Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 27/9/2017

  • |
T5g.org.vn - Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về bảo đảm chất lượng đào tạo nhân lực y tế; Giảm đầu mối để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; Cần kiểm định chất lượng đào tạo và năng lực hành nghề của bác sĩ; Người Việt Nam có chiều cao thấp trên thế giới; Trên 90% ổ dịch sốt xuất huyết ở Hà Nội đã được khống chế; …

 

Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về bảo đảm chất lượng đào tạo nhân lực y tế

Ngày 26-9, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức hội thảo quốc tế "Chia sẻ kinh nghiệm về bảo đảm chất lượng đào tạo nhân lực y tế" với sự tham gia của các chuyên gia trong lĩnh vực đào tạo nhân lực y tế đến các nước: Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Thái-lan... Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam dự và phát biểu ý kiến.

Theo Thứ trưởng Y tế Lê Quang Cường, những năm gần đây, Việt Nam đã chú trọng đào tạo nhân lực y tế bằng việc đa dạng hóa các hình thức đào tạo cũng như mở rộng các cơ sở đào tạo. Tuy nhiên, việc kiểm soát năng lực hành nghề của sinh viên sau tốt nghiệp hiện đang gặp nhiều thách thức. Để bảo đảm chất lượng nhân lực, tạo tiền đề nâng cao chất lượng y tế, tại Nghị định số 75/2017/NĐ-CP, Chính phủ đã giao Bộ Y tế có nhiệm vụ "Quy định, hướng dẫn tổ chức thực hiện việc thi để xét cấp chứng chỉ hành nghề trong lĩnh vực y tế theo quy định của pháp luật". Việc thi để xét cấp chứng chỉ hành nghề là một giải pháp quan trọng nhằm kiểm soát chất lượng đào tạo và năng lực hành nghề của nhân lực y tế, song đây là một việc làm mới chưa từng có tiền lệ ở Việt Nam. Tại hội thảo, các đại biểu nghe và trao đổi về một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực y tế ở nước ta trong thời gian sắp tới, trong đó tập trung vào: sự cần thiết của việc thành lập Hội đồng Y khoa quốc gia; đề xuất các bước đi để xây dựng mô hình tổ chức, chức năng nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của Hội đồng sao cho phù hợp bối cảnh kinh tế - xã hội và chủ trương giảm đầu mối, giảm biên chế cũng như đơn giản các thủ tục hành chính.

Phát biểu ý kiến tại hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, nhân lực y tế là một yếu tố quan trọng, là điều kiện tiên quyết quyết định chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống y tế. Nhân lực lĩnh vực y khoa là nghề đặc biệt, được đào tạo, tuyển dụng và đãi ngộ đặc biệt. Chính vì vậy, cần đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực y khoa theo lộ trình. Để làm được điều đó cần có một trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục đại học có đủ năng lực kiểm định các chương trình đào tạo y khoa; xây dựng các chuẩn chương trình để áp dụng cho các cơ sở đào tạo, tinh thần các trường tốp trên áp dụng trước, các trường tốp dưới áp dụng sau.

Phó Thủ tướng cho rằng, đã đến lúc có một tổ chức độc lập như mô hình Hội đồng Y khoa của các nước. Tổ chức này được thành lập với sự tham gia của người làm công tác đào tạo, người sử dụng nhân lực và cơ quan quản lý nhà nước. Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế phối hợp Tổng Hội Y học Việt Nam xây dựng đề án thành lập tổ chức này, hoạt động linh hoạt và bước đi phù hợp trên nguyên tắc không đánh đổi chất lượng (Nhân dân, trang 1)

 

Giảm đầu mối để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh

Ngày 26-9, tại buổi làm việc với Bệnh viện Tâm thần T.Ư 1 về công tác cán bộ, công tác khám, chữa bệnh (KCB), Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị bệnh viện tiến hành việc tinh gọn, giảm bớt các đầu mối hành chính; tập trung nguồn nhân lực cho công tác chuyên môn; chỉ tuyển dụng cán bộ theo vị trí việc làm hiện nay đang còn thiếu; đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học về lĩnh vực tâm thần để phục vụ KCB, phòng bệnh, phục hồi chức năng cho người bệnh tâm thần…

Bộ trưởng Y tế yêu cầu, bệnh viện cần tiến hành mở thêm phòng khám đa khoa; xây dựng các phòng dịch vụ KCB theo yêu cầu; đề nghị bảo hiểm xã hội cho đăng ký KCB ban đầu tại bệnh viện, nhằm tận dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực sẵn có của bệnh viện hiện nay… (Nhân dân, trang 5)

 

Thanh tra việc cấp phép cho VN Pharma nhập 7 loại thuốc

Thanh tra Chính phủ sẽ thanh tra việc cấp phép nhập khẩu thuốc, cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc cho VN Pharma và việc VN Pharma trúng thầu cung cấp thuốc cho các bệnh viện. Quyết định thanh tra được Thanh tra Chính phủ công bố tại Bộ Y tế sáng nay, 26/9.

Theo Quyết định thanh tra do Phó tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn ký, TTCP sẽ thanh tra việc cấp phép nhập khẩu thuốc và cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc đối với 7 loại thuốc do công ty Helix Pharmaceuticals Inc, Canada sản xuất và việc trúng các gói thầu cung cấp thuốc cho các bệnh viện của công ty cổ phần VN Pharma.

Đoàn thanh tra gồm 6 thành viên, do ông Vũ Hồng Khánh, thanh tra viên cao cấp, Phó vụ trưởng Vụ III Thanh tra Chính phủ làm trưởng đoàn. Thời kỳ thanh tra 2011 - 2014, tùy tình hình có thể mở rộng thời gian. Cuộc thanh tra kéo dài trong 60 ngày không kể các ngày nghỉ.

Cuộc thanh tra này được kỳ vọng trả lời nhiều câu hỏi đặt ra sau phiên tòa xử nguyên TGĐ VN Pharma Nguyễn Minh Hùng và đồng phạm hồi tháng 8/2017.

Một trong những điểm bất thường là trong các năm 2011-2014, VN Pharma nhập khẩu 8 thuốc kháng sinh và thuốc trị ung thư, hồ sơ giấy tờ do Công ty Helix Canada sản xuất nhưng thực tế là hồ sơ giả mạo, thuốc sản xuất ở Ấn Độ và Công ty Helix theo hồ sơ thực chất là công ty "ma".

Trả lời báo chí đầu tháng 9 này, thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho rằng những hồ sơ này được làm giả một cách tinh vi, mắt thường không phát hiện được. Sau khi nhập khẩu trót lọt vào VN, các thuốc này đã trúng thầu vào nhiều bệnh viện, góp phần giúp doanh thu của VN Pharma tăng theo cấp số nhân.

Điểm đáng chú ý nữa là quyết định thanh tra sẽ xem xét việc cấp phép lưu hành và đấu thầu 7 thuốc do VN Pharma nhập khẩu, Helix sản xuất, trong khi VN Pharma nhập 8 thuốc từ Helix là 7 thuốc kháng sinh và thuốc trị ung thư H-Capita. (Tiền phong, trang 5)

Cùng chủ đề Báo Công an Nhân dân trang 1: “Chính thức thanh tra việc cấp phép cho VN Pharma nhập khẩu 7 loại thuốc”; Báo Thanh niên trang 4: “Thanh tra việc cấp phép cho VN Pharma nhập 7 loại thuốc”; Báo An ninh Thủ đô trang 3:  Bắt đầu thanh tra việc cấp nhập khẩu thuốc ung thư cho VN Pharma tại Bộ Y tế”; Hà Nội mới trang 7: “Thanh tra việc cấp phép nhập khẩu cho công ty cổ phần VN Pharma”; Báo Sức khỏe & Đời sống: “Công bố quyết định thanh tra việc cấp phép cho VN Pharma”

 

Nhiều bất cập trong đào tạo nhân lực y tế

Ngày 26/9, Bộ Y tế tổ chức hội thảo quốc tế “Chia sẻ kinh nghiệm về đảm bảo chất lượng đào tạo nhân lực y tế”. Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường thừa nhận, hiện nay các bác sĩ đều có bằng nhưng chất lượng không hề giống nhau. Theo GS.TS Ngô Quý Châu, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, đang có tình trạng thiếu hụt nhân lực chất lượng trình độ ở tuyến huyện nên khó giải quyết bài toán quá tải khi bệnh nhân dồn lên trên. Cùng với đó khó giải quyết các tai biến y khoa ở tuyến dưới. TS Châu cho rằng buộc phải thay đổi quy trình đào tạo.

Ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM cho rằng còn nhiều bất cập trong đào tạo nhân lực y tế. Cụ thể, đào tạo và sử dụng không phù hợp với nhau. Khi ra thực tiễn thì nhu cầu rất khác với đào tạo. Theo ông Bỉnh cần có thi chứng chỉ hành nghề cấp quốc gia nếu không chỉ vài năm nữa sẽ thấy chất lượng không đồng đều, không chuẩn.

Tham dự hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, nhân lực y tế là một yếu tố quan trọng, là điều kiện tiên quyết quyết định chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống y tế. Nhân lực y khoa rất đặc biệt bởi vì đây là nghề đặc biệt, được đào tạo đặc biệt, tuyển dụng đặc biệt và đãi ngộ đặc biệt.  Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị cần đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực y khoa theo lộ trình. Việt Nam hiện có 4 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục đại học nhưng chưa có trung tâm đủ năng lực kiểm định về đào tạo y khoa.

Vì vậy, Việt Nam cần có một cơ sở kiểm định chung và thành lập các chuẩn chương trình, lấy kinh nghiệm từ các nước, áp dụng vào thực tiễn của Việt Nam sao cho phù hợp. Đồng thời, nước ta cũng cần thành lập một tổ chức như Hội đồng y khoa được Nhà nước ủy quyền nhưng không thuộc Bộ với sự tham gia của người làm công tác đào tạo, người trực tiếp tham gia khám chữa bệnh, người sử dụng nhân lực, cơ quan nhà nước và có thể có sự tham gia của người bệnh, nhân dân - người thụ hưởng dịch vụ y tế... Bộ Y tế cần phối hợp với Tổng Hội y học Việt Nam xây dựng đề án thành lập tổ chức này phù hợp với tình hình của Việt Nam... (Tiền phong, trang 6)

 

Cần kiểm định chất lượng đào tạo và năng lực hành nghề của bác sĩ

Việc đào tạo bác sĩ ở Việt Nam chưa có chuẩn, còn chồng chéo, trùng lắp; quy mô đào tạo chưa gắn với nhu cầu và yêu cầu sử dụng của hệ thống y tế; năng lực nghề nghiệp chưa gắn với vị trí việc làm, chưa phân định rõ các trình độ... đó là những bất cập trong ngành Y tế làm ảnh hưởng đến chất lượng khám, chữa bệnh (KCB) cho người dân.

GS. Ngô Quý Châu –Phó Giám đốc BV Bạch Mai băn khoăn chất lượng đào tạo của ta đang ở đâu khi hệ thống đào tạo hiện vẫn chưa ổn. Ở Pháp, bác sĩ phải học 8 năm mới ra trường và phải học thêm ít nhất 2 năm nữa mới được KCB, còn ở Việt Nam, chỉ học 6 năm đã trở thành bác sĩ. Số lượng bác sĩ nội trú có chất lượng còn ít, không đáp ứng được nhu cầu, dẫn đến thiếu hụt trầm trọng. Nếu không thay đổi về vấn đề đào tạo, Việt Nam sẽ mãi chênh về chất lượng, trình độ giữa các tuyến và không thể giải quyết được bài toán quá tải bệnh viện (BV) hay những sự cố y khoa.

“Hiện nay, giữa đào tạo và nhu cầu sử dụng không khớp nhau. Đào tạo không đáp ứng yêu cầu nên người bệnh ở tuyến dưới phải dồn về tuyến trên. Đầu vào chưa chuẩn từ cơ sở đến thầy giáo thì không thể có bác sĩ chuẩn được. Do đó phải xây dựng chuẩn quốc gia trong đào tạo, đánh giá thực hành để chăm sóc sức khỏe cho nhân dân”- PGS. Nguyễn Tấn Bỉnh –Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh nêu ý kiến.

Đồng quan điểm này, Hiệu trưởng Trường Đại học Y –Dược Hải Phòng cũng nhấn mạnh yêu cầu đào tạo phải có chuẩn mới đảm bảo chất lượng KCB. Ông Diệp Tuấn –Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh cũng cho hay, ở nhiều nước, các trường y đào tạo và cấp bằng, chứng chỉ hành nghề và có tổ chức độc lập để đánh giá chất lượng riêng.

Trong khi đó, việc cấp chứng chỉ hành nghề KCB hiện được quy định dựa vào bằng tốt nghiệp do các cơ sở đào tạo cấp. Điều này không đánh giá được khách quan năng lực khi họ hành nghề. Vì vậy, thi để cấp phép hành nghề là giải pháp quan trọng nhằm kiểm soát chất lượng đào tạo và năng lực hành nghề của nhân lực y tế.

Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường nhận xét, để hình thành được năng lực hành nghề của nhân viên y tế, các nước luôn chú trọng đến việc chuẩn hoá và kiểm định chất lượng của các cơ sở, chương trình đào tạo. Tuy nhiên, điều đó vẫn không thể đảm bảo rằng tất cả các nhân lực y tế do các cơ sở đào tạo đều đủ năng lực cơ bản để hành nghề. Bởi vậy, việc sát hạch trước khi hành nghề trở thành khâu rất quan trọng, là điều kiện bắt buộc để cấp phép hành nghề. Quy định này giúp cho người dân được tiếp cận với dịch vụ y tế có chất lượng, an toàn, cũng như vì lợi ích của chính cơ sở y tế và nhân viên y tế.

Nhưng ở Việt Nam, việc kiểm soát năng lực hành nghề của sinh viên sau tốt nghiệp đang gặp nhiều thách thức bởi theo quy định, các cơ sở đào tạo được chủ động xây dựng chương trình đào tạo và công bố chuẩn đầu ra sau khi được Bộ GD&ĐT phê duyệt, trong khi việc cấp chứng chỉ hành nghề KCB đang được quy định dựa trên bằng tốt nghiệp do các cơ sở đào tạo cấp và hồ sơ pháp lý. Vì vậy việc đánh giá khách quan năng lực trước khi hành nghề KCB của người thầy thuốc vẫn bỏ ngỏ.

Theo Thứ trưởng Cường, ở các nước, việc kiểm soát chất lượng đào tạo và năng lực hành nghề của nhân lực y tế do một Hội đồng y khoa quốc gia thực hiện. Đây là cơ quan do nhà nước ủy quyền, chịu trách nhiệm ban hành các chuẩn năng lực hành nghề của nhân lực y tế cũng như chuẩn chương trình đào tạo của các cơ sở đào tạo và tổ chức sát hạch năng lực nhân viên y tế trước khi họ tham gia vào hoạt động KCB độc lập.

“Thi để cấp phép hành nghề là một giải pháp quan trọng nhằm kiểm soát chất lượng đào tạo và năng lực hành nghề của nhân lực y tế, song lại là việc làm chưa từng có tiền lệ ở Việt Nam” - Thứ trưởng Lê Quang Cường nhấn mạnh.

Các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm đảm bảo chất lượng đào tạo nhân lực y tế và đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực y tế ở nước ta trong thời gian tới. Theo đó phải lập Hội đồng Y khoa quốc gia, đề xuất bước đi, xây dựng mô hình tổ chức phù hợp với bối cảnh kinh tế-xã hội và đơn giản các thủ tục hành chính ở nước ta vv…

Đánh giá cao kinh nghiệm của các chuyên gia quốc tế, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh nhân lực y tế là yếu tố quan trọng, là điều kiện tiên quyết quyết định chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống y tế. Nhân lực y khoa rất đặc biệt bởi đây là nghề đặc biệt, được đào tạo đặc biệt, tuyển dụng đặc biệt và đãi ngộ đặc biệt.

Do đó, Bộ Y tế cần đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực y khoa theo lộ trình. Việt Nam hiện có 4 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục đại học nhưng chưa có trung tâm đủ năng lực kiểm định về đào tạo y khoa. Vì vậy, Việt Nam cần có một cơ sở kiểm định chung và thành lập các chuẩn chương trình, lấy kinh nghiệm từ các nước, áp dụng vào thực tiễn của Việt Nam sao cho phù hợp. (Công an Nhân dân, trang 2)

 

Người Việt Nam có chiều cao thấp trên thế giới

Theo công bố mới được Tổng hội Y học Việt Nam đưa ra tại hội thảo khoa học tầm vóc cơ thể tổ chức ngày 26-9 ở Hà Nội, Việt Nam có chiều cao trung bình thấp so với thế giới. Nam giới Việt Nam đứng thứ 19 trong số những nước có chiều cao thấp nhất thế giới, nữ giới đứng thứ 13 trong số những nước có chiều cao thấp nhất thế giới.

TS. Trương Hồng Sơn, Phó Tổng Thư ký Tổng hội Y học Việt Nam, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, cho hay, trong 34 năm qua, chiều cao trung bình của nam giới Việt Nam tăng 4,4 cm (từ 1,6m lên 1,64,4m), chiều cao trung bình của nữ giới tăng 3,4 cm (từ 1,5m lên 1,53,4m). Đây là mức tăng trưởng thấp.

PGS. TS Lê Bạch Mai -nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, trong 30 năm qua, tỷ lệ biến đổi suy dinh dưỡng giảm ngoạn mục từ 51% xuống 14%, nhưng tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi chỉ giảm một nửa, từ 59,7% xuống 26%. Theo kết quả nghiên cứu mới nhất, cứ 6 trẻ dưới 5 tuổi thì có một trẻ suy dinh dưỡng, 10 trẻ có 7 trẻ thiếu kẽm, 2 trẻ có 1 trẻ thiếu máu. Trong đó, liên quan rất nhiều đến yếu tố dinh dưỡng. Trừ Đông Nam bộ đáp ứng nhu cầu Vitamin A, còn hầu hết các vùng khác đều thiếu về chỉ số vi chất dinh dưỡng.

“Khu vực đồng bằng sông Hồng dù đời sống khá hơn nhưng tỷ lệ thiếu máu vẫn giữ nguyên mức từ năm 2000 đến 2010, trong khi đó, các vùng Tây Nguyên lại thay đổi ngoạn mục. Hiện nay, tỷ lệ thiếu máu trung bình giảm 28%, nhưng tỷ lệ này ở độ tuổi dưới hai tuổi không thay đổi từ năm 2005-2010”- TS Lê Bạch Mai cho biết. (Công an Nhân dân, trang 2)

Cùng chủ đề Báo An ninh Thủ đô trang 2: “34 năm, chiều cao nam giới Việt Nam mới tăng thêm 4,4cm”

 

Trên 90% ổ dịch sốt xuất huyết ở Hà Nội đã được khống chế

Sở Y tế Hà Nội cho biết, tính đến thời điểm này, toàn thành phố còn 384 ổ dịch sốt xuất huyết (SXH), trong khi có trên 4.000 ổ dịch đã được khống chế.

Theo số liệu cập nhật mới nhất của Sở Y tế Hà Nội, trong tuần vừa qua (từ 18-9 đến 24-9), trên địa bàn thành phố ghi nhận 1.604 trường hợp mắc SXH, giảm 352 trường hợp so với tuần từ ngày 11-9 đến 17-9 và giảm 1.965 trường hợp mắc so với tuần cao điểm nhất của dịch này vào giữa tháng 8.

Đáng chú ý, hầu hết các quận ở nội thành như Hà Đông, Đống Đa, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Thanh Xuân... số mắc mới giảm hơn so với tuần trước đó. Chỉ còn một số huyện ở ngoại thành có số mắc tăng nhẹ là Đông Anh, Mỹ Đức, Gia Lâm, Phúc Thọ... Trong tuần không ghi nhận trường hợp tử vong do SXH.

Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, lũy tích số mắc SXH trên địa bàn Hà Nội từ đầu năm đến nay đã lên tới 30.344 trường hợp, 7 trường hợp tử vong. Hiện 95,7% số bệnh nhân đã khỏi, còn trên 1.200 bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện.

Cùng đó, 91,4% số ổ dịch SXH trên địa bàn thành phố đã được khống chế qua 14 ngày không xuất hiện thêm bệnh nhân mới (4.063 trên tổng số 4.447 ổ dịch cộng dồn từ đầu năm). Hiện toàn thành phố còn 384 ổ dịch đang hoạt động.

Cũng trong tuần qua, toàn thành phố Hà Nội ghi nhận 116 trường hợp mắc tay chân miệng, 8 trường hợp mắc sốt phát ban dạng sởi. Đặc biệt, ghi nhận 2 trường hợp mắc liên cầu khuẩn lợn tại xã Đồng Quang (huyện Quốc Oai) và phường Đại Kim (quận Hoàng Mai). Lũy tích từ đầu năm 2017 đến nay, tại Hà Nội có 14 trường hợp mắc liên cầu lợn, 3 trường hợp tử vong. (An ninh Thủ đô, trang 2)

 

60-70% số ca nạo phá thai là sinh viên, học sinh

Sáng nay, 26-9, Tổng Cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ, Bộ Y tế) phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã tổ chức hội thảo về lợi ích tránh thai, hưởng ứng ngày Tránh thai thế giới (26-9). Tại đây, Vụ Sức khỏe Bà mẹ & Trẻ em – Bộ Y tế cho biết, mỗi năm nước ta có khoảng 250.000 – 300.000 ca phá thai được báo cáo chính thức.

Trung bình một người phụ nữ có 2 con thì cũng 2 lần nạo phá thai. Đáng chú ý, tỷ lệ phá thai trên 12 tuần tuổi chiếm tới gần 80%. Trong khi đó, theo số liệu của Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam, 20-30% các ca phá thai là phụ nữ chưa kết hôn và 60-70% là sinh viên, học sinh.

Ông Đinh Anh Tuấn, Vụ Sức khỏe Bà mẹ & Trẻ em cho biết, tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai ở nước ta được được duy trì ở mức cao (khoảng 75-79%) trong nhiều năm qua nhưng tỷ lệ phá thai vẫn còn cao là do: còn nhiều trường hợp không áp dụng biện pháp tránh thai (chiếm 55,6%), có nhu cầu nhưng không được đáp ứng và đặc biệt là thất bại trong các biện pháp tránh thai (gần 40%).

Các chuyên gia cảnh báo, dịch vụ sẵn có ở bệnh viện hay phòng khám thường không được thiết kế để đáp ứng nhu cầu của các khách hàng vị thành niên nên dẫn đến một tỷ lệ cao các trường hợp mang thai ngoài ý muốn và phá thai không an toàn xảy ra ở những người trẻ tuổi, đặc biệt là thanh niên và những người chưa lập gia đình.

Các biến chứng trong khi mang thai và sinh đẻ là nguyên nhân thứ hai gây tử vong ở phụ nữ từ 15 – 19 tuổi, và những đứa trẻ được sinh ra bởi những bà mẹ tuổi vị thành niên cũng thường gặp nhiều rủi ro về sức khỏe hơn các trẻ em khác. (An ninh Thủ đô, trang 8)

Cùng chủ đề Báo Hà Nội mới trang 5: “Mỗi năm nước ta có khoảng 250.000-300.000 ca phá thai”

 

Kiểm tra bếp ăn bán trú học sinh tiểu học, mầm non ở Hà Nội

Thông tin từ Cục ATTP ngày 26-9 cho biết, ngày 22-9 vừa qua, đoàn thanh tra của Cục này do ông Trần Văn Châu - Trưởng Phòng Công tác Thanh tra làm trưởng đoàn đã phối hợp với Sở Y tế Hà Nội tiến hành kiểm tra công tác đảm bảo ATTP các bếp ăn tập thể tại các trường học trên địa bàn huyện Hoài Đức.

Cụ thể, đoàn đã kiểm tra bếp ăn bán trú cho học sinh tại Trường mầm non Yên Sở và Trường tiểu học Đức Giang. Trước đó, Cục ATTP nhận được một số thông tin phản ánh từ người dân về việc bếp ăn tập thể ở trường này nghi không đảm bảo ATTP.

Tuy nhiên, qua thực tế kiểm tra, đoàn công tác ghi nhận không có trường hợp ngộ độc thực phẩm nào tại cả 2 trường. Bếp ăn tập thể của 2 trường này cũng đã thực hiện khá đầy đủ các quy định, cam kết bảo đảm ATTP.

Dù vậy, Đoàn kiểm tra cũng có một số lưu ý đối với nhà trường như duy trì bảo đảm ATTP từ khâu nhập nguyên liệu đến khâu chế biến để dự phòng nguy cơ ô nhiễm có thể xảy ra trong quá trình chế biến, không để sát mặt sàn khi sơ chế rau và nhặt rau; sắp xếp khu chế biến thức ăn hợp lý hơn; duy trì vệ sinh sạch sẽ để trong khu vực chia thức ăn trong phòng ăn không có ruồi…

Ngoài ra, đoàn cũng đề nghị nhà trường cần chú ý công tác lưu mẫu thức ăn đầy đủ, chính xác để phục vụ công tác điều tra khi có vụ ngộ độc xảy.

Theo Cục ATTP, vừa qua đường dây nóng của Cục (số điện thoại 0243.2321556 và 0911811556) liên tiếp nhận được thông tin về thực phẩm bẩn, bữa ăn mất an toàn tại các trường học ở một số địa phương. Cục ATTP cũng cho biết, nếu các phụ huynh có thông tin thực phẩm bẩn hãy gọi phản ánh về đường dây nóng, Cục sẽ tổ chức thanh tra đột xuất hoặc chỉ đạo kiểm tra. (An ninh Thủ đô, trang 8)

 

Quy định trao tặng giáo sư danh dự: Bộ GD-ĐT yêu cầu ĐH Y dược TP.HCM phải sửa

Bộ GD-ĐT vừa yêu cầu Trường ĐH Y dược TP.HCM chấn chỉnh và sửa quy định về việc phong chức danh giáo sư, phó giáo sư danh dự của trường.

Ông Nguyễn Hải Thập - phó cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD-ĐT, cho biết theo các quy định hiện hành về việc trao tặng danh hiệu giáo sư danh dự thì quyết định của Trường ĐH Y dược TP.HCM là sai quy định.

Theo ông Nguyễn Hải Thập, khoản 1 điều 13 Điều lệ trường đại học ban hành kèm theo quyết định số 70/2014/QĐ-TTg ngày 10-12-2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định: "Hội đồng khoa học và đào tạo có nhiệm kỳ 5 năm theo nhiệm kỳ của hiệu trưởng, thực hiện nhiệm vụ tư vấn cho hiệu trưởng về những công việc: … đề xuất danh sách thành viên hội đồng chức danh giáo sư cơ sở; bổ nhiệm các chức danh giáo sư, phó giáo sư trong trường; trao tặng danh hiệu giáo sư danh dự, tiến sĩ danh dự của nhà trường cho các cá nhân…", không quy định phải hướng dẫn chi tiết.

Việc trao tặng danh hiệu giáo sư danh dự, tiến sĩ danh dự thuộc thẩm quyền của thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học và được thực hiện theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, vì vậy, hiệu trưởng Trường ĐH Y dược TP.HCM ban hành quy định trước khi thực hiện là cần thiết.

Tuy nhiên, quyết định số 3765/QĐ-ĐHYD ngày 14-9-2017 của hiệu trưởng Trường ĐH Y dược TP.HCM lại ban hành quy định về việc "phong tặng" giáo sư, phó giáo sư danh dự của trường mà không phải là "trao tặng" nên không đúng với quy định tại khoản 1 điều 13 quyết định 70 nêu trên.

Thêm một chi tiết sai nữa trong quyết định của Trường ĐH Y dược TP.HCM là quy định tại khoản 1 điều 13 quyết định 70 chỉ đề cập đến việc trao tặng danh hiệu giáo sư danh dự, tiến sĩ danh dự mà không có trao tặng danh hiệu phó giáo sư danh dự.

"Ngay sau khi nắm được sự việc, Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý đã trao đổi trực tiếp với PGS.TS Trần Diệp Tuấn - hiệu trưởng Trường ĐH Y dược TP.HCM để yêu cầu chỉnh sửa và có văn bản thay thế quyết định số 3765/QĐ-ĐHYD cho phù hợp với quy định.

Cụ thể, sẽ thay thế quyết định này bằng một văn bản quy định về việc "Trao tặng danh hiệu giáo sư danh dự" có kèm theo thiết kế mẫu giấy trao tặng và công khai trên trang thông tin điện tử của trường để tránh dư luận trái chiều. Hiệu trưởng Trường ĐH Y dược TP.HCM đã nhận thiếu sót và chỉnh sửa ngay", ông Thập cho biết thêm.

Cũng theo ông Nguyễn Hải Thập, trên thực tế đã có một số cơ sở giáo dục đại học thực hiện việc trao tặng danh hiệu giáo sư, tiến sĩ danh dự (không trao tặng danh hiệu phó giáo sư danh dự) như Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường ĐH Y Hà Nội, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng, Trường ĐH Đà Lạt, Trường ĐH Thương mại…

"Việc trao tặng danh hiệu giáo sư danh dự là phù hợp với quy định tại Điều lệ trường đại học, nhưng cần phải làm rõ, Điều lệ trường đại học quy định trao tặng danh hiệu mà không phải là "phong, công nhận hoặc bổ nhiệm".

Từ sự việc của Trường ĐH Y dược TP.HCM, chúng tôi đề nghị người đứng đầu các cơ sở giáo dục đại học cần nghiên cứu kỹ các quy định để triển khai chi tiết và áp dụng tại cơ sở, tránh những sai sót đáng tiếc", ông Thập lưu ý. (Tuổi trẻ, trang 13)

 

Bộ trưởng Bộ Y tế thăm và làm việc tại BV Tâm thần TW 1: Năng động hơn để “hút” bệnh nhân đến khám đa khoa

Chuyên ngành tâm thần có những đặc thù trong chẩn đoán, điều trị cũng như chăm sóc. Thực tế này đòi hỏi cán bộ y bác sĩ không chỉ yêu nghề, có tâm với nghề, mà đòi hỏi sự hy sinh rất lớn mới có thể gắn bó với công việc.

Đây là nhấn mạnh của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khi đến thăm và làm việc tại BV Tâm thần TW1 sáng ngày 26/9.

Báo cáo của BV Tâm thần TW 1 tại buổi làm việc cho biết, trung bình mỗi ngày có khoảng 80 bệnh nhân đến khám. Số lượt bệnh nhân điều trị ngoại trú từ đầu năm đến nay đạt gần 18.600 bệnh nhân, trong đó điều trị nội trú cho gần 5.800 bệnh nhân. Công suất sử dụng giường bệnh đạt gần 120%.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo BV Tâm thần TW 1 kiến nghị Bộ Y tế xem xét phê duyệt chiến lược hoạt động chuyên ngành; đưa vào chương trình dự thảo xây dựng luật sức khỏe tâm thần; đào tạo bác sĩ chính quy theo địa chỉ cho chuyên ngành tâm thần.

Liên quan đến vấn đề chi trả bảo hiểm cho người bệnh tâm thần, tại buổi làm việc, lãnh đạo BV Tâm thần cho biết, hiện nay theo quy định người bệnh điều trị tại BV Tâm thần được ngân sách nhà nước chi trả hoàn toàn. Do đó, mặc dù người bệnh có thẻ BHYT nhưng bảo hiểm chỉ thanh toán khi người bệnh đi khám ngoài bệnh lý tâm thần cho nên nguồn thu từ BHYT của bệnh viện gần như không có. Đây cũng là một trong những khó khăn về nguồn thu cho BV.

Lắng nghe báo cáo thực tiễn của BV, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá cao những kết quả đạt được của BV trong hoạt động chuyên môn. Bộ trưởng  cũng chia sẻ khó khăn về đặc thù nghể nghiệp của BV, đặc biệt là một số khó khăn của BV trong hoạt động chuyên môn và nguồn thu của BV.

“Chuyên ngành tâm thần có những đặc thù trong chẩn đoán, điều trị cũng như chăm sóc. Thực tế này đòi hỏi cán bộ y bác sĩ không chỉ yêu nghề, có tâm với nghề, mà đòi hỏi sự hy sinh rất lớn mới có thể gắn bó với công việc”- Bộ trưởng nói.

Làm việc tại đây, Bộ trưởng Bộ Y tế cho hay, hiện nay nhu cầu khám chữa bệnh của người dân về những vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần ngày một nhiều vì xã hội càng phát triển thì stress càng nhiều, bệnh rối loạn giấc ngủ càng nhiều, trầm cảm... Do đó, BV cần mở rộng và đẩy mạnh về công tác truyền thông liên quan đến bệnh cho cộng đồng và những kỹ thuật, quy trình khám chữa bệnh của BV để bệnh nhân tìm đến, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền về những hy sinh thầm lặng của bác sĩ chuyên ngành tâm thần.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cùng đoàn công tác của Bộ Y tế chụp ảnh cùng lãnh đạo BV Tâm thần TW 1 và các cán bộ của Khoa Tâm thần Người cao tuổi

Về vấn đề tài chính của BV, Bộ trưởng khuyến khích BV cần năng động  mở các chuyên khoa khám chữa bệnh theo yêu cầu, phòng khám đa khoa và Khoa tâm lý trị liệu để có thêm nguồn thu cho cán bộ. Bộ trưởng đề nghị Vụ BHYT cần hỗ trợ kết nối và cơ chế cho BV về vấn đề này với Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội để BV có thể khám chữa bệnh ban đầu.

Bộ trưởng yêu cầu Vụ Kế hoạch Tài chính phối hợp với các Vụ/Cục liên quan để xem xét sắp xếp kinh phí cho BV mua máy CT- MRI để tạo điều kiện cho BV có thêm trang thiết bị kỹ thuật cao trong khám chữa bệnh. Về công tác nhân lực, Bộ trưởng đề nghị BV cần sắp xếp lại nhân lực làm công tác hành chính cho phù hợp, đảm bảo đúng với đề án vị trí việc làm.

Ngay sau đó, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã đi thăm và động viên các bệnh nhân đang điều trị tại Khoa Tâm thần người cao tuổi.

Trước đó, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã trao quyết định bổ nhiệm TS.BS.Vương Văn Tịnh giữ chức vụ Giám đốc BV Tâm thần TW 1 thay cho PGS.TS La Đức Cương nghỉ hưu theo chế độ.

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng chúc mừng và hy vọng TS.BS.Vương Văn Tịnh trên cương vị mới với tinh thần trách nhiệm, đồng chí Tân Giám đốc sẽ cùng tập thể Ban lãnh đạo Bệnh viện đoàn kết tập thể Bệnh viện hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quản lý và chuyên môn góp phần đưa Bệnh viện phát triển xứng đáng với sự tin tưởng của lãnh đạo Bộ Y tế, là đơn vị đầu ngành về tâm thần học khu vực phía Bắc.

Nhân dịp này, PGS.TS.Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế ghi nhận những đóng góp của PGS.TS.La Đức Cương, nguyên Giám đốc bệnh viện Tâm thần Trung ương I đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Lãnh đạo Bộ giao cho, từ ngày 26/09/2017 nghỉ công tác quản lý và tiếp tục làm công tác chuyên môn. (Sức khỏe & Đời sống, trang 13)

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang