Cứu sống trẻ ngưng tim sau khi tiêm vắc xin
Chiều 26/11, ông Nguyễn Văn Hai, Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam, cho biết: Trung tâm Y tế huyện Quế Sơn đã báo cáo gấp về sở trường hợp một trẻ bị sốc phản vệ, nguy kịch sau khi tiêm vắc xin 5 trong 1 đã được cứu sống.
Sở đã tiến hành kiểm tra toàn bộ số lô vắc xin 5 trong 1 tiêm đợt này và không phát hiện dấu hiệu bất thường. Đấy là trường hợp sốc phản vệ rất cá biệt, phụ thuộc vào cơ địa của từng trẻ.
Trước đó, sáng 26/11, Trung tâm y tế huyện Quế Sơn đã cứu sống thành công cháu Nguyễn Trúc Vân (3 tháng tuổi), con gái của chị Lê Thị Thu Hà (trú tại xã Quế An, huyện Quế Sơn), bị sốc phản vệ thuốcdo tiêm vắc xin dẫn đến ngưng tim.
Người nhà cho biết: khoảng 8h sáng cùng ngày chị Hà đưa cháu Vân đến Trạm Y tế xã Quế An để tiêm vắc xin 5 trong 1 theo lịch tiêm chủng mở rộng. Sau khi tiêm, hai mẹ con về lại nhà thì chị Hà phát hiện cháu Vân mặt mày tím tái không thở được liền đưa đến Trung tâm Y tế huyện để cấp cứu.
Tại đây, các bác sĩ đã chẩn đoán cháu Vân bị sốc phản vệ nặng do tiêm vắc xin 5 trong 1,đã tiến hành trợ thở ôxy, cấp cứu. Khoảng 30 phút sau, cháu Vân tỉnh lại, nhịp tim đập lại bình thường. Tiền phong (trang 2)
Nhiều bệnh viện phải tự mua thuốc dù đã đấu thầu tập trung
Ngày 26/11, Sở Y tế TPHCM có văn bản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc về việc mua các loại thuốc không lựa chọn được nhà thầu và các thuốc phát sinh trong quá trình điều trị của các đơn vị sự nghiệp y tế. Lý do khi triển khai đấu thầu thuốc tập trung nhưng không lựa chọn được nhà thầu đối với một số mặt hàng thuốc.
Theo sở này, đối với những loại thuốc nào không lựa chọn được nhà thầu theo kế hoạch mua sắm tập trung năm 2015 và các loại thuốc phát sinh trong quá trình điều trị, thì cho phép các bệnh viện trực thuộc được tổ chức tự mua sắm.
Thời gian thực hiện hợp đồng đối với các mặt hàng này sẽ có hiệu lực cho đến khi có kết quả đấu thầu tập trung vào tháng 8/2016.
Các bệnh viện căn cứ theo nhu cầu điều trị, xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với những mặt hàng phải tự mua sắm nói trên, trình Sở Y tế TPHCM trước ngày 20/12. Tiền phong (trang 2)
Năm 2016 thực hiện kê khai giá thuốc qua mạng
Ngày 26-11, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) tổ chức lễ công bố dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trong lĩnh vực đăng ký thuốc và kê khai, kê khai lại giá thuốc.
Việc triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trong lĩnh vực đăng ký thuốc và kê khai, kê khai lại giá thuốc bắt đầu áp dụng trong quý 1 năm 2016 và tiến hành thí điểm trong thời gian sáu tháng.
Trong thời gian thực hiện thí điểm, để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, đồng thời bảo đảm tránh gián đoạn hoạt động trong giai đoạn đầu triển khai, các doanh nghiệp vẫn được phép nộp hồ sơ đăng ký, hồ sơ kê khai giá thuốc bằng bản giấy như quy định hiện đang thực hiện. Hai hệ thống đăng ký thuốc và kê khai giá trực tuyến bằng file mềm và đăng ký hồ sơ bằng file cứng được xem xét, xử lý độc lập và đồng thời. Thanh niên (trang 3)
Nếu không đủ tiêu chí phải ngừng tuyển sinh đào tạo nhân lực y tế
Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã có Quyết định số 5758/QĐ-BGDĐT ngày 19/11/2015 cho phép Trường đại học Kinh doanh và Công nghệ (ĐHKD&CN) được mở ngành đào tạo trình độ đại học chính quy ngành y đa khoa và dược học. Để có thông tin thêm về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Minh Lợi, Phó Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế.
PV: Thưa ông, Bộ GD&ĐT đã có Quyết định số 5758/QĐ-BGDĐT ngày 19/11/2015 cho phép Trường ĐHKD&CN được mở ngành đào tạo trình độ đại học chính quy ngành y đa khoa và dược học. Ông có thể cho biết quan điểm của Bộ Y tế về vấn đề này?
Ông Nguyễn Minh Lợi: Chúng tôi được biết, cách đây hơn 2 năm trường đã làm hồ sơ trình Bộ GD&ĐT đề nghị cho phép mở ngành đào tạo trình độ đại học ngành y đa khoa và dược học nhưng chưa được Bộ GD&ĐT chấp thuận. Vào thời điểm đó, Bộ Y tế cũng đã có công văn đề nghị Bộ GD&ĐT thống nhất không mở ngành tại các cơ sở không đủ năng lực, nhất là các cơ sở đào tạo đa ngành không chuyên về y, dược. Tháng 12/2014, Bộ GD&ĐT đã có công văn tạm dừng mở ngành đào tạo y đa khoa, y học cổ truyền, răng hàm mặt trình độ đại học và ngành dược học trình độ đại học, cao đẳng.
Việc Bộ GD&ĐT cho phép Trường ĐHKD&CN mở ngành vừa rồi là do trường liên tục đề nghị với Bộ GD&ĐT vì đã chuẩn bị các điều kiện để mở ngành. Tuy nhiên, về phía Bộ Y tế, chúng tôi vẫn yêu cầu cần phải thành lập đoàn thẩm định liên ngành.
Trên cơ sở đề nghị của Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế đã cử cán bộ tham gia đoàn thẩm định do một đồng chí Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT làm trưởng đoàn. Đây là lần đầu tiên Bộ Y tế được tham gia thẩm định mở ngành đào tạo trong lĩnh vực y tế mà Thông tư số 08/2011/TT-BGDĐT ngày 17/2/ 2011 của Bộ GD&ĐT chưa quy định việc này.
Sau khi xem xét đề án cũng như kiểm tra các điều kiện cụ thể của trường tại cơ sở Bắc Ninh, Đoàn thẩm định thống nhất: trường cần bổ sung, làm rõ thêm để hoàn thiện đề án. Chúng tôi cũng đã nêu rõ, trường cần bổ sung, hoàn thiện và làm rõ một số vấn đề liên quan đến các nội dung yêu cầu về chuyên môn như: đội ngũ giảng viên cơ hữu chuyên ngành, cơ sở thực tập tại trường, cơ sở thực hành ngoài trường và sự tham gia của các giảng viên cơ hữu chuyên ngành tại các cơ sở thực hành ngoài trường,... Các ý kiến này cũng đã được đoàn thẩm định thống nhất trong biên bản ngày 5/10/2015.
Theo quy trình, Bộ Y tế hiểu rằng Bộ GD&ĐT đã kiểm tra, rà soát, xác định và nhất trí với những sửa chữa, bổ sung của trường theo góp ý của Bộ Y tế cũng như các thành viên tại cuộc thẩm định. Chính vì vậy, Bộ Y tế mới có Công văn số 8860/BYT-K2ĐT ngày 17/11/2015, trong đó yêu cầu trường hoàn thiện theo biên bản mới ủng hộ việc mở ngành.
Theo quy định hiện hành, việc xem xét và quyết định cho phép mở ngành đào tạo thuộc thẩm quyền của Bộ GD&ĐT.
PV: Ông có thể cho biết kế hoạch phối hợp giữa hai Bộ trong thời gian tới để đảm bảo chất lượng đào tạo nhân lực y tế.
Ông Nguyễn Minh Lợi: Theo thống nhất giữa Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế trong nhiều lần làm việc, hai Bộ sẽ tiến hành kiểm tra việc duy trì các điều kiện đảm bảo việc mở ngành và chất lượng đào tạo đối với Trường ĐHKD&CN nói riêng và các cơ sở đào tạo nhân lực y tế khác trong cả nước. Trường hợp không đáp ứng các điều kiện do Bộ Y tế đề xuất, chúng tôi sẽ kiến nghị Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho ngừng tuyển sinh.
Bộ Y tế đang phối hợp với Bộ GD&ĐT đẩy mạnh chương trình đổi mới căn bản, toàn diện trong đào tạo lĩnh vực y, dược. Các hoạt động không chỉ là vấn đề mở ngành mà còn nhiều nội dung khác cũng rất quan trọng như tiêu chí xác định quy mô đào tạo, việc đổi mới toàn diện chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy, các điều kiện đảm bảo chất lượng và mục tiêu cuối cùng là đảm bảo đầu ra phải đáp ứng đúng năng lực mà ngành y tế yêu cầu. Bộ Y tế đang đề xuất và xây dựng chính sách trong đó sẽ tổ chức thi chứng chỉ hành nghề theo như thông lệ quốc tế, điều này đòi hỏi các cơ sở đào tạo phải ý thức sâu sắc về việc đảm bảo chất lượng đào tạo và phải có tinh thần trách nhiệm cao đối với xã hội và đối với sinh viên của mình.
PV: Xin cảm ơn ông! Sức khỏe đời sống (trang 3)
Suýt mất mạng vì tiêm mật gấu vào chỗ đau
Mật gấu từ lâu đã được dân gian truyền miệng về những tác dụng như “thần dược” và được đứng vào hạng mục những dược liệu quý hiếm. Tuy nhiên, việc sử dụng mật gấu bừa bãi vì thiếu hiểu biết về công dụng và cách dùng đã đưa đến những hậu quả đáng tiếc. Mới đây, BVĐK huyện Mộc Châu (Sơn La) đã tiếp nhận một trường hợp hy hữu khi sử dụng mật gấu để điều trị đau lưng, kết quả bệnh không những không khỏi mà đã chuyển sang biến chứng nặng, đe dọa tính mạng.
Bác sĩ Nguyễn Văn Dinh - Phó trưởng Khoa Ngoại, BVĐK Mộc Châu cho biết, sáng 17/11, BVĐK Mộc Châu tiếp nhận một bệnh nhân tên Giàng A Páo, 43 tuổi, ở bản Tà Dê, xã Lóng Luông, Vân Hồ, Sơn La. Anh Páo nhập viện trọng tình trạng khối áp-xe ở lưng đã vỡ, chảy mủ, bốc mùi hôi thối. Người nhà anh Páo cho biết, trước khi nhập viện 15 ngày, anh Páo bị đau lưng, nghe có người mách mật gấu tiêm vào sẽ khỏi đau lưng, sẵn nhà có mật gấu anh đã nhờ người tiêm mật gấu vào vùng thắt lưng tại nhà. Sau đó vùng lưng xuất hiện một khối áp-xe rất lớn, toàn bộ vùng da ở lưng bị lóc, khối cơ vùng lưng bị hoại tử trên diện rộng. Tại BV, các bác sĩ tiến hành làm xét nghiệm, kết quả cho thấy bệnh nhân có chỉ số đường huyết cao 32mmol/l (chỉ số này ở người bình thường là 7mmol/l). Nhận thấy đây là trường hợp bệnh nặng, tình trạng biến chứng, nhiễm khuẩn huyết hoặc hôn mê có thể xảy ra bất cứ lúc nào, các bác sĩ Khoa Ngoại đã tiến hành hội chẩn toàn bệnh viện ở tất cả các chuyên khoa và tiến hành mổ cấp cứu cho bệnh nhân. Cùng với đó, bệnh nhân được chỉ định điều trị nội khoa tích cực. Sau khi tình trạng bệnh tạm ổn, bệnh nhân đã được chuyển lên BV Bạch Mai để điều trị tiếp, sau 5 ngày điều trị tại BV Bạch Mai, tình trạng bệnh nhân đã thuyên giảm, sức khỏe dần ổn định.
Theo y học cổ truyền, mật gấu có tên là hoàng đởm, vị đắng, tính hàn, không độc, có màu xanh hoặc nâu. Mật gấu có sắc tố mật (bilirubin), các muối kim loại của axit cholic, đặc biệt chỉ mật gấu mới có axit urso-desoxycholic. Theo TTND. BS. Nguyễn Xuân Hướng - nguyên Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam, mật gấu chỉ dùng để xoa bóp bên ngoài trị bầm tím, tụ máu. Ngoài ra, mật gấu có tính sát khuẩn đặc biệt, được dùng giảm đau chống viêm trong bệnh thấp khớp làm tan huyết đông và mỡ,... Mật gấu chữa chấn thương rất tốt, giúp các mô bị tổn thương nhanh chóng phục hồi, nó có tác dụng làm tan máu tụ để khôi phục sự tuần hoàn máu đến vết thương, làm vết thương chóng lành... Tuy nhiên, lương y Nguyễn Xuân Hướng nhấn mạnh, tuyệt đối không dùng mật gấu để tiêm và dùng cho đường uống. Mật gấu rất nóng và độc, nếu uống mật gấu vào sẽ bị phá tế bào gan và thận, gây suy gan suy thận dẫn tới tử vong. Vì vậy, trước khi sử dụng cần phải có hiểu biết nhất định, không nên nghe đồn thổi về công dụng của mật gấu mà sử dụng sai cách thức dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.
BS. Nguyễn Xuân Hướng cảnh báo thêm, nhiều người cũng nghe đồn uống mật của một số loại động vật khác như mật cá, mật lợn để chữa bệnh là cực kỳ nguy hiểm và phản khoa học bởi mật của tất cả các con vật đều độc và ảnh hưởng xấu tới sức khỏe. Sức khỏe đời sống (trang 1)