Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 27/3/2017

  • |
T5g.org.vn - Tạm dừng cổ phần hóa 3 bệnh viện ngành Giao thông - Vận tải; Lập hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân tới từng người dân; Điểm nào không triển khai phần mềm quản lý tiêm chủng sẽ bị xử lý; Sau rượu là… bệnh tâm thần!

 

Tạm dừng cổ phần hóa 3 bệnh viện ngành Giao thông - Vận tải

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa đồng ý với đề nghị của Bộ GTVT về việc tạm dừng cổ phần hóa 3 bệnh viện thuộc Bộ là Bệnh viện Nam Thăng Long, Bệnh viện GTVT Vinh và Bệnh viện GTVT Đà Nẵng. Phó Thủ tướng cũng đồng ý để 3 bệnh viện trên được quyết toán khoản chi phí cổ phần hóa đã chi từ nguồn thu hằng năm của đơn vị sự nghiệp công lập. Trường hợp có khó khăn về tài chính, Bộ GTVT chỉ đạo 3 đơn vị lập hồ sơ và thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Phó Thủ tướng cũng giao Bộ GTVT tiếp thu ý kiến của Bộ Tài chính trong xác định giá trị tài sản để giao cho đơn vị quản lý theo cơ chế giao vốn cho doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định số 52/2009/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 3-6-2009 và Thông tư số 23/2016/TT-BTC ngày 16-2-2016 của Bộ Tài chính (Hà Nội mới, trang 1).

 

Lập hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân tới từng người dân

Năm 2017, dự kiến mỗi người dân sẽ được lập hồ sơ sức khỏe (HSSK) cá nhân, thông qua đó người dân sẽ được chăm sóc, định hướng, tư vấn sức khỏe ngay tại y tế cơ sở. Hiện, cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã lập dự toán kinh phí bổ sung năm 2017 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để lập HSSK cho những người đã tham gia bảo hiểm y tế (BHYT); đối với những người chưa tham gia BHYT (khoảng 18% số dân), nguồn kinh phí sẽ do ngân sách địa phương hoặc các nguồn tài trợ chi trả…

Bảo đảm sức khỏe cho người dân từ tuyến cơ sở

Theo "Báo cáo tiến độ lập HSSK cá nhân gắn với BHYT toàn dân và chăm sóc sức khỏe toàn dân" của Bộ Y tế, hiện việc lập HSSK được triển khai thí điểm tại ba địa phương Phú Thọ, Bắc Ninh và Hà Nội. Tỉnh Phú Thọ triển khai thí điểm tại huyện Yên Lập với việc khám và lập HSSK cho hơn 62 nghìn người, đạt 67%. Dự kiến từ tháng 3 đến hết tháng 6 tới, Phú Thọ đặt mục tiêu khám và lập HSSK cho hơn 90% số dân trên địa bàn. Còn tại Bắc Ninh, thí điểm triển khai tại hai xã thuộc huyện Quế Võ, đã khám và lập hồ sơ sức khỏe (điện tử) cho hơn 15 nghìn người và tiến tới sẽ triển khai trong toàn tỉnh. Còn tại Hà Nội, từ năm 2014 đã triển khai mô hình bác sĩ gia đình và thực hiện quản lý hơn 35.000 HSSK. Ngày 10-3 vừa qua, 10 xã, phường tại năm quận, huyện của thành phố Hà Nội đã triển khai thí điểm trước việc lập hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân cho người dân. Hà Nội cũng đặt ra mục tiêu đến tháng 9 sẽ hoàn thành việc khám sức khỏe lần đầu và lập hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân cho tất cả người dân.

Tại Trạm Y tế phường Phúc Ðồng (quận Long Biên, Hà Nội), bác Nguyễn Mạnh Hà (tổ 16, phường Phúc Ðồng) cho biết, bản thân từng khám, chữa bệnh (KCB) rất nhiều lần nhưng mỗi lần đến cơ sở y tế đều phải trả lời các câu hỏi về tiền sử bệnh của mình. Việc lập HSSK điện tử sẽ giúp cho mỗi người dân nhập đầy đủ thông tin về tình hình sức khỏe của mình vào hệ thống dữ liệu dùng chung, được cấp cho một mã số sức khỏe cá nhân và sau này, mỗi khi đi khám, chữa bệnh tại bất cứ bệnh viện nào trên toàn quốc, chỉ cần đọc mã số của mình, bệnh viện sẽ có đầy đủ thông tin, thuận tiện hơn rất nhiều.

Cục trưởng Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) PGS, TS Lương Ngọc Khuê cho biết: Việt Nam đã đạt được một số thành tựu quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, tình trạng sức khỏe của người dân đã có nhiều cải thiện; tuy nhiên, công tác này vẫn còn đối mặt nhiều khó khăn, thách thức đòi hỏi hệ thống y tế phải có những thay đổi phù hợp cả về tổ chức bộ máy, chức năng nhiệm vụ và khả năng cung ứng các dịch vụ. Trong khi đó, cơ chế tài chính y tế chưa huy động được nhiều nguồn lực xã hội, chi tại y tế cơ sở và chăm sóc sức khỏe ban đầu còn thấp, chưa động viên được toàn dân tham gia BHYT. Ðể thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu, phát hiện sớm bệnh tật thì việc thiết lập hệ thống quản lý HSSK cá nhân gắn với mục tiêu BHYT toàn dân là rất cần thiết.

Theo PGS, TS Lương Ngọc Khuê, việc lập hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân bảo đảm mỗi người dân có một HSSK duy nhất và thống nhất lưu trữ trong hệ thống quản lý HSSK điện tử quốc gia. Khi có HSSK, mỗi người dân khi cần KCB có thể dịch chuyển thông suốt trong hệ thống y tế, các thông tin về sức khỏe người bệnh được cung cấp cho bác sĩ một cách nhanh chóng, chính xác, tạo thuận lợi cho việc chẩn đoán và điều trị, giúp người bệnh được chăm sóc sức khỏe toàn diện, liên tục và phối hợp, phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời khi bệnh còn ở giai đoạn sớm, hiệu quả điều trị cao, giảm bớt chi phí của mỗi người dân cho việc KCB. Ðồng thời, thông qua đó, giúp cho việc quản lý quỹ KCB BHYT hiệu quả, ngành y tế hoạch định chính sách tốt hơn vì có những bằng chứng về thực tiễn.

Tăng tính hấp dẫn của chính sách BHYT

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn cho rằng, cần tăng cường tính hấp dẫn của chính sách BHYT thông qua việc người dân được chăm sóc sức khỏe tại y tế cơ sở, bảo đảm mỗi người dân được cung cấp dịch vụ y tế, chăm sóc, định hướng, tư vấn ngay tại y tế cơ sở. Mục tiêu này đang được Bộ Y tế và BHXH Việt Nam hiện thực hóa bằng Dự án lập HSSK cá nhân gắn với BHYT toàn dân và chăm sóc sức khỏe toàn dân. Với hơn 11.400 trạm y tế cấp xã, trong đó 78% số trạm có bác sĩ làm việc là điều rất thuận lợi cho việc triển khai việc quản lý HSSK cá nhân. Ðây là tuyến y tế gần dân nhất, nhanh nhất thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu. Tuy nhiên, hiện tuyến y tế này vẫn chưa phát huy cao nhất hiệu quả do những khó khăn về cơ chế tài chính, khả năng cung ứng dịch vụ... Do đó, cùng với việc bao phủ BHYT toàn dân để bảo đảm cơ chế tài chính, quyết tâm của Chính phủ thực hiện việc lập hồ sơ quản lý sức khỏe sẽ tạo ra một cơ chế mới, khắc phục được khó khăn này, trở thành một trong những bước thực hiện bao phủ toàn diện về chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Hồ sơ sức khỏe cá nhân cho nhân dân là giải pháp quan trọng cho việc quản lý để hoạch định chính sách và xây dựng kế hoạch cũng như triển khai các hoạt động can thiệp y tế, như tiêm chủng, hoạt động dinh dưỡng, yếu tố vi lượng, KCB... Bên cạnh đó, hệ thống quản lý HSSK toàn dân còn giúp quản lý tốt các nhóm bệnh, tình hình tử vong, các bệnh có yếu tố gia đình, liên quan môi trường sống, nguồn nước và các yếu tố vệ sinh khác. Việc chẩn đoán điều trị bệnh sớm sẽ giảm bớt chi phí BHYT, đồng thời khi thông tin người bệnh thông suốt thì việc quản lý chi phí BHYT sẽ dễ dàng hơn, hạn chế việc gian lận, lạm dụng quỹ BHYT.

Phó Tổng Giám đốc BHXH Phạm Lương Sơn cũng cho biết, để thực hiện Nghị quyết 19-2017/NQ-CP của Chính phủ, BHXH Việt Nam áp dụng công nghệ thông tin, kết nối mạng giữa các cơ quan BHXH của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư, tạo lập cơ sở dữ liệu tập trung cả nước để thực hiện giao dịch điện tử BHXH, BHYT. BHXH Việt Nam cũng đang nghiên cứu thực hiện cấp thẻ BHYT điện tử, tiến tới tích hợp các thông tin BHXH, bảo hiểm thất nghiệp thành thẻ an sinh xã hội (ASXH) điện tử. Trong đó, lưu toàn bộ thông tin quan trọng của người dùng và mỗi người dân có một mã định danh. Chỉ với mã định danh đó, người dân có thể đi khám bệnh; thụ hưởng chế độ hưu trí đến chế độ tử tuất, chế độ bảo trợ xã hội... và có thể tự kiểm soát được chế độ mà mình được hưởng. Trong thẻ ASXH sẽ bao gồm các thông tin như quá trình đóng và quá trình hưởng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, thông tin hồ sơ bệnh án cũng như chi phí KCB của từng cá nhân (Nhân dân, trang 4).

Điểm nào không triển khai phần mềm quản lý tiêm chủng sẽ bị xử lý

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, từ ngày 1-4 tới, điểm tiêm chủng nào của thành phố không triển khai phần mềm quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia sẽ bị xử lý. Trong năm 2017, Hà Nội quyết đạt được chỉ tiêu tiêm chủng đầy đủ 8 loại vaccine cho trẻ em dưới 1 tuổi và nâng đáng kể tỷ lệ trẻ được tiêm đầy đủ các loại vaccine. Để đạt được mục tiêu này, công tác quản lý tiêm chủng của thành phố sẽ có nhiều sự thay đổi mạnh mẽ.

Chưa đủ… máy tính

Ngay trước thời điểm Bộ Y tế chính thức khai trương phần mềm quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia vào cuối tuần qua, Sở Y tế Hà Nội cũng đã tổ chức phổ biến và chỉ đạo triển khai thực hiện phần mềm này. Trước đó, Hà Nội cũng đã tổ chức 44 lớp đào tạo cấp chứng chỉ cho cán bộ làm công tác tiêm chủng; 30 lớp tập huấn về sử dụng phần mềm quản lý thông tin tiêm chủng… để nâng cao hiệu quả công tác tiêm chủng trên địa bàn.

Đồng thời, Hà Nội cũng là 1 trong 5 địa phương đầu tiên của cả nước đã triển khai thí điểm phần mềm quản lý thông tin tiêm chủng tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ… Dù vậy, theo nhận định của chính Sở Y tế Hà Nội, để 100% cơ sở tiêm chủng trên địa bàn thành phố có thể triển khai được phần mềm quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia từ ngày 1-6 tới đây theo chỉ đạo của Chính phủ là mục tiêu không hề đơn giản.

TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) Hà Nội cho biết, khó khăn đầu tiên trong công tác tiêm chủng của thành phố là tình trạng dân cư di biến động lớn, khó quản lý đối tượng tiêm chủng. Mặt khác, do chưa triển khai hết phần mềm tiêm chủng tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ nên số liệu trên hệ thống phần mềm hiện tại chưa phản ánh đúng kết quả tiêm chủng của toàn thành phố.

Một số cơ sở tiêm chủng hiện vẫn không đủ máy tính, đường truyền internet không ổn định khi thực hiện phần mềm quản lý thông tin tiêm chủng. Bên cạnh đó, phần mềm tiêm chủng chưa thực sự thuận tiện cho các cơ sở tiêm chủng khi thực hành, bằng chứng là tiêm chủng dịch vụ phải nhập bằng hai phần mềm khác nhau.

Song khó khăn lớn hơn, theo Giám đốc TTYTDP TP Hà Nội, là nhân lực tham gia hoạt động tiêm chủng ở các tuyến của thành phố không ổn định, năng lực không đồng đều. Chỉ có 43% quận, huyện có cán bộ chuyên trách tiêm chủng ổn định trên 2 năm; 23% cán bộ chuyên trách tiêm chủng quận, huyện có kinh nghiệm về hoạt động tiêm chủng nhưng không thành thạo máy tính, 33% chuyên trách quận, huyện thành thạo máy tính nhưng chưa có nhiều kinh nghiệm về hoạt động tiêm chủng…

Sẽ tiêm chủng mở rộng theo tuần

PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội khẳng định, thực hiện quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia bằng phần mềm vừa có lợi cho cơ sở tiêm chủng, vừa có lợi cho người dân, có lợi cho nhà nước nên thành phố đặt mục tiêu phải quyết tâm thực hiện cho tốt.

Không chỉ tại 100% xã phường mà tất cả cơ sở tiêm chủng dịch vụ và cả cơ sở tiêm chủng ở bệnh viện cũng phải bắt tay vào triển khai ứng dụng phần mềm tiêm chủng này. Muốn vậy, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đề nghị các đơn vị tiêm chủng cần nhanh chóng khắc phục khó khăn, chuẩn bị nhân lực, máy tính, máy đọc mã vạch, nâng cấp cải tạo hệ thống mạng... để 1-4-2017 sẽ triển khai thực hiện ở 100% cơ sở có tiêm chủng vaccine viêm gan B liều sơ sinh và tiêm chủng dịch vụ; đến 1-7-2017 tất cả các cơ sở tiêm chủng thực hiện thống kê báo cáo hoàn toàn bằng phần mềm.

“Sở Y tế sẽ phối hợp với các quận, huyện để thanh tra, kiểm tra công tác tiêm chủng. Trong đó, ngoài các nội dung thanh tra, nếu nơi nào không triển khai phần mềm quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia sẽ xử lý theo đúng quy định. Nếu cơ sở tiêm chủng của trung ương trên địa bàn thành phố không triển khai phần mềm này, Sở Y tế cũng sẽ có văn bản báo cáo Bộ Y tế để xử lý. Còn các cơ sở tiêm chủng dịch vụ không đảm bảo đúng theo quy định của Bộ Y tế sẽ bị đóng cửa”, ông Hoàng Đức Hạnh nhấn mạnh.

Vẫn theo ông Hoàng Đức Hạnh, bên cạnh việc tổ chức đào tạo, tập huấn về an toàn tiêm chủng và tập huấn cho cán bộ về công tác thống kê, báo cáo, sử dụng phần mềm quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia, Sở Y tế Hà Nội sẽ triển khai thí điểm mô hình tổ chức buổi tiêm chủng thường xuyên định kỳ hàng tuần để tăng cơ hội cho đối tượng tiêm chủng đầy đủ.

“Mục tiêu cuối cùng của tiêm chủng là giảm tỷ lệ mắc, tử vong do các bệnh truyền nhiễm có vaccine phòng bệnh, điều này đòi hỏi trẻ phải tiêm chủng đầy đủ, tiêm chủng đúng lịch đạt tỷ lệ cao. Muốn vậy, đã đến lúc công tác quản lý tiêm chủng phải có sự thay đổi, dịch vụ và chất lượng tiêm chủng yêu cầu phải cao hơn.

Thời gian tiêm chủng cũng cần thay đổi, thay vì mỗi tháng thực hiện tiêm trong 2 ngày hoặc 2 đợt thì hiện tại Sở Y tế Hà Nội đang làm thí điểm tiêm chủng hàng tuần tại quận Long Biên, tiến tới tiêm chủng mở rộng theo tuần trên phạm vi toàn thành phố” - ông Hoàng Đức Hạnh nói và yêu cầu TTYT các quận/ huyện/ thị xã của thành phố xây dựng kế hoạch tiêm chủng phù hợp, thực hiện quản lý tốt các cơ sở tiêm chủng trên địa bàn (An ninh thủ đô, trang 3).

 

Sau rượu là… bệnh tâm thần!

Những vụ ngộ độc rượu xảy ra trong thời gian qua một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc người dân sử dụng mặt hàng này tràn lan. Không chỉ gây nhiễm độc cấp tính, lạm dụng rượu, bia còn gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tâm thần, thường gặp và gây hậu quả nặng nhất là chứng rối loạn tâm thần, ảo giác, hoang tưởng…

Anh Đỗ Văn T (ở Nghĩa Hưng, Nam Định), dù mới 34 tuổi nhưng đã có "thâm niên uống rượu" gần 20 năm, mang trong mình đủ thứ bệnh. Lần gần đây, anh T được đưa vào viện trong tình trạng lơ mơ, nôn ra máu, chân tay run rẩy, nói nhảm… Vợ anh T kể: Anh bị khô gan, bệnh đường ruột, theo bác sĩ, chỉ cần kiêng rượu và uống thuốc theo đơn là bệnh thuyên giảm. Nhưng chứng nào tật đó, anh T uống thuốc được hai tháng thì dừng, còn rượu thì không bỏ ngày nào. Đêm đầu tiên ở Khoa Tiêu hóa (Bệnh viện - BV- Bạch Mai), vì không được uống rượu anh T đã la hét, mê sảng khiến nhiều người phải lao vào giữ tay, chân... Tương tự là trường hợp ông Đàm Văn T (57 tuổi, ở Yên Thường, Gia Lâm, Hà Nội), bị xơ gan giai đoạn cuối. Người nhà bệnh nhân cho biết, mỗi lần sức khỏe ổn định và được xuất viện, bác sĩ đều dặn phải bỏ rượu và hẹn tái khám. Dù vậy nhưng ông T vẫn quyết không bỏ "chất cay". "Đến hẹn lại lên", mỗi lần nhập viện không được uống rượu là ông lại lên cơn sảng. Tại Khoa Tiêu hóa (BV Bạch Mai), trước đây, thi thoảng các bác sĩ mới phải tiếp nhận ca rối loạn tâm thần do sảng rượu nhập viện. Tuy nhiên thời gian gần đây, số ca sảng rượu như ông Đàm Văn T và anh Đỗ Văn T ngày một tăng. Thậm chí có ngày khoa này nhận tới 4-5 ca sảng rượu. Đáng nói là người mắc hội chứng mê sảng ngày càng trẻ hóa, chủ yếu ở độ tuổi 30-40. 

Theo TS Vũ Trường Khanh, Phó Trưởng khoa Tiêu hóa (BV Bạch Mai), sau vài ngày điều trị bệnh, không được uống rượu, người bệnh bắt đầu có biểu hiện hội chứng cai (còn gọi là rối loạn tâm thần do rượu), trong đó, mức độ nặng nhất là sảng rượu. Triệu chứng "lên cơn" thường xuất hiện vào ngày thứ 3-4 là mất ngủ, chân tay run lẩy bẩy, vã mồ hôi toàn thân, hoang tưởng, la hét, vật vã. 

Tại BV Tâm thần Hà Nội, trung bình mỗi năm tiếp nhận khoảng 500 ca bệnh loạn thần do rượu. Bác sĩ Lý Trần Tình, nguyên Giám đốc BV cho biết, nghiện rượu gây ra ảo giác nhưng hầu hết bệnh nhân không nghĩ mình đang mắc bệnh nên thường không hợp tác với y, bác sĩ. 

Việt Nam là một trong 12 quốc gia trên thế giới cho phép người dân tự nấu rượu. Nhiều cơ sở sản xuất rượu, bia bằng phương pháp thủ công quy mô nhỏ, không thực hiện đầy đủ các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm. Mặt khác, việc kiểm soát hàm lượng methanol (cồn công nghiệp) trong rượu chưa tốt; chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với rượu sản xuất thủ công nên đã gây tác hại khôn lường đến sức khỏe người dùng.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, ở nước ta không có bất cứ sự hạn chế nào về thời gian bán rượu và quy định số lượng rượu được phép bán uống tại chỗ..., vì thế, tỷ lệ sử dụng rượu, bia tăng quá nhanh. "Nếu không có biện pháp mạnh nhằm hạn chế tình trạng sử dụng rượu, bia thì trong tương lai, Việt Nam sẽ là quốc gia đứng đầu về mức độ sử dụng rượu, bia chứ không phải thứ 29 thế giới như hiện nay" - ông Long cảnh báo (Hà Nội mới, trang 5).

 

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến làm việc tại BVĐK TW Quảng Nam

 Cuối tuần qua, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cùng đoàn công tác của Bộ Y tế đã đến thăm và làm việc về công tác khám chữa bệnh (KCB) tại BVĐK TW Quảng Nam. Tại buổi làm việc, sau khi đi thăm thực tế và nghe báo cáo của lãnh đạo BV, Bộ trưởng đã đánh giá cao những nỗ lực đạt được của BV, đặc biệt là trong việc làm chủ các kỹ thuật cao để phục vụ nhu cầu KCB và chăm sóc, nâng cao sức khỏe của người dân trong khu vực, đồng thời Bộ trưởng cũng gợi mở cách giải quyết các khó khăn, đề xuất của BV...

Báo cáo tại buổi làm việc, TS. Đinh Đạo - Giám đốc BVĐK TW Quảng Nam cho biết, hiện BV thực kê 820 giường bệnh; 25 phòng khám chuyên khoa. Năm 2016, BV đạt 107% công suất sử dụng giường bệnh kế hoạch.  Trung bình hằng năm BV tiếp nhận 125.000 - 130.000 lượt khám bệnh; 25.000 - 30.000 lượt điều trị nội trú.

Để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, BV đã không ngừng cử cán bộ đi đào tạo nâng cao chuyên môn nghiệp vụ và tận dụng tối đa lợi thế là BV vệ tinh của các BV lớn như BV Tim Hà Nội, BV Đại học Y Hà Nội, BV Phụ sản TW, BV K TW, đến nay các thầy thuốc của BVĐK TW Quảng Nam đã làm chủ hàng loạt kỹ thuật cao như chụp và can thiệp tim mạch như van tim, tim bẩm sinh, động mạch vành, mạch chi, mạch não,...

“So sánh các chỉ số hoạt động chuyên môn trong 2 giai đoạn 5 năm cho thấy các chỉ số hoạt động chuyên môn trong giai đoạn từ 2012-2017 đều tăng gấp 2 hoặc 3 lần so với giai đoạn từ 2007-2011, trong đó có chỉ số tăng vượt bậc như phẫu thuật đặc biệt (áp dụng kỹ thuật cao) tăng gấp 42 lần” - TS. Đinh Đạo nói.

Tuy nhiên, Giám đốc BVĐK TW Quảng Nam cũng báo cáo những khó khăn trong việc thu hút đội ngũ cán bộ có năng lực tốt về phục vụ lâu dài tại đây. Giai đoạn 2013-2016, chưa được hưởng chính sách thu hút bác sĩ của tỉnh Quảng Nam, gây khó khăn trong công tác tuyển dụng. Thiếu hụt đội ngũ bác sĩ về công tác và gắn bó lâu dài với đơn vị. Tiếp đó, mặc dù được thống nhất chủ trương bổ sung đối tượng công nhân trên địa bàn được đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu và phân bổ chỉ tiêu 30.000 thẻ BHYT, nhưng thực tế chỉ được 15.000 đầu thẻ BHYT đăng ký nên BV rất khó khăn để đảm đương cơ chế tự chủ...

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá cao sự nỗ lực thay đổi và kết quả đạt được của BVĐK TW Quảng Nam cả về công tác KCB cũng như phong cách phục vụ người bệnh của cán bộ y tế tại đây. Về những khó khăn cũng như đề xuất của BV, Bộ trưởng cho hay, về vấn đề thiếu nhân lực, BV cần làm việc ngay với Vụ Tổ chức cán bộ của Bộ Y tế để được hướng dẫn tuyển dụng ngay các bác sĩ đang thiếu hiện đang làm hợp đồng tại BV nhằm đảm bảo nhân lực phục vụ công tác KCB; đồng thời, Bộ trưởng cũng mong muốn UBND tỉnh Quảng Nam cho phép BVĐK TW Quảng Nam tham gia chính sách thu hút bác sĩ của tỉnh.

Vấn đề khó khăn trong tài chính của BV, Bộ trưởng cũng chia sẻ với BV từ xuất phát điểm là một BV huyện, tuy nhiên, Bộ trưởng yêu cầu BV cũng cần đổi mới, nâng cao năng lực quản trị BV, đặc biệt trong sắp xếp nhân lực làm việc cho phù hợp. Về vấn đề phân bổ thẻ BHYT, Bộ trưởng đề nghị BV làm việc lại với Vụ BHYT để được hướng dẫn cụ thể hơn.

Về vấn đề chuyên môn, theo Bộ trưởng, để đạt được mục tiêu thu hút người dân đến KCB, BV cần nỗ lực hơn nữa trong ứng dụng các kỹ thuật cao trong KCB, đồng thời cần quyết liệt đổi mới hơn nữa trong phong cách phục vụ người bệnh, làm sao để người bệnh ngày càng hài lòng hơn khi đến KCB tại BV. Đối với đề xuất Bộ Y tế hỗ trợ BV phát triển các chuyên khoa mũi nhọn, Bộ trưởng yêu cầu BV cần thống nhất lại, chọn vài chuyên khoa đột phá để phát triển thành thế mạnh. “Bộ Y tế luôn tạo điều kiện cho BV phát triển, kể cả việc mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác KCB” - Bộ trưởng nói (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

 

Chính thức sử dụng hệ thống quản lý tiêm chủng quốc gia

Với hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia, các bà mẹ có thể chọn giờ, địa điểm tiêm, nhận tin nhắn nhắc cho con em đi tiêm chủng, đặt lịch hẹn tránh chờ đợi; lịch sử tiêm chủng được theo dõi suốt đời. Đây là các thông tin được đưa ra tại buổi lễ Khai trương hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia do Bộ Y tế phối hợp với Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) tổ chức.

Số hóa việc quản lý vắc-xin, tiêm chủng

Thông tin tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, hơn 30 năm triển khai công tác tiêm chủng mở rộng tại Việt Nam đã có hàng trăm triệu liều vắc-xin các loại được tiêm miễn phí cho trẻ em và phụ nữ. Nhờ tiêm chủng mở rộng, nhiều dịch bệnh đã được khống chế và đẩy lùi. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai tiêm chủng cũng gặp không ít khó khăn. Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 1,7 triệu trẻ ra đời, nhưng vẫn còn nhiều trẻ trong độ tuổi chưa được tiêm chủng đầy đủ. Một số xã, phường có tỷ lệ tiêm chủng đạt thấp; nguy cơ bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm là rất lớn. Vì thế, việc đưa vào sử dụng hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia sẽ giúp hệ thống này quản lý, lưu trữ một số lượng lớn thông tin tiêm chủng của trẻ ở độ tuổi tiêm chủng trên tất cả các trạm y tế cấp phường/xã, quận/huyện và tỉnh thành. Đặc biệt, qua đó người dân có thể đăng ký nơi, giờ tiêm chủng, được nhắc lịch tiêm qua tin nhắn... Lịch sử tiêm chủng người dân được theo dõi suốt đời, thông tin được bảo mật cao. “Hệ thống này cũng sẽ giúp cơ quan chức năng phát hiện kịp thời những trẻ chưa được tiêm chủng đầy đủ; những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp”, Thứ trưởng Long nhấn mạnh.

Một ưu điểm lớn nữa, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết là: “Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia khi đưa vào sử dụng là đột phá của cả ngành y tế bởi nó chuyển từ việc quản lý tiêm chủng, vắc-xin trên giấy sang quản lý bằng phần mềm tiện lợi và tiết kiệm hơn rất nhiều”.

Bước ngoặt lớn trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ, ông rất vui bởi: “Đây là điều tâm huyết của rất nhiều anh chị em cán bộ ngành y tế, đặc biệt anh em về y tế dự phòng. Đây là bước ngoặt không chỉ đối với lĩnh vực y tế dự phòng, mà cả công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân”.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói thêm: “Chúng ta biết rằng, Việt Nam nói chung đang phát triển và còn nhiều lĩnh vực hạn chế, nhưng tương lai của đất nước ở phía trước, nên dù rằng rất khó khăn nhưng quyết tâm làm một cái gì, thậm chí có những việc mà theo các bạn tổ chức quốc tế nói với tôi là nhiều nước có trình độ phát triển cao hơn Việt Nam rất nhiều cũng chưa làm được. Việc đưa vào sử dụng hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia là một trong những ví dụ”.

Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng giao nhiệm vụ cho ngành y tế và nhấn mạnh đây là một quá trình kiên trì, liên tục, đòi hỏi nỗ lực rất lớn của ngành y tế để tạo bước chuyển mạnh mẽ, rõ nét về chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu của người dân. Đây là cam kết của Chính phủ đối với toàn dân. Về phía Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Phó Thủ tướng chỉ đạo chia sẻ toàn bộ dữ liệu, thông tin cá nhân và những gì liên quan đến sức khỏe của người mua thẻ bảo hiểm y tế để Bộ Y tế cập nhật vào hệ thống này.

Đại tá Tống Viết Trung, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel - đơn vị xây dựng hệ thống cũng cho biết, hệ thống này sử dụng dễ dàng trên cả máy tính bảng, smartphone. Mỗi người dân sẽ được theo dõi và quản lý tiêm chủng trọn đời theo mã số cá nhân. Qua đó người dân có thể dễ dàng sử dụng để nắm được lịch sử tiêm chủng, số mũi tiêm, phản ứng sau tiêm của con. Hệ thống cũng loại bỏ hoàn toàn việc quản lý trên giấy, từ đó tiết kiệm thời gian và giúp tiết kiệm 100 tỷ mỗi năm cho xã hội. Theo TS. Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội, việc áp dụng hệ thống này sẽ giúp thành phố tiết kiệm được hơn 13.000 ngày công (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress
Chúc mừng năm mới

Lên đầu trang