Tăng hiệu quả của tuyến dưới
Mô hình bệnh tật thay đổi, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng tăng nhưng năng lực y tế tuyến dưới chưa đáp ứng kịp thời, dẫn đến quá tải ở tuyến trên. Điều đó đòi hỏi những giải pháp, nâng cao năng lực, chất lượng nguồn nhân lực, đầu tư trang thiết bị, mô hình tổ chức... để giúp tuyến dưới hoạt động hiệu quả hơn.
Mạng lưới y tế cơ sở đang tồn tại nhiều khó khăn, bất cập cần được tháo gỡ. Trong đó, khó khăn lớn nhất là mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động, cơ chế chính sách và phát triển nguồn nhân lực. Đóng vai trò “người gác cổng” nhưng phần lớn trạm y tế tuyến xã mới chỉ làm được công tác y tế dự phòng, chưa thực hiện đầy đủ chức năng của tuyến cơ sở. Ngoài ra, trình độ nhân viên trạm y tế còn hạn chế, danh mục thuốc, kỹ thuật ít... khiến người dân chưa thật sự tin tưởng đến trạm y tế khi ốm đau và thường vượt tuyến trên để khám, chữa bệnh... Hệ thống y tế tại các vùng khó khăn thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị, đặc biệt yếu kém về nhân lực làm cho năng lực chăm sóc sức khỏe ban đầu hạn chế. Một số nghiên cứu cho thấy trang thiết bị y tế tại các bệnh viện huyện (theo danh mục đã được Bộ Y tế ban hành) nhiều nơi mới đạt từ 30 đến 50%, thậm chí có huyện chỉ đạt 20%; trình độ của nhân lực y tế chưa đủ để khai thác hết các tính năng trang thiết bị hiện có. Trong khi đó, các bệnh không lây nhiễm (tăng huyết áp, đái tháo đường, thừa cân, béo phì) và tai nạn thương tích nằm trong số những bệnh gia tăng nhanh chóng và dần trở thành phổ biến trong cộng đồng. Việc chẩn đoán, điều trị, quản lý các bệnh không lây nhiễm, bệnh mãn tính, chấn thương lại vượt quá năng lực của cán bộ trạm y tế xã.
Công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu có hiệu quả cần bảo đảm các yếu tố: tính toàn diện (từ tuyên truyền giáo dục sức khỏe đến cung cấp các dịch vụ phòng bệnh, điều trị, phục hồi chức năng, khám sức khỏe định kỳ và quản lý sức khỏe); tính lồng ghép (trong cung ứng dịch vụ y tế giữa các thầy thuốc của y tế cơ sở và giữa các tuyến điều trị); tính liên tục (có sự trao đổi thông tin giữa người bệnh và thầy thuốc, sự tiếp tục theo dõi điều trị sau khi được ra viện ở tuyến trên).
Nhằm nâng cao năng lực hệ thống y tế tuyến dưới, với sự tài trợ của Ngân hàng Thế giới và Liên hiệp châu Âu, Bộ Y tế triển khai dự án Giáo dục và Đào tạo nhân lực y tế phục vụ cải cách hệ thống y tế (HPET). Dự án tập trung vào các hoạt động: Cải thiện chất lượng giáo dục nhân lực y tế bậc đại học, cao đẳng thông qua đổi mới tiếp cận dạy và học dựa trên năng lực và cải thiện hệ thống; nâng cao năng lực quản lý y tế và quản lý, sử dụng nhân lực y tế; nâng cao hiệu quả hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu thông qua đào tạo, bổ sung các điều kiện và năng lực cần thiết, đồng bộ cho đội ngũ cán bộ huyện và xã. Đến nay, sau 5 năm triển khai, hầu hết các trường đại học, cao đẳng đã hoàn thiện các mô-đun tích hợp, lồng ghép dựa trên năng lực cho sinh viên năm thứ nhất và đã chính thức đưa vào giảng dạy chương trình mới từ năm 2018. Giảng viên các trường được nâng cao năng lực giảng dạy, tạo ra năng lực thực hành nghề nghiệp; chương trình đào tạo lồng ghép, bảo đảm năng lực thực hành nghề nghiệp của đội ngũ nhân lực sau khi ra trường… Đây được coi là một cuộc cách mạng trong đào tạo nhân lực y tế tại Việt Nam.
Do chất lượng đội ngũ tuyến dưới còn nhiều hạn chế cho nên dự án tập trung đào tạo, bổ sung các điều kiện và năng lực cần thiết. Các chương trình đào tạo được xây dựng dựa trên việc đánh giá nhu cầu thực tế, lấp khoảng trống trong kiến thức, thái độ và kỹ năng thực hành lâm sàng cho các cán bộ tuyến xã với cách tiếp cận theo nguyên lý y học gia đình (chăm sóc toàn diện, liên tục), hướng tới dự phòng cho cộng đồng. Năm chương trình đào tạo liên tục theo nguyên lý y học gia đình cho các đối tượng đang công tác tại trạm y tế xã (bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng, hộ sinh, cán bộ dược) đã được áp dụng. Theo đánh giá ban đầu, kiến thức và kỹ năng thực hành nghề nghiệp không những được tăng lên mà thái độ, hành vi trong công tác và ứng xử với người bệnh và sự phối hợp giữa các thành viên trong đội chăm sóc sức khỏe ban đầu tại trạm y tế xã cũng tăng lên rõ rệt.
Một giải pháp được Bộ Y tế triển khai đem lại hiệu quả thiết thực là dự án “Thí điểm bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn (ưu tiên 62 huyện nghèo)”. Hàng chục khóa bác sĩ chuyên khoa cấp một liên tục được tổ chức tại các trường đại học: Y Hà Nội, Y dược Huế, Y dược Hải Phòng cho gần 400 bác sĩ, thuộc 11 chuyên khoa (Nội, Ngoại, Sản, Nhi, Hồi sức cấp cứu, Gây mê hồi sức, Xét nghiệm, Chẩn đoán hình ảnh, Y học cổ truyền, Truyền nhiễm và Răng hàm mặt). Chương trình đào tạo dành riêng cho các bác sĩ này được thực hiện liên tục trong 24 tháng, theo hướng “cầm tay chỉ việc” chú trọng thực hành tay nghề (chiếm 70% đơn vị học trình). Kết thúc khóa học, có sự kiểm soát chặt chẽ kết quả đầu ra, bảo đảm có thể “độc lập tác chiến” ở vùng sâu, vùng xa, thực hiện tốt các kỹ thuật khám, chữa bệnh tại cơ sở y tế tuyến huyện. Theo khảo sát, đánh giá, bác sĩ sau khi tốt nghiệp lên các huyện vùng cao công tác đang phát huy rất tốt, có người thực hiện được 50 thậm chí 70 kỹ thuật, đảm nhận 50% đến 60% công việc chuyên môn. Đồng thời chuyển giao kỹ thuật và tham gia tập huấn, truyền đạt kiến thức, kỹ năng cho đồng nghiệp tại nơi về công tác, qua đó nhiều người bệnh được cứu sống hoặc không phải chuyển tuyến. (Nhân dân, trang 5)
Sự trở lại của căn bệnh bị “lãng quên”
Chỉ trong tháng 8 vừa qua, Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) đã tiếp nhận 12 ca mắc whitmore (hay còn gọi là bệnh melioidosis), trong đó có bốn trường hợp tử vong, nâng tổng số ca mắc bệnh này phải nhập viện từ đầu năm 2019 lên 20 người. Ngoài ra, tại một số bệnh viện cũng rải rác tiếp nhận điều trị cho người mắc bệnh whitmore. Whitmore là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây nên, có tỷ lệ gây chết người cao nếu người bệnh không được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời. Do số lượng người mắc tăng cao so với những năm trước và bệnh cảnh lâm sàng đa dạng, các cơ quan chuyên môn đã đưa ra cảnh báo nguy cơ quay trở lại của căn bệnh đã được phát hiện từ những năm 50 của thế kỷ trước và xếp vào bệnh truyền nhiễm nguy hiểm bị “lãng quên”.
Whitmore gây tổn thương nhiều cơ quan từ da đến phổi, thận, gan… nhất là đối với những người mắc các bệnh phổi, tim, thận mãn tính thì bệnh dễ làm suy đa tạng, sốc và dẫn tới tử vong. Đáng chú ý, khi điều trị, các bác sĩ phải chỉ định kháng sinh liều cao kết hợp hội chẩn liên chuyên khoa. Thế nhưng thực tế hiện nay, nhiều bác sĩ, nhất là bác sĩ ở tuyến dưới chẩn đoán nhầm là bệnh nhiễm trùng huyết do tụ cầu hay lao phổi... Do vậy, theo các chuyên gia đầu ngành về căn bệnh này thì ở thời điểm hiện tại, với những người bệnh có biểu hiện sốt nhiễm trùng nhưng áp xe nhiều nơi, người bị gan, thận, tiểu đường… phải nghĩ đến whitmore để điều trị đúng cách. Mặt khác, các cơ quan chuyên môn cần tập huấn cho các nhà vi sinh ở các tuyến vì họ chưa chẩn đoán xác định được loại vi khuẩn gây bệnh.
Mặc dù không gây thành dịch, không lây từ người sang người, chưa có vắc-xin và phương pháp phòng bệnh đặc hiệu, các chuyên gia đã khuyến cáo người dân biện pháp dự phòng cơ bản nhất vẫn là che chắn tốt đường hô hấp trong môi trường khói bụi; tăng cường hơn nữa các phương tiện bảo hộ lao động đối với những người làm việc, tiếp xúc nhiều với môi trường đất và nước, cũng như trong sinh hoạt, nếu có trầy xước ngoài da cần điều trị sớm và triệt để sẽ tránh được nguy cơ vi khuẩn trong đất xâm nhập cơ thể qua các vết thương. Ngoài ra, khi phát hiện thấy có những dấu hiệu như sốt cao, mệt mỏi, nổi mụn mủ bất thường… cần nhanh chóng đến cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám, xét nghiệm. (Nhân dân, trang 5)
Chữa ung thư, người bệnh bảo hiểm y tế được quyền vượt tuyến
Theo hướng dẫn mới nhất, tại Hà Nội, người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) khi mắc các bệnh nhiễm trùng và ký sinh trùng, ung thư, bệnh về máu, miễn dịch, nội tiết dinh dưỡng chuyển hóa, thai sản... có quyền được chuyển thẳng lên cơ sở khám chữa bệnh tuyến 1.
Liên ngành Sở Y tế - Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP Hà Nội vừa ban hành hướng dẫn số 3968/HD-YT-BHXH về việc chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh BHYT trên địa bàn thành phố.
Theo hướng dẫn mới này, người có thẻ BHYT được chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh theo quy định tại Nghị định số 146/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT, Thông tư số 14/2014/TT-BYT và Thông tư số 40/2015/TT-BYT của Bộ Y tế.
Cụ thể, có 3 hình thức chuyển tuyến, gồm: Chuyển người bệnh từ tuyến dưới lên tuyến trên; chuyển người bệnh từ tuyến trên về tuyến dưới; chuyển người bệnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong cùng tuyến. Với chuyển người bệnh từ tuyến dưới lên tuyến trên được thực hiện theo trình tự: tuyến 4 chuyển lên tuyến 3, tuyến 3 chuyển lên tuyến 2, tuyến 2 chuyển lên tuyến 1.
Trong đó, tuyến 4 là những người đăng ký khám chữa bệnh BHYT tại xã, phường, thị trấn và tương đươn; tuyến 3 tuyến khám chữa bệnh tại cơ sở y tế huyện, quận, thị xã và tương đương; tuyến 2 là tuyến tỉnh và tương đương; tuyến 1 là tuyến trung ương và tương đương.
Đối với trường hợp cấp cứu, người tham gia BHYT được đến khám bệnh, chữa bệnh tại bất kỳ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nào và phải xuất trình các giấy tờ theo quy định trước khi ra viện. Đáng chú ý, tại hướng dẫn mới này chỉ rõ một số trường hợp người bệnh BHYT sẽ được chuyển thẳng lên tuyến trên mà vẫn được coi là đúng tuyến. Cụ thể, nếu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến trên liền kề không có dịch vụ kỹ thuật phù hợp thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến dưới được chuyển lên tuyến cao hơn.
Cùng đó, người tham gia BHYT đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại cơ sở khám chữa bệnh tuyến 3 hoặc cơ sờ khám chữa bệnh tuyến 4 khi mắc các bệnh nhiễm trùng và ký sinh trùng, ung thư các loại, bệnh về máu, miễn dịch, nội tiết dinh dưỡng chuyển hóa, thai sản, hệ tuần hoàn, hô hấp... được chuyển thẳng lên cơ sở khám chữa bệnh tuyến 1 hoặc cơ sở khám chữa bệnh tuyến 2 là cơ sở y tế đủ điều kiện để chẩn đoán và điều trị bệnh. (An ninh Thủ đô, trang 2)
Mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống bệnh dại
Ngày 25-9, Sở Y tế Hà Nội phối hợp với UBND huyện Hoài Đức tổ chức lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống bệnh dại (28-9) năm 2019.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hằng năm thế giới có 50-70 nghìn người tử vong do bệnh dại và trên 10 triệu người phải điều trị dự phòng bằng vắc xin dại. Tại Việt Nam, bệnh dại lưu hành trong nhiều năm và hiện nay số tử vong do dại vẫn ghi nhận ở mức cao với khoảng 100 trường hợp/năm.
Riêng tại Hà Nội, từ năm 2015-2018 toàn thành phố có 8 trường hợp tử vong do bệnh dại. Trong 9 tháng đầu năm 2019 chưa ghi nhận ca bệnh dại. Qua điều tra dịch tễ, tất cả các trường hợp tử vong đều bị chó cắn mà không đi tiêm vắc xin phòng bệnh dại hoặc tiêm muộn.
Đề cập về hoạt động phòng, chống bệnh dại trên động vật, ông Nguyễn Văn Huy, đại diện Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Hoài Đức cho rằng, nguyên nhân vẫn còn bệnh dại chủ yếu do công tác phòng, chống dại còn nhiều khó khăn. Tỷ lệ tiêm vắc xin phòng dại trên người và động vật còn thấp. Nhiều trường hợp tử vong vô cùng đáng tiếc do người dân chủ quan không tiêm phòng vắc xin dại khi bị chó, mèo bị bệnh cắn hoặc điều trị bằng các biện pháp chưa được phê duyệt.
Còn theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, dại là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút dại gây nên. Khi đã lên cơn dại, 100% bệnh nhân đều tử vong. Để tăng cường phòng, chống bệnh dại cần tăng cường công tác kiểm soát và duy trì tỷ lệ tiêm phòng vắc xin cho chó, mèo đạt trên 90% tổng đàn. Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền về phòng, chống bệnh dại cho cộng đồng. Khi bị chó, mèo nghi dại cắn, người dân cần đến ngay các cơ sở y tế để khám và được tư vấn, tuyệt đối không sử dụng thuốc nam chữa bệnh dại. (Hà Nội mới, trang 5)
Cùng chủ đề Báo Nhân dân, trang 5: “Nâng cao nhận thức của người dân về phòng, chống bệnh dại”
Trích kết dư Quỹ Bảo hiểm y tế chăm lo sức khỏe cho người nghèo
UBND TPHCM vừa có quyết định trích 30%, tương đương hơn 25 tỷ đồng trong kết dư Quỹ Bảo hiểm y tế năm 2017 để mua thẻ Bảo hiểm y tế cho các hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn. Cụ thể: mua 111.707 thẻ Bảo hiểm y tế cho các hộ nghèo nhóm 3a (có thu nhập bình quân trên 21 triệu đồng/người/năm đến 28 triệu đồng/người/năm) và hộ cận nghèo trên địa bàn TP.
Bên cạnh đó, với số tiền còn lại là hơn 41,9 tỷ đồng còn lại của kết dư Quỹ Bảo hiểm y tế được quyết định sử dụng để mua sắm trang thiết bị y tế, phục vụ công tác khám chữa bệnh tại các bệnh viện gồm: Bệnh viện Nhi Đồng 1, Bệnh viện Nhi Đồng 2, Bệnh viện Nhân Dân 115, Bệnh viện Trưng Vương và Bệnh viện Nguyễn Tri Phương.
Trước đó, tại cuộc họp giữa Thường trực UBND TP và các đơn vị liên quan, thông tin cho biết, năm 2017, kết dư Quỹ Bảo hiểm y tế của TPHCM là 335,5 tỷ đồng, trong đó TP được giữ lại 20%, tương đương hơn 67 tỷ đồng. Theo quy định, toàn bộ số tiền kết dư này phải được sử dụng trước ngày 29-12-2019, phần kinh phí chưa sử dụng hoặc không sử dụng hết phải thu hồi và chuyển về cơ quan Bảo hiểm Xã hội Việt Nam để nộp vào quỹ dự phòng. (Sài Gòn giải phóng, trang 6)
Bộ trưởng Bộ Y tế tham dự phiên họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc
Từ ngày 23-26/9/2019, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế, Trưởng ban Bảo vệ chăm sóc sức khoẻ Trung ương dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự phiên họp toàn thể cuộc họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc về bao phủ chăm sóc sức khoẻ toàn dân tại New York (Mỹ), đồng thời thăm và làm việc tại Đại học Harvard.
Cùng xây dựng một thế giới khỏe mạnh hơn
Ngày 23/9/2019, tại trụ sở LHQ ở New York, Mỹ, Bộ trưởng Bộ Y tế, Trưởng ban Bảo vệ chăm sóc sức khoẻ Trung ương, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến dự phiên họp toàn thể Cuộc họp Đại hội đồng LHQ về bao phủ chăm sóc sức khoẻ toàn dân (UHC). Với chủ đề "Cùng xây dựng một thế giới khỏe mạnh hơn", Hội nghị đã thu hút sự tham dự của nhiều nguyên thủ quốc gia, nhiều nhà hoạch định chính sách cũng như nhiều lãnh đạo cấp cao trong lĩnh vực y tế của các nước.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có bài phát biểu tại Hội nghị, trong đó nêu rõ Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc củng cố hệ thống y tế cơ sở để cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu tốt hơn cho người dân, đảm bảo để người dân được thụ hưởng các chương trình chăm sóc sức khỏe do ngân sách nhà nước và bảo hiểm y tế chi trả. Hệ thống y tế cơ sở được thiết lập từ Trung ương đến địa phương với hơn 11.000 trạm y tế xã. Hầu hết các trạm y tế xã đều có bác sĩ, y tá, nữ hộ sinh, cán bộ y học cổ truyền và hoạt động dựa trên nguyên lý y học gia đình.
Theo báo cáo giám sát tình hình chăm sóc sức khỏe toàn dân năm 2017 do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Ngân hàng Thế giới (WB) tiến hành, chỉ số bao phủ dịch vụ y tế của Việt Nam đạt 73/100 điểm, có thể coi là khá cao so với mức chung trong vùng Đông Nam Á là 59/100 và toàn cầu là 64/100. Chương trình bảo hiểm y tế hiện đạt 90% dân số tham gia bảo hiểm và chính phủ trợ cấp 100% phí bảo hiểm y tế cho những đối tượng dễ bị tổn thương, người có hoàn cảnh khó khăn và trợ cấp 70% cho người nghèo..
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, nhận thức được tầm quan trọng của quy trình chăm sóc sức khỏe ban đầu, Việt Nam đã thực hiện 10 chính sách cải tổ ngành Y tế Việt Nam nhằm củng cố hiệu quả của hệ thống y tế, nhất là cải thiện khả năng chuyên môn của hệ thống y tế cơ sở để có thể chăm sóc sức khỏe cho cả người ốm và người khỏe mạnh. Tuy nhiên hiện nay khó khăn lớn nhất đối với ngành Y tế Việt Nam là tìm ra cơ chế tài chính phù hợp đối với công tác chăm sóc sức khỏe toàn dân ở tuyến cơ sở, bởi hiện các nguồn lực vẫn tập trung vào các dịch vụ chữa bệnh là chủ yếu trong khi ngân sách dành cho các dịch vụ y tế cơ sở và y tế phòng ngừa còn rất hạn chế.
Việt Nam phấn đấu để mọi người dân đều có thể tiếp cận với các dịch vụ y tế
Bên lề cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cùng các đại biểu từ Diễn đàn kinh thế thế giới và Đại học Harvard đồng tổ chức cuộc họp về đầu tư và kết hợp công tư trong chăm sóc sức khoẻ ban đầu nhằm đạt được các mục tiêu thiên niên kỷ vào năm 2030,
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, Việt Nam đã đạt những thành quả ấn tượng về sức khỏe cho người dân. Việt Nam hoàn thành gần như tất cả các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ và đang trên con đường tiến tới đạt các Mục tiêu Phát triển Bền vững. Chính phủ Việt Nam ưu tiên và đầu tư vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, giúp Việt Nam đạt được các thành tựu phát triển kinh tế xã hội đáng kể, đưa Việt Nam lên thành nước có thu nhập trung bình thấp.
Hiện Việt Nam đã áp dụng hầu hết các kỹ thuật y tế hiện đại nhất hiện nay, các phác đồ mới phù hợp cho chữa lao, lao kháng thuốc với cách tiếp cận rất sáng tạo. Chiến lược 2X (Xquang cho sàng lọc và Xpert cho khẳng định chẩn đoán) đã có lộ trình triển khai và kế hoạch chuyển đổi sử dụng toàn bộ kỹ thuật sinh học phân tử như Xpert thay thế cho kính hiển vi đã nằm trong kế hoạch của Việt Nam.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, nghiên cứu của Việt Nam cho thấy, trong thời gian 4 năm, việc phát hiện chủ động bằng Xpert có thể làm giảm bệnh lao đến 46% so với cách làm thường quy hiện nay. Từ kết quả nghiên cứu, Chương trình chống lao quốc gia đã triển khai chiến lược "2X" (Xquang -Xpert) vào phát hiện chủ động đạt hiệu quả cao gấp 7 lần so với phát hiện thụ động hiện nay. Kết quả này đã truyền cảm hứng cho cộng đồng chống lao toàn thế giới. Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam một lần nữa khẳng định cam kết trước cộng đồng quốc tế trong việc chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam năm 2030.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có các cuộc gặp song phương với Bộ trưởng Y tế Đan Mạch và Bộ trưởng Y tế Ireland về hợp tác y tế song phương. (Gia đình & Xã hội, trang 2)
Bộ Y tế thí điểm 6 thủ tục mới trên Cơ chế một cửa quốc gia
Từ 1/10 tới, 6 thủ tục hành chính mới của Bộ Y tế liên quan đến an toàn thực phẩm, môi trường y tế sẽ được thí điểm thực hiện trên Cơ chế một cửa quốc gia (NSW).
Trong đó, 2 thủ tục thuộc Cục An toàn thực phẩm chủ trì gồm: Kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nhập khẩu theo phương thức kiểm tra thông thường; kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nhập khẩu theo phương thức kiểm tra chặt.
Bốn thủ tục thuộc Cục Quản lý môi trường y tế chủ trì gồm: Cấp phép nhập khẩu chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế nhập khẩu để nghiên cứu; cấp phép nhập khẩu chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế nhập khẩu phục vụ mục đích viện trợ... (Nông thôn ngày nay, trang 3)
Cứu sống bệnh nhân bị u màng tim “khủng”
Chiều 25-9, BSCK2 Phạm Thanh Phong, Phó Giám đốc BV, Giám đốc Trung tâm tim mạch BVĐKTƯ Cần Thơ cho biết, ê kíp phẫu thuật tim của BV, do Ths-BS Lâm Việt Triều, Trưởng khoa phẫu thuật tim (phẫu thuật viên chính), vừa phẫu thành công một trường hợp nang màng tim rất lớn và hiếm gặp.
Theo đó, bệnh nhân Phan Đình Xuân (SN 1962, ngụ Bạc Liêu) bị đau ngực trái âm ỉ kéo dài, uống thuốc không giảm, gần một tháng nay khó thở phải ngồi mức độ ngày càng tăng nên vào bệnh viện địa phương khám phát hiện nang màng ngoài tim, sau đó chuyển đến BVĐKTƯ Cần Thơ.
Tại đây, sau khi khám lâm sàng kết hợp chụp MSCT lồng ngực cho thấy, bệnh nhân bị một khối nang màng ngoài tim kích thước rất lớn (40x70mm) nằm cạnh động mạch chủ ngực lên, chèn ép vào tâm nhĩ phải nên chỉ định phẫu thuật. Ê kíp phẫu thuật tim tiến hành phẫu thuật lúc 9h30 ngày 25-9. Các BS ghi nhận có khối nang kích thước 40x70mm nằm cạnh động mạch chủ ngực lên, chèn vào nhỉ phải; bộc lộ cuống nang nằm sát trên động mạch phổi phải. Các BS đã kẹp, khâu cột cuống nang, lấy trọn khối nang ra ngoài; đặt ống dẫn lưu màng phổi phải và dẫn lưu màng tim. Tiến hành xẻ khối nang ghi nhận chứa dịch đặc sẫm màu bên trong, gửi khối nang làm giải phẫu bệnh.
Chiều cùng ngày, bệnh nhân đã rút nội khí quản, tỉnh, tiếp xúc tốt, hết khó thở và tiếp tục được theo dõi tại khu hậu phẩu mổ tim. Theo Ths-BS Lâm Việt Triều - Trưởng khoa phẫu thuật tim, nang màng tim là bệnh lý rất hiếm gặp với tỷ lệ 1/100.000 trong quần thể dân số và hầu hết phát hiện tình cờ hoặc khi có biến chứng. Tỷ lệ nam nữ tương đương.
“Đa số nang màng tim có nguyên nhân do bẩm sinh, thường gặp từ 30-40 tuổi trở lên và không biểu hiện triệu chứng gì (khoảng 75% các trường hợp), chỉ gây triệu chứng khi khối nang to dần lên, chèn ép các cơ quan lân cận. Vì vậy, các bệnh nhân nên đi khám sức khỏe định kỳ và khi có triệu chứng như khó thở, nặng ngực nên đi khám BS chuyên khoa để được thăm khám và tư vấn đúng, kịp thời”, BS Triều khuyến cáo. (Công an Nhân dân, trang 7).