Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 27/2/2017

  • |
T5g.org.vn - Phát triển mạng lưới y tế mạnh từ cơ sở; Tri ân các lương y có công phát triển y học cổ truyền Việt Nam; Liên thông kết quả xét nghiệm – cần phải có hệ thống kiểm chuẩn quốc gia...

 

Phát triển mạng lưới y tế mạnh từ cơ sở

Mục tiêu mà Kế hoạch số 29/KH-UBND của UBND TP Hà Nội ban hành ngày 13-2-2017 về xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở (YTCS) nêu rõ: Đổi mới tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực cung ứng và chất lượng dịch vụ của mạng lưới YTCS, thực hiện quản lý, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân theo hướng toàn diện và liên tục. Đây là hướng phát triển đúng đắn nhằm xây dựng mạng lưới y tế mạnh từ cơ sở.

Bài đầu: Trạm y tế… đìu hiu

Mạng lưới y tế cơ sở (YTCS) vốn được coi như “xương sống” của ngành Y tế, bao gồm những đơn vị y tế gần dân nhất, có thể phát hiện bệnh sớm nhất và giải quyết hầu hết những chứng bệnh đơn giản. Tuy nhiên, hiện nay, tuyến YTCS vẫn gặp không ít khó khăn, nhiều trạm y tế lâm vào cảnh đìu hiu, vắng bệnh nhân...

Người dân chưa mặn mà...

Theo thống kê, cả nước có hơn 11.000 trạm y tế xã, phường, thị trấn, thì có gần 3.200 trạm cần xây mới và 3.597 trạm cần nâng cấp, sửa chữa… Trung bình, các trạm y tế chỉ cung cấp được 52,2% trong số 108 dịch vụ kỹ thuật cho phép, chủ yếu là do thiếu cán bộ hoặc cán bộ chưa được đào tạo (chiếm 52,7%), không có trang thiết bị, thiết bị cũ, hỏng (chiếm 45,8%). Ngay tại Hà Nội, dù có đến 560/584 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về YTCS (chiếm tỷ lệ 96%) với trên 4.300 cán bộ công tác tại trạm, nhưng trên thực tế vẫn còn không ít trạm y tế rơi vào cảnh... đìu hiu.

9h30 sáng 22-2, phóng viên Báo Hànộimới đã có buổi thị sát tại Trạm y tế xã Uy Nỗ (Đông Anh). Trái ngược với cảnh bệnh nhân chen chúc, đợi chờ ở các bệnh viện tuyến thành phố, trạm y tế nơi đây vắng hoe, nằm lọt thỏm trong khuôn viên một bên là cửa hàng bán cây cảnh và một bên bán đồ gốm sứ. Hầu hết các phòng chuyên môn như: Dược, khám phụ khoa, siêu âm, xét nghiệm, khám thai… đều trong tình trạng "cửa đóng, then cài". Cả trạm chỉ có hai phòng mở cửa làm việc với sự có mặt của hai nhân viên y tế và một người dân đến lấy thuốc điều trị ung thư.

Tương tự, 10h30 tại Trạm y tế thị trấn Đông Anh, dù được xây dựng khá khang trang, nhưng tại khu vực bàn khám phân loại không có bóng dáng nhân viên y tế cũng như bệnh nhân nào. Dù nhà cách các trạm y tế này không xa, nhưng chị Đinh Tuyết Mai (39 tuổi ở Cao Lỗ, xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh) chưa một lần đặt chân đến đó khám bệnh. Chị Mai cho biết, do không tin tưởng vào năng lực khám chữa bệnh (KCB) của nhân viên y tế nơi đây, nên kể cả khi trẻ nhỏ trong nhà chỉ bị ho, sốt là gia đình đã đưa đến bệnh viện.

Không riêng gì huyện Đông Anh, tại quận Long Biên có 14/14 phường đạt tiêu chí quốc gia về YTCS giai đoạn 2011-2020, song nhiều trạm y tế hiện không thu hút được người bệnh, nhất là những trạm gần khu vực Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, các phòng khám tư nhân. Các trạm y tế này chỉ “sôi nổi” vào những ngày cao điểm triển khai tiêm chủng mở rộng hay tổ chức cho trẻ uống vitamin A. Trưởng một trạm y tế phường trên địa bàn quận Long Biên chia sẻ, dù được đầu tư nâng cấp và đạt chuẩn từ năm 2005, đến nay, những thiết bị tại trạm như: Máy xét nghiệm nước tiểu 10 thông số, máy siêu âm, điện tim, test nhanh bệnh tiểu đường… đã quá “cổ điển”. Cùng với đó, danh mục thuốc BHYT tại trạm quá hạn chế, nên trung bình tại đây chỉ thu hút khoảng 10 bệnh nhân/ngày. Đó cũng là thực trạng của hầu hết các trạm y tế trên địa bàn TP Hà Nội.

Phát triển y tế cơ sở song hành với chuyên sâu

Trong 5 năm qua, bình quân một trạm y tế của Hà Nội được đầu tư 11,2 tỷ đồng để đào tạo chuyên môn, bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị. Hiện có 286 trạm y tế đề xuất được cải tạo, nâng cấp và hơn 80 trạm cần xây mới. Vấn đề đặt ra là, nhiều trạm y tế xã, phường, thị trấn được đầu tư rất khang trang, nhưng hoạt động kém hiệu quả.

Ngay như Trạm y tế phường Tây Mỗ (Nam Từ Liêm) - nơi đảm nhận nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe, KCB cho hơn 24.000 người dân trên địa bàn, nhưng cũng chỉ có khoảng 10% người dân chủ động đến khám sức khỏe và từ tháng 6-2016, trạm đã kết hợp KCB, khám sàng lọc, lập hồ sơ sức khỏe cho khoảng 6.000 trường hợp. Dù người dân đánh giá tích cực về hoạt động KCB ban đầu, tư vấn sức khỏe khi chưa có bệnh tại đây, song do vướng mắc về cơ chế liên quan đến tài chính, nên chưa triển khai được nhiều.

Tại buổi làm việc với TP Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đặt vấn đề, hiện trong 10 người có thẻ BHYT chỉ có khoảng 4 người sử dụng thẻ để đi khám ở YTCS. Nếu tính thử với 24.000 người dân thì nguồn thu BHYT ở một phường như Tây Mỗ là hơn 15 tỷ đồng. Nếu chỉ dành 10% nguồn kinh phí BHYT cho trạm y tế, thì người dân hoàn toàn có thể được khám định kỳ, có hồ sơ quản lý sức khỏe, được tư vấn sức khỏe, định hướng chuyển tuyến khi có bệnh và không còn cảnh có bệnh mới đi khám. Từ đó, khắc phục tình trạng nhiều trạm y tế xã, phường, thị trấn được đầu tư rất khang trang nhưng cán bộ y tế có ít việc để làm, thu nhập thấp, trình độ chuyên môn cũng ít nhiều đi xuống. Hơn lúc nào hết, đây là thời điểm cần phải thúc đẩy YTCS phát triển mạnh mẽ hơn, song hành cùng y tế chuyên sâu.(Hà Nội mới, trang 1).

 

Tri ân các lương y có công phát triển y học cổ truyền Việt Nam

Ngày 26-2, nhân dịp kỷ niệm 62 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến và Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Văn Dung đã đến thăm, tria ân lương y Thiên Tích (tên thật là Nguyễn Đình Tích, gần 100 tuổi) và lương y Nguyễn Văn Bách (93 tuổi). Đây là hai lương y đã có công dịch ra tiếng Việt bộ Hải Thượng Y Tông Tâm Lĩnh gồm 28 tập, 66 quyển bao gồm lý, pháp, phương, dược và biện chứng luận trị về nội khoa và ngoại khoa, sản phụ khoa, khoa nhi…(Hà Nội mới, trang 5)

 

Liên thông kết quả xét nghiệm – cần phải có hệ thống kiểm chuẩn quốc gia

Dư luận từng kêu trời vì việc các bệnh viện (BV) không chịu công nhận kết quả xét nghiệm của nhau, khiến người dân vừa tốn kém không cần thiết, vừa vất vả, lại mất thời gian chờ đợi, rất phiền hà mỗi khi phải chuyển từ BV này sang BV khác. Vì thế, chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về việc phải thực hiện liên thông kết quả xét nghiệm đối với các phòng xét nghiệm thuộc các BV trực thuộc Bộ Y tế trước ngày 1-7-2017 thực sự là một tin vui với người bệnh…(Công an nhân dân, trang 7)

 

Bệnh viện Xanh Pôn tăng giờ khám, tăng người lấy mẫu xét nghiệm sau khi bị người bệnh than phiền

Sáng 23-2, Phòng khám bệnh của Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn đã chính thức làm việc từ 7h sáng, thay vì từ 7h30 như thường lệ. Riêng khu vực lấy mẫu bệnh phẩm được tăng thêm 7 người cùng 2 bàn lấy máu xét nghiệm thay vì chỉ c ó 4 bàn như trước. Đây là sự cải tiến mạnh mẽ và tức thời ngay sau khi Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thị sát tại Bệnh viện vào ngày 22-2, đã chỉ ra một số bất cập trong khâu tổ chức khám bệnh, khiến bệnh nhân phải phàn nàn vì chờ đợi lâu…(Công an nhân dân, trang 7) 

 

Bệnh viện Thống Nhất và câu chuyện về y đức

Sài Gòn Tháng Giêng nắng như đổ lửa. Thế nhưng, phía trong khuân viên của bệnh viện Thống Nhất, cảm giác thật tuyệt vời dưới những rặng cây xanh mát rượi. Môi trường xanh – sạch vốn là “đặc sản” của BV Thống Nhất. Dạo một vòng hỏi han, chúng tôi đếu nhận được những lời khen tặng dành cho đội ngũ thầy thuốc nơi đây. Người dân thành phố cũng còn nhắc mãi những câu chuyện thật đẹp vào dịp cuối năm vừa qua tại nơi này, về sự tận tâm với bệnh nhân, đặc biệt là tính chuyên nghiệp trong việc cứu sống thành công những ca rất nặng, điển hình của ngành Y…(Công an nhân dân, trang 4) 

 

Những bác sĩ trong hiệu cắt tóc miễn phí

Phải chứng kiến bệnh nhân rụng tóc sau mỗi đợt điều trị, bác sĩ Vũ Quang Hưng đã nảy ra ý tưởng “mở hiệu” cắt tóc cho các bệnh nhân ngay tại bệnh viện. Thế là đã gần 6 năm nay, cứ vào chiều thứ năm hàng tuần các bệnh nhân ở Viện Huyết học & Truyền máu Trung ương lại xếp hàng để được cắt tóc miễn phí bởi “người thợ” trong màu áo blouse trắng…(An ninh thủ đô, trang 6)

 

Lên đường cấp cứu nạn nhân đúng đêm kỷ niệm ngày cưới

Mỗi khi có một vụ tai nạn hay ngộ độc tập thể lớn xảy ra ở những địa bàn xa xôi, khó khăn của Tổ quốc, khi mà việc cứu chữa cho các nạn nhân đã vượt quá khả năng của hệ thống y tế ở địa phương thì bao giờ cũng có những đoàn chuyên gia, bác sĩ ở các bệnh viện tuyến Trung ương lập tức lên đường hỗ trợ…(An ninh thủ đô, trang 7)

 

Giấc mơ Nobel Y học – tại sao không?

Mới đây, tại Hà Nội, Bệnh viện Quân Y 103 đã thực hiện ca ghép phổi từ người cho sống đầu tiên thành công tại Việt Nam. Trong khi đó, tại TP.Hồ Chí Minh, trong cuộc gặp thầy thuốc tiêu biểu nhân kỷ niệm 62 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam, Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Đinh La Thăng cho rằng, sẽ có thể tính tới việc lập một tổ chuyên gia đầu ngành nghiên cứu đề án phấn đấu TP. Hồ Chí Minh giành giải thưởng Nobel về Y học…(Lao động, trang 1)

 

Tự chủ 8 bệnh viện công, tiết kiệm 160 tỉ đồng/ năm

Năm 2016, ngành Y tế Nghệ An phát triển 155 kỹ thuật mới, trong đó 80 kỹ thuật tại bệnh viện tuyến tỉnh, 75 kỹ thuật tại bệnh viện tuyến huyện. Đến nay nhiều cơ sở y tế thực hiện thành công các kỹ thuật tiên tiến phức tạp, như: Can thiệp tim mạch, mổ tim hở, phẫu thuật mạch máu, thần kinh, cột sống, ghép tạng…(Lao động, trang 2)

 

25 ca đăng ký điều trị vô sinh đầu tiên tại Nghệ An

Chiều 25/02, tại TP Vinh, GS,TS. Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã về thăm và chỉ đạo hỗ trợ chuyên môn, chuyển giao kỹ thuật Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) giữa Trung tâm Hỗ trợ Sinh sản Quốc gia và Bệnh viện HNĐK Nghệ An - đơn vị đầu tiên và duy nhất tại Nghệ An thực hiện kỹ thuật cao này…(Lao động, trang 3)

 

 Nữ cán bộ y tế ở trung tâm cai nghiện

Vượt qua vô số thiệt thòi trong công việc, các nữ y sĩ tại Cơ sở xã hội Bàu Bàng (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng) hàng ngày vẫn đều đặn tiếp xúc với những người nghiện để cắt cơn, điều trị thuốc men cho họ. Với họ, niềm vui được nhân đôi khi nhìn thấy người bệnh khỏe mạnh và sớm quay trở về hòa nhập cộng đồng…(Lao động, trang 4)

 

Công đoàn chung sức hành động, vì sức khỏe cộng đồng

Bên cạnh thực hiện tốt đại diện quyền lợi cho cán bộ, nhân viên y tế, tổ chức các phong trào thi đua, công tác thiện nguyện, nhất là khám – chữa bệnh cho người dân miền núi khó khăn luôn được công đoàn Bệnh viên Phụ sản Trung ương quan tâm, phối hợp với chuyên môn thực hiện…(Lao động, trang 5) 

 

 LĐLĐ TP. Hà Nội: Gặp mặt, tặng quà cho 90 thầy thuốc tiêu biểu

Nhân dịp kỷ niệm 62 năm Ngày Thầy thuốc VN, LĐLĐ TP. Hà Nội đã tổ chức gặp mặt, trao tặng phẩm cho 90 thầy thuốc tiêu biểu của TP. Hà Nội. Phát biểu tại buổi gặp mặt, đồng chí Nguyễn Thị Tuyến - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, Chủ tịch LĐLĐ TP. Hà Nội – đã hoan nghênh các thầy thuốc tiêu biểu của TP. Hà Nội và nhấn mạnh, đây là những tấm gương sáng về y đức trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, những người đã có thành tích xuất sắc, có đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp phát triển y tế thủ đô…(Lao động, trang 5)

 

Hoạt động kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam

Nhân kỷ niệm 62 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam, ngày 26-2, đồng chí Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh đến thăm, chúc mừng cán bộ, y sĩ, bác sĩ Bệnh viện Quân y 175 và nhiều cơ sở y tế của TP Hồ Chí Minh…(Nhân dân, trang 1; Tuổi  trẻ, trang 3; Sài Gòn giải phóng, trang 1)

 

 Giúp người bệnh bằng những việc làm cụ thể, thiết thực

Dù còn nhiều khó khăn nhưng các cán bộ y tế, thầy thuốc vẫn đang ngày đêm tận tụy, bằng những việc làm cụ thể để trị bệnh, cứu người. Họ tự hào tiếp nối truyền thống vẻ vang của các bậc cha, anh đi trước, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân…(Nhân dân, trang 1)

 

Đổi mới toàn diện phong cách, thái độ phục vụ người bệnh

Ngày 4-6-2015, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 2151/KH-BYT phê duyệt kế hoạch triển khai thực hiện “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh”. Đây cũng là giải pháp để thực hiện mục tiêu xây dựng một “Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân”. Sau hơn một năm triển khai đã cho thấy có nhiều chuyển biến tích cực, làm cho hình ảnh ngành y ngày càng đẹp lên trong mắt người dân…(Nhân dân, trang 5)

 

 Những thầy thuốc trẻ tiêu biểu của thành phố mang tên Bác

Thành đoàn TP Hồ Chí Minh, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh vừa công bố Giải thưởng Phạm Ngọc Thạch năm 2017. Theo đó, có 27 y, bác sĩ trẻ được vinh dự nhận giải thưởng với các sáng kiến tiêu biểu mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng. Giải thưởng là sự tôn vinh những cán bộ y tế đã hết lòng vì sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân.(Nhân dân, trang 5)

 

Cuộc “cách mạng” trong lĩnh vực truyền máu

Cụm công trình “Nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ nhằm bảo đảm an toàn truyền máu, phục vụ cho cấp cứu và bảo đảm đủ máu dự trữ cho điều trị” của các nhà khoa học Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư vừa đoạt giải thưởng Hồ Chí Minh trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Đến nay, cụm công trình không chỉ được ứng dụng tại Viện mà còn được ứng dụng tại nhiều tỉnh, thành phố trên phạm vi toàn quốc…(Nhân dân, trang 5)  

Bị hoại tử vì nâng mũi

Ngày 26-2, GS-TS Trần Thiết Sơn, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội) cho biết vừa tiếp nhận bệnh nhân T.T.B. (17 tuổi, Quảng Ninh) bị tắc mạch máu mũi, gây hoại tử mũi do tiêm chất làm đầy (một dạng giống như silicon lỏng) giá rẻ để nâng cao mũi…(Thanh niên, trang 2)

 

Những thầy thuốc ở Trường Sa

Họ là những người thầy thuốc đặc biệt - những bác sĩ mặc áo lính, vừa làm nhiệm vụ phục vụ bộ đội ở quần đảo Trường Sa; vừa cấp cứu, điều trị cho ngư dân đang hành nghề trên biển.

Mổ cấp cứu cho ngư dân đi biển

Tối 25.2, các y bác sĩ ở Bệnh xá đảo Sơn Ca đã phẫu thuật thành công cho ngư dân Mai Trung Hải (45 tuổi, quê ở thôn Tây, xã An Hải, H.Lý Sơn, Quảng Ngãi) của tàu cá QNg96218 TS, do bị viêm ruột thừa. Trước đó, khoảng 16 giờ 20 cùng ngày, ngư dân Mai Trung Hải được đưa vào bệnh xá trong tình trạng đau bụng vùng thượng vị lan xuống rốn, khu trú hố chậu phải.

Các y, bác sĩ của Bệnh xá đảo Sơn Ca ngay lập tức khám bệnh nhân, thấy bụng trướng hơi, phản ứng cơ thành bụng, siêu âm hình ảnh viêm ruột thừa rõ. Sau đó, bệnh nhân được vào phòng mổ, đến 19 giờ 45 ca mổ đã thành công tốt đẹp. Thiếu tá, bác sĩ Vũ Tiến Hoạt - Bệnh xá trưởng Bệnh xá đảo Sơn Ca, cho biết bệnh nhân hiện nay ổn định, tỉnh táo, tiếp xúc tốt, vết mổ khô và sẽ xuất viện trong thời gian tới khi hoàn toàn bình phục. Đó là một trong những ca cấp cứu mà Bệnh xá đảo Sơn Ca nhiều lần thực hiện thành công.

Ở Bệnh xá đảo Song Tử Tây cũng vậy. Năm 2016, bệnh xá đảo đã khám, cấp phát thuốc 1.257 lượt người, trong đó có 427 lượt ngư dân đánh bắt ở ngư trường Trường Sa; cấp cứu và phẫu thuật cho hơn 20 bệnh nhân, trong đó có các trường hợp đe dọa đến tính mạng nếu không được cứu chữa kịp thời như: 2 ngư dân bị viêm ruột thừa cấp; cấp cứu 2 ngư dân khác bị mất máu nặng do tai nạn trên biển và một trường hợp xuất huyết tiêu hóa...

Ngày 28.9.2016, ông Trần Rân (sinh 1955, quê xã Hoài Hương, H.Hoài Nhơn, Bình Định) làm việc trên tàu BĐ 95690 TS, bị tai nạn lao động vào đảo lúc 19 giờ 30, trong tình trạng đứt gân hoàn toàn cẳng chân trái. Các y bác sĩ bệnh xá lập tức tiến hành sơ cứu sau đó phẫu thuật cẳng chân trái, điều trị vết thương ổn định, chuyển vào bờ ngày 2.10.2016.

Lần khác, ông Lê Văn Tuân (quê ở xã Hòa Hội, H.Phú Hòa, Phú Yên) đi trên tàu PY 96059 TS, vào đảo Song Tử Tây lúc 7 giờ 30 ngày 14.8.2016 trong tình trạng vết thương phức tạp, đứt gân cơ mạch máu, hoại tử 1/3 dưới cẳng tay trái. Các bác sĩ quân y tiến hành phẫu thuật, cắt bỏ hoại tử, chữa ổn định vết thương, sau đó chuyển bệnh nhân vào bờ ngày 19.8.2016.

Những ca cấp cứu như thế, có một số trường hợp, các thầy thuốc phải huy động hiến máu của cán bộ, chiến sĩ trên đảo để cứu bệnh nhân. Có những ca bệnh xảy ra với ngư dân như đột quỵ khi lặn ở độ sâu trên biển, bị tai nạn trong quá trình đánh bắt cá trên biển như gãy xương sườn, tràn máu màng phổi... nếu không được các thầy thuốc ở bệnh xá các đảo cứu chữa kịp thời thì sẽ khó tránh khỏi tử vong. Những ngày đầu năm 2017, các bác sĩ ở đảo Song Tử Tây cũng phẫu thuật thành công cho ngư dân Nguyễn Đăng Huy, thuyền viên tàu cá KH 90208 TS (P.Vĩnh Phước, TP.Nha Trang, Khánh Hòa) bị máy xay đá cắt tay khi đang đánh bắt hải sản ở gần khu vực đảo.

Dồn tâm sức, tình yêu thương

Đội ngũ y, bác sĩ ở bệnh xá các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, hầu hết đều chẩn đoán và điều trị kịp thời những bệnh nội khoa từ đơn giản đến phức tạp như: cảm, sốt vi rút, viêm phổi, viêm đường tiết niệu, ho ra máu... các ca bệnh đều được điều trị khỏi trong thời gian ngắn. Ngoài ra, bệnh xá còn thực hiện tốt công tác y tế dự phòng, các biện pháp vệ sinh phòng dịch, vệ sinh môi trường, không để xảy ra dịch bệnh; giáo dục sức khỏe, huấn luyện quân y cho bộ đội.

Đại úy, bác sĩ Đặng Trung Dũng (33 tuổi, chuyên khoa ngoại) - Bệnh xá trưởng đảo Song Tử Tây, tâm sự: “Đây là môi trường thuận lợi để chúng tôi rèn luyện toàn diện, các thầy thuốc ở đây được học tập thực tế rất nhiều về chuyên môn, nghiên cứu, điều trị trong nhiều tình huống, sẵn sàng chiến đấu... Chứng kiến ngư dân đánh bắt xa bờ vất vả, anh em đều dồn tâm sức và tình yêu thương để điều trị cho ngư dân sớm bình phục, trở lại ngư trường”.

Bệnh xá đảo Song Tử Tây hiện có 8 y, bác sĩ. Họ đều là những thầy thuốc trẻ tuổi được điều động từ các bệnh viện uy tín của quân đội trong đất liền ra đảo. Ngoài nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ và người dân trên đảo, hằng năm Bệnh xá đảo Song Tử Tây còn thăm khám điều trị miễn phí cho nhiều bà con ngư dân vào đảo. Bên cạnh những kinh nghiệm từ thực tế chữa trị các bệnh nhân ở đảo, các thầy thuốc ở đây còn được hỗ trợ đắc lực của các phương tiện kỹ thuật. Những ca bệnh nhân nặng, các bác sĩ được hội chẩn với những chuyên gia đầu ngành của Bệnh viện trung ương Quân đội 108 thông qua hệ thống telemedicine hoặc qua điện thoại trực tiếp.

Cùng với nhiệm vụ chuyên môn, các y bác sĩ ở đảo Song Tử Tây còn thực hiện tốt nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện quân sự, huấn luyện tổ chức chỉ huy quân y trên biển đảo, tự học tập nghiên cứu thêm nhiều tài liệu chuyên ngành để nâng cao tay nghề, tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao và tăng gia sản xuất.(Thanh niên trang 2)

 

Phát hiện virus cúm A/H7N9 độc lực cao

Ngày 26-2, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã có thông tin chính thức về một số thay đổi độc lực của virus cúm A (H7N9) trên gia cầm. Trước đó, WHO đã nhận được thông báo của Trung tâm Phòng chống bệnh tật Trung Quốc về kết quả giải trình tự gen của virus được phân lập từ 2 bệnh nhân cúm A (H7N9) tại Quảng Đông và phát hiện một số thay đổi của virus cúm A (H7N9) cho thấy virus đã thay đổi từ độc lực thấp sang độc lực cao ở gia cầm…(Thanh niên, trang 7) 

 

 Kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27.2): Ân tình ở khoa bệnh “độc nhất vô nhị” cả nước

Với nhiệm vụ “nâng niu bàn chân”, tưởng rằng công việc của các bác sĩ nơi đây không quá nặng nhọc. Tuy nhiên, thực tế công việc của họ rất vất vả và suốt tháng ngày luôn bị ám ảnh bởi những đôi bàn chân lở loét, bốc mùi...

Những bàn chân suýt… chết

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thiện - Trưởng khoa Chăm sóc bàn chân (Bệnh viện Nội tiết T.Ư) cho tôi xem một bàn chân lở loét toàn bộ, phơi thịt đỏ hỏn, có chỗ lại hoại tử đen kịt, chỗ chảy mủ và lẫn trong đó là những… con dòi. Bệnh nhân là ông N.T.M (60 tuổi, Hà Nội). Ông M. bị bệnh đái tháo đường nặng, nhưng việc điều trị không tốt dẫn đến chân bị biến chứng thần kinh, chân bị nhiễm trùng nặng. Tuy nhiên, ông lại giấu gia đình, chỉ đến khi bàn chân thì thối rữa gần hết, có dòi mới nhập viện. Gan bàn chân đã bị thối hõm sâu xuống, nhìn xuyên sang được cạnh bên kia của bàn chân.

“Tôi đã phải trực tiếp cắt gọt tỉ mỉ từng chút thịt thối, gắp dòi, lau sạch dịch bẩn, sát trùng, bôi thuốc cho ông ấy. Mỗi ngày 1-2 lần như vậy, cho đến khi bàn chân “sống” hoàn toàn. Sau đó, tôi lại lấy da ở đùi phủ lên bàn chân. Sau gần 2 tháng điều trị, bàn chân đã phục hồi, bệnh nhân ra viện và có thể đi lại” – bác sĩ Thiện cho biết.

Theo bác sĩ Thiện, bàn chân của bệnh nhân M chỉ là một trong hàng ngàn bàn chân, vết thương lở loét của bệnh nhân đái tháo đường hoặc gout mà ông đã chăm sóc. “Những vết thương thối, lở loét nên về mặt cảm quan là rất kinh khủng. Đặc biệt, ám ảnh nhiều bác sĩ, nhân viên y tế nhất chính là... mùi hôi thối khủng khiếp. Nhiều khi chỉ cần một bệnh nhân vào viện là từ đầu hành lang đến cuối hành lang đã thấy mùi” – bác sĩ Thiện chia sẻ.

Thế nhưng, bác sĩ Thiện và nhân viên y tế tại Khoa Chăm sóc bàn chân chưa bao giờ nề hà và trốn tránh các ca bệnh như thế. Với trách nhiệm chính là bác sĩ làm thủ thuật nên hàng ngày, bác sĩ Thiện phải “chúi mũi” vào cắt gọt thịt thối cho hàng chục bàn chân. Ngoài ra, ông cũng phải xử lý vô số các vết lở loét khác trên mọi bộ phận cơ thể của bệnh nhân đái tháo đường. Vết thương nào cũng bốc mùi rất khủng khiếp. Có những bàn chân nhìn thì chỉ thấy vết loét bằng đồng xu nhưng khi “mở” ra thì thịt nát mủn, máu mủ lẫn lộn. Nếu không phải là bác sĩ dày dạn thì có thể nôn thốc nôn tháo, bỏ ăn, mất ngủ - bác sĩ Thiện bảo vậy.

Khoa Chăm sóc bàn chân của Bệnh viện Nội tiết T.Ư là khoa bệnh độc nhất vô nhị trên cả nước. Tại đây luôn có khoảng 45-50 bệnh nhân với những tổn thương lở loét nghiêm trọng do biến chứng tiểu đường. Một số ít bệnh nhân khác là do bệnh gout.

“Biến chứng thường gặp nhất của bệnh nhân đái tháo đường là xơ vữa động mạch, tắc động mạch làm giảm lượng máu đến các cơ quan trong cơ thể, đặc biệt là bàn chân. Điều này khiến bệnh nhân đái tháo đường dễ bị nhiễm trùng hơn. Các vết thương, vết bỏng, hay mụn nhọt đều dễ bị nhiễm trùng và lây lan rất lớn. Việc điều trị bằng kháng sinh đôi khi cũng không hiệu quả” – bác sĩ Thiện kể.

Con cũng không chăm được thế

Bà Nguyễn Thị Vinh (67 tuổi, quê ở Hải Phòng) đang điều trị một vết thương lớn ở bắp chân do bị xe đạp đâm phải. Do bị tiểu đường nên vết rách không lành mà cứ thối sâu xuống. Bà điều trị hơn 1 tháng ở Hải Phòng không khỏi nên phải chuyển lên Bệnh viện Nội tiết T.Ư.

“Chân tôi nhìn rất kinh khủng. Tôi cứ cảm giác nếu không điều trị khỏi nhanh thì cả cơ thể tôi sẽ thối rữa mà chết mất. Đừng nói các con mà bản thân tôi nhìn vào cũng phát khiếp. Nhưng các bác sĩ, y tá ở đây cứ tỉ mỉ chăm sóc, lau rửa hàng ngày mà không nhăn mặt. Còn mùi thì quả thật không thể chịu nổi. Nằm cạnh tôi có một bà bị thối bàn chân, cả phòng phải bịt mũi kinh hãi. Vậy mà các bác sĩ điều trị vài hôm đã đỡ” – bà Vinh cho biết.

Ông Nguyễn Ngọc Ngoạn (80 tuổi, quê Kiến Thụy, Hải Phòng) cũng bị biến chứng hoại tử hai bàn chân. Ông cho biết, ông rất cảm động khi nhìn các bác sĩ cắm cúi chăm sóc bàn chân cho ông, không nề hà gì. “Con mình cũng không làm được điều đó. Chúng nhìn thấy chân tôi còn bịt mũi, quay mặt đi. Vậy mà các bác sĩ vẫn tỉnh bơ, ân cần chăm sóc” – ông Ngoạn xúc động cho biết.

Chị Tạ Thị Hương - Điều dưỡng trưởng của Khoa Chăm sóc bàn chân chia sẻ, chị thường là người đón bệnh nhân nhập viện nên thường xuyên phải chứng kiến những vết thương lở loét nghiêm trọng ngay từ đầu. “Tôi mới về khoa được 8 năm, còn trước chỉ làm ở phòng khám hoặc khoa nội tiết nên ít khi tiếp xúc với các vết thương kinh khủng như vậy. Lúc đầu tôi cũng nôn thốc nôn tháo, về nhà bỏ ăn, dù tắm gội nhiều lần rồi nhưng vẫn cảm thấy mùi hôi thối quanh quẩn. Nhưng dần rồi cũng quen. Vì mình và các đồng nghiệp ở khoa này không quen với điều đó thì các bệnh nhân biết trông cậy vào ai” - chị Hương tâm sự.

Bác sĩ Thiện cho biết, bệnh nhân của ông cũng thường điều trị bệnh mãn tính lâu năm do đó thường suy sụp tâm lý, chán nản, không muốn hợp tác chữa bệnh. Ngoài việc chữa trị, ông lại trở thành bác sĩ tâm lý khuyên giải và điều trị thêm các bệnh khác như suy kiệt, suy dinh dưỡng, thiếu máu… để khi xuất viện, bệnh nhân có thể khoẻ mạnh về thể xác, sáng sủa về tinh thần.(Nông thôn ngày nay, trang 5)

 

Gần 500 cựu học sinh THPT Hà Nội hiến máu tình nguyện

Hơn 100.000ml máu đã được nhóm "Cựu học sinh các trường THPT Hà Nội khoá 1991-1994" hiến tặng trong chương trình "91-94 Xuân yêu thương", tổ chức tại Viện Huyết học & Truyền máu T.Ư sáng nay, 26.2.2017…

Bên cạnh hiến máu tình nguyện, các cựu học sinh Hà Nội cũng trao tặng 2.000 suất ăn (trị giá 50 triệu đồng) cho các bệnh nhân nghèo đang điều trị tại Viện, đồng thời quyên góp tiền mặt cho các hoạt động thiện nguyện tiếp theo. Anh Trần Anh Tuấn (cựu học sinh THPT Lê Quý Đôn) cho biết chương trình hiến máu "Xuân yêu thương" là hoạt động đầu tiên trong chuỗi hoạt động cộng đồng mà nhóm dự định sẽ thực hiện trong năm 2017…(Nông thôn ngày nay, trang 5)

 

Phục vụ người bệnh bằng cả tấm lòng

Tại buổi tọa đàm “Tuổi trẻ ngành y rèn luyện y đức, y nghiệp, tham gia xây dựng TPHCM có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình” do Thành Đoàn TNCS TPHCM tổ chức sáng 26-2, nhiều vấn đề nổi bật gắn liền với chuyên môn, nghiệp vụ, trách nhiệm xã hội đã được các thầy thuốc trẻ đặt ra. Qua đó, khẳng định vai trò của thầy thuốc trẻ trong việc góp phần đảm bảo công tác an sinh xã hội, chăm lo sức khỏe đời sống người dân trên địa bàn thành phố.

Học vì người bệnh

Một trong những vấn đề được đặt ra nhiều nhất tại buổi tọa đàm chính là việc nâng cao ngoại ngữ, trình độ chuyên môn của đội ngũ thầy thuốc trẻ. Ông Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa nhiễm bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết, thầy thuốc trẻ phải không ngừng nâng cao trình độ ngoại ngữ chứ không chỉ chú trọng vào việc trau dồi kiến thức chuyên môn. Ngoại ngữ là một lợi thế để đội ngũ y, bác sĩ trẻ có điều kiện tiếp xúc với những thành tựu khoa học mới. Bác sĩ Nguyễn Hà Phương (Bệnh viện Ung bướu) cho biết: “Tôi nghĩ thầy thuốc trẻ cần phải đi đầu trong học tập, nghiên cứu, đi đầu trong chuyên môn. Tôi cũng mong muốn có cơ chế để bác sĩ trẻ được đi học ở nước ngoài để được nâng cao tay nghề, học cách quản lý tổ chức và cung cách phục vụ bệnh nhân”. Còn theo bác sĩ Lê Thị Duy Lệ (Bệnh viện Truyền máu Huyết học) không chỉ du học nước ngoài, các y, bác sĩ cũng có thể chọn lựa nhiều hình thức học tập phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh công tác. Có thể thông qua các chương trình hợp tác với các chuyên gia nước ngoài, hợp tác trong nghiên cứu khoa học, các chuyến đi trao đổi kinh nghiệm và học trong thực tế công việc đang làm.

Bác sĩ Trần Văn Sồi, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Sở Y tế TPHCM nhấn mạnh, nhân viên y tế phải giỏi về chuyên môn, phải có y nghiệp mới rèn luyện được đạo đức ngành y. Không chỉ học ứng dụng mà còn phải “nâng cấp” tay nghề bằng việc không ngừng trao dồi kiến thức và y đức, toàn tâm toàn ý trị bệnh cứu người. Ông Sồi cũng cho biết, tuổi trẻ ngành y phải đặt lên vai mình trách nhiệm với xã hội trong việc chăm sóc sức khỏe nhân dân, gương mẫu đi đầu trong các công việc khó, những nơi còn nhiều khó khăn. Bác sĩ Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cũng đặt hàng Đoàn Thanh niên Sở Y tế chủ động đi đầu, xung kích đến với các huyện ngoại thành, luân phiên về vùng sâu, vùng xa và đội ngũ thầy thuốc trẻ phải dấn thân vào nghề nghiệp mà mình theo đuổi.

Chung tay vì sức khỏe nhân dân

Trong nhiều năm qua, các công trình thanh niên, hoạt động tình nguyện của đội ngũ y, bác sĩ trẻ đã nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng xã hội. Các hoạt động tình nguyện được áp dụng tại bệnh viện và nhận được nhiều sự hưởng ứng của người dân. Như tại Bệnh viện Truyền máu huyết học có đội hình tình nguyện hướng dẫn người bệnh đến thăm khám, có bộ phận chăm sóc khách hàng do Đoàn Thanh niên thực hiện, hay tặng quà sinh nhật cho bệnh nhân... Bác sĩ Phạm Trương Mỹ Dung (Bệnh viện Nhân dân Gia Định) chia sẻ do tình trạng quá tải ở bệnh viện nên thời gian tiếp xúc, trao đổi giữa bác sĩ và bệnh nhân còn nhiều hạn chế, chỉ thăm khám mà chưa có sự trao đổi, tư vấn, giải thích tình trạnh bệnh của bệnh nhân. Vì vậy, Đoàn Thanh niên cần phải thực hiện các mẫu thăm dò ý kiến người bệnh để công tác chăm sóc sức khỏe được tốt hơn. Trong thời gian tới, Sở Y tế dự kiến cũng sẽ thành lập trang mạng xã hội chuyên đăng tải các thông tin sức khỏe và hướng dẫn chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Tại buổi tọa đàm, nhiều ý kiến cho biết, cần phải tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền chăm sóc sức khỏe cho người dân, để mỗi người dân biết cách bảo vệ sức khỏe cho bản thân mình. Các chương trình tình nguyện sức khỏe học đường hay các chương trình truyền thông phòng chống dịch bệnh đã được Đoàn Thanh niên Sở Y tế TPHCM tập trung thực hiện và đã đạt được những hiệu quả ban đầu. Thành Đoàn TPHCM cũng có nhiều chương trình, hoạt động tình nguyện chăm sóc sức khỏe cho người dân thành phố mà trong thời gian tới sẽ triển khai chương trình chăm sóc sức khỏe trọn đời cho các Mẹ Việt Nam anh hùng tại các huyện ngoại thành. Đây cũng là điều kiện để đội ngũ thầy thuốc trẻ phát huy chuyên môn, rèn luyện đức, y nghiệp, phục vụ người bệnh bằng cả tấm lòng của mình.(Sài Gòn giải phóng, trang 11).

Tags:

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang