Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 27/1/2022

  • |
T5g.org.vn - Thần tốc tiêm vắc-xin để mở cửa an toàn; Trường hợp mắc biến thể Omicron ngoài cộng đồng ở Hà Nội đã khỏi bệnh; Chúc tết 1.500 y, bác sĩ và tình nguyện viên hỗ trợ F0; TP.HCM: Hơn 1.000 phản ánh liên quan đến lĩnh vực thẩm mỹ…

 

Thần tốc tiêm vắc-xin để mở cửa an toàn

Kết quả tiêm vắc-xin phòng Covid-19 trong thời gian qua đã đưa Việt Nam nằm trong nhóm đạt tỷ lệ tiêm chủng cao trên thế giới và độ bao phủ miễn dịch cộng đồng lớn. Đây là điều kiện quan trọng để từng bước mở cửa an toàn, giúp cuộc sống của người dân dần trở lại trạng thái bình thường, trẻ em được đến trường…

Thống kê trên Hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 thì tuy số ca nhiễm mới vẫn còn khá cao nhưng số ca chuyển nặng, ca tử vong do Covid-19 đang giảm dần. Nhiều địa phương là tâm dịch trước đây như thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… tỷ lệ mắc, chuyển nặng, tử vong giảm xuống thấp. Có được kết quả đó là nhờ “vũ khí” vắc-xin đóng vai trò rất quan trọng... Từ kinh nghiệm của thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, nhờ những nỗ lực phủ vắc-xin, thành phố từng bước mở cửa an toàn.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong cuộc chiến phòng, chống dịch ở nước ta, xác định vai trò quan trọng của vắc- xin, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã đặc biệt quan tâm và tập trung chỉ đạo mua, nhập khẩu, thực hiện ngoại giao vắc-xin và tổ chức tiêm cho người dân nhanh nhất, nhiều nhất có thể… Vắc-xin phòng Covid-19 được tiêm miễn phí cho tất cả mọi người dân, kể cả người nước ngoài sinh sống, cư trú, làm việc tại Việt Nam. Chính phủ đã thành lập Quỹ vắc-xin, tổ công tác về ngoại giao vắc-xin với nhiệm vụ xúc tiến, vận động viện trợ vắc-xin, thuốc điều trị và vật tư y tế cho phòng, chống dịch Covid-19... Đến nay, tổng số vắc-xin phòng Covid-19 đã tiếp nhận 209,6 triệu liều, trong đó nguồn viện trợ, tài trợ từ các nước, tổ chức quốc tế chiếm khoảng 50%. Việc phân bổ vắc-xin được thực hiện linh hoạt, ưu tiên địa bàn trọng điểm, những nơi đang có dịch bùng phát mạnh, nguy cơ bùng phát cao, khu công nghiệp, giao thông huyết mạch...; ưu tiên tiêm cho các đối tượng người già, người có nguy cơ cao, mở rộng chỉ định tiêm cho một số đối tượng như phụ nữ mang thai, trẻ em…

Nhờ triển khai chiến lược tiêm quy mô toàn quốc, trong thời gian ngắn, tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng Covid-19 của Việt Nam gia tăng nhanh chóng. Việt Nam đã đạt hơn 70% số dân được tiêm đủ liều cơ bản, so với mục tiêu mà Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo, nước ta đã về đích trước sáu tháng. Việc tiêm phủ mũi 3 cũng dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối quý I/2022. Đến nay, cả nước đã tiêm được hơn 177 triệu liều, trong đó tiêm mũi 1 là gần 79 triệu liều, tiêm mũi 2 là gần 74 triệu liều, tiêm mũi 3 là hơn 24 triệu liều. Có 48 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ vắc-xin phòng Covid-19 mũi 2 hơn 90%; 15 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ mũi 2 từ 79% đến dưới 90%.

Thành công trong chiến dịch tiêm phủ vắc-xin phòng Covid-19 không chỉ góp phần bảo vệ sức khoẻ của nhân dân trong đại dịch mà còn làm cho cả nước “thích ứng an toàn, linh hoạt và phòng, chống dịch hiệu quả” song song với phát triển kinh tế- xã hội. Thời gian qua, Bộ Y tế liên tục có văn bản đề nghị các địa phương đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, tiêm vét các trường hợp thuộc đối tượng tiêm, “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, rà soát các trường hợp người hơn 50 tuổi, có bệnh nền để tiêm hết nhằm bảo vệ nhóm nguy cơ cao này trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh và biến chủng Omicron đang ngày một lan rộng: Đồng thời, tăng cường công tác tiêm chủng để hoàn thành tiêm mũi 3 trong quý I/2022; khẩn trương tiêm đủ liều vắc-xin cho các đối tượng từ 12 tuổi trở lên; chuẩn bị các điều kiện để chuẩn bị tiêm cho nhóm trẻ nhỏ tuổi hơn…, rà soát không để bỏ sót đối tượng chưa được tiêm chủng và đối tượng chưa được tiêm đủ liều vắc-xin; sau khi rà soát, khẩn trương tiêm đủ liều cho các đối tượng từ 12 tuổi trở lên; bảo đảm an toàn trong tiêm chủng.

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2022 của ngành y tế, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phát động chiến dịch tiêm chủng vắc-xin mùa xuân, từ ngày 1/2 đến 28/2. Người đứng đầu Chính phủ đề nghị ngành y tế và các địa phương thực hiện tiêm vắc-xin

phòng Covid-19 xuyên Tết Nguyên đán Nhâm Dần với tinh thần vừa nghỉ Tết, vừa đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng, nhưng phải khoa học, an toàn, hiệu quả. Đặc biệt, các địa phương cần tập trung thần tốc, thần tốc hơn nữa trong tiêm vắc-xin để có cơ sở mở cửa an toàn. Nếu không hoàn thành mục tiêu tiêm chủng đề ra thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố phải chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, nhân dân; còn thiếu vắc-xin là trách nhiệm của Bộ trưởng Y tế.

Bộ Y tế đề nghị các địa phương hoàn thành tiêm đủ liều cơ bản cho người từ 12 tuổi trở lên trong tháng 1/2022 và liều bổ sung, liều nhắc lại cho người từ 18 tuổi trở lên theo Công văn 10722/BYT-DP ngày 17/12/2021 về tiêm vắc-xin phòng Covid -19 liều cơ bản và liều nhắc lại trong quý I/2022; rà soát không để bỏ sót đối tượng chưa được tiêm chủng và đối tượng chưa được tiêm đủ liều vắc-xin; sau khi rà soát, khẩn trương tiêm đủ liều cho các đối tượng từ 12 tuổi trở lên; bảo đảm an toàn trong tiêm chủng.

Nhằm triển khai chiến dịch hiệu quả, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật thành phố Hồ Chí Minh đã kêu gọi những người chưa tiêm mũi 3 vắc-xin phòng Covid-19 sớm đến các điểm tiêm nơi cư trú. Hoạt động tiêm vắc-xin liều bổ sung và nhắc lại vẫn đang tiếp tục diễn ra ở 22 quận, huyện và thành phố Thủ Đức. Những người dân chưa tiêm liều bổ sung và nhắc lại chỉ cần đến trực tiếp điểm tiêm và đăng ký, dù không có tên trong danh sách tiêm chủng vẫn được tiếp nhận. Vắc-xin là giải pháp bảo vệ tốt nhất chống lại diễn tiến nặng của bệnh và giảm tử vong do các biến thể khác của vi-rút SARS-CoV-2 đang lưu hành, trong đó có cả biến thể Omicron. Việc tiêm đủ liều vắc-xin cho dù đã bị nhiễm Covid-19 hay chưa là cách tốt nhất để bảo vệ cơ thể không bị bệnh nặng, không phải nhập viện và giảm nguy cơ tử vong.

Lãnh đạo thành phố Hà Nội cũng đã có yêu cầu các đơn vị liên quan và chính quyền các quận, huyện rà soát, thống kê, lập phương án các trường hợp trong độ tuổi nhưng chưa được tiêm chủng, người từ chối tiêm trên địa bàn; tổ chức các điểm tiêm cố định, lưu động, thực hiện chiến dịch cao điểm tiêm chủng xuyên Tết Nguyên đán từ ngày 1 đến 28/2. Bên cạnh việc đến tận nhà tiêm cho người có nguy cơ cao không thể đến các điểm tiêm chủng, cũng cần rà soát tiêm đủ liều vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 12 tuổi trở lên để không bỏ sót, chuẩn bị cho học sinh đến trường an toàn...( Nhân dân, trang 1)

 

Chúc tết 1.500 y, bác sĩ và tình nguyện viên hỗ trợ F0

T.Ư Đoàn, T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam chúc tết, tặng quà mạng lưới Thầy thuốc đồng hành Hà Nội. Họ là những y bác sĩ, đã có một hành trình tình nguyện chưa từng có.

Ngày 26.1, nhân dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, T.Ư Đoàn, T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam phối hợp với Thành đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP.Hà Nội tổ chức chương trình chúc tết mạng lưới Thầy thuốc đồng hành khu vực Hà Nội.

Chương trình có sự tham dự của anh Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn; anh Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam.

Tại buổi chúc tết, ban tổ chức đã trao bằng khen của T.Ư Đoàn cho 33 thành viên ban điều hành mạng lưới Thầy thuốc đồng hành khu vực Hà Nội vì đã có thành tích xuất sắc trong hoạt động phòng, chống dịch bệnh Covid-19; tặng 1.500 phần quà cho y bác sĩ, tình nguyện viên mạng lưới Thầy thuốc đồng hành khu vực Hà Nội, trị giá gần 1 tỉ đồng.

Ban tổ chức cho biết, mạng lưới Thầy thuốc đồng hành được điều phối bởi Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam và Tổ Thông tin đáp ứng nhanh phòng, chống dịch Covid-19 (thường trực là Bộ KH-CN).

Mạng lưới có chức năng lấy dữ liệu F0 trực tiếp từ CDC các tỉnh và có nhiệm vụ chính là hỗ trợ y tế địa phương trong việc sàng lọc, tư vấn sức khỏe cho bệnh nhân nhiễm Covid-19, hỗ trợ cấp cứu và giảm tử vong đối với F0 điều trị tại nhà.

Mạng lưới sử dụng nền tảng công nghệ tiên tiến nhất, huy động rộng rãi sự tham gia của các y bác sĩ và tình nguyện viên trên cả nước, hỗ trợ các điểm nóng về dịch trên cả nước. Hiện nay, mạng lưới Thầy thuốc đồng hành đang được triển khai tại Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương, Cần Thơ và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Nhiều thành viên bác sĩ quản lý đã tham gia mạng lưới từ tháng 7.2021, vượt mọi khó khăn dành thời gian chăm sóc bệnh nhân nhiễm Covid-19 trên cả nước, cùng tổ chức Đoàn, Hội thực hiện một hành trình tình nguyện lịch sử chưa từng có, là những tấm gương sáng chói của tinh thần tình nguyện, tinh thần thanh niên, tinh thần thầy thuốc trẻ Việt Nam. (Thanh niên, trang 4)

 

TP.HCM: Hơn 1.000 phản ánh liên quan đến lĩnh vực thẩm mỹ

Ngày 26.1, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM cho biết, trong năm 2021, Sở Y tế và các cơ quan chức năng liên quan kiểm tra 94 tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực thẩm mỹ; nhận được hơn 1.000 phản ánh liên quan đến lĩnh vực này.

Ngày 26.1, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM cho biết, trong năm 2021, Sở Y tế và các cơ quan chức năng liên quan kiểm tra 94 tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực thẩm mỹ; nhận được hơn 1.000 phản ánh liên quan đến lĩnh vực này.

Trong số này, có 59 tổ chức, cá nhân bị xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền gần 2,5 tỉ đồng. Đáng chú ý là phát hiện 6 bác sĩ chính quy hoạt động không phép.

Nhiều chiêu lách luật

Các sai phạm chủ yếu của những cơ sở hoạt động dịch vụ thẩm mỹ “chui” là không có hồ sơ pháp lý, như: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh; chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh; giấy phép hoạt động khám, chữa bệnh; hồ sơ xác nhận nội dung quảng cáo các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. Đa phần các cơ sở thuê mặt bằng nên khi bị kiểm tra, các cơ sở này trả mặt bằng và bỏ trốn; hoặc lách luật bằng cách đổi tên, đổi tư cách pháp nhân để tiếp tục hoạt động.

Về hình thức, các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ “chui” hoạt động không bảng hiệu, lén lút, đối phó hoặc ở căn hộ tại các khu chung cư, ít người chú ý; hoặc trá hình dưới hình thức các cơ sở làm đẹp (spa, chăm sóc da, dịch vụ chăm sóc da mặt, cắt tóc gội đầu, dịch vụ thẩm mỹ không phép...).

Các kỹ thuật khám, chữa bệnh mà cơ sở thẩm mỹ “chui” thực hiện liên quan đến lĩnh vực phẫu thuật thẩm mỹ, da liễu trên vùng mặt, vùng bụng (như điều trị mụn, tiêm botox, tắm trắng da, căng da mặt, hút mỡ bụng, cắt mí mắt… cho khách hàng).

Xử phạt hành chính cơ sở thẩm mỹ “chui” do báo Thanh Niên phản ánh

“Năm 2021, Sở Y tế nhận được 1.044 tin nhắn từ ứng dụng “y tế trực tuyến” liên quan đến các cơ sở thẩm mỹ và 29 đơn thư phản ánh của người dân liên quan đến các cơ sở thẩm mỹ. Ngoài ra, thông tin từ tiếp nhận sự cố từ Bệnh viện Da liễu, Bệnh viện Nhân dân 115, Công an TP.HCM là 36 vụ. Sở Y tế chuyển công an 19 vụ việc (15 vụ còn đang thụ lý, 4 vụ chuyển trả lại Thanh tra Sở Y tế)”, Thanh tra Sở Y tế thông tin.

Liên quan đến cơ sở thẩm mỹ “chui” mà Báo Thanh Niên phản ánh trong loạt bài Thẩm mỹ cấp tốc đăng các ngày 24, 25, 26.1 đã được cơ quan chức năng kiểm tra, hôm qua 26.1, Công an P.26, Q.Bình Thạnh đã lập biên bản xử phạt hành chính đối với bà Mai Thị Minh Trang (ngụ chung cư Richmond, P.26, Q.Bình Thạnh) với số tiền 750.000 đồng. Theo biên bản xử phạt hành chính, khi cơ quan công an kiểm tra căn hộ 19-G6, tầng 19 chung cư Richmond do bà Trang ở, có thêm 5 nhân khẩu nhưng không thực hiện thông báo lưu trú với cơ quan công an. (Thanh niên, trang 5)

 

Xuân yêu thương đến với bệnh nhi ung thư

Những ngày cận Tết, chương trình "Ước mơ của Thúy" của báo Tuổi Trẻ đã phối hợp cùng Đoàn thanh niên các bệnh viện trao quà và lì xì cho 900 bệnh nhi ung thư đang điều trị tại 11 bệnh viện ở 4 khu vực TP.HCM, Đà Nẵng, Huế và Hà Nội.

Tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, chương trình năm nay diễn ra ấm cúng qua từng lời hỏi thăm, động viên của các bạn trẻ đến từ Đoàn bệnh viện và Liên chi đoàn báo Tuổi Trẻ.

Gõ cửa từng phòng bệnh

Mấy hôm nay, dọc đường dẫn vào khu điều trị nội trú của bệnh nhi ung thư tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM đã được trang trí những cành mai, đào rực rỡ báo hiệu xuân đã về, Tết đến thật gần. Nhưng tại khu bệnh nhi nằm ở lầu 3, nhiều bạn nhỏ sẽ không về quê vui Tết vì phải nằm lại bệnh viện để vô thuốc điều trị.

Bé Huỳnh Ngọc Thùy quê ở Sóc Trăng. Cách đây hơn bốn năm, Thùy phát bệnh vào dịp cận Tết và năm đó hai cha con phải đón cái Tết đầu tiên trong bệnh viện. Và cứ thế bốn năm qua, hai cha con Thùy đều trải qua những ngày Tết trong này.

"Nhìn xuống dưới sân đã thấy hoa mai, hoa đào mà lòng tôi không thấy có gì vui, chỉ mong một điều duy nhất là con tôi khỏi bệnh trở về nhà. Lúc đó thì dù có khổ cỡ nào tôi vẫn thấy vui sướng" - anh Huỳnh Văn Chiện, ba của Thùy, cho hay.

Mẹ của Thùy ở quê đi làm kiếm thu nhập và chăm lo cho anh trai Thùy đang học lớp 12, lâu lâu tranh thủ mới lên thăm Thùy được. "Vốn liếng dành dụm của vợ chồng đều đã cạn kiệt, mà nợ nần cũng chất chồng theo căn bệnh ung thư máu. Mấy năm qua, nhờ chương trình "Ươc mơ của Thúy" của báo Tuổi Trẻ nên cha con có quà bánh mứt, có tiền lì xì và còn có bữa cơm đầu năm để mọi người trò chuyện" - anh Chiện bộc bạch.

Nụ cười của con là Tết

Cũng sẽ ở lại bệnh viện dịp Tết này, bé Lê Võ Tuyết Đan (quê Bình Định, đã ba năm chiến đấu với căn bệnh ung thư máu) cười tươi khi nhận quà và phong bao lì xì. Trái lại, anh Lê Bá Đạt - ba của Tuyết Đan - không giấu được nỗi buồn. Mỗi lần con khỏe, được ra viện là anh mừng rơn. Lần này bệnh của bé tái phát ngay dịp cuối năm, hai cha con khăn gói từ quê trở lại bệnh viện cho con kiểm tra, ai ngờ bác sĩ chỉ định nhập viện để điều trị tiếp tục.

"Niềm ao ước duy nhất của tôi khi mùa xuân về chính là con tôi hết bệnh, nhìn nụ cười của con là thấy ngày nào cũng như Tết" - anh Đạt chia sẻ.

Còn Tống Mỹ Anh (11 tuổi) cũng là bệnh nhi mà nhiều y bác sĩ nơi đây quen mặt, bởi 8 năm qua bé ra vào nơi này hầu như nhiều hơn ở nhà. Tuổi lên ba, bé không may mắc bệnh u não. Sau ca phẫu thuật, Mỹ Anh phải nằm viện điều trị dài ngày. Và chuỗi ngày ra viện, tái khám và điều trị diễn ra triền miên khi căn bệnh ung thư đã di căn vào xương.

Nằm trên giường bệnh cùng chiếc kim tiêm đang truyền dịch trên bàn tay bé nhỏ, Mỹ Anh nhận phong bao lì xì và túi quà với nụ cười cảm ơn thật dễ thương. "Quà bánh mứt con sẽ về cho cả nhà cùng ăn. Con chỉ ước hết bệnh rồi tóc con dài ra, chân con cũng dài ra để được vui chạy như các bạn khác thôi", Mỹ Anh nói.

Nhìn con cười khi nói về ươc mơ, chị Nguyễn Thị Thúy Hằng, mẹ của Mỹ Anh, xúc động: "Mấy hôm trước cháu đau nhức khắp người, rên nhưng vẫn cố gắng không khóc. Tham gia lớp học tại bệnh viện, được cô giáo hướng dẫn cách trang trí cành mai, đào nhân dịp Tết đến, bé rất vui. Hôm nay nhận quà và lì xì, bé cười tươi vậy khiến tui cũng thấy nhẹ người và chỉ cầu mong con khỏe mạnh mà thôi".

Chương trình "Ước mơ của Thúy" trao 900 phần quà dịp này với tổng trị giá 630 triệu đồng từ nguồn đóng góp của bạn đọc Tuổi Trẻ. Mỗi phần quà gồm 300.000 đồng tiền mặt và 400.000 đồng quà gồm bánh, sữa. Chương trình sẽ trao cho bệnh nhi tại 11 bệnh viện ở TP.HCM, Đà Nẵng, Huế và Hà Nội.

"Hơn chục năm qua, hoạt động chăm lo Tết từ chương trình "Ước mơ của Thúy" cùng Đoàn thanh niên bệnh viện đã mang yêu thương đến với các bé thơ không may mắc phải căn bệnh hiểm nghèo này. Như một lời dộng viên, chia sẻ, món quà gửi đến các bé mong Tết đến, xuân về sẽ xoa dịu nỗi đau của các bạn nhỏ và những thân nhân của các bé, nhất là những bé phải ở lại điều trị không được về quê dịp Tết này.

Chúng tôi mong tiếp thêm sức mạnh để các bé lạc quan và mau khỏe, trở về mái nhà, mái trường thân yêu " - bác sĩ Hà Hiếu Trung, bí thư Đoàn cơ sở Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, nói. (Tuổi trẻ, trang 10)

 

Bộ Y tế ban hành kế hoạch tiêm chủng vaccine COVID-19 xuyên Tết Nguyên đán

Ngày 26/1, Bộ Y tế ban hành Kế hoạch tiêm chủng mùa xuân, đây cũng là chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 xuyên Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Thời gian diễn ra chiến dịch từ ngày 29/1 đến 28/2 với mục tiêu bảo đảm người dân đủ điều kiện được tiêm chủng trong thời gian Tết Nguyên đán. Đối tượng triển khai trong chiến dịch này là toàn bộ trẻ em và người lớn có chỉ định và đến thời gian được tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Cũng theo Bộ Y tế, chiến dịch được triển khai trên quy mô toàn quốc tại tất cả xã, phường, thị trấn. Vaccine được sử dụng là loại đã được Bộ Y tế cho phép sử dụng, có chỉ định tiêm cho trẻ em và người lớn. Chiến dịch sẽ sử dụng hệ thống tiêm chủng mở rộng sẵn có và các cơ sở khác đủ điều kiện để triển khai tiêm chủng bắt buộc cho cộng đồng. Trong trường hợp cần đẩy nhanh tốc độ thì bố trí các cụm điểm tiêm lưu động tại các nhà máy, khu công nghiệp, trường học, nhà văn hóa... để tiêm cho nhiều đối tượng cùng thời điểm. (Công an Nhân dân, trang 1)

 

Hà Nội xuất hiện ca nhiễm Omicron đầu tiên ở cộng đồng

Tại phiên họp của Ban Chỉ đạo (BCĐ) phòng chống, dịch COVID-19 Hà Nội sáng 26/1, Phó Giám đốc Sở Y tế Vũ Cao Cương cho biết, TP đã ghi nhận 14 ca nhiễm biến chủng Omicron gồm 13 trường hợp nhập cảnh và 1 người ngoài cộng đồng (tiếp xúc với 13 người nhập cảnh trên).

Nguy cơ lây lan ra cộng đồng

“Hà Nội đã có ca nhiễm Omicron, hoàn toàn có thể có nguy cơ lây lan ra cộng đồng”, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cảnh báo.

Cộng dồn đến 18h ngày 25/1, Hà Nội đã ghi nhận 118.111 ca mắc (tại Hà Nội 117.915 trường hợp, 254 trường hợp nhập cảnh), 506 trường hợp tử vong (0,43%). Toàn TP vẫn ở cấp độ 2. Đến nay, TP đã tiêm được 14.541.317 mũi, trong đó, 241.072 mũi bổ sung và 2.193.061 mũi nhắc lại.

Hà Nội phấn đầu tiêm phủ mũi 3 trong quý I; đồng thời, giao các quận, huyện, thị xã tổ chức các điểm tiêm cố định, lưu động "xuyên" Tết từ nay đến ngày 28/2; tuyên truyền, vận động người dân tham gia chiến dịch tiêm chủng mùa Xuân. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện tốt công tác điều trị tại các tầng; tiếp tục kiểm soát chặt người nhập cảnh, tăng cường giám sát phát hiện biến chủng mới Omicron của vi rút SARS-CoV-2…

Nhận định và đánh giá tình hình, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, Hà Nội trung bình ghi nhận 2.902 ca/ngày; số lượng ca mắc cơ bản đang được kiểm soát tốt ở ngưỡng 3.000 ca mắc/ngày. “Trong tuần tiếp theo có thể ghi nhận mức giảm giả tạo do người dân về quê đón Tết và sẽ tăng trở lại ngưỡng 3.000 ca trên ngày sau Tết thậm chí cao hơn, nếu người dân không tuân thủ quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt 5K”, ông Cương nhận định.

Công tác phòng, chống dịch vẫn đang được tổ chức quyết liệt, tỷ lệ bệnh nhân nặng, bệnh nhân tử vong vẫn đang trong giới hạn kiểm soát. Tuy nhiên, những người thuộc nhóm nguy cơ cao khi mắc COVID-19 có nguy cơ chuyển nặng, nguy kịch rất nhanh gây nên cần theo dõi, kiểm soát thông tin người bệnh để chuyển viện, chuyển tuyến kịp thời, vì vậy cần phải sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của chính quyền các cấp với các lực lượng hỗ trợ y tế.

Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà lưu ý, các ca mắc vẫn tăng cao, trong đó, số ca mắc cộng đồng khoảng 30%. Nhận định sau kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán, số ca mắc tại TP sẽ tăng cao hơn nữa, do giao lưu, giao thương của người dân trong dịp Tết tạo điều kiện cho dịch bùng phát. Từ đó, ngành y tế đã xây dựng các phương án phòng chống sự lây lan của biến chủng mới, trong đó, đảm bảo được mục tiêu là giảm tỷ lệ chuyển tầng, giảm tỷ lệ chuyển nặng và tử vong.

Bà Hà khẳng định: Ngành Y tế sẵn sàng không có ngày nghỉ lễ Tết để phục vụ người dân trong công tác xét nghiệm, tiêm chủng. Sở Y tế đề nghị các đơn vị quận, huyện đảm bảo tỷ lệ an toàn là mức 95% bệnh nhân điều trị tại nhà; chỉ khoảng 5% điều trị tại cơ sở y tế…

Trong các nhiệm vụ trọng tâm được đề ra, Hà Nội sẽ tăng cường thông tin, tuyên truyền để cả người dân không chủ quan trước dịch bệnh; thực hiện đúng các quy định phòng, chống dịch theo cấp độ dịch; hạn chế tối đa các hoạt động tụ tập đông người... Chuẩn bị sẵn sàng các phương án phòng chống dịch bệnh đồng bộ, hiệu quả, đảm bảo nguyên tắc “4 tại chỗ", không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.

TP  cũng tiếp tục đẩy nhanh tiến độ hoàn thành tiêm chủng mũi 1, mũi 2 và tiêm mũi bổ sung, mũi nhắc lại vaccine phòng COVID-19 cho đối tượng theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Tổ chức tiêm tại nhà cho người không đi lại được.

UBND TP cũng giao các quận, huyện, thị xã tổ chức các điểm tiêm cố định, lưu động xuyên Tết từ nay đến ngày 28/2, tuyên truyền, vận động người dân tham gia chiến dịch tiêm chủng mùa xuân.

Ngoài ra, theo chỉ đạo của lãnh đạo TP, Sở Y tế cũng yêu cầu các đơn vị thực hiện tốt công tác điều trị tại các tầng điều trị theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Nâng cao năng lực điều trị tại các tầng, hạn chế đến mức thấp nhất tử vong. Rà soát bố trí các trạm y tế lưu động đủ để thực hiện quản lý và hỗ trợ điều trị F0 thể nhẹ hoặc không triệu chứng tại tại nhà.

“Đây là biện pháp rất quan trọng để hạn chế số ca F0 phải chuyển tầng, giảm tải cho y tế tuyển trên. Việc tiếp cận y tế đối với người nhiễm phải sớm, kịp thời để người dân yên tâm”, Phó Giám đốc Sở Y tế Vũ Cao Cương nói.

Tiêm vaccine xuyên Tết an toàn, hiệu quả

Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh đánh giá, những ngày qua, bám sát chỉ đạo của Bí thư Thành ủy, các lực lượng ở cơ sở đã chuyển động mạnh mẽ và đạt được kết quả rõ nét như: kiểm soát điều trị, chuyển tầng ở mức tốt; nhiều mô hình mới, cách làm hay, hiệu quả được triển khai…

Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh ghi nhận, Thủ đô đi đầu cả nước trong việc có cơ chế hỗ trợ cho lực lượng tuyến đầu. Tuy nhiên, đồng chí cũng thẳng thắn nêu, việc giải ngân chính sách hỗ trợ ở các quận, huyện đang triển khai tốt, nhưng, cấp TP vẫn còn thấp. "Ngay ngày mai (27/1) các cấp từ TP đến địa phương phải khẩn trương triển khai, đảm bảo tiền hỗ trợ đến với tuyến đầu kịp thời trước Tết", Chủ tịch UBND TP chỉ đạo.

Với các quận, huyện, thị xã, Chủ tịch UBND TP chỉ rõ 8 phần việc cần chú trọng. Trong đó, các đơn vị cần liên tục cập nhật số liệu về: Tiêm vét đối với đối tượng người cao tuổi chưa tiêm, người từ chối tiêm, số liệu trẻ em 5 đến 11 tuổi để chuẩn bị tiêm; rà soát bổ sung lực lượng phòng, chống dịch dịp tết. Yêu cầu các quận, huyện đến xã, phường cập nhật lịch trực từng cơ sở, từng tổ COVID cộng đồng, trạm y tế với số điện thoại, đường dây nóng để báo cáo thành phố.

"Trong các ngày trực Tết, lãnh đạo TP sẽ gọi điện đến cơ sở, các tổ y tế lưu động để kiểm tra. Từ ngày mai, phải có đầy đủ danh sách, các đơn vị phải luôn sẵn sàng", đồng chí Chu Ngọc Anh nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, các đơn vị phải bám sát chỉ đạo của Thủ tướng trong việc tiêm vaccine xuyên Tết, thực hiện an toàn, hiệu quả; phối hợp chặt chẽ với các bệnh viện Trung ương để đảm bảo điều trị kịp thời cho các bệnh nhân COVID-19; quan tâm việc kiểm soát, hạn chế tập trung đông người, thực hiện 5K thực chất…

Liên quan đến công tác chuẩn bị cho việc đón học sinh, sinh viên quay trở lại trường học, đồng chí Chu Ngọc Anh giao Chủ tịch UBND các quận, huyện cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện phương án để đảm bảo tuyệt đối an toàn; lên kịch bản cụ thể, có lộ trình, để sẵn sàng cho học sinh, sinh viên các trường Cao đẳng, Đại học quay lại trường.

"Tập trung cao độ trong 2 phần việc: Tiếp tục phát huy điểm sáng về đảm bảo an sinh xã hội và nhân rộng các mô hình hay, cách làm sáng tạo nhân dân Thủ đô yên tâm", Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh nhấn mạnh. (Công an Nhân dân, trang 4)

Cùng chủ đề Báo Tiền phong, trang 2: “Hà Nội ghi nhận ca Omicron ngoài cộng đồng”

 

Tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19

Sáng 26-1, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội chủ trì hội nghị giao ban trực tuyến với các sở, ngành, quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn.

Tham dự tại điểm cầu trụ sở UBND thành phố có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Bùi Huyền Mai, Trưởng Tiểu ban Truyền thông - Ban Chỉ đạo thành phố; Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng, Phó Trưởng ban Chỉ đạo thành phố, cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành của thành phố.

Xuất hiện người nhiễm biến chủng Omicron trong cộng đồng

Báo cáo tại phiên họp, Phó Giám đốc Sở Y tế Vũ Cao Cương cho biết, tuần qua (từ ngày 19-1 đến 25-1), trung bình thành phố ghi nhận 2.902 ca/ngày. Số ca mắc cơ bản đang được kiểm soát tốt, song dự báo tuần tiếp theo có thể ghi nhận mức giảm "giả tạo" do người dân về quê đón Tết và sẽ tăng trở lại sau Tết. Cùng với đó, công tác phòng, chống dịch vẫn được tổ chức quyết liệt. Tỷ lệ bệnh nhân nặng, bệnh nhân tử vong vẫn trong giới hạn kiểm soát.

Theo đại diện Sở Y tế, Hà Nội đang ở cấp độ 2 trong phòng, chống dịch Covid-19. Thành phố đã ghi nhận 14 trường hợp nhiễm biến chủng Omicron, trong đó có 1 trường hợp tại cộng đồng. Như vậy, biến chủng mới đã có tại Thủ đô, nguy cơ phát tán ra cộng đồng là hoàn toàn có thể, do đó, cần tiếp tục theo dõi sát và áp dụng các biện pháp kiểm soát lây nhiễm chặt đối với các chuỗi lây nhiễm biến chủng này.

Đến nay, thành phố đã tiêm được 14.541.317 mũi vắc xin phòng Covid-19, trong đó có 241.072 mũi bổ sung và 2.193.061 mũi nhắc lại. Thành phố phấn đấu hoàn thành tiêm phủ mũi 3 trong quý I-2022; đồng thời giao các quận, huyện, thị xã tổ chức các điểm tiêm cố định, lưu động xuyên Tết; tuyên truyền, vận động người dân tham gia chiến dịch tiêm chủng mùa xuân. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện tốt công tác điều trị tại các tầng; kiểm soát chặt người nhập cảnh, tăng cường giám sát phát hiện biến chủng mới Omicron…

Tập trung giảm tỷ lệ bệnh nhân chuyển tầng

Tại phiên họp, lãnh đạo các quận, huyện: Thạch Thất, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Mỹ Đức... đã báo cáo về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn, tập trung cao điểm dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022; công tác theo dõi, quản lý, xử lý, tiếp nhận thông tin đối với các trường hợp F0 điều trị tại nhà; việc thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ các đối tượng tham gia phòng, chống dịch Covid-19; đưa ra các kiến nghị, đề xuất với thành phố.

Tại phiên họp, đại diện Sở Tài chính đã báo cáo công tác chi trả chế độ cho các lực lượng phòng, chống dịch Covid-19, việc mua sắm trang thiết bị phục vụ chống dịch của thành phố. Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo về việc giải quyết những vướng mắc, khó khăn trong xử lý chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2. Đại diện Bộ Tư lệnh Thủ đô báo cáo về công tác bàn giao cho các địa phương, trường đại học, cao đẳng các cơ sở từng được sử dụng là nơi thu dung, điều trị F0 trước đây.

Tại phiên họp, Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà lưu ý, các ca mắc vẫn tăng cao, trong đó số ca mắc cộng đồng chiếm khoảng 30%. Nhận định sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, số ca mắc tại thành phố sẽ tăng cao hơn nữa do giao lưu, giao thương của người dân dịp này lớn, ngành Y tế đã xây dựng các phương án phòng, chống dịch, trong đó bảo đảm được mục tiêu là giảm tỷ lệ bệnh nhân chuyển tầng, chuyển nặng và tử vong.

“Ngành Y tế sẵn sàng không có ngày nghỉ lễ, Tết để phục vụ người dân trong công tác xét nghiệm, điều trị, tiêm chủng...”, Giám đốc Sở Y tế nói, đồng thời đề nghị các địa phương bảo đảm tỷ lệ an toàn là mức 95% bệnh nhân điều trị tại nhà; chỉ khoảng 5% điều trị tại cơ sở y tế.

Phát biểu tại phiên họp, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Bùi Huyền Mai cho biết, qua khảo sát và nắm bắt thông tin dư luận, cơ bản người dân bày tỏ sự tin tưởng với các chính sách, sự điều hành của thành phố trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Trước diễn biến phức tạp của dịch, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán này, Tiểu ban Truyền thông - Ban Chỉ đạo thành phố đề nghị các địa phương, đơn vị tập trung tuyên truyền về công tác an sinh xã hội cho người dân; các mô hình tốt trong phòng, chống dịch, bảo đảm an sinh... Đồng chí Trưởng Tiểu ban Truyền thông đề nghị các địa phương, đơn vị bố trí cán bộ trực Tết và có đầu mối cũng như số điện thoại liên hệ trực tiếp để thực hiện các chỉ đạo của Ban Chỉ đạo thành phố. Trong trường hợp có bất kỳ phức tạp nào phát sinh trên địa bàn dịp Tết, các địa phương, đơn vị phải báo cáo ngay với Tiểu ban Truyền thông để kịp thời xử lý.

Thực hiện tốt 8 nhóm nhiệm vụ trọng tâm

Kết luận phiên họp, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh đánh giá, những ngày qua, bám sát chỉ đạo của đồng chí Bí thư Thành ủy, các lực lượng ở cơ sở đã chuyển động mạnh mẽ và đạt được kết quả rõ nét như: Kiểm soát điều trị, chuyển tầng ở mức tốt; nhiều mô hình mới, cách làm hay, hiệu quả được triển khai…

Biểu dương lực lượng tuyến đầu với nhiều vất vả, khó khăn, hy sinh thầm lặng, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh nhấn mạnh, Hà Nội là địa phương đi đầu cả nước trong việc có cơ chế hỗ trợ cho các đối tượng gặp khó khăn do dịch.

Tuy nhiên, Chủ tịch UBND thành phố cũng nhắc nhở, việc giải ngân chính sách hỗ trợ ở một số quận, huyện làm tốt, nhưng cấp thành phố vẫn còn thấp. “Ngay ngày mai, các cấp từ thành phố tới địa phương phải khẩn trương triển khai, bảo đảm tiền hỗ trợ đến với tuyến đầu kịp thời trước Tết”, đồng chí Chu Ngọc Anh chỉ đạo.

Với các quận, huyện, thị xã, Chủ tịch UBND thành phố chỉ rõ 8 nhóm nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai những ngày tới. Trong đó, cần liên tục cập nhật số liệu về tiêm “vét” vắc xin phòng Covid-19, người cao tuổi chưa tiêm, người từ chối tiêm, số liệu trẻ em từ 5 đến 11 tuổi để chuẩn bị tiêm; đồng thời, rà soát bổ sung lực lượng phòng, chống dịch dịp Tết.

Chủ tịch UBND thành phố nhắc lại yêu cầu các quận, huyện, thị xã đến xã, phường, thị trấn phải cập nhật lịch trực từng cơ sở, từng tổ Covid-19 cộng đồng, trạm y tế với số điện thoại, đường dây nóng để báo cáo thành phố.

“Trong các ngày trực Tết, lãnh đạo thành phố sẽ gọi điện đến cơ sở, các tổ y tế lưu động để kiểm tra. Từ ngày mai phải có đầy đủ danh sách, các đơn vị phải luôn sẵn sàng”, đồng chí Chu Ngọc Anh yêu cầu.

Chủ tịch UBND thành phố cũng nhắc nhở các đơn vị bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc tiêm vắc xin xuyên Tết, thực hiện an toàn, hiệu quả; phối hợp chặt chẽ với các bệnh viện trung ương để bảo đảm điều trị kịp thời cho các bệnh nhân Covid-19.

Để chuẩn bị cho việc đón học sinh từ lớp 7 trở lên quay trở lại trường từ ngày 8-2 tới, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các quận, huyện, thị xã tiếp tục rà soát, hoàn thiện phương án để bảo đảm tuyệt đối an toàn. Các địa phương cần chủ động kịch bản cụ thể, có lộ trình để sẵn sàng cho học sinh, sinh viên quay lại trường; kiểm soát, hạn chế việc tập trung đông người, thực hiện quy định “5K” thực chất.

“Cần tập trung cao độ trong 2 phần việc là tiếp tục phát huy điểm sáng về bảo đảm an sinh xã hội và nhân rộng các mô hình hay, cách làm sáng tạo”, Trưởng ban Chỉ đạo thành phố nhấn mạnh. (Hà Nội mới, trang 1)

 

Ghi nhận 166 ca mắc Covid-19 nhiễm biến chủng Omicron tại 14 tỉnh, thành phố

Theo tin từ Bộ Y tế, trong 24 giờ qua, nước ta ghi nhận 15.954 ca nhiễm mới, trong đó có 69 ca nhập cảnh và 15.885 ca tại 61 tỉnh, thành phố. Ngoài ra, có thêm tỉnh Lâm Đồng ghi nhận 1 ca Covid-19 nhiễm biến thể Omicron.

Như vậy, đến nay tại Việt Nam đã ghi nhận 166 ca mắc Covid-19 do biến thể Omicron tại 14 tỉnh, thành phố.

So với ngày trước đó, số ca ghi nhận trong nước trong 24 giờ qua tăng 186 ca. Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là Bắc Ninh (tăng 305 ca), Quảng Nam (tăng 271 ca), Hà Tĩnh (tăng 131 ca). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là Hưng Yên (giảm 236 ca), Thanh Hóa (giảm 98 ca), Phú Thọ (giảm 93 ca). Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 15.574 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 2.187.481 ca nhiễm, đứng thứ 28/224 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 143/224 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 22.161 ca nhiễm).

Về tình hình điều trị, có thêm 20.540 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi là 1.924.609 ca. Ngoài ra, hiện có 4.402 bệnh nhân nặng đang điều trị.

Về số bệnh nhân tử vong, tính từ 17h30 ngày 25-1 đến 17h30 ngày 26-1, nước ta ghi nhận 155 ca tử vong. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 150 ca/ngày. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 37.165 ca, chiếm tỷ lệ 1,7% so với tổng số ca nhiễm. (Hà Nội mới, trang 7)

 

Trường hợp mắc biến thể Omicron ngoài cộng đồng ở Hà Nội đã khỏi bệnh

Tối 26-1, Sở Y tế Hà Nội cho biết, trên địa bàn thành phố đã ghi nhận 14 ca nhiễm biến thể Omicron, gồm 13 trường hợp nhập cảnh và 1 ca ngoài cộng đồng (tiếp xúc với 13 người nhập cảnh trên). Trường hợp nhiễm biến thể Omicron ghi nhận tại cộng đồng đã được xác định khỏi bệnh.

Cụ thể, bệnh nhân là nữ, sinh năm 1980, trú tại quận Đống Đa, là nhân viên vệ sinh buồng phòng tại Khách sạn Grand Vista Hà Nội (là khách sạn thực hiện cách ly người nhập cảnh theo quy định của thành phố).

Trong khoảng thời gian từ 28-12-2021 đến ngày 9-1-2022, bệnh nhân làm việc tại khách sạn và có phục vụ cho các đoàn khách nhập cảnh cách ly tại khách sạn, trong đó có 7 trường hợp nhiễm Omicron là khách nhập cảnh (do Bệnh viện Bạch Mai xét nghiệm và thông báo ngày 21-1-2022).

Bệnh nhân được cách ly tại khách sạn trong quá trình làm việc, được xét nghiệm PCR định kỳ hàng tuần, có kết quả âm tính vào ngày 3-1 và dương tính vào ngày 9-1. Bệnh nhân được cách ly điều trị tại khách sạn từ ngày 9 đến 18-1, hiện đã khỏi bệnh.

Kết quả điều tra dịch tễ sơ bộ chưa phát hiện thêm người nhiễm thứ phát, toàn bộ nhân viên khách sạn và người nhà đều có kết quả xét nghiệm âm tính. (Sài Gòn giải phóng, trang 7).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang