Sở Y tế TPHCM.

Tại đây, nhiều khó khăn vướng mắc về công tác thanh, quyết toán, mua sắm các vật tư y tế, thuốc trong danh mục BHYT được các cơ sở y tế nêu ra và kiến nghị các giải pháp khắc phục để hướng tới chăm sóc, điều trị cho người bệnh tốt hơn. Đặc biệt, lãnh đạo ngành y tế cũng bày tỏ nhiều nỗi trăn trở của ngành, trong đó nổi cộm nhất là vấn đề nhân sự điều dưỡng.

Theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, hiện ngành y tế gặp khó khăn do biến động về nhân lực. Lãnh đạo Sở Y tế ngày nào cũng ký giải quyết nghỉ việc, đa số là các bệnh viện công lập. Trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, cán bộ y tế nghỉ trên 2.000 người chủ yếu là bác sĩ và điều dưỡng. Thống kê của ngành y tế, trong 6 tháng đầu năm 2022 có 891 viên chức nghỉ việc. 

Mặc dù tổng số người làm việc giảm không nhiều so với năm 2021 (306 người) nhưng gây khó khăn không nhỏ cho các cơ sở y tế công lập vì hầu hết người nghỉ việc là người có thâm niên, kinh nghiệm, còn người mới được tuyển dụng cần có thời gian để thực hành, tập sự. Các bệnh viện chưa bao giờ khó tuyển dụng như hiện nay, nhất là nhân lực điều dưỡng.

“Theo yêu cầu phải có 3 điều dưỡng/1 bác sĩ nhưng hiện tỷ lệ này chưa đạt, chỉ đạt từ 1,5 đến 2 điều dưỡng/1 bác sĩ. Tỷ lệ điều dưỡng giảm dẫn đến chất lượng chăm sóc người bệnh sẽ giảm”, PGS-TS Tăng Chí Thượng thừa nhận và cho rằng, cần có chính sách giữ chân lực lượng lao động lớn nhất của ngành y tế (Sài Gòn giải phóng, trang 11).

 

Thiếu vaccine cho trẻ do tiêm chậm, phải chuyển sang tiêm người lớn

Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương vừa có công văn gửi sở y tế, trung tâm kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phố về tình hình cung ứng vaccine Covid-19 Moderna cho trẻ. Theo đó, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết đã tiếp nhận viện trợ và phân bố gần 9,2 triệu liều vaccine Moderna tới các địa phương để tiêm cho trẻ từ 6 tới dưới 12 tuổi đã tiêm mũi 1 Moderna. Trường hợp không sử dụng hết mới được dùng để tiêm mũi nhắc lại cho người lớn.

Tuy nhiên, việc triển khai tại các địa phương gặp nhiều khó khăn, trong khi vaccine Moderna chỉ được sử dụng tối đa trong 30 ngày từ khi rã đông. Do đó, để sử dụng hiệu quả, nhiều địa phương đã  sử dụng để tiêm nhắc lại cho người lớn, dẫn tới thiếu hụt vaccine để tiêm mũi 2 cho trẻ (theo đề xuất của các địa phương hiện cần bổ sung khoảng 274.000 liều). 

Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đang liên hệ với tổ chức quốc tế và chính phủ các nước đề nghị hỗ trợ vaccine Moderna, dự kiến trong tháng 9 tiếp nhận và cung ứng vaccine Moderna cho các địa phương.

Đến ngày 24-8, cả nước đã tiêm hơn 255,1 triệu liều vaccine Covid-19, trong đó tiêm cho trẻ từ 5 tới dưới 12 tuổi là hơn 14,8 triệu mũi (mũi 1 là hơn 9 triệu, mũi 2 là hơn 5,7 triệu). Hiện chỉ còn 8 ngày để đạt mục tiêu tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ từ 5 tới dưới 12 tuổi, nhưng nhiều địa phương tiêm rất chậm (Sài Gòn giải phóng, trang 11; An ninh thủ đô, trang 4).

 

Làm việc đến kiệt sức, còn bị bạo hành

Những người đang chịu nhiều thiệt thòi và khó khăn nhất chính là nhân viên tại tuyến y tế cơ sở, nơi đang phải gánh hàng chục đầu việc. Y bác sĩ phải làm ngày, làm đêm và luôn đối mặt với vấn nạn bạo hành, gây tâm lý hoang mang, lo sợ…

Mỗi trạm y tế gánh 29 đầu việc

Trạm Y tế phường 5 (quận 8, TPHCM) hiện có 10 nhân sự, trong đó có 2 bác sĩ (1 người là biên chế chính thức và 1 người làm việc theo hợp đồng). Chỉ với 10 người, Trạm Y tế này đang đảm nhận công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho hơn 46.000 dân trên địa bàn phường, tạo nên sự quá tải khủng khiếp với các nhân viên y tế. Nếu không xảy ra dịch bệnh, trạm y tế phải thực hiện 29 chương trình y tế lớn nhỏ.

Khi dịch bệnh bùng phát, cán bộ, nhân viên tại trạm y tế gần như không có thời gian nghỉ ngơi. “Khốn khổ nhất là đợt dịch COVID-19 vừa qua, anh chị em làm việc đầu tắt, mặt tối không quản ngày đêm, không có ngày nghỉ thứ 7 hay chủ nhật. Chúng tôi chìm trong núi công việc, từ lấy mẫu xét nghiệm, phát thuốc, chăm sóc F0 tại nhà, tiêm vắc xin… Dịch COVID-19 mới cơ bản khống chế thì dịch sốt xuất huyết bùng phát. Nhiệm vụ phòng chống, xử lý các ổ dịch một lần nữa đè nặng lên vai nhân viên” - BS Lê Thanh Tuấn, Trưởng trạm Y tế phường 5 chia sẻ.

Nói về thu nhập của nhân viên tại Trạm y tế, BS Lê Thanh Tuấn thở dài: “Tôi là bác sĩ trưởng trạm, đã có thời gian công tác gần 20 năm nhưng hiện nay tổng thu nhập được hơn 8 triệu đồng. Các anh chị em khác tại trạm thu nhập chỉ 6 đến 7 triệu đồng/tháng. Với khoản kinh phí như trên, gia đình tôi luôn trong tình trạng chật vật, gói gọn để không bị thiếu trước, hụt sau. Có đôi lúc, tôi bất mãn muốn buông xuôi. Nếu không có sự động viên, hỗ trợ từ hai bên gia đình nội ngoại để vợ chồng nuôi 2 đứa con nhỏ, chắc tôi đã bỏ việc từ lâu”.

Là người cống hiến gần hết tuổi nghề cho sự nghiệp chăm sóc bệnh nhân tại tuyến y tế cơ sở, BS Đỗ Thị Tân, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Quận 1 (TPHCM) ngao ngán: Hệ thống trạm y tế trên địa bàn Quận 1 hiện nay có tổng cộng 67 người. Trong thời gian chống dịch, mỗi trạm chỉ có từ 5 đến 7 người nhưng phải gồng gánh hết công việc. Trang thiết bị phục vụ hoạt động khám chữa bệnh tại trạm y tế thì quá lỗi thời, lạc hậu. Các bác sĩ trạm y tế đang phải cố gắng thích ứng, sử dụng… đồ cổ để phục vụ bệnh nhân. Bản thân tôi nhiều lần muốn nghỉ việc nhưng vì đồng nghiệp vì cộng đồng nên vẫn cố gắng gắn bó đến nay”.

Trung tâm y tế Quận 1 cũng từng thu hút được nhiều bác sĩ các chuyên khoa khác nhau như mắt, răng hàm mặt, da liễu, tai mũi họng... Tuy nhiên, sau thời gian làm việc vững tay nghề, nhiều người đã lẳng lặng ra đi. Sở Y tế phân công một số bác sĩ trẻ về công tác, nhưng chỉ được thời gian rất ngắn thì đều nghỉ việc hoặc chuyển công tác. Cùng lúc phải đảm nhận 2 chức năng y tế dự phòng và điều trị, trung tâm y tế các quận huyện đang trong tình trạng thiếu hụt nhân sự nên không thể hoàn thành nhiệm vụ.

Theo BS Đỗ Thị Tân, các trung tâm y tế quận huyện tại TPHCM đã nhiều lần kiến nghị thành phố đầu tư cơ sở vật chất với đầy đủ phòng chức năng để đáp ứng nhu cầu của người bệnh. Cùng với đó, nhiều kiến nghị, đề xuất về cơ chế, chính sách nhằm thu hút bác sĩ về đầu quân tại các trung tâm y tế cũng đã được gửi đến Sở Y tế TPHCM nhiều lần nhưng đến nay vẫn giậm chân tại chỗ. “Làm việc trong môi trường nhiều áp lực nhưng thu nhập thấp, từ ngày 1/10/2021 đến giữa tháng 8/2022 Trung tâm y tế Quận 1 TPHCM đã có 21 nhân viên nghỉ việc. Có những phòng, nhân viên y tế nghỉ việc gần hết” - BS Đỗ Thị Tân nói.

Bị đối xử bất công

“Nhất Y, nhì Dược, tạm được Bách Khoa” là câu nói được cộng đồng sử dụng khi nói về những ngành nghề đào tạo có số điểm thi tuyển, xét tuyển luôn cao ngất ngưởng trong mọi kỳ thi tuyển sinh đại học. Những thí sinh đỗ vào trường y không chỉ thực sự giỏi mà còn mang trong mình hoài bão và tâm huyết cứu người, bảo vệ thứ quý giá và thiêng liêng nhất là sự sống của đồng loại. Tuy nhiên, thời gian gần đây, không ít y, bác sĩ, kể cả những người có uy tín mang tâm trạng mặc cảm và tủi thân khi các khuyết tật trong ngành y được phanh phui. Nhiều lãnh đạo Bộ Y tế, các bệnh viện và trung tâm kiểm soát bệnh tật trên cả nước bị khởi tố, bắt giam vì liên quan đến hàng loạt bê bối trong đấu thầu, mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, mua sắm kít xét nghiệm phòng chống dịch COVID-19…

Khó khăn càng thêm chồng chất khi nhiều nhân viên y tế đối mặt với vấn nạn bạo hành và sự đối xử bất công từ một bộ phận không nhỏ bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Hai vụ tấn công bác sỹ diễn ra liên tiếp vào cuối tháng 7 và đầu tháng 8 vừa qua tại Bệnh viện Nhân Dân Gia Định (TPHCM) dường như là giọt nước tràn ly và khiến các y, bác sĩ hoang mang, lo lắng.

Trao đổi với phóng viên, BS Phạm Hoàng Thiên (33 tuổi) nạn nhân trong vụ bị người nhà bệnh nhân hành hung, bóp cổ, dọa giết vào đêm 27/7 tại Bệnh viện Nhân Dân Gia Định cho biết: “Không chỉ riêng bản thân tôi mà trong khoa cấp cứu, rất nhiều anh chị em khác đã bị hành hung. Bản thân tôi từ khi công tác tại khoa cấp cứu gần 8 năm qua không thể nhớ hết đã bao nhiêu lần bị hành hung. Số lần bị tấn công có thể đã lên đến con số hàng chục. Chỉ tính riêng 3 tháng cuối năm 2021, tôi đã bị tấn công 3 lần, trong đó một vụ gây thương tích. Trên cánh tay đến giờ vẫn còn để lại vết sẹo”.

Trước những hành vi côn đồ từ phía người nhà bệnh nhân, ngành y tế TPHCM cũng đã có động thái lên án nhưng các phản ứng chưa cho thấy sự quyết liệt, chưa đưa ra được giải pháp hữu hiệu để bảo vệ nhân viên y tế. Theo BS Hoàng Thiên, nhiều vụ việc xảy ra trước đó đều nhanh chóng “chìm xuồng” một phần vì thương tích không đủ mức để khởi tố. “Chúng tôi gần như bị bỏ rơi trước nạn bạo hành, chẳng biết ai sẽ bảo vệ mình. Lần này, tôi sẽ đi đến cùng để làm rõ trắng đen và yêu cầu xử lý người đã tấn công mình. Tuy nhiên, tôi thấy lo lắng, sợ sẽ bị trả thù. Nếu bệnh viện không còn là nơi an toàn để công tác thì tôi sẽ chọn môi trường làm việc khác tốt hơn” - BS Hoàng Thiên bộc bạch.

BS Huỳnh Nguyễn Lộc, Viện trưởng Viện Y dược học Dân tộc TPHCM thẳng thắn: “Ở viện tôi, thời gian qua cũng có nhiều người nghỉ việc. Mặc dù chúng tôi đã nhiều lần tiếp xúc, động viên nhưng không thể giữ chân được các y bác sĩ. Nghề y những tưởng là cao quý, được xã hội tôn vinh nhưng trên thực tế, anh em đang có sự buồn tủi”.

Trong đại dịch COVID-19, nhân viên y tế đã quên mình bảo vệ sức khỏe cho người dân. Tuy nhiên, sau đại dịch, nhiều y bác sĩ như cục pin đã hết năng lượng. Thu nhập thấp càng khiến nhiều người muốn bỏ nghề. “Với trình độ và trí tuệ của y bác sĩ và điều dưỡng, mọi người đều có thể làm ngoài hệ thống công lập để thu nhập được tốt hơn. Muốn giữ chân được nhân viên y tế cần phải sớm giải tỏa được khó khăn, thách thức, mối quan hệ để giúp nhân viên y tế có niềm vui trong công việc, gắn bó với nghề. Nếu không sớm có sự điều chỉnh thì mỗi nhân viên y tế đều sẽ chọn đường đi cho mình, hướng đến sự phát triển tốt hơn trong tương lai, có thu nhập cao hơn và có nhiều thời gian chăm lo cho gia đình của mình hơn” - BS Huỳnh Nguyễn Lộc nói (Tiền phong, trang 4).

 

Vụ nhiều sản phụ Bệnh viện Từ Dũ bị lộ thông tin cá nhân sau sinh: Nhân viên vi phạm sẽ cho nghỉ việc

Sáng 24-8, Bệnh viện Từ Dũ tổ chức họp báo cung cấp thông tin về việc nhiều sản phụ phản ánh sau khi sinh tại bệnh viện bị lộ thông tin cá nhân; khiến sản phụ bị quấy rối bởi nhiều hãng sữa, dịch vụ chăm sóc mẹ và bé,… Theo bác sĩ Trần Ngọc Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, phần lớn thông tin lọt ra ngoài là số điện thoại của sản phụ. Số điện thoại thường lưu lại trong hồ sơ bệnh án để tiện cho công tác liên hệ với người bệnh, người nhà bệnh nhân. Việc rò rỉ thông tin sản phụ có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. 

Cụ thể, mỗi bệnh viện có những hệ thống cung cấp cho người bệnh thông qua các tiện ích như: nhắn tin thông báo cho người bệnh về những diễn tiến trong quá trình điều trị, đặc biệt trong lúc sanh, trước và sau khi mổ và những trường hợp trẻ nằm viện cấp cứu sơ sinh mà người nhà chưa tiếp cận được. Điều này, giúp người nhà nhanh chóng tiếp cận được thông tin, niềm vui của gia đình. 

Bên cạnh đó, thông tin cá nhân có thể ở các dịch vụ thông qua tổng đài đặt lịch khám chữa bệnh; giao dịch tiện ích không dùng tiền mặt; thông qua các hệ thống mà bệnh viện báo cáo theo quy định cho các cơ quan chủ quản theo yêu cầu. Hoặc có thể bản thân khách hàng cung cấp thông tin cho đơn vị cung cấp các dịch vụ khuyến mãi ở trong cũng như ngoài bệnh viện.

Tại Bệnh viện Từ Dũ, hồ sơ bệnh án thường được quản lý rất chặt, chỉ những người có trách nhiệm mới được tiếp cận hồ sơ. Nhưng trong quá trình vận hành (đóng mộc, chuyển hồ sơ, chuyển khoa), một số công ty mà bệnh viện thuê trong quá trình di chuyển cũng là nguyên nhân gây ra việc lộ thông tin cá nhân người bệnh. Cùng với đó, là sự dễ dãi của người bệnh và nhân viên y tế ở một số bộ phận khiến thông tin cá nhân của sản phụ bị lộ. 

“Thông tin bị rò rỉ từ quá nhiều nguồn, ngay sau khi phát hiện vụ việc, bệnh viện đã họp với các bác sĩ và nữ hộ sinh, trưởng khoa, phòng để tăng cường công tác an ninh, đặc biệt là danh sách khách hàng. Điều này là sống còn của bệnh viện”, bác sĩ Trần Ngọc Hải khẳng định.

Sẽ cho nghỉ việc nếu phát hiện nhân viên vi phạm

Trước sự việc này, bác sĩ Trần Ngọc Hải cho biết, bệnh viện yêu cầu nhân viên nâng cao nhận thức, tránh dễ dãi trong công tác an ninh đảm bảo an toàn cho người bệnh. Bắt đầu từ hôm nay, bệnh viện triển khai mã hóa toàn bộ số điện thoại của bệnh nhân trên hồ sơ bệnh án.

“Trong vòng 12 tiếng, bệnh viện đã xây dựng công nghệ này để bảo mật thông tin người bệnh”, bác sĩ Hải khẳng định và cho biết bệnh viện cũng sẽ tăng cường bổ sung các quy trình; phân quyền tiếp cận các số liệu, ai làm ở lĩnh vực nào sẽ được tiếp cận số liệu.

Hiện Bệnh viện Từ Dũ đã có những quy trình để bảo mật hoặc phân quyền tiếp cận các thông tin của thai phụ bằng cách ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hồ sơ bệnh án. Các cấp được phân công rất rõ, từ giám đốc, phó giám đốc ai được phân công mảng nào thì được tiếp cận mảng đó và bộ phận chức năng cũng vậy. Tất cả hợp đồng của công ty khi làm việc với bệnh viện đều được cam kết bảo mật, nếu vi phạm sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật.

“Hiện, qua rà soát tại bệnh viện, chưa phát hiện đối tượng hack phần mềm, các công ty (ngân hàng, bưu điện, tổng đài) vẫn cam kết không cung cấp dữ liệu cho bên thứ 3”, bác sĩ Trần Ngọc Hải thông tin. 

Trả lời câu hỏi của phóng viên báo SGGP về việc có hay không việc lộ thông tin sản phụ ra ngoài bắt nguồn từ bệnh viện, bác sĩ Trần Ngọc Hải khẳng định, chưa thể xác định lỗi từ bệnh viện. Nếu phát hiện trường hợp nhân viên làm lộ thông tin người bệnh, bệnh viện sẽ xin lỗi và sẽ cho nhân viên làm lộ thông tin nghỉ việc (Sài Gòn giải phóng, trang 11; Tuổi trẻ, trang 14). 

 

Ám ảnh bệnh nhân tâm thần gây án

Hiện Bệnh viện Tâm thần Quảng Ngãi đang theo dõi và điều trị khoảng 6.000 bệnh nhân. Trong đó, có trên 500 đối tượng là người tâm thần nặng có hành vi nguy hiểm đến gia đình, cộng đồng và trên 250 đối tượng là người tâm thần lang thang. Nhiều vụ án do người tâm thần gây ra để lại những ám ảnh đau lòng.

Những cái chết tức tưởi

Mới đây, vào khoảng 5h30 ngày 15/8, bà Đỗ Thị Thu H. (55 tuổi, nhân viên Trạm Y tế xã Đức Chánh, huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi) sau khi hết ca trực, trên đường về nhà, khi đi qua thôn 2 xã Đức Chánh bất ngờ bị ông Nguyễn Thành Sơn (46 tuổi, trú xã Đức Chánh, là người bị tâm thần) cầm một khúc gỗ đánh mạnh vào đầu và mặt, khiến bà H. tử vong tại chỗ. Khi chúng tôi đến tìm hỏi, nhiều người dân chứng kiến vụ việc đều kể lại tường tận, nhưng yêu cầu không được chụp ảnh hoặc tiết lộ danh tính, vì sợ đối tượng tâm thần biết chuyện, sẽ trả thù.

Một người dân chứng kiến vụ việc kể lại, khi thấy ông Sơn đánh bà H, không ai dám trực tiếp can thiệp, mà chỉ gọi điện báo cho công an xã. Lúc công an đến khống chế được đối tượng thì bà H. đã tử vong.

Ông Sơn nặng hơn 80kg, rất hung hăng, từng rượt đánh rất nhiều người trong xóm nhập viện. Trước đêm đánh chết bà H, ông Sơn cầm gậy đi khắp xóm la ó, quậy phá suốt đêm, người dân xung quanh không ai dám ngủ. Chính quyền địa phương cũng xác nhận ông Sơn mắc bệnh động kinh, được cấp sổ theo dõi và quản lý bệnh nhân tâm thần, được cấp thuốc điều trị hằng tháng và nhận tiền hỗ trợ. Điều đau lòng là nạn nhân bị ông Sơn đánh chết chính là người từng cấp thuốc điều trị cho nghi phạm.

Chị Nguyễn Thị Phẩm, Phó trưởng trạm Y tế xã Đức Chánh cho biết, hoàn cảnh của chị H. hết sức bi đát, khi cách đây gần 1 năm, chồng bị tai nạn giao thông qua đời, giờ đến lượt chị cũng qua đời trong tình cảnh rất oan nghiệt, để lại một đứa con duy nhất.

Được biết, hung thủ Nguyễn Thành Sơn có gia cảnh khó khăn, hiện đang ở với vợ, cùng 2 người con. Bình thường ông Sơn vẫn đi phụ hồ hoặc ai thuê gì làm nấy, tuy nhiên người này thường lên cơn bất thường. Nhất là khi thời tiết nắng nóng ông ta hay phát bệnh và rượt đánh nhiều người dân trong xã.

Cách đây khoảng 5 tháng, đối tượng Sơn cũng đã đánh ông Trần Văn Thanh (nguyên Chủ tịch Hội Nông dân xã Đức Chánh) bị thương tích tới trên 90%, hiện đang nằm điều trị chấn thương sọ não ở Bệnh viện chợ Rẫy (TPHCM) từ nhiều tháng qua.

Trường hợp nhân viên y tế Đỗ Thị Thu H. bị đối tượng tâm thần đánh chết không phải là vụ việc cá biệt ở Quảng Ngãi.

Cuối năm 2020, đối tượng T.N.V. (33 tuổi) đã ra tay sát hại mẹ ruột là bà B.T.T.T (57 tuổi) cùng trú xã Nghĩa Trung, huyện Tư Nghĩa. Tại hiện trường, thi thể bà T. nằm trên nền nhà, bị chém nhiều nhát vào đầu, cắt đứt bàn tay, mổ ruột. V. bị bệnh tâm thần, có dấu hiệu sử dụng ma túy khi gây án, từng điều trị nội trú tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh, nhưng được bà T. đưa về nhà cho uống thuốc điều trị.

Cũng trong năm 2020, TAND tỉnh Quảng Ngãi tuyên phạt 7 năm tù đối với Nguyễn Thị Thanh Huyền (27 tuổi, xã Bình Tân Phú, huyện Bình Sơn) về tội giết người. Nạn nhân xấu số chính là người yêu của Huyền. Giám định pháp y của Viện Pháp y tâm thần trung ương Biên Hòa kết luận: Trước, trong, sau khi gây án, Huyền bị bệnh tâm thần phân liệt thể paranoid giai đoạn thuyên giảm không hoàn toàn; tại thời điểm gây án Huyền bị hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi.

Khiếp sợ người tâm thần lang thang

Đa phần gia đình những người mắc bệnh tâm thần có hoàn cảnh khó khăn, nhiều người thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo. Bệnh nhân tâm thần sống chủ yếu dựa vào người thân, gia đình và trợ cấp xã hội hàng tháng. Trong khi các cơ sở tư vấn chữa trị, phục hồi chức năng cho người tâm thần còn hạn chế.

Riêng tại xã Đức Chánh (huyện Mộ Đức) hiện có 67 người mắc bệnh tâm thần và động kinh, một số có sổ theo dõi, một số không. Trong đó có đến 43 trường hợp tâm thần phân liệt và 24 trường hợp động kinh.

Ông Nguyễn Quang Chính - Chủ tịch UBND xã Đức Chánh cho biết, chính quyền xã gặp khó khăn trong việc vận động đưa người bệnh tâm thần đi điều trị tập trung. Như trường hợp Nguyễn Thành Sơn địa phương cũng đã phối hợp với Công an huyện bắt buộc phải đưa Sơn đi điều trị tập trung nhưng gia đình họ không đồng ý.

Ông Đặng Trong - Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh Quảng Ngãi cho hay, những bệnh nhân rối loạn tâm thần nặng, các bệnh nhân cần theo dõi thì được khám chữa bệnh nội trú. Sau giai đoạn cấp, bệnh nhân ổn định thì sẽ được chuyển về các trạm y tế trên địa bàn toàn tỉnh để quản lý theo dõi và điều trị ngoại trú.

“Phần lớn các bệnh nhân được gia đình yêu cầu đưa về chăm sóc. Tuy nhiên, vì sự thiếu trách nhiệm trong quản lý con em mắc bệnh tâm thần, đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng, mất an ninh trật tự xã hội”, ông Trong cho biết (Tiền phong, trang 10).

 

Vì sao vỡ mô hình bệnh viện tự chủ?

Theo nhiều chuyên gia y tế, về mặt lí thuyết, cơ chế tự chủ được xem là chính sách “cởi trói” cho các đơn vị y tế công lập từng bước chủ động nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Tuy nhiên, tình trạng không có bệnh nhân, không có doanh thu, giá viện phí thấp là nguyên nhân khó bảo đảm đời sống cho cán bộ, nhân viên y tế, từ đó có thể ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ.

Mới đây, tại buổi làm việc với quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai đề xuất dừng thí điểm tự chủ vì văn bản pháp lí chưa rõ ràng, chưa chắc chắn do vậy dễ dẫn đến sai lầm, sai sót trong quá trình thực hiện... Như việc thực hiện xã hội hóa trong bệnh viện thời gian qua, chủ trương đúng nhưng thực hiện nhiều cơ sở xảy ra thiếu sót.

Trao đổi với PV Tiền Phong, GS.TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K nói: “Nếu thực hiện tự chủ toàn diện thì bệnh viện phải đóng tiền sử dụng đất, nhưng chưa có quy định rõ. Do vậy, Bệnh viện K cũng chưa biết xử lí thế nào. Đặc biệt, nếu tự chủ hoàn toàn thì riêng tiền thuế đất của cả 3 cơ sở, một năm Bệnh viện K đã phải đóng đã lên đến hàng chục tỷ đồng. Đây cũng là một bài toán khó đối với bệnh viện”.

Ông Quảng cho biết, với ngành y, nếu tự chủ toàn diện cả đầu tư và chi thường xuyên tại thời điểm này còn gặp nhiều khó khăn thách thức nhất định. “Bệnh viện K và các bệnh viện tham gia thí điểm tự chủ đều là những bệnh viện đầu ngành. Việc chọn bệnh viện đầu ngành để thí điểm sẽ khó đánh giá hiệu quả bởi dù tự chủ hay không thì vẫn có lượng lớn bệnh nhân đến khám và điều trị ít có sự thay đổi”, ông Quảng nói đồng thời cho biết, nếu thực hiện tự chủ toàn diện thì cả bệnh viện và người bệnh cũng vẫn sẽ gặp những khó khăn nhất định, cụ thể là: bệnh nhân ung thư phải chi trả nhiều hơn, ngay cả khi có hành lang pháp lí, việc thực hiện tự chủ toàn diện cũng cần theo lộ trình. Trường hợp tự chủ toàn diện thì kinh phí phục vụ cho nhiệm vụ này cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn. “Vậy những chi phí này sẽ do Bệnh viện K, bệnh viện tuyến dưới hay Nhà nước chi trả?”, GS.TS Lê Văn Quảng đặt câu hỏi.

Giám đốc Bệnh viện K cho biết thêm, vào thời điểm thực hiện tự chủ toàn diện cũng là lúc xảy ra đại dịch COVID-19. Đây là nguyên nhân chính khiến nguồn thu của Bệnh viện K giảm khoảng 35-40% tương đương khoảng 1.300 tỷ đồng.

Nếu không có dịch COVID-19, một năm Bệnh viện K tích lũy được khoảng 100 tỷ đồng. Số tiền tích lũy này nếu đầu tư mua sắm trang thiết bị y tế nhiều khi không đủ. Trong 2 năm thực hiện tự chủ toàn diện, bệnh viện này chưa mua sắm thêm được bất kì máy móc điều trị nào.

Khó khăn lớn nhất là tài chính

Mới đây, tại cuộc họp về “Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân; chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Về lâu dài, phải giải quyết được nút thắt trong việc tính đúng, tính đủ và phải tăng đầu tư từ ngân sách. Không thể nào đòi chữa bệnh như các nước tiên tiến mà giá lại như nước nghèo nhất. Ngay cả vấn đề tự chủ y tế cũng vậy, cần phải có cơ chế. Bộ Y tế phải khởi xướng, Bộ Tài chính đồng hành”.

Đề cập vấn đề này, TS Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho rằng, khó khăn lớn nhất mà các bệnh viện tự chủ toàn diện phải đối mặt liên quan cơ chế tài chính. Với bệnh viện tuyến cuối về yêu cầu phải thực hiện công tác chỉ đạo tuyến, điều trị bệnh nhân nặng, đào tạo chuyên khoa sâu, làm chủ kĩ thuật cao... nhưng khi được giao tự chủ toàn diện, bệnh viện sẽ phải tự trả lương cho nhân viên, tự tuyển người, lỗ phải chịu song vẫn phải phục vụ người bệnh theo các quy định về quản lí giá.

TS Nguyễn Huy Quang phân tích: “Chúng ta mong muốn có được thể chế pháp lí để thực hiện tự chủ thí điểm nhưng lại vướng một số luật khác nhau như Luật Đầu tư không đề cập về đấu thầu trang thiết bị y tế, thuốc… là những thứ đặc thù, tuy nhiên, chúng ta đang thiếu cơ chế để tổ chức thực hiện.

Qua rà soát, hiện nay, thiết bị y tế cả nước thiếu 73%, vật tư y tế thiếu 75%. Như vậy, toàn tuyến y tế từ Trung ương đến cấp tỉnh, huyện, xã thiếu tới 73 - 75% thiết bị, vật tư y tế. Đây là con số đáng báo động. Thực tế, bác sĩ muốn khám chữa bệnh cho người dân thì phải có thuốc, trang thiết bị y tế nhưng nay những thứ này thiếu thì rất khó thực hiện. Cho nên, hiện nay, ngay cả các bệnh viện tự chủ chi thường xuyên cũng đang gặp rất nhiều khó khăn, chưa nói đến các bệnh viện công tự chủ toàn diện” (Tiền phong, trang 15).

 

Tháo gỡ khó khăn cho ngành y tế

Ngành Y tế đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Tại Hội nghị Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững do Bộ Y tế tổ chức mới đây, nhiều ý kiến cho rằng trong những công việc cần giải quyết thì có việc cần thời gian, nhưng cũng có việc cần được tháo gỡ ngay.

Theo Quyền Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan, thời gian tới, ngành Y tế cần tập trung giải quyết 12 vấn đề yếu kém, bất cập cả trước mắt và lâu dài.

Chọn “giá thấp nhất” hay “giá hợp lý nhất”

Thời gian qua, tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, hóa chất xảy ra ở hầu hết các bệnh viện, từ tuyến huyện, tỉnh đến tuyến trung ương. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng đó là vướng mắc trong triển khai đấu thầu mua sắm. Đối với thuốc, vướng mắc xuất hiện ngay từ giai đoạn xây dựng giá dự toán vì trong thực tế thuốc là loại hàng hóa đặc biệt có nhiều đặc tính kỹ thuật khác nhau, được phân chia nhiều nhóm khác nhau, mỗi nhóm kỹ thuật có đơn giá khác nhau. Vì vậy, phải đến giai đoạn xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua sắm thì mới xác định được nhóm kỹ thuật của thuốc phù hợp nhu cầu điều trị, giai đoạn này bệnh viện mới xác định được đơn giá của thuốc, vật tư y tế, hóa chất theo từng nhóm kỹ thuật. Như vậy, việc phê duyệt giá dự toán mua sắm thuốc không thể thực hiện được.

Đối với đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư y tế, hóa chất và sinh phẩm, các bệnh viện cũng gặp khó khăn trong quá trình lập và xác định giá gói thầu trong kế hoạch. Đối với yêu cầu ba bảng báo giá, trang thiết bị y tế, vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm xét nghiệm là loại hàng hóa mang tính đặc thù của ngành y tế, một số loại được phân phối độc quyền từ các nhà cung cấp hoặc chỉ có một nhà cung cấp trên địa bàn, việc thu thập đủ ba bảng báo giá theo quy định để xác lập giá kế hoạch là rất khó thực hiện. Có một số trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao bệnh viện đăng công khai thông tin mời chào giá nhiều lần nhưng vẫn không có đủ ba bảng báo giá, có loại thì chỉ có hai, thậm chí có loại thì chỉ có một bảng báo giá…

Từ thực tế những vướng mắc, bất cập trong đấu thầu mua thuốc, trang thiết bị, vật tư, hóa chất, lãnh đạo nhiều bệnh viện kiến nghị, ở giai đoạn lập dự toán mua sắm không bắt buộc phải xây dựng đơn giá chi tiết theo từng nhóm kỹ thuật; cần thiết bổ sung vào thông tư hướng dẫn xác định dự toán mua sắm thuốc được xây dựng đơn giá dự toán theo nhóm kỹ thuật với giá bình quân mua sắm trong năm trước liền kề hoặc giá bình quân theo các báo giá được xác lập trong giai đoạn xây dựng dự toán mua sắm. Đối với các loại thuốc hiếm, thuốc đặc trị thì Bộ Y tế đưa vào danh mục mua sắm tập trung hoặc cho phép mua sắm theo hình thức chỉ định thầu rút gọn để bảo đảm có thuốc phục vụ điều trị cho người bệnh.

Đối với đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư y tế, hóa chất và sinh phẩm cần quy định rõ cho trường hợp thu thập không đủ ba bảng báo giá sau khi đã đăng tải rộng rãi thư mời báo giá nhiều lần; đồng thời, chủng loại vật tư y tế không có kết quả trúng thầu được đăng tải công khai trong vòng 12 tháng. Trường hợp này nên quy định đơn giá đề xuất kế hoạch thu thập được bao nhiêu bảng báo giá thì lấy giá thấp nhất trong số các bảng báo giá đó làm giá kế hoạch, không nhất thiết phải chờ đủ ba bảng báo giá. Mặt khác, có quy định rõ thứ tự ưu tiên trong việc sử dụng thông tin về giá để xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

Đối với hàng hóa nhập khẩu, các đơn vị kiến nghị bổ sung điều chỉnh yêu cầu cụ thể việc thông tin giá nhập khẩu là công khai. Các bộ, ngành cần hướng dẫn cụ thể việc kê khai, công khai giá trang thiết bị y tế, vật tư y tế, hóa chất từ khi nhập vào Việt Nam để các cơ sở y tế yên tâm xây dựng giá gói thầu. Trên thực tế, các bệnh viện hiện đang rất lúng túng trong việc mua các hàng hóa nhập khẩu vì không có cơ sở pháp lý cho phép được mua chênh lệch giá là bao nhiêu lần và hàng hóa nhập khẩu đó được phép phân phối qua bao nhiêu cấp trung gian.

TS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (Thành phố Hồ Chí Minh) kiến nghị: Giá mua sắm không nên là “giá thấp nhất”, mà cần quy định rõ là giá “hợp lý nhất” dựa trên nhu cầu điều trị thực tế của từng cơ sở y tế, từng chuyên khoa, từng hạng bệnh viện. Các hàng hóa phục vụ công tác điều trị cho người bệnh rất đa dạng về chủng loại, xuất xứ, chất lượng, do đó, nếu chỉ cho phép chọn giá rẻ nhất khi mua sắm thì sẽ khó có hàng tốt, phù hợp mô hình, tính chất bệnh tật của từng bệnh viện để phục vụ người bệnh.

Giải bài toán tự chủ

Tự chủ là bước đi, là xu thế tất yếu đối với các cơ sở y tế, nhưng đây lại đang là một “nút thắt” của ngành y tế. Tự chủ về tài chính là một trong ba trụ cột quan trọng của tự chủ bệnh viện, nhưng đang là vấn đề vướng mắc nhất. Hiện nay, giá dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế chưa được tính đúng, tính đủ, mới tính bốn trong số bảy yếu tố cấu thành giá; giá dịch vụ theo yêu cầu phải theo khung giá nhưng đến nay khung giá cũng chưa được ban hành.

Tại buổi làm việc với Bộ Y tế mới đây, lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai đã đề xuất xin dừng thí điểm tự chủ toàn diện, đề xuất chuyển đổi thực hiện theo nhóm 2 của Nghị định 60/2021/NĐ-CP, là đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên. Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Đào Xuân Cơ cũng cho rằng chưa nên thực hiện tự chủ ở các bệnh viện tuyến cuối, vì đây là bệnh viện đầu ngành, nơi điều trị tất cả bệnh nhân trong cả nước, nếu tự chủ chắc chắn phải tăng doanh thu, lúc đó sẽ gây khó khăn cho bệnh nhân nghèo.

Giá dịch vụ công (trong đó có dịch vụ y tế) được quy định tại điểm a khoản 3 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP: đến hết năm 2021, cơ bản hoàn thành lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công (tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và khấu hao tài sản cố định, chi phí khác theo quy định của pháp luật về giá).

Tuy nhiên, đến nay giá dịch vụ y tế vẫn chưa được tính đúng, tính đủ các chi phí cấu thành, gây nhiều khó khăn đối với các bệnh viện tự chủ nhóm 1 và nhóm 2 (do không được cấp kinh phí chi thường xuyên và đầu tư). Mặt khác, các chi phí có tính biến động giá theo điều chỉnh của Nhà nước lại không được điều chỉnh đồng thời vào giá dịch vụ y tế đã ảnh hưởng đến nguồn chi lương, thu nhập cho cán bộ, viên chức, khó thực hiện chế độ đãi ngộ thu hút nhân tài… Lãnh đạo nhiều bệnh viện kiến nghị Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan nhanh chóng thực hiện tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế theo Nghị định 60/2021/NĐ-CP.

Cải thiện thu nhập cho nhân viên y tế

Tại Hội nghị Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững, nhiều đại biểu nêu rõ, chế độ, chính sách cho nhân viên y tế còn chưa phù hợp, lạc hậu, chậm thay đổi phù hợp thực tế. Hiện nay, phụ cấp trực, phụ cấp phẫu thuật thủ thuật được thực hiện theo Quyết định 73/2011/QĐ-TTg ngày 28/12/2011 đã hơn 10 năm, mức chi phụ cấp này đã không còn phù hợp, cần được điều chỉnh theo hướng tăng phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

Đáng chú ý, do thu nhập không phù hợp mà trong mỗi năm có hàng nghìn nhân viên y tế xin nghỉ việc, chuyển ra làm việc tại cơ sở y tế ngoài công lập để có ưu đãi, thu nhập cao hơn. Mặc dù tỷ lệ này vẫn nằm trong phạm vi ổn định về mặt nhân sự, nhưng số lượng bỏ việc có chiều hướng gia tăng, cho nên ngành y tế cần tiến hành khảo sát về lý do nghỉ việc cũng như mức độ hài lòng trong công tác của các nhân viên y tế để có thể dự báo trước những yếu tố có thể gây ra tỷ lệ nghỉ việc tăng cao. Mặt khác, Bộ Y tế cần chủ trì, phối hợp Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất các chế độ, chính sách tiền lương, phụ cấp cho cán bộ ngành y tế, hạn chế tình trạng nghỉ việc, chuyển việc…

Quyền Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan kiến nghị, Chính phủ cần có chính sách quy định hỗ trợ tiền đóng học phí cho học viên, sinh viên các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe, nhất là các ngành, chuyên ngành khó tuyển, các ngành phục vụ cho hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở. Chính phủ sớm ban hành nghị định sửa đổi Nghị định 56/2011/NĐ-CP ngày 4/7/2011 của Chính phủ trong đó tăng phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở lên 100%. Chính phủ sớm xem xét và ban hành nghị quyết về giải pháp, chính sách hỗ trợ cho nhân viên y tế thôn bản; thực hiện phụ cấp theo nghề mức cao nhất đối với viên chức ngành y tế; chức danh bác sĩ, bác sĩ y học dự phòng, dược sĩ sau khi tuyển dụng được xếp lương bậc hai đối với tất cả các hạng chức danh (Nhân dân, trang 5).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang