Lưu mẫu thức ăn kiểm soát an toàn thực phẩm: Nơi nghiêm túc, chỗ thờ ơ
Việc kiểm thực ba bước và lưu mẫu thức ăn là một trong những yêu cầu bắt buộc đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể. Thế nhưng, qua kiểm tra trên thực tế của các đoàn kiểm tra liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm Hà Nội cho thấy, bên cạnh những cơ sở nghiêm túc thực hiện vẫn còn những nơi chưa tuân thủ đầy đủ những yêu cầu bắt buộc trên.
Hỗ trợ điều tra ngộ độc thực phẩm
Theo quy định của Bộ Y tế, kiểm thực ba bước và lưu mẫu thức ăn được áp dụng đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, bao gồm: Cơ sở chế biến suất ăn sẵn; căng tin kinh doanh ăn uống, bếp ăn tập thể; bếp ăn, nhà hàng ăn uống của khách sạn, khu nghỉ dưỡng; nhà hàng ăn uống. Đối với kiểm thực ba bước, đầu tiên là kiểm tra nguồn nguyên liệu, thực phẩm được nhập vào trước khi chế biến; tiếp đến kiểm tra trong quá trình chế biến (gồm: Nơi chế biến, trang thiết bị, dụng cụ, người chế biến) và cuối cùng là kiểm tra trước khi ăn (khu vực bày thức ăn, dụng cụ ăn uống) bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm theo quy định. Còn với việc lưu mẫu thức ăn được áp dụng đối với tất cả các món ăn của bữa ăn từ 30 suất ăn trở lên.
Thế nhưng, trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2023, Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 về an toàn vệ sinh thực phẩm của thành phố Hà Nội đã trực tiếp kiểm tra nhà hàng Maison Sen Buffet (275 Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân). Tại thời điểm kiểm tra, nhà hàng lưu mẫu thực phẩm sai quy định về số lượng, ghi chép thông tin. Bên cạnh đó, sổ kiểm định ba bước cũng không tuân thủ đúng quy định. Tương tự, kiểm tra bếp ăn của Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Mỹ Đức (huyện Mỹ Đức) cung cấp khoảng 400 suất ăn/ngày cũng cho thấy, nhà trường chưa thực hiện việc giám sát bếp ăn hằng ngày, không có sổ theo dõi việc lưu mẫu thức ăn.
Đoàn kiểm tra cũng ghi nhận, có những bếp ăn chấp hành nghiêm túc các quy định về kiểm thực ba bước và lưu mẫu thực phẩm như: Bếp ăn của Trường Mầm non Phương Tú (huyện Ứng Hòa); Trường Tiểu học Nguyễn Du (quận Nam Từ Liêm); Trường Tiểu học Đoàn Khuê (quận Long Biên)…
Hiệu trưởng Trường Mầm non Phương Tú Nguyễn Thị Nhung cho biết, để trẻ có đầy đủ sức khỏe vui chơi và học tập, nhà trường luôn chú trọng từng khâu trong chế biến thực phẩm. Đối với bộ phận chế biến thực phẩm, nhà trường yêu cầu phải quan sát kỹ khi nhận thực phẩm, ngâm, rửa thật kỹ rồi mới đưa vào chế biến. Bếp ăn của nhà trường tuân thủ theo quy trình một chiều, với mục đích bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, không xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo. Việc lưu mẫu thức ăn hằng ngày tại bếp ăn bán trú của trường mầm non cũng là khâu rất quan trọng. Do đó, trước khi chia các khẩu phần ăn theo từng lớp, từng học sinh, nhà trường cũng rất chú trọng đến khâu lưu mẫu thực phẩm, niêm phong mẫu…
“Chúng tôi thường xuyên được tham gia các lớp tập huấn về bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm bếp ăn trường học. Tại các lớp tập huấn này, các chuyên gia đều hướng dẫn nhà trường rất cụ thể về việc lưu mẫu thực phẩm. Đó là, người lưu mẫu cần ghi đầy đủ ngày, giờ, tên người lấy mẫu thức ăn và niêm phong. Ngoài ra, các chuyên gia cũng hướng dẫn các trường nếu có ngộ độc thực phẩm xảy ra phải giữ niêm phong mẫu thực phẩm, chỉ mở khi có sự chứng kiến của các cơ quan chức năng”, Hiệu trưởng Nguyễn Thị Nhung nói.
Theo ông Đặng Thanh Phong, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, việc thực hiện lưu mẫu thức ăn hỗ trợ rất lớn trong quá trình thu thập thông tin và điều tra khi có nghi ngờ xảy ra về ngộ độc thực phẩm, thể hiện tinh thần trách nhiệm cũng như tính minh bạch của cơ sở kinh doanh. Đặc biệt, đối với bếp ăn tập thể, bếp ăn trường học, việc lưu mẫu thức ăn được đánh giá rất quan trọng khi xảy ra sự cố liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm. Khi đó, việc lưu mẫu thức ăn sẽ được cơ quan chức năng thu giữ và dùng cho các công đoạn kiểm tra, chứng thực về độ an toàn, vệ sinh của từng thành phẩm nguyên liệu.
Những lưu ý khi lưu mẫu thực phẩm
Trực tiếp kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh thực phẩm, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương yêu cầu, trong cả một dây chuyền sản xuất thực phẩm từ lúc còn tươi sống đến khi lên bàn ăn, chỉ cần một khâu bị lỗi, dù nhỏ cũng có thể gây ra hậu quả đáng tiếc. Do đó, các cơ sở thuộc diện phải thực hiện quy định lưu mẫu thực phẩm cần thực hiện đúng để bảo đảm về kiểm thực, kiểm soát nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm.
Để việc lưu mẫu thức ăn đúng quy định, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) lưu ý, mỗi món ăn được lấy và lưu vào dụng cụ lưu mẫu riêng và được niêm phong. Mẫu thức ăn được lấy trước khi bắt đầu ăn hoặc trước khi vận chuyển đi nơi khác và được lưu ngay sau khi lấy. Lượng mẫu thức ăn được lấy tùy thuộc vào từng món. Thức ăn đặc như các món xào, hấp, rán, luộc hay rau sống, hoa quả ăn ngay... được lấy mẫu lưu tối thiểu 100gram. Thức ăn lỏng như: súp, canh... lấy tối thiểu mẫu lưu là 150ml. Các thông tin về mẫu thức ăn được ghi trên nhãn và cố định vào dụng cụ lưu mẫu thức ăn. Dụng cụ lưu mẫu thức ăn phải có nắp đậy kín và phải được rửa sạch, tiệt trùng trước khi sử dụng.
Cùng với đó, mẫu thức ăn được bảo quản riêng biệt với các thực phẩm khác, nhiệt độ bảo quản mẫu thức ăn lưu từ 2°C đến 8°C. Thời gian lưu mẫu thức ăn ít nhất là 24 giờ kể từ khi lấy mẫu thức ăn. Khi có nghi ngờ ngộ độc thực phẩm hoặc có yêu cầu của cơ quan quản lý thì cơ sở không được hủy mẫu lưu cho đến khi có thông báo khác. Sau 24 giờ lưu mẫu thức ăn nếu không có nghi ngờ ngộ độc thực phẩm; không có yêu cầu cụ thể của cơ quan quản lý thì tiến hành hủy mẫu lưu tương ứng. (Hà Nội mới, trang 6).
Mong sớm có quy trình dự trữ thuốc hiếm cấp quốc gia
Vụ việc bệnh nhân ngộ độc botulium nhưng không có thuốc giải độc thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận.
Như Thanh Niên thông tin, đầu năm 2021, ở TP.HCM và một số tỉnh Đông Nam bộ có nhiều bệnh nhân (BN) được xác định ngộ độc botulinum. Các BN phải nằm điều trị nhiều tháng, thậm chí tử vong vì không có thuốc giải độc.
Ngày 17.4.2021, Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy tiếp nhận 6 lọ thuốc Botulinum Antitoxin Heptavalent (BAT) dùng giải độc botulinum, trong đó có 1 lọ được tài trợ (lúc đó Bộ Y tế cho phép mua 30 lọ). Mỗi lọ có giá 8.000 USD. Tiền công vận chuyển thuốc từ Canada về là 2.500 USD (hiện nay tăng lên 6.500 USD). Sau đó, BV đã sử dụng 1 lọ để cứu BN trong vụ ngộ độc botulinum sau ăn pate Minh Chay.
Giữa tháng 3.2023, khi xảy ra vụ ngộ độc botulinum sau khi ăn cá chép ủ chua ở Quảng Nam với khoảng 10 BN, BV Chợ Rẫy đã mang ra BV đa khoa khu vực miền núi phía bắc Quảng Nam 3 lọ thuốc BAT, truyền cứu các BN nặng, còn lại 2 lọ.
Trong tuần vừa qua, tại TP.HCM đã xảy ra chùm ca bệnh ngộ độc botulinum với 6 người mắc tại TP.Thủ Đức, trong đó có 3 trẻ em. BV Chợ Rẫy sử dụng 2 lọ thuốc BAT cuối cùng truyền cho 3 bệnh nhi, đến nay 2 em vẫn còn thở máy. Còn 3 BN là người lớn (18, 26 và 45 tuổi) bị ngộ độc chỉ nằm điều trị hỗ trợ, thở máy, liệt cơ do đã hết thuốc BAT.
Ngày 23.5, BV Chợ Rẫy cho biết đã có kiến nghị Bộ Y tế cho phép mua thuốc BAT để điều trị ngộ độc botulinum.
Tính mạng con người là trên hết
Bạn đọc (BĐ) Thanh Niên cho rằng tính mạng con người là quan trọng nhất vì vậy thuốc hiếm và mắc cũng phải mua dự phòng. "Không thể để người bệnh chờ thuốc mà chết dần chết mòn được. Tính mạng của con người là quan trọng nhất, dù thuốc đắt thế nào thì chúng ta cũng phải có kế hoạch dự trữ để sử dụng khi cần", BĐ Duy Đức ý kiến.
Tương tự, BĐ Huỳnh Hiếu cho rằng: "Đừng nhìn vào mức giá mà hãy nhìn vào giá trị nó mang lại. Biết là sẽ rất đắt nhưng có thể cứu mạng người. Nhiều trường hợp nhiễm độc nặng mà không có thuốc xử lý kịp thời rồi tử vong thì là điều đáng buồn. Tôi nghĩ ít nhất cũng phải mua vài lọ để đề phòng bất trắc, đâu thể nước đến chân mới nhảy".
Còn BĐ Tuấn Nghĩa viết: "Việc ngộ độc botulinum ở Việt Nam không còn là quá hiếm, vì vậy nhất thiết phải trữ sẵn thuốc giải. Không cần nhiều nhưng trong kho lúc nào cũng phải có vài lọ".
"Hệ thống y tế cả một nước mà không dự phòng được vài lọ thuốc giải độc thì cũng rất kỳ. Nguồn chi phí mua thuốc có thể vận động xã hội mà, mạng người mới là quan trọng kìa. Nhiều khi BN không kịp xử lý kịp thời, chi phí điều trị còn tốn kém gấp mấy lần so với số tiền bỏ ra mua một lọ thuốc, chưa kể trường hợp xấu có thể tử vong", BĐ Xuân Dũng thẳng thắn.
Đừng để thêm những cái chết đau lòng
Theo TS-BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới BV Chợ Rẫy, không chỉ ngộ độc botulinum là nguy hiểm mà tất cả ngộ độc cấp đều nguy hiểm nên cần có các loại thuốc quý hiếm. Các loại thuốc này cũng có thể là thuốc đắt tiền và cũng không có sẵn ở nhiều nước, kể cả một số nước phát triển chứ không riêng Việt Nam. Theo ông, cần có thống kê, nghiên cứu và xây dựng chiến lược, danh mục thuốc quý hiếm để tích lũy, điều phối cấp quốc gia, vì nhu cầu dùng thuốc giải độc ngày càng nhiều hơn. Khi có thuốc sẵn giúp cứu sống BN, ít bị biến chứng.
"Nên có cơ chế dự trữ thuốc quốc gia đặt ở 3 miền, dự trù thuốc hiếm cho nhiều năm. Khi có nhu cầu thì báo trước và thương lượng với các công ty để sản xuất, nhập khẩu, như vậy cũng sẽ có giá phù hợp. Đề nghị Bộ Y tế làm đầu mối, các BV thống kê các thuốc hiếm nhu cầu sử dụng mỗi năm. Đề nghị Chính phủ có quỹ để mua dự trữ thuốc quốc gia. Cái quan trọng nhất là sinh mạng con người", đại biểu Quốc hội, PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan đề xuất.
Đồng tình với ý kiến của TS-BS Lê Quốc Hùng, PGS-TS Khánh Phong Lan, BĐ Hoang Linh đề nghị Bộ Y tế có quy trình ứng phó kịp thời, thuốc mắc cũng phải mua vì khi đã nhiễm độc nặng mà không xử lý kịp thời, chi phí điều trị tốn gấp nhiều lần giá trị lọ thuốc. Tương tự, BĐ Trường Xuân viết: "Cấp thiết phải có quy trình dự trữ thuốc hiếm cấp quốc gia. Với các thuốc hiếm không phải dùng thường xuyên, nhưng khi cần dùng mà không có thì tính mạng BN bị đe dọa... Vì vậy, chúng ta phải xác định mua thuốc, nếu không dùng tới, thuốc quá hạn sử dụng bỏ đi thì cũng phải chấp nhận".
"Nhìn các BN chết dần chết mòn vì thiếu thuốc thật sự quá đau lòng. Mong ngành y tế xây dựng chiến lược, quy trình dự trữ các thuốc quý hiếm ngay từ bây giờ. Đừng để thêm những cái chết đau lòng", BĐ Ngọc Thúy khẩn thiết. (Thanh niên, trang 9).
Cùng chủ đề Báo Thanh niên, trang 14: “Cần dữ trữ thuốc hiếm cấp quốc gia: Lập các trung tâm tồn trữ”.
Đưa môn Văn vào xét tuyển ngành sức khỏe: Nghề Y cũng cần kiến thức xã hội
Những năm trước, một số trường đại học (ĐH) đã đưa môn Lý, môn Ngoại ngữ vào tổ hợp xét tuyển vào ngành Y khoa (bác sĩ đa khoa) để loại bỏ môn Sinh học. Năm nay, đến lượt môn Văn thay thế môn Sinh.
Năm 2022, Trường ĐH Y dược Thái Bình, Trường ĐH Y dược Thái Nguyên tổ chức xét tuyển ngành Y khoa có sử dụng tổ hợp không có môn Sinh học (môn học truyền thống của ngành Y từ xưa đến nay). Bên cạnh tổ hợp B00 (Toán, Hóa, Sinh truyền thống), Trường sử dụng thêm các tổ hợp A00 (Toán, Hóa, Lý), D07 (Toán, Hóa, Anh).
Trước đó, Học viện Quân y, Trường ĐH Y dược Hải Phòng đã xét tuyển tổ hợp A00 đối với ngành Y đa khoa.
Năm nay, Trường ĐH Văn Lang vừa thông báo xét tuyển ngành Y khoa có 2 tổ hợp không có môn Sinh học là A00 và tổ hợp mới có sử dụng môn Ngữ văn là D12 (Ngữ văn, Hóa học, tiếng Anh). Ngoài ra Trường ĐH Võ Trường Toản (Hậu Giang) và Trường ĐH Tân Tạo (Long An) sử dụng tổ hợp có môn Ngữ văn để xét tuyển là B03 (Toán học, Ngữ văn, Sinh học) trong phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Trường ĐH Duy Tân thêm tổ hợp A16 (Toán, Khoa học tự nhiên, Ngữ văn) để xét tuyển ngành Y khoa bên cạnh các tổ hợp B00, D90 (Toán, Khoa học Tự nhiên, tiếng Anh) và D08 (Toán, Anh, Sinh học).
Việc một số trường ĐH đưa môn Ngữ văn vào tổ hợp xét tuyển ngành Y khoa đã khiến dư luận dậy sóng. TS Phạm Hiệp, Giám đốc Nghiên cứu, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Giáo dục EdLab Asia cho rằng yêu cầu chuẩn đầu vào của các ngành nói chung và ngành Y nói riêng như thế nào cần nhìn từ chuẩn đầu ra. Với ngành Y, nếu mục tiêu đào tạo có yêu cầu năng lực môn Ngữ văn thì việc xét tuyển là hợp lý. Chia sẻ với báo chí, đại diện Trường ĐH Duy Tân cho rằng các bệnh viện mong tuyển được bác sĩ không chỉ giỏi chuyên môn mà còn biết cảm thông, chia sẻ với người bệnh.
Lê Hữu Hiếu, sinh viên năm cuối ngành Y khoa, Trường ĐH Y dược TPHCM cho biết khi vào trường Y, có thể chia môn học thành 2 nhóm chính: các môn cơ sở và môn chuyên ngành. “Để việc học hiệu quả và có năng lực chuyên môn giỏi thì mọi môn học đều quan trọng. Do đó các kĩ năng đọc hiểu, phân tích, tổng hợp thông tin và ghi nhớ đóng vai trò nền tảng cho việc học Y khoa. Ngoài ra năng lực ngoại ngữ và kĩ năng tìm kiếm thông tin cũng rất hữu ích cho việc học”, Hiếu nói.
Đồng thời cho biết môn Sinh rất quan trọng đối với ngành Y khoa. Đây là một ngành khoa học sức khỏe, nghiên cứu về sự sống của con người, do đó cần nền tảng vững chắc từ môn Sinh học vốn là môn khoa học về sự sống. “Người có mong muốn theo đuổi ngành Y khoa nên tìm phương pháp để học tốt môn Sinh học, điều này sẽ tạo nhiều thuận lợi cho học kiến thức các môn Y khoa cũng như có niềm đam mê về khoa học sự sống, từ đó có thể trở thành một bác sĩ giỏi toàn diện”, Hiếu nhận định sau gần 6 năm học Y khoa.
GS.TS Nguyễn Hữu Tú, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội khẳng định thêm những năng lực ngành Y khoa cần đầu vào ở người học để có thể theo học suốt quãng thời gian có thể là 6 năm, 8 năm và có thể là 9 năm liên tục cũng như học tập cập nhật suốt đời gồm: năng lực tiếp thu khối lượng lớn kiến thức; năng lực học tập liên tục với cường độ cao; năng lực bền bỉ, kiên nhẫn; năng lực sáng tạo; năng lực chịu đựng áp lực, vất vả. Các kiến thức nền tảng kiến thức người học cần phải có là khoa học tự nhiên quan trọng nhất, nhưng cũng cần có kiến thức khoa học xã hội vì nghề Y vốn là sự kết hợp giữa hai nền tảng kiến thức này.
Là cơ sở đào tạo Y khoa lâu đời và lớn nhất Việt Nam, từ trước đến nay, Trường ĐH Y Hà Nội chỉ xét tuyển duy nhất 1 tổ hợp đối với ngành Y khoa là B00. GS. TS Nguyễn Hữu Tú khẳng định khi nào không còn còn kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển nữa thì Trường mới đưa ra tổ hợp xét tuyển lại. (Tiền phong, trang 6).
Cùng chủ đề Báo Sức khoẻ & Đời sống, trang 3: “Ý kiến xung quanh việc các trường đưa môn Văn vào tổ hợp xét tuyển ngành Y”.
Tử vong, nguy kịch vì thiếu thuốc hiếm
Không chỉ hết thuốc giải độc Botulinum, trên địa bàn TPHCM đang trong tình trạng hết nhiều loại thuốc hiếm. Thiếu thuốc hiếm không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng điều trị khiến bệnh nhân tử vong mà còn tạo gánh nặng viện phí vì các thuốc thay thế không được bảo hiểm y tế chi trả.
Ngày 25/5, thông tin từ Bệnh viện Nhân Dân Gia Định, TPHCM cho biết, sau 10 ngày nhập viện với chẩn đoán bị ngộ độc Botulinum từ món mắm để lâu ngày, bệnh nhân nam 45 tuổi đã tử vong tối 24/5. Thời điểm bệnh nhân ngộ độc, thuốc giải độc BAT tại Việt Nam đã cạn kiệt.
Không được sử dụng thuốc giải độc sớm khiến bệnh nhân nhanh chóng rơi vào tình trạng yếu liệt chân tay, liệt cơ hô hấp. Biến chứng nặng do độc tố đã ảnh hưởng đến hệ thần kinh tự chủ khiến bệnh nhân phải phụ thuộc hoàn toàn vào máy thở. Các bác sĩ đã nỗ lực điều trị triệu chứng với hy vọng giúp bệnh nhân phục hồi và chờ thuốc giải. Khi Việt Nam được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khẩn cấp viện trợ thuốc giải độc (tối 24/5) thì bệnh nhân đã rơi vào tình trạng quá nặng, không còn khả năng cứu chữa.
Ngoài trường hợp trên, 2 bệnh nhân khác bị ngộ độc Botulinum đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM cũng đang trong tình trạng nặng, phải lệ thuộc vào máy thở. Sau khi tiếp nhận thuốc giải độc từ WHO, bệnh viện đã nhanh chóng đánh giá tình trạng của 2 bệnh nhân và chỉ định sử dụng thuốc giải độc.
Tuy nhiên, theo TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt Đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, việc điều trị bằng thuốc giải độc muộn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến khả năng phục hồi của bệnh nhân. “Một trường hợp được chẩn đoán ngộ độc Botulinum nếu sử dụng thuốc BAT giải độc đặc hiệu sớm thì chỉ trong vòng 48 đến 72 giờ bệnh nhân có khả năng thoát ra khỏi tình trạng bị liệt và không cần phải thở máy. Nếu sử dụng thuốc giải khi bệnh nhân thở máy 1 đến 2 ngày sau khi ngộ độc, thì sẽ mất cả tuần để bệnh nhân cai được máy thở”.
2 bệnh nhân đang điều trị tại Chợ Rẫy đã bị ngộ độc hơn 10 ngày, tình trạng bệnh diễn tiến nặng. Do đó, các bác sĩ chưa thể đánh giá được khả năng bình phục cũng như di chứng mà các bệnh nhân có thể phải đối mặt dù đã có thuốc giải độc.
Được biết, 2 bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy là anh em ruột, ngụ tại thành phố Thủ Đức, ngộ độc Botulinum vào ngày 13/5 sau khi ăn món giò lụa bán dạo với bánh mì. Theo thông tin từ Phòng Công tác Xã hội, Bệnh viện Chợ Rẫy, mỗi ngày chi phí điều trị cho 1 bệnh nhân (không có bảo hiểm y tế) tốn khoảng 5 triệu đồng. 2 bệnh nhân này có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, gia đình không thể cùng lúc lo được viện phí cho cả 2 con. Hiện phòng công tác xã hội đang vận động mạnh thường quân giúp đỡ viện phí cho 2 ca bệnh trên.
Nguồn cung hạn chế
Ngày 25/5, trả lời phóng viên báo Tiền Phong về tình trạng thiếu thuốc hiếm nói chung và thuốc giải độc Botulinum nói riêng và giải pháp khắc phục, bà Lê Thiện Quỳnh Như, Chánh văn phòng Sở Y tế cho biết, thuốc hiếm là thuốc để phòng, chẩn đoán, điều trị bệnh hiếm gặp hoặc thuốc không sẵn có (theo Thông tư số 26/2019/TT-BYT ngày 30/8/2019 của Bộ Y tế) quy định về danh mục thuốc hiếm.
Theo danh mục thuốc hiếm, hiện nay TPHCM đang thiếu nhiều loại thuốc gồm: thuốc nhỏ mắt Atropin (Bệnh viện Mắt); thuốc uống Acitretin (Bệnh viện Da liễu); thuốc viên Dapson phối hợp sắt oxalat (Bệnh viện Da liễu); thuốc tiêm Mitoxantrone (Bệnh viện Truyền máu Huyết học); thuốc tiêm Idarubicin (Bệnh viện Truyền máu Huyết học); thuốc tiêm Foscarnet trisodium hexahydrate (Bệnh viện Truyền máu Huyết học). “Các thuốc này thiếu trong thời gian dài do không có nhà cung ứng. Để đáp ứng nhu cầu điều trị, bệnh viện đã sử dụng phác đồ thay thế. Khi thay thế bằng các thuốc khác, bệnh nhân phải chi trả giá thuốc cao hoặc không được bảo hiểm y tế thanh toán. Ngoài ra, thành phố không có sẵn các thuốc cấp cứu như các trường hợp ngộ độc Botulinum vừa xảy ra” - bà Quỳnh Như nói.
Cũng theo bà Quỳnh Như, đối với một số thuốc hiếm hoặc thuốc phát sinh đột xuất trong các trường hợp cấp cứu, nguồn cung ứng thuốc vẫn là vấn đề nan giải, cần sự phối hợp của nhiều đơn vị liên quan. Đây hầu hết là các thuốc dùng trong trường hợp khẩn cấp, nhu cầu sử dụng ít và không sẵn có ở Việt Nam. “Nguồn cung ứng các thuốc này rất hạn chế do ít công ty sản xuất, nhập khẩu và phân phối, giá trị tiền thuốc cao, nhu cầu sử dụng không thường xuyên. Để giải quyết tình trạng thiếu thuốc hiếm, Sở Y tế TPHCM đã đề xuất cơ chế mua sắm dự trữ thuốc hiếm cấp địa phương hoặc cấp quốc gia bằng nguồn ngân sách nhà nước. Ngành y tế TPHCM mong Bộ Y tế sớm có giải pháp về dự trữ thuốc hiếm cho những trường hợp cấp cứu tối khẩn cấp không có thuốc thay thế”, bà Quỳnh Như nói. (Tiền phong, trang 14).
Cùng chủ đề Báo Sài Gòn giải phóng, trang 7: “Vụ ngộ độc botilium: 1 bệnh nhân tử vong”; Sức khoẻ & Đời sống, trang 3: “Điều trị cho bệnh nhân ngộ độc botilium: 6 lọ thuốc hiếm do WHO viện trợ đã về đến TP. Hồ Chí Minh”; Công an Nhân dân, trang 7: “Các ca ngộ độc botilium: Đã có thuốc nhưng không còn kịp dùng”.
Sở Y tế TP.HCM yêu cầu BV Nhi đồng 2 không làm gián đoạn ghép gan cho trẻ có chỉ định ghép
Sở Y tế TP.HCM cho biết, một trong những vấn đề khó khăn của ghép tạng là nguồn tạng hiến cho trẻ em quá khan hiếm.
Chiều 24/5, Sở Y tế TP.HCM đã ra chỉ đạo yêu cầu Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM tuân thủ quy định về đề án ghép tạng trẻ em để trình Bộ Y tế thẩm định và thông qua. Theo quy định hiện hành, Bệnh viện Nhi đồng 2 đang khẩn trương xây dựng lại đề án ghép tạng trẻ em để trình Bộ Y tế thẩm định và thông qua. Sở Y tế yêu cầu Ban giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 tuân thủ quy định nhưng không làm gián đoạn ghép gan cho trẻ có chỉ định ghép.
Với tinh thần phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ giữa các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế trên địa bàn thành phố và các bệnh viện thành phố, Bệnh viện Nhi đồng 2 vẫn tiếp tục thực hiện quy trình ghép tạng với sự hỗ trợ của các chuyên gia ghép tạng của Bệnh viện Đại học Y Dược và Bệnh viện Chợ Rẫy.
Theo kế hoạch, trong tháng 6, Bệnh viện Nhi đồng 2 sẽ tiếp tục thực hiện ca ghép gan mới với sự phối hợp của Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM.
Cũng theo Sở Y tế TP.HCM, năm 2005, Bộ Y tế đã ban hành quyết định cho phép Bệnh viện Nhi đồng 2 tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật ghép thận và ghép gan trẻ em.
Ca ghép thận đầu tiên tại Bệnh viện Nhi đồng 2 thực hiện vào tháng 6/2004, ca ghép gan đầu tiên thực hiện vào tháng 12/2005, cả 2 đều là bệnh nhân nhỏ tuổi nhất Việt Nam được ghép tạng. Hiện tại, bệnh nhi đã trưởng thành, có cuộc sống khỏe mạnh. Đến nay đã có 25 bệnh nhi được ghép gan thành công.
Tuy nhiên, Sở Y tế TP.HCM cho biết, một trong những vấn đề khó khăn của ghép tạng là nguồn tạng hiến cho trẻ em quá khan hiếm. Theo điều 5 của Luật Hiến, lấy, ghép mô và bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác ghi rõ: "Người từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống, sau khi chết và hiến xác".
Do đó, đối tượng trẻ em chết não hiện không được đưa vào nguồn hiến tạng. Với thực trạng hiện tại, ngành y tế mong sớm có điều chỉnh trong luật định để tạo điều kiện cho quy trình ghép tạng thực hiện thuận lợi, các bác sĩ Nhi sẽ có thể trực tiếp lấy tạng từ người cho là trẻ em chết não.
Nhiều tháng qua, Bệnh viện Nhi đồng 2 Thành phố Hồ Chí Minh - nơi có trung tâm ghép tạng nhi khoa duy nhất của khu vực phía Nam phải tạm dừng hoạt động ghép tạng. Nhiều phụ huynh có con bị suy gan, suy thận phải chạy đôn chạy đáo tìm nơi ghép tạng cho con. Trong đó, có một số bệnh nhi đã tử vong trước khi tìm được nơi ghép tạng.
Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết lý do xảy ra tình trạng trì hoãn ghép tạng. Cụ thể, việc ghép tạng trở nên khó khăn là nhân lực thiếu chứng chỉ hành nghề chuyên ngành Nhi khoa, Ngoại nhi hoặc chứng chỉ chuyên môn ghép tạng người lớn; thiếu phòng mổ ghép tạng; thiếu nguồn tạng hiến và quy trình ghép tạng phức tạp.
Được biết, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM là bệnh viện nhi khoa duy nhất tại khu vực phía Nam triển khai các kỹ thuật ghép tạng cho trẻ em. Bắt đầu từ năm 2004, đơn vị này tiến hành ghép gan, ghép thận và ghép tế bào gốc cho trẻ em mắc các bệnh lý liên quan. Tính đến nay, Bệnh viện Nhi đồng 2 đã thực hiện 25 ca ghép gan, 13 ca ghép thận. (Sức khoẻ & Đời sống, trang 2).
TP Hồ Chí Minh: Nhiều phòng khám, thẩm mỹ viện vi phạm bị xử lý
Nhiều phòng khám tại TP Hồ Chí Minh vừa bị xử phạt hàng trăm triệu đồng, cùng với nhiều mức phạt bổ sung do bị phát hiện mắc hàng loạt sai phạm...
Ngày 25/5, Thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết vừa công bố danh sách 4 cơ sở và một cá nhân bị xử phạt vi phạm hành chính quy định về khám chữa bệnh (KCB) (từ ngày 9 đến 18/5).
Thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh phát hiện Công ty TNHH Viện thẩm mỹ quốc tế Amelia (số 1501 đường 3 Tháng 2, phường 16, quận 11) cung cấp dịch vụ thẩm mỹ tại cơ sở thẩm mỹ khi chưa đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật. Công ty này còn cung cấp dịch vụ KCB mà không có giấy phép hoạt động và kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Công ty TNHH Viện Thẩm mỹ quốc tế Amelia bị phạt 183,628 triệu đồng, bị đình chỉ hoạt động phun xăm cũng như hoạt động KCB của cơ sở trong thời hạn 18 tháng, đồng thời tịch thu tang vật vi phạm và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp.
Công ty Cổ phần Chiropractic (phòng khám chuyên khoa ngoại thuộc chấn thương chỉnh hình tại 56A Trần Quý Khoách, phường Tân Định, quận 1) cũng bị phạt 111 triệu đồng và bị tước giấy phép hoạt động 3 tháng, tước chứng chỉ hành nghề của người chịu trách nhiệm chuyên môn 2 tháng.
Lý do, người hành nghề tại phòng khám trên không đăng ký hành nghề KCB theo quy định pháp luật; ghi tên các khoa, phòng không đúng với hồ sơ giấy phép hoạt động đã được cơ quan có thẩm quyền cấp; quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt vượt thẩm quyền, sử dụng người hành nghề không có chứng chỉ hành nghề KCB…
Công ty TNHH thẩm mỹ quốc tế Trung Anh Cosmetic (phòng khám da liễu và thẩm mỹ tại 69-69A đường 3 Tháng 2, phường 11, quận 10) bị phạt 23 triệu đồng do không lập sổ KCB đầy đủ; không lập hồ sơ, bệnh án theo mẫu; người hành nghề chịu trách nhiệm chuyên môn không có mặt tại cơ sở. Đồng thời, Thanh tra đã tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề KCB của bà Hoàng Thị Minh Yên - người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật phòng khám trong thời 3 tháng.
Phòng khám đa khoa Văn Lang (233A Phan Văn Trị, phường 11, quận Bình Thạnh,) thuộc Công ty TNHH Văn Lang Healthcare (69/68 Đặng Thùy Trâm, phường 13, quận Bình Thạnh) bị xử phạt 8 triệu đồng do người hành nghề không đăng ký hành nghề KCB tại địa điểm kinh doanh Công ty TNHH Văn Lang Healthcare.
Trước đó, ngày 22/5, Thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cũng đã công bố danh sách xử phạt 4 cá nhân và một công ty vi phạm hành chính lĩnh vực dược phẩm, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế từ ngày 7/4 đến 22/5.
Ông Võ Trần Ngọc Quang (65/2 đường Đồng Tâm, ấp Trung Mỹ Tây, xã Trung Chánh, huyện Hóc Môn) bị xử phạt nặng nhất với 25 triệu đồng do mua bán thuốc không có chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược.
Ba cá nhân còn lại là bà Châu Thị Nhung (huyện Hóc Môn), bà Trần Thị Thúy Hằng (huyện Củ Chi), bà Phạm Thị Thanh Mỹ (quận 12) đều bị xử phạt 7,5 triệu đồng/người vì giả mạo một trong các giấy tờ hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề dược. (Công an Nhân dân, trang 5).