Ung thư vú: Không phải thảm họa nếu phát hiện bệnh sớm
Tại hội thảo khoa học "Tiếp cận toàn diện trong kiểm soát ung thư vú (UTV)", do Bộ Y tế tổ chức ngày 26-3, các chuyên gia đầu ngành cho rằng, bệnh UTV không phải là "án tử" nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Theo số liệu của Viện Nghiên cứu phòng chống ung thư - Bệnh viện K, mỗi năm có khoảng 12.000 trường hợp mới mắc căn bệnh UTV, hơn 4.000 ca tử vong (chiếm 20% trong tổng số các loại bệnh ung thư). Trong 15 năm trở lại đây, số ca mắc UTV liên tục tăng nhanh, chiếm hàng thứ nhất trong các loại bệnh ung thư ở phụ nữ.
Theo Phó Giám đốc Bệnh viện K Trần Văn Thuấn, trên thế giới, tỷ lệ sống khi mắc UTV đã tăng lên nhờ bệnh nhân được chẩn đoán sớm, nhờ áp dụng các phương pháp điều trị mới. Bởi vậy, việc tầm soát và phát hiện sớm UTV có ý nghĩa rất lớn trong tiến trình điều trị căn bệnh này. Nếu được phát hiện khi bệnh ở giai đoạn đầu, tỷ lệ chữa khỏi bệnh lên tới hơn 80-90%.
Những năm gần đây, Việt Nam đã đẩy mạnh việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng chống bệnh UTV. Tuy thế, thống kê cho thấy còn một tỷ lệ đáng kể bệnh nhân được chẩn đoán, phát hiện UTV khi bệnh đã ở giai đoạn muộn, đồng nghĩa với chất lượng điều trị và chất lượng sống của người bệnh đều hạn chế, chi phí điều trị đắt đỏ, tỷ lệ sống sót không cao. Nhiều gia đình, chỉ vì dồn sức cứu chữa cho người thân mà lâm cảnh nợ nần, khánh kiệt.
Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để sớm phát hiện bệnh và không rơi vào cảnh bần cùng vì bệnh UTV? GS.TS Nguyễn Bá Đức cho rằng, điều quan trọng là người bệnh phải biết "lắng nghe cơ thể mình", đồng thời tạo thói quen đi khám sức khỏe định kỳ và khám khi có bất cứ dấu hiện bất thường nào.
Có nhiều biện pháp điều trị UTV: Phẫu thuật, xạ trị cũng như kết hợp với các phương pháp điều trị khác (liệu pháp nội tiết tố, liệu pháp sinh học). Tuy nhiên, giải pháp then chốt vẫn là tìm cách phát hiện bệnh sớm. Việc tầm soát, phát hiện sớm UTV không chỉ có ý nghĩa nâng cao cơ hội điều trị bệnh hiệu quả, mà còn có ý nghĩa kinh tế - xã hội to lớn.( Hà Nội mới trang 5, Nhân dân trang 5)
Bạc Liêu: Kịp khống chế dịch quai bị
Ông Lâm Kim Liêu - phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Bạc Liêu - xác nhận có nhận được tin báo của Trường tiểu học Phong Tân (xã Phong Tân, thị xã Giá Rai) có hàng chục học sinh mắc bệnh quai bị.
Ngay khi nhận được thông tin, ngành y tế dự phòng đã phun hóa chất và hướng dẫn nhà trường, phụ huynh các biện pháp chăm sóc để tránh lây lan. Tuy nhiên, thực tế chỉ có vài trường hợp trong số đó phải nhập viện, dự kiến đầu tuần sau ngành y tế sẽ tiếp tục làm việc với trường để xử lý trường hợp này.
Ông Mai Chí Tính - chủ tịch UBND thị xã Giá Rai - cho biết tổng số học sinh mắc bệnh quai bị tại Trường Phong Tân là 29 trường hợp, trong đó có 26 trường hợp đã khỏi bệnh và đi học bình thường, 3 trường hợp còn lại cũng đã khỏi bệnh nhưng chưa đi học trở lại. Theo ông Tính, đây là dịch bệnh nhưng chỉ xảy ra tại điểm trường này và đã được khống chế kịp thời.( Tuổi trẻ trang 2)
Cứu bé gái chín tháng tuổi trúng đạn từ súng tự chế
Ngày 26-3, Bệnh viện đa khoa tỉnh Lâm Đồng cho biết, đã tiếp nhận, mổ cấp cứu bé gái chín tháng thuổi ở huyện Đác G’Long, tỉnh Đắc Nông, do trúng tám viên đạn từ súng tự chế. Bệnh nhi nhập viện tối 25-3, trong tình trạng mất nhiều máu. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ đã phẫu thuật khẩn cấp lấy được bốn viên đạn chì ra khỏi chân phải, còn bốn viên ở vùng bụng, ngực và chân trái của bệnh nhi vẫn chưa thể phẫu thuật, vì sức khỏe còn rất yếu…( Nhân dân trang 5)