Đồng hành vì một Việt Nam khoẻ mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, vì một tương lai tươi sáng
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 27/10/2015

  • |
T5g.org.vn - Không điều chỉnh mức đóng phí BHYT trong 2 năm tới; Viện phí, dịch vụ bệnh viện tăng 2-7 lần từ ngày 15-11…

Không điều chỉnh mức đóng phí BHYT trong 2 năm tới

Đó là khẳng định của đại diện Bảo hiểm xã hội (BHXH) VN trong cuộc họp báo thường kỳ chiều 26.10. Ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (BHYT), cho biết Bộ Y tế đang phối hợp với BHXH VN và Bộ Tài chính xây dựng dự thảo Thông tư liên bộ quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc. Dự kiến có khoảng 1.800 dịch vụ y tế trong danh mục được BHYT thanh toán được điều chỉnh tăng giá trong tháng 11 hoặc tháng 12.2015, gồm 1.200 dịch vụ đang được BHYT chi trả và 600 dịch vụ BHYT được thông tư bổ sung chủ yếu là các phẫu thuật, thủ thuật. Ông Sơn cho biết giá khám bệnh sẽ tùy theo hạng bệnh viện - bệnh viện hạng 3 sẽ tăng từ 7.000 đồng lên 30.000 đồng, một số bệnh viện tăng từ 20.000 đồng lên 40.000 đồng. Giường bệnh tăng từ 90.000 đồng/giường/ngày (loại 1) lên trên 200.000 đồng/giường/ngày.

Trước những lo ngại sau khi điều chỉnh giá dịch vụ y tế sẽ điều chỉnh mức đóng BHYT, ông Sơn khẳng định, từ nay đến năm 2017 việc điều chỉnh mức đóng phí BHYT chưa đặt ra. (Thanh niên (trang 2).

Viện phí, dịch vụ bệnh viện tăng 2-7 lần từ ngày 15-11

Giá 1.800 dịch vụ y tế sắp tăng mạnh, trong đó đa số dịch vụ sẽ tăng 2-7 lần so với hiện hành do đưa phụ cấp trực, phục cấp phẫu thuật thủ thuật và một phần lương vào viện phí. Chưa hết, theo lộ trình thì đến ngày 1-3-2016 sẽ đưa toàn bộ lương vào viện phí và viện phí sẽ còn tăng tiếp một đợt nữa.

Chiều nay 26-10, Bảo hiểm xã hội VN đã tổ chức cuộc họp báo cho biết thông tin trên.

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội VN, trong số các dịch vụ cơ bản, giá khám bệnh sẽ tăng từ 2-4 lần tùy hạng bệnh viện, lên mức 30-39 ngàn đồng/lượt khám thông thường, trường hợp mời chuyên giá đến hội chẩn sẽ tính 150-200 ngàn đồng/lần.

Tiền ngày giường bệnh sẽ tăng khoảng 2 lần, tối đa giá giường hồi sức cấp cứu tại Bệnh viện hạng 1, hạng đặc biệt lên mức xấp xỉ 700.000đ/ngày giường.

Tại Bệnh viện hạng 4 là hạng bệnh viện thấp nhất hiện nay, giá giường điều trị nội trú cũng lên tối thiểu 154.000đ/ngày giường, cao gấp gần 3 lần so với hiện hành. Giá 1.800 dịch vụ y tế cơ bản cũng tăng mạnh, trong đó nhiều dịch vụ sẽ tăng 2-7 lần.

Trả lời báo chí về tác động của viện phí mới đến người bệnh, ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban thực hiện Chính sách Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội VN cho biết trước mắt viện phí mới sẽ áp dụng với nhóm bệnh nhân có bảo hiểm y tế (73% dân số), số còn lại dự kiến sẽ áp dụng trong năm 2016.

Ông Sơn cũng cho rằng viện phí mới thống nhất tại các cơ sở khám chữa bệnh cùng hạng trong cả nước, do đó người bệnh sẽ được cung cấp dịch vụ công bằng và đồng đều hơn.

Ngoài ra, phần chi từ tiền túi người dân sẽ giảm, do thuốc, vật tư y tế, chi phí khấu hao máy móc, duy tu bảo dưỡng thiết bị đã được tính vào giá dịch vụ và được quỹ Bảo hiểm y tế chi trả, người bệnh sẽ không phải trả chi phí đã được tính vào giá dịch vụ y tế.

Theo ông Sơn, hướng đến năm 2018 phần chi từ tiền túi người dân sẽ ở mức dưới 40% giá dịch vụ, giảm hơn rất nhiều so với hiện nay là xấp xỉ 50%.

Tuy nhiên điều khó khăn là còn tới 27% dân số tương đương 25 triệu người chưa có bảo hiểm y tế, dự kiến mức viện phí mới tăng cao kể trên cũng sẽ áp dụng với nhóm bệnh nhân này trong 2016. (Tuổi trẻ (trang 3), Tiền phong (trang 3).

Tri ân và kêu gọi cộng đồng đăng ký hiến tặng mô, tạng

Tối qua 26-10, tại Hà Nội, Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người - Bộ Y tế tổ chức chương trình “Khi sự sống được sẻ chia” và Lễ phát động phong trào đăng ký hiến tặng mô, tạng. Theo thống kê của Bộ Y tế, tính đến nay, số lượng các ca ghép mô, tạng ở Việt Nam đang rất khiêm tốn với 1.116 ca ghép thận, 48 ca ghép gan, 13 ca ghép tim, 1 ca ghép tụy, riêng ghép giác mạc được 1.401 ca. 

Tính riêng từ khi Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người đi vào hoạt động (năm 2013) đến nay, đã có 491 người được ghép thận, trên 1.400 ca được ghép giác mạc, 20 ca ghép gan, 4 ca ghép tim… Trong khi đó, hàng trăm nghìn trường hợp suy tạng đang mòn mỏi chờ đợi có nguồn tạng hiến để được cứu sống.

Chương trình “Khi sự sống được sẻ chia” nhằm mục đích chuyển tải sâu rộng ý nghĩa nhân đạo, nhân văn cao cả của việc hiến tặng mô, tạng cứu người. (An ninh thủ đô (trang 2), Nhân dân (trang 1).

 

Kháng sinh cho người khó có thể dùng trong chăn nuôi

Số vụ ngộ độc thực phẩm tập thể gia tăng trong thời gian gần đây, đặc biệt là số vụ ngộ độc từ bếp ăn tập thể của công nhân; trong khi tình trạng lạm dụng chất cấm gây ung thư trong chăn nuôi làm “nóng” dư luận. Phân tích nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khẳng định, việc tuồn chất cấm từ y tế sang chăn nuôi là khó xảy ra. Nguy cơ ngộ độc từ bếp ăn tập thể

Bà Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP) Bộ Y tế cho hay, trong 10 tháng của năm 2015, cả nước đã xảy ra 150 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 4.078 người mắc, 21 người tử vong. So với cùng kỳ năm 2014, giảm 15 vụ, giảm 616 người mắc. Đặc biệt, số vụ ngộ độc lớn (từ 30 người mắc trở lên) giảm 3 vụ. 

Trong tháng 10, cả nước đã xảy ra 13 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 383 người mắc khiến 376 người nhập viện, tuy nhiên không có trường hợp nào xảy ra tử vong. So với tháng 10 năm 2014, đã giảm 2 vụ, 194 người mắc. Trong số 13 vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trong tháng này, chiếm đến 7/10 số vụ có nguyên nhân do vi sinh vật gây ra, 3/13 số vụ do độc tố tự nhiên trong sản phẩm và 3/13 vụ chưa xác định được nguyên nhân. 

Cũng số liệu từ Cục ATTP cho thấy, đã có 33 vụ với 2.302 người mắc ngộ độc thực phẩm từ các bếp ăn tập thể, 70% trường hợp do các cơ sở cung cấp suất ăn theo dạng dịch vụ, 30% còn lại từ các bếp ăn của doanh nghiệp. Bà Trần Việt Nga cho biết, qua kiểm tra cho thấy, giá trị mỗi suất ăn của công nhân các khu công nghiệp chỉ từ 9.000-11.000 đồng/suất, đặc biệt, qua điều tra, khảo sát tại một số khu trọ của công nhân của Cục ATTP, bữa cơm của không ít công nhân tại các nhà trọ chỉ có giá 3.000 đồng. 

Những suất cơm giá rẻ như vậy không đủ giá trị dinh dưỡng và chất lượng ATTP cũng khó có thể đảm bảo. Theo bà Trần Việt Nga, nguyên nhân gây ra các vụ ngộ độc tập thể một phần do các cơ sở cung cấp suất ăn không đảm bảo, nhưng một phần cũng thuộc trách nhiệm của lực lượng chức năng địa phương đã lơ là, thiếu giám sát. “Nhiều trường hợp xảy ra ngộ độc tập thể địa phương không biết hoặc không báo cáo kịp thời, Cục ATTP cử cán bộ xuống phối hợp kiểm tra, giải quyết vụ việc và thông báo thì địa phương mới biết. Không ít cơ sở cung cấp suất ăn cho công nhân chưa có giấy phép nhưng vẫn hành nghề, địa phương không nắm được. Cục kiểm tra phát hiện và báo cho địa phương”, bà Trần Việt Nga thông tin.

“Mổ xẻ” tình trạng lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi

Liên quan đến vấn đề đang “nóng” hiện nay là tình trạng mất ATTP trong sản xuất, chăn nuôi nông nghiệp với hoạt chất cấm gây ung thư là Salbutamol, Vàng ô, tồn dư kháng sinh trong vật nuôi. Theo bà Trần Việt Nga, gốc của vấn đề chính là người chăn nuôi và các cơ sở kinh doanh thuốc thú y, sản xuất thức ăn chăn nuôi. Từ đầu năm 2015 đến nay, Bộ Y tế mới cấp phép cho các doanh nghiệp nhập khẩu 3,5 tấn Salbutamol và chỉ các doanh nghiệp đăng ký, đồng thời đạt tiêu chuẩn GMP mới được nhập và sản xuất thuốc có chứa hoạt chất này. 

Còn với hoạt chất Clenbuterol, mặc dù kết quả kiểm tra, phân tích trên các mẫu thịt lợn, nước tiểu lợn… của ngành NN&PTNT thời gian qua vẫn phát hiện dương tính với  Clenbuterol nhưng thực tế, nhiều năm gần đây Bộ Y tế không cấp phép nhập khẩu cho đơn vị nào. Như vậy, khả năng tuồn Salbutamol, Clenbuterol từ ngành y tế sang chăn nuôi như nghi vấn bấy lâu nay là khó có thể xảy ra.

Còn vấn đề lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi, ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục ATTP cho rằng, khó có thể xảy ra tình trạng người chăn nuôi lạm dụng kháng sinh cho người để dùng cho vật nuôi. Vì thuốc kháng sinh cho người phải tuân theo tiêu chuẩn cao, chặt chẽ, giá thành cũng cao. Hơn nữa, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc cũng phải chịu sự giám sát, tiêu chuẩn của ngành y tế. 

Lãnh đạo Cục ATTP kiến nghị các cơ quan chức năng, địa phương khu vực cửa khẩu, biên giới cần giám sát chặt chẽ việc buôn bán, vận chuyển các loại chất cấm trong chăn nuôi. Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT cần giám sát chặt, quản lý cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi, cơ sở kinh doanh thuốc thú y và người chăn nuôi, đây mới là gốc của vấn đề.  (An ninh thủ đô (trang 4):

 

Đến tận bệnh viện cấp hộ chiếu cho bệnh nhân

Đại tá Lê Mạnh Tú - Trưởng phòng Quản lý xuất nhập cảnh CATP Hà Nội trao đổi với PV ANTĐ hôm 26-10, xung quanh chủ trương làm thủ tục cấp hộ chiếu tận nơi cho các đối tượng chính sách, người bị bệnh nặng khi có nhu cầu.

Tiếp tục quán triệt nghiêm túc chỉ đạo của Đảng ủy - Ban Giám đốc CATP về tăng cường cải cách hành chính, phục vụ nhân dân tốt nhất, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh đã chủ động nghiên cứu, nắm bắt nhu cầu thực tế, từ đó đề xuất các cấp lãnh đạo cho triển khai mô hình đưa CBCS đến tận nhà công dân có nhu cầu để làm thủ tục cần thiết cho việc cấp hộ chiếu.

Được sự đồng ý, chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an và Đảng ủy - Ban Giám đốc CATP Hà Nội, từ ngày 28-10, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh CATP sẽ triển khai chủ trương này đối với 5 trường hợp công dân gồm: Cán bộ lão thành cách mạng; Cán bộ tiền khởi nghĩa; Bà mẹ Việt Nam anh hùng; Thương bệnh binh loại 1 có tỷ lệ thương tật từ 81% trở lên và những người bị bệnh hiểm nghèo đang cấp cứu tại bệnh viện có nhu cầu làm hộ chiếu để đi nước ngoài.

Vẫn theo chỉ huy Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, các trường hợp nói trên khi có nhu cầu về hộ chiếu có thể trực tiếp hoặc nhờ người thân liên hệ theo 2 số điện thoại: 043.9391515 (trong giờ hành chính) và 043.9391506 (ngoài giờ hành chính) để được cán bộ chức năng tư vấn, hướng dẫn các bước cần thực hiện. Bên cạnh đó, công dân cần chuẩn bị Chứng minh nhân dân, giấy tờ xác nhận thuộc các diện chính sách nói trên, ảnh, tờ khai…

Từ đầu năm 2015 đến nay, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an Hà Nội đã tổ chức 5 đoàn đến các cơ quan, trường học, bệnh viện... tiếp nhận khoảng 175 trường hợp cán bộ, công nhân viên có nhu cầu làm hộ chiếu. Trong thời gian tới, việc mở rộng đối tượng phục vụ tập trung vào đối tượng chính sách, người có công, là chủ trương lớn được CBCS Phòng Quản lý xuất nhập cảnh thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao nhất. (An ninh thủ đô (trang 5):

 

Nhiều mẫu rau tồn dư thuốc bảo vệ thực vật quá mức

120 mẫu các loại rau lá: muống, ngót, mồng tơi đã được Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế lấy mẫu kiểm nghiệm nhanh để xác định hàm lượng tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật (BVTV).

Các mẫu rau này được lấy tại 150 quầy kinh doanh ở 6 chợ đầu mối tại Hà Nội bao gồm: La Khê, Long Biên, Đền Lừ, chợ đêm HTX Văn Quán, chợ Dịch Vọng Hậu, chợ Minh Khai.

Thời gian lấy mẫu khảo sát được thực hiện từ tháng 8 - 12.2014. Kết quả cho thấy: 13/120 mẫu xét nghiệm định lượng xác định có tồn dư hóa chất Carbofuran vượt giới hạn cho phép (chiếm 10,83%); 12/120 mẫu (10%) có tồn dư hóa chất Cypermethrin. Có 9/120 mẫu rau tồn dư cùng lúc cả hai loại hóa chất trên (chiếm 7,5%).

Ngoài ra, trong số 40 mẫu có tồn dư thuốc BVTV, có 38 mẫu là rau sản xuất tại Hà Nội, 2 mẫu là rau sản xuất tại tỉnh khác. Trong đó, 14/40 là rau muống; 21/40 là rau ngót và 5/40 mẫu rau mồng tơi có tồn dư thuốc BVTV. Kết quả nghiên cứu này được công bố tại Hội thảo khoa học về y tế dự phòng tổ chức tại Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cuối tuần qua tại Hà Nội.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP, cho biết nếu hàm lượng tồn dư ở ngưỡng cho phép, rau đó vẫn đảm bảo để chế biến, sử dụng cho bữa ăn gia đình. Để kiểm soát tốt hơn nguồn thực phẩm tươi sống, một số địa phương cũng đã xây dựng mô hình chợ an toàn kiểm soát nguồn gốc rau quả, thực phẩm từ đầu nguồn và dự kiến sẽ trang bị dụng cụ test nhanh để phát hiện, hóa chất tồn dư trong thực phẩm, rau quả. Tuy nhiên với các test nhanh thì chỉ cho phép nhận diện, sàng lọc một số hóa chất, giúp định tính “có” hay “không” hóa chất đó, chứ không xác định được ngưỡng an toàn trong thực phẩm, rau. Muốn định lượng chất tồn dư đó có gây nguy hại hay không phải được thực hiện trong phòng xét nghiệm. Do đó, để đảm bảo chất lượng rau an toàn thì cốt lõi vẫn phải kiểm soát là từ nguồn trồng, chăm bón, thu hoạch theo quy trình.

Theo Viện Dinh dưỡng quốc gia, thuốc BVTV nếu có lượng tồn dư quá cao trong rau quả là tác nhân thường gặp trong các vụ ngộ độc, có thể gây rối loạn thần kinh T.Ư, nhức đầu, nôn mửa, mất ngủ, giảm trí nhớ, ở mức độ nặng hơn có thể tổn thương thần kinh ngoại biên dẫn tới liệt, trường hợp nặng có thể dẫn tới tử vong. Để an toàn, người tiêu dùng nên mua các loại rau ăn củ, thân lá, hoa, quả có chất lượng, hình thức đúng như đặc tính giống của nó; nên sử dụng rau phù hợp mùa, hạn chế ăn rau, củ trái mùa. Chọn rau tươi không dập nát, không có mùi lạ, và nên mua tại các cửa hàng rau an toàn, các cơ sở cung cấp rau theo hợp đồng hoặc các nơi bán rau cố định có cam kết bảo đảm an toàn; tại cửa hàng đã có kiểm tra của các cơ quan chức năng cấp chứng nhận rau sạch an toàn.

Theo khuyến cáo của Phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm, Cục ATTP, khi chế biến tại gia đình, tất cả các loại rau cần được rửa sạch trực tiếp dưới vòi nước chảy hoặc rửa trong chậu nhưng phải thay nước nhiều lần tới khi sạch trước khi chế biến. Nếu phát hiện rau có màu sắc, mùi vị lạ thì tuyệt đối không được dùng làm thức ăn cho người hoặc gia súc. (Tiền phong (trang 2)

Cổ phần hóa bệnh viện công đầu tiên: Cổ đông giám sát sẽ tốt hơn

Trao đổi với PV Tiền Phong về việc Bệnh viện Giao thông vận tải (GTVT) vừa thực hiện cổ phần hóa (CPH), Trưởng ban bảo vệ sức khỏe Trung ương, nguyên Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu khẳng định đây là tín hiệu tốt, làm thay đổi cơ chế giám sát vốn đã lạc hậu đối với chất lượng phục vụ người bệnh. Ông Nguyễn Quốc Triệu cho biết: Tôi đã gặp Giám đốc Bệnh viện GTVT và trao đổi về việc này. Hệ thống khám chữa bệnh là một loại hình dịch vụ về sức khỏe. Trong dịch vụ này có loại hình do nhà nước đầu tư, có loại hình do tư nhân đầu tư, do nước ngoài đầu tư. Quan điểm của tôi là các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào lĩnh vực này thì đều phải khuyến khích vì người sử dụng dịch vụ sẽ được lựa chọn. Quy luật kinh tế thị trường sẽ tự thanh lọc, phân hạng và tạo điều kiện cho các bệnh viện phát triển.

Hiện nay, có hai luồng ý kiến về CPH bệnh viện công. Người thì chào đón, người thì không mặn mà. Quan điểm của ông ra sao?

CPH một bệnh viện công lập như Bệnh viện GTVT, theo tôi đó là tín hiệu tốt ở mấy điểm sau: Bộ GTVT nhiệm vụ chính trị là thực hiện các công việc về GTVT, về xây dựng cầu, đường, phát triển vận tải chứ không phải là cung cấp dịch vụ y tế, khám chữa bệnh. Trước đây thời bao cấp thì cán bộ, nhân viên ngành GTVT khi ốm đau thì đưa về Bệnh viện GTVT để chữa trị. Việc khám chữa bệnh có sự hỗ trợ công ích của bộ chủ quản. Bệnh viện Bưu điện, Nông nghiệp, Than… cũng chung đặc điểm này của bệnh viện ngành.

Tuy nhiên, nhiều năm qua chúng ta đã xóa bao cấp, phát hành thẻ bảo hiểm y tế rồi thì với người dân tiện đâu thì vào đó khám chữa bệnh chứ không phải là cán bộ của một doanh nghiệp ở TPHCM phải chạy ra Hà Nội để khám bệnh.

Do vậy CPH Bệnh viện GTVT là tốt, cán bộ, nhân viên được mua cổ phần, trở thành người chủ của bệnh viện. Trong bệnh viện công lâu nay, chất lượng dịch vụ là do cấp trên giám sát và nhiều khi không bằng cổ đông giám sát! Theo quy luật thị trường bệnh viện nào chất lượng tốt thì sẽ phát triển và đây là điểm khác biệt so với thời kỳ bao cấp. Tôi ủng hộ việc CPH Bệnh viện GTVT và cũng tin tưởng là bệnh viện này sẽ phát triển.

Thưa ông, việc CPH bệnh viện công sắp tới cần triển khai ra sao?

Tôi nói như vậy không có nghĩa là đem hết bệnh viện công ra mà CPH! Mô hình CPH trước mắt phù hợp với các bệnh viện ngành như GTVT, Bưu điện, Than…Điều đó sẽ huy động được các nguồn đầu tư của xã hội, tăng cường giám sát của cổ đông và đồng thời sẽ tạo sự cạnh tranh lành mạnh trong việc cung cấp các dịch vụ về y tế. 

Bệnh viện nào làm tốt thì người dân sẽ lựa chọn. Bây giờ nếu chỉ có một hệ thống bệnh viện nhà nước thôi thì có khác gì thời bao cấp chỉ có mỗi một loại xà phòng và ai cũng phải sử dụng loại xà phòng ấy! Nền kinh tế thị trường thừa nhận một bộ phận người dân giàu lên, có thu nhập cao chính đáng và vì vậy cũng phải có nhiều lựa chọn.

Với các bệnh viện nhà nước khác như Bạch Mai, Việt Đức, Xanh Pôn…thì chưa thể CPH được vì nhà nước vẫn phải nắm giữ để đảm bảo phục vụ đại đa số người dân với giá dịch vụ có sự kiểm soát, có sự hỗ trợ từ nhà nước. Nếu CPH thì rõ ràng là giá thỏa thuận, rất khác nhau. Bệnh viện nhà nước còn phải đi đầu trong nghiên cứu khoa học, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật cao, phòng chống dịch bệnh…

Như vậy, với bệnh viện công, theo ông đâu là giải pháp thúc đẩy nâng cao chất lượng dịch vụ?

Điều đầu tiên cần làm là phải rà soát sửa đổi nhiều quy định liên quan đến quản lý, giám sát các bệnh viện này. Theo tôi phải có cơ chế giám sát, đánh giá chất lượng hiệu quả hơn. Người giỏi, người tốt phải được đãi ngộ tốt hơn. Việc đãi ngộ này phải mang tính chất hệ thống và phải cần thay đổi từ nhiều thông tư, nghị định.

Cảm ơn ông. * Tiền phong (trang 6):

 

ĐBQH Trần Du Lịch: Tư nhân hóa bệnh viện, trường học là một sai lầm

“Y tế, giáo dục là sự nghiệp của nhà nước chứ không phải của thị trường. Tư nhân hóa y tế giáo dục là con đường đi sai, kể cả nước Mỹ cũng không làm như vậy chứ đừng nói ở Việt Nam”, đại biểu (ĐB) Quốc hội Trần Du Lịch trao đổi với phóng viên bên lề kỳ họp chiều 26/10.

ĐB Lịch cho biết, ngay từ nhiệm kỳ trước ông đã đề nghị không nên đặt vấn đề cổ phần hóa các bệnh viện, trường học mà nên chuyển thành định chế công phi lợi nhuận (đơn vị sự nghiệp có thu). ĐB Lịch dẫn dụ ở các nước như Mỹ, các trường đại học nổi tiếng đều là định chế công phi lợi nhuận. “Họ là trường tư nhưng lại có nhà nước ở đó. Không trường nổi tiếng nào ở Mỹ lại không có nhà nước cả”, ông Lịch nói.

ĐB Lịch phân tích, như trường hợp Bệnh viện GTVT, nếu theo hướng đề xuất trên, tất cả tài sản đó sẽ chuyển thành phi lợi nhuận. Nhà nước không lấy gì hết, các bệnh viện đó được quyền nhận viện phí, nhận tài trợ như các nước vẫn làm… Theo ĐB Lịch, ở các nước những trường đại học gọi là thương mại không ai học và chỉ đi bán bằng, với bệnh viện cũng vậy.

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang