Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 27/2/2023

  • |
T5g.org.vn - Giữ y đức, trái tim rung cảm với nghề; Việt Nam ghi dấu trên bản đồ y khoa thế giới; 68 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27.2.1955 - 27.2.2023): Truyền lửa y đạo

 

Giữ y đức, trái tim rung cảm với nghề

Hơn 3 năm qua, sự cống hiến, hi sinh, mất mát của y bác sĩ trong cuộc chiến với đại dịch COVID-19 được nhìn nhận là chưa có tiền lệ trong lịch sử y tế Việt Nam. Đại dịch đi qua đã làm bộc lộ những bất cập, thách thức của hệ thống y tế nhưng cũng cho thấy bản lĩnh, ý chí, niềm tin và tình yêu nghề trong trái tim những 'chiến binh áo trắng'.

Lấy người bệnh làm trung tâm

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan: “Ngành Y là một ngành rất đặc biệt, đặc thù, một ngành rất cao quý. Sứ mệnh của ngành Y tế là chăm lo, chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân. Đội ngũ y bác sĩ kể cả trong cơ sở y tế công lập và ngoài công lập lên đến nửa triệu người đang không quản ngày đêm sớm tối thực hiện nhiệm vụ của mình từ trung ương đến địa phương, đến tận các thôn bản vùng sâu vùng xa. Những sự hi sinh, cống hiến của đội ngũ y bác sĩ thường được phác họa qua những tác phẩm báo chí là chính.

Như bản thân tôi, từ khi tôi về Bộ Y tế, tôi thấy công việc của anh em rất vất vả. Học thì dài hơn, làm việc theo thời gian không như bình thường, áp lực rất lớn. Chính vì vậy, chúng tôi cũng rất mong làm thế nào đó để chúng ta có sự chung tay động viên, chia sẻ, tạo điều kiện giúp đội ngũ y bác sĩ trong quá trình triển khai nhiệm vụ của mình. Trải qua 3 năm phòng chống dịch COVID-19 vừa qua, chúng ta đã chạm đến những điểm tột cùng về cảm xúc, sự cảm thông và chia sẻ với đội ngũ nhân viên y tế.

Chúng tôi vất vả ngày đêm thì các nhà báo cũng vất vả đêm ngày với ngành, để chuyển tải đến cộng đồng, đến xã hội các thông tin về ngành, những gì làm tốt thì nhân lên, phát huy, những gì chưa tốt thì khắc phục. Từ đó những khó khăn, vất vả của ngành Y cũng có được sự chia sẻ, động viên về tinh thần để qua đó sẽ biến thành chính sách nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của ngành Y tế trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ với mục đích cao cả xây dựng hệ thống y tế phát triển bền vững, có đội ngũ y bác sĩ đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân cả về y đức, chuyên môn, thái độ phục vụ”.

PGS.TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương: Thực hiện sứ mệnh “Tận tâm - Chất lượng vì Sức khỏe Trẻ em Việt Nam”. Hơn 2.000 cán bộ, viên chức Bệnh viện Nhi Trung ương của chúng tôi đã cùng nhau đoàn kết, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ kể cả khi dịch bệnh xảy ra. Năm 2022 chúng tôi phục vụ hơn 1 triệu lượt trẻ đến khám bệnh, hơn 100.000 trẻ điều trị nội trú, gần 25.000 ca phẫu thuật, với mô hình bệnh khó, bệnh nặng, phức tạp.

Năm nay chúng tôi phấn đấu kiểm soát tốt các dịch bệnh, phân tích mô hình bệnh tật trẻ em thường xuyên hơn để nâng cao được chất lượng khám chữa bệnh, phát triển chuyên sâu mỗi chuyên ngành. Tiếp theo là đầu tư một cách hiệu quả, thực hiện nghiêm túc dự án chuyển đổi số, bệnh án điện tử trong trong công tác quản lí, khám chữa bệnh. Mỗi cá nhân, tập thể dù là ở cấp bậc, vị trí nào đều cần nêu cao tinh thần, trách nhiệm, thực hiện tốt 12 điều y đức và quy tắc ứng xử trong ngành Y tế, lấy người bệnh làm trung tâm, phục vụ người bệnh hết lòng, coi người bệnh như người thân của mình; hướng tới mục tiêu chung là sự hài lòng của người bệnh.

Tôi hiểu nghề Y chưa bao giờ dễ dàng, đặc biệt trong tình hình hiện nay, luôn có những vất vả, thử thách mà có lẽ chỉ người trong nghề mới thấu hiểu hết, nhưng chúng tôi luôn coi đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang. Và đổi lại, chúng ta có được những điều tốt đẹp là giúp cho người bệnh trở về với cuộc sống mới, khỏe mạnh, giúp họ nhân lên niềm vui sống và niềm tin vào tương lai tươi sáng phía trước”.

Cố gắng thêm một chút, nhiều người được hưởng lợi

PGS.TS Hoàng Bùi Hải, Trưởng khoa Cấp cứu Hồi sức tích cực (Bệnh viện ĐH Y Hà Nội):

“Nếu không có lòng yêu nghề thực thụ sẽ không vượt qua được sự so sánh thiệt hơn, không giữ vững được y đức của một bác sĩ là cứu người tới cùng. Áp lực với xã hội đã cao, áp lực với nhân viên y tế còn cao hơn nữa. Đã có người từng muốn bỏ nghề, có người đã bỏ nghề nhưng phần lớn vẫn trụ lại. Rõ ràng, tình yêu nghề, lương y của một người thầy thuốc được thể hiện mạnh mẽ nhất trong khó khăn. Tôi luôn tự nhủ, mình cần phải cố gắng hơn bởi tôi cố gắng thêm một chút, có thể nhiều người được hưởng lợi. Một trong những điều giúp chúng tôi duy trì được tình yêu nghề là sự động viên của cộng đồng xã hội, của người dân. Một trong những may mắn nhất qua đại dịch là ngành y lấy lại lòng tin của người bệnh, của cộng đồng. Tính nghi kị, soi mói, hạch sách, không có lòng tin của một bộ phận người dân vào tính chuyên nghiệp của bác sĩ thật sự bay biến. Họ hoàn toàn tin vào nhân viên y tế, họ chờ đợi, kiên nhẫn và hợp tác. Chính sự tuyệt đối tin tưởng của người bệnh khiến chúng tôi sẵn sàng phục vụ vì sự sống còn của người bệnh. Tôi nhìn thấy các đồng nghiệp, học trò của mình đã tiếp nối được tinh thần kiên cường, đoàn kết, trách nhiệm, tính hi sinh của thế hệ cha ông đi trước.

Bản thân tôi luôn cố gắng thực hiện song hành các nhiệm vụ liên quan đến công tác khám chữa bệnh, giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Tôi quan niệm, ba yếu tố trên như ba cạnh của một tam giác, hay ba chân của một chiếc kiềng, luôn tương hỗ lẫn nhau; một bác sĩ có kinh nghiệm thì sẽ giảng dạy tốt và bác sĩ có tham gia nghiên cứu thì sẽ có kiến thức tổng quát hơn.

Là giảng viên đại học, tôi mong muốn sinh viên ĐH Y Hà Nội nói riêng và sinh viên ngành y dược nói chung, khi đã chọn nghề này, thì phải chuyên tâm, yêu nghề và học tập suốt đời. Cố gắng đừng cắt đứt mạch học của mình, ví dụ làm bác sĩ thì nên học nội trú, cử nhân thì nên học lên thạc sĩ… Con đường học phải liên tục, học sớm thì sẽ đến đích sớm, trưởng thành sớm hơn. Song song với chuyên ngành, các bạn đừng quên trau dồi ngoại ngữ. Với các bạn trẻ, tôi khuyên các bạn hãy chú trọng, đầu tư vào việc học của mình. Hãy học vì đam mê, làm theo đam mê, luôn tìm đến những kiến thức đúng đắn và sáng tạo dựa trên tinh thần vì cộng đồng”. (Tiền phong, trang 1).

 

Việt Nam ghi dấu trên bản đồ y khoa thế giới

Trong những năm qua, ngành y tế Việt Nam đã có nhiều tiến bộ vượt bậc, nhiều kỹ thuật khó trong các lĩnh vực y học đã được áp dụng thành công, giúp Việt Nam ghi dấu trên bản đồ y khoa thế giới.

Bệnh viện Việt Đức - một trung tâm lớn trên thế giới về mổ tuyến thượng thận

Theo GS-TS Trần Bình Giang - Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức - phẫu thuật nội soi ở Việt Nam là một lĩnh vực y khoa đi gần với sự phát triển của thế giới. Năm 1987, ca mổ nội soi đầu tiên trên thế giới được thực hiện, chỉ 5 năm sau, Việt Nam cũng tiến hành ca mổ nội soi đầu tiên. Từ những ca mổ nội soi như cắt túi mật, cắt ruột thừa… đến nay, nhờ kỹ thuật này, người ta có thể thực hiện những phẫu thuật phức tạp nhất như cắt thận, cắt gan, cắt dạ dày, cắt khối tá tụy…

“Phẫu thuật nội soi đã can thiệp tới hầu hết các tạng, chiếm tỉ lệ cao trong số các phẫu thuật nói chung ở nhiều nước trên thế giới” - GS Giang nói. Ông chính là người tiên phong đưa phẫu thuật nội soi về Việt Nam, đồng thời, ông còn có đóng góp quan trọng trong phẫu thuật nội soi thượng thận và khai sinh phương pháp điều trị bảo tồn các tạng vỡ.

Tiếp theo kỹ thuật mổ nội soi, năm 2002, nghiên cứu khoa học của GS-TS Trần Bình Giang về mổ nội soi tuyến thượng thận đã được công bố quốc tế. Đến nay đã có hàng nghìn bệnh nhân được phẫu thuật nội soi và Bệnh viện Việt Đức trở thành một trung tâm lớn trên thế giới về mổ tuyến thượng thận. Kỹ thuật này cũng đã được đào tạo và chuyển giao cho các bác sĩ tuyến tỉnh.

Kỹ thuật phẫu thuật nội soi đã giúp giảm chi phí khám, điều trị cho người bệnh; thời gian nằm viện được rút ngắn; bệnh nhân được chăm sóc điều trị kỹ thuật cao ở ngay trong nước. Với những ca phẫu thuật lớn, phức tạp, phẫu thuật nội soi đã đem đến lợi ích vượt bậc so với mổ mở. GS Trần Bình Giang cũng là người đầu tiên thực hiện phẫu thuật nội soi thay đoạn động mạch chủ bụng, cắt khối tá tụy - vốn là những kỹ thuật khó, chỉ một số ít trung tâm lớn trên thế giới có thể thực hiện được.

Mỗi năm, Bệnh viện Việt Đức thực hiện gần 80.000 ca mổ, nhiều kỹ thuật mũi nhọn được triển khai như: Ghép đa tạng từ người cho chết não, ghép tim, phổi, gan, thận…

Các bác sĩ tim mạch Việt Nam - chủ tọa đoàn của nhiều hội nghị quốc tế lớn

Tiếp đến, phải nói đến lĩnh vực tim mạch Việt Nam với những kỹ thuật tiệm cận trình độ ngang bằng thế giới. Nhờ những kỹ thuật này, người dân Việt Nam mắc bệnh tim mạch không còn cần phải ra nước ngoài chữa bệnh.

PGS-TS Phạm Mạnh Hùng - Viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia - chia sẻ: “Cho đến giờ phút này, chúng tôi có thể khẳng định Viện Tim mạch Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai luôn đi đầu trong việc triển khai các kỹ thuật cao trong điều trị tim mạch. Chúng tôi đã và đang tiệm cận được với các kỹ thuật tiên tiến trên thế giới chứ không chỉ riêng trong khu vực”.

Trong những năm gần đây, Viện Tim mạch tiếp tục đẩy mạnh lĩnh vực tim mạch can thiệp - phẫu thuật tim mạch ít xâm lấn. Năm 2022, Viện Tim mạch vẫn tiếp tục triển khai các kỹ thuật tiên tiến như kỹ thuật thay van động mạch chủ qua đường ống thông, sửa van hai lá qua đường ống thông. Trước kia, với những người mắc bệnh lý này, chúng ta phải mổ tim mở để thay các van tim cho người bệnh. Trong khi đó, những người phải thay van tim thường là những người cao tuổi, bệnh trọng lại phải đối diện với một cuộc mổ phanh lồng ngực, thời gian nằm viện và hồi phục sức khỏe kéo dài. Nhưng với sự tiến bộ, làm chủ kỹ thuật ngày nay, các bác sĩ tim mạch can thiệp của Viện Tim mạch đã giúp bệnh nhân không phải đối diện với cuộc mổ phanh đó nữa.

Từng bước mày mò, với trí tuệ, niềm đam mê với can thiệp tim mạch, từng bước ngắn đã dệt nên dặm dài. Và đến hôm nay, chuyên ngành tim mạch Việt Nam tự tin hiên ngang sánh vai cùng các đồng nghiệp trên thế giới. Tại các hội nghị lớn như Hội nghị Tim mạch Mỹ, Hội nghị Tim mạch Châu Âu, đặc biệt là những Hội nghị Khoa học ở Châu Á như Hội nghị Tim mạch can thiệp Singapore năm 2022... Ban tổ chức đều mời Viện Tim mạch Quốc gia thực hiện một phiên báo cáo để chia sẻ kinh nghiệm của riêng Việt Nam về những mặt bệnh đặc thù.

“Chúng ta có thể tự tin nói rằng: Chuyên ngành Tim mạch Việt Nam đứng ngang bằng với các nước tiên tiến trong khu vực và ở Châu Á” - PGS Phạm Mạnh Hùng nói.

Bác sĩ nước ngoài sang Việt nam học kỹ thuật mổ nội soi tuyến giáp

Giúp ngành y học Việt Nam ghi dấu ấn đặc biệt trên bản đồ y khoa thế giới, trong những năm gần đây, không thể không kể đến PGS-TS Trần Ngọc Lương - nguyên Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương. Ông là người đầu tiên của Việt Nam và của thế giới nghiên cứu và thực hiện thành công kỹ thuật mổ nội soi tuyến giáp độc đáo, khiến giới y học quốc tế ngưỡng mộ. Phương pháp này được chuyển giao, đào tạo cho các bác sĩ trong và ngoài nước nhiều nhất Việt Nam, mở ra hướng mới trong điều trị các bệnh lý về tuyến giáp.

Điều đặc biệt trong phương pháp mổ “Dr Lương” là sử dụng đường nách, ngực với những vết rạch nhỏ trên da, kích thước 0,5-1cm. Phương pháp mổ mở (cũ), vết sẹo thường dài 8 đến 12 cm ở cổ người bệnh. Kỹ thuật “Dr Lương” áp dụng cho tất cả bệnh lý tuyến giáp như bướu nhân, basedow, ung thư tuyến giáp, mổ được những bướu lớn mà không cần phải cắt bất cứ cơ cổ trước nào.

Ca mổ bằng kỹ thuật này chi phí chỉ bằng 1/25 so với các nước trong khu vực. Một ca mổ cắt thùy tuyến giáp tại Hàn Quốc hoặc Singapore tiến hành trong 2 giờ chi phí khoảng 8.000-10.000USD, mổ theo phương pháp “Dr Lương” tiến hành tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương chỉ mất 30 phút, chi phí 300-400USD. Chỉ tính đến năm 2021, đã có hơn 300 giáo sư, bác sĩ ở 20 nước trên thế giới đã đến Bệnh viện Nội tiết Trung ương để học tập phương pháp mổ “Dr Lương”.

Ngoài phẫu thuật tuyến giáp, các kỹ thuật mổ khác cũng được bác sĩ Lương nghiên cứu và cải tiến như phẫu thuật đốt hạch giao cảm chữa chứng ra mồ hôi tay với thời gian mổ nhanh trong 3-4 phút; gây mê bằng ống nội khí quản một nòng, tiết kiệm tiền cho bệnh nhân. Các phẫu thuật tuyến nội tiết khác như u nội tiết tuyến tụy, u tuyến thượng thận... gần đây nhất là kỹ thuật nội soi u xơ tuyến vú, được bác sĩ Lương triển khai thành công tại bệnh viện.

* Trong thư gửi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Y tế nhân kỷ niệm 68 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27.2), Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan nêu rõ, hơn 3 năm qua, không ngòi bút nào kể hết sự cống hiến, hy sinh, gian khổ, mất mát của những cán bộ, nhân viên y tế trong cuộc chiến với đại dịch COVID-19 - một cuộc chiến đầy cam go, vô vàn thách thức, chưa từng có tiền lệ trong lịch sử y tế Việt Nam.

Thế nhưng, “các thế hệ thầy thuốc trên mọi miền tổ quốc, từ trung ương đến địa phương, từ thành thị đến nông thôn, vùng biên giới, hải đảo, khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn đã luôn tận tụy với nghề, không ngừng nỗ lực, phấn đấu, trưởng thành và đạt nhiều thành tựu, trong đó có những thành tựu y học mang tầm vóc quốc tế” - Bộ trưởng nói.

* Nhờ chiến lược phát triển đúng hướng của các cây đa, cây đề chuyên ngành tim mạch như cố GS Đặng Văn Chung, cố GS Đỗ Đình Địch, cố PGS Bùi Thế Kỷ, cố GS Trần Đỗ Trinh, rồi đến các GS Phạm Gia Khải, GS Phạm Khuê, PGS Đinh Văn Tài và gần đây là GS Nguyễn Lân Việt, GS Đỗ Doãn Lợi... Ngày nay, chuyên ngành tim mạch của Việt Nam tự tin được khắc dấu trên bản đồ y học thế giới. (Lao động, trang 1).

 

68 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27.2.1955 - 27.2.2023): Truyền lửa y đạo

Giữa năm 2020, sau khi kết thúc nhiệm kỳ Phó giám đốc phụ trách chuyên môn tại Bệnh viện Từ Dũ, bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi hoàn thành nhiệm vụ hơn 30 năm phục vụ ngành y tế công và nhận quyết định nghỉ hưu.
Bệnh viện (BV) Từ Dũ đã mời bác sĩ (BS) Nguyễn Bá Mỹ Nhi ở lại với vị trí cố vấn chuyên môn, huấn luyện cho các BS trẻ. Sau 6 tháng, nhận thấy lớp BS kế cận đã có năng lực tốt, vững vàng nghiệp vụ, BS Mỹ Nhi quyết định rút lui.

Những tưởng bà sẽ về sống những ngày nghỉ ngơi nhẹ nhàng sau bao năm vất vả. Nhưng không, BS chia sẻ: "Trước khi nhận quyết định nghỉ hưu, tôi như đứng ở "ngã năm", nhiều đơn vị y tế ngoài công lập ngỏ lời mời hợp tác. Sau bao trăn trở, tôi quyết định tham gia làm việc tại BV đa khoa Tâm Anh TP.HCM và góp phần xây dựng Trung tâm sản phụ khoa lớn mạnh. Tôi muốn tiếp tục hành trình phục vụ bệnh nhân (BN), tiếp tục áp dụng và phát triển các kỹ thuật mới nhưng đồng thời vẫn có thể tiếp tục nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, huấn luyện, đào tạo liên tục… tại môi trường BV ngoài công lập".

Nói tới BS Mỹ Nhi, có lẽ nhiều sản phụ sinh khó ở khu vực phía nam chắc hẳn không thể nào quên, bởi nữ BS này có nụ cười rất hiền và đặc biệt "mát tay", cứu sống nhiều trường hợp "ngàn cân treo sợi tóc".

Trung tuần tháng 2.2023, tôi gọi điện thoại xin BS Mỹ Nhi cuộc hẹn. Điện thoại đổ chuông nhưng bắt máy là thư ký báo BS Mỹ Nhi đang có đông BN. 16 giờ kết thúc giờ làm việc, nhưng bà ở tới 17 giờ để khám đến BN cuối xong mới bắt đầu ăn cơm… trưa. Câu chuyện trên tình cờ tôi được một người quen của BS Mỹ Nhi kể vậy.

'Là bác sĩ phải học ngủ, học kiến thức'

Hôm sau, tôi theo BS Mỹ Nhi vào phòng mổ. Tay cầm dụng cụ mổ nội soi, mắt nhìn màn hình, nhưng nữ BS 57 tuổi liên tục giảng cho BS phụ mổ về bệnh lý ca phẫu thuật.

Tôi hỏi năng lượng ở đâu mà BS làm việc miệt mài như vậy? BS Mỹ Nhi vui vẻ: "Mình cũng không biết sức khỏe mình từ đâu có được. Nhưng từ lúc trẻ ở môi trường BV Từ Dũ đã được tôi luyện. Một đêm trực chỉ ngủ 1 - 2 tiếng, còn thì phải chạy tới lui, chạy xuôi ngược cấp cứu, khám BN. Sau đó, nếu có được khoảng 3 - 4 giờ ngủ thật sâu là có thể phục hồi sức khỏe".

"Tôi nhớ hoài người thầy lớn trong ngành sản phụ khoa tại BV Từ Dũ là GS-BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng đã từng nói khi chúng tôi còn là các BS trẻ: Các em là BS trẻ thì không được nề hà cái gì, phải làm hết, làm xong hết rồi về phải đi ngủ. Các em cũng không thể đòi hỏi giống như những người ngoài nghề, ngủ đủ 8 giờ một đêm được", BS Mỹ Nhi chia sẻ.

Theo BS Mỹ Nhi, học làm quen với giấc ngủ rất quan trọng, nhưng quan trọng hơn nữa đó là học kiến thức từ khi còn trẻ chưa vướng bận gì. "Việc học là một niềm vui, bởi học là mở mang kiến thức, để triển khai và ứng dụng được vào thực tiễn chứ không phải học xong rồi không dám làm. Tất nhiên, cần sự ủng hộ từ lãnh đạo BV, của đồng nghiệp, và nhất là mình phải làm đúng", bà nói.

'Trước tiên đừng làm gì hại bệnh nhân'

BS Mỹ Nhi là một trong những người đầu tiên ở Việt Nam tiếp cận sớm nhất kỹ thuật mổ nội soi trong phụ khoa cách đây gần 30 năm. Từng hơn 2 lần được huấn luyện nội soi trong phụ khoa tại Clermont-Ferrand và Paris (Pháp), BS Mỹ Nhi đi nhiều nước Đông Nam Á để giảng dạy, chuyển giao kỹ thuật mổ nội soi.

"Mổ nội soi có thể được chỉ định cho các ca khó, cắt tử cung có kích thước lớn bằng thai 14 - 16 tuần, hay bóc u xơ tử cung có kích thước lớn 8 - 10 cm. Hơn 20 năm trước, một số đồng nghiệp không ủng hộ, chúng tôi không dễ dàng để có thể mổ được. Nhưng nhờ sự ủng hộ của ban giám đốc và khi đó mình phải bảo đảm làm đúng. Chỉ định đúng kỹ thuật, không tai biến, và quan trọng là biết dừng lại đúng lúc để không gây thiệt hại sức khỏe BN, thì đó là thành công", BS Mỹ Nhi kể.

BS Mỹ Nhi chia sẻ người xưa đã nói nếu không biết thì "trước tiên đừng làm gì hại BN". Vì vậy, cần biết dừng lại đúng lúc, không nên vì cái tôi mà cố làm để rồi phải trả giá bằng sinh mạng BN. Như vậy thì mới "truyền lửa y đạo" cho các BS trẻ được, để luôn làm tốt và không gây tổn hại BN.

"Bắt buộc phải huấn luyện BS trẻ làm được và làm đúng, vì đó là đội ngũ kế thừa. Bây giờ, có thể có những cái mình không cập nhật kịp bằng các em, mình càng phải học các em, cùng nhìn nhận đúng sai vấn đề. Nếu đúng và tốt phải ủng hộ các em phát triển, nếu chưa phù hợp sẽ cùng thảo luận tìm giải pháp khả thi hơn. Tuyệt đối không bác bỏ theo quan điểm cá nhân hay do sợ trách nhiệm, vì điều đó sẽ làm lụi tàn đi nhân tài và BV không phát triển được", BS Mỹ Nhi tâm sự. (Thanh niên, trang 5).

Tags:

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang