TPHCM: Hơn 600 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm
Chiều 26/1, Đoàn kiểm tra liên ngành trung ương về an toàn thực phẩm do Thanh tra Bộ Y tế chủ trì đã có buổi làm việc với Ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm TPHCM.
Theo Ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm thành phố, từ ngày 30-12-2015, UBND thành phố đã ráo riết chỉ đạo việc thực hiện kế hoạch triển khai đến 405 đoàn thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm Tết trên địa bàn.
Theo đó, sau gần 1 tháng thực hiện, hơn 400 đoàn này đã kiểm tra 1.975 cơ sở, phát hiện 602 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm.
Thế nhưng, tính đến thời điểm này, chỉ có 179 cơ sở vi phạm bị xử lý với số tiền phạt hơn 1 tỷ đồng. Trong đó, có 3 cơ sở bị đình chỉ sản xuất, 21 cơ sở bị buộc phải tiêu hủy trên 1,8 tấn thực phẩm.
Theo ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, phần lớn hành vi vi phạm của các cơ sở là thực hiện sai quy định về điều kiện con người, vệ sinh trang thiết bị, giấy đăng ký kinh doanh…
Trong dịp Tết Bính Thân sắp tới, các đoàn thanh kiểm tra sẽ tập trung phát hiện thực phẩm không an toàn chứa phụ gia, hóa chất độc hại, tồn dư thuốc bảo vệ thực phẩm. Vì đây là những vấn đề rất nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.( Tiền phong trang 2)
Bệnh nhân nhập viện tăng đột biến
Thời tiết buốt giá, mưa liên tục, nhiệt độ xuống thấp khiến trẻ em, người già mắc các bệnh về hô hấp, tim mạch tăng đột biến.
Bị sốc nhiệt vì rét
Ghi nhận của phóng viên ngày 26-1 tại Bệnh viện Bạch Mai, số lượng bệnh nhi tới khám tăng so với ngày thường. Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai), bác sĩ Nguyễn Thành Nam cho biết, hiện số bệnh nhân đến khám chủ yếu mắc các bệnh liên quan đến hô hấp và tiêu hóa, trong đó, nhiều trẻ bị viêm phổi vì nhiễm lạnh. Số lượng trẻ bị viêm phổi có thể tăng đột biến trong khoảng 5-7 ngày sau rét. Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp (Bệnh viện Bạch Mai) ông Dương Đức Hùng cho biết, những ngày qua, số lượng bệnh nhân liên quan đến các bệnh về huyết áp, tim mạch, tai biến tăng đáng kể, đặc biệt là người lớn tuổi.
Thông tin từ Sở Y tế Lai Châu cho biết, từ ngày 24 đến 26-1, giá rét gây ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt, đặc biệt là tình hình sức khỏe của trẻ em và người cao tuổi. Tại Khoa Nhi và Khoa Nội (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu) ngày 26-1, các giường bệnh gần như đã kín bệnh nhân. Trung bình mỗi ngày có trên 320 lượt bệnh nhân tới khám và điều trị (khoảng 35-40 bệnh nhân nhập viện do giá rét). Bác sĩ Đỗ Văn Giang, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu cho biết, bệnh nhân nhập viện vì giá rét chủ yếu là người già và trẻ em mắc các bệnh về huyết áp, tim mạch và hô hấp. Một số người dân ở các xã vùng sâu, vùng xa đi bằng xe máy vượt tuyến lên thẳng bệnh viện tỉnh mà không ủ ấm cho người bệnh dẫn đến người bệnh bị sốc nhiệt.
Chủ động chống rét cho bệnh nhân
Để phòng chống rét cho bệnh nhân, ông Dương Đức Hùng - Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp (Bệnh viện Bạch Mai) cho hay, bệnh viện đã huy động tất cả chăn, màn, đệm chuẩn bị cho các bệnh nhân nhập viện. Bên cạnh đó, việc phòng tránh rét cho các bệnh nhân ngay tại giường bệnh cũng được đảm bảo. Các khe hở trong các phòng đã được che chắn để không bị hút gió. Bệnh viện cũng cho phép người nhà bệnh nhân mang thêm chăn, các loại túi sưởi để chống rét.
Theo bác sĩ Đỗ Văn Giang - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu, trước tình hình bệnh nhân nhập viện có xu hướng tăng, bệnh viện đã chủ động lên kế hoạch, bố trí nhân lực, vật lực y tế để đảm bảo chăm sóc, cấp cứu kịp thời cho bệnh nhân. Bên cạnh đó, bệnh viện cũng trang bị đèn sưởi, điều hòa cho các phòng cấp cứu, phòng đẻ, phòng có trẻ sơ sinh, người cao tuổi và một số phòng đặc biệt để giúp giữ ấm cho người bệnh. Đối với những phòng chưa có điều hòa và đèn sưởi, trang bị thêm chăn, đệm để người bệnh đủ ấm. Ngoài ra, các khoa, phòng chủ động đun, nấu nước sôi, thức ăn nóng, đảm bảo đủ dinh dưỡng để phục vụ bệnh nhân trong những ngày giá rét.
Trưởng khoa Nhi tổng hợp (Bệnh viện Xanh Pôn), bác sĩ Nguyễn Văn Thường khuyến cáo, thời tiết lạnh đột ngột kèm theo mưa phùn tạo điều kiện thuận lợi cho virus phát triển, trẻ em dễ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp dẫn đến các bệnh viêm họng, viêm amidan, viêm phổi. Nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm, rất dễ biến chứng gây nên suy hô hấp, dẫn đến tử vong. Để tránh nhiễm bệnh, người dân cần chú ý giữ ấm khi đi ra đường. Người già, trẻ nhỏ cần giữ ấm trong các phòng có thiết bị sưởi, điều hòa nhưng phải đảm bảo thông thoáng. Ngoài ra, cần duy trì chế độ ăn đảm bảo dinh dưỡng, khoa học.( An ninh thủ đô trang 6)
Cùng chủ đề còn có các tin, bài sau:
Nhân dân (trang 8) 27/1: Số người nhập viện vì giá rét tăng cao
Gia đình & xã hội (trang 2+3+4+6) 27/1: Miền Bắc mưa rét kỷ lục: Người đến khám giảm, bệnh nhân nhập viện tăng mạnh
Công bố đường dây nóng về cung ứng thuốc trong dịp Tết
Ngày 26-1, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã có công văn đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố, các bệnh viện, Tổng công ty Dược Việt Nam, các đơn vị cung ứng thuốc có kế hoạch dự trữ, cung ứng thuốc trong dịp tết Nguyên đán Bính Thân 2016.
Theo đó, yêu cầu các đơn vị này chú trọng nguồn thuốc cấp cứu, thuốc phòng và điều trị dịch bệnh mùa đông xuân, bệnh lây qua đường hô hấp, tiêu hóa. Lãnh đạo các sở y tế cần tăng cường quản lý, thanh tra, không để xảy ra tình trạng tăng giá thuốc bất hợp lý trong trường hợp có dịch bệnh bùng phát.
Cục Quản lý dược cũng cử cán bộ trực và công bố đường dây nóng (0988721299) trong dịp Tết nhằm kịp thời giải quyết vướng mắc trong việc cung ứng thuốc phục vụ người dân.( Hà Nội mới trang 5)
Bé sơ sinh nặng 5,1kg
Bác sĩ Nguyễn Bửu Thuyên – trưởng khoa sản Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức (thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) cho biết, vừa mổ thành công cho sản phụ Nguyễn T. M.Tr. (26 tuổi, trú tại xã Điện Phước, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) một bé trai nặng “khủng”.
Theo bác sĩ ở Khoa phụ sản cho biết, chị M.Tr. nhập viện vào sáng ngày 25/1 và đã được kiểm tra kỹ không có dấu hiệu bệnh lý gì. Tuy nhiên qua siêu âm, các bác sĩ dự đoán trọng lượng của trẻ khoảng 5kg nên sẽ khó sinh bình thường và khuyên nên phẫu thuật.
Ca mổ được tiến hành lúc 9h ngày 25/1 và một bé trai nặng đến 5,1kg đã được sinh mổ an toàn.
Sau 1 ngày theo dõi, sáng nay (26/1) tình trạng sức khỏe của bé trai hoàn toàn ổn định.
Được biết chị M.Tr. mang thai lần đầu tiên, trong quá trình mang thai chị đã uống hết 20 lon sữa “bầu”. Hiện tại sức khỏe chị M.Tr. ổn định.
Theo lãnh đạo Khoa phụ sản Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức cho biết, đây là lần đầu tiên một bé sơ sinh có cân nặng “khủng” được sinh ở bệnh viện.( Tuổi trẻ trang 4)