Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 25/8/2023

  • |
T5g.org.vn - Giá khám, chữa bệnh dịch vụ giảm sâu nhưng tăng tiền giường; Vì sao cựu Giám đốc CDC Bình Dương từ chối nhận tiền từ Việt Á?; Hải Phòng: Xử phạt trưởng nhóm Tự lực Bông Hồng Đen 7,5 triệu đồng; Đừng lầm tưởng về quảng cáo tầm soát đột quỵ; Trẻ 2 tuổi nhiễm giun đũa chó

 

Giá khám, chữa bệnh dịch vụ giảm sâu nhưng tăng tiền giường

Sau 1 tuần triển khai Thông tư 13/2023/TT-BYT quy định khung giá và phương pháp định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu ở các bệnh viện công lập, theo ghi nhận của phóng viên, nhiều nơi giá khám chữa bệnh và nhiều dịch vụ kỹ thuật giảm, thậm chí có dịch vụ giảm mạnh, nhưng tăng giá giường dịch vụ. Hiện đã có giường dịch vụ 3,8 triệu đồng.

Nhiều dịch vụ kỹ thuật giảm giá tới 60%

Một tuần triển khai giá khám chữa bệnh dịch vụ theo Thông tư 13 của Bộ Y tế, nhiều người bệnh cho biết, một số giá dịch vụ như phẫu thuật, thủ thuật không còn “chát” như trước. Đơn cử như Bệnh viện Việt Đức, 1.478 dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu đều bằng hoặc thấp hơn giá tối đa mà Bộ Y tế quy định nhưng đã giảm mạnh so với trước đây. Trước ngày 15/8, giá khám theo yêu cầu tại Bệnh viện Việt Đức áp dụng các mức khám bác sĩ, thạc sĩ, tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư, thì nay chỉ áp dụng một mức 500.000 đồng. Đây là mức kịch trần của Thông tư 13 và nhiều bệnh viện đang áp dụng mức này.

Theo bảng giá niêm yết của Bệnh viện Việt Đức thì nhiều dịch vụ đã giảm sâu kể từ ngày 15/8, cụ thể: Tiêm, truyền tĩnh mạch giảm từ 100.000 đồng xuống 46.000 đồng; siêu âm giảm từ 300.000 đồng xuống 196.000 đồng; siêu âm tim giảm từ 500.000 đồng xuống 380.000 đồng; siêu âm đầu dò âm đạo, trực tràng giảm từ 500.000 đồng xuống 287.000 đồng; chụp Xquang số hoá giảm từ 300.000 đồng xuống 227.000 đồng…

Đặc biệt, nhiều dịch vụ kỹ thuật khác tại Bệnh viện Việt Đức giảm rất sâu, như: Điều trị thoát vị đĩa đệm qua da dưới hướng dẫn của cắt lớp hoặc cộng hưởng từ giảm từ 13 triệu đồng xuống còn gần 2,4 triệu đồng; chụp cắt lớp vi tính trên ổ bụng tầng thường quy giảm từ 5,6 triệu xuống còn gần 2,4 triệu đồng; nội soi thực quản, dạ dày, tá tràng kết hợp sinh thiết giảm gần 400.000 đồng, còn hơn 1 triệu đồng; phẫu thuật bắc cầu thiếu máu mạn tính từ 43 triệu giảm còn gần 13 triệu đồng; phẫu thuật nối tắt tĩnh mạch chủ - động mạch phổi điều trị bệnh tim bẩm sinh phức tạp từ 61 triệu xuống còn hơn 37 triệu; phẫu thuật thay động mạch chủ từ 74 triệu xuống còn 35,2 triệu đồng; phẫu thuật thay vết thương sọ não hở giảm 6 triệu, còn hơn 8 triệu đồng… Trước đây một ca phẫu thuật vỡ tim do chấn thương giá dịch vụ là 54 triệu, nay giảm còn hơn 23,8 triệu. Nhiều kỹ thuật vi phẫu, chuyển vạt da có nối hoặc ghép, phẫu thuật lóc động mạnh chủ… cũng giảm giá rất mạnh, giảm vài chục triệu so với trước.

Theo lãnh đạo Bệnh viện Việt Đức, bệnh viện chỉ điều chỉnh giảm giá, không điều chỉnh tăng giá bất cứ dịch vụ theo yêu cầu nào so với trước đây. Tuy giảm giá nhưng chất lượng dịch vụ không thay đổi.

Nhiều bệnh viện tuyến Trung ương, giá khám bệnh theo yêu cầu vẫn giữ như trước khi có Thông tư 13. Như Bệnh viện E chỉ có một mức giá khám chung 300.000 đồng, không phân biệt giáo sư hay bác sĩ. PGS.TS Phạm Tuấn Cảnh, Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương cho biết: “Bệnh viện vẫn giữ nguyên mức giá khám theo yêu cầu là 250.000 – 500.000 đồng. Chúng tôi vẫn đang cho xây dựng giá, mức thu phải hợp lý, tăng hay giảm phải có căn cứ, trên cơ sở định mức cho phép”. Riêng Bệnh viện Bạch Mai áp dụng mức giá khám dịch vụ cao hơn do trước kia mức giá này quá thấp, nhưng giá mới cao nhất cũng chỉ 400.000đ, chưa kịch trần theo Thông tư 13.

Giá sinh mổ dịch vụ (lần đầu) tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội từ 15/8 giảm từ 16 triệu còn hơn 6,7 triệu đồng và phẫu thuật lần 2 là 7,6 triệu đồng. Với sản phụ sinh thường, giá dịch vụ giảm từ 14 triệu xuống còn hơn 4,3 triệu đồng. “Tôi thấy rất dễ thở với giá dịch vụ mới. Con nhà tôi vừa nhập viện phẫu thuật nối tĩnh mạch, giá trước đây hơn 73 triệu, nay còn 18,5 triệu, giảm gần 4 lần, người có mức thu nhập trung bình như chúng tôi có thể chịu được”, bà Phạm Lương An (Hà Nội) có con điều trị ở Bệnh viện Việt Đức cho biết.

Người bệnh được thụ hưởng gì?

Theo Thông tư 13, giá giường dịch vụ tối đa là 4 triệu đồng/1 giường/phòng, nhiều bệnh viện kêu “khó” thực hiện bởi giá 4 triệu phải có các dịch vụ kèm theo tương xứng với giá thành. Tại Bệnh viện Bạch Mai, PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc bệnh viện cho biết: “Bạch Mai chưa xây dựng giá dường dịch vụ 4 triệu”. Còn với Bệnh viện Việt Đức cũng chưa xây dựng giá giường dịch vụ mức tối đa. Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương chưa có điều chỉnh giá giường dịch vụ, mức giá giường cao nhất là 900.000 đồng/phòng 2 giường.

Tuy nhiên, theo một số người bệnh, kể từ 15/8, họ được thông báo tăng giá giường dịch vụ. Ví dụ giá giường từ 1,2 triệu đồng lên 3 triệu/giường như ở Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Mức giường cao nhất tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội áp dụng theo Thông tư mới là 3,8 triệu đồng. Một sản phụ cho biết: “Mức giá này bằng tiền thuê nhà 1 tháng. Nếu phải nằm dài ngày, tiền giường là chi phí rất lớn”. Với mức giá tối đa 4 triệu/giường tương đương với phòng khách sạn 5 sao, nhiều người bệnh cho biết, nếu phải nằm dài ngày thì tiền giường lên tới vài chục triệu, rất tốn kém.

Trao đổi với phóng viên, GS.TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, theo quy định mới về giá dịch vụ y tế theo yêu cầu của Thông tư 13 tại các cơ sở y tế công lập, giá dịch vụ kỹ thuật rất thấp, 70% kỹ thuật dịch vụ theo yêu cầu giảm giá và giảm nhiều. Tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, dịch vụ như mổ đẻ, phẫu thuật… đều giảm mạnh. Trước 15/8, một ca mổ đẻ dịch vụ là 12 triệu đồng, thì nay theo Thông tư 13 chỉ còn 7,6 triệu. Với giá mới này thu không đủ bù chi. Trước đây, một ca mổ dịch vụ khó, bệnh viện trả cho bác sĩ mổ 2 triệu đồng, ca mổ thường 1,5 triệu đồng. Nay theo giá mới, theo yêu cầu của các mẹ bầu khi nửa đêm, lúc 2h hay 4h sáng mời bác sĩ vào viện mổ mà trả 500.000 thì không ai làm cả. Chính vì vậy, khi họp hội đồng bệnh viện, Đảng uỷ Ban giám đốc quyết định Bộ cho gì thì làm cái đó, giá dịch vụ kỹ thuật thấp mà giá giường cao thì bù nhau. “Nếu đẻ thường, sản phụ nằm giường dịch vụ 1 ngày, đẻ mổ nằm 3 ngày thì dù tiền giường có cao hơn một chút nhưng tiền kỹ thuật lại thấp đi một nửa, tổng chi phí giá dịch vụ cho 1 ca mổ đẻ vẫn thấp hơn so với trước đây”, GS Ánh nói.

 Theo GS Ánh, trung bình một năm, bệnh viện mổ dịch vụ khoảng 35.000 ca (gồm cả mổ đẻ và mổ phụ khoa), nay áp dụng theo giá dịch vụ mới, nguồn thu giảm đi một nửa. “Trước đây trả đúng 2 triệu/ca sinh mổ khó và 1,5 triệu/ca sinh mổ thường thì bác sĩ sẵn sàng làm, còn xóa bỏ tình trạng phong bì”, GS Ánh nói. Hiện Bệnh viện Phụ sản Hà Nội có 250 giường dịch vụ, trong đó mỗi khoa có 1/3 là giường VIP giá 3,8 triệu đồng. Để chi trả mức tiền giường cao như vậy, quyền lợi của người bệnh được những gì? “Giường đạt tiêu chuẩn y tế, đủ không gian, có chuông báo động, ánh sáng, nhà vệ sinh, được chăm sóc đặc biệt trong buồng bệnh. Sản phụ được công bố 156 dịch vụ khách hàng như có nhân viên kế toán đến tận giường thanh toán, ra về có người dẫn đến tận xe, nhân viên y tế chăm sóc con… Người bệnh được chăm sóc toàn diện”, GS Ánh nói.

Trước những thắc mắc giá giường VIP, lãnh đạo Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, bệnh viện cố gắng tính toán làm sao để bệnh nhân không ai phải chi cao hơn ngày trước. Nếu ai phải nằm viện lâu vì vấn đề tai biến hay nhiễm trùng, bệnh viện giảm giá giường hoặc miễn phí luôn phần vượt so với giá trước kia (Công an nhân dân, trang 4).

 

Vì sao cựu Giám đốc CDC Bình Dương từ chối nhận tiền từ Việt Á?

Liên quan vụ án kít test Việt Á, ngoài các lãnh đạo Bộ, ngành ở Trung ương sai phạm, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cũng đã làm rõ sai phạm của nhiều cá nhân tại tỉnh Bình Dương. Sai phạm và chủ ý “cắt” phần trăm của Việt Á

Theo kết luận điều tra, năm 2021, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Bình Dương đã thực hiện nhiều gói thầu lớn mua sắm sinh phẩm, hóa chất, vật tư y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid -19 với tổng trị giá 257 tỉ đồng. Trong đó, Công ty Việt Á trúng 5 gói thầu và ký 7 hợp đồng với CDC Bình Dương, tổng số tiền được thanh toán gần 83 tỉ đồng.

Quá trình điều tra, cơ quan công an xác định có nhiều vi phạm trong việc tổ chức mua sắm 5 gói thầu trên. CDC Bình Dương đã mượn test của Công ty Việt Á để sử dụng trước, rồi hợp thức thủ tục mua bán bằng hình thức chỉ định cho Việt Á trúng thầu với đơn giá mà Việt Á đưa ra là 509.250 đồng/test. Trong khi cùng thời điểm đó, test của hãng Roche chỉ 176.000 đồng.

Tại CQĐT, ông Nguyễn Thành Danh, cựu Giám đốc CDC Bình Dương khai nhận, quá trình hợp thức hồ sơ thầu có sai phạm về trình tự, thủ tục, thẩm quyền phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

CDC Bình Dương không thương thảo về giá mà chấp nhận luôn đơn giá Việt Á đưa ra trong khi cựu Giám đốc cơ quan này biết rõ trên thị trường còn có test của Roche chất lượng tốt, giá rẻ hơn, được WHO khuyến cáo sử dụng.

Còn Lê Trung Nguyên, nhân viên phụ trách vùng Đông Nam Bộ của Công ty Việt Á khai, Phan Quốc Việt (Chủ tịch kiêm, Tổng giám đốc Công ty Việt Á) chỉ đạo bị can này thông báo cho Phan Tôn Noel Thảo (Kế toán trưởng) tính toán chi phần trăm hoa hồng để bồi dưỡng cho các cá nhân ở CDC và Sở Y tế Bình Dương.

Thảo sau đó đã tính tỷ lệ chi, đưa lên nhóm "Duyệt chi VA" và được Việt duyệt chi. Tổng mức chi là 20%, trong đó ông Nguyễn Hồng Chương (Giám đốc Sở Y tế Bình Dương) 7%; ông Nguyễn Thành Danh 5%, Lê Thị Hồng Xuyên (nhân viên phòng xét nghiệm) 5%; Tiêu Quốc Cường (cựu Kế toán trưởng Sở Y tế Bình Dương) 3%.

Sau đợt tính lần thứ hai, Việt bàn bạc với Thảo chốt 3% cho Cường và chi thêm cho ông này tỉ lệ cắt từ ông Chương. Trước đó, khi nói chuyện, Cường có cho Việt biết, ông Chương không giúp gì cho Công ty Việt Á.

Không nhận “hoa hồng” vì sắp về hưu

Nhận tiền xong, bị can Nguyên đã đưa tiền cho 4 người được Việt duyệt chi như sau: Thứ nhất, đối với ông Nguyễn Hồng Chương (cựu Giám đốc Sở Y tế), Nguyên đưa 60 triệu đồng bằng tiền mặt tại một quán cà phê đối diện tòa nhà Trung tâm Hành chính tỉnh Bình Dương. Tuy nhiên, ông Chương không thừa nhận khoản 60 triệu đồng này.

Lần hai, giữa tháng 11-2021, Nguyên khai gặp ông Chương tại CDC Bình Dương để đưa tiền phần trăm nhưng ông Chương không nhận.

Thứ hai, đối với ông Nguyễn Thành Danh, Nguyên khai trực tiếp gặp tại CDC Bình Dương nhiều lần nhưng ông Danh đều không nhận. Ông Danh cũng khai không nhận bất cứ lợi ích vật chất gì từ Công ty Việt Á. Có lần Lê Trung Nguyên đưa tiền để cảm ơn nhưng Danh không nhận do sắp về hưu, ''không muốn liên quan đến tiền bạc, hỏa hồng''.

Thứ ba, về Tiêu Quốc Cường, Nguyên 3 lần gặp gỡ ở 3 quán cà phê khác nhau để đưa tiền, lần thứ nhất chỉ có 35 triệu đồng, lần thứ hai là 200 triệu đồng và lần cuối cùng là 1 tỉ đồng. Cựu Kế toán trưởng thừa nhận việc cầm tiền và nộp lại toàn bộ số tiền hơn 1,2 tỉ đồng đã nhận.

Thứ 4, đối với bị can Lê Thị Hồng Xuyên, Nguyên đưa tiền lần thứ nhất tại quán phở gà gần CDC Bình Dương, số tiền 60 triệu đồng. Lần thứ hai, Nguyên đưa 1 tỉ đồng tiền mặt ở trên đường Phạm Ngọc Thạch, gần Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương, TP Thủ Dầu Một.

Cụ thể việc nhận tiền, bị can Xuyên khai sau khi nhận số tiền ''cảm ơn'' 60 triệu đồng, Xuyên dùng để chi ăn uống, mua sữa, mua đồ ăn vặt cho các nhân viên Khoa xét nghiệm.

Lần 2, vào cuối tháng 11-2021, khi gặp nhau Nguyên chủ động treo một túi quà màu xanh dương lên xe máy của Xuyên. Xuyên mang túi quà để trên kệ tủ trong phòng làm việc. Vài ngày sau, khi mở túi quà, Xuyên phát hiện số tiền quá lớn.

Bị can đã liên hệ với Nguyên để trả lại nhưng không gọi điện thoại được. Sau đó, Xuyên liên hệ với một nhân viên khác của Việt Á để trả lại 1 tỉ đồng. Đến ngày 25-12-2021, khi làm việc với CQĐT, bị can liên hệ với người này để nộp lại 1 tỉ đồng vào tài khoản của CQĐT và nộp thêm 60 triệu đồng.

Như vậy, bị can Xuyên đã nộp lại toàn bộ số tiền đã nhận. Số tiền ông Chương và Danh không nhận, Nguyên báo cáo lại với Phan Quốc Việt. Việt chỉ đạo Nguyên nộp lại, tổng số tiền là 4,2 tỉ đồng.

Nguyên khai không thỏa thuận với các cá nhân ở CDC và Sở Y tế Bình Dương và thực hiện chi tiền theo chỉ đạo của Phan Quốc Việt.

CQĐT đề nghị truy tố nhóm các bị can ở Bình Dương gồm Nguyễn Thành Danh, Lê Thị Hồng Xuyên, Trần Thanh Phong, Tiêu Quốc Cường về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” (An ninh thủ đô, trang 9).

 

Hải Phòng: Xử phạt trưởng nhóm Tự lực Bông Hồng Đen 7,5 triệu đồng

Tối 24.8, Giám đốc Sở Y tế Hải Phòng ông Lê Minh Quang cho biết, Thanh tra Sở này vừa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với Trưởng nhóm Tự lực Bông Hồng Đen do thực hiện xét nghiệm HIV đối với người dưới 15 tuổi khi chưa được sự đồng ý phụ huynh. Theo đó, bà Đinh Thị Út (52 tuổi, trú tại P.Hải Sơn, Q.Đồ Sơn, TP.Hải Phòng), Trưởng nhóm, bị phạt 7,5 triệu đồng theo quy định của pháp luật.
Trước đó, ngày 18.8, nhiều phụ huynh trên địa bàn P.Hải Sơn (Q.Đồ Sơn, TP.Hải Phòng) bức xúc phản ánh về việc một nhóm người lạ mặt đến địa bàn phường, thuê nhà 44 Nguyễn Hữu Cầu, tổ dân phố Đoàn Kết lập điểm lấy mẫu xét nghiệm của học sinh, không rõ mục đích, không thông qua gia đình, nhà trường. Mỗi cháu đến lấy máu xét nghiệm được họ bồi dưỡng 100.000 đồng.

Ngay sau khi nhận được thông tin, UBND Q.Đồ Sơn đã chỉ đạo UBND P.Hải Sơn kiểm tra và phát hiện bà Đinh Thị Út (52 tuổi) cùng 4 thành viên là Lưu Thị Thanh Hải, Đinh Thị Thu Huyền, Phạm Văn Hiếu và Bùi Thị Lý đang có hoạt động tư vấn, lấy máu, dịch tiết qua miệng để xét nghiệm HIV (tại thời điểm kiểm tra có 12 trẻ vị thành niên). Tổ công tác đã lập biên bản và mời các đối tượng về trụ sở UBND P.Hải Sơn làm việc.

UBND Q.Đồ Sơn sau đó đã chỉ đạo Phòng Y tế, Phòng LĐ-TB-XH, Công an quận phối hợp với UBND P.Hải Sơn để tổ chức buổi làm việc với bà Đinh Thị Út cùng 4 thành viên của nhóm Tự lực Bông Hồng Đen và 1 nhân viên của tổ chức Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI) chi nhánh Hải Phòng (39 Đào Nhuận, TP.Hải Phòng).

Tại buổi làm việc, đại diện nhóm Tự lực Bông Hồng Đen là bà Đinh Thị Út chưa xuất trình được giấy tờ pháp lý liên quan đến hoạt động trên.

Qua kiểm tra, xác minh, bà Đinh Thị Út là Trưởng nhóm Tự lực Bông Hồng Đen có mục đích tiếp cận đến các đối tượng có hành vi, nguy cơ lây nhiễm HIV để giảm tác hại, phòng tránh các bệnh lây nhiễm...

Nhóm của bà Út có ký thỏa thuận hợp tác với SCDI để thực hiện Dự án "Bảo vệ tương lai, tăng cường các can thiệp mới dựa vào cộng đồng nhằm kiểm soát lây nhiễm HIV trong nhóm thanh niên sử dụng ma túy tại Việt Nam" độ tuổi 16 - 24 tuổi.

Sáng ngày 18.8, nhóm bà Út thực hiện thỏa thuận trên tại địa chỉ số 44 Nguyễn Hữu Cầu, P.Hải Sơn; truyền thông, tư vấn và test nhanh HIV bằng hình thức lấy dịch miệng và lấy máu ngón tay. Nhóm đã thực hiện test nhanh được 4 cháu (lấy dịch miệng 1 cháu nữ và 2 cháu nam; test nhanh lấy máu ngón tay 1 cháu nữ).

Qua xác minh, 3/4 cháu hiện đang là học sinh một trường THCS trên địa bàn Q.Đồ Sơn (TP.Hải Phòng) đều 13 tuổi (sinh năm 2010); còn 1 cháu hiện chưa xác định được thông tin cá nhân, nhưng đều dưới 16 tuổi.

Theo thông tin mà bà Đinh Thị Út cung cấp, do đảm bảo tính bảo mật thông tin nên không hỏi và xem giấy tờ tùy thân của các đối tượng đến tham gia tư vấn và test nhanh; toàn bộ thông tin là do nhóm của bà Út hỏi đáp với khách hàng.

Bà Út cho biết dự án "Bảo vệ tương lai, tăng cường các can thiệp mới dựa vào cộng đồng nhằm kiểm soát lây nhiễm HIV trong nhóm thanh niên sử dụng ma túy tại Việt Nam" triển khai tại Q.Đồ Sơn, TP.Hải Phòng theo thỏa thuận của nhóm với SCDI. Mỗi đối tượng đến tham gia test sẽ được hỗ trợ chi phí đi lại 100.000 đồng do SCDI chi trả.

Bà Út thừa nhận không thông báo với chính quyền địa phương về việc thực hiện dự án, cũng như sai sót trong việc chưa xác định độ tuổi của khách hàng và xác định đối tượng có phải người sử dụng ma túy hay không…

Trước sự việc trên, UBND TP.Hải Phòng đã chỉ đạo Sở Y tế và UBND Q.Đồ Sơn khẩn trương làm rõ hành vi của nhóm Tự lực Bông Hồng Đen và xử lý nghiêm (nếu phát hiện sai phạm).

Sở Y tế ngay sau đó đã giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) vào cuộc xác minh và đã xác định nhóm Tự lực Bông Hồng Đen triển khai hoạt động dự án trong nhóm người trẻ sử dụng ma tuý ở độ tuổi từ 16 đến 24 (theo kế hoạch là triển khai trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 12 năm 2023)

Nhóm này dùng xét nghiệm sàng lọc HIV bằng bộ test nhanh (không phải lấy máu xét nghiệm HIV bằng kim tiêm tại các cơ sở y tế), bộ test nhanh này chỉ sử dụng một lần duy nhất, không có nguy cơ lây nhiễm. Cụ thể, việc lấy máu xét nghiệm bằng bộ test nhanh dùng đầu kim rất nhỏ, bấm vào đầu ngón tay khách hàng để xét nghiệm.

Tuy nhiên, nhóm Tự lực Bông Hồng Đen hoạt động tại TP.Hải Phòng khi chưa có đầy đủ hồ sơ pháp lý, đặc biệt lấy mẫu xét nghiệm của học sinh dưới 15 tuổi khi chưa được sự đồng ý của phụ huynh học sinh hoặc người giám hộ theo luật định…

Căn cứ các quy định của pháp luật, vào kết quả xác minh của UBND Q.Đồ Sơn và CDC Hải Phòng, Thanh tra Sở Y tế Hải Phòng đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với người đứng đầu nhóm Tự lực Bông Hồng Đen là bà Đinh Thị Út (Thanh niên, trang 22).

 

Đừng lầm tưởng về quảng cáo tầm soát đột quỵ

Phó chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam Nguyễn Huy Thắng cảnh báo hiện nay có nhiều người dân nhầm lẫn giữa điều trị - phòng ngừa đột quỵ với các "chiến dịch" tầm soát đột quỵ đang được quảng cáo rầm rộ như chụp MRI, CT-scan, xét nghiệm gene…
Chi phí bỏ ra để tầm soát theo "chiến dịch" này là rất đắt đỏ, gây tốn kém lớn nhưng hiệu quả vẫn là dấu chấm hỏi.

Mỗi năm trên 200.000 ca đột quỵ

Theo bản đồ đột quỵ thế giới, Việt Nam thuộc nhóm những quốc gia có nguy cơ đột quỵ cao nhất thế giới (hiển thị màu đỏ đậm nhất), tỉ lệ ước tính vượt 218/100.000 dân. Với dân số gần 100 triệu, mỗi năm nước ta có trên 200.000 ca đột quỵ.

Đáng báo động, theo thống kê chung mới nhất của Hội Đột quỵ thế giới, cứ 3 giây lại có 1 bn đột quỵmới và cứ 1 trong 4 người trưởng thành sẽ có nguy cơ mắc đột quỵ trong cuộc đời (tỉ lệ này trong những năm trước là 1:6).

Cùng với thực tế số người bị đột quỵ và có nguy cơ đột quỵ tăng cao, kéo theo ngày càng nhiều "chiến dịch" quảng cáo tầm soát đột quỵ ra đời, khiến người dân lầm tưởng tương tự với điều trị phòng ngừa đột quỵ.

Mở đầu quảng cáo, hệ thống y khoa quốc tế B. (ở TP.HCM) đặt câu hỏi "Ai có nguy cơ đột quỵ?". Phần trả lời là "đột quỵ có thể tấn công bất kỳ ai". Sau đó thông tin về dịch vụ tầm soát nguy cơ đột quỵ tại hệ thống này gồm chụp MRI não, CT-scan, siêu âm mạch máu trọng yếu toàn thân, đo điện tim, đo chỉ số ABI, TBI, chụp soi đáy mắt, xét nghiệm máu, định lượng cholesterol toàn phần...

Trong vai người dân muốn sử dụng các dịch vụ nêu trên để tầm soát đột quỵ, nhân viên của hệ thống y khoa quốc tế B. thông báo giá dịch vụ trọn gói là 11,2 triệu đồng, bao gồm phí được bác sĩ chuyên khoa tư vấn.

"Hãy tầm soát nguy cơ đột quỵ ngay hôm nay. Đột quỵ có thể tấn công sức khỏe của bạn một cách ngẫu nhiên mà không có dấu hiệu báo trước. Các gói khám tại trung tâm, quý khách sẽ được chụp MRI não/mạch máu não, CT-scan não và ngực", một trung tâm tầm soát đột quỵ tại TP.HCM quảng cáo.

Chú trọng phòng ngừa sớm

PGS Nguyễn Huy Thắng - phó chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, chủ tịch Hội Đột quỵ TP.HCM - cho hay điều trị phòng ngừa đột quỵ là câu chuyện dài và cần được chú trọng hơn cả việc điều trị bệnh. Thực tế ở nước ta, rất ít người chú trọng việc điều trị phòng ngừa đột quỵ, ngay cả ở các bác sĩ.

Khi phòng ngừa sớm, nguy cơ xảy ra đột quỵ sẽ thấp đi rất nhiều. Nếu để đột quỵ xảy ra, dù được điều trị tại trung tâm và bác sĩ tốt nhất thì tỉ lệ thành công tối đa cũng chỉ đạt 50%. Do đó, cần thay đổi được nhận thức, chú trọng điều trị phòng ngừa.

Theo khuyến cáo, bệnh nhân từ 60 tuổi trở lên nên làm xét nghiệm thường quy, ít nhất mỗi năm/lần để tầm soát đột quỵ. Nhưng nhiều người đặt câu hỏi tại sao tôi phải làm xét nghiệm trong khi sức khỏe bình thường.

Theo xu hướng mới trong điều trị đột quỵ hiện nay là điều trị phòng ngừa, tầm soát sớm, nhưng PGS Thắng lưu ý người dân không nên nhầm lẫn với những "chiến dịch" quảng cáo tầm soát rầm rộ như hiện nay, gây tốn kém rất lớn nhưng không cần thiết.

Thực tế nhiều người lầm tưởng tầm soát đột quỵ là phải chụp MRI, CT-scan, làm các xét nghiệm... với chi phí cao, nhưng thực tế hiệu quả vẫn là dấu chấm hỏi. Hiện không có nước nào, ngay cả Hoa Kỳ cũng không khuyến cáo người bình thường chụp MRI để tầm soát đột quỵ.

"Chúng tôi hoàn toàn không khuyến cáo việc này, người dân cần hiểu đúng và cân bằng. Đôi khi vô tình phát hiện có một túi phình nhỏ, nhưng rồi can thiệp quá mức, làm từ bệnh nhẹ nhưng trở nên đột quỵ vì lo sợ quá mức", PGS Thắng chia sẻ.

Người dân muốn tầm soát đột quỵ, PGS Thắng khuyến cáo nên gặp bác sĩ chuyên khoa để đánh giá yếu tố nguy cơ như: cao huyết áp, tiểu đường, tăng cholesterol trong máu, dùng nhiều rượu bia, hút thuốc lá, công việc thường xuyên căng thẳng...

"Chúng ta chỉ cần tầm soát yếu tố nguy cơ cơ bản, đơn giản, không tốn kém nhiều nhưng mang lại hiệu quả, thay vì đi chụp MRI, CT-scan như quảng cáo rầm rộ hiện nay", PGS Thắng nhấn mạnh.

Bác sĩ Trịnh Mỹ Hòa - phó chủ nhiệm khoa nội thần kinh Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng) - cho hay tỉ lệ người dân nắm được những yếu tố nguy cơ gây đột quỵ trong cộng đồng còn thấp.

Để phòng ngừa đột quỵ, bác sĩ Hòa khuyến cáo ở người chưa bị đột quỵ nhưng có yếu tố nguy cơ gồm tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, thừa cân béo phì, nguyên nhân từ tim, ít vận động, hút thuốc lá, uống rượu..., cần điều chỉnh những yếu tố nguy cơ này bằng cách kiểm soát cân nặng, chế độ dinh dưỡng, uống thuốc theo chỉ định, tái khám, tập thể dục thường xuyên, cai thuốc lá (Tuổi trẻ, trang 14).

 

Trẻ 2 tuổi nhiễm giun đũa chó

Bé L.D.K. (2 tuổi, trú tại tỉnh Vĩnh Phúc) được đưa đến bệnh viện kiểm tra tình trạng thiếu máu. Thế nhưng gia đình bất ngờ khi bác sĩ chẩn đoán trẻ nhiễm ký sinh trùng giun đũa chó mèo.
Bà Phan Thị Thu (bà của bé K.) cho hay từ khi sinh ra bé K. đã được theo dõi thiếu máu. Các bác sĩ hẹn khi trẻ 2 tuổi cần được kiểm tra định kỳ để đánh giá tình trạng.

"Khi đến Bệnh viện Huyết học và truyền máu trung ương kiểm tra tình trạng thiếu máu thì bác sĩ nghi cháu bị nhiễm ký sinh trùng. Cháu được chuyển qua Bệnh viện Đặng Văn Ngữ để thăm khám. Sau khi làm các xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán cháu bị nhiễm giun đũa chó mèo", bà Thu chia sẻ.

Bà Thu cũng cho biết khoảng hai tháng gần đây gia đình có nuôi chó đẻ, bé K. hay chơi với chó con nên có thể bị lây ký sinh trùng.

"Gia đình rất bất ngờ vì cháu mới học đi, chỉ mới gần đây khi nhà có chó con thì cháu có chơi đùa nhưng thời gian ít thôi. Đến nay cháu đã điều trị được hơn một tuần", bà Thu nói.

Theo bác sĩ Phan Thị Thu Phương, Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, bệnh viện thường xuyên tiếp nhận bệnh nhân nhiễm giun đũa chó mèo. Trong đó, chủ yếu là người dân làm vườn, thường xuyên tiếp xúc với đất cát.

Do ký sinh trùng chó mèo sống trong đất, khi tiếp xúc chúng ký sinh qua da rồi gây bệnh. Đối với trẻ em thông thường nhiễm bệnh do trực tiếp chơi đùa với chó mèo hoặc do nghịch đất cát.

"Cách đây ba tháng, bệnh viện cũng tiếp nhận khoảng 8 trẻ từ 12 đến 15 tuổi từ tỉnh Bắc Ninh đến kiểm tra ký sinh trùng sau khi chơi bóng đá. Ban đầu có một trẻ có biểu hiện sưng ngứa da ở chân, có mọng nước, gia đình đưa đi khám và điều trị kháng sinh ở nhà nhưng không khỏi.

Bệnh viện Đặng Văn Ngữ kiểm tra, chẩn đoán nhiễm giun đũa chó mèo, triệu chứng điển hình là có ấu trùng di chuyển dưới da. Sau đó, cả nhóm chơi đá bóng cùng đều đến kiểm tra và phát hiện thêm hai trẻ cũng nhiễm bệnh", bác sĩ Phương nói.

Theo bác sĩ Phương, triệu chứng nhiễm giun đũa chó mèo ở trẻ em có khác hơn so với người lớn. Ngoài các triệu chứng như ngứa, mệt mỏi, đau bụng, ăn uống kém, trẻ có thể xuất hiện tình trạng thâm tím dưới da, xuất huyết dưới da. Vì vậy trẻ nhiễm giun đũa chó mèo thường bị nhầm lẫn với thiếu máu.

Hiện các loại thuốc điều trị giun thông thường không có tác dụng điều trị giun đũa chó mèo mà phải điều trị bằng thuốc đặc hiệu (Tuổi trẻ, trang 14).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang