Chen nhau đưa con đi chích ngừa
Tuy đợt văcxin 5 trong 1 dịch vụ Pentaxim về Việt Nam lần này lên tới 200.000 liều nhưng vẫn dấy lên lo lắng cung không đủ cầu. Tình trạng hỗn loạn của một điểm chích ngừa sáng 25-12 tại Hà Nội càng khiến nhiều phụ huynh có con nhỏ hoang mang. 5g sáng 25-12, anh Nguyễn Thành Nam ở Khâm Thiên (Hà Nội) đi hơn 5km xuống phòng chích ngừa của Công ty Polyvac ở 182 phố Lương Thế Vinh để lấy số chích ngừa cho con trai.
“Lúc tôi đến có đông người chờ, nhiều người từ quận Long Biên, huyện Hoài Đức cách phòng tiêm 20-40km, phải thuê nhà nghỉ gần đấy để đến đêm ra đợi lấy số tiêm chủng. 7g30 phòng tiêm mở cửa, không ai chịu ai, ai cũng đòi vào, trong lúc chen lấn có một phụ nữ bị ngất. Khoảng 8g, công an và đại diện phòng tiêm thông báo tạm ngưng buổi tiêm chủng vì lý do không đảm bảo an ninh” - anh Nam cho hay.
“Của ít, người đông”
Phòng chích ngừa của Polyvac là 1 trong 3 phòng chích ngừa đầu tiên ở Hà Nội triển khai chích văcxin 5 trong 1. Tuy nhiên, do xảy ra tình trạng hỗn loạn, đến trưa qua, Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế yêu cầu tạm dừng chích ngừa ở cơ sở này, chờ buổi họp bàn sáng nay (26-12).
Anh Nam dự định lấy xong số thứ tự mới gọi vợ bế con đến, còn chị N.T.H., một phụ huynh khác, thì vất vả hơn nhiều.
“Từ trưa 24-12 tôi sang hỏi và định nộp tiền trước, nhưng nhân viên phòng tiêm nói không nhận tiền đặt cọc bằng bất kỳ hình thức nào. Tới sáng nay (25-12), tôi đến trước lấy số, bà ngoại đi taxi bế cháu đến sau, nhưng tắc đường Lương Thế Vinh nên bà phải bế cháu đi bộ. Bế cháu tới nơi, ở phòng tiêm đã có một biển người, chưa biết làm sao thì nghe loa thông báo tạm dừng không tiêm nữa. Khổ quá, bế con đi tiêm đúng vào ngày rét tăng cường, gió lồng lộng” - chị H. than thở.
Có tổng số 15.120 liều văcxin 5 trong 1 về Hà Nội đợt này. So với số lượng trẻ đang chờ chích ngừa thì số văcxin này là muối bỏ biển. Ít ỏi, nên ngay cả các cơ sở chích ngừa lớn cũng chỉ được cung cấp lượng văcxin nhỏ giọt vài trăm liều, thậm chí Trung tâm Y tế dự phòng Vĩnh Phúc chỉ có 50 liều, quá thấp so với số trẻ đang xếp hàng chờ, bởi riêng Bệnh viện V. đang có 1.800 bé chờ chích ngừa nhưng cũng chỉ được cung ứng 700 liều.
Nếu so với số văcxin 5 trong 1 dịch vụ đã và sẽ về VN trong tháng 12 này thì số lượng phân phối cho khu vực phía Bắc quá “khiêm tốn”. Trong tổng số gần 142.000 liều đã về VN tính đến ngày 25-12, phía Bắc chỉ được giao 15.000 liều, bằng 1/8 số cung cấp cho khu vực phía Nam, khiến tình hình mất cân bằng cung cầu càng trở nên nghiêm trọng.
Lường trước chuyện này, dù văcxin được phân phối từ ngày 23-12 nhưng hầu hết các phòng chích ngừa lớn đều án binh bất động, chờ sang tuần tới mới triển khai. Có phòng chích ngừa chỉ nhận chích các bé đăng ký trước. Có phòng yêu cầu mua theo gói gồm cả các văcxin ngừa rota virus, văcxin ngừa viêm phổi do phế cầu...
Tại cơ sở chích ngừa của Công ty Polyvac, đợt chích bắt đầu từ ngày 25-12 nhưng trẻ muốn chích ngừa đều phải đặt tiền từ tháng... 1-2015, ngoài phiếu đặt tiền còn yêu cầu chứng minh nhân dân của mẹ, danh sách trẻ chích ngừa được niêm yết từ trước.
Như vậy thì trẻ sinh từ sau tháng 1-2015 không có cơ hội chích ngừa dịch vụ. Cơ hội với những trẻ này chỉ bất thần lóe lên khi phòng chích ngừa cơ sở 2 của công ty (cơ sở xảy ra tình trạng hỗn loạn chích ngừa) tại 182 Lương Thế Vinh cho phép phát 70 số thứ tự chích ngừa văcxin Pentaxim/buổi chích cho người đến đăng ký tự do.
Tình trạng hỗn loạn xảy ra khi có 70 suất chích ngừa mà có đến 500 - 600 cha mẹ đem con tới chờ. Tuổi trẻ (trang 3):
Sẽ chuyển thêm cho Hà Nội 20.000 liều văcxin
Theo ông Nguyễn Khắc Hiền - giám đốc Sở Y tế Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã có cuộc làm việc với Sở Y tế về khủng hoảng khan hiếm văcxin dịch vụ.
Theo ông Hiền, tình trạng hỗn loạn văcxin chỉ xảy ra ở cơ sở chích ngừa 182 Lương Thế Vinh do đây là cơ sở duy nhất cho phép đăng ký tự do. Trong thời gian tới, Sở Y tế yêu cầu các cơ sở cũng phải cho đăng ký chích ngừa tự do như phòng chích ngừa của Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế Hà Nội...
Các nơi này cần tổ chức cho cha mẹ trẻ đăng ký, lấy số thứ tự từ trước, khi có giờ và số thứ tự chích ngừa chính xác mới đưa trẻ đến, tránh xảy ra các tình huống nguy hiểm đến sức khỏe của trẻ.
Ông Hiền cũng cho biết trước mắt Bộ Y tế đã hứa sẽ chuyển thêm cho Hà Nội 20.000 liều văcxin Pentaxim, dự kiến văcxin sẽ về trong tháng 1 tới đây (ngoài ra có 28.000 liều sẽ về đến Hà Nội vào khoảng 31-12 tới).
Tìm thêm nguồn cung cấp
Chiều tối 25-12, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chủ trì cuộc làm việc tìm giải pháp giải quyết khủng hoảng thiếu văcxin.
Ông Long yêu cầu kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của cơ sở chích ngừa 182 Lương Thế Vinh (Hà Nội) để xảy ra tình trạng hỗn loạn đăng ký chờ chích ngừa. Đồng thời giao Cục Quản lý dược chỉ đạo Tổng công ty Dược VN thành lập đoàn đi đàm phán tìm thêm nguồn văcxin.
Hiện trên thị trường có sản phẩm văcxin 5 trong 1 do Cuba sản xuất, có thành phần ho gà toàn tế bào nhưng sản xuất bằng công nghệ tái tổ hợp, ít phản ứng sau chích ngừa hơn và giá thành chỉ từ 2-4 USD/liều, tùy số lượng đặt mua.
Ông Long còn yêu cầu các cơ sở chích ngừa sẽ đồng loạt mở chích văcxin Pentaxim từ ngày 28-12 tới. Cha mẹ trẻ đến đăng ký mang theo giấy khai sinh, chứng sinh của trẻ và giấy tờ tùy thân để tránh có hiện tượng “cò” vào mua gom văcxin.
Trong tuần tới sẽ có thêm 68.000 liều văcxin hoàn tất kiểm định tính an toàn, số lượng văcxin này vốn giao cho khu vực phía Nam nhưng ông Long yêu cầu Cục Quản lý dược đứng ra điều phối để đưa thêm văcxin cho khu vực phía Bắc nếu xảy ra thiếu hụt tại khu vực này.
Cũng chiều tối qua, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế lại gửi một công văn cho các địa phương, yêu cầu cơ sở chích ngừa phải lập kế hoạch chi tiết cho buổi chích Pentaxim phù hợp với số lượng được phân bổ, tổ chức đăng ký chích ngừa qua điện thoại, Internet, đồng thời nghiêm cấm nâng giá văcxin hoặc chích ngừa tại nhà.
Sáng nay 26-12, Cục Y tế dự phòng cũng tổ chức buổi họp với các cơ sở chích ngừa để bàn phương án triển khai chích ngừa văcxin 5 trong 1 dịch vụ.
Nhà sản xuất nói gì về cung ứng Pentaxim? Vì sao trước đây khan hiếm văcxin Pentaxim, nhưng nay lại có số lượng lớn nhập khẩu về VN với hạn sử dụng còn 18 tháng? Trả lời thắc mắc này, văn phòng đại diện Sanofi Pasteur tại VN cho biết kế hoạch đầu năm 2015 của Sanofi Pasteur dự trù cung ứng cho thị trường VN 45.000-50.000 liều Pentaxim, nhưng cuối năm 2015 công ty cung ứng được 200.000 liều Pentaxim do đích thân ông Trương Quốc Cường - cục trưởng Cục Quản lý dược - trực tiếp thuyết phục nhà sản xuất ở Pháp cung ứng văcxin Pentaxim cho người dân VN. Theo văn phòng đại diện Sanofi Pasteur, nhà sản xuất phải ưu tiên giao hàng cho những nước đưa văcxin Pentaxim vào chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, có ký hợp đồng dài hạn nhiều năm với nhà sản xuất. Việc có 200.000 liều Pentaxim lần này đưa về VN do Sanofi Pasteur cố gắng cân đối việc giao hàng cho các đối tác, bằng việc co kéo thời gian để có một lượng văcxin san sẻ cho VN theo yêu cầu của Cục Quản lý dược. LÊ THANH HÀ |
Ra nước ngoài chích ngừa Nóng ruột vì phải chờ đợi văcxin, nhiều gia đình ở TP.HCM đưa con sang Singapore chích ngừa dù chi phí đắt hơn 3-4 lần. Đầu tháng 12, chị Phạm Thị Ái Hằng (Q.Gò Vấp, TP.HCM) đưa con trai 4 tháng tuổi đi chích mũi văcxin đầu tiên tại Singapore. Cùng đi với chị Hằng còn có một người bạn đưa con 8 tháng tuổi chích mũi thứ hai. Con chị Hằng sinh tại bệnh viện tư. Bệnh viện này hứa sẽ ưu tiên cho bé được chích ngừa khi có thuốc. Chờ mãi không có thuốc, chị thấy lo lắng nên gọi ngay đến văn phòng đại diện cho các bệnh viện công của Singapore tại VN để đăng ký đưa con đi chích ngừa. Ban đầu văn phòng thông báo lịch chích ngừa ở các bệnh viện công kín đến hết tháng 12. Sau đó văn phòng mới báo lại vừa có một suất trống tại Bệnh viện Đại học Quốc gia Singapore và đăng ký cho bé. Phải chờ 20 ngày, hai mẹ con chị Hằng mới có lịch chích ngừa. Chị Hằng cho biết chị đặt vé máy bay khứ hồi hết 3,5 triệu đồng. Sang đến Singapore, chị và người bạn thuê phòng hai ngày đêm với chi phí gần 1,5 triệu đồng. Tiền khám và chích một mũi văcxin 6 trong 1 hết 3 triệu đồng. Tổng cộng chi phí chuyến đi của hai mẹ con hơn 8 triệu đồng. Còn vợ chồng chị Nguyễn Đào Hoài Thương (Q.1, TP.HCM) tự liên hệ và đưa con sang Singapore chích ngừa. Chị Thương kể con gái chị sinh và chích mũi văcxin đầu tại Mỹ. Vợ chồng về TP.HCM chơi đầu tháng 10 năm nay. Do không có văcxin nên phải đưa bé sang Singapore chích mũi thứ hai. Chị Thương tự tra cứu thông tin và gửi email đặt lịch với Bệnh viện KK (Singapore). Một tháng sau bệnh viện mới sắp xếp được lịch chích ngừa cho bé. Vợ chồng chị Thương, bà nội và bé mua vé máy bay. Sang trước một ngày, một ngày chích và một ngày ở lại cả nhà tốn kém tổng cộng hơn 40 triệu đồng. Trong đó chi phí cho bé chích văcxin 6 trong 1, văcxin phế cầu khuẩn và uống rotavirus hết gần 10 triệu. Theo Bệnh viện FV (TP.HCM), thời gian qua có khá nhiều phụ huynh có nhu cầu đưa con sang Singapore chích ngừa văcxin dịch vụ. Từ tháng 10 đến giữa tháng 12-2015, Bệnh viện FV tổ chức dịch vụ và đặt hẹn cho hơn 20 bé đi chích ngừa văcxin dịch vụ tại Bệnh viện Đại học Quốc gia Singapore là bệnh viện đối tác với Bệnh viện FV. Theo Bệnh viện FV, bệnh viện miễn phí dịch vụ thu xếp các cuộc hẹn cho trẻ đi Singapore chích ngừa văcxin, nhưng việc đưa bé đi Singapore chích ngừa tốn kém rất nhiều chi phí. Cụ thể các chi phí như sau: phí chích ngừa văcxin 5 trong 1 và phí bác sĩ ước tính 4-5 triệu đồng, phí tái khám bác sĩ từ 1,5 triệu đồng (nếu cần), ngoài ra còn các chi phí khác như vé máy bay, dịch vụ lưu trú - đi lại... |
34.000 liều văcxin về tới TP.HCM
Nhà đại diện phân phối văcxin tại phía Nam cho biết 34.000 liều văcxin dịch vụ 5 trong 1 đã về đến TP.HCM. Hiện nhà đại diện phân phối văcxin tại phía Nam cung ứng một số lượng văcxin này cho hơn 100 cơ sở y tế ở các tỉnh phía Nam, trong đó tập trung nhiều tại TP.HCM.
Số văcxin còn lại hiện đang được nhà đại diện phân phối văcxin dán tem nhập khẩu, sau đó sẽ cung ứng hết cho các cơ sở y tế, dự kiến ngày 29-12 sẽ giao hết số văcxin này.
Trước sự lo lắng của nhiều người dân về giá văcxin dịch vụ 5 trong 1, nhà phân phối khẳng định không tăng giá văcxin khi giao hàng.
Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, cho biết trung tâm đã nhận 1.000 liều văcxin dịch vụ 5 trong 1. Chiều 25-12, Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM tiến hành chích ngừa cho 100 trẻ.
Theo PGS.TS Phan Trọng Lân - viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, hiện viện đang triển khai chích ngừa 22 loại văcxin cho người dân và đang trong tình trạng quá tải. Đến thời điểm này, Viện Pasteur TP.HCM vẫn chưa triển khai chích văcxin dịch vụ 5 trong 1.
Trong lúc Viện Pasteur cân nhắc về thời điểm triển khai chích ngừa văcxin 5 trong 1, nếu cơ sở y tế khác cần văcxin để chích thì viện sẵn sàng chia sẻ thông qua nhà cung ứng. (Tuổi trẻ (trang 3)
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu: Lên kế hoạch kỹ lưỡng triển khai đồng loạt 17 điểm tiêm chủng vaccine 5 trong 1
Ngày 25-12, ngày đầu điểm tiêm tại 182 Lương Thế Vinh, quận Thanh Xuân, Hà Nội triển khai tiêm Pentaxim (vaccine dịch vụ 5 trong 1) đợt mới song do lượng người đến quá đông, gây ra cảnh chen lấn, xô đẩy nên hoạt động tiêm chủng tại đây phải tạm hoãn. Chiều cùng ngày, họp khẩn về công tác này, Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu lên kế hoạch kỹ lưỡng khi đầu tuần tới, 17 điểm tiêm chủng trên địa bàn thành phố sẽ đồng loạt triển khai tiêm Pentaxim.
Giải tỏa “cơn khát” vaccine kéo dài
Với việc điểm tiêm chủng tại 182 Lương Thế Vinh phải tạm hoãn tiêm vaccine Pentaxim trong ngày 25-12, Phòng tiêm chủng và dịch vụ Polyvac (thuộc Trung tâm nghiên cứu vaccine và sinh phẩm y tế Polyvac - Bộ Y tế) cơ sở 1 ở 418 Vĩnh Hưng (quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã trở thành điểm tiêm chủng đầu tiên tại Hà Nội triển khai tiêm vaccine Pentaxim sau một thời gian rất dài khan hiếm, không có vaccine này. Theo ghi nhận của phóng viên ANTĐ, ở ngày tiêm đầu tiên, khoảng 30 trẻ được tiêm vaccine Pentaxim. Đây đều là những trường hợp đã có phiếu đăng ký tại điểm tiêm chủng này từ tháng 1-2015 và nằm trong danh sách 68 trường hợp đăng ký trước được trung tâm ưu tiên tiêm trả nợ.
Ông Nguyễn Bình Nguyên - phụ trách Phòng tiêm chủng và dịch vụ Polyvac cơ sở 418 Vĩnh Hưng cho biết, trong đợt này, cơ sở được phân bổ 400 liều vaccine Pentaxim. Bên cạnh 68 trường hợp kể trên, tất cả người đến đăng ký mới đều được hướng dẫn, đăng ký rất trật tự. Do số lượng vaccine rất hạn chế nên cơ sở chỉ ưu tiên cho những trẻ chưa hoàn thành tiêm 3 mũi cơ bản, không thực hiện tiêm mũi 4. Mặt khác, để đảm bảo an toàn, cơ sở chỉ triển khai tiêm cho đúng 30 trường hợp/buổi theo thứ tự đăng ký, dành thời gian tiêm nhắc lại các loại vaccine khác cho những trẻ khác. Qua quan sát, tất cả trẻ đến tiêm vaccine Pentaxim đều được tư vấn, khám sàng lọc, được cán bộ tiêm chủng cho xem nhãn mác vaccine trước khi tiêm và thực hiện tiêm chủng đúng quy trình. Giá vaccine là 720.000đ/liều.
Bình luận về việc xảy ra mất an toàn trật tự khiến điểm tiêm của Polyvac ở cơ sở 1 tại 182 Lương Thế Vinh phải tạm hoãn tiêm Pentaxim trong ngày 25-12 như kế hoạch, TS Nguyễn Đăng Hiền - Giám đốc Polyvac cho biết: “Chúng tôi đã họp bàn về phương án tổ chức điểm tiêm chủng và lường trước được lượng người đến tiêm sẽ quá tải. Tuy nhiên, chúng tôi không tưởng tượng được số lượng người đến đăng ký tiêm lại nhiều đến thế”.
Đầu tuần tới, 17 điểm đồng loạt tiêm Pentaxim
Đến thời điểm này, nguồn vaccine 5 trong 1 Pentaxim đã được chuyển đến các điểm tiêm chủng lớn trên địa bàn Hà Nội theo danh sách phân bổ, trong đó tại điểm tiêm chủng của Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội ở 70 Nguyễn Chí Thanh là 3.200 liều, tại điểm tiêm chủng 131 Lò Đúc là 1.600 liều… Tại cuộc họp của UBND TP Hà Nội chiều 25-12, TS Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong đợt này tại Hà Nội sẽ có 17 điểm tiêm chủng được phân bổ vaccine Pentaxim gồm 3 điểm tiêm chủng của thành phố và 14 điểm tiêm của các đơn vị thuộc Bộ Y tế đóng trên địa bàn.
Tổng cộng có 15.000 liều vaccine Pentaxim được phân bổ cho các điểm tiêm chủng trên địa bàn Hà Nội. Dự kiến hôm nay (26-12), Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế sẽ triệu tập đại diện 17 điểm tiêm để phổ biến và thống nhất kế hoạch tiêm vaccine Pentaxim. Ngay sau đó, đầu tuần tới Hà Nội sẽ chính thức triển khai tiêm Pentaxim cho trẻ.
Trước tình trạng khan hiếm vaccine Pentaxim kéo dài gây bức xúc trong nhân dân, nhất là sau khi xảy ra cảnh chen lấn xô đẩy gây mất an ninh trật tự tại điểm tiêm của Polyvac tại 182 Lương Thế Vinh trong ngày đầu tổ chức tiêm Pentaxim vào sáng 25-12, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu ngành y tế Hà Nội lên kế hoạch tổ chức tiêm thật chi tiết, kỹ lưỡng. Trong đó, có thể mời các bậc phụ huynh có nhu cầu tiêm Pentaxim cho trẻ đến đăng ký trước, sau đó mới cho xếp hàng theo thứ tự để tiêm cho trẻ, tránh tình trạng đưa trẻ đi xếp hàng từ nửa đêm để đợi đến lượt tiêm. Cùng đó, phải công khai các điểm tiêm, kế hoạch tiêm, liều lượng vaccine được phân bổ cho từng điểm tiêm để tránh tình trạng dân đổ dồn về một vài điểm tiêm cụ thể.
Chủ tịch UBND TP cũng giao CATP phối hợp với ngành y tế để phân luồng, đảm bảo an ninh trật tự tại các điểm tiêm nhằm đảm bảo việc tiêm chủng hiệu quả, thuận lợi; Phối hợp xử lý nghiêm các hành vi trục lợi từ tiêm vaccine dịch vụ gây bức xúc nhân dân.
Đặc biệt, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung vui mừng thông báo: “Trưa nay, tôi đã trực tiếp liên hệ, trao đổi với Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Cục trưởng Cục Quản lý dược - Bộ Y tế Trương Quốc Cường. Đại diện Bộ Y tế đã cam kết ngoài 15.000 liều vaccine đã phân bổ cho Hà Nội theo kế hoạch, tới đây sẽ tiếp tục ưu tiên phân bổ thêm cho Hà Nội hơn 20.000 liều vaccine Pentaxim nữa. Dự kiến số vaccine này sẽ về Hà Nội trước 10-1-2016 tới. Qua đó có thể đáp ứng được phần nào nhu cầu rất lớn của người dân Thủ đô, giảm bức xúc của bà con”.
Cũng trong chiều 25-12, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế đã có công văn khẩn gửi Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố đề nghị chỉ đạo các đơn vị liên quan trên địa bàn tổ chức tốt việc triển khai tiêm chủng vaccine dịch vụ Pentaxim. Trong đó, phải lưu ý việc tổ chức cho người dân đăng ký đảm bảo khoa học và dễ dàng; nghiêm cấm và xử lý mọi hành vi trục lợi từ tiêm chủng dịch vụ như tự ý nâng giá vaccine, tiêm vaccine tại nơi không đủ điều kiện theo quy định. (An ninh thủ đô (trang 7):
Công khai 17 điểm tiêm chủng được phân bổ 12.300 liều vaccine Pentaxim
Theo thông báo của Sở Y tế Hà Nội cuối giờ chiều 25-12, hiện có 17 điểm tiêm chủng trên địa bàn TP Hà Nội được phân bổ vaccine Pentaxim với tổng số là 12.300 liều. Cụ thể như sau:
1. Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (số 1 phố Yec Xanh, quận Hai Bà Trưng): 1.600 liều.
2. Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội (số 70 Nguyễn Chí Thanh, quận Đống Đa): 3.200 liều
3. Trung tâm Kiểm dịch Y tế Quốc tế Hà Nội (số 4 Sơn Tây, quận Ba Đình): 1.040 liều
4. Điểm tiêm chủng Bệnh viện Nhi Trung ương (cổng số 3 Bệnh viện Nhi Trung ương, ngõ 80 phố Chùa Láng, quận Đống Đa): 300 liều
5. Công ty TNHH Bệnh viện Việt Pháp (số 1 phố Phương Mai, quận Đống Đa): 700 liều
6. Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec (458 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng): 700 liều
7. Trung tâm Y tế huyện Đông Anh (tổ 1 thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh): 100 liều
8. Công ty TNHH MTV vaccine và Sinh phẩm số 1(số 1 phố Yec Xanh, quận Hai Bà Trưng): 400 liều
9. Công ty TNHH Phòng khám gia đình Hà Nội (298 Kim Mã, quận Ba Đình): 300 liều
10. Công ty TNHH Bệnh viện Hồng Ngọc (55 Yên Ninh, quận Ba Đình): 300 liều
11. Trung tâm tư vấn và dịch vụ vaccine, Viện Kiểm định quốc gia vaccine và sinh phẩm y tế (đường Kim Giang, Kim Văn, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai): 1.300 liều
12. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (số 78 đường Giải Phóng, quận Đống Đa): 500 liều
13. Trung tâm nghiên cứu sản xuất vaccine và sinh phẩm y tế (135 Lò Đúc, quận Hai Bà Trưng): 1.260 liều
14. Công ty TNHH International SOS Việt Nam tại Hà Nội (51 Xuân Diệu, quận Tây Hồ): 100 liều
15. Công ty cổ phần Cẩm Hà (14 Trần Bình Trọng, quận Hoàn Kiếm): 150 liều
16. Công ty TNHH Trung tâm bác sỹ gia đình Hà Nội (số 75 Hồ Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm): 150 liều
17. Công ty cổ phần Y tế Đức Minh (số 51 ngõ 205 ngách 323/83 đường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm): 200 liều.
Hỗn loạn chờ tiêm vắc xin
Hôm qua, tại Hà Nội hàng nghìn người bồng con chen lấn chờ đợi tiêm vắc xin gây cảnh hỗn loạn, công an phải vào cuộc để đảm bảo trật tự. ừ chiều 24.12, website của Bệnh viện Đại học Quốc gia Hà Nội (182 Lương Thế Vinh) thông báo Phòng Tiêm chủng và dịch vụ Polyvac bệnh viện này tổ chức tiêm ngừa vắc xin “5 trong 1” Pentaxim (phòng các bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib). Sẽ tiêm 2 ca: từ 7 giờ 30 - 11 giờ 30 và 13 giờ 30 - 17 giờ 30, phát số tự động cho khách đến tiêm; có 2 bàn bác sĩ khám, tư vấn tối đa 100 khách/buổi.
Thấy thông tin này, từ 3 giờ sáng 25.12, hàng nghìn người đã đến xếp hàng, chen lấn chờ lấy phiếu tiêm vắc xin cho trẻ. Càng về sáng, lượng người đến càng đông, gây cảnh hỗn loạn khiến công an phải vào cuộc để đảm bảo trật tự. Trước tình cảnh này, Phòng Tiêm chủng và dịch vụ Polyvac phải ra thông báo hoãn tiêm, khiến nhiều người bật khóc, ngất xỉu.
Không dám đi vệ sinh vì sợ mất chỗ
Bà Quỳnh ở phố Lương Thế Vinh cho biết đêm 24.12, bà và con dâu thức trắng đêm để xếp hàng tiêm vắc xin cho cháu nội của bà mới 6 tháng tuổi. Biết sẽ có rất đông người đến đây xếp hàng nên bà Quỳnh dọn hàng trà nóng ngay cổng phòng tiêm chủng, tranh thủ bán nước. Sáng hôm sau, bàn ghế của bà Quỳnh đã bị mất và hỏng nặng trong cảnh hỗn loạn, giẫm đạp. “Đêm, trời mưa lạnh lắm, nhiều người đứng ôm con, ôm cháu co ro. Nhà chúng tôi ở gần đây còn đỡ khổ, nhiều người ở tận Thanh Hóa, Thái Bình, Nam Định... từ 3 giờ chiều hôm trước đã bế con cháu, tay xách nách mang lên trên này chầu chực để được tiêm vắc xin”, bà Quỳnh cho biết.
Mặt tái đi vì lạnh, đã 11 giờ trưa nhưng chị Hòa (ở H.Hoài Đức, Hà Nội) vẫn cố nán lại xem liệu “tình hình” có thay đổi gì không. Chị nói như khóc: “Em vừa sinh mổ được 3 tháng nhưng phải lặn lội đi xếp hàng chờ tiêm vắc xin cho con. Em không dám ăn, không dám đi vệ sinh để giữ chỗ, vậy mà tất cả đều vô ích”. Một bà mẹ than: “Tôi đang mang bầu 6 tháng, bế thêm đứa con 13 tháng tuổi vật vờ chờ từ 4 giờ chỉ mong lấy được số cho con tiêm nhưng rồi vô vọng, vừa mệt vừa rất buồn”.
Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội (70 Nguyễn Chí Thanh), cho biết tại đây đã tiếp nhận 3.200 liều vắc xin Pentaxim, hiện đang lên phương án đăng ký phù hợp. Để ngăn chặn “cò” tiêm chủng, tại một số điểm tiêm đã yêu cầu người mẹ phải có CMND của mình và giấy chứng sinh, khai sinh của con cùng sổ tiêm chủng.
Cơ quan quản lý phải thấy trách nhiệm
Liên quan đến khan hiếm vắc xin dịch vụ, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), phân trần: “Vắc xin là mặt hàng đặc biệt, các nhà sản xuất chỉ sản xuất theo đơn đặt hàng trước cả năm, do đó không dư ra để bán cho nhu cầu đột biến của VN. Còn một số nước như Singapore, Malaysia vẫn có vắc xin là do họ đã đặt hàng từ nhiều năm trước. Dự báo, năm 2016, VN vẫn sẽ khan hiếm vắc xin dịch vụ “5 trong 1”, lượng vắc xin nhập về cũng chỉ nhỏ giọt”.
Tuy nhiên, sáng 25.12, trao đổi bên lề tại Hội nghị tổng kết công tác dược và mỹ phẩm 2015 ở Hà Nội, bà Phạm Khánh Phong Lan, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho rằng cơ quan quản lý cần nhìn nhận trách nhiệm trong việc lên kế hoạch, điều tiết nhu cầu vắc xin dịch vụ. Vắc xin dịch vụ đã thiếu nhiều năm nay chứ không phải mới đây. “Phải thấy vấn đề, tại sao người VN đưa con sang Singapore tiêm ngừa mà nước này vẫn không bị khan hiếm vắc xin”, bà Lan nói.
Bà Phong Lan cũng khẳng định: “Thuốc không phải kẹo, cần mua là có liền mà phải có kế hoạch trước. Cơ quan quản lý cần thấy trách nhiệm, thấy lỗi của mình trong việc lập kế hoạch, nhập khẩu vắc xin. Chúng ta đã thiếu vắc xin nhiều năm, gây khủng hoảng lòng tin với nhân dân. Cơ quan quản lý cũng phải có trách nhiệm chứng minh vắc xin miễn phí là an toàn để người dân yên tâm tiêm cho con”.
Trước tình trạng hỗn loạn do xếp hàng chờ đợi tiêm vắc xin dịch vụ “5 trong 1” Pentaxim, chiều 25.12 ông Trần Đắc Phu đã có công văn khẩn yêu cầu giám đốc sở y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo đơn vị tiêm chủng, lên kế hoạch tiêm chủng dịch vụ phù hợp, công khai kế hoạch tiêm vắc xin “5 trong 1” Pentaxim được phân bổ tại đơn vị, đặc biệt lưu ý tổ chức cho người dân có nhu cầu đăng ký đảm bảo khoa học. Cần bố trí đầy đủ chỗ ngồi, chờ đợi, khám sàng lọc trước tiêm và phản ứng nặng sau tiêm. * Thanh niên (trang 3), Tiền phong (trang 1), Lao động (trang 1), Công an nhân dân (trang 1).
Điểm sáng trong kết hợp quân - dân y
Từ nhiều năm nay, Đồng Tháp luôn là điểm sáng trong kết hợp quân - dân y với những mô hình và cách làm bài bản. Nhờ đó, đông đảo người dân khu vực biên giới và các tỉnh giáp ranh của nước bạn Cam-pu-chia được cấp cứu, khám, chữa bệnh kịp thời mỗi khi không may bị ốm, đau.
Nằm cách Cửa khẩu quốc tế Dinh Bà (xã Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp) chỉ vài trăm mét, Phòng khám đa khoa quân - dân y Dinh Bà từ khi đi vào hoạt động, nhất là ba năm trở lại đây luôn là địa chỉ tin cậy của người dân trên địa bàn cũng như các huyện giáp ranh bên nước bạn Cam-pu-chia. Mới 6 giờ 30 phút mà cán bộ y tế phòng khám đã khá bận rộn. Bên phòng điều trị, bác sĩ Lưu Thanh Tuấn kiểm tra lại thương tích của ba thanh niên người Cam- pu- chia chuyển sang cấp cứu trong đêm do tai nạn giao thông, rất may cả ba đều chỉ bị chấn thương phần mềm, không ảnh hưởng đến đầu, xương... Ở khu vực phòng khám bệnh, bác sĩ Nguyễn Hoàn Hảo cũng đang khám cho ông Mis Mót, 58 tuổi, người Cam-pu-chia. Vừa lúc đó, ông Nguyễn Văn Tẻo, nhà ở ấp Dinh Bà cũng được anh con trai chở đến, để bác sĩ kiểm tra lại và tiếp tục theo dõi căn bệnh suy tim cấp phải đưa vào cấp cứu từ hôm trước.
Tiếp xúc với những người dân đến khám bệnh mới cảm nhận được tình cảm, sự tin yêu của đồng bào sống hai bên khu vực biên giới nơi đây dành cho các thầy thuốc của Phòng khám đa khoa quân - dân y Dinh Bà. Từ vài năm nay, cứ trái gió, trở trời là căn bệnh đường hô hấp lại hành hạ và ông Mis Mót lại đặt trọn niềm tin vào các thầy thuốc nơi đây. Không chỉ có ông, mà vợ, con, cháu ông Mót mỗi khi có vấn đề về sức khỏe thì nơi đầu tiên tìm đến là Phòng khám Dinh Bà. Ông Mis Mót bảo: "Bên mình cũng có y tế nhưng không giỏi bằng bộ đội Việt Nam, chữa bệnh nhanh lành". Các thầy thuốc ở đây cho biết, nhu cầu ngày càng gia tăng, nhưng các xã giáp biên giới của Cam-pu-chia hiện vẫn "trắng" về y tế, cho nên phần lớn người dân nước bạn khi đau, ốm đều sang các cơ sở y tế của Việt Nam. Việc sang điều trị tại phòng khám, không những gần nhà, chi phí thấp mà họ còn được chăm sóc rất chu đáo, tận tình.
Vừa dẫn chúng tôi tham quan cơ ngơi, bác sĩ Lưu Thanh Tuấn, Trưởng phòng khám quân - dân y Dinh Bà vừa cho biết: Phòng khám chính thức hoạt động từ năm 2005; năm 2013 được Bộ Y tế và chính quyền địa phương hỗ trợ đầu tư thêm cơ sở hạ tầng và nâng cấp lên phòng khám đa khoa với quy mô 15 giường bệnh. Cùng với đó, đầu tư thêm nhiều trang thiết bị, trong đó có các loại hiện đại như: máy siêu âm, điện tim, xét nghiệm (sinh hóa, huyết học) và ghế nha khoa. Có trang thiết bị hiện đại đã giúp 23 thầy thuốc phát huy tốt vai trò của mình trong việc chăm sóc sức khỏe bộ đội và người dân trên địa bàn cũng như người dân nước bạn Cam-pu-chia. Sau 10 năm hoạt động, các thầy thuốc ở đây đã khám, chữa bệnh cho gần 100 nghìn lượt người bệnh, trong đó có hơn 40 nghìn lượt người dân Cam-pu-chia. Ngoài ra, phòng khám cũng tổ chức nhiều đợt khám, chữa bệnh miễn phí cho các gia đình chính sách, hộ nghèo thuộc khu vực biên giới, trong đó có ba đợt ở nước bạn Cam-pu-chia; đồng thời hỗ trợ chuyên môn cho ba trạm y tế xã vùng biên giới là: Tân Hộ Cơ, Bình Phú, Thông Bình.
Ở tuyến sau, Bệnh viện Quân - dân y Ðồng Tháp cũng nổi lên là mô hình kết hợp quân - dân y hoạt động rất hiệu quả trong thực hiện khám, chữa bệnh cho bộ đội và nhân dân. Bệnh viện Quân - dân y Ðồng Tháp hiện có quy mô 120 giường bệnh với biên chế 168 cán bộ (cả quân y và dân y). Bệnh viện được phân tuyến hạng ba, bảo đảm thực hiện được những dịch vụ y tế kỹ thuật cao như ngoại phẫu thuật, thận nhân tạo, sản, nhi. Đặc biệt, bệnh viện đảm trách tốt là đơn vị tuyến cuối điều trị các ca khó từ các đơn vị y tế quân - dân y tuyến dưới chuyển lên và chỉ đạo tuyến phòng, chống dịch bệnh trên toàn tuyến biên giới địa bàn tỉnh Đồng Tháp và khu vực các tỉnh lân cận.
Thành lập cách đây chưa lâu, song quy mô, hiệu quả khám và điều trị của Bệnh viện Quân - dân y tỉnh Đồng Tháp ngày càng được nhiều người dân tin yêu. Các kết quả về thu dung điều trị, số ca phẫu thuật, đỡ đẻ... đều năm sau cao hơn nhiều so với năm trước cũng như kế hoạch đề ra. Theo Thượng tá, bác sĩ Huỳnh Tấn Ngọc, Giám đốc Bệnh viện, để đạt được kết quả trên là do các thầy thuốc không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng cũng như hết lòng phục vụ người bệnh. Bên cạnh việc nâng cao trình độ chuyên môn, những người thầy thuốc ở đây luôn lấy 12 điều y đức cũng như tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh làm kim chỉ nam cho hoạt động của mình. Do thực hiện tốt việc chăm sóc sức khỏe bộ đội và nhân dân, những năm gần đây, Bệnh viện Quân - dân y được UBND tỉnh Đồng Tháp giao thêm trọng trách sẵn sàng chuyển sang bệnh viện đặc cách chuyên dùng khi có đại dịch cúm xảy ra. Đó là vinh dự, cũng là trách nhiệm, yêu cầu của cấp trên đòi hỏi tập thể y, bác sĩ bệnh viện phải không ngừng tìm tòi, học hỏi để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ khám và điều trị bệnh cho nhân dân cũng như bảo đảm công tác quốc phòng - quân sự địa phương, Bệnh viện đã chủ động tăng cường công tác đào tạo đội ngũ nhân lực chất lượng cao cũng như đầu tư trang thiết bị y tế hiện đại như: máy X - quang cao tầng, hệ thống nội soi truyền hình, máy siêu âm mầu thế hệ mới, các máy gây mê hồi sức... Với sự đoàn kết, nhất trí trên dưới một lòng, tập thể y bác sĩ Bệnh viện Quân - dân y tỉnh Đồng Tháp đang dần dần khắc phục khó khăn, từng bước nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, xây dựng niềm tin cho người bệnh.
Từ lâu Ðồng Tháp là tỉnh có truyền thống kết hợp quân - dân y. Truyền thống đó đang tiếp tục được kế thừa và phát huy góp phần không nhỏ vào sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cho người dân vùng sâu, vùng xa, nơi biên giới; cùng lực lượng Bộ đội Biên phòng xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh. Thành công của các mô hình kết hợp quân - dân y ở Đồng Tháp là cơ sở để hai bộ Y tế và Quốc phòng xác định những định hướng, mục tiêu nhiệm vụ mới trong kết hợp quân - dân y giai đoạn tiếp theo. *Nhân dân (trang 5):
Cần phương án hợp lý cho vắc-xin dịch vụ những ngày tới
Sau khi 10 nghìn liều vắc-xin dịch vụ năm trong một Pentaxim được kiểm định và chuyển về các cơ sở tiêm chủng tại Hà Nội sáng qua (25-12), hai cơ sở đã triển khai tiêm. Tuy nhiên, buổi tiêm đã phải tạm hoãn do tổ chức thiếu khoa học, gây tình trạng chen lấn, xô đẩy. Cục Y tế dự phòng đã phải chỉ đạo khẩn tình hình trên toàn quốc.
Phòng Tiêm chủng và Dịch vụ của Bệnh viện Đại học Quốc gia Hà Nội tại số 182 Lương Thế Vinh (Hà Nội) là một trong hai điểm đầu tiên triển khai tiêm chủng với thông báo sẽ tiêm 70 liều vắc-xin dịch vụ/buổi từ ngày 25 đến 27-12. Từ tối 24 và sáng 25-12 đã có hàng trăm người tập trung, chen lấn trước cửa phòng khám chờ đợi tiêm cho con. Nhưng vì không tổ chức phát số lần lượt, tại điểm tiêm đã xảy ra tình trạng hỗn loạn mất kiểm soát, khiến phòng tiêm và công an phường phải phát loa thông báo tạm hoãn tiêm ngay sau vài giờ triển khai.
Cũng trong sáng qua, tại Phòng Tiêm chủng dịch vụ ở 418 Vĩnh Hưng (Hoàng Mai, Hà Nội) của Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vắc-xin và sinh phẩm y tế đã tiêm được cho 30 trẻ trong kế hoạch đặt hàng từ trước. Tại đây, tình hình ổn định, không xảy ra lộn xộn do phòng tiêm đã có lịch hẹn và thông báo ngày, giờ tiêm cụ thể cho trẻ. Hiện cả hai điểm tiêm nêu trên đều tạm dừng tiêm, chờ phương án thống nhất của Bộ Y tế.
Ông Nguyễn Đăng Hiền, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vắc-xin và sinh phẩm y tế (Polyvac) - đơn vị cung ứng vắc-xin cho hai phòng khám kể trên cho biết, đợt này trung tâm hỗ trợ cho Phòng Tiêm chủng và Dịch vụ của Bệnh viện Đại học Quốc gia Hà Nội 420 liều và Phòng khám Vĩnh Hưng hơn 700 liều. Nguyên nhân gây tình trạng lộn xộn, theo Cục Y tế dự phòng, là do số lượng vắc-xin được phân bổ ít nhưng lại thông báo tiêm chủng sớm nhất, không phát số thứ tự, cho nên người dân đổ xô đưa trẻ vào cùng lúc.
Ông Đỗ Tuấn Đạt, Giám đốc Công ty vắc-xin và sinh phẩm số 1 cho biết, tại điểm tiêm làng quốc tế Thăng Long của công ty sẽ tổ chức tiêm vào tháng 1 nhưng cũng chỉ đáp ứng cho số trẻ đã được gia đình đăng ký từ trước theo gói dịch vụ cung cấp trọn gói ba mũi vắc-xin của phòng khám. Số lượng vắc-xin nhập về ít ỏi rất khó đáp ứng nhu cầu thị trường tự do. Ông Đạt nhận định, vì nhà máy sản xuất đang nâng cấp để tăng quy mô sản xuất, mất khoảng ba năm để hoàn thiện và đánh giá thẩm định, vì thế nguồn vắc-xin sẽ khan hiếm trong ít nhất ba năm tới. Nhà máy chỉ đáp ứng được các đơn hàng đặt từ trước hoặc các chương trình tiêm chủng mở rộng ở các nước, còn ở Việt Nam chỉ cung cấp số lượng nhỏ cho thị trường dịch vụ. Việc nhập khẩu được 200 nghìn liều vắc-xin dịch vụ vừa qua là nỗ lực lớn của Bộ Y tế và các doanh nghiệp nhập khẩu.
Theo một số cơ sở tiêm chủng để trẻ tiếp cận được vắc-xin dịch vụ trong những ngày tới, các bậc cha, mẹ không nên tập trung vào một điểm tiêm gây nên tình trạng quá tải ở đó, vì mỗi buổi phòng khám chỉ tiêm được khoảng 50 cháu. Hơn nữa, vắc-xin dịch vụ đã được phân phối tại tất cả các phòng tiêm dịch vụ trên cả nước và ở Hà Nội , cho nên, các gia đình cần theo dõi thông tin ở các cơ sở tiêm gần nơi ở, tránh đi lại vất vả, dồn ứ một nơi.
Ngay trong chiều 25-12, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã có công văn khẩn gửi giám đốc sở y tế các tỉnh, thành phố yêu cầu chỉ đạo các đơn vị liên quan lập kế hoạch chi tiết tổ chức buổi tiêm chủng vắc-xin Pentaxim phù hợp với số lượng được phân bổ, đồng thời, công khai kế hoạch tiêm vắc-xin Pentaxim, dự kiến đối tượng, thời gian tiêm. Cục Y tế dự phòng yêu cầu tổ chức cho người dân đăng ký tiêm vắc-xin dịch vụ một cách khoa học qua điện thoại, in-tơ-nét hoặc các phương tiện thông tin truyền thông để tránh tập trung đông người tại cơ sở tiêm chủng gây khó khăn cho việc tổ chức buổi tiêm. Cũng sáng hôm qua, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) yêu cầu các sở y tế kiểm tra việc sử dụng vắc-xin, tránh ngăn chặn hiện tượng găm hàng, nâng giá trong những ngày tiêm tới.
Dự kiến, sáng nay (26-12), Cục Y tế dự phòng sẽ tổ chức họp với các trung tâm y tế dự phòng, cơ sở tiêm chủng trên địa bàn Hà Nội để thống nhất một phương án tổ chức tiêm vắc-xin dịch vụ phù hợp, thuận tiện cho người dân. *Nhân dân (trang 5).
Vắc- xin dịch vụ 'có mặt' ở TPHCM: Không đặt cọc và giữ chỗ
Trước thông tin khan hàng vắc-xin dịch vụ 5 trong 1, hôm qua 25/12 nguồn tin của Tiền Phong cho biết trong hôm nay (26/12) loại vắc-xin này sẽ có mặt tại TPHCM. Theo đó, hiện số vắc-xin này đang được phân phối tới Viện Pasteur, Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương, Từ Dũ cùng các trung tâm y tế dự phòng… trong đó, Viện Pasteur TPHCM là nơi được cung cấp số lượng nhiều nhất. Trao đổi với Tiền Phong, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM - cho biết, hằng năm trung tâm chỉ dự trù khoảng 2.000 liều vắc-xin dịch vụ theo hình thức đấu thầu. Tuy nhiên, phía nhà cung cấp cũng chỉ đáp ứng được vài trăm liều/năm. “Đợt này đã có vắc-xin dịch vụ 5 trong 1 Pentaxim và trung tâm sẽ triển khai chích đúng theo quy trình. Người dân không cần phải đặt cọc hay giữ chỗ gì cả. Ai có nhu cầu cứ đến đăng ký để được tư vấn trước tiêm”, bác sĩ Dũng nói.
Theo ông Dũng, không có vắc-xin nào an toàn tuyệt đối, nên điều quan trọng nhất là phải tư vấn trước khi tiêm: “Dù là vắc-xin dịch vụ thì cũng phải bảo đảm an toàn tiêm chủng nên phụ huynh cần chủ động thông báo cho cán bộ y tế về tình trạng sức khỏe của con mình, tiền sử dị ứng hay phản ứng mạnh với những lần tiêm chủng trước như sốt cao, quấy khóc kéo dài, sưng đau lan rộng tại vị trí tiêm… Sau tiêm, cần ở lại điểm tiêm theo dõi trong vòng 30 phút. Khi đưa trẻ về nhà cần phải theo dõi sức khỏe ngay cả khi trẻ ngủ ít nhất trong vòng 1 ngày”.
Dự kiến trung tâm sẽ tiêm vắc-xin Pentaxim ngay khi hàng về vào sáng 26/12. Số lượng tiêm tối đa 150 trẻ/buổi (sáng hoặc chiều) với giá khoảng 700 nghìn đồng/mũi. Chiều 25/12, khoa dược Bệnh viện Nhi đồng 1 xác nhận đơn vị này đã được phân phối khoảng 250-300 liều vắc-xin dịch vụ 5 trong 1 Pentaxim từ lô hàng nói trên của Sanofi. Trong khi nhu cầu tại đây là khoảng 4.000 liều/quý. “Bệnh viện sẽ tổ chức tiêm ngay số lượng vắc-xin mới về nói trên”- lãnh đạo bệnh viện này cho hay.
Người dân quay sang chích Quinvaxem
Theo bác sĩ Dũng, tại TPHCM, năm 2014, có hơn 280 nghìn liều vắc-xin 5 trong 1 Quinvaxem được tiêm cho trẻ trong chương trình tiêm chủng mở rộng, trong đó ghi nhận 28 trường hợp có phản ứng nhẹ sau tiêm chủng (sốt, quấy khóc, sưng đau tại chỗ tiêm), chiếm tỷ lệ khá thấp 0,01% số mũi tiêm. Ngoài ra, có 2 trường hợp phản ứng nặng phải nhập viện nhưng không có trường hợp nào tử vong. Đến năm 2015, có hơn 300 nghìn liều Quinvaxem đã được tiêm. Ghi nhận 32 trường hợp phản ứng nhẹ sau tiêm.
“Vắc-xin dịch vụ chỉ chiếm khoảng 1/3 nhu cầu của người dân thành phố. Nhưng sau 2 năm liên tiếp 2014 và 2015 không có hàng, nên số người chuyển sang tiêm vắc-xin Quinvaxem đã tăng lên đáng kể”, bác sĩ Dũng nói. Theo Sở Y tế TPHCM, vào đầu tháng 4 vừa qua, trước tình hình thiếu trầm trọng vắc-xin dịch vụ, thành phố đã triển khai 45 nghìn liều Quinvaxem tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ. Điều này cho thấy các bậc phụ huynh vẫn tin tưởng đưa con em mình đi tiêm vắc-xin Quinvaxem trong chương trình tiêm chủng mở rộng.
Theo Cục Y tế dự phòng, hiện Viện Kiểm định quốc gia vắc-xin và sinh phẩm y tế đã kiểm định xong lô hàng nhập khẩu đầu tiên. Số vắc-xin này đã và đang được phân phối đến các cơ sở tiêm chủng tại các tỉnh, thành phố. Đại diện Công ty Sanofi cho biết, trong quý 4 sẽ có 141.549 liều Pentaxim được cung cấp cho thị trường Việt Nam.
Vắc xin dịch vụ không thiếu
Theo tìm hiểu của Tiền Phong, Cục Dân số và Cục Quản lý Dược của Singapore cho biết trong năm 2014 nước này có 5,4 triệu dân, số cháu bé sinh và di cư là 60.038 người nhưng Cục quản lý Dược của nước này nhập khẩu là 340.000 liều cho 2 loại 5 trong 1 và 6 trong 1. Trong khi số lượng tiêm chỉ hết 182.000 liều còn gần 200.000 liều. Cục Quản lý Dược và Thực phẩm của Hồng Kông cho biết nơi đây có 5,6 triệu dân, số bé sinh ra năm 2014 là 71.214 người nhưng số lượng vắc-xin nhập khẩu cho 2 loại này là 840.000 liều. Một cháu bé tiêm 3 mũi thì nơi đây cũng chỉ tiêu thụ hết 213.642 liều, như vậy số lượng dư thừa sẽ là 626.358 liều được dùng cho tiêm dịch vụ và tái xuất vào Trung Quốc. Trong khi đó, ở Malaysia là 28 triệu người nhưng số trẻ sinh ra là 396.000 người trong năm qua, số lượng nhập khẩu vắc-xin năm 2014 là 1.500.000 liều cho hai loại như vậy còn dư thừa hơn 100.000 liều. Các thông tin trên cho thấy các nước trong khu vực với Việt Nam không thiếu vắc-xin, tuy nhiên một doanh nghiệp nhập khẩu cho rằng họ không nhập về do giá ở Việt Nam bị quản lý chặt, không có lời.
Trước đó, trao đổi với Tiền Phong, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu vắc-xin cho rằng họ sẵn sàng nhập về hàng trăm nghìn liều vắc-xin dịch vụ với điều kiện họ được bán giá cao hơn hiện tại. Tuy nhiên, việc “đẩy” giá này đã vấp phải sự phản ứng quyết liệt của cơ quan chức năng, vì
vắc-xin là mặt hàng đặc biệt chịu sự quản lý giá rất nghiêm ngặt.
Trao đổi với Tiền Phong hôm qua 25/12 ông Trần Đắc Phu- Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nói: “Rút kinh nghiệm ở Hà Nội, chúng ta sẽ họp và triển khai đến các điểm tiêm chủng dịch vụ tại TPHCM để tránh lặp lại tình trạng mất trật tự trên. Ở TPHCM triển khai nhiều điểm tiêm, làm khoa học nên hy vọng sẽ không xảy ra chen lấn”- ông Phu nói. * Tiền phong (trang 5):
Cứu sống bé 2,5 tháng tuổi bị bệnh tim bẩm sinh bằng phương pháp mới
Bệnh viện Nhi T.Ư vừa cứu sống thành công cho bé 2,5 tháng tuổi (ở Ninh Bình) bị hẹp eo động mạch chủ nặng bằng phương pháp mới nong eo động mạch chủ bằng bóng qua đường động mạch nách.
Thấy con bị khó thở, gia đình đưa bé tới khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương, sau khi thăm khám các bác sĩ phát hiện bé bị bệnh tim bẩm sinh. Kết quả siêu âm cho thấy eo động mạch chủ bị hẹp rất nặng và gần như tắc nghẽn, buồng tim trái giãn cần chỉ định can thiệp nong eo động mạch chủ cấp cứu.
Đây là kỹ thuật mới và khó, đặc biệt khó dụng trên những trẻ nhỏ. Do tình trạng hẹp eo động mạch chủ của cháu bé quá nặng, các bác sĩ phải chọn cách đưa dụng cụ vào qua động mạch nách bên trái. Bệnh nhi đã được nong eo động mạch chủ bằng bóng mạch vành (là bóng nhỏ, có đường kính 3mm) sau đó tiếp tục nong bằng bóng to hơn có đường kính 6mm.
Sau hơn 1 giờ, ca can thiệp thành công tốt đẹp, vị trí hẹp được mở ra, máu lưu thông tốt qua vị trí eo. Chức năng tim của bệnh nhân được cải thiện, mạch nhạy, sức khỏe phục hồi tốt. Bệnh nhi được ra viện sau 2 ngày điều trị.
Theo các bác sĩ, hẹp eo động mạch chủ là bệnh lý tim bẩm sinh thường gặp nhưng rất hay bị bỏ sót. Bệnh thường biểu hiện ngay ở thời kỳ sơ sinh hoặc bú mẹ. Hẹp eo động mạch chủ nặng thường diễn tiến nặng, tỉ lệ tử vong cao nếu không được can thiệp và cấp cứu kịp thời. (An ninh thủ đô (trang 3).