Trung tâm y tế thị trấn Trường Sa sắp hoạt động
Công trình trị giá gần 30 tỉ đồng, trong đó bạn đọc Tuổi Trẻ đóng góp 22 tỉ đồng tại đảo Trường Sa Lớn đã cơ bản hoàn thành.
Trong hai ngày 25 và 26-12, đoàn công tác của Bệnh viện quân y 175 và báo Tuổi Trẻ gồm thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn - giám đốc Bệnh viện quân y 175, chuẩn đô đốc Lê Minh Thành - phó Tư lệnh hải quân và ông Lê Xuân Trung - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ đã có chuyến thăm và kiểm tra tiến độ công trình Trung tâm y tế thị trấn Trường Sa, tại đảo Trường Sa Lớn, tỉnh Khánh Hòa.
Công trình Trung tâm y tế thị trấn Trường Sa nâng cấp từ bệnh xá thị trấn Trường Sa có vốn đầu tư gần 30 tỉ đồng, trong đó bạn đọc báo Tuổi Trẻ đóng góp 22 tỉ đồng thông qua chương trình “Chung sức bảo vệ chủ quyền biển Đông” của báo.
Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn đánh giá đến thời điểm này công trình đã cơ bản hoàn thành, chất lượng, công năng, thẩm mỹ được đảm bảo.
Ông đề nghị lãnh đạo, chỉ huy đảo Trường Sa lớn sớm chọn thời điểm thích hợp để chuyển toàn bộ thiết bị y tế, nhân lực từ bệnh xá hiện nay sang trung tâm y tế vừa xây dựng để kịp thời khám chữa bệnh cho nhân dân, chiến sĩ, cán bộ trên đảo Trường Sa lớn và khu vực lân cận.
Chia sẻ với quân và dân trên đảo Trường Sa, ông Lê Xuân Trung nói công trình Trung tâm y tế thị trấn Trường Sa là tình cảm, trách nhiệm của bạn đọc dành cho Trường Sa gửi gắm qua báo Tuổi Trẻ. Và báo sẽ luôn làm hết sức mình để tình cảm, trách nhiệm đó của bạn đọc giúp sức cho Trường Sa hiệu quả, thiết thực nhất.
Ngoài 22 tỉ đồng của bạn đọc góp sức vào công trình, báo Tuổi Trẻ cùng Bệnh viện quân y 175 đã vận động một gói thiết bị y tế 7 tỉ đồng để trang bị cho Trung tâm y tế thị trấn Trường Sa.
Cũng trong chuyến công tác, Bệnh viện quân y 175 và báo Tuổi Trẻ đã thăm và tặng quà tết cho chiến sĩ, cán bộ, nhân dân trên đảo Trường Sa lớn.
Trung tá Đỗ Thế Tuyến - chỉ huy trưởng kiêm chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa lớn - cho biết nhờ có nhiều chuyến tàu, máy bay ra đảo vào dịp cận tết nên hàng hóa cho chiến sĩ, người dân trên đảo đã được đáp ứng đầy đủ, sung túc (Tuổi trẻ trang 4).
Vụ hai bệnh nhân tử vong sau gây mê tại BV Trí Đức: Yêu cầu kiểm tra chất lượng thuốc
Ngày 26/12, bà Trần Thị Nhị Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, ngay sau khi xảy ra sự cố 2 bệnh nhân tử vong sau tiêm thuốc gây mê tại Bệnh viện Đa khoa Trí Đức (219 Lê Duẩn, Hà Nội), báo cáo của lãnh đạo bệnh viện cho biết, lô thuốc sử dụng cho hai bệnh nhân này đã sử dụng cho bệnh nhân khác và không xảy ra tai biến.
Trước thời điểm 2 bệnh nhân tử vong nghi sốc phản vệ, các thuốc này cũng đã được sử dụng cho một số bệnh nhân khác và gần đây nhất là sử dụng hôm 24/12 cho bệnh nhân được phẫu thuật, nhưng không ghi nhận phản ứng bất thường.
Được biết, cơ quan công an cũng đã làm việc với hai bác sĩ chịu trách nhiệm về gây mê ở hai kíp mổ, lấy tường trình tại thời điểm xảy ra vụ việc. Đoàn kiểm tra chuyên môn đã kiểm tra điều kiện bảo quản thuốc tại bệnh viện, cho thấy điều kiện đảm bảo phù hợp với nhiệt độ, độ ẩm của thuốc được nhà sản xuất ghi trên nhãn.
Bệnh viện đã xuất trình toàn bộ hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của thuốc gây mê này. Hiện toàn bộ số thuốc còn lại của bệnh viện đã được niêm phong để phục vụ công tác điều tra.
Liên quan đến hai cán bộ y tế tham gia kíp mổ nhưng không có tên trong hồ sơ nhân sự làm việc thường xuyên, hai điều dưỡng này đã có bằng cấp, chứng chỉ hành nghề liên quan và có hợp đồng làm việc tại Bệnh viện đa khoa Trí Đức. Cả hai cán bộ này chỉ tham gia phụ mổ, không trực tiếp làm các thủ thuật liên quan trực tiếp cho bệnh nhân.
Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cho biết thêm: “Sở đã làm việc với nhà cung cấp loại thuốc gây mê sử dụng cho 2 bệnh nhân nói trên, đồng thời xin ý kiến chuyên môn của Bộ Y tế về thuốc đã sử dụng cho bệnh nhân thì đây là những thuốc thông thường vẫn sử dụng tại các bệnh viện”.
Sở Y tế cho hay, ba nhà cung ứng các loại thuốc đã dùng cho bệnh nhân bị tử vong, gồm: Công ty Dược liệu T.Ư 2, Công ty cổ phần dược phẩm T.Ư 1 và Công ty Dược phẩm Vĩnh Phúc. Sở đã yêu cầu các đơn vị này rà soát báo cáo về số thuốc cùng lô dùng cho 2 bệnh nhân cung ứng cho các bệnh viện; các phản ứng bất thường liên quan đến thuốc (nếu có), các kết quả kiểm nghiệm chất lượng thuốc…
Về thông tin một trong hai kíp mổ liệu có biết việc tai biến xảy ra với bệnh nhân còn lại không, bà Hà cho hay, hai ca phẫu thuật được thực hiện gần như song song tại hai phòng mổ, với hai kíp mổ khác nhau.
Theo nhận định của lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội, đánh giá ban đầu các bác sĩ chẩn đoán 2 bệnh nhân bị sốc phản vệ. Theo bà Nhị Hà: “Sau tiền mê 30 giây bệnh nhân tím tái, khó thở, tụt huyết áp, lú lẫn, lơ mơ.
Thuốc bệnh nhân sử dụng gây mê giống nhau, chỉ khác nhau liều lượng (phụ thuộc vào cân nặng của bệnh nhân), là loại thuốc sử dụng phổ biến tại các bệnh viện, bệnh nhân xuất hiện cùng triệu chứng huyết áp tụt, vã mồ hôi, ngừng tim; cùng xảy ra tại Bệnh viện đa khoa Trí Đức, một thời điểm cách 20 phút. Để tìm ra nguyên nhân vụ việc, Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo Bệnh viện Đa khoa Trí Đức rà soát lại toàn bộ quy trình gây mê, hồi sức cấp cứu cho bệnh nhân của bệnh viện”.
Sở Y tế Hà Nội cho rằng những nhận định trên là nghi vấn ban đầu, kết quả cuối cùng phải phụ thuộc vào khám nghiệm tử thi của hai bệnh nhân do cơ quan pháp y thực hiện. Dự kiến, khoảng 4 tuần nữa mới có kết quả pháp y. Sở Y tế Hà Nội cũng sẽ thành lập hội đồng chuyên môn của ngành để xem xét hồ sơ đã niêm phong.
Các thuốc gây mê đều có nguy cơ sốc phản vệ
PGS.TS Nguyễn Hữu Đức, Giảng viên chính bộ môn Dược, ĐH Y Dược TPHCM, cho biết, quá trình gây mê diễn biến qua các giai đoạn: Tiền mê, khởi mê, duy trì mê, hồi tỉnh và giai đoạn sau mổ. Trong bất kỳ giai đoạn nào đều có thể xảy ra các tai biến và biến chứng. Người gây mê cần phải thăm khám, đánh giá, tiên lượng tình trạng bệnh nhân trước thực hiện để có kế hoạch gây mê hồi sức hợp lý.
Đồng thời cần phải theo dõi sát bệnh nhân trong và sau gây mê, nhằm kịp thời phát hiện và xử trí các biến chứng có thể xảy ra, đảm bảo an toàn cho bệnh nhân. Thuốc gây mê là tiến bộ của y học nhưng cũng là con dao hai lưỡi.
Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Đức, bên cạnh những lợi ích, thuốc gây mê có thể gây tác dụng phụ. như suy hô hấp, giảm huyết áp, suy chức năng tuần hoàn não. Một số thuốc có thể gây suy gan, suy thận. Chính vì vậy, khi sử dụng thuốc gây mê, thường phối hợp nhiều thuốc có tác dụng khác nhau để tạo ra trạng thái mê cân đối.
PGS.TS Nguyễn Hữu Đức khẳng định: “Về nguyên tắc, tất cả thuốc gây mê đều có nguy cơ sốc phản vệ. Chỉ có điều tỷ lệ nhiều hay ít. Muốn xác định nguyên nhân dẫn đến sốc phản vệ khi gây mê, cần tìm hiểu thuốc sử dụng gây mê, quy trình tiến hành gây mê, trình độ người thực hiện…
Một số bệnh nhân mắc các bệnh lý đặc biệt như loạn dưỡng cơ, bỏng, tổn thương tủy sống, đái tháo đường; bệnh tim, thận; tăng huyết áp… là những trường hợp có nguy cơ cao gây phản ứng với thuốc gây mê”.
Khi tiến hành gây mê, bác sĩ gây mê cần đánh giá sức khỏe của bệnh nhân, thảo luận với bệnh nhân về phương thức gây mê giảm đau cho từng trường hợp phẫu thuật cụ thể. Chịu trách nhiệm gây mê kiểm soát đau cho bệnh nhân, theo dõi chăm sóc bệnh nhân trong phẫu thuật và ngay sau phẫu thuật. Bác sĩ gây mê phải có bằng cấp, chứng chỉ chuyên khoa gây mê hồi sức hợp lệ (Tiền phong trang 6), An ninh thủ đô trang 8), Hà nội mới trang 1).
Vụ hai bệnh nhân tử vong tại BV Trí Đức, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: Xử lý nghiêm nếu có sai phạm
Tai biến y khoa là vấn đề nóng hiện nay. Bên cạnh những tai biến y khoa do không lường trước được thì có những tai biến do trình độ, năng lực cũng như thái độ thờ ơ, vô cảm của một số cán bộ ngành y trong quá trình chăm sóc và điều trị khiến tính trạng bệnh nặng thêm, thậm chí có trường hợp tử vong. Ngày 26.12, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có những trả lời thẳng thắn xoay quanh vấn đề này.
Tất cả đều đau xót
Chiều 26.12, trong buổi tiếp xúc báo chí thông tin về công tác y tế năm 2016, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết hiện nay ngành y tế đang tiến hành thay đổi toàn diện về thái độ phục vụ người bệnh của cán bộ y tế. Tuy nhiên, chuyện một số cơ sở y tế xảy ra những tai biến y khoa đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của ngành.
Đối với các trường hợp mà Bộ Y tế nắm được thông tin từ các phương tiện truyền thông, Bộ Y tế đều khẩn trương, nghiêm túc chỉ đạo xem xét, xử lý nghiêm minh. Vụ mổ nhầm chân ngày 9.7 tại BV Việt Đức, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức đã ký quyết định tạm đình chỉ hoạt động phẫu thuật với bác sĩ Phan Văn Hậu – phẫu thuật viên chính cho người bệnh.
Vụ việc cháu Lê Thị Hà Vi (Đắc Lăk) bị cưa chân có thiếu sót trong quá trình điều trị do trình độ chuyên môn hạn chế, khi có diễn biến xấu không được xử trí kịp thời, Sở Y tế tỉnh Đắc Lăk đã kỷ luật ban giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Cư Kuin, đồng thời Sở Y tế cũng đưa ra khung xử phạt vi phạm hành chính đối với bệnh viện này theo nghị định 176 của Chính phủ.
Mới đây nhất là vụ việc hai bệnh nhân tử vong sau gây mê tại Bệnh viện Đa khoa Trí Đức ngày 25.12, Bộ trưởng đã thay mặt lãnh đạo ngành y tế, xin gửi lời chia buồn sâu sắc nhất, chia sẻ với mất mát lớn lao của hai gia đình người bệnh. “Bản thân tôi và tất cả những người làm trong ngành y tế đều cảm thấy đau đớn. Tôi tin là không chỉ gia đình, người thân của nạn nhân mà cả phía bệnh viện cũng rất đau đớn về mất mát này”- bà nói.
Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết đã yêu cầu Cục Quản lý Khám chữa bệnh chỉ đạo Sở Y tế Hà Nội phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan để làm rõ nguyên nhân sự việc với quan điểm xử lý nghiêm nếu có sai phạm.
“Bảo hiểm trách nhiệm”
Theo bộ trưởng Tiến, Luật Khám bệnh, chữa bệnh 40/2009/QH12 quy định rất rõ ràng về tai biến trong khám bệnh, chữa bệnh. Luật Khám bệnh chữa bệnh cũng dành hẳn Mục 1 Chương 7 để quy định về “Sai sót chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh chữa bệnh”.
Theo đó, tai biến y khoa có thể do sai sót chuyên môn kỹ thuật trong khám, chữa bệnh như nhầm thuốc, nhầm phẫu thuật (người bệnh, vị trí, phương pháp, sót dụng cụ), chẩn đoán sai/chậm; phác đồ/quy trình không cập nhật, do nhân viên y tế (nhân viên mới, tắc trách…)... Tuy nhiên, tai biến y khoa cũng có thể do xảy ra ngoài ý muốn trong khám bệnh, chữa bệnh mặc dù người hành nghề đã tuân thủ các quy định chuyên môn kỹ thuật.
Như vậy, có thể nói không phải tất cả các vụ việc xảy ra vừa qua sai sót đều thuộc về phía bệnh viện. “Tai biến có thể là do rủi ro xảy ra ngoài ý muốn. Mà nghề y là một nghề đặc biệt, đối tượng cung cấp hay tiếp nhận dịch vụ khám, chữa bệnh đều là con người mà con người thì “nhân vô thập toàn”, vì vậy việc xảy ra các tai biến trong quá trình khám, chữa bệnh luôn có khả năng xảy ra”, bà Tiến cho hay.
Tại Mỹ, đất nước được coi là có nền y học tiên tiến bậc nhất thế giới, sai sót y khoa là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 3 sau viêm phổi và ung thư, với số lượng được báo cáo là 251.454 ca/năm, và con số thực tế có khả năng cao hơn nhiều. Tại Việt Nam, chưa có nghiên cứu nào về vấn đề này, tuy nhiên các vụ việc tai biến xảy ra được cho là do sai sót chuyên môn vẫn được báo chí đưa tin rất nhiều, mà gần đây nhất là vụ mổ nhầm chân của BV Việt Đức.
Để giải quyết vấn đề trên, bảo hiểm trách nhiệm chính là hình thức bảo hiểm giúp chung sức giải quyết trách nhiệm cho người hành nghề, cho cơ sở khám, chữa bệnh khi xảy ra tình huống tai biến không mong muốn đó.
Xây dựng Thông tư hướng về quản lý rủi ro, sự cố y khoa tự nguyện
Bộ Y tế đã ban hành các văn bản chỉ đạo về vấn đề phòng ngừa, hạn chế và khắc phục sai sót y khoa, chỉ thị về thiết lập đường dây nóng tiếp nhận phản ánh trực tiếp của người dân,…
Theo kiến nghị của Bộ trưởng, cần phải thay đổi tư duy trừng phạt sang khuyến khích động viên báo cáo tự nguyện rủi ro, sự cố y khoa. Quán triệt quan điểm “nhân vô thập toàn”, “học hỏi, rút kinh nghiệm từ sai sót để hạn chế lặp lại từ các cấp lãnh đạo.
Bộ trưởng Tiến cũng mong được Quốc hội ủng hộ, hỗ trợ cho việc thiếp lập tổ chức chứng nhận chất lượng độc lập. Đồng thời các Bộ ngành và người dân phối hợp cùng Bộ Y tế kiểm tra, giám sát chất lượng bệnh viện và an toàn người bệnh. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính phối hợp cùng Bộ Y tế tìm giải pháp để Nghị định 102/2011/NĐ-CP thực sự có hiệu lực, giúp cho người hành nghề và cơ sở khám chữa bệnh trước những nguy cơ, rủi ro, sự cố không mong muốn.
Đặc biệt, Bộ Y tế đang tiếp tục xây dựng Thông tư hướng về quản lý rủi ro, sự cố y khoa tự nguyện, trong đó chú trọng việc thiết lập hệ thống thu thập, báo cáo rủi ro sự cố bắt buộc và tự nguyện trong bệnh viện, dự kiến sẽ ban hành trong năm 2017 (Lao động trang 2).
Đình chỉ hoàn toàn hoạt động phẫu thuật, thủ thuật của Bệnh viện đa khoa Trí Đức
Ngày 26-12, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết: Sở Y tế Hà Nội đã ban hành quyết định đình chỉ hoàn toàn hoạt động phẫu thuật, thủ thuật có liên quan đến sử dụng thuốc gây mê tại Bệnh viện đa khoa Trí Đức, khiến hai người bệnh chết.
Trước nghi vấn chất lượng thuốc gây mê cho hai người bệnh có vấn đề, Phó Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà cho biết thêm: Ngay sau khi xảy ra sự cố, đoàn cán bộ của Sở Y tế đã có mặt tại Bệnh viện đa khoa Trí Đức, cùng phối hợp cơ quan công an để làm việc. Theo báo cáo của lãnh đạo Bệnh viện đa khoa Trí Đức, lô thuốc sử dụng cho hai người bệnh này đã sử dụng cho người bệnh khác và không xảy ra tai biến. Ngoài ra, cơ quan công an cũng đã làm việc với hai bác sĩ chịu trách nhiệm về gây mê ở hai kíp mổ, lấy lời tường trình tại thời điểm xảy ra vụ việc. Đoàn kiểm tra chuyên môn đã kiểm tra điều kiện bảo quản thuốc tại bệnh viện. Kết quả cho thấy, điều kiện bảo đảm phù hợp nhiệt độ, độ ẩm của thuốc được nhà sản xuất ghi trên nhãn.
Bệnh viện đã xuất trình toàn bộ hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của thuốc gây mê này. Hiện toàn bộ số thuốc còn lại của bệnh viện đã được niêm phong. Sở Y tế Hà Nội cũng đã làm việc với nhà cung cấp loại thuốc gây mê nói trên, xin ý kiến chuyên môn của Bộ Y tế về thuốc đã sử dụng cho người bệnh, thì đây là những thuốc thông thường vẫn sử dụng tại các bệnh viện...
Cùng ngày, Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) có công văn đề nghị Sở Y tế Hà Nội giải quyết vụ việc hai người bệnh tử vong do phẫu thuật tại Bệnh viện đa khoa Trí Đức. Theo đó, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan để xác định nguyên nhân dẫn đến tử vong hai người bệnh tại Bệnh viện đa khoa Trí Đức; kịp thời thăm hỏi, động viên, chia sẻ với gia đình người bệnh tử vong. Xác định trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan và xử lý kịp thời theo đúng quy định hiện hành (nếu có)… (Nhân dân trang 8)
Cấp cứu bệnh nhân từ Trường Sa về TP.HCM bằng thủy phi cơ
Một bệnh nhân bị viêm tụy cấp được Thủy phi cơ DHC-6 mang số hiệu VNT-772 đưa từ Trường Sa vào đất liền cấp cứu.
Lúc 10 giờ 59 phút ngày 26.12, thủy phi cơ VNT-772 (thuộc Lữ đoàn Không quân Hải quân 954) đã đưa bệnh nhân từ Trường Sa hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất, chuyển về Bệnh viện quân y 175 (TP.HCM) tiếp tục điều trị.
Bệnh nhân là thiếu tá Nguyễn Văn Lâm, đang công tác ở Trường Sa, bị viêm tụy cấp.
Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Bệnh viện quân y 175, người trực tiếp tham gia đưa bệnh nhân về đất liền chữa bệnh, cho biết đoàn công tác Bệnh viện quân y 175 có chuyến làm việc tại Trung tâm y tế thị trấn Trường Sa (thuộc đảo Trường Sa) chuẩn bị cho việc khai trương trung tâm y tế sau khi nâng cấp và sửa chữa.
Sáng 26.12, trước khi đoàn công tác trở về thì Bệnh xá Trường Sa báo có ca cấp cứu ngoại khoa về ổ bụng. Sau khi khám và hội chẩn sơ bộ nhận thấy có một số xét nghiệm của bệnh nhân có dấu hiệu bất thường, nếu điều trị tại bệnh xá thì sẽ gặp một số khó khăn nên thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn đã trực tiếp khám cho bệnh nhân và quyết định vận chuyển bệnh nhân về đất liền theo đoàn công tác cho kịp thời gian.
Ngay sau khi xuống sân bay, bệnh nhân đã được chuyển về Bệnh viện quân y 175 an toàn. "Bệnh nhân sẽ được làm các xét nghiệm thêm và hội chẩn ngay trong chiều nay (26.12)", thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn cho biết. (Thanh niên trang 2).