Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến làm việc tại Bắc Kạn: Ủng hộ Bắc Kạn thực hiện hiệu quả đề án Bệnh viện vệ tinh
Ngày 27/12, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cùng đoàn công tác của Bộ Y tế đã làm việc tại tỉnh Bắc Kạn về công tác y tế trên địa bàn. Tiếp và làm việc với đoàn, về phía tỉnh Bắc Kạn có đồng chí Nguyễn Văn Du- Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Lý Thái Hải – Chủ tịch UBND tỉnh cùng các đồng chí trong thường trực tỉnh ủy, UBND tỉnh và một số lãnh đạo sở, ban ngành liên quan.
Báo cáo về công tác y tế trên địa bàn do UBND tỉnh Bắc Kạn trình bày cho biết, hiện tại tỷ lê giường bệnh/vạn dân của tỉnh là 31,2 giường/vạn dân, công suất sử dụng giường bệnh hàng năm luôn đạt trên 110%. Ngành y tế Bắc Kạn từng bước nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế công lập trên địa bàn. Nhiều kỹ thuật mới theo phân tuyến được triển khai, áp dụng hiệu quả, một số kỹ thuật y tế thuộc tuyến trên đã được triển khai, tình trạng chuyển tuyến giảm, góp phần giảm tải cho tuyến trên. Hiện nay, tỷ lệ bao phủ BHYT trên toàn tỉnh đạt 94%, trong đó 100% người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ BHYT miễn phí.
Tại buổi làm việc, tỉnh Bắc Kạn kiến nghị Bộ Y tế tiếp tục kêu gọi và ưu tiên hỗ trợ các nguồn vốn đầu tư, đặc biệt là nguồn vốn ODA để đầu tư xây dựng BVĐK tỉnh giai đoạn 2, cũng như các trạm y tế xã, phường đặc biệt là cơ sở vật chất của hệ dự phòng và các trạm y tế xã chưa được đầu tư xây dựng mới; Bộ Y tế chỉ đạo các BV TW hỗ trợ tỉnh xây dựng và triển khai thành công Đề án BV vệ tinh tại tỉnh, trong giai đoạn trước mắt ưu tiên triển khai 2 lĩnh vực tim mạch và ung bướu; đồng thời duy trì hỗ trợ nhân lực và chuyên môn theo Đề an 1816... Ngoài ra, tỉnh cũng đề xuất Bộ Y tế cũng chỉ đạo các trường y-dược và các bệnh viện TW tiếp tục có chính sách hỗ trợ về đào tạo chuyên môn, tay nghề riêng cho tỉnh.
Lắng nghe những ý kiến đề xuất của tỉnh, Bộ trưởng Bộ Y tế đánh giá cao sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nói chung và những quan tâm của tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Kạn trong việc dành nhiều quan tâm đầu tư cho ngành y tế, cho công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn. Bộ trưởng cũng chia sẻ với những khó khăn của tỉnh Bắc Kan trong việc dành nguồn kinh phí để tiếp tục đầu tư cho việc hoàn thiện, xây mới các công trình y tế hiện đang có nhu cầu xây mới, nâng cấp... Về kiến nghị đầu tư xây dựng cơ sở vật chất của BVĐK tỉnh giai đoạn 2, Bộ trưởng cho biết sẽ cố gắng hỗ trợ tỉnh 10 tỷ để đầu tư trang thiết bị của BVĐK tỉnh mới. Về đề xuất xây dựng trụ sở của Trung tâm giám định pháp y, Bộ trưởng cho rằng tỉnh nên cân nhắc việc xây mới mà nên lồng ghép trung tâm này gắn với BVĐK tỉnh để tránh lãng phí... Bộ trưởng cũng ủng hộ hoàn toàn đề xuất của tỉnh về thực hiện Đề án BV vệ tinh ngoài 2 chuyên ngành trên còn có thêm chuyên ngành sản nhi và chấn thương chỉnh hình, song song với hỗ trợ đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ nhân lực y tế của tỉnh. Bộ Y tế cũng sẽ tìm nguồn vốn để hỗ trợ tỉnh xây mới các trạm y tế vùng sâu, vùng xa phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân địa phương và nguồn kinh phí cho công tác xử lý rác thải y tế...
Ngay sau khi làm việc với lãnh đạo tỉnh, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã đến dự và cắt băng khánh thành BVĐK tỉnh Bắc Kạn . BVĐK tỉnh Bắc Kạn được xây dựng khang trang với quy mô 500 giường bệnh, có khả năng tiếp nhận 800 bệnh nhân cùng lúc, bao gồm các hạng mục: Trung tâm kỹ thuật cao, nhà cấp cứu, khám, điều trị bệnh, nhà bệnh nhân nội trú, nhà khu dược.... BV được đầu tư xây dựng với tổng vốn 982 tỷ đồng, trong đó mua sắm trang, thiết bị y tế là 245 tỷ đồng.
Phát biểu tại lễ khánh thành công trình, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, việc khánh thành và đưa vào sử dụng cơ sở mới BVĐK tỉnh Bắc Kạn đã giúp tăng số giường bệnh trung bình trên 10.000 dân của tỉnh từ 25,9 giường lên 31,5 giường bệnh, ngang với tỷ lệ chung của cả nước. Để khai thác sử dụng hiệu quả BVĐK tỉnh Bắc Kạn , Bộ trưởng đề nghị, lãnh đạo Sở Y tế, BVĐK tỉnh Bắc Kạn quan tâm việc khai thác, quản lý, để phát huy hết khả năng, công suất của BV; đồng thời quan tâm thực hiện cơ chế tài chính cho BV theo các quy định của pháp luật hiện nay để đảm bảo nguồn tài chính ổn định, từ đó tái đầu tư các dịch vụ y tế cho nhân dân. Sở Y tế Bắc Kạn lựa chọn xây dựng BVĐK tỉnh Bắc Kạn thành BV vệ tinh trên cơ sở phù hợp với mô hình bệnh tật của địa phương, các tỉnh trong khu vực. Đồng thời, BV cần mở rộng, phát triển thêm các dịch vụ y tế, đặc biệt các dịch vụ kỹ thuật cao. Trước mắt, để người dân được hưởng thụ các dịch vụ tốt nhất, đồng thời giảm tải cho tuyến trên, về lâu dài có thể phát triển BV thành Trung tâm kỹ thuật cao phục vụ các tỉnh miền núi Đông bắc. Tại đây, Bộ trưởng cũng đề nghị ngành y tế tỉnh Bắc Kạn cần đẩy mạnh phát triển y tế tuyến cơ sở giúp người dân được tiếp cận với những dịch vụ y tế ngay tại địa phương.
Về phía Bộ Y tế, Bộ trưởng cũng đề nghị các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, BV TW tiếp tục giúp đỡ tỉnh Bắc Kạn trong đào tạo nhân lực, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ quản lý BV với tinh thần cao nhất... (Sức khỏe đời sống trang 3, Gia đình & xã hội trang 7).
21 lô thực phẩm chức năng bị ngừng lưu thông
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa dừng lưu thông 21 lô thực phẩm chức năng của một công ty dược vì vi phạm quy định về ghi nhãn mác hàng hoá của Công ty cổ phần dược phẩm Đại Y (Hoàng Mai, Hà Nội). Công ty cũng được yêu cầu ngừng sản xuất các sản phẩm thực phẩm chức năng vì không đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định. 21 lô thực phẩm chức năng bị dừng lưu thông gồm siro Philatop, viên nén vitamin B1, vitamin B6, siro bổ phế, vitamin C, viên ngậm streptalisin, siro lợi nhiệt khang, siro mát gan... Công ty phải báo cáo số lượng hàng hóa đã sản xuất, lưu hành và thu hồi cho Cục An toàn thực phẩm. Các sản phẩm này chỉ được tiếp tục lưu thông khi có thông báo của Cục. (Sức khỏe đời sống trang 2).
Quá tải cấp cứu vì bệnh viện tuyến dưới muốn 'lấy điểm'
Bác sĩ Phạm Trí Dũng, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy (TP.HCM) cho biết từ ngày 26 đến sáng 27.12, khoa tiếp nhận 384 bệnh nhân - con số kỷ lục tại khoa cấp cứu của BV này từ trước đến nay (trung bình chỉ khoảng 290 ca/ngày), khiến các y, bác sĩ tất bật.
Trong số đó có 262 bệnh nhân nhập viện, số còn lại cho về hoặc chuyển về tuyến chuyên môn khác.
Một bác sĩ khoa cấp cứu cho biết thêm, khoa chỉ có 20 giường, dự trù 80 băng ca nhưng số bệnh nhân quá đông nên một số người phải nằm đôi. Có lúc bệnh nhân phải nằm kéo dài ra ngoài phòng cấp cứu. Khoa đã ưu tiên giải quyết bệnh nhân nặng trước và các khoa lâm sàng cũng sắp xếp để chuyển bệnh nhân vào giải phóng cho khoa cấp cứu, đến gần trưa qua thì tình hình đã giãn bớt. Bác sĩ Dũng cho rằng đang là thời điểm Bộ Y tế đi kiểm tra các BV phía nam cuối năm, nên một số BV muốn giảm tải ở đơn vị mình để “lấy điểm” nên đã “mạnh tay” chuyển nhiều bệnh nhân lên BV Chợ Rẫy.
Ghi nhận của chúng tôi tại Khoa Cấp cứu BV Chợ Rẫy sáng qua, vẫn còn nhiều bệnh nhân, giường nhỏ nhưng đến 2 bệnh nhân cùng nằm, có người phải ngồi do chật quá. Bà Nguyễn Thị Lệ Nương (43 tuổi), bị bệnh tim được BV tỉnh Bạc Liêu chuyển lên đây lúc 9 giờ, cũng phải ngồi vì 2 người nếu nằm thì phải co chân mới đủ, nhưng bà không nằm co được. Ông Đinh Văn Xái (55 tuổi) được BV Đồng Tháp chuyển lên lúc 5 giờ cũng ngồi bó gối trên giường bệnh, cạnh ông là một bệnh nhân khác đang nằm ngủ mê.
Chiều 27.12, lãnh đạo BV Chợ Rẫy đã làm việc với Sở Y tế TP về giải quyết quá tải cấp cứu cho BV này. BV Chợ Rẫy đề nghị Sở Y tế TP chỉ đạo các BV trực thuộc Sở không chuyển bệnh nhân nếu bệnh trong phạm vi chuyên môn của mình; khi cần thiết thì BV Chợ Rẫy có thể chuyển bệnh về các BV này. BV Chợ Rẫy cũng đã có công văn gửi cho các sở y tế phía nam đề nghị tương tự. Đồng thời, gửi công văn báo cáo cho Bộ Y tế biết tình trạng quá tải tại khoa cấp cứu để Bộ có hướng giải quyết và ý kiến chỉ đạo. (Thanh niên trang 8).
Bộ Y tế lấy mẫu tại 10 làng ung thư để xét nghiệm lại
Ngày 27/12, Bộ Y tế đã lấy mẫu xét nghiệm lại nguy cơ ung thư tại 10 làng ở các địa phương gồm: Hà Nội, Hà Nam, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Bình Định và Bình Thuận để người dân yên tâm.
Bộ Y tế cũng sẽ lập Hội đồng khoa học và mời Bộ Tài nguyên-Môi trường trình bày về kết quả điều tra để các thành viên Hội đồng đánh giá. Theo Bộ Y tế, để đánh giá nguy cơ ung thư tại 10 làng này phải dựa trên hai nhóm chỉ số. Một là tỷ lệ mắc bệnh tại những nơi này có vượt quá ngưỡng trung bình của khu vực, Quốc gia hay không. Hai là dựa vào nhóm nguyên nhân gây ung thư (gồm 4 nhóm nguyên nhân, đó là yếu tố vật lý, bệnh truyền nhiễm (vi rút HP gây viêm dạ dày dẫn đến ung thư dạ dày, vi rút HPV gây bệnh phụ khoa dễ dẫn tới ung thư cổ tử cung, vi rút viêm gan b nguy cơ gây ung thư gan…), ô nhiễm môi trường và thực phẩm).
Trước đó, liên quan đến thông tin về 10 làng ung thư này, ông Dương Chí Nam- Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trưởng y tế, Bộ Y tế cho hay, thời gian qua, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước Quốc gia (thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường) thực hiện dự án điều tra “Tìm kiếm nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh phục vụ cấp nước sinh hoạt cho một số “làng ung thư” của Việt Nam”. Kết quả điều tra đưa ra danh sách 10 làng nghi mắc ung thư có nguồn nước bị ô nhiễm nặng.
Ngay sau khi có thông tin về danh sách 10 “làng ung thư” có nguồn nước bị ô nhiễm nặng, Cục Quản lý Môi trường y tế đã chỉ đạo các Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, Viện Pasteur Nha Trang, Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng các tỉnh khảo sát, đánh giá tỷ lệ mắc ung thư và lấy các mẫu nước ăn uống, sinh hoạt để xét nghiệm. Kết quả khảo sát sơ bộ cho thấy tỷ lệ mắc ung thư tại 10 làng này tương đương với tỷ lệ mắc chung toàn quốc; Các mẫu nước ăn uống, sinh hoạt đều có hàm lượng chất hữu cơ, hóa chất bảo vệ thực vật và kim loại nặng nằm trong giới hạn cho phép. Như vậy, chưa thấy tỷ lệ mắc ung thư cao bất thường tại 10 làng được điều tra. Nguồn nước ăn uống, sinh hoạt của người dân tại các địa bàn điều tra chưa có dấu hiệu bị ô nhiễm bởi các tác nhân có khả năng gây ung thư. Do đó, chưa kết luận được có mối liên quan giữa các trường hợp mắc ung thư và chất lượng nước ăn uống, sinh hoạt của người dân tại các làng này.
Sau khi có kết quả khảo sát, Cục Quản lý Môi trường y tế đã họp với Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, Bệnh viện K Trung ương và các đơn vị liên quan thống nhất: Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước Quốc gia sẽ cung cấp toàn bộ hồ sơ của cuộc điều tra cho Cục Quản lý môi trường y tế để tiếp tục nghiên cứu, đánh giá. Hiện nay Bộ Y tế đang tiến hành thành lập Hội đồng khoa học cấp Bộ để đánh giá, đưa ra kết quả đánh giá khoa học cuối cùng và các khuyến nghị. Dự kiến thời gian họp vào tháng 2/2017. (Sức khỏe đời sống, Nông thôn ngày nay trang 2).