Tác dụng ngược khi lạm dụng thuốc giải độc gan
Giải độc gan dù là thuốc bổ, thế nhưng nếu được đưa vào cơ thể quá mức cần thiết, gan sẽ phải tăng cường làm việc để thải bớt các hợp chất dư thừa và làm tăng áp lực cho gan.
Loạn thuốc giải độc gan
Chỉ cần gõ 4 từ “thuốc giải độc gan” trên thanh công cụ tìm kiếm của Google, chỉ trong khoảng 0,61 giây, bạn sẽ tìm được hơn 3 triệu kết quả - một con số đủ khẳng định mức độ phổ biến của loại thuốc này trong cuộc sống hàng ngày. Trên thị trường, thuốc giải độc gan có rất nhiều loại với nhiều thương hiệu và giá cả khác nhau. Bên cạnh các nhà sản xuất trong nước, còn cả các hãng nước ngoài khiến thị trường ngày càng trở nên sôi động. Để thu hút thêm sự chú ý của người tiêu dùng, các hãng dược còn tung ra sản phẩm chuyên biệt dành riêng cho nam hoặc nữ.
Về mặt công dụng, hầu hết các nhà sản xuất đều khẳng định, thuốc của mình có tác dụng chữa trị: dị ứng, mụn nhọt, nổi mề đay do bệnh gan gây ra; chống suy giảm chức năng gan cho người dùng nhiều bia rượu; hỗ trợ giải độc gan cho người dùng nhiều thuốc và hóa chất; hỗ trợ điều trị xơ vữa động mạch, mỡ trong máu cao…
Cũng bởi loại thuốc này có tác dụng khá rộng, giúp khắc phục các biểu hiện điển hình nhất của sức khỏe nên nó được sử dụng rất phổ biến. Ngoài ra, với cam kết làm từ 100% thảo dược nên thuốc giải độc gan phần lớn được sử dụng không theo chỉ định của bác sĩ.
Chị Nguyễn Thu Hằng (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi hay ăn đồ cay, nóng nên người lúc nào cũng ngứa ngáy, mụn nhọt nổi rất nhiều nên thường xuyên sử dụng thuốc giải độc gan. Còn ông xã hay bia rượu nên cũng phải dùng thuốc này để hỗ trợ giải độc cơ thể”. Chị Nguyễn Thu Hằng cho biết thêm thời gian gần đây, chị uống thuốc giải độc gan quanh năm, suốt tháng để thải bớt chất độc từ môi trường, thực phẩm. Một nguyên nhân nữa khiến chị Hằng càng yên tâm là do thuốc được làm từ 100% thảo dược nên không có hại cho sức khỏe.
Thảo dược vẫn có thể gây hại
Thực tế, lạm dụng thuốc giải độc gan là tình trạng khá phổ biến hiện nay. Theo bác sĩ Lê Quang Lộc, nguyên Trưởng Liên khoa: Răng hàm mặt, Tai mũi họng, Mắt, Da liễu, Bệnh viện Xanh Pôn, sở dĩ như vậy là do nhiều người nhầm về công dụng của thuốc cũng như hiểu nhầm về các biểu hiện bệnh.
Chẳng hạn, đa số mọi người đều nghĩ rằng, ngứa ngáy, mụn nhọt, ăn không ngon là gan bị nóng, và để hạ nhiệt gan, người ta sẽ nghĩ ngay đến thuốc giải độc. Thế nhưng, sự thực đây còn là biểu hiện của rất nhiều bệnh khác như rối loạn nội tiết, dị ứng, viêm da… Và dùng thuốc giải độc gan trong những trường hợp như thế này là “râu ông nọ, cắm cằm bà kia”, thực sự không hiệu quả, hoặc nếu có chỉ là rất ít.
Bác sĩ Lê Quang Lộc cho biết thêm, nhiều người tin rằng dùng thuốc giải độc gan sau khi uống bia, uống rượu là cách bảo vệ gan hữu hiệu, tuy nhiên không có loại thuốc nào có thể chống lại tác hại của bia rượu, chất kích thích. Muốn thuốc có tác dụng, phải tuân theo chỉ định của bác sĩ, nếu sử dụng tùy tiện sẽ làm tăng gánh nặng cho gan. Thực tế, có nhiều người sau một thời gian uống rượu và uống thuốc giải độc gan liên tục đã bị tổn thương gan, mà nguyên nhân có thể do cồn, cũng có thể do người bệnh đã tự ý uống tăng liều thuốc giải độc gan để hiệu quả gấp đôi, gấp ba…
Bất cứ loại thuốc nào cũng vậy, dù là thảo dược thì vẫn có thể gây hại cho sức khỏe. Chẳng hạn, tác dụng của nhân trần là lợi mật, nhuận gan, nhưng nếu không có bệnh và dùng hàng ngày thì nó lại khiến nhuận gan quá mức, khiến gan tiết ra nhiều dịch hơn. Như vậy là vừa hại gan, vừa hại sức khỏe. Tương tự, mướp đắng chứa nhiều vitamin và khoáng chất, có tác dụng kháng viêm, giải nhiệt, song nếu dùng quá mức sẽ làm tăng men gan, thiếu máu, tán huyết…
Hơn nữa, nếu cơ thể vẫn khỏe mạnh, bình thường mà chúng ta lại tự ý bổ sung thêm các chất khác vào thì đương nhiên sẽ dẫn tới tình trạng thừa, quá mức. Điều này sẽ khiến gan phải làm việc vất vả hơn để loại bớt các chất đó ra khỏi cơ thể, do đó, hoàn toàn không có lợi. Cũng chính vì vậy, dù là sử dụng thuốc bổ hay các loại thuốc thảo dược thì cũng không nên lạm dụng và tốt nhất là nên sử dụng theo chỉ định của bác sĩ (An ninh Thủ đô, trang 8).
40 bệnh viện triển khai bệnh án điện tử từ 2018
PGS Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế), cho biết 40 bệnh viện thuộc Bộ Y tế sẽ triển khai bệnh án điện tử từ 1.1.2018. Hiện tại đã có 5 bệnh viện: Nhi T.Ư, Y học cổ truyền T.Ư, Phụ sản T.Ư, Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh và T.Ư Huế triển khai, tuy nhiên vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Với bệnh án điện tử, mọi kết quả chẩn đoán xét nghiệm, kê đơn thuốc, diễn tiến trong quá trình điều trị... thay vì ghi trong bệnh án giấy như hiện nay thì sẽ được lưu lại trong máy tính.
Bệnh án này giúp cho kiểm soát kê đơn, kịp thời phát hiện các bất hợp lý (nếu có) như: chỉ định quá mức cần thiết, tương tác có hại của thuốc, kê trùng lặp hoạt chất... và thuận lợi trong việc tra cứu các dữ liệu phục vụ điều trị. Tuy nhiên, theo phản ánh từ các bệnh viện, chi phí đầu tư cho bệnh án điện tử khá tốn kém, trung bình khoảng 8 - 9 tỉ đồng/bệnh viện i
Báo động nguy cơ sốc sốt xuất huyết
Hiện nay đang mùa mưa, là thời điểm bệnh sốt xuất huyết (SXH) gia tăng. Tổng số ca tử vong do SXH từ đầu năm 2017 đến nay ở TPHCM là 3 trường hợp. Trong các ca bệnh đang nằm viện, có nhiều trường hợp bị sốc SXH trong tình trạng rất nặng, nguy kịch đến tính mạng.
Gia tăng số ca bệnh
Thông tin từ Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM cho biết, trong tuần vừa qua số ca SXH ở TPHCM tăng đột biến lên đến 339 ca, tăng 40% so với trung bình 4 tuần trước đó (246 ca). Trong đó có 1 trường hợp tử vong tại quận Bình Tân, nâng tổng số ca tử vong do SXH từ đầu năm đến nay trên địa bàn lên 3 trường hợp.
Tại Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1, trung bình mỗi tuần có trên 70 trẻ nhập viện vì SXH. TS-BS Ngô Ngọc Quang Minh, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, BV Nhi đồng 1 cho biết, hiện số trẻ mắc SXH đang điều trị tại BV là 116 trường hợp, trong đó có khoảng 10 trường hợp bị sốc SXH khá nặng.
Có những trường hợp phải thở máy và đã có 2 trường hợp tử vong do sốc SXH, được chuyển đến từ các địa phương khác khi bệnh diễn tiến đã quá nặng, không thể cứu chữa.
Tại BV Nhi đồng 2, trung bình mỗi tuần bệnh viện tiếp nhận từ 45 - 50 ca. Theo bác sĩ Đỗ Châu Việt, Trưởng khoa Nhiễm, BV Nhi đồng 2, hiện BV đang cấp cứu cho 5 trường hợp SXH nặng đang điều trị tại khoa.
Trong đó, có 4 trường hợp đã qua cơn nguy kịch, được cứu sống và chuyển ra bên ngoài phòng nội trú thông thường. Còn lại 1 trường hợp vẫn đang theo dõi đặc biệt tại khu hồi sức cấp cứu.
Trong số hàng chục bệnh nhi nhập viện thì có 10%-15% các bé bị nặng. Tại BV Bệnh nhiệt đới, nơi chuyên sâu về điều trị cho những bệnh nhân mắc SXH là người lớn, trong những ngày qua số lượng nhập viện cũng liên tục gia tăng.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa Nhiễm D cho biết, số ca nhập viện vì SXH trong tháng 6 đã tăng từ 30% - 40% so với tháng 5. Con số này cũng tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Nguyên nhân, người lớn thường chủ quan hơn, mắc bệnh nhưng không để ý, tự đi mua thuốc uống, không theo dõi sát bệnh nên đa phần nhập viện trễ và thường gặp nhiều biến chứng, sốc, thậm chí tử vong.
Tăng cường các biện pháp phòng chống
Trước tình trạng gia tăng các bệnh nhi nhập viện bị sốc SXH từ các địa phương chuyển đến, BV Nhi đồng 1 đã thành lập 5 đội cơ động để xử lý các trường hợp SXH tại BV và kịp thời hỗ trợ cho các BV tuyến quận, huyện khi có yêu cầu.
TS-BS Ngô Ngọc Quang Minh cho biết, hiện BV đã chuẩn bị các loại thuốc, dịch truyền, máu, máy thở, máy lọc máu cũng như nhân sự sẵn sàng phục vụ cho công tác điều trị bệnh SXH. Ngoài ra, cũng tăng cường tập huấn cho các bác sĩ, diều dưỡng để điều trị, chăm sóc bệnh nhi bị nặng.
Ngành Y tế dự phòng TP cũng đang ráo riết thực hiện công tác phòng chống, dập dịch. Theo bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, hiện nay biện pháp kiểm soát véc tơ truyền bệnh, kiểm soát muỗi không mang lại hiệu quả cao.
Trong khi đó, những khu đất, bãi đất bỏ hoang, vựa ve chai, công trình xây dựng có nhiều vật chứa nước vô tình xuất hiện, trở thành nguồn lây bệnh cho cộng đồng dân cư. Tuy nhiên, việc chống dịch bệnh SXH tại các địa phương hiện còn hết sức lơ là. Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng cho biết, trung tâm đã triển khai mô hình kiểm soát điểm nguy cơ, những điểm có thể phát sinh muỗi, lăng quăng trong cộng đồng.
“Trong thời gian tới, ngành y tế dự phòng sẽ tăng cường phối hợp triển khai trong cộng đồng, địa phương thành lập những đội, tổ phát hiện điểm nguy cơ để phát hiện, xử lý. Đồng thời kiến nghị các địa phương tăng cường xử phạt nghiêm khắc đối với những nơi cố tình không thực hiện theo hướng dẫn trong việc xử lý điểm nguy cơ, trong địa bàn mình quản lý”, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng nói (Sài Gòn giải phóng, trang 2).
Nỗ lực khống chế tỷ số giới tính khi sinh
Trong bối cảnh hiện nay tỷ số giới tính khi sinh (TSGTKS) chung của cả nước vẫn chưa có dấu hiệu giảm thì Hà Nội đã và đang kiềm chế được tốc độ này. Trong hai năm 2015 và 2016, TSGTKS của Hà Nội đã giảm xuống 114 trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái. Ước tính năm 2017, Hà Nội vẫn giữ được tỷ số này.
Nói về thực trạng mất cân bằng giới tính khi sinh (GTKS), Chi cục trưởng Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) Hà Nội Tạ Quang Huy cho biết: Hiện nay, tình trạng này đã và đang gia tăng, trở thành một trong những vấn đề nóng của công tác DS-KHHGĐ. Theo các chuyên gia, để giảm được TSGTKS xuống và đưa trở về mức tự nhiên 105 trẻ sơ sinh trai/107 trẻ sơ sinh gái là cả một vấn đề nan giải. Với các giải pháp được đề ra, TSGTKS ở Việt Nam không được vượt quá 115 trẻ trai vào năm 2020 và sau đó mới có khả năng duy trì, khống chế, giảm dần xuống. Hiện nay, trong số các quốc gia rơi vào tình trạng này, duy nhất mới có Hàn Quốc đưa được TSGTKS về mức tự nhiên trong vòng 20 năm. Trên địa bàn TP Hà Nội, tình trạng mất cân bằng GTKS diễn ra khá phức tạp. Tỷ số GTKS của Hà Nội luôn cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Năm 2009, TSGTKS của Hà Nội rất cao 118 trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái (viết tắt là 118/100). Với những nỗ lực của những người làm công tác dân số và sự vào cuộc của thành phố, TSGTKS của Hà Nội đã giảm từ 117/100 (năm 2010, 2011) xuống 114,5/100 (năm 2014). Trong các năm liên tiếp 2015, 2016, 2017, TSGTKS của Hà Nội đã được khống chế ở mức 114/100. Trong tình hình chung TSGTKS diễn biến phức tạp và vẫn có xu hướng tăng, việc Hà Nội khống chế tỷ số này không tăng trong ba năm liền đã là một kết quả đáng khích lệ, nhất là khi Hà Nội được giao chỉ tiêu không tăng quá 0,4 điểm phần trăm/năm.
Tuy nhiên, đồng chí Tạ Quang Huy cũng nhấn mạnh, mặc dù TSGTKS không tăng trong ba năm liền nhưng Chi cục DS-KHHGĐ Hà Nội xác định không được chủ quan với kết quả đó. Theo báo cáo sáu tháng đầu năm TSGTKS ở một số quận, huyện ngoại thành còn khá cao: Ứng Hòa là 132,6/100, Mê Linh là 127/100, Ba Vì 123,6/100, Sóc Sơn 123,5/100, Sơn Tây 123,2/100, Mỹ Đức 121,9/100. Tuy các con số nêu trên không đại diện cho một tỉnh, một vùng, nhưng cũng vẫn là một điểm cần lưu ý. Đặc điểm chung là tại các quận, huyện ngoại thành, TSGTKS cao hơn trong nội thành, nguyên nhân là do người dân nơi đây còn nặng tâm lý phải có con trai.
Để tiếp tục khống chế và giảm dần TSGTKS, thời gian qua, TP Hà Nội đã có nhiều giải pháp, tăng cường tuyên truyền, vận động người dân phối hợp các cấp, các ngành trên địa bàn thực hiện Kế hoạch kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh. Trong tháng 4 vừa qua, Chi cục DS-KHHGĐ Hà Nội phối hợp Thanh tra Tổng cục DS-KHHGĐ kiểm tra, thu hồi và xử phạt theo quy định hai đầu sách có nội dung tuyên truyền, lựa chọn giới tính thai nhi. Trước đó, năm 2015, Hà Nội cũng đã xử lý hai trường hợp vi phạm công bố giới tính thai nhi. Gần đây nhất, Hà Nội cũng đã xử phạt Bệnh viện Hồng Ngọc vì hành vi quảng cáo lựa chọn giới tính thai nhi trên website.
Bên cạnh đó, thành phố đã phân cấp cho các quận, huyện, thị xã tổ chức thanh tra, kiểm tra đột xuất, thường xuyên với các cơ sở y tế, phòng khám cung cấp dịch vụ siêu âm, xét nghiệm giới tính thai nhi. Dự kiến, trong tháng 8, 9, Hà Nội sẽ triển khai đợt cao điểm về thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực này. Đặc biệt, TP Hà Nội đã chỉ đạo nhiều giải pháp quyết liệt về công tác DS-KHHGĐ, nhiều văn bản quan trọng được ban hành, như: Đề án Sàng lọc trước sinh, sơ sinh giai đoạn 2016 - 2020; kế hoạch kiểm soát mất cân bằng GTKS đến năm 2025; Nghị quyết 15/2016/NQ-HĐND về một số giải pháp tăng cường công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020, chuyển đổi trọng tâm chính sách DS-KHHGĐ sang dân số và phát triển, tập trung các hoạt động nâng cao chất lượng dân số (Nhân dân, trang 5).