Tăng cường truyền thông phòng, chống COVID-19; Chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19; Phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; Phòng chống bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ Ba, 21/4/2015 - 11:37

Điểm báo ngày 28/02/2022

  • |
T5g.org.vn - Quan tâm, chăm lo hơn nữa đến đời sống của đội ngũ y, bác sĩ, người lao động ngành Y tế; Thủ tướng: "Chiến sĩ áo trắng" là hình ảnh đẹp về sự hy sinh, y đức, sự quả cảm và tấm lòng nhân ái

 

Quan tâm, chăm lo hơn nữa đến đời sống của đội ngũ y, bác sĩ, người lao động ngành Y tế

Đúng vào ngày kỷ niệm tròn 67 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam, ngày 27-2, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt thân mật Đoàn đại biểu cán bộ y tế tiêu biểu toàn quốc đại diện cho hàng trăm nghìn y, bác sĩ, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Y cả nước. Cùng dự có lãnh đạo Văn phòng Chủ tịch nước, Bộ Y tế, một số ban, bộ, ngành trung ương và 150 đại biểu thầy thuốc, cán bộ, công chức ngành Y tế tiêu biểu trên khắp mọi miền đất nước.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thân ái gửi tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành Y cả nước lời thăm hỏi chân tình và chúc ngành Y sẽ tiếp tục đạt được nhiều thắng lợi mới to lớn hơn nữa.

Đề cập hai trong số những nghề cao quý mà nhân dân ta kính trọng gọi bằng chữ thầy là thầy giáo và thầy thuốc và lời căn dặn của Bác Hồ “lương y phải như từ mẫu”, Chủ tịch nước khẳng định, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn ghi nhớ và vinh danh những đóng góp của ngành Y, tận tụy cống hiến, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho mọi người, đem lại hạnh phúc cho nhân dân.

Chủ tịch nước nêu rõ, trong suốt 60 năm qua, cả trong thời chiến và thời bình, ngành Y tế đã nỗ lực phấn đấu, không quản gian khổ, hy sinh, thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, ngày càng trưởng thành và lớn mạnh về mọi mặt.

Đặc biệt, Chủ tịch nước đánh giá cao công lao, vai trò, sự nỗ lực, hy sinh, cống hiến của lực lượng thầy thuốc đã tích cực tham gia vào cuộc chiến chống đại dịch cam go, gian khổ mà vinh quang với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, góp phần quan trọng đưa nước ta vượt qua những khó khăn, thách thức chưa từng có do đại dịch Covid-19 gây ra trong hơn 2 năm qua. 

Chủ tịch nước nhấn mạnh, hình ảnh những cán bộ y tế trong bộ quần áo bảo hộ kín mít, đêm quên ngủ, ngày quên ăn, tận tâm, tận lực với công việc đã ghi sâu vào tâm trí của nhiều người Việt Nam. Những "chiến sĩ áo trắng" đã không ngại hy sinh, gian khổ, gác lại hạnh phúc riêng tư, gác lại cuộc sống yên bình, để lại con thơ, bố mẹ già đang ngày đêm ngóng trông, đi vào tâm dịch nhiều tháng không về nhà, nhiều nhân viên y tế trải qua cuộc sống cô lập, mất đi sự tiếp xúc của con người, vượt qua nỗi sợ hãi, ám ảnh khi chứng kiến những phút giây sinh tử, sẵn sàng nhận rủi ro về mình để phục vụ, chăm sóc người dân trong các khu cách ly, các bệnh viện dã chiến và có nhiều người đã mãi mãi không trở về. Hàng nghìn tấm gương tiêu biểu của ngành Y thực sự là những “từ mẫu” của nhân dân xứng đáng được tôn vinh như những người anh hùng, bởi họ không chỉ có trái tim nhân ái, tấm lòng nhân hậu mà còn có nghị lực kiên cường, sự chịu đựng bền bỉ, dẻo dai thật phi thường, đáng ghi nhận, khâm phục.

Chủ tịch nước cũng bày tỏ vui mừng về thành tựu của ngành Y trong những năm qua. Việt Nam được quốc tế đánh giá là một trong số ít các nước có mạng lưới y tế hoàn chỉnh tới tận thôn, bản, bảo đảm cung cấp đầy đủ các dịch vụ y tế cho mọi người dân. Các chỉ số sức khỏe của nhân dân đã được nâng lên rõ rệt và tốt hơn so với nhiều nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người. Nhiều bác sĩ của Việt Nam được bạn bè, đồng nghiệp quốc tế đánh giá cao; đã thực hiện thành công nhiều kỹ thuật khó, điều trị được nhiều bệnh hiểm nghèo, tiếp cận và làm chủ được hầu hết các kỹ thuật y học tiên tiến trên thế giới. Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đang phát triển có tốc độ ứng dụng và đổi mới kỹ thuật y học trong thực hành lâm sàng nhanh nhất trên thế giới, lĩnh vực y tế dự phòng cũng ngày càng phát triển, ngăn chặn được nhiều bệnh dịch nguy hiểm…

Với đặc thù làm nghề chữa bệnh cho nhân dân càng phải có y đức, Chủ tịch nước đặc biệt lưu ý đội ngũ thầy thuốc phải không ngừng rèn đức luyện tài, trau dồi chuyên môn để đáp ứng được yêu cầu chữa bệnh cho nhân dân, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh nảy sinh nhiều thách thức mới đối với con người; kiên quyết, kiên trì đấu tranh và đẩy lùi mọi tiêu cực, làm trong sạch bộ máy, bảo vệ uy tín của ngành, danh dự của người thầy thuốc.

Chủ tịch nước cũng yêu cầu tiếp tục quan tâm và chăm lo nhiều hơn nữa đời sống vật chất lẫn tinh thần của đội ngũ y, bác sĩ, cán bộ y tế, những người thầy thuốc, nhất là ở những vùng kinh tế khó khăn, những người làm việc trong môi trường rủi ro, điều kiện đặc biệt, chú ý quan tâm hệ thống y tế cơ sở và y tế dự phòng với chính sách hỗ trợ không chỉ khó khăn trước mắt mà còn bảo đảm tính căn cơ và lâu dài.

Cùng với đó, Chủ tịch nước đề nghị, cần đưa chuyển đổi số trở thành một ưu tiên chính sách hàng đầu, là một yêu cầu cấp bách, cần làm nhanh, mạnh hơn nữa để đáp ứng nhu cầu và kỳ vọng của xã hội, không chỉ trong việc phục vụ người dân trong nước, mà còn đưa dịch vụ y tế trở thành một ngành kinh tế quan trọng.

Đề cập hiện nay chúng ta đã bước sang giai đoạn: Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh, tuy nhiên, dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, với sự xuất hiện của biến chủng Omicron thời gian gần đây, Chủ tịch nước đề nghị, các thầy thuốc nỗ lực cố gắng nhiều hơn nữa, góp sức kiềm chế, ngăn chặn hiệu quả đại dịch Covid-19. (Hà nội mới, trang 2; Nhân dân, trang 1; Tiền phong, trang 3)

 

Thủ tướng: "Chiến sĩ áo trắng" là hình ảnh đẹp về sự hy sinh, y đức, sự quả cảm và tấm lòng nhân ái

Tối 7.22, nhân kỷ niệm 67 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27.2.1955 -27.2.2022), Bộ Y tế phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Chương trình truyền hình trực tiếp kỷ niệm Ngày thầy thuốc Việt Nam với chủ đề: "Chiến sỹ áo trắng". Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đến dự và phát biểu tại chương trình.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gửi lời chúc mừng nồng nhiệt, lời cảm ơn sâu sắc đến thầy thuốc, nhân viên y tế trên toàn quốc.

Nhắc lại lời thề y đức “sâu y lý - giỏi y thuật - giàu y đức”, Thủ tướng khẳng định các thế hệ thầy thuốc Việt Nam đã vượt qua những năm tháng gian khổ, ác liệt của chiến tranh, có mặt trên khắp các chiến trường để chăm sóc, cứu chữa thương binh, bệnh binh, đồng bào bằng trí tuệ và lòng yêu nước cao cả. Nhìn lại hơn 2 năm đại dịch Covid-19 bùng phát và gây hệ lụy nghiêm trọng trên toàn cầu và nước ta, những “chiến sĩ áo trắng”, “anh hùng khoác áo Blouse” luôn là hình ảnh đẹp về sự hy sinh, về y đức, về sự quả cảm, về tấm lòng nhân ái...

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng chỉ ra rằng, đại dịch Covid-19 đã làm bộc lộ những bất cập đối với hệ thống y tế của nước ta. Cơ sở vật chất nhất là hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở còn hạn chế, nhất là nguồn nhân lực; chế độ đãi ngộ với bác sỹ, cán bộ, nhân viên y tế còn chưa tương xứng; lực lượng bác sỹ và nhân viên y tế, độ phủ ở cơ sở còn thiếu.

“Chúng ta còn nhiều việc phải làm để đáp ứng hơn nữa kỳ vọng của nhân dân. Nhân dân mong muốn các cơ sở khám chữa bệnh sạch sẽ hơn, văn minh hơn, tiện lợi hơn; giá cả khám chữa bệnh, thuốc chữa bệnh, sinh phẩm, vật tư y tế được quản lý tốt hơn, công khai minh bạch hơn; cơ chế, chính sách bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội phù hợp và hiệu quả hơn…”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Người đứng đầu Chính phủ nêu rõ, Nghị quyết số 20 Hội nghị Trung ương 6 khoá XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới đã xác định: “Nghề y là một nghề đặc biệt. Nhân lực y tế phải đáp ứng yêu cầu chuyên môn và y đức; cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt”. Chính phủ chỉ đạo các Bộ ngành khẩn trương nghiên cứu đề xuất ban hành chính sách đặc thù đối với nhân viên y tế, như: nâng mức phụ cấp ưu đãi nghề đối với viên chức làm việc trong các cơ sở y tế công lập; nâng cao năng lực, hiệu quả của y tế dự phòng và y tế cơ sở; đổi mới chính sách tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ để thu hút nguồn nhân lực y tế trong phòng, chống dịch và khám, chữa bệnh; khuyến khích cán bộ có trình độ chuyên môn làm việc ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn…; xử lý các bất cập liên quan đến chính sách bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, quản lý giá về khám chữa bệnh, thuốc, sinh phẩm, vật tư y tế, quản lý, quản trị các cơ sở y tế, tạo môi trường thuận lợi để khám và điều trị cho nhân dân.

Về phía Bộ Y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đã nhìn nhận hai năm qua ngành Y tế đã nỗ lực không mệt mỏi. Khi Đảng gọi, khi Tổ quốc cần, những chiến sĩ áo trắng với sứ mệnh vẻ vang là đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết, đã tận tâm, tận trí, tận lực và quyết liệt, chủ động, linh hoạt với các biện pháp phòng, chống dịch. Nhiều biện pháp chuyên môn chưa có trong tiền lệ trong xét nghiệm, cách ly, điều trị, tiêm chủng được triển khai với mục đích duy nhất là nhanh chóng kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh, mang lại bình an cho người dân. Hàng chục nghìn thầy thuốc, y bác sĩ, cán bộ, nhân viên y tế, sinh viên các trường y dược được điều động, chi viện các tâm dịch tại khu vực miền Nam trong đợt dịch thứ tư chỉ mới nói lên một phần công lao, sức lực của đội ngũ y tế trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. Và hiện nay, hàng trăm nghìn đồng nghiệp vẫn tiếp tục miệt mài ngày đêm thực hiện nhiệm vụ nơi tuyến đầu, đối diện với những hiểm nguy, mất mát về sức khỏe, thậm chí cả tính mạng để quyết tâm chăm lo tốt nhất cho sức khỏe của Nhân dân. Lãnh đạo Bộ Y tế đã gửi lời tri ân tới toàn thể các thầy thuốc, các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Y tế và người thân gia đình các đồng chí với những đóng góp tận tâm, tận lực, không quản gian lao, vất vả để nỗ lực, cố gắng hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 nói riêng và trong sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân nói chung. (Nhân dân, trang 1)

 

“Sự tử tế của bác sĩ vẫn mãi là món nợ ân tình”

Đúng vào ngày kỷ niệm tròn 67 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam, ngày 27-2, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt thân mật Đoàn đại biểu cán bộ y tế tiêu biểu toàn quốc đại diện cho hàng trăm nghìn y, bác sĩ, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành y cả nước. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thân ái gửi tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành y cả nước lời thăm hỏi chân tình và chúc ngành y sẽ tiếp tục đạt được nhiều thắng lợi mới to lớn hơn nữa.

Chủ tịch nước nêu rõ, trong suốt hơn 60 năm qua, cả trong thời chiến và thời bình, ngành y tế đã nỗ lực phấn đấu, không quản gian khổ, hy sinh, thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, ngày càng trưởng thành và lớn mạnh về mọi mặt. Đặc biệt, Chủ tịch nước đánh giá cao công lao, vai trò, sự nỗ lực, hy sinh, cống hiến của lực lượng thầy thuốc đã tích cực tham gia vào cuộc chiến chống đại dịch cam go, gian khổ mà vinh quang với tinh thần “chống dịch như chống giặc” góp phần quan trọng đưa nước ta vượt qua những khó khăn, thách thức chưa từng có do đại dịch Covid-19 gây ra trong hơn 2 năm qua.

Chủ tịch nước nhấn mạnh, hình ảnh những cán bộ y tế trong bộ quần áo bảo hộ kín mít, đêm quên ngủ, ngày quên ăn, tận tâm, tận lực với công việc đã ghi sâu vào tâm trí của nhiều người Việt Nam. Những “chiến sĩ áo trắng” đã không ngại hy sinh, gian khổ, gác lại hạnh phúc riêng tư, gác lại cuộc sống yên bình, để lại con thơ, bố mẹ già đang ngày đêm ngóng trông, đi vào tâm dịch nhiều tháng không về nhà, nhiều nhân viên y tế trải qua cuộc sống cô lập, mất đi sự tiếp xúc của con người, vượt qua nỗi sợ hãi, ám ảnh khi chứng kiến những phút giây sinh tử, sẵn sàng nhận rủi ro về mình để phục vụ, chăm sóc người dân trong các khu cách ly, các bệnh viện dã chiến và có nhiều người đã mãi mãi không trở về. Hàng nghìn tấm gương tiêu biểu của ngành y thực sự là những “từ mẫu” của nhân dân xứng đáng được tôn vinh như những người anh hùng, bởi họ không chỉ có trái tim nhân ái, tấm lòng nhân hậu mà còn có nghị lực kiên cường, sự chịu đựng bền bỉ, dẻo dai thật phi thường, đáng ghi nhận, khâm phục…

Hiện nay chúng ta đã bước sang giai đoạn: thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh, tuy nhiên dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, với sự xuất hiện của biến chủng Omicron thời gian gần đây, Chủ tịch nước đề nghị các thầy thuốc nỗ lực cố gắng nhiều hơn nữa, góp sức kiềm chế, ngăn chặn hiệu quả đại dịch Covid-19.

Chia sẻ với các thầy thuốc câu nói của triết gia người La Mã Seneca: "Người ta trả tiền cho công sức của bác sĩ, còn sự tử tế của bác sĩ vẫn mãi là món nợ ân tình", Chủ tịch nước mong muốn cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành y tiếp tục cố gắng hơn nữa; góp sức vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; xứng đáng với sự tôn vinh của Đảng, Nhà nước và nhân dân. (An ninh thủ đô, trang 2; Thanh niên, trang 4; Sài Gòn giải phóng, trang 2; Lao động, trang 2; Công an nhân dân, trang 1)

 

Những câu chuyện xúc động ở tuyến đầu chống dịch covid-19

Những ngày này, Hà Nội đang liên tục có số ca mắc Covid-19 tăng kỷ lục. Ha câu chuyện sau đây ở một trạm y tế phường và bệnh viện dã chiến mang lại góc nhìn riêng để mỗi người suy ngẫm, có cách ứng xử bình tĩnh, đúng mực với dịch bệnh.

Chuyện ở “tiền tuyến”…

12 giờ trưa tại trạm y tế phường Vĩnh Phúc (quận Ba Đình), tổ hỗ trợ gồm các lực lượng Đoàn Thanh Niên, Trạm Y tế lưu Động… vẫn đang miệt mài tiếp nhận thông tin và tư vấn cho các F0.

Hiện tại, có không ít thành viên trạm đã mắc Covid-19 trong khi phục vụ nhân dân. Đã có 6/7 cán bộ y tế phường, 11 cán bộ công chức phường, 10 cán bộ chiến sỹ CAP, 14 cán bộ cơ sở và tình nguyện viên nhiễm Covid-19...

Lực lượng chống dịch ngày càng ít đi mà số F0 ngày càng tăng. Những “chiến sỹ” đặc biệt ấy vẫn miệt mài, mỗi người một việc làm sao để hỗ trợ kịp thời nhất khi người dân cần. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, có ngày ở phường Vĩnh Phúc số lượng F0 tăng cao, trung bình khoảng gần 300 ca/ngày, với khoảng 2.000 F0 đang điều trị tại nhà.

Không chỉ ở phường Vĩnh Phúc ở nhiều nơi, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nhiều cán bộ trạm y tế, UBND phường, Công an phường, y tế lưu động đã bị nhiễm Covid -19 dẫn đến số cán bộ phục vụ ít, khó khăn trong công tác tiếp nhận, điều trị F0. Với đặc thù các quận nội thành Hà Nội luôn có mật độ dân cư đông đúc, lực lượng y tế có hạn, việc chỉ tập trung đầu mối vào các trạm y tế sẽ gây quá tải, có lúc làm người dân bức xúc, lo lắng…

Như ở trạm y tế phường Vĩnh Phúc, chỉ có một máy điện thoại để tiếp nhận thông tin nên thường xuyên bận dẫn tới tình trạng người dân gọi đến để thông báo F0 nhiều lần không được. Trước tình hình đó, ngay lập tức, BCĐ phòng chống dịch đã thông tin ngay trên mạng xã hội và tới từng nhóm zalo cộng đồng thông tin 5 đầu mối có thể khai báo thông tin. Nhờ đó, tình trạng nghẽn mạng được khắc phục.

Bên cạnh đó, phường Vĩnh Phúc cũng kêu gọi thanh niên, sinh viên, y bác sĩ nghỉ hưu trên địa bàn tiếp tục đăng ký tham gia tình nguyện hỗ trợ nhân dân để bổ sung nhân lực kịp thời hơn nữa. Không ít người đã đăng ký ngay bởi: “Công việc tuy vất vả nhưng rất vui và tự hào vì chúng ta làm được việc ý nghĩa. Trong lúc không may nhiễm bệnh, người bệnh rất cần chúng ta”…

Tại các trang mạng xã hội cộng đồng các xã phường những ngày qua cũng liên tục thông tin hướng dẫn người dân việc khai báo F0 qua số điện thoại zalo, email, qua đầu mối tổ trưởng dân phố, cảnh sát khu vực…

Những kênh tiếp cận mới này đã thực sự có hiệu quả, giảm tải tương đối cho các trạm y tế, bởi lẽ nắm bắt sâu sát mọi thông tin không ai hơn bằng “bà tổ trưởng” hay “anh cảnh sát khu vực”.

Bên cạnh đó, các hướng dẫn điều trị F0 tại nhà, chăm sóc trẻ em bị mắc Covid-19 được cập nhật thông tin liên tục; các cảnh báo về việc lạm dụng test nhanh, không dùng thuốc điều trị Covid-19 chưa được phép lưu hành… được thông tin kịp thời và mang lại cho người dân những kiến thức bổ ích cũng như tâm thế bình tĩnh ứng phó và tự bảo vệ mình, gia đình, cộng đồng…

Đâu đó vẫn còn có những tiếng nói trách móc và đều được nhẹ nhàng giải thích, hướng dẫn với sự mong muốn chia sẻ của những “chiến sỹ”chống dịch mẫn cán ở các xã phường…

Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh cũng vừa có Công điện số 02 yêu cầu có thêm nhiều hơn nữa cách tiếp cận để chăm lo kịp thời hơn nữa cho F0 và F1.

Trên con đường hướng tới miễn dịch cộng đồng ở Hà Nội, thành hay bại được quyết định ở từng xã phường, tổ dân phố. Những phương án tăng cường nhân lực, vật lực cho cơ sở cũng đã được kích hoạt với mục tiêu kiện định: “Bảo vệ sức khỏe, tính mạng nhân dân là trên hết, trước hết”.

Sự nỗ lực bền bỉ, không ngừng của mỗi y bác sĩ, tình nguyện viên ở các trạm y tế đêm đêm vẫn sáng đèn ấy chỉ thực sự có ý nghĩa khi mỗi người dân đều bình tĩnh, không hoang mang… Khi đó, mọi phần việc mới thực sự hanh thông và người dân sẽ được chăm sóc tốt nhất.

Phép nhiệm màu ở khu điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng

BS Chu Đức Thành (Bệnh viện 198 – Bộ Công an) được tăng cường cho Bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 ở Hoàng Mai đã hơn 1 tháng. BS Thành cho biết, mỗi ca trực ở khu cấp cứu ICU, các y bác sĩ đều nỗ lực hết sức mình để kéo lại từng cuộc đời khỏi bàn tay của Covid-19.

BS Thành chia sẻ về một “phép nhiệm màu” trong ICU: bệnh nhân nữ, 41, tiền sử khỏe mạnh, đã tiêm 2 mũi vaccine.

Trong ngày thứ 3 mắc Covid-19, bệnh nhân được chuyển vào ICU Bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid Hoàng Mai trong tình trạng huyết áp, SpO2 không đo được; tím tái dọa ngừng tim (Covid mức độ nguy kịch- bão cytokine- tổn thương phổi nặng- sốc mất máu nguy kịch do hồng cầu ngưng kết kháng thể lạnh (rất hiếm gặp trong cơn bão cytokine…). Bác sỹ điều trị đã phải gọi điện thoại thông báo gia đình tiên lượng tử vong trong 24h đầu.

Tuy vậy, cả ê kíp đều ko ai bảo ai, mọi người đều cố gắng khẩn trương tiến hành cấp cứu, vì cùng chung suy nghĩ bệnh nhân còn trẻ... Bệnh nhân đc truyền khẩn gần 2 lít máu, thở máy, vận mạch liều cao, lọc máu liên tục, điều trị bão cytokine, dự kiến thất bại sẽ vào ECMO (chạy máy tim phổi nhân tạo).

Cùng với sự kiên trì của các y bác sĩ, bệnh nhân đã có sức sống mãnh liệt...Ngày điều trị thứ 5, bệnh nhân cai máy thở, rút nội khí quản. Ngày thứ 7, bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn và đặc biệt lần đầu tiên, tại phòng ICU, bệnh nhân đã gọi video call với chồng và con trai 8 tuổi qua Zalo. Tất cả cùng vỡ òa trong những giọt nước mắt và tiếng nấc nghẹn ngào...

“Vẫn biết thành phố nào rồi cũng sẽ phải trải qua đỉnh nhiễm để đạt miễn dịch cộng đồng, sớm quay lại cuộc sống bình thường mới, nhưng tuyệt đối không nên chủ quan và suy nghĩ rằng đã tiêm 3 mũi rồi mau mau bị nhiễm để sớm thành "người bất tử" với Covid-19...”, BS Thành nói.

BS Thành cùng các đồng nghiệp đều mong muốn có những ca trực không có bệnh nhân nào tử vong. Đó là những giây phút bình yên nhất và lúc đó bước chân của họ về phòng nghỉ tạm không còn nặng nề như có người kéo chân nữa.

“Thực hiện tốt 5k, hạn chế tụ tập đông người để không thành nguồn lây bệnh, và đặc biệt ai còn chưa kịp tiêm vaccine hoặc suy nghĩ “anti vaccine” thì hãy tiêm khẩn trương ngay,muộn còn hơn không. Khi mắc Covid-19, hậu quả khó lường, hiện tại vẫn đang có thanh niên trẻ khỏe vì không tiêm mà giờ nằm trong ICU chưa rõ ngày ra…”, BS Thành tâm sự.

Trong ngày Thầy thuốc Việt Nam hôm nay, tri ân các y bác sỹ, lực lượng tuyến đầu đã nỗ lực, vượt khó, đối mặt với Covid-19 hơn 2 năm qua. Chúng ta thực sự cần suy ngẫm từ 2 câu chuyện trên để có cách ứng xử bình tĩnh, đúng mực với dịch bệnh.

Biết bảo vệ chính mình và cộng đồng để họ - những "chiến sỹ" đặc biệt ấy bớt phần vất vả và có những ngày bình an, trở về bên gia đình... (An ninh thủ đô, trang 4)

 

Hà Nội có thể đạt đỉnh dịch trong nửa tháng tới

Theo các chuyên gia đánh giá, số ca mắc ở Hà Nội vẫn sẽ tiếp tục tăng cao và khả năng có thể đạt đỉnh trong nửa tháng nữa tùy vào các biện pháp phòng, chống dịch.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, TP đang khẩn trương giải trình tự gene để đánh giá mức độ chủng Omicron; thực tế có thể nhận định, hiện Hà Nội đã lưu hành Omicron song hành với Delta và có thể đã chiếm đa số bởi tốc độ lây lan COVID-19 hiện nay rất nhanh. Theo các chuyên gia đánh giá, số ca mắc ở Hà Nội vẫn sẽ tiếp tục tăng cao và khả năng có thể đạt đỉnh trong nửa tháng nữa tùy vào các biện pháp phòng, chống dịch.

Áp lực đối với y tế cấp cơ sở ngày càng tăng

Ngày 27/2, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống COVID-19 Hà Nội đã chủ trì phiên họp trực tuyến với các quận huyện, xã phường để chỉ đạo các giải pháp kịp thời trước tình hình dịch bệnh gia tăng.

Ngay đầu phiên họp, Chủ tịch UBND TP nêu rõ, diễn biến dịch bệnh rất phức tạp và Hà Nội đã có ngày trên 10.000 ca mắc COVID-19; 74 xã phường (12,8%) đã chuyển sang cấp độ 3. Tuy nhiên số bệnh nhân thể nhẹ, không triệu chứng chiếm đa số 96%, (trong đó 95% tổng số ca nhiễm điều trị tại nhà); TP luôn theo dõi, nắm bắt chặt diễn biến dịch bệnh, số chuyển tầng, số ca điều trị tầng 2, tầng 3 vẫn được kiểm soát.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhận định: “Diễn biến này mang đến áp lực ngày càng tăng cho y tế các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở. Trong đó, gánh nặng đang là thủ tục xác nhận F0 và khỏi bệnh trong khi chúng ta vẫn phải tiếp tục tập trung rà soát đối tượng nguy cơ, người già có bệnh nền… chưa được tiêm đủ mũi; bên cạnh đó là nguy cơ lây nhiễm với lực lượng tuyến đầu… Vì vậy, cuộc họp lần này chính là để chính quyền các cấp từ TP đến xã phường tìm giải pháp thiết thực trong tình hình mới để giảm tải, chia sẻ với y tế cơ sở để phục vụ nhân dân tốt nhất”.

Đồng chí Chu Ngọc Anh yêu cầu các sở ngành, quận huyện làm rõ các nội dung quan trọng như: quản lý người nhiễm qua phần mềm, tăng cường điều phối lực lượng để giảm tải hệ thống y tế cơ sở (đặc biệt với địa bàn có mật độ dân cư cao), đảm bảo an toàn trường học…

Tại cuộc họp, nhiều quận, huyện đã phản ánh về tình trạng quá tải, thiếu nhân lực ở cấp xã,  phường hiện nay. Điển hình, quận Hà Đông cho biết, số ca F0 đang gia tăng nhưng trên địa bàn nhiều trạm y tế phường có 50% lực lượng là F0, nhiều F1. Quận cũng đã chủ động liên hệ các bệnh viện, trường y, y bác sỹ nghỉ hưu trên địa bàn tình nguyện hỗ trợ để đảm bảo đủ nhân lực phục vụ nhân dân.

Đại diện quận Nam Từ Liêm đề xuất TP chỉ đạo các cơ sở y tế tư nhân phải tiếp tục tích cực hỗ trợ công tác chống dịch ở địa phương; Bảo hiểm xã hội linh hoạt trong việc chi trả bảo hiểm cho các F0 khỏi bệnh nhanh nhất…

Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà cho rằng, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các quận huyện cần chủ động làm việc với các bệnh viện trên địa bàn theo nội dung TP đã làm việc: điều trị bệnh nhân tầng 2,3; dành ít nhất 50% số giường… Khi đó, Sở sẽ điều tiết lại , đảm bảo bệnh nhân được điều trị ngay trên địa bàn.

Theo bà Hà, sự đánh giá của người dân là rất quan trọng. “Việc xác nhận F0 hay hết thời gian cách ly người dân có thể tự làm test nhanh khi được nhân viên y tế giám sát trực tiếp hoặc gián tiếp - nghĩa là thực hiện online cũng được. Bên cạnh đó các xã phường cần sử dụng tốt phần mềm quản lý F0 (có hướng dẫn cụ thể, phần mềm in được quyết định hết cách ly, quyết định hưởng BHXH), cần huy động thêm các đoàn thể thanh niên, phụ nữ… mới đủ nhân lực phục vụ nhân dân kịp thời. Phải ứng dụng công nghệ tối đa”, bà Hà nói.

Trao đổi về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng nhấn mạnh vai trò của lãnh đạo các quận huyện, xã phường, yêu cầu phải làm việc sáng tạo,linh hoạt, hiệu quả nhất theo thực tiễn địa phương. Thực tế có nơi lúng túng, có nơi vẫn làm tốt. “Các kiến nghị phải đề xuất nhanh nhất qua điện thoại, email, đảm bảo tư vấn hỗ trợ kịp thời cho các đối tượng”, Phó Chủ tịch UBND TP nói. Phó Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh thêm về vai trò quan trọng của phương châm “4 tại chỗ”, chủ động điều tiết từ phường này sang phường khác, xã này sang xã khác…

Thống nhất chủ trương chuyển học trực tiếp sang học trực tuyến đối với các khối từ lớp 1 đến lớp 6

Kết luận phiên họp, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, TP đang khẩn trương giải trình tự gene để đánh giá mức độ chủng Omicron (đang chờ kết quả từ Viện Vệ sinh dịch tễ): “Trên thực tế, có thể nhận định, hiện Hà Nội đã lưu hành Omicron song hành với Delta và có thể đã chiếm đa số bởi tốc độ lây lan COVID-19 hiện nay rất nhanh. Các chuyên gia đánh giá, nửa tháng nữa số ca mắc ở Hà Nội vẫn sẽ tiếp tục tăng cao và khả năng có thể đạt đỉnh trong nửa tháng nữa tùy vào các biện pháp phòng, chống dịch".

TP cũng đánh giá đây là thách thức, áp lực và khó khăn rất lớn đối với hệ thống y tế cơ sở nếu không kịp thời đưa ra các giải pháp công nghệ cộng với ý thức người dân. Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã đến xã, phường, thị trấn cần tiếp tục phát huy hơn tính chủ động, sáng tạo, với mục tiêu cụ thể là đảm phục vụ tốt nhất, nhanh nhất đối với người dân. Mọi người dân dân phải nắm được dấu hiệu nhận biết, quy trình chăm sóc, điều kiện cần thiết tại nhà. Cần xét nghiệm khi nào để tránh lãng phí; không gây hoang mang, lo lắng; khi có triệu chứng thì cần khai báo, liên hệ với ai, qua hình thức liên lạc nào, đảm bảo quy trình….

Chủ tịch UBND TP giao nhiệm vụ cho Chủ tịch các quận huyện xã phường phải sát sao đến tận nhà dân, nắm rõ và cập nhật liên tục tình hình liên quan đến dịch bệnh. Đồng thời, nhấn mạnh cần có biện pháp giảm tải ngay cho hệ thống y tế cơ sở. Chủ tịch UBND TP nêu rõ giải pháp: “Sử dụng phần mềm quản lý người nhiễm COVID-19 hiệu quả nhất. Khó khăn ở đâu tháo gỡ ở đấy, yêu cầu liên ngành Y tế, Thông tin và Truyền thông, các cơ quan liên quan nghiên cứu, hướng dẫn áp dụng ngay để rút ngắn quy trình, giúp người dân giải quyết các khó khăn, vướng mắc”. Đối với hệ thống y tế cơ sở, cần “kiểm soát thường xuyên hàng ngày, định lượng rõ, một cán bộ, nhân viên y tế mỗi ngày chăm lo được bao nhiêu F0. Có chỉ tiêu cụ thể, từ đó sẽ định lượng rõ cần bao nhiêu nhân lực mỗi ngày để điều phối, hỗ trợ kịp thời. Chú trọng vận động sự vào cuộc của các lực lượng tình nguyện, thanh niên, mặt trận đoàn thể"…

Người đứng đầu chính quyền Hà Nội cũng yêu cầu các quận, huyện, thị xã tiếp tục đánh giá số liệu (quan tâm đặc biệt đến nhóm nguy cơ cao, phụ nữ mang thai, trẻ em chưa được tiêm, số F0 là trẻ em) thường xuyên đánh giá, điều chỉnh các hoạt động; có thể điều chỉnh việc đi học trực tiếp của học sinh khối lớp 1 đến lớp 6 sang hình thức học trực tuyến, đảm bảo an toàn cho các cháu.

Trước đề xuất của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương đề nghị chuyển hình thức đi học trực tiếp sang học trực tuyến với khối học sinh lớp 1 đến lớp 6 để đảm bảo an toàn cho các cháu (khi chưa được tiêm chủng), Chủ tịch UBND TP thống nhất chủ trương, giao Sở Sở Giáo dục và Đào tạo khẩn trương làm tở trình để UBND TP xem xét quyết định chính thức. (Công an nhân dân, trang 2, 28/2).

Tin khác

bộ y tế Bảo Sơn vietnnamnet sức khỏe & đời sống logo7 viettel y tế thế giới vnexpress

Lên đầu trang